Vai đeo ba lô con cóc trong ấy đựng thức ăn, nước uống và cuốn bản thảo có những dòng kẻ nhạc, tay ôm cây đàn ghi ta, Lâm Khang cứ thế lững thững đi dạo quanh hết một dãy dài những cội già của bãi Thùy Dương. Cuối cùng anh mới hài lòng với chỗ mình chọn, một nơi thật trữ tình, khi phía trước mặt là biển xanh, nơi anh ngồi là những phiến đá xếp chồng xen kẽ vào nhau như tình nhân dựa vai tình nhân, còn sau lưng anh là những cồn cát mịn màng trắng xóa, xa xa nữa thì bạt ngàn cây mì, cây mía. Cởi bỏ ba lô, anh treo nó lên một cành dương và ngồi xuống ôm đàn nghêu ngao hát. Hát hồi lâu xem chừng đã thấm mệt, anh lại câm lặng rồi đưa mắt ngắm biển. Buổi trưa con nước cạn, bờ bãi phơi đầy rong rêu và xác vỏ ốc, vỏ sò, biển đầy im lìm, tĩnh lặng, sóng như cũng buồn không vờn bãi. Thế đấy, biển cũng có khi đăm chiêu tư lự như người thiếu phụ cô đơn. Giữa lúc Lâm Khang đang thả hồn, yêu trời, mến đất, thì bỗng nhiên chợt vọng lên một giọng hát rất gần, anh lắng tai nghe. Bài hát như sau: "Cóc chết, nàng Nhái mồ côi bấy lâu, chàng Hiu nó bèn đi hỏi, Cóc lắc đầu, nàng lại chắng ưng, nàng lại chắng ưng. Con ếch ngồi ở trong hang, nó kêu là kêu cái ẹo, biểu ưng là ưng cho rồi. Bậu chờ ai, chứ ai chờ Bậu, Bậu chờ ai. Cóc chết nàng Nhái để tang, thở than, chàng Hiu nó bèn an ủi, Nhái ngỡ ngàng, lòng dạ ngổn ngang cái mà xốn xang. Con Ếch ngồi ở trong hang nó kêu là kêu cái ộp, biểu ưng là ưng cho rồi, cái ưng cho rồi. Bậu chờ ai chớ ai chờ Bậu, Bậu chờ ai... " Lâm Khang bất giác bật cười, trước làn điệu dân ca đầy dí dỏm, dễ thương và đầy chất phóng khoáng. Cứ thế anh lắng nghe một cách thích thú và kỳ thực tiếng hát ấy đang dìu những bước chân anh đi lần theo nó. Khi tiếng hát ngừng, thì anh cũng đã nhìn thấy được người đã tạo ra những tiếng hát ấy. Thì ra cách chỗ anh không xa, một cô gái đang nửa nằm, nửa ngồi trong một hốc đá rộng. Cô gái đang lim dim ngủ. Lâm Khang cảm thấy nhói tim, khi bất chợt cái xoay người nhẹ của cô đã khiến cho toàn bộ gương mặt được phơi bày ra trước mặt anh: Cũng vẫn bộ đồ bà ba bạc màu, mái tóc dài đen mượt được buộc hờ hững bằng cọng cỏ dại, lông mày đậm vòng nguyệt, chiếc cằm thon thả, đôi mắt to nồng nàn, lông mi dày cong vút, nước da mặn mà. Một nét đẹp đầy gợi cảm pha lẫn sự bướng bỉnh cao ngạo đi kèm theo cái trán hơi dồ. So với những người con gái anh đã gặp, anh vẫn tưởng Kim Sa là người vượt hẳn lên trên tất cả. Thế nhưng giờ đây chạm mặt rõ ràng và cái nhìn thật sự với cô gái này, anh biết suy nghĩ của mình còn sai lệch nhiều trong cách đánh giá vẻ đẹp phái yếu. Cứ thế Lâm Khang mải đứng trân mắt nhìn cô đến thẫn thờ. Đang mơ màng mê tỉnh, bỗng nhiên Ốc Tiêu có cảm giác như ai nhìn trộm mình, cô vụt mở mắt và