- 25 -
CẢO XƯA GIỞ LẠI

Có câu “Văn là người”. Thế “Sử là người” thì liệu có đúng? Tức là cái cách nghiên cứu của một người nó “tố cáo” rất hùng hồn sở đoản, sở trường, tính cách, thậm chí nhân cách của anh. Như có người bảo đang chiến tranh phải đưa ra luận điểm Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người. Một người khác phán Tây Sơn có công thống nhất đất nước.
 
Liệu không đồng ý. Đấy là lối “cưỡng hiếp lịch sử”: điều bên văn người ta có thể làm nhờ cái quyền hư cấu. Nhà Nguyễn bán nước cho thực dân thật, nhưng chính họ mới là người mở mang bờ cõi đến chót cùng phía Nam chứ. Không đồng ý, nhưng cũng chỉ nói ra hờ hờ. Đằng sau lịch sử luôn luôn là nhu cầu phục vụ cách mạng. Sử hiện đại phải đáp ứng nhu cầu đó nhiều nhất, có nghĩa là nhà nghiên cứu ăn lương khó độc lập hơn…
 
Như Liệu, ông thấy mình mạnh nhất trong sử cận đại, “bơi lội” trong đó như con cá trong nước. Đọc “Dự thảo cách mạng cận đại Việt Nam” ông viết trong kháng chiến chống Pháp, một nhà sử học Liên Xô nêu vấn đề “sao chả thấy ghi xuất xứ tư liệu gì?”. Nghĩa là ngờ ngợ rồi. Tư liệu như không khí cho con chim vỗ cánh, “kéo” đến 800 trang mà chả ghi xuất xứ thì những sự kiện liệu có đáng tin và do đó, sự phán xét liệu có còn ý nghĩa…
 
“Xuất xứ trong đầu tôi đây này”, ông cười cười khi nghe người khác nói lại nghi vấn được bày tỏ thật lịch thiệp đó của đồng nghiệp Liên Xô. Nhưng không thể giải thích với tất cả những ai đã đọc sách ông và cũng nghi ngờ chính đáng như thế, nên chi, ông phải ghi nó ra thành chữ: “Do điều kiện và hoàn cảnh, tôi sống ngay trong lịch sử (cận đại) chứ không “tiếp xúc” với tư liệu”. Quả là Việt Nam Quốc dân đảng, đảng Thanh niên, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, ông đều đã trải cả rồi cơ mà. Trải và ghi lại hết, nhưng đã mất ráo, giờ thì cậy vào trí nhớ và “xin chịu trách nhiệm” vậy.
 
Cổ sử là địa hạt Liệu “bơi” cũng được, tuy chả thoải mái như sử cận đại. Tư liệu không dồi dào lắm, Và ông đâu có “sống” trong đó. Tốt nhất là nắm lấy từng thời điểm, nhân vật, sự kiện tiêu biểu mà mổ xẻ, Liệu làm thế với Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly… Nhưng sang đến sử hiện đại thì gặp khó rồi.
 
Phải dùng lý trí rất nhiều. Quá nhiều. Khoa học tất nhiên phải lý trí, nhưng dùng nó để gò luận điểm cho phù hợp sự chỉ đạo, hay nói chung chung để tránh sự đánh giá khác nhau của các vị, thì quá mệt, không làm còn hơn. Bản thân ông, cuộc đời “vắt” từ các trào lưu dân tộc sang cộng sản, luôn luôn có cách cảm nhận riêng biệt. Ghét Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, ông không thể phủ nhận những đóng góp của họ vào văn hóa, vai trò của tạp chí Nam Phong thời Nho tàn Tây học. Thời thế tạo ra con người, kể ra cũng mâu thuẫn thật. Và Liệu, khi nhìn vào những “khối”, những “búi” mâu thuẫn ấy, cố gắng không giữ những định kiến. Gặp gỡ, trò chuyện, nghe chuyên đề…, cái gì cũng đem lại một cái gì mới, khiến ông trẻ ra.
 
Hòa bình mới có ít năm, nhiều “nỗi”, “nhẽ” đã thay đổi nhanh quá, mà không phải nỗi nhẽ nào cũng lấy làm hay ho được. Xung quanh ông, thói quan liêu thư lại như cái màng nhầy ngăn cản sự thân tình. Những người vừa lội suối leo dốc trong kháng chiến với nhau bỗng ăn nói mập mờ, như “văn sách”, ngồi cả buổi chả rõ ý tứ ra làm sao.
 
