Chương 47

Sự hoà giải giữa hai người là sự việc kỳ diệu nhất xảy ra với họ kể từ ngày họ bắt đầu yêu nhau. Sáng hôm sau, chủ nhật, nằm cạnh Cơ-ri-xtin, En- đru ngỏ hết nỗi lòng với nàng, anh cứ kể lể, kể lể mãi như thể trước kia anh đã quên mất những năm tháng đã quạ Bên ngoài là không khí yên tĩnh của ngày chủ nhật, tiếng chuông nhà thờ êm ái thanh bình. Nhưng tâm trạng En- đru thì không được thanh bình. Anh không ngừng rên rỉ:
- Tại sao anh lại hư đốn đến thế? Anh đã hoá điên hay sao, hả em, Cơ-rít? Anh không tưởng tượng nổi khi anh nhìn ngoảnh lại. Ai lại đi câu kết với bọn ấy... sau khi đã được biết Đen-ni và Hốp. Trời! Anh đáng tội chết lắm.
Cơ-ri-xtin khuyên giải anh:
- Chuyện ấy xảy ra như một cơn lốc, anh ạ. Ai cũng có thể bị nó cuốn đi.
- Không phải thế, em ạ. Nhưng anh phải thành thực nói rằng anh cứ điên đầu lên khi nghĩ đến chuyện ấy. Lại còn làm khổ em biết bao nhiêu trong suốt thời gian đó. Trời, anh đáng bị chết băm chết vằm.
Cơ-ri-xtin mỉm cười, thực sự nhoẻn miệng cười. Được thấy gương mặt nàng rũ bỏ vẻ dửng dưng lạnh lùng, lại trìu mến hân hoan và ân cần, đối với anh thật là tuyệt vời. Anh nghĩ: ôi, lạy Trời, cả hai vợ chồng đều sống lại.
- Chỉ có một việc cần làm. – En- đru nhíu hai hàng lông mày giao nhau với vẻ quyết tâm. Tuy người còn nôn nao song bây giờ anh cảm thấy vững mạnh, rũ sạch được mọi ảo vọng đã làm cho đầu óc anh u mê và sẵng sàng hành động. – Chúng mình phải đi khỏi đây. Anh bị lún quá sâu, Cơ-rít ạ, quá sâu rồi. Bất kỳ góc phố nào ở đây cũng nhắc nhở anh đến những việc làm bậy bạ của anh, và biết đâu anh lại chẳng bị lôi kéo lại. Chúng mình có thể dễ dàng nhượng lại phòng khám cho một người khác. Úi cha, Cơ-rít ạ, anh vừa mới nảy ra một ý nghĩ tuyệt diệu!
- Sao, anh của em?
Nét căng thẳng trên vầng trán dịu bớt, En- đru nở một nụ cười ngập ngừng, trìu mến với nàng.
