Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 22
1957-1965

     iang Thanh đã thành cả một vấn đề rắc rối cho tôi. Tháng Tư trước khi Mao gọi tôi về không lâu, Giang Thanh từ Liên Xô trở về, ở lại Thanh Đảo với chúng tôi. Việc trị xạ bằng tia Cobalt 60 đã thành công, nhưng từ khi bị căn bệnh ung thư này, càng ngày càng bẳn tính. Chưa đầy hai ngày sau, đã đuổi hết đám tuỳ tùng của Mao ra khỏi lâu đài, vì bà không chịu nổi sự ồn ào do chúng tôi gây ra. Ngay cả tiếng giật nước trong cầu tiêu cũng khó chịu, bà chất vấn: “Ở đây ai cần nghỉ ngơi, các đồng chí hay tôi?”
Bà vẫn có hai bác sĩ phụ khoa chăm sóc. Tuy nhiên, từ cuối năm 1956 khi Hứa Đạo ra đi, không còn bác sĩ nội khoa nào chăm sóc bà, vì thế yêu cầu tôi. Tôi rất ngại, lấy cớ, nhiệm vụ của tôi chăm lo sức khỏe cho Chủ tịch, lại thường phải đi tháp tùng trong khi bà ít khi đi theo. Giang Thanh hiểu, nhưng vẫn yêu cầu tôi chăm sóc sức khỏe nếu cả hai gần nhau, nói:
- Thỉnh thoảng tôi mới cần đến đồng chí. Khi nào đồng chí không có ở đây, y tá của tôi có thể gọi điện cho đồng chí để xin đơn thuốc và chỉ dẫn cách dùng.
Tôi đành phải chấp nhận đề nghị của bà.
Chẳng bao lâu sau sự thoả thuận này đã gây ra bao phiền toái. sau khi chúng tôi bị đuổi ra khỏi lâu đài vài ngày, cô y tá của Giang Thanh gọi điện cho tôi. Lúc đó vào khoảng 11 giờ đêm. Trời mưa như trút. nhưng Giang Thanh vẫn muốn gặp tôi ngay. Giang bị ngạt mũi, khó thở. Qua điện thoại của y tá, tôi được biết mạch của bà vẫn bình thường, không sốt. Tôi bảo ý tá khuyên bà nên dùng thuốc chống dị ứng chữa ngạt mũi, hứa sáng hôm sau tôi sẽ đến ngay lập tức. Tôi không có ô tô và cũng chẳng muốn đội mưa chỉ vì cái mũi ngạt của Giang Thanh.
Vài phút sau chuông điện thoại lại reo. Giang Thanh tức tối, bảo cô y tá nói lại với tôi, một bác sĩ chưa hề thăm khám bệnh nhân đã kê đơn, đúng là vô trách nhiệm.
Tôi cũng bực mình. Lúc này đã khuya và Giang Thanh cũng biết rằng trời mưa rất to. “Bệnh” của bà chẳng có gì hơn là ngạt mũi sơ sơ, còn cách cư xử của bà chứng tỏ chẳng coi tôi ra gì. Tôi bảo cô y tá:
- Nếu đồng chí ấy không muốn, chẳng cần dùng loại thuốc nào cũng được. Ngày mai tôi sẽ đến.
Hôm sau Giang Thanh công khai trách tôi. Hai bác sĩ phụ khoa phải trở về Bắc Kinh, bà tổ chức một bữa tiệc để chia tay. Theo thông lệ, bữa tiệc phải có mặt tôi, nhưng bà cố tình lờ không mời và nói qua các nhân viên, đó là sự trừng phạt đối với lối cư xử tệ bạc của tôi. Còn tôi rất mừng. Phải dùng bữa với Giang Thanh là điều bất đắc dĩ. Bà ta thường uống thuốc trong bữa ăn. Khách mời buộc phải ngồi nghe giải thích từng loại thuốc, nào là thuốc chống tiêu hoá kém, thuốc bổ máu, viên bồi bổ thần kinh, các loại sinh tố. Người ta đến dự tiệc hy vọng được chiêu đãi của ngon vật lạ, nghe những câu chuyện phiếm vui vẻ hài hước, đằng này chỉ một mình Giang Thanh tuôn ra tràng giang đại hải những chứng bệnh bắt mọi người nghe, làm mất cả hứng.