Dưới cái vỏ “ý thức tổ chức”, lắm anh cố xóa bản ngã để tỏ lập trường. Tác dụng của những cuộc kiểm thảo, chỉnh huấn, cải cách dần dần hé ra khía cạnh tiêu cực. Trong chỗ đồng chí, chả nhẽ phải tiêu diệt cá nhân đi ư? Không được bộc lộ thì cái cá nhân vẫn còn đấy chứ chả chạy đi đâu cả, nguy nhất là khi con người ngụy trang nó lại. Nhiều lúc “nói to” ra một nhận xét, Liệu chợt nhận thấy người xung quanh không hiểu. “Không hiểu” thật hay làm ra bộ thế? Tình hình càng chật chội, nóng bức hơn khi cuộc đấu tranh trong phe xã hội chủ nghĩa giữa hai lập trường “xét lại” và “giáo điều” nóng ran lên, trong Đảng có những động tác tổ chức để điều chỉnh. Khối tư tưởng, trí thức bắt đầu ảnh hưởng, mà điều đó không thể không ảnh hưởng đến học thuật, thậm chí là sự ăn nói, sinh hoạt thường ngày. May là Liệu đã có một “khoảng gián cách” - dù là nhỏ nhoi - với cuộc đấu tranh trên kia.
 
Càng ngày Liệu càng thấm thía ý nghĩa cuộc tổng chỉnh huấn cán bộ mùa đông 1952 rét buốt.
 
Không có nó, ông đã không tìm được động lực mới cho cuộc đời mình. Từ một cán bộ u uất vì bị gạt khỏi quyền lực thực sự, ông được chuyển sang đèn sách, cái địa hạt hằng mơ từ hồi còn trẻ. Cuộc sống từ chỗ sôi động, luôn luôn giao tiếp sang thầm lặng, đánh vật với con chữ, hoang mang hay hồ hởi trước trang giấy trắng mênh mông có cái hay. Những thử thách đến từ chỗ người ta chẳng thể ngờ. Chẳng hạn, ở cương vị anh đảng viên trong Thường trực Quốc hội, Liệu nói năng, quan hệ gì cũng theo một cái “khung” rồi, sẵn thế cứ thế mà xử. Nhưng làm Viện trưởng Viện Sử mà không tường một chức Thị lang trong thời phong kiến nó ra thế nào là không được. Kiến thức, phương pháp, cách kiến giải… tự mình mình phải lo, thủng chỗ nào vá chỗ ấy, học lại từ những mấu mắt rất nhỏ. Khi đã làm một nhà sử học chuyên nghiệp, Liệu phát phiền vì còn phải kiêm nhiệm nhiều việc quá. Kèm theo những “ghề” ấy là bao nhiệm vụ, mình là đảng viên không thể thoái thác, không thể làm khác. Thật khó phân biệt giữa ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật, sự phân công của trên với thói thư lại hèn đớn, những toan tính chen chúc. Trong trật tự quan trường, Liệu thấy chật chội, khó xử bao nhiêu thì khi đối diện với học thuật, ông được thoáng đãng, khoáng đạt bấy nhiêu. Trước trang giấy, con chữ, có khi ông chỉ là hạt cát nhưng được đúng là mình, không phải phân thân ra trong trùng trùng khuôn khổ. Đấy, cái sự đăng đàn giảng giải, được cả trăm người lắng nghe, ghi chép, liệu có đáng so với nỗi thú vị hay hoang mang khi bắt đầu một chuyên đề nghiên cứu không? Đứng tên chuyên đề đó, ông phải tự chịu trách nhiệm, chả đoàn thể nào hộ được; cái tư cách cá nhân lúc này lớn lao biết nhường nào.
 
Mình bơi lội trong chính mình, cái biển mình nó mênh mông bao nhiêu…
 
Nhiều năm sau khi Trần Huy Liệu mất, có những điều người trong giới đem ra tranh luận với nhau về ông. Người anh cả, sáng lập ngành sử cách mạng, thì đã đành rồi, ai cũng nhất trí. Nhưng ông có tìm tòi gì về các quy luật của lịch sử không, hay chỉ là người tích lũy được tư liệu, “may mắn” ở tù, gặp gỡ nhiều chứng nhân mà nghe lắm chuyện rồi kể lại? Rất không dễ trả lời, tuy chỗ mạnh, chỗ yếu của Liệu đều “lên” khá rõ.
 
