oan rời nhà trọ đi lang thang lên Sàigòn, nó luôn luôn để mắt dòm chừng vào đám trẻ đánh giày ở mấy quán ăn. Suốt một chiều và buổi tối, Loan lục soát không còn một nhà hàng nào, nhưng Vinh trố vẫn biệt vô âm tín.Tới mười một giờ đêm, các hàng quán bắt đầu đóng cửa. Loan đứng phân vân ở ngoài đường. Suốt buổi chiều Loan không ăn gì, bây giờ nó mới thấy đói. Cơn đói dữ dội làm cho bụng nó quặn đau và hai mắt hoa lên. Loan lục túi quần còn tất cả mười hai đồng. Loan đi ra phía chợ Bến Thành mua ba đồng bánh mì, xẻ ra rắc đầy muối tiêu. Gã bán bánh hỏi:- Mày không ăn thịt sao?Loan lắc đầu:- Hết tiền rồi.Gã bán bánh cười:- Mày rắc muối tiêu của tao cũng hết đến một đồng bạc. Buôn bán với chúng mày hoài tao đến sập tiệm mất thôi!Loan cầm chiếc bánh lầm lũi bỏ đi. Nó ra ghế đá ở bùng binh chợ Bến Thành ngồi ăn ngon lành. Xong xuôi, Loan phải đi bộ thật xa mới tìm được nước máy để uống. Tuy trong túi còn tiền nhưng Loan chẳng dám tiêu hoang, nó còn phải dành tiền cho ngày mai. Trời về khuya lạnh giá, Loan nghĩ đến chuyện về nhà, nhưng Loan chợt nhớ đến mụ chủ nhà cay nghiệt nên lại thôi. Giờ này chắc là Minh vẫn còn thức để học bài, Loan thấy nhớ và thương bạn vô cùng.Loan xốc cao cổ áo, thọc hai tay vào túi quần lầm lũi bước đi. Gió về đêm lạnh se sắt. Hai cánh tay Loan nổi gai ốc, nó đi vào một con đường vắng. Hai bên đường nhà cửa đóng im ỉm, một vài căn nhà còn sáng điện, tiếng nhạc nhẹ êm êm từ phòng khách của những căn nhà sang trọng ấy vẳng ra. Cảnh tượng trong căn nhà đó thật ấm cúng. Loan thầm nghĩ, đời mình đến bao giờ mới được như vậy. Hàng cây sao hai bên đường cao vun vút, tiếng gió thổi trong lá cây nghe rì rào buồn bã, Loan ngửa mặt nhìn trời. Những vì sao đêm thấp thoáng trong bóng cây, chúng cô đơn và buồn bã.Loan nghe tiếng chân mình bước trên con đường rộng thênh thang, tiếng lá rụng và cả tiếng gió. Ngần ấy âm thanh như một bản nhạc buồn dậy lên trong đêm.Tới một góc đường, Loan dừng lại. Ở đó có một mái hiên rộng thênh thang, dăm ba người nằm ngổn ngang để ngủ. Sau một phút do dự, Loan bước chân vào, tìm một góc khuất gió và ngồi dựa lưng vào tường. Loan nghĩ bụng: “Dầu sao mình cũng phải dừng tạm ở đây cho qua đêm nay”. Trước mặt Loan, một thằng nhỏ nằm ngủ chèo queo. Nó nằm co quắp ôm cái thùng gỗ, một tay đưa lên gối đầu. Nó ngủ say sưa, những sợi tóc lởm chởm trên đầu nó lất phất bay. Thỉnh thoảng nó cựa mình, chóp chép miệng. Ở góc đằng kia có mấy người đàn ông và đàn bà nằm. Tất cả đều say ngủ, không ai biết Loan vào nhập bọn.Ngồi mãi mỏi lưng, Loan ngả người nằm xuống, nó cũng đưa tay len gối đầu. Vỉa hè lạnh giá, Loan có cảm tưởng mình đang nằm trên một khối băng. Loan mệt mỏi quá rồi, hai mí mắt nặng trĩu, Loan khép mắt lại.Âm thanh rì rào của lá cây nghe mơ hồ...Đang ngủ, Loan giật mình thức giấc. Nó túm được một bàn tay đang thò vào túi quần mình mò. Loan ngôi bật dậy, giật manh một cái, một thằng bé ngã chúi vào người Loan. Loan chụp tay lên cổ nó đè chúi xuống. Thằng bé nằm vắt ngang trên đùi Loan giãy đành đạch. Nó la ằng ặc trong cổ họng:- Đ.m, buông ra!Loan ấn mạnh hơn:- Buông sao được, mày ăn trộm mà!Loan bẻ quặt tay nó ra đằng sau, những tờ giấy bạc một đồng, hai đồng rơi xuống sàn gạch:- Mày ăn trộm, tao bắt quả tang nhé, còn chối cãi nữa không?- Ối! Ối! Đau quá!Loan đưa nốt một chân quặp ngang eo ếch nó:- Lạy tao đi thì tha!Đứa bé vẫn gan, nó cố vùng vẫy, cuối cùng nó ngoạm vào đùi Loan một cái đau điếng. Nổi khùng, Loan giơ thẳng tay tát một cái thật mạnh vào mặt nó. Thằng bé kêu thét lên một tiếng, Loan buông ra, nó lăn mình ra xa. Loan nhào tới cưỡi lên lưng nó, thằng bé nằm bẹp gí như một con nhái bén. Nó vùng vẫy trong tuyệt vọng:- Buông ra, buông thằng cha mày ra, không thì chết mẹ bây giờ!