Dạo này trong Khu Bài Lao lại nổi lên dư luận " Bác sĩ Huy thất tình". Hai người y tá đang trao đổi chuyện "thời sự" ở cuối hành lang: - Chị có thấy ông Huy nhà mình cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn không? - Không tự tử là may! - Sao vậy? - Bị cho leo cây chứ sao. Ai biểu dại gái, con nhỏ Thảo ghê lắm bồ ơi. Vừa lúc, Hiền, bạn Thảo đi qua, nàng góp chuyện: - Mấy chị không biết đâu, ly kỳ lắm. - Chuyện làm sao, nói cho bọn này nghe với. Hiền kể cho hai người nghe rành mạch diễn biến mối tình như chính mình là người trong cuộc. Hiền kết luận: - Bên tám lạng bên nửa cân, không ai kém ai, nghĩa là một canh bạc huề. Thế nhưng, dư luận vẫn cho rằng bác sĩ Huy thua đậm. Ra khỏi sòng bạc mà người như mất trí thì rõ ràng là cháy túi rồi. Sau khi đánh điện báo Nam biết Má đã về nhà, Thảo viết thêm một lá thư dài, ý chính là nàng muốn thu xếp mọi chuyện rồi vào thăm Nam. Thảo chờ xem Nam trả lời thế nào. Ðây là bài toán sẽ cho hai đáp số. Nếu Nam không để Thảo đi, tức Nam có chuyện riêng tư. Ngược lại, Thảo có dịp chứng tỏ tình yêu chung thủy của mình. Trong yêu đương lắm khi chỉ một sơ hở nhỏ cũng đủ làm sụp đổ cả lâu đài tình ái đồ sộ nguy nga. Bà Ðàm sau mấy tuần về nhà đã khỏe hẳn ra. Thảo rất yên tâm. Chỉ mỗi cái khó xử là khi gặp Huy ở Bệnh viện, nhưng thỉnh thoảng thôi. Khu Tim trái đường với Khu Bài Lao nên hai người ít đụng nhau. Coi như giông tố đã dịu dần, cảnh vật từ từ trở lại bình thường. Tất nhiên là phải có sự hư hao mất mát. Thảo biết Huy là người hứng chịu nhiều nhất. Ðôi lúc Thảo cũng muốn làm cái gì để chia xẻ sự mất mát đó với Huy. Nhưng, chuyện tình không như chuyện buôn bán nên khó làm một việc ý nghĩa cụ thể. Thời gian là phương thuốc hay nhất để làm lành vết thương lòng. Thảo thấy tốt hơn, hai người nên tránh gặp nhau. Nhận được thư Nam, Thảo vui hí hửng. Nam đã vạch cho nàng một chương trình trong dịp lễ phục sinh sắp tới. Ngày lễ rơi vào thứ hai, họ xin phép nghĩ sáng thứ bảy, tức được ba ngày. Nam sẽ đón Thảo tại ga Ðà Nẵng, rồi đi chơi núi Ngũ Hành...thăm phố Hội An. Thảo rất bằng lòng, Thảo xin nghỉ bệnh thêm ngày thứ ba để được thong thả hơn. Sáng thứ bảy Thảo lên ga sớm, trong khi xếp hàng chờ lấy vé, bao nhiêu người qua lại nhìn trộm nàng. Thảo thùy mị mà kiêu sa trong tà áo tím. Mặc dầu không nhìn lại, Thảo biết hết những ai nhìn mình. Nguyên cả nhà ga chỉ có mỗi chiếc áo dài tím, làm sao mà thiên hạ không bị thu hút. Lên tàu, Thảo tìm một chỗ ngồi cạnh cửa sổ, vừa thoáng vừa dễ ngắm cảnh vật bên ngoài. Tàu chạy một lát thì nhân viên đi soát vé. Hàng ghế ba người, hai người ngồi ngoài, anh nhân viên chỉ liếc sơ, đến Thảo, anh cứ cầm vé nhìn lui nhìn tới, không chịu trả. Thảo biết ông này kiếm cớ nên hỏi xẳng một câu: - Vé giả