- 24 -
LÃO NÔNG TRI ĐIỀN

Liệu dậy muộn. Đêm qua có những điều ít liên quan đến sử học bám lấy ông, bắt nghĩ ngợi. Những đêm như thế ngày càng nhiều, càng mông lung càng thấy vô tích sự, sáng ra rất phờ phạc. Cuối cùng ông cũng “nén” được, thiếp đi. Đức dễ ngủ trời cho khiến Liệu hồi sức rất nhanh sau công việc, những quan hệ chả đơn giản chút nào.
 
Anh thư ký, tên là Hiến, trước là bò đội biên phòng, thấy ông đi xuống thì chào rồi báo: “Bác Phạm Văn Đồng hẹn bác lên sáng nay để bàn về Đề cương…”.
- Chết, sáng nay tôi bận.
- Nhưng Văn phòng Thủ tướng giờ họ mới báo.
- Nhưng tôi cũng có lịch của tôi chứ. - Liệu nóng lên nhưng thấy mình vô lý bèn ghìm lại. - Chú nói tôi đã xếp việc rồi, bảo họ hẹn hôm khác vậy? Hay là anh Đồng cứ tự xuống đây, tôi sẽ nghỉ để tiếp.
Rồi ông xách cặp đi sang Viện Sử, để anh thư ký, ngồi trầm ngâm. Giúp việc một người độc lập, khái tính quá quả không dễ. Nói thế nào với Văn phòng cấp trên đây…
 
Nhưng đúng là sáng nay Liệu có việc, và không muốn bỏ việc đó. Viện Sử mới tách ra từ ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa, thường làm những buổi sinh hoạt học thuật. Mỗi người được đề nghị chuẩn bị trình bày một đề tài, như Đào Duy Anh với văn hóa truyền thống, Cao Xuân Huy về Hán Nôm. Đó là những bậc túc nho thông kim bác cổ, nói rất có cái để nghe. Hôm nay, theo phân công, đến lượt một cán bộ nghiên cứu lớp sau nói về phương pháp luận. Lớp sau thì ít kinh nghiệm hơn, nhưng đối với người tự học mà nên như Liệu thì vẫn có nhiều cái mới đáng nghe. Họ có cái nghĩ khác mình, đọc những sách khác mình chứ. Đến lúc này, đứng đầu một cơ quan nghiên cứu, ông càng chiêm nghiệm rõ ý nghĩa cái câu tưởng đã mòn nhẵn đi rồi: “Tri thức là một hành trình liên tục”.
 
Hội trường nhỏ bên Viện đã khá đông. Liệu xin lỗi đến chậm rồi ngồi vào chỗ, giở sổ ra ghi chép. Người nói bắt đầu trình bày các quan điểm viết sử. Mỗi quan điểm chi phối một phương pháp, xuất phát từ mục đích viết, nhưng có những nguyên tắc chung mà đã là người làm khoa học thì không thể bỏ qua.
 
Ban đầu Liệu còn cắm cúi ghi, nhưng bất chợt nhìn lên trên, ý nghĩ ông lại bị lái sang hướng khác. Trước mặt là những mái đầu không còn một sợi đen, của dòng túc nho, nhô lên trên đôi vai đã khòng không. Những cán bộ nghiên cứu lứa sau, “muối” đã nhiều hơn “tiêu”. Bùi Đình Thanh, người ông xín đích danh tướng Đặng Kim Giang từ quân đội đang đều đặn “nhả tơ” dù đã có lúc phải nhọc mệt vì nghĩ khác trên khi đánh giá các giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Hồng Phong có những phát hiện trong cuốn “Xã thôn Việt Nam”, Nguyễn Danh Phiệt hằng cắm cúi với xứ Thanh…
 
Cạnh họ là những nghiên cứu viên đầu xanh bóng, vừa tốt nghiệp khoa Sử Đại học Tổng hợp ra hay từ Liên Xô về. Bao lâu nữa thì những mái tóc ấy bắt đầu thưa đi, ngả sang muối tiêu? Nghiệp sử làm người ta chóng già. Những Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn, Lê Văn Hưu đến độ “tứ thập bất hoặc” mặt mũi liệu có tươi tỉnh được? Những nho gia cắm cúi trong thư viện Quốc Sử quán triều Nguyễn liệu có thể trẻ trung hay gàn dở, cực đoan khi làm việc dưới trướng vua Tự Đức người ngắn một mẩu, uyên thâm và khe khắt? Đã làm ở Quốc Sử quán là khó độc lập lắm, dù đâu như, ở đâu đó, đã có cái quy tắc là nhà vua không được bước chân vào Quốc Sử quán, cũng tức là không được bắt bẻ, sửa sang những gì bọn sử gia chép. Đã chả có một câu chuyện nhà nọ có ba anh em, người đầu bị chém vì viết trái ý bậc chí tôn, người thứ hai vẫn bất tuân, đến người thứ ba thì… đó sao?
