Chương 3
Sang Pháp

    
uối năm 1929, Leopold rời Palestine bằng đường biển trên một chiếc tàu già cỗi ì ạch một tuần lễ mới đến cảng Marseille của nước Pháp. Gối đầu trên đống giây thừng, chàng thanh niên hai nhăm tuổi phải lưu vong lần thứ hai, anh vừa luyến tiếc quê hương, vừa vui vẻ đặt chân lên đất nước sản sinh ra cuộc cách mạng, tư sản dân quyền và Công xã Paris của loài người.
Leopold buồn vì bây giờ anh trở thành một con người không có tổ quốc, nhưng với ao ước xây dựng một xã hội mới ngàn lần tốt đẹp, anh không đắn đo, lại lao vào cuộc chiến đấu giai cấp mới. Lý tưởng cách mạng Pháp cũng như cách mạng Nga thôi thúc anh vượt qua những khó khăn trước mắt. Gương đấu tranh cả với trời của những chiến sĩ công xã Paris thôi thúc anh.
Nước Pháp dưới nền cộng hòa thứ ba chưa phải là nơi nương thân của những người cách mạng; Cảnh sát cũng kiểm soát gắt gao họ, các ông chủ tư bản chỉ giành cho những người nước ngoài những công việc nặng nhọc nhất mà thôi. Tuy thế cũng có những kẽ hở về hành chính để họ luồn lách. Nhất là với người cộng sản, ít nhất anh cũng có thể dựa được vào những đồng chí cộng sản Pháp, hoặc một người Do Thái còn có thể kiếm ra trong các tổ chức bình dân của cộng đồng kiều dân Do Thái trên đất Pháp. Leopold lưu lại cảng Marseille hai tuần để kiếm chút tiền mua bộ cánh khi lên Paris, ở Palestine, khí hậu ấm nên anh chỉ cần có chiếc áo sơ mi và chiếc quần soọc là đủ, nhưng bước chân đến thủ đô hoa lệ của đế quốc Pháp ít ra anh cũng phải có bộ complê chứ. Hai tuần lễ anh làm phụ bếp cho một hiệu ăn nhỏ cũng đủ tiền nuôi miệng và để giành tiền mua được bộ complê. Tự ngắm mình trong gương với bộ cánh mới, Leopold cảm thấy mình giống những chàng thanh niên Ba Lan, hoặc Rumani ỏ Novy-Targ, chuẩn bị chuyến di cư sang châu Mỹ.
Với chiếc vali con chứa bên trong ít đồ dùng, Leopold tự hào đặt chân lên sân ga Paris. Anh đi tìm người bạn nối khố tên là Alter Strom là người mới rời Palestine trước anh một năm và đã có việc làm vì Strom là thợ lắp ván sàn rất thạo. Có thư trước đây của Strom đã mời Leopold có sang Pháp thì đến ở chung với anh, địa chỉ ở khu Latin thuộc quận 5. Trong óc Leopold tưởng tượng Strom đã trở nên giầu có mới ở trong khu này mà lại ở trong Hotel de France! Nhưng khi đến nơi anh mới thấy chẳng phải như thế. Đó là một căn buồng trên tầng thượng sát mái nhà cũ kĩ, mưa gió đã hầu như xóa hết dòng chữ Hotel de France. Chiếc giường choán gần hết căn phòng. Cạnh đó là cái chậu rửa mặt. Quần áo treo vào mấy chiếc đinh đóng trên cánh cửa buồng. Đồ đạc vẻn vẹn chỉ có vậy thôi. Ngôi nhà của Strom thuê nằm trong một ngõ hẻm vừa chật vừa tối. Tìm hiểu mới biết sở dĩ Strom thuê ở đây vì giá rẻ lại ít bị cảnh sát nhòm ngó. Tính Strom lại rất hiếu khách, cho nên chiếc giường của anh thường thường cũng có bốn năm người nằm theo chiều ngang. Anh nào không tìm được chỗ qua đêm, chỉ việc dúi cho người bảo vệ ít tiền là leo lên căn buồng của Strom rồi chen vào chỗ trống mà ngủ. Được cái là buồng này rệp quá nhiều cho nên Leopold và Strom phải dùng rượu vang diệt loài ký sinh gây nhiễm này và cũng từ đấy họ đặt tên cho Hotel de France là khách sạn Rệp (Hotel de Vance).
Leopold ghi tên học đại học mở rộng. Còn việc xin lưu trú ở Paris thì anh phải dùng thủ đoạn vay bạn một món tiền để trình với cảnh sát là anh vẫn được gia đình ở Ba Lan gửi tiền ăn học đều đều. Sau khi đến Paris vài tháng, Leopold xin được phép tạm trú nửa năm và bắt liên lạc ngay với Đảng cộng sản Pháp bằng bức thư giới thiệu của Trung ương Đảng cộng sản Palestine mà anh giấu trong cốt áo. Leopold đưa giấy giới thiệu đó cho đồng chí phụ trách nhân công nước ngoài (Đơn vị này tập hợp những đảng viên cộng sản các nước sinh sống tại Pháp, trực thuộc một tiểu ban đặc biệt của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Pháp). Hai bên thỏa thuận khi nào Leopold có việc làm thì anh bắt đầu tham gia sinh hoạt Đảng. Tìm được việc làm đối với dân di cư đâu phải là dễ dàng ở đất Pháp: Thông thường họ chỉ kiếm được những việc tầm thường và nặng nhọc mà thôi. Trong ngành xây dựng, người ta thường thuê những công nhân tạm thời. Đốc công chấm mút chút ít là bỏ qua những thủ tục thuê mượn nhân công khắt khe. Leopold đi làm lao công cho công trường xây dựng, cả ngày anh phải khuân những thanh ray cho đến khi anh bị một thanh ray rơi làm dập mất một ngón chân. Sau đó anh chuyển sang làm công nhân quét dọn cửa hàng. Cùng với hàng chục sinh viên, anh làm suốt đêm bằng hai chân: Một chân đạp chiếc bàn chải, chân kia đạp chiếc rẻ lau. Khó nhọc nhưng lương cao: Làm cật lực một đêm đủ sống hai ba ngày. Vất vả hơn nữa là bốc vác hàng ở ga vào đêm. Sau đêm lao động, anh trở về lưng đau ê ẩm. Việc làm tuy cũng chưa ổn định, nhưng Leopold vẫn tham gia công tác vận động thợ thuyền Do Thái di cư là môi trường Đảng cộng sản Pháp quan tâm.
Thời đó riêng ở Paris có khoảng hai chục vạn người Do Thái. Họ thuộc nhiều đợt di cư vào Pháp: Những người di cư đến lâu đời nhất thường đã có công ăn việc làm dễ chịu, trải qua bao nhiêu đấu tranh họ mới tự giải phóng được và leo lên những nấc thang xã hội dễ chịu. Tiếp theo là những đợt Do Thái mới đến, phần lớn họ từ miền trung châu Âu bị những trận tàn sát của nước Nga quân chủ đã phải rời bỏ nơi sinh sống từ lâu đời chạy sang đất Pháp vào đầu thế kỉ XX và phần đông thuộc giai cấp vô sản. Một số đã tham gia chính trị khi họ còn ở Trung Âu, cho nên đến đất Pháp họ lại tiếp tục tham gia các phong trào chính trị như cộng sản, Zionism hoặc Hashomer Hatzair. Leopold gia nhập đơn vị Do Thái trong Tiểu ban nhân công nước ngoài cùng với những đồng chí bị săn đuổi bởi chính quyền sở tại độc tài. Tối đến, anh hội họp với các đồng chí. Thời đó ảnh hưởng của Trotskyite khá mạnh trong hàng ngũ cộng sản Do Thái và Leopold theo chỉ thị của cấp trên cố đấu tranh chống lại ảnh hưởng Trotskyite với kết quả là làm giảm khá nhiều uy tín của chúng. Thời đó những người di cư chưa được nhập quốc tịch Pháp mà bị bắt trong các cuộc biểu tình thường bị trục xuất ngay khỏi Pháp. Tuy thế, Leopold và những đồng chí Do Thái cộng sản vẫn tham gia những cuộc biểu tình lớn, những ngày kỉ niệm Công xã Paris hoặc 1 tháng 5...
Song song với hoạt động chính trị là các hoạt động văn hóa và công đoàn. Liên đoàn văn hóa cũng do Đảng cộng sản Pháp chỉ đạo. Chủ nhật hàng tuần, có hàng trăm người tham dự ở phòng họp Lancry và Jacques Duelos, hoặc Pierre Sémard đến diễn thuyết. Về phần Leopold anh thỉnh thoảng về các thành phố có đông kiều dân Do Thái để hội họp.