- Em đã không gọi anh như vậy từ bao lâu rồi? Anh thích em gọi anh như thế biết chừng nào. Ừ, anh biết, đáng đời anh lắm... nhưng thôi em nhé. Đừng để anh lại nghĩ đến những chuyện cũ mãi, Cơ-rít ạ. Cái ý nghĩ mà anh vừa nói với em, cái kế hoạch ấy, nó nảy ra trong óc anh lúc anh tỉnh dậy sáng naỵ Anh đang kinh tởm nghĩ lại việc Hem-tơn nó rủ rê anh lập ra cái nhóm hợp tác bất lương của nó... thì bỗng anh nảy ra ý nghĩ, tại sao lại không lập ra một nhóm hợp tác chân chính?... Em hiểu không, Cơ-rít, ngay ở một thị xã nhỏ, ta cũng có thể lập ra một bệnh viện, một nhóm bác sĩ hợp tác với nhau, mỗi người làm việc theo sở trường của mình. Vậy thì, em ạ, anh đã không đi với bọn Hem-tơn, Ai-vơ-ri và Phrít-men, thì tại sao anh lại không đi với Đen-ni và Hốp lập ra một nhóm ba người làm ăn trung thực? Đen-ni sẽ chịu trách nhiệm về mọi công việc phẫu thuật – em biết là anh ấy giỏi ngoại khoa lắm chứ? Còn anh thì đảm đương phần nội khoa, và Hốp là nhà vi khuẩn học của nhóm! Em có thấy cái lợi không, mọi người làm việc theo sở trường của mình và phối hợp các hiểu biết của mỗi người lại với nhau. Chắc em còn nhớ những ý kiến của Đen-ni – và của anh nữa – chỉ trích chế độ bác sĩ đa khoa ở nước ta chứ: người bác sĩ đa khoa lúc nào cũng phải mò mẫm và lảo đảo vì phải gánh đủ mọi thứ trên vai. Không cách nào giải quyết sao? Tổ chức các bác sĩ lại làm việc thành từng nhóm, đó là giải pháp, giải pháp tốt nhất. Nó là hình thức trung gian giữa tổ chức y tế nhà nước và những cố gắng lẻ loi đơn độc. Ở nước ta, sở dĩ không có hình thức đó chỉ là do những kẻ ăn trên ngồi chốc muốn nắm mọi thứ trong tay... Em thử nghĩ xem có tuyệt vời không, nếu như chúng mình có thể lập một đơn vị xung kích nho nhỏ... không chê trách vào đâu được về mặt khoa học... và cả về mặt đạo đức nữa. Nó là một đội ngũ những người tiên phong tìm cách phá vỡ những định kiến, lật nhào những điều nhảm nhí đã ngự trị từ trước đến nay; nó có thể là một cuộc cách mạng đối với toàn bộ các tổ chức y tế ở nước ta.
Má áp vào gối, Cơ-ri-xtin nhìn En- đru với đôi mắt long lanh.
- Nghe anh nói làm em nhớ lại những năm tháng xa xưa. Em không nói hết được nỗi vui mừng của em. Ôi! Như là làm lại tất cả từ đầu. Em sung sướng quá, anh yêu ạ, hết sức sung sướng.
- Anh có nhiều lỗi lầm phải chuộc lại. – En- đru rầu rầu nói – anh đã sống như một kẻ ngu ngốc. Tồi tệ hơn một kẻ ngu ngốc. – En- đru áp tai lên trán. – anh không thể quên được ông Ha-ri Vai-lơ tội nghiệp, và thực ra anh cũng không muốn quên, cho đến khi nào anh thực sự làm được một việc gì chuộc lại lỗi lầm của anh. – En- đru bỗng lại rên rỉ – Em ạ, trong việc này, anh có tội không kém gì Ai-vơ-rị Anh không khỏi nghĩ rằng anh đã rũ tay một cách quá dễ dàng. Rũ tay như vậy xem ra là điều không phải. Nhưng anh sẽ làm việc cật lực, em ạ. Anh tin rằng Đen-ni và Hốp sẽ đến giúp sức anh. Em biết tư tưởng họ đấy. Đen-ni khao khát trở lại cuộc đời vất vả sôi nổi của người thầy thuốc thực hành. Còn Hốp, nếu chúng mình dành cho anh ta một phòng thí nghiệm nho nhỏ để anh ta có thể nghiên cứu riêng ngoài việc điều chế huyết thanh cho chúng mình thì anh ta sẽ đi theo chúng mình đến bất kỳ chỗ nào.
En- đru nhảy xuống giường và sải dài chân đi lại trong phòng với dáng điệu sôi nổi trước kia, bị giằng xé giữa hai tâm trạng, hân hoan nghĩ đến tương lai và hối hận nghĩ đến quá khứ, cân nhắc các ý kiến, trong đầu đầy những nỗi lo lắng, những niềm hy vọng, những ý đồ, kế hoạch.