- Hăm tao hả mày?Loan kẹp sát hai đùi lại như hai cái gọng kìm. Những người nằm ngủ quanh đó thức giấc vì tiếng ồn ào. Họ chạy lại coi:- A! Lại thằng Cà Tót, bộ nó ăn cắp tiền của mày sao?Mấy người đó lê đến gần hỏi Loan. Loan gật đầu phân bua:- Ừ! Nó ăn cắp của tôi, tôi bắt quả tang.Họ đốc thêm:- Đánh chết mẹ nó đi, thằng này chuyên môn mà.Loan gí tay vào mặt nó:- Lần này ông tha, lần sau ông đánh chết mẹ mày luôn.Loan thả cho thằng Cà Tót đứng dậy. Nó trở lại tìm tiền. Nhưng đồng bạc rơi trên vỉa hè đã biến sạch. Một gã đàn ông ngồi lù rù ở gần đó. Loan nhìn hắn:- Tiền của tôi rơi ở đây đâu rồi?Hắn đưa chiếc gậy ra quơ quơ:- Tiền nào? Tao đâu có biết!Loan giận dữ:- Chú lấy của tôi!- Hồi nào, mày không thấy tao mù đặc đây sao?Hắn ngửa mặt lên, đôi mắt toàn tròng trắng. Gã mù gằn giọng:- Mày thấy tao mù đây chứ hả thằng khốn nạn? Bố mày nghèo thì bố mày đi xin ăn chứ chưa bao giờ thèm ăn căp. Nói bậy tao phang thấy mẹ.Loan nuốt giận, nó biết lão mù này lấy nhưng không tài nào nói được. Một đứa con gái nhỏ nằm quay lơ bên cạnh ngủ có vẻ say sưa lắm. Loan chỉ con bé:- Tôi công nhận ông không lấy, nhưng con ông nó lấy đưa cho ông.Lão mù bèn xốc đứa con gái dậy:- Tun! Mày ăn cắp tiền hả?Đứa bé gái vùng dậy, nó ngơ ngác:- Cái gì?- Mày có ăn cắp tiền đưa cho tao không?Đứa bé gay gắt:- Ăn cắp hồi nào? Thằng chó đẻ nào bảo tôi ăn cắp?Loan đứng chống nạnh nhìn nó:- Ê, đừng hỗn, đừng có vờ vịt, chính mày ăn cắp chứ ai vào đây.Đứa bé sấn sổ:- Ăn cắp hồi nào? Mày thấy tao ăn cắp không hả thằng chó đẻ kia?Loan tức quá, giơ tay lên định táng cho nó một bạt tai. Đứa bé tru tréo:- Đây! Mày đánh tao thử coi, mày ăn hiếp bố con tao đi. Trời ơi! Bớ người ta...Cái họng con bé to như cái lệnh vỡ, nó mồm năm miệng mười. Thằng Cà Tót thì ngồi trên cái thùng đánh giày cười hềnh hệch:- Đ.m, mày thấy chưa? Đâu có phải mình tao ăn cắp. Có chì thì đánh hết coi!Loan nhìn xung quanh, kẻ ngồi người đứng ngổn ngang. Con bé cứ nhảy choi choi lên như một con gà chọi. Loan tức đến uất người mà không sao nói được. Lão già mù cầm cái gậy gõ gõ xuống đất:- Đ.m, người ta sống ở đời, thấy mình nghèo thì bao nhiêu cái xấu xa đều đổ lên đầu mình. Đ.m, tôi nghèo thật đó, nhưng tôi không hề dạy cho con ăn căp. Nói cho các người biết, thằng này đã từng ăn trên ngồi trước thiên hạ rồi... bây giờ...Một gã ngồi dựa lưng vào tường ở góc đằng kia lên tiếng:- Thôi, thôi đi, đ... ai không biết anh có mác nhà giàu, lần nào anh cũng trưng ra. Chết cha mày đi cho rảnh, điếc con ráy quá!Lão già mù lại hướng ra phía kẻ phát ngôn:- Thằng nào ra lời đó, thằng nào rủa ông cố nội nó chết đó?- Tao đây chứ ai!Gã đàn ông giơ chiếc chân cụt lên ngoáy ngoáy, gã luôn miệng cười. Lão già mù hỏi tới:- Thằng Tám cụt đấy phải không? Mắc mớ gì mày chọc đến ông cố nội mày?- Chọc cho đỡ buồn, chết đi thằng mù!Hai bố con lão mù lại xỉa xói. Gã cụt đưa cái nạng lên:- Câm cái mồm chó không, cho một nạng lại chết tốt cả hai bố con bây giờ. Chính tao thấy con mày bò ra lấy tiền của người ta đây nè.- Thề đi!- Thề chứ, sức mấy mà không thề.