 
Như ông, khi thành lập Viện, đã được ngay bài học về tính tổ chức. Số đầu tiên của “Khoa học lịch sử” ra tháng 3 năm 1959 bị đình lại. Cái tên tập san do ông chọn đổi thành “Nghiên cứu lịch sử”, số đầu tiên chính thức ra với một vài thay đổi về bài vở. Liệu sôi lên nhưng đành chịu. Tổng Bí thư quyết cơ mà. Dù sao thì việc điều hành tập san chủ yếu vẫn ở nơi ông. Ngoài những nội dung chính chẳng còn gì phải bàn, nó vẫn tải được những bài “chông chênh tí chút”, như nhắc đến vai trò Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, hai nhà tư sản kỹ nghệ. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, thái độ của tập san không phải là sổ toẹt tất cả. Làm cho Tây nhưng báo họ vẫn đăng những bài có ý tứ cách mạng đấy thôi. Nhưng Liệu không thể “thể tất” cho Trần Trọng Kim; không phê thằng Tây thì còn ra cái gì…
 
Thông sử là một trong bốn bộ sách lớn mà lãnh đạo đất nước muốn làm ngay khi hòa bình trở về, cùng với Bách khoa thư, Từ điển tiếng ViệtLịch sử văn học Việt Nam. Nó sẽ là chuẩn mực về sử liệu, quan điểm cho những nghiên cứu khác dựa vào. Vị “Tổng tài Quốc Sử quán” của chính thể cộng hòa đầu tiên đã không ít lần lên cơn huyết áp vì công trình này. Ngay từ khi thành lập cơ quan nghiên cứu trong chiến tranh, Liệu đã nghĩ tới nó. Bây giờ, cáp trên chính thức giao nhiệm vụ biên soạn đề cương. Bản trình lên không được thông qua. Công trình qua tay một chủ biên khác, với nhóm cộng sự khác. Đó là mối bẽ bàng lớn?
May là trước, giữa và sau những cơn lên máu ngày càng mau, Liệu làm được nhiều việc. Lớp trẻ cậy vào ông và chính ông phải dựa vào họ.
 
“Lịch sử tám mươi năm chống Pháp” có những phản hồi tích cực trong giới. Người ta cảm nhận được trong đó tâm hồn dân tộc, sự từng trải của người viết. Và cũng không ít “giá mà” với “nếu như”… Cái câu “Lịch sử phải luôn luôn được viết lại” của Ănghen hẳn chưa phải gần gũi với Liệu. Nhưng cái điều “lịch sử phải công bằng, sòng phẳng” thì ông đã thể hiện ra được.
TRỞ LẠI VỚI THƠ
Đứng đầu cơ quan “Quốc Sử quán” của chế độ, có nghĩa là phải tấp nập với trước thuật. Viết những cái của riêng mình, đọc và nhận xét của anh em, đồng sự, chú ý đến đám trẻ…, đó là những công việc Liệu phải làm hàng ngày, thường là có ý thức, nhưng đôi khi là vô ý thức. Chẳng hạn buổi tối đi dạo thấy Chương Thâu, một sinh viên mới ra trường đọc sách dưới ánh đèn đường tù mù, vàng vọt ông gằn giọng đùa: “Cái thằng đồ Nghệ… Cái thằng đồ Nghệ…”, lửng lơ, chẳng ra khen chẳng ra nhận xét. Nhưng Chương Thâu thì nhớ, cho đến khi đã trở thành nhà nghiên cứu sử cận đại, “sở hữu” bao điều về Phan Bội Châu.