- Anh có nhiều việc phải giải quyết lắm, Cơ-rít ạ, và nhất là có một việc phải rất chú trọng. À, em này, đợi anh viết mấy bức thư xong... và chúng mình ăn trưa xong... em có thích về nông thôn với anh một buổi không?
Cơ-ri-xtin ngước mắt hỏi:
- Nhưng anh còn bận?
- Bận cũng đi được, em ạ. Thực thà mà nói, anh có một gánh nặng ghê gớm trong lương tâm về bệnh tật của Me- Ơ-rị Ở bệnh viện Vích-to-ri- Ơ, nó không khá lên và anh chưa chú ý thật đầy đủ đến nó. Thơ-rơ-gút không quan tâm đến nó một chút nào và không hiểu đúng bệnh nó, ít ra là không hiểu giống anh. Cha mẹ! Nếu xảy ra chuyện gì với Me- Ơ-ri sau khi anh đã nhận trách nhiệm với Côn về nó thì anh sẽ phát điên lên mất. Nói về bệnh viện của mình như vậy thật đáng sợ, nhưng sự thực, Me- Ơ-ri sẽ không bao giờ khỏi bệnh tại bệnh viện Vích-to-ri- Ơ này đâu. Phải đưa nó về nông thôn, về nơi có không khí trong lành, về một nhà điều dưỡng tốt.
- Thực hả anh?
- Vì vậy, anh muốn chúng mình cùng đến chỗ Xtin-men. Bệnh viện Ben-lơ-vuy là một cơ sở xinh xắn nhất, tuyệt vời nhất mà người ta có thể hy vọng tìm thấy. Anh mà thuyết phục được ông ta nhận Me- Ơ-ri vào viện, thì anh không những hài lòng mà còn cảm thấy mình đã thực sự làm được một việc có ý nghĩa.
- Thế thì chúng mình sẽ lên đường ngay khi anh chuẩn bị xong. - Cơ-ri-xtin nói với giọng dứt khoát.
Mặc quần áo xong, En- đru xuống dưới nhà, viết một bức thư dài cho Đen-ni và một bức thư cho Hốp. Anh chỉ còn phải đến thăm ba bệnh nhân có bệnh thật sự nữa thôi. Anh bỏ thư trên đường đi thăm các bệnh nhân đó. Rồi ăn sáng vài miếng lót dạ xong, En- đru và Cơ-ri-xtin lên đường đi Oai-cơm.
Mặc dầu tâm trí En- đru còn căng thẳng, xúc động, song anh cảm thấy hạnh phúc với chuyến đi này. Hơn bao giờ hết, anh có một niềm tin vững chắc rằng hạnh phúc là một trạng thái bên trong của con người, tuần túy về tinh thần và không phụ thuộc vào những của cải vật chất – dù cho có kẻ nào chế nhào thì cứ mà chế nhạo. Suốt trong những năm tháng gần đây, thời gian anh bon chen theo đuổi tiền tài địa vị và đã thành đạt trên mọi mặt vật chất, anh tưởng rằng anh có hạnh phúc. Nhưng thực ra, anh không hạnh phúc. Anh đã sống trong một tâm trạng mê sảng, cái gì cũng thèm khát, cũng muốn có ngày một nhiều hơn. Tiền bạc – anh cay đắng nghĩ – tất cả chỉ vì đồng tiền bẩn thỉu! Ban đầu, anh nghĩ chỉ muốn kiếm được một năm một nghìn bảng. Khi đạt được số tiền đó, anh vội ấn định ngay con số gấp đôi coi là con số tối đạ Nhưng khi con số tối đa ấy cũng đã đạt được, anh vẫn thấy chưa thoa? mãn. Và cứ thế tiếp tục, lòng ham muốn mỗi ngày một tăng và cuối cùng nó đã làm hại anh.