hay sao vậy chú? Anh soát vé đỏ mặt, trả vé, bỏ đi một lèo. Ði chơi với nhau một ngày, thấy ngày qua nhanh như chớp, ngồi tàu ba tiếng đồng hồ, lâu ơi là lâu. Thảo giết thì giờ bằng cách ngắm cảnh bên ngoài, không bỏ sót thứ gì, từ cây cỏ bên đường đến làng mạc xa tít ở chân trời. Lúc tàu qua đầm Ðá Bạc, Thảo nhìn mấy chiếc thuyền mỏng manh nhấp nhô giữa trời nước mênh mông, một sự liên tưởng đến thân phận người con gái làm cho Thảo rùng mình. Qua đèo Hải Vân, trời quang đãng hơn, ấm hơn. Cách nhau chỉ một con đèo mà khí hậu sai biệt thấy rõ. Nghĩ đến lúc gặp Nam, Thảo vừa vui vừa hồi hộp. Thảo mở túi xách lấy chiếc gương nhỏ, trang điểm lại đôi môi. Tàu từ từ vào ga, tim Thảo càng đập mạnh. Thảo tự cười mình: "Làm như về nhà chồng". Thảo nhường cho mọi người xuống trước. Ðiều kỳ cục là người ta, những đàn ông, thanh niên, cứ rề rề bên Thảo chứ không chịu đi. Thảo nhìn qua cửa sổ xem Nam đứng đâu. Lướt qua một lượt không thấy Nam, rà lại cũng không thấy. Thảo lo lo, hay có chuyện gì. Khách xuống đã hết, Thảo đành xách hành trang đi về phía cửa tàu. Thảo toan bước xuống thì thấy Nam đang nháo nhác ngóng cổ tìm. Thảo dừng lại xem Nam làm gì, chàng chạy lui chạy tới dòm ngó các toa. Thảo vừa buồn cười vừa thương. Thảo bước xuống sân ga, giả vờ như vô tình đi về phía Nam. Lúc nhận ra Thảo, Nam chạy ào tới, toan ôm Thảo, nàng kịp đưa cái túi xách lên chận lại. Nam thở hổn hển vừa phân bua: - Anh bị trễ xe, tìm hoài không thấy em đâu. Mặc áo đẹp vầy sao em không báo cho anh biết trước? - Em muốn thử cặp mắt anh. - Dễ sợ, vừa thôi nghe. Bây giờ mình ra ngoài ăn trưa rồi tính. Em có mệt không? - Không mệt mà thấy lâu quá, ngồi một chỗ đơ cả chân. Nam tay xách đồ tay dắt Thảo ra khỏi ga. - Anh thả tay em ra kẻo người ta nhìn, kỳ lắm. - Kỳ gì, nắm tay mình chớ tay ai mà kỳ? - Thôi ông ơi! Tuy nói thế, Thảo vẫn để Nam nắm tay dẫn đi. Lòng thấy hay hay, tưởng như mình còn bé dại. Nam đưa Thảo đến một hiệu ăn tương đối sáng sủa để Thảo có chỗ rửa mặt và trang điểm. Thảo nói: - Anh kêu món ăn, em đi rửa mặt. Anh ăn gì em ăn nấy. Những lời của Thảo ngọt như nước Cam Lồ, tâm hồn Nam lâng lâng một niềm vui khó tả. Nam nghĩ, Trời sinh người đàn bà thật kỳ diệu, vừa gây cảnh ba đào nhưng đồng thời cũng mang dịu ngọt đến cho cuộc đời vốn nhiều đau khổ đắng cay. Không có đàn bà, trái đất toàn một màu xám tro. Lúc Thảo trở lại bàn, phổ ky đã mang lên hai tô mì vịt tìm đang bốc khói. Trong khi ăn Thảo hỏi Nam: - Anh có trông em không? - Không thấy em anh đã muốn hoảng lên rồi. - Anh, màu áo tím có đẹp không? - Tuyệt trần. Màu áo làm cho đôi má em thêm hồng. Em không biết chớ nhiều người nhìn em lắm. - Anh có tức không? - Anh hãnh diện. - Hãnh diện chớ không ghen hả? - Có được một người yêu đẹp