Rồi đến lượt Mao bị cảm. Ở Thanh Đảo tháng 7 tiết trời vẫn lạnh và mưa. Mặc dù vậy, sáng nào Chủ tịch cũng đi bơi ở bãi tắm riêng ở Sơn Đông. Sau cuộc họp đảng, ông bị ho, ăn kém ngon, hay bị mệt. Những loại thuốc Tây của tôi cũng vô hiệu, nên mấy ngày sau tôi không cho dùng nữa. Bí thư thứ nhất tỉnh Sơn Đông – Trụ Đông, đã thuyết phục Mao để cho bác sĩ Lưu Huệ Mẫn, một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng về đông y cổ truyền Trung Quốc ở Vân Nam điều trị.
Lần đầu tiên Mao sẵn sàng chịu điều trị theo phương pháp y học cổ truyền. Ông chẳng tin vào y học Trung Quốc lắm, mặc dù bề ngoài vẫn cổ vũ, khuyến khích, nhưng ông lại ghét thứ nước sắc từ thảo dược vừa nóng vừa đắng, vốn là phương thuốc nổi tiếng của phương pháp điều trị truyền thống này. Vì bệnh cảm nặng làm ông khó chịu, nên quyết định thử dùng một lần xem sao. Mao bảo tôi:
- Đồng chí không muốn tôi uống thêm thuốc Tây, thôi được, tôi uống thuốc đông y thử xem sao.
Tôi chưa nắm được công dụng thuốc Đông dược Trung Hoa, nhưng những phương pháp điều trị bằng cây cỏ cũng có vẻ mang lại hiệu quả. Cũng có lần, bố tôi được một bác sĩ nổi tiếng của Trung Quốc chữa khỏi bệnh bằng phương pháp này sau khi cách điều trị bằng y học phương Tây bất lực. Tôi nghĩ Mao cũng nên thử chữa bệnh bằng phương pháp này. Mao bảo:
- Thôi được, cừ mời bác sĩ đến điều trị, nhưng dưới sự kiểm tra của đồng chí đấy.
Bác sĩ Lưu Huệ Mẫn, 60 tuổi, một người cao lớn, gầy gò, giản dị và trung thực. Mao đón tiếp ông rất ưu ái, như mỗi khi ông đón tiếp những người mới gặp gỡ lần đầu. Ông giài thích ý nghĩa của tên của người bác sĩ:
- “Huệ Mẫn” có nghĩa người mang lại hạnh phúc cho mọi người. Xin bác sĩ hãy mang lại hạnh phúc cho tôi bằng sự điều trị của bác sĩ.
Bác sĩ bắt mạch và khám lưỡi Mao. Ông nói với vẻ quan trọng. “Chủ tịch bị cảm nhập tâm. Chúng ta phải cho Chủ tịch uống thuốc giải cảm”.
Mao biết rằng ông bị cảm lạnh, chẳng cần phải nói, ông chỉ muốn được chữa khỏi bệnh, nói: “Tôi chẳng hiểu gì về y học Trung Quốc. Đồng chí hãy bàn với bác sĩ Lý về cách điều trị”, rồi bỏ đi.
Bác sĩ Lưu tỏ ra cung kính cúi đầu vái Mao theo truyền thống cổ xưa, sau đó tôi đưa ông và Trụ Đông vào phòng bàn cách chữa bệnh cho Mao.