phát hiện ra cái dáng sừng sững của Lâm Khang đang đứng im trước mặt cô từ bao giờ. Cô nhìn anh bằng đôi mắt hơi khó chịu: - Bàn chân ông có bọc nhung hả, việc quái gì mà nhìn tôi như người từ hành tinh lạ lạc đến vậy? Ý gì mà không lên tiếng nói? Lâm Khang lại bị xốc trước lời lẽ cộc cằn của cô, nên chỉ biết im lặng. - Sa ông không trả lời? - Tôi đang sắp xếp xem nên trả lời cô câu nào trước, câu nào sau. - Vậy thì ông từ trên trời bay xuống, hay từ đất chui lên? - Không từ trên trời mà cũng chẳng từ dưới đất. Tôi ở gần đây thôi, tôi đi ngắm cảnh. - Sao không tiếp tục ngắm cảnh mà lại ở đây? - Tại vì bài hát dí dỏm của cô mà ra cả. - Miệng lười ông luồn lách còn hơn cá chình biển. - Cô có giọng hát truyền cảm lắm. Tôi có mang theo đàn đây. Tôi đàn cho cô hát nghen. Cô cười lắc đầu, gương mặt khó đăm đăm lúc nãy giờ đã giãn nở đôi phần, dù giọng nói cô vẫn trống không cục mịch: - Hát với hò làm quái gì, có hát chăng là hát với mấy con dông đất này đây. Vừa dứt câu, cô nghiêng người cầm lấy cả một xâu dông đất, đặt nơi hốc đá gần chỗ ngồi, chìa ra trước mặt Lâm Khang. Phản xạ tự nhiên vì sợ sệt, anh nhảy lùi về sau mất mấy bước chân, mặt tái xám như tàu chuối héo khi nhìn những con vật đầy mầu sắc sặc sỡ bị kết trùm vào nhau bằng một sợi dây đồng mảnh mai. Anh thở hắt lấp bấp nói: - Cô bắt loại tắc kè, tắc kè này để làm chi vậy? Thấy ghê quá Ốc Tiêu ơi. Vẫn đung đưa xâu dông trước mặt Lâm Khang, cô cười dòn tan: - Có gì đâu mà ông phải sợ thế. - Đừng có cầm như thế, nó mà cắn thì dẫu trời gầm cũng chưa nhả đâu. Cô bắt nó làm gì? Ốc tiêu trả lời tỉnh bơ: - Bắt để ăn chứ làm gì. - Trời đất! Cô là con gái mà sao ăn toàn thứ độc địa không vậy, tắc kè mà cũng không từ. - Độc quái gì mà độc, đây không phải là tắc kè, đây là con dông, chỉ những vùng biển miền ngoài mới có thôi. Ông nên biết thịt của nó còn ngon ngọt hơn cả thịt gà nữa kìa. Lâm Khang hỏi giọng như chưa tin tưởng lắm: - Ăn ư? - Thì ăn, thịt nó đem nướng với lá lốt, đem xào lăn, hoặc nấu cháo. Đảm bảo món nào cũng ngon tuyệt. - Sao tôi nhìn bộ da của nó thấy ớn quá. Ăn làm sao vô. - Trời ơi, ông thật ngốc, nếu cứ để nguyên vậy mà nấu thì cho vàng tôi cũng không dám nuốt nữa là. - Vậy làm sao? - À, thì phải chặt đầu, lột da, bỏ ruột chứ. - Vậy thì nó sẽ thế nào? - Thì nó ngủm củ tỏi chứ sao nữa. Không lẽ sau cuộc hành trình thời trung cổ như vậy mà nó còn sống được. Hai người bật cười. Lâm Khang nhìn cô, cất giọng thân tình: - Mấy buổi sáng liền tôi không thấy cô và Cu Đen ra biển dặm ghẹ nữa. - Vì biển buổi sáng con nước đã thay đổi. Anh không biết đó thôi, nước ròng làm gì có ghẹ mà đi dặm chứ. - Ồ, vậy mà tôi không biết. - Biết quái gì mà biết khi ông không phải là dân biên thực