Trần Huy Liệu là một con người “đa hệ”. Về mặt văn hóa, bắt đầu từ Nho giáo, ông chuyển dần sang tân học. Về “nhân thân xã hội”, trước sau ông là người dân tộc trong căn cốt, dù là trong phong trào Thanh niên, Quốc dân đảng hay là người Cộng sản. Nghề nghiệp thì chuyển từ làm báo sang nhà tuyên truyền, gần cuối đời đi viết sử, tức là chỉ có thể dính đến chữ nghĩa. Sinh năm 1901, ông thường nói (nửa) đùa mình là con người của thế kỷ XX. Dầu sao, đời ông gắn với những trào lưu chính yếu nhất của nước Việt trong 100 năm đó: Nho tàn, Tây học, chủ nghĩa Tam dân, hệ tư tưởng Cộng sàn… Đây là những điều tôi muốn phản ánh trong sách này. Tất nhiên chúng chưa đầy đủ, càng chưa đầy đủ khi muốn nói đến nguyên cớ những hành xử chọn lựa của ông. Do đó, có thể nó bắt đầu cho một quá trình khác, phải bổ sung, tranh luận…Trần Huy Liệu viết nhiều. Nhưng do tù đày, chiến tranh và nhiều biên cố khác, sách vở, các bài báo in trước năm 1954 của ông không còn. Trong tay người viết chỉ còn lại những tác phẩm sau, in sau năm 1954: “Lịch sử tám mươi năm chống Pháp”, “Nguyễn Trãi”, “Lịch sử Thủ đô Hà Nội” (chủ biên), “Thơ, “Hồi ký”. Những lai cảo, ghi chép, bài báo… không còn bao nhiêu, và cũng không quy về một chỗ. Trong tay tôi hiện còn một phần nhật ký, chủ yếu ghi trong kháng chiến chống Pháp, bản tổng kiểm thảo năm 1952, vài bức thư, ghi chép vụn vặt. Và sách “Những ngày xa xưa ấy” của bà Thu Tâm in ở Mỹ năm 1996. Những phần trích (in nghiêng) trong sách này có chú văn bản gốc.TRẦN CHIẾNTháng 9/2006 - tháng 10/2007