- Thằng nào nói không thì xe cán chết cha nó nhé!Gã cụt lại cười phá lên:- Đâu có được, tao làm gì có cha mà chết. Còn nếu bố con mày lấy thì xe mười bánh cán chết cả hai bố con bay chịu không?Thế là bố con lão ăn mày mù lại chửi um lên. Một kẻ trong đám lên tiếng:- Thôi, tôi xin các người, các người đóng cái mồm chó vào giùm cho nhà con ngủ.Một mụ đàn bà rách rưới lê đến lần chỗ Loan, mụ che một tay lên miệng nói nhỏ:- Bố con nó lấy đó, chính mắt tao thấy nè.Loan dựa lưng vào tường, thở dài:- Thôi bỏ.Mụ đốc thêm:- Đâu có được, phải tay tao, tao đâu có chịu, mày hiền quá nên chúng nó ăn hiếp.Mụ dài miệng nói, đôi mắt mụ láo liên nhìn về phía hai bố con lão ăn mày mù. Hai bố con vẫn sa sả chửi, còn gã Tám cụt vẫn cười như nắc nẻ. Gã nằm lăn ra vỉa hè vỗ cái bụng lép kẹp bành bạch:- Chửi nữa đi, chửi nữa đi bố con thằng mù.Thằng Cà Tót đập cái thùng gỗ thình thịch xuống vỉa hè, nhảy lên đong đỏng:- Vui là vui quá, vui là vui ghê...Hát xong, nó cười sằng sặc.Bỗng cửa sổ ở trên nhà lầu điện bật sáng. Cánh cửa bật ra một cách giận dữ, một người đàn ông thò đầu ra:- Các người muốn phá khu này phải không?Những tiếng la ó bên dưới dịu lại. Người đàn ông trên lầu gắt nữa:- Tao sẽ cho chúng mày vào tù cả đám, đồ ăn mày.Mấy người hồi nãy nằm im, bây giờ mới lên tiếng trách:- Đó, thấy chưa? Biểu hoài mà không nghe, thật mấy người không biết điều tí nào hết trơn.Người đàn ông trên lầu đóng sập cửa lại. Hắn ta còn nói vớt:- Tao sẽ cho chúng bay vô tù hết.Mụ đàn bà hồi nãy mách bố con lão già mù ăn cắp tiền trở mặt liền:- Đầu đuôi câu chuyện ở hai thằng quỷ con này nè.Mụ vênh váo hỏi Loan:- Thằng quỷ kia, mày ở đâu tới đây? Tổ cha cái thân phận ăn mày còn không biết điều.Loan tức nghẹn lên đến tận cổ. Nó nuốt giận không trả lời vào câu hỏi:- Nếu nó không ăn cắp tiền của tôi thì đâu có chuyện.Một người khác lên tiếng:- Bộ mày có nhiều tiền lắm sao mà đem trưng ra gợi lòng tham của nó? Nếu phải tao, tao cũng lấy luôn. Đ.m, tiền chứ bộ cứt đâu. Đ.m, nói cho bây biết, ở đây toàn là dân lưu manh không hà, tao cũng lưu manh luôn.Loan thấy ra lời lúc này không có lợi, nó kiếm một xó để nằm. Nhưng Loan vẫn không yên, thằng Cà Tót lại mò tới. Nó ngồi trên thùng gỗ, ngay trước mặt Loan:- Ê, lỏi tì, hôm nay tao thua mày, nhưng mai mốt thấy mặt tao thì trốn cho lẹ nghe con.Loan nhìn thẳng vào mặt nó:- Được, tao đâu có ngán mày. Có bao nhiêu đứa kêu hết đến đây, tao uýnh hết.Thằng Cà Tót nheo mắt cười:- Thật há mày?Loan trừng mắt:- Bộ muốn ăn đòn nữa hay sao đây, đi mày!Thằng Cà Tót vẫn còn cười, nó quỳ xuống đất, hai tay nó chắp lại đầy vẻ giễu cợt:- Đ.m, uýnh được tao nữa, tao coi là tổ sư. Ngày mai mày mềm xương với tụi tao con ơi!Nói xong, thằng Cà Tót vái một cái:- Lúc nào mày uýnh nổi tụi tao, tao vái thêm hai cái nữa nghe!Vái xong nó lại lùi, xách cái thùng lêu têu đi.Trời chưa sáng rõ, Loan thấy ngồi mãi với đám người này không có lợi, nó cũng đứng dậy đi một ngả khác ngược với con đường mà thằng Cà Tót đi. Vừa đi khỏi mái hiên được chừng hai trăm thước, Loan thấy một chiếc xe cảnh sát phóng như bay đến. Loan nấp vào một gốc cây để quan sát.Chiếc xe thắng két lại trước mái hiên, đám ăn mày ở đó dáo dác. Có kẻ vùng chạy. Tiếng còi tu huýt ré lên rồi những người cảnh sát từ trên xe ào nhảy xuống. Họ vung ma trắc chặn đầu những kẻ định chạy trốn:- Ê, đứng lại, chạy là chết mẹ hết bây giờ!Chỉ ba phút sau, cảnh sát đã bắt được trọn đám. Có tiếng nhiều người phàn bua:- Lạy các thầy, tụi tôi đâu có làm gì.Tiếng một người cảnh sát nạt nộ:- Không làm gì mà người ta kêu điện thoại thưa tụi bây.Hai cánh cửa lầu lại bật mở. Người đàn ông trên đó thò đầu ra nói:- Chúng tôi yêu cầu các thầy cảnh sát tóm cổ cả đám giùm cho tôi. Đêm nào chúng cũng phá như giặc, không ai còn ngủ nghê gì được hết.Bọn ăn mày lạy như tế sao:- Thật tình tụi tôi không làm gì hết trơn, đầu đuôi chỉ do hai thằng nhỏ đánh lộn, tụi tôi sợ làm ồn bà con nên chỉ can ra thôi.Người đàn ông trên lầu hừ một tiếng:- Tụi bây mà can cái gì, chính tụi bây la ó, không lẽ tao nói láo?