Chương 27

Đến năm 1927, bác sĩ Men-sân ở E-bơ-re-lo đã có một tiếng tăm hiếm có. Số người đăng ký chữa bệnh ở chỗ anh không thật đông, danh sách bệnh nhân của anh không tăng thêm nhiều kể từ những ngày đầu gian nan khi anh mới đến thị trấn. Song tất cả các khách bệnh của anh đều tin tưởng tuyệt đối ở anh. Đơn thuốc anh cho không ghi nhiều thứ thuốc – đúng vậy, anh có một cái nếp không ai tưởng tượng nổi là khuyên người bệnh tránh dùng thuốc men, nhưng khi cần đến thuốc thì anh lại cho liều lượng rất cao. Không phải là hiếm cái cảnh người dược tá Ghết-giơ-rê bước qua phòng đợi, cắm cúi nhìn đơn thuốc ở tay:
- Thế này là thế nào, bác sĩ Men-sân? Sáu mươi grên (#1) ka-li brô-mua cho E-vân Giôn à? Trong dược điển chỉ ghi có năm.
- “Sách đoán mộng của cô Kết-tơ” ghi như vậy đó, cứ pha sáu mươi grên đi, bác Ghết-giơ ạ. Đánh quỵ được E-vân Giôn thì bác thích lắm cơ chứ.
Nhưng bệnh nhân động kinh E-vân Giôn không bị quỵ. Trái lại, một tuần sau, những cơn động kinh của ông ta bớt đi và người ta thấy E-vân Giôn đi chơi trong công viên.
Hội đồng lẽ ra phải quý bác sĩ Men-sân lắm thì mới phải bởi vì mặc dầu có những đơn thuốc cho liều cao nhưng liều thuốc mà anh cấp cho bệnh nhân nói chung không bằng một nửa so với bất kỳ một bác sĩ phụ tá nào khác. Nhưng than ôi, En- đru lại làm cho Hội đồng tốn về các khoản khác gấp ba lần tiền thuốc, và nhiều khi làm nổ ra những vụ tranh cãi về chuyện này. Ví dụ, En- đru dùng nhiều đến các loại thuốc tiêm chủng và huyết thanh, những thứ thuốc tốn tiền mà như lời Eùt Chen-kin nóng nảy nói, trong Hội đồng không một ai được nghe nói đến bao giờ. On- Oen bệnh vực Men-sân, ông dẫn ra ví dụ: trong một tháng đông nọ, anh dùng thuốc tiêm chủng của Boóc- đê và Gien-gu (#2) chặn được một trận dịch ho gà ác liệt ở khu anh, trong khi ở tất cả các khu khác, trẻ em mắc bệnh ấy la liệt. Nghe thấy vậy, Eùt Chen-kin bác lại: “Làm sao có thể biết được đó là do tác dụng của thứ thuốc mới ấy. Này ông, khi tôi hỏi chính anh ta thì anh ta bảo là không ai có thể dám nói chắc”.
En- đru có nhiều bạn bè tốt, nhưng anh cũng có nhiều kẻ thù. Ơû Hội đồng, có những người không bao giờ tha thứ hẳn cho anh về cơn giận và những câu nói đốp chát của anh trong chuyện cái cầu khi Hội đồng họp phiên toàn thể ba năm về trước. Cố nhiên, họ có bày tỏ nỗi thương cảm với hai vợ chồng En- đru về sự mất mát ấy, song họ không thể tự nhận họ là kẻ chịu trách nhiệm. Hội đồng không bao giờ làm một việc gì hấp tấp. On- Oen lúc bấy giờ đang nghỉ. Len Ri-sớt được giao làm việc ấy thì lúc bấy giờ đang mắc vào việc xây dựng dãy nhà mới ở phố Pâu-Uýt. Trách cứ họ là vô lý.
Với thời gian, xảy ra nhiều chuyện va chạm giữa En- đru với Hội đồng bởi vì anh cứ cứng đầu cứng cổ hành động theo hướng đi riêng của anh mà Hội đồng không thích. Ngoài ra, người ta lại còn có đôi chút thành kiến tôn giáo đối với En- đrụ Cơ-ri-xtin thì thường xuyên đi lễ thì thường xuyên đi lễ nhưng người ta không thấy anh đến nhà thờ bao giờ - bác sĩ Oác-xbo-râu là người đầu tiên nêu lên nhận xét ấy – và nghe nói anh đã cười giễu thuyết rửa tội toàn thân. Thêm vào đó, anh đã gây cho mình một kẻ thâm thù trong giới giáo sĩ, đó chẳng phải là ai khác ngoài mục sư giáo phái Xi-nai Et- đoen Pe-ri.
Mùa xuân năm 1926, một hôm vào lúc đã khuya, lão Et- đoen đức hạnh, vừa mới cưới vợ xong, lẻn đến phòng khám bệnh của En- đru với một vẻ rất ngoan đạo nhưngười vẫn đượm một phong thái đỏm dáng trần tục.