En- đru nhìn sang Cơ-ri-xtin. Nàng đã phải khổ sở bao nhiêu vì anh! Nhưng bây giờ, giả sử anh muốn có sự xác nhận quyết định của anh là đúng, thì anh chỉ cần nhìn gương mặt ngời sáng đã đổi khác của nàng là đủ rõ. Nay không còn là một gương mặt xinh tươi nữa vì đã in những dấu vết của thời gian và nước mắt, vì đã có những vết nhăn quầng đen ở đuôi mắt và một chỗ hõm mờ mờ trên đôi má trước đây đầy đặn tươi mát. Nhưng đây là một gương mặt bao giờ cũng êm đềm và ngay thật. Vẻ ngời ngời hiện trên gương mặt ấy tươi sáng và xúc động đến nỗi En- đru cảm thấy lòng quặn đau vì hối hận. Anh thề suốt đời sẽ không bao giờ có một hành động gì khiến nàng phải sầu muộn thêm nữa.
Đến Oai-cơm vào khoảng ba giờ chiều, hai người rẽ vào một con đường nhỏ đi lên mỏm đồi qua La-xi Gơ-rin. Vị trí của bệnh viện Ben-lơ-vuy thật đẹp: nằm trên một quả đồi nhỏ mà lại được chắn gió phương bắc, nhìn xuống hai thung lũng hai bên.
Xtin-men thân mật đón tiếp họ. Con đường nhỏ nhắn này kín đáo, không khoa trương và ít khi bộc lộ nhiệt tình. Tuy nhiên, ông tỏ sự vui mừng được En- đru đến thăm bằng cách giới thiệu với hai vợ chồng anh tất cả vẻ đẹp và giá trị của bệnh viện do ông sáng lập.
Sau khi đưa hai vợ chồng En- đru đi xem hết một lượt, Xtin-men mời họ ngồi uống trà. Lúc bấy giờ En- đru mới đột ngột đưa ra đề nghị của mình.
- Ông Xtin-men ạ, tôi rất ngại phải nhờ vả ai – Cơ-ri-xtin không giữ được một nụ cười khi nghe câu nói lâu nay không được dùng đến này – nhưng tôi buộc lòng phải đến nhờ ông nhận cho tôi một bệnh nhân vào nằm ở đây, không biết có được không. Một trường hợp lao sơ nhiễm có thể phải chữa bằng cách bơm khí màng phổi. Đây là con gái một người bạn thân của tôi, một người cũng trong ngành y, một nha sĩ... Ở chỗ cô ấy điều trị hiện nay thì bệnh không mấy thuyên giảm...
Một vẻ gì như thích thú ánh lên trong con mắt xanh nhạt của Xtin-men.
- Có thực ông nói ông muốn gửi một người bệnh đến chỗ tôi phải không? Tôi nghe không nhầm đấy chứ? Các bác sĩ thường không gửi bệnh nhân của họ đến đây đâu. Ông quên mất rằng ở đây tôi là ông lang băm quản lý một nhà điều dưỡng bịp bợm, loại thầy thuốc bắt bệnh nhân của mình phải đi chân đất trong sương trước khi cho họ ăn sáng món cà-rốt sống à?
En- đru không cười.
- Tôi không muốn ông giễu tôi, ông Xtin-men ạ. Tôi nói hết sức nghiêm túc về trường hợp cô gái này. Tôi rất lo ngại cho bệnh cô ấy.
- Nhưng e rằng cơ sở của tôi kín chỗ mất rồi, ông bạn ạ. Mặc dầu các hội y học nước ông không có thiện cảm với tôi, song danh sách những người chờ vào nằm ở đây đã dài tới một sải taỵ Kể cũng lạ! Người ta muốn tôi chữa cho họ bất chấp cả ý kiến của các bác sĩ.