Văn Tạo, chàng thanh niên lên ban Sử - Địa - Văn mới thành lập trong kháng chiến chống Pháp, sau này là giáo sư Viện trưởng Viện Sử học, lý giải một phần vấn đề trong một cuộc nói chuyện ở Nam Định: “Tôi phải chứng minh ông rất muốn tìm những vấn đề, những quy luật, còn đến đâu thì ta phải đánh giá. Có 12 chỗ trước đây chúng tôi đã đặt ra: Dân tộc Việt Nam hình thành từ bao giờ, có chế độ chiếm hữu nô lệ không? Những tư liệu không thành văn có thuộc về lịch sử không? Phan Chu Trinh phản phong nhưng có phản đế? Lưu Vĩnh Phúc là gián điệp hay tiêu biểu cho tình hữu nghị Việt - Hoa? Nguyễn Trường Tộ là kẻ bán nước, chui từ tay áo cố đạo ra hay là nhà cải cách? Đó là những vấn đề phải tranh luận. Trần Huy Liệu đã đi vào, đi sâu, không “chuồn chuồn đạp nước”. Nhà sử học Liên Xô Gu-be cho là khi có chủ nghĩa tư bản dân tộc thì dân tộc Việt Nam mới hình thành. Ông Liệu bảo là dân tộc Việt Nam hình thành từ thế kỷ XVIII, đến thế kỷ XX mới thực sự hình thành, nghĩa là có quan điểm rõ ràng trong tranh luận, đúng bảo đúng, sai bảo sai. Tôi kể thế để bổ sung nhận thức ông là nhà sử học với đúng nghĩa của nó, chứ không phải là nhà sử ký. Sử ký là “chép”, chưa phải khoa học lịch sử”…
 
Liệu giữ một giáo trình nhỏ ở Đại học Tổng hợp, thấy rất thích mấy cán bộ giảng dạy trẻ ở đó: “Lâm - Lê - Tấn - Vượng” bên khoa Sử, còn khoa Văn có “Khánh - Mai - Cẩn – Kỵ”. Gọi “trẻ” là so với ông, chứ họ đều đã ngoài ba mươi, cái tuổi ít nhiều đã chín.
 