- Chào bác sĩ Men-sân! Tiện qua đây tôi rẽ vào chơi thăm bác sĩ. Theo nguyên tắc thì tôi là khách bệnh của bác sĩ Oác-xbo-râu; ông ấy là một con chiên trong giáo khu tôi và trạm xá khu Tây của ông ấy lại gần nhà tôi. Nhưng bác sĩ Men-sân ạ, ông là một người rất tiên tiến về mọi phương diện, ông tinh tường tất cả những điều mới mẻ. Cho nên tôi rất vui mừng nếu ông có thể chỉ bảo cho tôi chút việc này – cố nhiên tôi sẽ trả tiền công kha khá. - Et- đoen che giấu một đôi chút ngượng ngịu của thầy tu dưới một vẻ thành thực trần tục – Bác sĩ ạ, nhà tôi và tôi chưa muốn có con ngay vì khoản thu nhập của tôi hiện nay, cứ như hiện nay là…
En- đru nhìn lão mục sư với con mắt lạnh lùng, ghê tởm. Anh điềm đạm nói:
- Ông không biết rằng có những người đồng lương chỉ bằng một nửa số thu nhập của ông mà họ sẵn sàng chịu mất đi hẳn một bàn tay để có một đứa con à? Ông lấy vợ để làm gì? - En- đru bỗng tái người giận dữ – Mời ông ra khỏi đây, mau lên, con chiên ghẻ của Chúa.
Mặt méo xệch đi một cách kỳ quặc, Pe-ri chuồn thẳng. Men-sân nói có lẽ quá nặng. Song đó là vì sau lần ngã tai hại ấy, Cơ-ri-xtin không bao giờ sinh nở được nữa, mà hai người thì vô cùng ao ước có con.
Ngày 15 tháng 5 năm 1927, trên đường về nhà sau buổi đi thăm bệnh, En- đru tự hỏi vì cớ gì anh và Cơ-ri-xtin còn ở lại E-bơ-re-lo từ ngày đứa con của hai người không sống được. Câu trả lời khá đơn giản: vì công trình nghiên cứu bệnh nhiễm bụi của anh, nó thu hút anh, lôi cuốn anh, gắn chặt anh với hầm mỏ.
Điểm lại những gì đã làm được, xét đến những khó khăn mà anh đã phải khắc phục, En- đru ngạc nhiên sao anh đã không phải mất thêm nhiều thời gian hơn để hoàn thành những tìm tòi của anh. Những nghiên cứu ban đầu của anh, bây giờ sao chúng có vẻ xa xưa về thời gian và cả về kỹ thuật đến thế.
Sau khi xét nghiệm lâm sàng đầy đủ thể trạng phổi của tất cả các loại thợ trong khu và xếp loại kết quả, Men-sân đã có bằng chứng rõ ràng là bệnh phổi phổ biến hơn rõ rệt trong thợ khai thác than. Chẳng hạn, anh nhận thấy chín mươi phần trăm trường hợp phổi bị xơ hóa là ở các mỏ An-thra-xít. Anh còn thấy tỉ lệ tử vong vì bệnh phổi trong giới thợ già đã làm việc tại các mỏ than an-thra-xít cao gần gấp ba tỷ lệ tử vong của thợ các mỏ than đá nói chung. Anh kẻ một loạt biểu đồ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh phổi trong các loại thợ khác nhau ở các mỏ than an-thra-xít.
Tiếp đến, anh bắt tay vào việc chứng minh rằng bụi xi-lích mà anh đã phát hiện thấy trong đờm thực tế có mặt tại các lò chợ. Anh không những đã chứng minh thành công sự có mặt đó mà bằng cách đặt các tấm kính xét nghiệm có bôi một chất nhựa trong suốt tại những khu vực khác nhautrong mỏ than vào những thời điểm khác nhau, anh còn ghi được những con số khác nhau về mật độ bụi. Những con số này tăng vọt lên trong thời gian đục vỉa khấu than.
Bây giờ anh đã có một loạt phương trình lý thú liên hệ giữa mật độ bụi xi-lích quá cao trong không khí với tỉ lệ quá cao về số người mắc bệnh phổi. Nhưng thế chưa đủ. Anh còn thực tế chứng minh rằng bụi này có hại, nó phá hủy các mô phổi chứ không phải nó chỉ có một hiệu ứng phụ vô hại về sau. Anh thấy cần phải một loạt cuộc xét nghiệm bệnh lý ở chuột lang để nghiên cứu ảnh hưởng của bụi xi-lích đối với phổi của chúng.