- Thôi được! - En- đru lẩm bẩm. Lời cự tuyệt của Xtin-men làm anh vô cùng thất vọng – Tôi trông đợi nhiều ở ông. Nếu Me- Ơ-ri được vào đây thì chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm, yên tâm. Nói thật chứ, chỗ ông là cơ sở điều trị tốt nhất ở Anh. Tôi không nói nịnh ông đâu. Tôi hiểu rõ điều tôi nói. Cứ nghĩ đến cái phòng mà chán Me- Ơ-ri hiện đang nằm tại bệnh viện Vích-to-ri- Ơ, dán chạy sột soạt trong lớp gỗ bọc chân tường thì...
Xtin-men cúi xuống cầm một khoanh bánh mì cặp thịt và dưa chuột để trên chiếc bàn thấp trước mặt. Ông có những điệu bộ khác người, gần như kiểu cách, khi cầm đến vật gì, như thể ông vừa mới rửa tay hết sức cẩn thận xong nên sợ bẩn tay.
- Đây có phải là một vở hài kịch ngộ nghĩnh nho nhỏ ông diễn cho tôi xem không?... Không, không nên nói thế nhỉ. Tôi thấy rõ ông đang lo lắng. Vậy tôi sẽ giúp ông, tuy ông là bác sĩ, song tôi vẫn nhận bệnh nhân của ông – Xtin-men hơi nhếch môi trước vẻ mặt ngơ ngác của En- đrụ – Ông thấy đấy, tôi là người rộng rãi. Tôi không e ngại giao dịch với giới nhà y khi cần thiết. Tại sao ông không cười? Tôi đùa đấy mà. Không sao. Dù cho ông không có ý thức hài hước, nhưng ông vẫn sáng suốt hơn hầu hết các đồng nghiệp của ông nhiều. Để tôi xem nào... Phải một tuần nữa thì tôi mới có giường trống. Hôm nay là thứ tư, vậy thứ tư tuần sau, ông đưa cô gái ấy đến đây, tôi hứa sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm cho cô ta.
Mặt En- đru ửng đỏ vì biết ơn.
- Tôi không biết nói thế nào để cảm ơn ông.
- Vậy xin ông đừng cảm ơn nữa. Và đừng có lễ độ quá thế. Tôi thích ông những khi ông sắp sửa muốn quăng quật một cái gì. Này, bà Men-sân ơi, ông ấy ở nhà có hay ném bát đĩa vào bà không? Tôi có một người bạn thân ở Mỹ, chủ của mười sáu tờ báo. Mỗi lần ông ta nổi nóng là y như rằng ông ta đập vỡ một cái đĩa năm xụ Thế rồi một hôm...
Ông ta kể cho hai vợ chồng nghe một câu chuyện dài mà En- đru thấy hết sức nhạt nhẽo.
Nhưng trên đường về nhà, trong không khí mát mẻ buổi tối, En- đru trầm ngâm nói với Cơ-ri-xtin:
- Dù sao, thế cũng là xong được một việc, Cơ-rít ạ, và anh cũng bớt được một nỗi nặng trĩu trong lòng. Anh tin rằng đó là nơi thích hợp với Me- Ơ-rị Xtin-men là một tay cừ khôi. Anh rất thích ông tạ Bề ngoài không có gì đáng chú ý, nhưng bên trong là thép cứng đấy. Anh không biết liệu bọn anh – Hốp, Đen-ni và anh – có bao giờ có được bệnh viện kiểu đó không... dù là nhỏ hơn. Một ước mơ viễn vông, em nhỉ. Nhưng biết đâu đấy. Anh đang nghĩ rằng, nếu Đen-ni và Hốp đến hợp lực với anh, và tất cả chúng mình kéo nhau về tỉnh nhỏ, thì chúng mình có thể ở khá gần một khu mỏ nào đó để anh có dịp lại tiếp tục công cuộc nghiên cứu bệnh nhiễm bụi của anh. Ý kiến em thế nào hả Cơ-rít?
Thay cho câu trả lời, nàng ngả người sang phía En- đru, và làm một điều rất nguy hiểm trong lúc đi xe trên đường – nàng hôn anh thắm thiết.