thụ. - Cô có đông anh chị em không? Ốc Tiêu nhìn xoáy vào Lâm Khang, câu hỏi thật tréo ngoe, không ăn nhập vào câu chuyện mà hai người đang nói nãy giờ và hình như đã gây cho cô sự khó chịu. Thoáng chốc cô lại trở về trạng thái lầm lỳ, khó gần. Tuy vậy cô vẫn trả lời: - Tôi đang sống với một mẹ già. - Còn cha cô và những anh chị em khác? Ánh mắt cô đùng đục sự Oán hờn: - Chết rồi. Lâm Khang nghe bàng hoàng. Giọng nói anh không còn tự nhiên nữa, có gì như là một xúc động, thương cảm. - Xin lỗi cô vì đã khơi gợi nên nỗi thương tâm của cô. Giọng Ốc Tiêu trả lời từng tiếng đầy lạnh lùng: - Tôi là loại người không thích kẻ khác thăm dò đời tư của mình. Xin chào. Chỉ có thế, cô quay ngoắt người, cầm xâu dông bước đi. Thái độ và giọng nói của cô như một gáo nước lạnh tạt vào mặt Lâm Khang, khiến anh chỉ biết bất động nhìn đăm đăm theo dáng cô gái đang đi xa dần. Sao vậy? Anh đâu có nói sai quấy điều gì, đến nỗi cô phải hằn học bỏ đi như vậy. Mới vừa cởi mở vui vẻ là thế, rồi bỗng dưng quay sang trạng thái nguội lạnh, gía băng. Người đời thường bảo con gái khó hiểu và có lẽ trong số người khó hiểu ấy, cô là người đứng ngoài hàng bậc nhất. Ơ hay! Sao mày lạ thật đấy Lâm Khang, việc gì mà bỗng dưng cứ thần người suy nghĩ ngợi về cô ta nhiều thế, chỉ vào lần gặp mặt, có gì đâu để gọi là thân, chỉ đôi ba mẩu chuyện không đầu, không đuôi gọi là tán ngẫu... Ngoài ra đâu có gì nữa để gọi là... Nhưng sao trông mày như thấp thoáng bóng dáng của nỗi xao động, bâng khuâng. Chỉ vừa mới đó thôi, sao mày lại mong trông thấy gương mặt đẹp hoang dại của cô ta rồi. Lâm Khang quay người bước đi về hướng cũ, anh nghe môi mình lẩm bẩm: - Quái nhỉ? Mới đó mà đã nhớ! Đứng nhìn cô con gái đang cặm cụi bổ từng gộc củi lớn ra từng thanh củi nhỏ, bà mẹ dịu dàng nói: - Được rồi con gái, bổ cả một đống lớn vậy rồi còn gắng chi nữa. Nghỉ thôi con. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán, cô ngẩng lên nhìn mẹ thật tươi: - Chỉ còn một chút nữa là xong rồi má ơi. - Sao phải làm gắng vậy, con không biết mệt sao Ốc Tiêu? - Con ráng tranh thủ bổ cho hết đống củi lớn này để má xài được lâu. Vài ngày nữa con nhập học rồi. Người mẹ thầm xúc động, nhưng vẫn kìm nén tâm trạng mình bằng câu nói vui: - Nếu sợ má cực nhọc, thì khiến về cho má một cậu con rể đi. Ốc Tiêu đỏ mặt: - Má! Người mẹ vẫn lên tếng nửa đùa, nửa thật: - Ở làng chài này, vào tuổi con, đứa nào cũng tay bồng, tay bế cả rồi, con cũng thấy mà. Ốc Tiêu cười xuề xòa: - Nhưng má thừa biết có ma nó thèm ưng con gái của má. - Vậy chứ thằng Hưng con bác Bảy, thằng Út Thiên con cô Ba Quang từng có ý... Biết mẹ định nói gì, cô liền chặn ngang: - Con không quan tâm đến mà. - Sao lại không quan tâm? - Vì con không