như em mà hay ghen là khùng. Qua bao nhiêu trận cuồng phong rồi, em có ngã đâu. Thảo cười tỏ vẻ hài lòng. Nam đã không nhìn nàng cách tầm thường. Nàng cho đây là điều quan trọng trong hạnh phúc lứa đôi. Nếu cứ mỗi chốc mỗi ghen, thì yêu nhau, hóa ra nô lệ nhau. Cuộc tình trở nên nhàm chán. Yêu nhau mà canh gác nhau suốt đời thì có khác gì làm công việc của cai tù. Ra khỏi tiệm, Nam hỏi: - Em đi chơi Non Nước mấy lần rồi? - Non Nước em biết rồi, mình đi Hội An. Thực tình Thảo không muốn lẩn quẩn những nơi cứ gợi lại chuyện đã làm cho Thảo buồn khổ trước kia. Nam chở Thảo ra bến xe đi Hội An. Chiếc xe đò Renault cũ kỹ đã đầy người. Thảo Nam cố chen vào, mấy bà già ngồi nhích lại, nhưng cũng chỉ đủ cho một người. Nam đành đứng lom khom giữa những gánh gióng, hàng hóa lổn chổn. Vào đến Thanh Quýt, người khách ngồi cạnh Thảo xuống xe, Nam điền vào. Nam quay qua định nói chuyện với Thảo thì nhận ra Thảo có vẻ mệt lắm, như người bị say sóng. - Em mệt phải không, chắc không quen ngồi xe. Bác tài này chạy không êm, cứ thắng nhắp miết, làm người ta chóng mặt. Thảo không nói gì, tựa hẳn người vào Nam. Vô đến Vĩnh Ðiện ông khách ngồi đối diện xuống, Thảo thở phào và ngồi ngay ngắn lại. - Em khỏe chưa? Bận sau đi, nên có thuốc say sóng. Tay em lạnh lắm. Ðể anh bóp một lúc cho ấm. Từ Vĩnh Ðiện về Hội An xe rộng rãi. Thấy Thảo tươi tỉnh lại Nam hỏi: - Lúc nãy em như người trúng gió. Em thấy trong người thế nào? - Không sao, thỉnh thoảng em hay bị như vậy. Nam lo lắng: - Có lẽ em nên đi khám bác sĩ, anh nghi em thiếu máu. Thấy vẻ lo lắng của Nam, Thảo ái ngại và càng thương Nam. Nam là ngưòi đi ngoài ánh sáng còn Thảo lẫn khuất trong bóng tối của u ẩn. Thảo thường xuyên bị ám ảnh bởi những gì gợi lại "biến cố" Sơn Chà. Lúc lên xe, nàng đã bắt gặp gã đàn ông năm xưa ngồi đối diện. Thảo choáng váng mặt mày suýt hét lên. Thảo đã nhiều lần tìm cách giải tỏa mặc cảm tội lỗi, nhưng "nó" như căn bệnh mãn tính, không triệu chứng báo trước khi lên cơn. "Nó" xuất hiện bất cứ lúc nào, "nó" đã làm cho Thảo nhiều lần muốn ngã quị. Chỉ còn mỗi cách chính Nam tự khám phá "nó" nơi cơ thể nàng. Ði thăm Nam chuyến này Thảo muốn thực hiện ý nghĩ đó. Nàng đã trao trọn trái tim cho Nam rồi thì "còn một chút này" há lại tiếc chi. Thảo cho đó là cách minh oan hay nhất. Nghi án đã xóa, Thảo sẽ không còn bị ám ảnh bởi mặc cảm làm khổ nàng lâu nay. Hai người xuống xe đầu lối vào Chùa Cầu, rồi thong thả đi bộ vào phố. Qua Chùa Cầu, Thảo ngạc nhiên hỏi Nam về sự tích và cách thờ phượng trong chùa. - Chùa mà không giống chùa như mình thường thấy anh há. - Chùa do người Nhật làm nên khác với nét chùa Việt Nam. - Sao hai bên có tượng chó và khỉ hả anh? - Ý nói thời gian làm chùa mất ba năm. Từ năm Thân (Khỉ) đến năm