- Dạ thưa ông, ông thương cho hoàn cảnh chúng con.Một người cảnh sát xô vai gã ăn mày vừa ra lời:- Không thương xót gì tụi bây được hết, a lê về bót.Người cảnh sát nhìn quanh:- Đâu, các người nói có hai thằng nhỏ nào đâu? Nói láo!- Dạ có thật, nhưng nó đi rồi, mới đi khỏi tức thì, một đứa đi ngả này, một đứa đi ngả kia.Gã ăn mày chỉ tay. Gã cảnh sát áng chừng là trưởng toán, liền ra lệnh cho hai cảnh sát đứng gần đó:- Hai anh hãy đi tìm tóm cổ nốt chúng nó cho tôi.Ông ta quay lại đám ăn mày:- Chú mày mà nói láo thì chú mày chết đó nghe!- Dạ! Em nói thật.Hai người cảnh sát dợm bước chân đi. Loan lo lắng dáo dác tìm chỗ nấp. Lợi dụng lúc người cảnh sát còn đang nhìn ngang nhìn ngừa, Loan thấy một con hẻm nhỏ nên chạy tọt vào. Con hẻm hẹp, hai bên là tường nhà cao dụng đứng. Loan chạy miết, không có một chỗ nào khả dĩ trốn tránh được. Loan đâm lo sợ. Người cảnh sát đã đi đến đầu hẻm, anh ta nhìn thoáng thấy bóng Loan. Anh đút còi lên miệng thổi ré lên rồi rảo cẳng đuổi theo. Loan cắm đầu cắm cổ chạy, nó không cần biết là chạy đến đâu. Đằng sau là tiếng còi cảnh sát vẫn ré lên:- Ê, đứng lại!Loan càng cố sức chạy miết. Những nhà trong hẻm chợt thức giấc vì nghe tiếng còi, tiếng la hét cùng tiếng bước chân chạy thình thịch. Họ bật đèn sáng choang và ùa ra cửa:- Cái gì đó?- Ăn trộm, ăn trộm bà con ơi!Loan vẫn bổ nháo bổ nhào chạy. Nhiều người ùa ra hẻm. Họ hướng về phía Loan đang chạy và la lên:- Bắt lấy nó, ăn trộm bà con ơi!Cả đám đông ùa chạy theo. Tới cuối con hẻm có ngã ba, Loan dừng lại một lát rồi chạy đại theo hẻm bên trái. Vì con hẻm ở khúc này hơi cong nên khuất tầm mắt, người đuổi theo không ai biết. Họ tới đầu hẻm đứng dừng lại và hỏi nhau:- Nó chạy lối nào rồi?- Không biết, hay là mình chia làm hai toán tìm thử coi!Người cảnh sát lúc đó cũng vừa chạy tới, anh ta một tay đỡ lấy bao súng lủng lẳng bên hông, thở hổn hển:- Thằng nhỏ chạy nhanh quá! Không vướng cái của nợ này (anh ta chỉ vào khẩu súng) tôi đã đuổi kịp rồi.Những người đuổi theo bâu lại hỏi:- Nó ăn trộm hả thầy?Người cảnh sát vẫn còn thở:- Không, nhưng nó là du đãng.- Vậy hả? Nó có chém ai không?Anh cảnh sát lắc đầu. Một người khác lại hỏi:- Thầy đuổi nó từ đâu đến đây?Anh cảnh sát chỉ tay ra đầu hẻm phía sau lưng:- Nó... chạy từ kia...Một người khác nhanh nhẩu kết án:- Hèn chi khi nó chạy qua nhà tôi, tôi trông mặt nó dữ dằn hết sức. Thật thầy cảnh sát này gan cùng mình mới dám đuổi theo.- Du đãng thằng nào cũng lận dao trong mình hết, nó chém bất kể ai.Một người khác lè lưỡi:- Ý da! Vậy mà hồi nãy tôi đuổi bén gót nó chứ!Sau khi tìm kiếm quanh một hồi không thấy, người cảnh sát quay ra.Loan bắt đầu chạy chậm lại, đầu nó luôn ngoái về sau để dòm chừng. Không còn thấy người đuổi theo, Loan đứng gục đầu vào tường, một tay đưa lên chắn ngực thở hổn hển. Cổ họng Loan khát khô, hai mắt hoa lên, mặt mày xây xẩm. Cảnh vật trước mắt Loan xám lại, mồ hôi vã ra đầy mặt, Loan mệt mỏi đến cực độ, nó muốn ngã xuống nằm thẳng cẳng rồi muốn ra sao thì ra.