Những mối quan tâm khác: Lê Văn Lan, Nguyễn Linh hai nghiên cứu viên trẻ của Viện Sử học gặp tai nạn nghề nghiệp… Nằm trong tù, chắc chả phải khổ sở thiếu thốn lắm, Lê Văn Lan thêu trên miếng vải bông hoa xòe cánh, mấy chữ kính biếu bác Trần Huy Liệu, viền nó lại bằng những đường hoa văn rồi gửi “chiếc khăn tay” ra ngoài. Ngẫm nghĩ về tay nghề thêu ren đang lên của cậu nhân viên trẻ, Liệu thấy phát phiền. Lại đi tới đi lui, đến những địa chỉ này nọ xin bảo lãnh. Hai người được trở lại đời tự do, nhưng Linh bỏ nghề sử, đi rất xa về phía Nam sống, còn Lan vẫn theo đuổi cái nghiệp ngắm nghía chế độ phong kiến Việt Nam. Sang đến thế kỷ XXI, hình ảnh giáo sư Lê Văn Lan ngoại bảy mươi đầu xanh đen “bồng bềnh lãng tử” còn rất quen thuộc với người xem truyền hình.
Là người đứng đầu Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Liệu rất muốn xây dựng một mạng lưới nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý ở địa phương. Đi đến đâu, làm việc với cấp tỉnh xong, ông cũng cố gắng để thời giờ gặp gỡ những người có xu hướng đó. Nhiều khi chỉ là mươi lăm phút giữa hai cuộc họp, Có lúc xin phép người lãnh đạo kéo họ vào bàn ăn. Địa phương yêu cầu nói chuyện là ông nhận lời, cả những lúc rất mệt. Trước mặt là những thầy cô giáo, nhân viên tuyên huấn, cán bộ văn hóa, ông phải gieo vào họ tình yêu lịch sử, lòng tự hào dân tộc Những “hạt” sẽ rơi xuống, có cái “điếc”, nhưng thế nào cũng có cái nảy mầm, cho hoa trái sau này. Muốn “mùa màng” đảm bảo, phải có một tổ chức tập hợp họ. Những Hội Khoa học Lịch sử địa phương ra đời, Liệu chả thấy tiếc công sức để lập những “ngôi đền nhỏ” như thế ở tỉnh.
Nhưng chả được toàn ý. Ông lại phải ngồi rất nhiều “ghế”. Làm Thường trực Quốc hội, Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng, bên Mặt trận Tổ quốc…, đi giảng, nói chuyện liên miên. Được cái Liệu ngủ tốt, và biết phân phối thời giờ. Giữa hai cuộc họp, ông hí hoáy vài nhận xét vào sổ tay, trao đổi với tác giả có cách nhìn khác - những người làm ông thấy mình mới ra, như được trẻ lại. Đọc sách khi trên đang quán triệt cũng là một “thói hư” của Liệu, nhưng quả tình chả phải bao giờ ông cũng háo hức với những điều đáng phải nghe. Ông đã có quá nhiều cái nhìn riêng rồi mà… Những lời, những chữ cứ bay lượn trong thinh không hội trường, đáp xuống đâu đó quanh con người biết mình đã qua tuổi tráng niên, chạm vào vai, sượt qua mái tóc đốm bạc, rồi lả tả rơi xuống nền nhà…
Là Chủ tịch hội Việt - Trung hữu nghị, Liệu lại có cái nhìn khá xét nét về quan hệ đôi bên. Lần đi Trung Quốc, dự tiệc, Ngoại trưởng bên ấy là Trần Nghị ngồi cạnh ông hỏi nhỏ: “Các đồng chí Việt Nam có sợ chúng tôi không?”. Câu trả lời ra rất nhanh: “Các đồng chí cứ nhìn lại lịch sử”. Thân thiết với nhiều cán bộ “xét lại” trong Đảng, Liệu có bao nhiêu “thế” phải giữ gìn, nhất là từ khi Vũ Đình Huỳnh, Bùi Công Trừng “đi vắng”. Ông thấy chả được tự do khi nói, nhất là khi viết, đôi khi như có người giám sát. Mà ông có nhu cầu mơ mộng, ra lời những điều mình nghĩ. Thế thì chỉ có thơ, dù thơ chả phải cứu cánh lúc này.