định lấy chồng. - Sao lại không định lấy chồng? Cô mỉm miệng cười buồn: - Con sợ mình phải là phiên bản thứ hai như cuộc đời của má. Đôi mắt người mẹ thoáng ngỡ ngàng, bà không ngờ bi kịch đời bà lại gieo vào tâm hồn núm ruột của bà một cái nhìn bi quan với cuộc sống đến vậy. Mười mấy năm rồi còn gì, vậy mà nó vẫn không quên được, cũng như bà không thể nào quên được. Làm sao có thể quên kia chứ, khi mà nỗi cay đắng trong số phận bà, đã góp phần làm ảnh hưởng đến cuộc sống nghèo khó, chật vật và mồ côi cho con gái bà. Thật là cay nghiệt đau lòng. - Đừng mang ý nghĩ không hay đến vậy Ốc Tiêu, đâu phải ai cũng giống nhau. Má thấy thằng Hưng, thằng Út Thiên đứa nào cũng rất tốt với con. Xếp lại những thanh củi cho ngay ngắn, thứ tự Ốc Tiêu trả lời, giọng có vẻ cay đắng: - Không phải ngày xưa ông ấy cũng rất tốt, rất yêu má và hứa hẹn chung thùy đấy ự Để rồi sau đó thì sao? Chỉ toàn là ngoa ngụy dối trá. Bà mẹ nuốt nghẹn. "Ông ấy", tiếng gọi để thay thế cái từ thiêng liêng của tình phụ tử, đã được con gái gắn chết trên môi, từ khi nó bước chân ra khỏi ngôi nhà ấy, biết rằng đó là điều lỗi hiếu, bất đạo, nhưng bà cũng không thể nào cất lời bảo ban nó, phải tỏ lòng tôn kính người đã tạo ra vóc hình của nó. Bởi vì chính "ông ấy" chẳng đã tự đậy xô nó ra xa vòng tay của mình một cách tàn nhẫn đó sao. Nhìn thấy sự nín lặng đau thầm của mẹ, cô gái chợt đâm hối cho những lời không tự chủ của mình, cô bước đến nắn nót bàn tay mẹ chậm rãi nói: - Xin lỗi má, con đã nhắc về ông ấy. Con đã từng nhắc nhở mình rằng phải quên bỏ những chuyện không vui ấy đi. Con đã không muốn má phải nhớ điều đau lòng đã quạ Vậy mà bây giờ chính con lại... Cô thở nhẹ thay cho lời kết vừa bỏ dở, bà mẹ nở nụ cười gượng, mà nghe giọng mình mềm sũng, rưng buồn: - Đừng tự trách mình con gái à. Hiện giờ má đã quên mất những gì đã xảy ra trong quá khứ rồi. Bây giờ cái mà má yêu quý nhất là con gái của má. Con hiểu không? Cô gật đầu để trấn an lòng mẹ, dù cô thừa hiểu, đó là lời nói dối mà mẹ thốt ra để giấu che tâm hồn đau thương của mình. Ngại không khí trầm quá sẽ gieo sự nặng nề tạo cơ hội cho nỗi buồn về chiếm ngự, Ốc Tiêu đổi giọng ranh mãnh, giễu cợt cùng mẹ: - Má biết vì sao con không dám ưng anh Hưng con bác Bẩy không? Đố má biết. Nghĩ ngợi một thóang người mẹ nói: - Có phải nó là con trai lớn mà còn đông em nên con ngại làm dâu chứ gì. Má nói má bắt rể cơ mà. - Trật lất má ơi. Má không thấy là anh Hưng đã đen như cột nhà cháy, con thì có gì để gọi là trắng, hai người mà kết hợp lại với nhau, mai mốt sẽ cho ra đời những sản phẩm nhọ nồi sao? Tự đắc ý với câu phán gọn của mình, cô bật cười lớn. Bà mẹ mím môi, cố kìm chế tiếng cười bằng một giọng nói nghiêm túc: - Lớn rồi