Trần Quốc Vượng tài hoa, giàu sức liên tưởng tuy không chắc chắn lắm. Phan Huy Lê sắc sảo, chín chắn. Sâu sắc là Hà Văn Tấn, xứng đáng là nhà nghiên cứu nhất. “Xuất phát” chưa lâu, nói chung họ còn hồn nhiên, có những kiến giải độc đáo, đúng sai còn phải bàn nhưng rất đáng nghe. Hôm trước, có dịp ngồi lâu với Trần Quốc Vượng, Liệu nghe thấy mấy chữ “xa rừng nhạt biển”. Đấy là nhận xét của Vượng về tính cách người Việt, đại loại mạnh tợn xó nhà, ra ngoài cứ khép lại. Cứ nhìn cái cách anh ta dịch chuyển trong mấy nghìn năm mà xem, từ mạn ngược di về đồng bằng rồi ở lì đó, có dám vươn ra biển đâu. Chuyện thôn tính phía Nam là có thật, nhưng anh ta cũng từ chối bang giao với mấy thằng mắt xanh mũi lõ từ biển đi tàu đồng tàu sắt vào. Anh ta khinh rẻ chúng không biết đạo Thánh hiền nên cứ tụt hậu, để khổ cho hậu duệ… Vượng cứ thế mà triển khai, móc nối cái này với cái kia nghe rất khoái, lắm khi phải trợn cả mắt lên. Thảo nào trong đám học trò khoa Sử, đã mấy cậu bắt đầu có “khẩu khí Trần Quốc Vượng” lắm.
Liệu về nhà trong tâm trạng không muốn động đến việc. Trầm tư, bần thần trong những ý nghĩ. Đâu như đã có lúc mình động đến những thói tật, tất nhiên là tiêu cực - của người mình rồi thì phải. A! Hồi còn trẻ, thật phóng khoáng, mình đã viết nó ra, có khác là dưới dạng những nguyên nhân làm mất nước (chứ không phải trong công cuộc xây dựng, phát triển). Đấy là “Một bầu tâm sự”, cuốn sách do Cường học thư xã ra ở Sài Gòn năm 1927.
Bị cấm truyền bá, phát mại và lưu trữ ở Trung Kỳ, nó lại làm Phạm Thị Bách, cô gái phố huyện Kim Thành, Hải Dương tâm phục, đem lòng yêu mến người viết. Liệu tiếc đứt ruột khi nhìn lên giá sách. Giá “Một bầu tâm sự” đang “đứng” đó, ông sẽ sẻ san được với Trần Quốc Vượng nữa…
Sau ngày Trần Huy Liệu mất ít lâu, Dương Kinh Quốc, một cán bộ nghiên cứu tìm thấy trong lưu trữ Thư viện Quốc gia Pháp cuốn sách trên, sang được một bản đem về. Giọng văn cổ, những trích dẫn đa phần trong sử ta hoặc sử Trung Hoa, nhưng cách nhìn khá mới. Trong chương một, “Nguyên nhân mất nước (câu chuyện quá khứ)”, Liệu đề cập đến những cơn cớ nội tại của người mình, nó khiến ngôi nhà dân tộc quá mỏng manh, thực dân vừa đụng đến đã đổ rụi.
Chính trị làm mất nước ta
Vua càng (được đề lên cao) quý bao nhiêu thì dân càng hèn bấy nhiêu…, gây nên cái chính trị đồi bại… Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nằng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo dân quyền gì nữa.
Hai mươi mấy triệu người tôn một người lên, rồi bảo rằng phải trung với người ấy. Người ấy bảo sống được sống, người ấy bảo chết phải chết, người ấy bảo phải thì phải, người ấy bảo quấy thì quấy, ta không hiểu cái chữ “Trung” là thế nào vậy… Vì vậy mà ngôn luận không được tự do mà ý kiến bế tắc toàn dân trong nước chẳng khác gì một bầy trâu, chỉ biết ăn no vác nặng, rồi tùy ở anh cầm cày bảo đi đâu thì đi thôi.
Văn học làm mất nước ta
… người Tàu bày ra lối thi cử nghiệp, để lựa lấy nhân tài ra hành chính. Người mình cũng bắt chước theo, gây nên cái tục lệ cho những sĩ phu trong nước, không phải học để làm người, mà chỉ học để làm quan…, chỉ còn lại một mớ từ chương, hư văn vô bổ… Đau đớn thay cái công phu ấy có phải học để nghiên cứu một cái khoa học gì, hay ôn nhuần một cái lý thuyên gì, hấp thụ một cái tư tưởng gì đâu, mà chỉ học thuộc lòng những cuốn sách và những bài vở người ta làm sẵn, chứa chất ở trong bụng, tới ngày thi thì nhả ra.
Luân lý làm mất nước ta
Trong đạo vua tôi có dạy rằng: bầy tôi phải thờ vua lấy trung, cùng là, vua là cha mẹ của dân, vua sai bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung. Luân lý dạy như thê, người trong nước tin theo như thế, gây nên cái chính thể chuyên chế…, gây cho quốc dân một lũ tôi tớ chỉ biết trung với vua… mà chôn mất bao người trung với nước.
… con thờ cha phải hiếu, đó là lẽ thường rồi. (Nhưng) Cái dân tộc đã mang một cái bệnh hèn nhát, lại nhiễm thêm cái chữ hiếu lầm lạc vào, gây nên cái tính khiếp nhược, còn mong chống chọi với đời được sao? Ngày nay ta thường tự phụ với các nước Âu Mỹ rằng: ta thua họ về đường vật chất, song hơn họ về đường luân lý, đạo đức. Song có biết đâu rằng cái luân lý đạo đức của mình nó đã táng bại lắm rồi.
Phong tục làm mất nước ta
… tục nước mình hay thiên trọng ở chốn hương thôn, quanh năm suốt tháng lẩn quẩn ở trong làng, chiếm được một chỗ ngồi nơi hương đảng đã lấy làm vinh dự, tranh nhau làm ông phó, ông xã, tranh nhau ăn trên, tranh nhau ngồi cao, chửi mắng, đánh đập, kiện tụng nhau… Cái câu “Hương đảng tiểu triều đình” cùng “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” luôn luôn ở cửa miệng… Ngoài cái làng ra không còn biết đến nước nhà là gì thế giới là gì… Nếu ai có chí muốn vùng vẫy ra ngoài, thì tin vào cái câu tục ngữ “Sảy nhà ra thất nghiệp”, không dám bước đi tới đâu. Vậy nên trong nước không những không có người nào ra ngoại quốc học tập, làm ăn, mà ngay đến trong nước, mỗi tỉnh, mỗi xử cũng coi như một thế giới riêng… Nếu có ai đi xa làm ăn không về thì nhiếc là “thằng bỏ làng”, ai lập nên công danh phú quý ở ngoài thì cho là “y cẩm dạ hành” (áo gấm đi đêm). Ấy cái phong tục của người mình như thế, còn mong đào tạo nên những hạng nhân vật cứng cáp, lịch duyệt đế công pha, gánh vác cho nước nhà, cho xã hội được sao?
Tổng luận
Cứ như cái chính trị ấy, cái văn học ấy, cái luân lý ấy cái phong tục ấy thì mất nước có đến trăm ngàn lần cũng đáng, há những một lần thôi ư?… Vậy mà ngày nay coi lại người mình thì hình như không biết cái bệnh của mình đã trầm trọng nguy nan…
Đọc lại những dòng này sau bốn chục năm, có khi Liệu cười khùng khục. Và rằng: “Kẻ tiểu sinh nào khí phách khá nhỉ. Ở tuổi tráng niên, nhà ngươi hăng hái lắm. Nhưng sống đến đận ta, ngươi liệu có thấy rằng cách mạng và chính trị rất khác nhau không?”.
TRÁNG SĨ MỘT ĐI…
Cái chết là sự kiện đặc biệt trong đời người. Có thể vô nghĩa, lại có thể vô vàn ý nghĩa, thì chả ai tránh nó được nào. Ở tuổi gần bảy mươi, Trần Huy Liệu hẳn phải nghĩ nhiều đến nó.
Một nhà văn “tổng kết” về ba cách chết thông thường. Một là từ từ, rất từ từ, ròng rã từ vài tháng đến cả chục năm, đông cứng từng bộ phận, trên thực tế là cái xác sống. Người thân rất mệt mỏi, đám tang sẽ ít nước mắt vì sự chuẩn bị đã quá kỹ.
 