Trong các công đoàn may mặc số công nhân Do Thái chiếm số đông. Những đảng viên người Do Thái thường đọc nhiều loại báo của các phe phái chứ không đọc riêng báo Nhân Đạo của Đảng cộng sản Pháp để có một tầm nhìn bao quát mà không mắc phải bệnh biệt phái.
Năm 1930 khi cuộc sống của Leopold đã ổn định thì nàng Luba, vợ anh, cũng sang Pháp vì cảnh sát Anh truy lùng cô. Cô phải mượn lí lịch của cô em tên là Sara để tổ chức cưới giả với một người có quốc tịch Anh. Nhờ đó cô lấy được thị thực nhập cảnh vào Pháp.
Sau khi cô đến Paris được vài tuần, cảnh sát Pháp đến kiểm tra:
- Chúng tôi là cảnh sát đường phố, chúng tôi được biết vợ anh đã đến đây cả tháng nay mà chưa trình báo!
- Xin lỗi - Leopold chống chế - Đây là người yêu của tôi chứ không phải vợ tôi đâu! Trong vòng bốn mươi tám tiếng nữa, cô ấy sẽ rời đi chỗ khác ông ạ.
- Ồ, trong trường hợp này...- Vị cảnh sát nháy mắt nhả nhớt. Thế là trên đất nước đùa cợt này những chuyện tình tứ vẫn có tác dụng, nhất là trong cảnh sát.
Khi Luba sắp sinh con đầu, tình hình kinh tế của vợ chồng cô khá vất vả. May mắn là Leopold xin được việc làm thợ quét sơn cho một ông chủ thầu Do Thái. Còn Luba nhận may vá áo lông tại nhà, cô phải làm quần quật từ sáng đến đêm khuya mới kiếm đủ ăn. Ngoài ra cô tham gia Đảng cộng sản Pháp và năm 1931 được bầu làm đại biểu của Do Thái kiều dự đại hội chống phát xít lần đầu tại Paris. Còn Leopold được cử làm đại diện chi bộ Do Thái trong đơn vị nhân công nước ngoài bên cạnh BCHTƯ. Có một lần Leopold cùng một đồng chí ở ĐVNCNNN (Đơn vị Nhân công Người Nước Ngoài) được mời lên BCHTƯ Đảng cộng sản Pháp gặp Marcel Cachin. Tổng biên tập báo Nhân đạo (l’Humanite) tiếp hai đồng chí này rất thân mật:
- Xin chào hai đồng chí - ông nói - Công việc tại đơn vị Do Thái vẫn chạy đều chứ? Nguy cơ phát xít trở nên nguy hiểm, ta cần tăng cường tuyên truyền trong kiều dân Do Thái. Ta cần có tờ báo Do Thái cho bạn đọc ỏ Pháp và Bỉ. Đó là lí do tôi gặp các đồng chí.
- Rất phải, nhưng lấy tiền ở đâu bây giờ?
- Thế các đồng chí chưa đọc sách của Lenin hay sao? Đồng chí có biết làm báo cộng sản thế nào không? Phải quyên góp trong công nhân mà kiếm vốn ra báo...
- Được rồi, nhưng đồng chí có tham dự mít tinh chúng tôi sẽ tổ chức để quyên góp vốn ra báo không?
- Tất nhiên tôi sẵn lòng cùng dự với các đồng chí khi tôi có thời giờ.
Ít lâu sau, Leopold tổ chức một cuộc họp ở Montreuil là vùng có đồng kiều dân Do Thái. Ban tổ chức nhờ được một phòng họp tại nhà thờ Do Thái. Hôm họp, khá đông thợ thủ công và nhà buôn Do Thái đến dự. Leopold ngồi trên ghế chủ tọa cùng Marcel Cachin. Nhà lãnh đạo kì cựu này đã đứng lên diễn thuyết: “Thật là vinh dự lớn cho tôi được đến dự với các bạn tại cuộc họp này, được chan hòa với những đại biểu của một dân tộc lớn đã sản sinh ra những nhà cách mạng vĩ đại cho thế giới như Jesus Christ, Spinoza và Marx”.
Một tràng vỗ tay như sấm hoan nghênh Cachin. Cụ già nói tiếp: “Các bạn đều biết ông nội của Karl Marx là một giáo trưởng Do Thái”. Tác dụng của những phát biểu của cụ già còn mạnh hơn cả những cuốn Tư bản luận của Marx. Kết quả quyên góp quá yêu cầu. Cachin trước khi chia tay đã nhận xét:
- Domb ơi (tên chiến đấu của Leopold), thế là thành công rồi. Tờ báo sẽ ra đời.