Liệu làm thơ trở lại. Không hồn nhiên, thơ thới như xưa, bao điều không thể nói ra, nhưng những gì đã nói đều có thật trong tâm hồn ông. Làm sao ông có thể làm khác. Ông chỉ có thể “hộc ra thơ” kia mà. Thật ra thì nó đến cũng tự nhiên, chả phải thần hứng gì, vì trước hết ông là một người yêu nước những sự kiện, thắng lợi trong cuộc chiến đấu giành thống nhất cho dân tộc hay một thắng lợi về xây dựng ở miền Bắc đều làm ông nức lòng. Và là một con người có trách nhiệm, ông cũng chả muốn trút vào thơ những phiền muộn, canh cánh. Liệu ý thức điều đó.
Có điều, thơ thường ra khi ông không ở nhà. Giữa đất trời tự do, thiên nhiên thơ thới, xa cách những ràng buộc hành chính, ông thấy mình hồn nhiên hơn. Mộc Châu, Cúc Phương, sông Đa-nuýp ở Slovack, núi Kim Cương ở Bắc Triều Tiên đem lại những lai láng để ra thơ.
Nhưng ông thấy mình đã cứng lại. Lập ý tức là ra người già mất rồi còn gì. Những câu không đến nỗi vô hồn nhưng nhạt nhẽo hơn rất nhiều cái đoạn Ơ kìa cô gái sông Đen, non cao rùng thẳm con thuyền đợi ai còn trẻ. Thời gian khắc nghiệt thật, đã cho ông nhiều thứ, nhưng lại lấy đi sự nồng nàn, những cảm hứng “vô mục đích”. Và ngược lên giai đoạn thanh niên, sao mà Liệu có thể sôi sùng sục, nhiều nhiệt huyết tới liều lĩnh đến thế.
Thơ Trần Huy Liệu ở giai đoạn “trọng trách bề bề” rõ là đã không còn nhiều cái riêng như trước. Thời tù đày, ông còn có thể cười khúc khích trước một quan sát hóm hỉnh. Giờ thì không thế nữa. Thơ là sự thách đố lớn nhất. Khi đã trưởng thành, con người ta thường khôn ra, tỉnh táo, lịch lãm hơn, nhưng tiếc chừng nào cái chú bé ngơ ngác, dại khờ của một thời. Chả phải trong tiếng Pháp, tính từ prosaique - văn xuôi - còn một nghĩa khác là “tầm thường” đấy ư. Có nghĩa thơ mới khó nhất, là tột đỉnh.
Trần Huy Liệu có ý thức ra điều ấy không, chả biết được. Nhưng chắc chắn ông biết mình không làm thơ như một thi sĩ thuần túy. Ông là nhà tuyên truyền, làm lắm khi là để phục vụ. Đôi khi ông nói chí, dù chả khoái lắm cái quan niệm “thi dĩ ngôn chí” của nhà Nho. Nhưng ông đã nghĩ về thơ như nó phải là.
Liệu nhận được bản thảo tập “Thơ Sóng Hồng” của Trường Chinh, đang giữ những trọng trách lớn. Là người nghiêm cẩn, “đánh dấu chấm trên chữ I”, ông quan tâm, đồng thời có trách nhiệm lãnh đạo khối tư tưởng, khoa học xã hội. Sau những mật thiết thời lao lung, đến hòa bình, Liệu đụng nhiều “ca” với Trường Chinh. Nhưng thơ lại khác. Nó chả phải chính trị, học thuật, quan điểm nói ra có khắc nhau cũng đỡ đụng chạm hơn. Vả chăng, Liệu quen rồi cái thói “không nói ra thì thôi, đã nói thì đúng điều mình nghĩ”. Dầu sao giữa hai người còn rất nhiều liên hệ chung, bên tâm trạng xa lánh vẫn còn sự nể trọng. Liệu đọc kỹ tập bản thảo “Thơ Sóng Hồng”, cẩn thận đánh dấu, rồi trả lời.