Trong vấn đề này, càng làm việc anh càng say sưa. Tuy nhiên anh lại bắt đầu vấp phải những khó khăn thực sự. Anh đã có một gian phòng bỏ không làm phòng thí nghiệm. Chuột lang rất dễ kiếm, và dụng cụ thí nghiệm cũng đơn giản. Tuy En- đru rất giàu óc sáng tạo, nhưng anh không phải là một nhà bệnh lý học và sẽ không bao giờ trở thành một nhà bệnh lý học được. Anh bực bội khi nhận ra điều đó, nhưng anh lại càng quyết tâm hơn bao giờ hết. Anh nguyền rủa cái tổ chức y tế nó buộc anh phải làm việc đơn độc. Anh phải nhờ Cơ-ri-xtin đỡ anh, dạy nàng cách cắt và chuẩn bị các thiết đồ, những động tác máy móc mà chẳng bao lâu nàng đã làm giỏi hơn anh.
Tiếp đến, En- đru xây dựng một cách rất đơn giản một phòng bụi, trong đó anh đặt những con vật thí nghiệm vào từng giờ nhất định trong ngày và giữ riêng những con vật khác tại một nơi khác làm vật đối chứng. Đây là một việc dễ làm người ta nóng nảy bực tức, nó đòi hỏi một sự kiên nhẫn quá sức anh. Chiếc quạt máy nhỏ để quạt bụi bị hỏng hai lần. Đến giai đoạn then chốt trong cuộc thí nghiệm thì anh lại xáo trộn mất hệ thống đối chứng nên phải làm lại từ đầu. Nhưng mặc dầu có những chậm trễ và sai sót, En- đru cũng đã thu được những tiêu phẩm chứng tỏ sự hư hại của phổi và hiện tượng xơ hóa phổi vì bụi qua từng giai đoạn tiến triển.
Đến lúc bấy giờ En- đru mới hít một hơi dài hài lòng, không rầy la Cơ-ri-xtin nữa và sống dễ chịu được mấy ngày. Nhưng rồi anh lại nảy ra một ý kiến mới và lại hùng hổ lao vào.
Mọi việc nghiên cứu tìm kiếm của anh đều tiến hành với giả thuyết cho rằng phổi bị hư hại là do sự tàn phá cơ học của những hành tinh thể xi-lích sắc cạnh hít phải gây ra. Nhưng đến bây giờ, En- đru lại bất ngờ nảy ra câu hỏi không biết còn có thêm một sự tác động hóa học nào nữa ngoài sự kích thích vật lý của các hạt bụi không. Anh không phải là một nhà hóa học, nhưng đến lúc này, anh đã đi vào việc quá sâu rồi, không thể cho phép mình chịu thất bại được nữa. Anh vạch ra một loạt thí nghiệm mới.
Anh lấy xi-lích ở dạng keo đem tiêm dưới da cho một con vật thí nghiệm, kết quả là chỗ đó bị áp-xe. Anh nhận thấy cũng sinh ra những áp-xe tương tự khi tiêm dịch xi-lích không kết tinh vốn không phải là một chất kích thích về mặt vật lý. Mặt khác, anh lại thấy tiêm một chất có kích thích về cơ học như những hạt bụi các-bon thì hoàn toàn không gây áp-xe. Từ đó, anh đi đến kết luận:bụi xi-lích có hoạt tính hóa học.
Đầu óc En- đru quay cuồng vì mừng rỡ phấn khởi. Anh đã thu được kết quả cao hơn mức đề ra. Anh sốt sắng tập hợp các dữ kiện, sắp xếp lại những kết quả thu được trong ba năm lao động. Mấy tháng trước, anh đã quyết định không những sẽ công bố công cuộc nghiên cứu của anh mà còn lấy nó làm luận án thi tiến sĩ y khoa. Khi nhận được từ Ca- đíp gửi về tập luận án đánh máy, đóng gọn ghẽ, bìa xanh nhạt, En- đru say sưa đọc rồi kéo Cơ-ri-xtin cùng đi gửi bưu điện. Nhưng sau đó anh lại rơi vào tâm trạng chán nản.
En- đru cảm thấy mệt lử, kiệt sức. Anh nhận thức rõ hơn bao giờ hết anh không phải là một người thích hợp với công việc xét nghiệm, và phần giá trị nhất, phần hay nhất trong công trình của anh là giai đoạn nghiên cứu lâm sàng ban đầu. Anh đau khổ vì ân hận khi nhớ lại anh đã hay nóng nảy tức giận với người vợ tội nghiệp của anh như thế nào. Có nhiều hôm liền, anh sống lờ phờ, mất hết nhuệ khí. Dẫu vậy, vẫn có những lúc tươi sáng trong đó anh biết rằng dù sao anh đã hoàn thành được một công việc có giá trị.
------------
Chú thích:
(1-) Đơn vị trọng lượng Anh = 0,0648g.
(2-) Boóc- đê: thầy thuốc Bỉ, tìm ra vi khuẩn ho gà, được giải thưởng Nô-ben năm 1919.
Gien-gu: thầy thuốc Pháp.