Đứng một lát, Loan thấy người dễ chịu dần lại. Cơn gió sớm mai mát hây hây giúp cho sức khỏe của Loan chóng hồi phục. Loan ngửa mặt nhìn lên cao, bầu trời xanh thăm thẳm. Những sợi mây trắng mỏng như tơ loãng dần. Ánh nắng đầu tiên vàng nhạt chiếu trên nóc nhà phía tay mặt. Những cửa sổ nhà lầu bắt đâu mở. Loan nhìn thấy ở một cửa sổ nhà gần đó, một người con gái mặc áo lót, tóc búi cao đang đứng tập thể thao. Chợt thấy Loan đứng tựa lưng vào tường nhìn lên, chị ta ngừng tập nhìn trả lại. Cuối cùng chị ta kéo cái màn cửa màu xanh che kín lại.Buổi sáng thật bình thản, Loan nghĩ thế. Nó lầm lũi đi, có gì xảy ra đâu. Loan chán nản đến cùng cực, vô tình Loan buông tiếng thở dài.. Ngõ hẻm bắt đầu nhộn nhịp người qua lại. Loan đoán chừng ngõ hẻm phải có lối ra. Nó đi theo những người xách giỏ đi chợ. Chừng năm phút sau, Loan ra khỏi hẻm. Con đường trước mặt vang lên tiếng xe cộ, tiếng rao quà và hàng trăm thứ âm thanh khác. Loan thấy mình lạc lõng giữa làn sóng người nhộn nhịp kia. Tất cả mọi người đều có một công việc để làm. Còn Loan thật thừa thãi, điều lo nghĩ của Loan triền miên và vô lý. Loan có cảm tưởng mình đang rơi xuống trong sự chán nản đến cùng cực. Loan cúi đầu đi, nó tự thấy mình thật xấu hổ, nỗi buồn như tan trong máu chạy khắp cơ thể, chúng đọng lại ở từng đầu ngón tay, ngón chân, làm cho cơ thể Loan trở nên lười biếng cử động.Ánh nắng sớm mai từ con đường chiếu hắt lại làm bóng Loan đổ dài. Loan đi ngược chiều với hướng mặt trời. Không khí buổi sáng còn trong lành. Hai bên đường phố bắt đầu mở cửa, trong các tiệm ăn, tiếng ly tách chạm nhau lanh canh, tiếng nhạc hòa lẫn tiếng ồn ào nói chuyện tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn.Một đôi tình nhân đi vượt qua mặt Loan. Người con gái cắt tóc kiểu bom-bê, mặc jupe ngắn, dáng người nhỏ nhắn. Người thanh niên nắm lấy tay nàng kéo đi:- Mình vào đây ăn sáng.Người con gái nhõng nhẽo lắc đầu:- Khỏi có ăn đi, em chỉ uống chocolat thôi.Giọng người thanh niên trìu mến:- Em cứ làm biếng không chịu ăn rồi người cứ gầy như con mắm khô ấy.Thiếu nữ cười nhẹ, đầu hơi ngả vào vai người tình:- Em nhịn ăn cả ngày còn được nữa kia.Loan nhìn thấy bàn tay người con trai hơi bóp nhẹ vào tay thiếu nữ:- Hư lắm đó “chó con”, nhịn ăn hoài người xấu đi người ta bỏ rơi lại kêu trời.Thiếu nữ vùng vằng:- Giỏi thì bỏ đi nào, lại không chạy theo người ta khóc hết nước mắt í à!Thanh niên kéo người yêu đi gần lại mình:- Ai khóc hồi nào, chỉ khéo bịa đặt.Đôi tình nhân dắt nhau vào quán. Khi người con gái bước lên thêm, Loan nhìn thấy bắp chân nàng thon dài, trắng nõn nà. Loan cúi mặt đi.Trên những sạp hàng bày bán ờ lề đường, Loan thấy những người chủ vừa mới mở cửa hàng, họ cầm chổi lông gà phẩy bụi trên hàng hóa. Tới một sạp báo, Loan dừng lại. Nó đưa mắt nhìn những tờ tạp chí lòe loẹt, nó liếc qua mấy tờ nhật báo. Loan tò mò lật he hé lên coi. Người đàn bà chủ sạp báo nhìn Loan chăm chăm, Loan vẫn vô tình không hay biết. Chị ta tới gần cầm chổi lông gà đánh vào tay Loan một cái:- Đồ quỷ, mới sáng tinh mơ mà đã đến ám.Bị đánh bất ngờ, Loan giật tay lại, ngước lên nhìn chị ta. Chị ta sấn sổ:- Còn nhìn nữa hả mày, tổ cha bay không bước đi sao?Bị chạm tự ái, cái ngang bướng nổi dậy trong đầu Loan làm mặt nó nóng lên:- Xem nhờ một chút mà chị.Không chờ Loan dứt lời:- Không xem nhờ xem mướn gì hết ráo! Cô hồn ở đâu không hà sáng nào cũng đến ám.- Tôi ám chị hồi nào, mới sáng nay là lần đầu tiên.Chị ta nóng tiết, xô mạnh Loan ra:- Mà tôi không chịu có được không? Mày muốn lý sự thì bà cho lý sự luôn.Chị ta cầm chổi lông gà trong tay sấn sổ đến như muốn quất Loan liền:- Tao quất thấy mẹ mày rồi còn kêu lính bắt nữa kia, đồ ăn cắp.Mắt Loan long lên sòng sọc vì tức. Nhưng thấy nói đến cảnh sát, Loan lại nghĩ đến vụ đuổi bắt hồi đêm nên đành nuốt giận. Loan lùi dần, giọng Loan như muốn khóc đến nơi:- Các người ăn hiếp tôi quá lắm!Mụ đàn bà tàn ác hơn:- Mày có bước đi ngay không thằng ranh con...Loan đành quay lưng