Bác sĩ Lưu muốn sắc hai hỗn hợp thảo dược để Mao uống trước khi đi ngủ. Sau đó Mao phải chùm kín bằng chăn dày để ra mồ hôi. Tôi biết Chủ tịch sẽ chẳng ưa gì cách chữa bệnh theo kiểu này. Ông không thích thuốc đắng, chỉ thích ở những nơi mát mẻ và thích đắp chăn mỏng.
Mao đành chấp nhận đề nghị của tôi:
- Được, tôi sẽ thử một lần xem sao.
Vợ ông Trụ Đông chuẩn bị thuốc. Tôi kiểm tra thành phần của thuốc và khẳng định thuốc là vô hại. Vì thứ thuốc này không thể mang đi kiểm tra mức độ an toàn kỹ lưỡng ở Phòng Kiểm tra thuốc của Phó Liêm Phương, tôi phải đảm bảo thuốc an toàn với Ban y tế trung ương ở Bắc Kinh trước khi sử dụng. Mao có hệ thống điện thoại đặc biệt, khoảng 6 hay 8 đường dây, trực tiếp nối với Ban an ninh Trung Nam Hải, tôi sử dụng một đường dây trong hệ thống này để báo cáo. Ban chấp hành trung ương bảo, đồng chí Trụ Đông là uỷ viên trung ương, kiêm bí thư thứ nhất của tỉnh Sơn Đông, người bác sĩ do Trụ Đông tiến cử là người đáng tin cậy. Nhưng Ban chấp hành trung ương băn khoăn làm sao có thể đảm bảo thuốc không độc.
Cuối cùng, bốn thang của thứ thuốc này đã sắc ra được một loại nước đắng mầu nâu sẫm. Một thang được niêm phong và cất giữ cho Ban y tế trung ương. Sau đó tôi và Trụ Đông lấy mình làm những con thỏ thí nghiệm để nếm thử loại thuốc này. Khi không thấy có triệu chứng ngộ độc nào, mới đưa Mao uống thứ thuốc đó.
Mao đã trải qua một đêm khổ sở, mồ hôi vã ra dưới lớp chăn dày và hôm sau ông vẫn không hề thấy đỡ. Bác sĩ Lưu thuyết phục Mao tiếp tục dùng thuốc.
Vào buổi sáng ngày thứ ba, Mao vẫn không thấy đỡ. Bác sĩ Lưu bắt mạch và khám lưỡi Mao. Ông nghĩ Chủ tịch đã khỏi bệnh.
Nhưng Mao lại nghĩ khác. Ông vẫn ho và sổ mũi. Những triệu chứng vẫn như cũ và ba ngày tiếp theo vẫn không có một dấu hiệu bình phục nào.
Bác sĩ Lưu kinh ngạc, khám lại cho Chủ tịch lần nữa. Lần này ông kết luận nguyên nhân bệnh tật của Mao không phải do cảm, mà do suy nhược nói chung. Ông kê một toa thuốc gồm hồn hợp nhân sâm và những thảo dược truyền thống của Trung Quốc để tạo ra cho Mao sự cân bằng về dữ trữ dinh dưỡng. Đó là những loại thảo dược thông thường theo cách đĩều trị của Trung Quốc, tôi thấy toa thuốc vô hại nên chẳng có ý kiến ngăn cản việc kê đơn. Ngay cả Ban y tế trung ương cũng đồng ý, bốn thang lại được sắc. Tôi và Trụ Đông lại tiếp tục làm những con thỏ thí nghiệm.
Tình trạng sức khỏe của Mao vẫn chẳng khá hơn chút nào trước sự kinh ngạc của vị bác sĩ kia. Tôi cho rằng, một nơi có khí hậu ấm áp hơn sẽ giúp Mao và tôi cũng chẳng tin vào phỏng đoán của Trụ Đông là khí hậu ẩm ướt, lạnh sẽ thay đổi hàng ngày. Cuối cùng tôi đề nghị Mao trở lại Bắc Kinh. Ông đồng ý. Đầu tháng Tám, khi chúng tôi chưa tới Trung Nam Hải, sức khỏe của ông đã khá hơn nhiều.