Anh Trường Chinh
Hôm nay chủ nhật, tôi mới có thì giờ và cũng rất hào hứng ghi một số ý kiến sau khi đọc tập thơ của Sóng Hồng.
Như đã nói chuyện với anh tôi đọc tập thơ này, nói chung, thấy thích; nhưng tiếc rằng không có bài nào đọc thích từng câu, từng chữ từ đầu chí cuối mà nhà nho gọi là “toàn bích”, vì rải rác nó cử vấp phải những câu, những chữ kém thi vị. Anh đã nghe nhiều dư luận về tập thơ này chưa? Có thể có hai thiên hướng. Một cho rằng, anh có làm thơ thì cũng là “chiến sĩ làm thơ” thôi. Một số đông khác nghe nói anh làm thơ, thì ngạc nhiên nên tìm để đọc và vì biết tác giả trên mọi chưng diện khác nên sẵn sàng khen hay. Cháu Kính, con dâu tôi cũng vào loại ấy. Tôi còn nhớ trong một số báo tết của báo Tin tức bị cấm năm trước, có mấy bài thơ của Trần Đình Long([i]), tôi bằng lòng đăng nhưng vẫn cười rằng thơ theo kiểu “dùi đục chấm mắm cáy”, còn anh thì vừa đọc vừa gật gù khen hay. Tôi và Trần Đình Long cùng nháy nhau cười khúc khích…
Trở lại tập thơ đầu lòng của anh mới ra đời. Bài Cùng bạn đọc tôi không thích lắm vì nó có giọng chiến sĩ hơn là thi sĩ. Trước khi đọc, tôi cũng mang cái chủ quan là anh mạnh về ý chí mà nghèo về tình cảm nên làm thơ sẽ không hay. Nhưng đọc rồi thì thấy anh quả có một tâm hồn thơ. Một bài mà tôi thích nhất có lẽ là bài Nhớ bạn làm Nam Định mùa xuân 1927, vì nó thanh thoát, nhẹ nhàng, dạt dào tình cảm. Đọc bài ở căn cứ địa Việt Bắc, những câu trên nói lên được ý chí, khí phách, tình cảm rất thích, nhưng vấp phải câu: “Trường kỳ kháng chiến gian nan / Con đường cứu nước cứu dân sáng ngời” thì tôi bị cụt hứng. Bài Đi họp cũng có nhiều câu thú vị, nhưng thỉnh thoảng có những chữ kém vị, như “xuống đèo vừa mới tối”, và “thấp thoáng ở sườn non”? Hai chữ mới và ở nếu được đổi bằng chữ khác thì thú hơn. Bài Thư nhà, hai câu “Quê ta cải cách xong rồi đó / Tiền tuyến anh nên gắng lập công thì thật là lời nói chớ không phải là lời thơ. Trái lại, hai câu cuối cùng thì rất mộc mạc, rất nông dân và cũng không kém thi vị “diệt xong quân địch (sao không đề là quân giặc) về thăm vợ/ thăm ruộng, thăm làng, thăm bãi dâu”. Bài Dọc đường số 5 cũng là một bài hay và không có một “hạt sạn” nào làm mất thi vị. Bài ở Mạc Tư Khoa ra về làm năm 1960, tại sao không có một ý gì nhắc đến cuộc đấu tranh thông nhất Tổ quốc của ta và nhắc đến như nhân dân An-giê-ri anh dũng mà không nhắc đến cuộc trường kỳ không chiến còn nóng hổi của ta. Bài Gửi qua Bến Hải cũng như Thăm In-đô-nê-xi-a có những câu chưa hả lắm, nhưng cũng là những bài chứa nhiều thi vị. Bài Từ trên núi cao nhìn xuống Vĩnh Phúc, bên những câu rất thiết thực nhưng không kém thi vị, già dặn như “Mong sao biến được chí căm thù, thành lúa, thành ngô, mùa bội thu, thành mức chỉ tiêu, giờ cứu nước, thành đôi cánh mới vút trong mơ” và “ngói đỏ reo lên đời sống mới, cây rợp bên đường thôn Lạc Trung” - thì lại có không ít những câu chẳng thơ chút nào, như “Đường lối trung ương đã thấm rồi; then chốt thành công cần nắm vững, ăn thua phát động sức muôn người”, hay “Phù Lập làm phân thật khác thường, Phượng Trù thủy lợi đáng nêu gương. Chăn nuôi tập thể Hòa Loan giỏi”, hay “mong sao luyện tập cả ngày đêm, giặc đến là ta chặt cổ liền. Thuốc súng có khô(?) cây mới vững, sẵn sàng mọi mặt, phóng tâm thêm”, hay “Chiến đấu lại càng hăng sản xuất, quyết tăng tiềm lực diệt Giôn-sơn”, hay “Bến Tre xứng đáng với thành đồng, ta gắng thi đua kẻo phụ lòng, và “anh hùng Vĩnh Phúc về ra mắt”. Trong bài này anh có câu “Mong sao kỹ thuật thắng nhân tuần”, không hiểu anh dùng chữ nhân tuần theo nghĩa nào? Theo chữ nho thì nhân tuần là quen theo nếp cũ, lần chần, rề rà, lề mề… Bài Ngọn lửa Mô-ri-sơn kém gợi cảm vì chất thơ ít. Những câu như “vì cuộc đấu tranh tiêu cực của anh, đang truyền phẫn nộ cho quần chúng nhân dân”, hay “ đang thúc giục những ai có lương tri, phải bóp đầu suy nghĩ để tự trả lời… rồi ai nấy sẽ tìm ra câu trả lời đúng nhất”. Cố nhiên không phải là thơ. Bài Diệt phát xít là một bài diễn thuyết trước quần chúng hơn là một bài thơ. Những câu “Cứu cho nhau khỏi nô lệ dã man thời trung cổ, rồi tiến lên vác búa đập cho tan - Dân Việt Nam hỡi! Dân Việt Nam hỡi! - Thống nhất để tiêu trừ quân Pháp, Nhật… Chúng ta phải tham gia cùng chiến đấu… Gương anh hùng sáng rực cả non sông” có thể dùng làm bài văn vần tuyên truyền cho người ta dễ thuộc lòng. Cuối cùng là bài Quyết thắng, đọc cái tên của nó cũng có thể biết nội dung của nó. Nhưng có mấy câu về ý nghĩa, tôi thấy trong chỗ lực lượng đối sách giữa ta và địch, ta ngày càng mạnh hơn thì đây chưa phải đã là một quy luật nhất định. Và, câu “Sức triệu người là sức mạnh vô song” tôi e người ta đọc chữ triệu sẽ có ấn tượng là con số thì không đúng.
Trong những bài thơ trong tập, nếu đem ra đọc ngâm nga thì tôi thích bài Đi. Vì nó có nhiều ý thơ lại theo thể thơ Đường bốn câu. Những câu “Xao xuyên lòng anh bao ý thơ, muốn bắt quang âm ngừng lại chút, cho thêm nồng thắm những ngày xanh, lòng ta man mác, gió bay bay, câu chuyện tâm tình lẫn nước mây” thật là đẹp!
Bên những ý bạo, lời mới, tác giả cũng còn những ý những câu của một thời đương qua. Ví dụ: “Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng” trong bài Lấy củi, Hãy tạm ngừng gót hải hồ” trong bài Xuân đã về. Đọc những bài này, tôi nhớ lại những bài xướng - họa của Thu Tâm-Hải Khách([ii]) trong những năm 1933 - 1938. Nhất là câu “Buổi ấy ra đi chí khí hùng” trong bài Buổi ấy, tôi gợi nhớ lại những liệt sĩ U, Yên trong thời Xuân Thu chiến quốc!