đi, mụ liền lấy một mảnh báo cũ xoắn lại bật quẹt châm lừa đổt vía. Mụ khua ngọn lừa trên những tờ báo và dưới gầm sạp, chỗ Loan vừa đứng, mụ lâm râm khấn vái. Ngọn lửa tàn, mảnh báo cũ thành một đám tro đen mỏng trên vỉa hè. Một ngọn gió thổi qua, những mảnh tro tàn tan tác bay... Đã thế, mụ còn phân bua với những người đứng gần đó:- Tôi nhận đúng mặt nó mà, thằng này chuyên môn ăn cắp vặt, chúng nó có một bọn năm sáu đứa lận.Một người đúng gần đó chêm thêm một câu:- Sao không túm nó luôn mà giao cho lính?Người chủ sạp báo nhìn những mảnh tro tàn còn sót lại:- Thôi, tội nghiệp nó, giận thì xua đuổi vậy thôi chứ tôi đâu có nỡ.Loan lủi thủi đi, nó thấy rõ từng hành động của người đàn bà, từng lời đối thoại. Bỗng dưng Loan thấy cảnh vật trước mắt mờ đi. Nó chớp mắt, một dòng nước âm ấm chảy xuống má. Loan vội đưa tay chùi nước mắt. Cổ họng Loan như nghẹn lại, hai mũi cay xè. Không thể được, không bao giờ mình khóc cả. Loan tự an ủi. Nó cúi gằm mặt bước đi. Tiếng huyên náo hai bên đường không còn làm Loan chú ý đến nữa. Nó bước xuống đường, mặc cho xe cộ chạy ngang như dòng thác lũ. Tiếng bánh xe thắng ken két. Có người thò đầu ra chửi:- Đui à?Loan tảng lờ đi như không nghe thấy. Nó bước vội lên lề đường. Trước mắt Loan là một công viên, ở đó cây cối xum xuê, một vòi nước trồi lên thảm cỏ xanh mướt mượt, đang quay vòng, nước tóe tung lên như bụi mưa.Phía cuối con đường mòn, cạnh bụi duối xén bằng bặn, một người phu cầm cái chổi dài đang vun những chiếc lá úa vào một chỗ. Tiếng chổi khua quèn quẹt trên nền đất lẫn sỏi. Một lát, hắn cúi khom người xuống châm lửa đốt. Khói bốc lên cao tan loãng vào trong bóng lá cây, ánh sáng sớm mai chiếu qua tàn lá thành từng luồng sáng vàng kim nhũ, thảm cỏ ướt mượt sáng lên. Hai vòi nước ngược chiều nhau vẫn quay, quay mãi. Chúng vung lên đám năng vàng chói lói những hạt nước trong như hạt bằng pha lê.Loan tìm một ghế đá ngả lưng nằm xuống. Nó khoanh hai tay lại sau gáy đỡ lấy cái đầu chứa đầy mệt mỏi. Tiếng xe cộ từ dưới đường vắng lên nghe mơ hồ, rồi tiếng ve sầu dậy lên ran ran khắp vùng lá cây trên cao. Đám khói từ những đống lá khô un lên, vương vất trong nắng vàng, trong màu xanh lá cây mướt mượt. Một tiếng chim hót lên và những tiếng chim khác phụ họa. Những con chim nhỏ bay ngang dọc trên bầu trời thành phố. Loan ngửi thấy mùi ẩm ướt của cỏ non pha lẫn mùi ngai ngái của lá đốt.Người phu quét lá đã làm việc xong, anh ta kéo lê chiếc chổi dài trên con đường rải sỏi, hai bên đường trồng cỏ tóc tiên. Anh thơ thẩn như một kẻ nhàn hạ dạo chơi trong vườn. Anh ta ngồi xuống một chiếc ghế đá gần đó lấy thuốc ra vấn hút, chiếc chổi gác bên cạnh. Anh ngửa cổ nhả khói thuốc lên trời.Loan nằm như vậy lâu lắm. Người phu quét lá đã đi khỏi. Hai cái vội nước đã ngừng quay, tiếng chim cũng ngừng hót, nắng mỗi lúc một gay gắt hơn, chỉ còn lại tiếng ve sầu kêu râm ran từ chòm cây này truyền sang chòm cây khác. Bên mép cỏ, những đóa hoa mười giờ nở đỏ ối đánh viền trên màu xanh của cỏ và màu trắng ngà của đá cuội.Loan nghe trong bụng mình sôi lên ùng ục, ruột gan Loan như thắt lại, rồi thì cơn đau bụng nổi lên âm ỉ. Đúng rồi, chiếc dạ dày lép kẹp đang bóp những hạt cơm vô hình. Loan càng thấy cay đắng hơn. Nó mỉm cười một mình, ánh nắng chảy dài trên mặt nó, khối tròn vàng chóa lên. Hỡi mặt trời, hãy nhìn ta! Hỡi lá cây cùng chim chóc! Loan nhắm mắt lại, khắp người nó nóng ran và ngứa ngáy như mọc rôm khắp cùng da thịt. Cơn đói mỗi lúc một tăng lên dữ dội hơn. Loan đổi thế nằm cho đỡ nhức nhối, nó chỉ dịu đi một lát rồi đâu lại vào