Thứ nhì, cách thú vị nhất: là ốm trong một tuần, vợ con được tề tựu, chăm sóc, động viên, hy vọng rồi thất vọng. Sự ra đi sẽ mát mẻ, người ở lại an lòng vì đã không phụ người đi. Thứ ba, để lại nuối tiếc, ân hận nhiều nhất: bỗng nhiên đứt phựt.
 
Ông chọn cách thứ ba, dở dang nhất, đặt người ở lại trước ngổn ngang ứng xử. Ai sẽ thay mặt cơ quan điều hành đám tang với muôn ngàn rắc rối?
 
Linh cữu quàn ở trụ sở Mặt trận Tổ quốc trên phố Tràng Thi, tức là nghiêng về tư cách dành cho nhân sĩ, trí thức. Bà Tý nhất định không cho bà Sửu xuất hiện ở đám tang. Điếu văn phải đánh giá thế nào đây về con người đã từng trải qua những sự kiện rất lớn, sau này đốc chứng đa sự?
 
Cơ quan tổ chức tang lễ là Uỷ ban Khoa học xã hội và Viện Sử cứ rối bời. Ông giáo sư Phó chủ nhiệm Uỷ ban đến bàn bạc với đôi bên gia đình. Bà Sửu thỉu đi, chấp nhận đề nghị “không ra Tràng Thi, tránh một sự ồn ào rất có thể xảy ra để giữ gìn uy tín cho anh Liệu”. Cuối cùng mọi sự cũng xong. Nửa đêm, ông “gặp” lại người đàn bà đã làm trái tim mình loạn nhịp, đi đến những quyết định trái ý đoàn thể.
 