 
Tôi muốn viết dài hơn nữa nhưng mấy hôm nay huyết áp hơi cao phải dừng lại. Nói tóm lại, tập thơ của anh đã nói lên được những Tiếng lòng của anh bên những tiếng đanh thép mà mọi người quen nghe. Chắc anh cũng cảm thấy vui và cũng muốn biết các bạn đọc thơ mình có ý kiến gì. Tôi đã làm cái việc mà tôi muốn làm. Anh ạ, tôi thì tôi muốn rằng các đồng chí của ta mỗi người mỗi việc, nhưng ai cũng phải biết thưởng thơ và nếu có thể được thì làm thơ cho tâm hơn được thư sướng hơn, đời sống mạnh mẽ và đậm đà hơn, có thể nói là yêu đời hơn.
Thân ái
Trần Huy Liệu
Tập “Thơ Sóng Hồng” ra đời với số bản in lớn, có bài được đưa vào sách giáo khoa. Báo chí khen. Các nhà phê bình nhấn mạnh mặt nội dung tư tưởng, một điểm mạnh của nhà thơ cách mạng. Tức là khác nhiều so với những nhận xét của Trần Huy Liệu. Ông có cứng quá, “gồng” mình lên để được tiếng dũng cảm trước lãnh tụ không? Hẳn là Liệu chẳng phải làm ra thế. Đơn giản là khi đối diện với thơ, ông thấy mọi người đều bình đẳng, ý kiến cá nhân là quan trọng nhất chứ không phải ý thức chấp hành kỷ luật. Thái độ tôn trọng, thành thật đó ra lối giữa hai người bạn cũ, được Trường Chinh trả lời bằng bức thư cũng rất tôn trọng.
Hà Nội
28-10-1966
Anh Liệu, cảm ơn anh đã cho những nhận xét về Thơ Sóng Hồng và đã nhặt cho một số hạt sạn trong tập thơ đó.
Lúc nào hứng lên mà có thì giờ hoặc cách mạng yêu cầu thì tôi làm thơ. Cũng ít có thì giờ suy nghĩ, chọn lọc hình tượng và mài giũa về lời thơ. Cho nên có nhiều hạt sạn trong thơ của tôi, đó là điều tất nhiên. Sau này nếu còn làm thơ tôi sẽ chú ý nhũng ý kiến của anh để tránh những cái mà trong thơ không nên có, tránh một cách tương đối thôi, vì dù sao giọng văn lý luận, văn chính luận của tôi cũng đã in ít nhiều dấu vết trong thơ tôi, và chủ quan mình quen đi rồi, cho nên tự mình cũng khó phát hiện những chỗ “ít chất thơ” của mình.
Có một cách là đưa các anh em nhà thơ xem giúp và góp ý kiến. Nhung sợ phiền các anh thôi, trong thư anh có vài điểm nhỏ tôi cần giải thích:
- Trong câu “Thuốc súng có khô cày mới vững” (bài Từ trên núi cao nhìn xuống Vĩnh Phúc), anh đánh một dấu hỏi sau chữ khô. Đây là tôi dùng cách nói Âu Tây. Nhân dân các nước Âu Tây thường nói “giữ thuốc súng cho khô” (tenir la poudre seche) nghĩa là phải luôn luôn cảnh giác.
- Trong câu “Mong sao kỹ thuật thắng nhân tuần”, chữ “nhân tuần” đây là theo nếp cũ, lề thói cũ kỹ, bảo thủ, lạc hậu, chữ Pháp là routine, ý tôi muốn nói cần mạnh dạn làm kỹ thuật, đừng bảo thủ.
Thưởng nhận xét về thơ (hoặc một thể loại nào đó) người ta nhận xét về tính tư tưởng và tính nghệ thuật. Nếu anh có thì giờ góp thêm cho về mặt nội dung tư tưởng nữa thì tốt.
Thân ái
Thận
Trường Chinh

[i] Trần Đình Long: Thành viên nhóm “Tin tức”, tờ báo Cộng sản giai đoạn 1936-1939.
[ii] Thu Tâm: Tức Phạm Thị Bách; Hải Khách: Một bút danh của Trần Huy Liệu.