đó. Mồ hôi Loan bắt đầu vã ra, chiếc áo sơ mi xông lên mùi nồng chua của mồ hôi. Ánh năng không đủ sức hong khô, chỉ làm chiếc áo bốc lên mùi hôi khó chịu.Không lẽ mình chịu nằm chết đói ở đây sao? Loan thầm nghĩ. Mọi cử động của Loan trở nên rời rã, đầu óc Loan choáng váng. Không thể nằm mãi đây được. Loan cố vùng dậy, nhưng cử động của Loan chỉ uể oải. Loan gần như không muốn thở nữa. Mỗi lần cử động mạnh, bụng lại quặn đau. Loan đứng dậy, hai đầu gối như mềm ra, trở nên run rẩy. Những bước chân Loan giẫm trên lối sỏi nghe rào rạo, nhưng hình như Loan không còn thấy cảm giác ở chân nữa. Tất cả đều dồn lên bụng và đau thắt ở đó. Loan cố đi thẳng người, nhưng có một sức mạnh nào đó ấn cổ làm cho Loan phải khom người xuống.Loan nuốt nước bọt, mồ hôi vã ra khắp người ri rỉ từ chân tóc đến cổ, ngực và lưng. Mọi nơi đều ngứa ngáy khó chịu. Hai tai Loan bắt đầu ù. Để tự trấn tĩnh, Loan thầm gắt: “Người gì mà dở quá vậy, mới đói đây mà, ta nhất định chịu được. Phải được! Hãy đi thẳng người lên”.Loan ra khỏi công viên. Nó đi dọc theo vỉa hè, con đường nắng chói chang. Mười hai giờ trưa, các công, tư sở đang tan tầm. Xe cộ đông nườm nượp, Loan đi giữa đám người nhộn nhịp ồn ào, giữa bụi khói xả ra nồng nực. Cơn đói sau khi hành hạ Loan dữ dội đã dịu lại. Ruột Loan đã bớt quặn đau nhưng người mệt mỏi vô cùng. Con đường từ đây tới quán Anh Vũ còn xa, đồng hồ bưu điện Sài gòn đã chỉ mười hai giờ mười lăm phút. Không chắc đã gặp được Minh ở đó.Mãi nửa tiếng sau, Loan mới tới nơi, quán Anh Vũ bắt đầu vắng khách, chiếc radio cuối phòng đang đưa tin buổi trưa.Loan bước chân vào quán, nó đảo mắt nhìn quanh, không còn Minh ở đó. Không lẽ mình chịu đói đi ra. Loan nghĩ bụng và tự nhiên nó thấy hồi hộp, mắt nó nóng lên, mồ hôi nhỏ giọt. Loan nghĩ đến phương pháp “ăn tráng miệng” của Minh. Dễ dàng quá, chỉ việc vào bếp cắp miếng cơm cháy ra là xong, nhưng Loan thấy ngượng ngùng làm sao. Loan nhìn xung quanh, Loan có cảm tưởng tất cả mọi người đều nhìn rõ mọi ý tưởng trong đầu Loan, hai chân Loan như dính xuống sàn không nhấc lên nổi.Loan quan sát lại những người đang ngồi ăn một lần nữa. Họ vẫn cắm cúi ăn, hình như không ai để ý đến Loan. Loan mỉm cười, mình chỉ khéo lo xa. Hãy mặc kệ thì đã sao.Loan mạnh dạn tới một bàn trống. Nó không ngồi xuống như khách hàng. Nó chỉ thò tay vào ống tăm, nhón một cái cắn lên miệng, không ai để ý đến Loan, mọi người ai lo phận nấy. Loan thấy vững bụng hơn và hết hồi hộp.Để cho mọi người tưởng lầm mình mới vừa ăn cơm xong, Loan ngồi xuống ghế và gác chân lên một chiếc ghế khác. Nó cũng xỉa răng, chép chép miệng. Một đứa nhỏ, con hàng bán nước mía ngoài cửa vào, nó tới các bàn thu dọn những chiếc ly không. Tới chỗ Loan ngồi, không thấy chiếc ly nào, nó hỏi:- Uống nước mía không?Loan vừa xỉa răng và ngửa mặt lên gắt:- Uống gì mà uống lắm thế?Thằng bé con ôm chồng ly đứng lựng khựng trước mặt Loan có vẻ bối rối:- Tôi tưởng anh chưa uống chớ!Loan lườm nó một phát, không trả lời. Thằng bé con đi khỏi. Loan nghĩ bụng mình đóng kịch cũng khá đó. Màn kịch đầu Loan đã đóng xong, và bây giờ Loan như đã có trớn. Nó đứng dậy mạnh bao hơn, xốc lại quần, miệng vẫn ngậm tăm xỉa răng. Loan khất khưởng đi vào nhà bếp như một người vừa ăn uống no nê.Mấy cái phuy nấu cơm đang được hai người lực lưỡng xối nước rửa. Ở trên bệ cao, còn mỗi một giỏ cơm. Trên đó có một miếng cháy to nhưng không được vàng, nó cháy đen. Loan đứng tỉnh, một tay chống nạnh, một tay cầm chiếc tăm xỉa răng, miệng chóp chép. Một trong hai người rửa thùng phuy ngừng tay, anh ta đứng