Tang lễ “tiến hành trọng thể” như báo chí đưa. Đằng sau là những chuyện không thể nói ra. Gia đình mỗi người mỗi tâm trạng. Trưởng ban tang lễ Hoàng Văn Hoan, được coi là “có lập trường thân Trung Quốc”, từ chối đọc điếu văn như lệ định. Thay mặt, lại là một người cũng chả xuôi chèo mát mái lắm với Liệu…
Trong cuộc đời sáu mươi tám năm, ít nhất Liệu đã bốn lần cảm thấy cái chết lạnh lẽo thế nào. Chuyến đi biển thời thanh niên với cụ Bùi Trình Khiêm, cú ngã xuống hang yến ở Côn Đảo, rồi máy bay đuổi dưới chân đèo Kháng Nhật. Trước đó mấy năm, ông lại trải qua cái chết lâm sàng mấy ngày, để rồi khi qua khỏi, đã tự giễu mình không được giống người tráng sĩ chống kiếm một đi không trở lại như trong câu thơ cổ. Cứ sau mỗi lần như vậy ông lại dai nhanh nhách, nghĩa là thấy yêu cuộc đời đa mang đèo bòng nhiều, ưu tư và hăng hái hơn.
Liệu có thói quen ghi nhật ký đều đặn, nhất là từ năm 1946, khi cuộc sống không còn mấy nguy hiểm. Hơn hai chục quyển sổ nhỏ, đa phần giấy xấu, ghi chi chít những chuyến đi, nhận xét, dự cảm. Đến những ngày hòa bình, tưởng như “tha hồ quan sát bản thân” được, thì thói quen ấy lại thưa dần rồi mất hẳn. Tâm trạng ngổn ngang, khó “gọi ra” được hơn ư? Hay cảm giác bất ổn? Có lẽ là cả hai. Không khí của những năm sáu mươi thế kỷ trước khá nặng nề với nhiều “lão thành”… Trong một kiểm điểm cuối đời, ông tự nhận “hàng ngày càng hay cáu bực”, “trong cách mạng giải phóng toàn tâm toàn ý, sang đến cách mạng dân tộc dân chủ phải dùng đến lý trí nhiều”… Hai tuần sau khi mất, có chiếc xe con đến 16 Phan Huy Chú thu hết nhật ký, lai cảo, bản thảo của Liệu về xem xét, để hai năm sau trả lại.
Văn tự về cuộc sống riêng, có lẽ là duy nhất lúc cuối đời lại xuất hiện dưới dạng khá tạm bợ, trong một cuốn sổ, lẫn với những tư liệu khác. Di chúc của Liệu nói mình không có tài sản gì để lại ngoài sách vở, sau này muốn được để vào chỗ lưu niệm. Sau phần về gia đình lớn, ông nhắc đến vợ hai là Nguyễn Thị Hy tức Sửu, có hai con là Quang và Chiến, muốn họ được cùng dự lễ tang mình.
Mùa hè năm 1969 không nóng lắm, Liệu làm việc như có ma đuổi. Ông vẫn khỏe, chỉ thỉnh thoảng đau đầu, ít ngủ hơn. Không ít xung động ngoài bàn viết ảnh hưởng. 27 tháng 7, ngày Thương binh Liệt sĩ, ông chuẩn bị bài nói rồi đến cơ quan. Cần phải động viên những ai có thân nhân ngoài chiến trường, nhắc nhở mọi người đừng quên xương máu chiến sĩ. Nhưng đó lại là một đề tài quá nhạy cảm. Bản thân ông có ba con trai đang tại ngũ, người con rể bác sĩ quân y vừa hy sinh, quá đủ cho một cơn kịch phát.
Đang nói người cứ ngả dần ra. Đưa vào viện đến đêm hôm sau thì tắt hẳn không trối lại một lời.
Đêm rằm tháng sáu của năm Kỷ Dậu đã chấm dứt cuộc đời sáu mươi tám năm “con người của thế kỷ” như ông tự đùa.
Gọi Liệu là “con người của thế kỷ” hẳn là không chính xác. Nhưng ông đã sống quá nhiều, trải qua những sự kiện, gặp gỡ những nhân vật chủ yếu cùng thời. Thế kỷ XX quá nhiều dòng chảy, lắm biến động, đứng ở thời điểm này, vị trí này nhìn một con người, một sự kiện sẽ thấy những đánh giá hết sức khác nhau, đôi khi mâu thuẫn. Nhưng có thể hình dung cuộc đời Trần Huy Liệu một cách đơn giản thế này chăng: giữa những “dòng”, “lạch” ấy, ông đã bơi quần quật, xô từ “bờ” này sang “bờ” kia, có chỗ đỗ tưởng là hợp, là yên ấm bỗng lại nóng ran, bất trắc, thế là lại tìm kiếm bến mới. Suốt đời lang thang giữa các chủ thuyết, ông đã thấy và chấp nhận những cái chỉ của riêng mình. Quần quật, nặng nợ, đơn giản là vì ông cứ sống hết mình. Nếu sống lại kiếp khác, chắc Liệu sẽ không chọn được một số phận thư nhàn hơn để “yên hưởng”.