Tuất (Chó). Nhà cửa phố Hội hầu hết làm theo lối xưa, rất hiếm thấy ở Ðồng Hới. Mái ngói âm dương, cửa bàn khoa. Ðời sống ở đây cũng khác xa với Ðà Nẵng, êm đềm và tĩnh lặng, không có cái không khí ồn ào tất bật của một nơi đô hội. Cảnh vật làm Thảo ngạc nhiên nhưng không xa lạ, một đời sống dễ gần, dễ quen thân. Nam đưa Thảo đi một vòng qua các phố rồi hai người vào một hiệu cao lầu. Trong lúc chờ thức ăn, Thảo hỏi Nam: - Anh, mình còn hai ngày nữa, chương trình sao anh? - Em muốn lên thăm trường anh không? - Muốn, nhưng để chiều mai, tối nay mình ở lại đây, anh thấy được không? - Ý của em thì còn chê chỗ nào! - Thôi đi, cái gì anh cũng đẩy qua cho em hết. - Thì em là nội tướng mà lại. - Nội tướng mà không có quân lính thì làm gì? - Em đừng lo, rồi đây lính ra ầm ầm tha hồ giữ. Thảo vừa cười vừa lấy đũa đánh vào tay Nam: - Ông đừng có yêu tinh nghe. - Yêu em chớ bộ khùng sao yêu Tinh? - Anh cứ ưa bắt bí em, muốn em tức hả. - Thôi, xin lỗi Hoàng Hậu, thức ăn có rồi kia. Phổ ky bưng lên hai tô cao lầu nóng hổi, Thảo ăn ngon lành. Nam ăn từ từ vừa nhìn Thảo. - Huế không có món này? - Cao lầu là món đặc biệt của Hội An. Ra khỏi tiệm ăn, hai người đi kiếm phòng trọ. Hội An là điểm du lịch, nhiều di tích lịch sử nhưng thiếu phổ biến, hơn nữa lại trái đường nên dân chúng không mấy người để ý. Ði xuống phía chợ, vòng ra bờ sông Thu Bồn, có một phòng ngủ tương đối tươm tất. Hai người ghé vào. Thảo chọn một phòng trên lầu, cửa mở ra đưòng Bạch Ðằng, bao quát cả dòng sông. Không nói mà hai người đều hồi hộp lúc được dẫn lên lầu nhận chìa khóa phòng. Ðêm hôm đó Nam Thảo như lạc vào một rừng hoang, trời đầy sao. Tâm hồn và thể xác rung lên theo nhịp điệu của bản nhạc tình ấp ủ lâu nay. Sáng hôm sau, Thảo cho Nam xem một bức tranh vẽ một loài hoa rừng đang nở rộ, cánh hoa màu huyết dụ. Thảo âu yếm nhìn Nam: - Anh bằng lòng không. Nam cầm đôi bàn tay Thảo và nói thật nhỏ: - Em vô cùng tuyệt vời. Anh ân hận có lúc đã... - Ðã sao anh? - Có lúc anh đã nghi ngờ lòng chung thủy của em. - Vậy từ nay em cấm anh không được lừng khừng vẩn vơ nghe chưa. Riêng em, sẽ không bao giờ ngất xỉu hay trúng gió nữa vì tất cả em đã trao cho anh. Em không còn gì để lo lắng nghĩ ngợi nữa. Tuy nói thế nhưng khuôn mặt của thảo vừa thoáng một chút buồn xa vắng như cảnh chiều hôm có lớp sương mờ nhè nhẹ. Hai năm sau, Nam được thuyên chuyển về dạy trường Phú Mỹ, cách nhà một khoảng không xa. Thảo vẫn nhiệm sở cũ. Bác sĩ Huy được đồng hoá cấp bậc Ðại Úy Quân Y, phục vụ tại một đơn vị trong Vùng 4 Chiến Thuật. Bà Nhiêu bỏ nghề nấu rượu. Bà đã có cháu nội, suốt ngày bà cháu hủ hỉ với nhau. Một buổi chiều cuối tuần, Nam Thảo ngồi trước thềm nhà, Thảo chợt hỏi: - Anh, một cơn lũ đi qua thường để lại những gì hả anh? Hết