thẳng người lên, tươi cười hỏi:- Cơm cháy kia đen quá hả mày?Loan mỉm cười gật đầu đáp lại. Anh chàng lực lưỡng chỉ ngay người bạn đứng bên cạnh:- Me xừ này nấu đó, dở ẹc, tao nấu thì khỏi chê, cơm cháy vàng ngậy. Chu choa, mấy cậu học sinh khoái tổ mẹ. Chờ chiều ăn đi, thứ cơm này chỉ cho heo ăn được thôi.Loan bỗng thấy lo lắng, không lẽ hắn đã nói thế, mình lại cứ lấy ăn thì còn ra thể thống gì nữa. Gã thanh niên kia bị bạn lật tẩy, đâm ức bèn ra lệnh cho Loan:- Mày cứ ăn đi coi có chết không nào? (Hắn quay sang người bạn) Mày làm như sư lắm.Gã kia vênh váo:- Sư chứ sao không sư? Mà nói thật nó khỏi có thèm ăn đi, nó mới ăn cơm xong no căng rồi.Loan thấy “tình hình” mỗi lúc một thêm nguy khốn cho mình. Loan không biết phải làm sao cho được lòng cả hai ông nhà bếp. Cơn đói bắt đầu lên cơn nữa nên Loan đành đứng xỉa răng, mặt vẫn làm ra vẻ tươi cười tỉnh táo.Hai anh nhà bếp kê nhau mỗi lúc một găng, không ai chịu kém ai một lời. Miếng cơm cháy chỉ cách Loan có vài ba bước chân, nó phơi mình trước đám ruồi nhặng bay vo ve. Loan biết miếng cơm đã bắt đầu ôi. Không thể chần chừ được nữa, chỉ còn năm hoặc mười phút nữa là bọn nhà thầu sẽ bê thùng cơm lên xe chở đi cho heo ăn.Hai anh nhà bếp đã nói đến nghệ thuật đổ nước vào gạo làm sao cho vừa, làm sao cho cơm chín thì dẻo thơm. Loan không cần biết đến những thứ đó, nó chỉ cần có cái nhét vào miệng ngay trong lúc này. Loan thấy khó khăn khi thực hiện ý định.Gã đàn ông bị chê nấu cơm dở nói:- Hôm nay tại lửa lớn quá, vả lại lúc cơm gần chín, tao mắc đi tiêu nên mới để quá...Gã kia cười hô hố:- Mày nói vòng vo tam quốc một hồi rồi đâu cũng vào đó hết trơn à, tại mày dở vậy thôi.Gã kia cũng không kém, cãi lại:- Dở sao được, tại tao quên.- Quên là dở rồi.- Quên và dở khác nhau xa mày ơi!Gã kia đổ quạu:- Tao không thèm nói chuyện với mày nữa, chán bỏ mẹ.Người bạn càng chọc tức:- Tại nói không lại.Gã kia buông cái thùng phuy đánh phịch xuống đất:- Ơ hay, sao mày chọc quê tao hoài vậy cà, tao đã bảo là tao không muốn nói chuyện đó nữa.Người bạn ngừng tay, cười ngất:- Không nói mà cái miệng lép xép hoài.Gã kia tức giận ra mặt, gã đá thùng phuy và xối nước ào ào.Từ nãy Loan vẫn đứng nguyên chỗ cũ, lời qua tiếng lại của hai người như một bức rào cản không cho Loan tới gần giỏ cần xé để bè một miếng cơm cháy. Loan nghĩ bụng: “Không lẽ mình lại bỏ đi ra vì sự gấu ó của hai người”.Hai người đã thôi không còn cãi vặt nữa, ai làm việc nấy. Hình như họ quên cả sự có mặt của Loan. Không thể được, Loan phải nghĩ đến cái bụng đói của mình trước, hãy nhắm mắt bỏ qua, gạt ra ngoài tất cả tự ái sẵn có. Loan dợm chân bước lại gần giỏ cần xé. Một người trong bọn ngẩng lên:- Ủa, mày tính ăn cái cơm cháy đen đó sao?Loan trả lời liều:- Ăn chứ sao không ăn.- Mẹ, cơm cháy cho heo mày cũng ăn sao?Tới nước cùng rồi, Loan nghĩ bụng không ăn cũng dại. Lúc đó nó chỉ cần nghĩ đến cái bụng đang lép kẹp của nó, nó không thể vì một chút tự ái xằng bậy mà xụi lơ luôn.Nghĩ vậy, Loan cúi xuống bẻ một miếng cơm cháy thật lớn, miếng cơm nguội ngắt, những con ruồi đậu trên miếng cơm bị động bay vung lên. Loan nói cho đỡ ngượng:- Ăn một miếng coi có chết không nào, nghe các ông gây lộn hoài, tôi rầu quá!Cả hai người đàn ông cùng cười:- Mày có vẻ chịu chơi đó, lỏi tì ạ! Thôi, chiều tới nhé! Chiều tới tao để cho miếng cơm thật ngon, thật vàng.Loan cầm miếng cơm cháy lủi ra ngoài quán rắc tàu vị yểu, muối tiêu, ăn ngon lành. Quán lúc này đã vắng tanh vắng ngắt. Ăn uống xong, Loan bước ra khỏi quán. Nó lại phân vân không biết đi đâu cho hết buổi chiều nay.