mà ăn với nói. - Con nói thật đấy. - Vậy còn thằng Út Thiên con cô Ba Quang thì sao đây? Cô lại tiếp tục cợt đùa: - Anh Út Thiên ấy hả. Càng nguy to má ơi. - Con chê nó nữa sao? Con trai một, gia đình khá giả. Con gái xóm này đều mong mỏi làm vợ nó. Còn con thì cứ thế này, thế nọ là sao. - Anh Thiên thì cao to như hộ pháp, còn con lại nhỏ con ốm yếu. Đi chung với nhau có khác gì thằn lằn ôm cột dừa. Ha... ha... ha... Tiếng cười oà vỡ của Ốc Tiêu làm bà mẹ cũng phải bật cười theo. Tuy nhiên bà cũng trách nhẹ con gái: - Rốt cuộc thì con vẫn lừa qua, lách lại để trốn tránh việc lập gia đình thôi. Thật chẳng thể nào hiểu con nổi. Lầm bầm thêm vài tiếng gì đó Ốc Tiêu nghe không rõ, rồi bà lững thững trở vào nhà. Cô gái cũng lót tót vào theo. Bước lại giá treo quần áo, cô đưa tay lấy khăn che mặt, vừa nói với mẹ. - Con đi đây má ơi. - Lại đi đâu nữa? - Cô Ba Quang nhờ con đến chở giúp cho cô ấy một cộ bò rơm ngoài đồng về nhà, xong con sẽ về nhà. Má nhớ nấu cơm... Câu nó bị bỏ lửng, khi đôi mắt cô bất chợt nhìn thấy một gói giấy vuông nửa trong, nửa ngoài nơi túi áo bà ba của mẹ. Cô tò mò mở ra xem, khi biết được tờ giấy bọc thứ gì, gương mặt cô thoáng nét đăm chiêu nghĩ ngợi hồi lâu. Và như tìm ra được đáp số đúng cho điều thắc mắt cú của mình, cô cầm nguyên gói giấy ấy, đưa ngay trước mặt mẹ, giọng khó chịu căm căm: - Tiền này của ông ấy đúng không má? Bà mẹ tránh ánh mắt tối sầm của con gái và trả lời nhẹ: - Ông ấy sai người làm đem đến lúc sáng nay, bảo rằng cho con đóng học phí... Ốc Tiêu cố dịu giọng lại để nén nỗi bực tức đang trào dâng trong lòng. Cô cướp lời: - Má có biết là con không cần mà. Giọng bà mẹ vẫn cam chịu: - Má biết. - Má biết sao vẫn còn nhận? - Má không nhận, nhưng họ vẫn để đấy rồi đi về. Má biết làm sao đây. - Họ để đấy thì cầm tiền này quăng vào mặt họ. Má không làm được à? Bà mẹ thở dài đánh thượt rồi chậm rãi nói: - Ốc Tiêu à! Người cầm tiền đến đây cũng chỉ là người làm công cho ông ấy, má làm sao có thể nói nặng họ được. Nợ có đầu, oan gia có chủ. Ông ấy là người cho mình căm giận, chứ đâu phải người làm công kia. Ốc Tiêu im bặt trước lời mẹ nói đầy tình lý, nhưng không vì thế mà cô thôi giận dữ. Chụp cái nón kết lên đầu, cô nói ráo hoảnh: - Con đi đây. Bà mẹ hỏi giọng lo sợ: - Con đến nhà đằng ấy hả? - Con không muốn xài tiền này. - Trả lại tiền rồi về liền nghe con, đừng ầm ĩ gì hết nha Ốc Tiêu. Ốc Tiêu đỏ bừng mặt vì giận: - Má lúc nào cũng vậy, lặng lẽ cam chịu, lặng lẽ nín nhịn một cách thụ động. Má có biết vì má qúa hiền lành, nên bao giờ cũng gánh chịu thiệt thòi thua kém về mình hay không? Không để tâm đến lời con gái nói, bà mẹ vẫn níu cứng tay con, giọng năn nỉ: - Nghe lời má nghen con, đến đó đừng cãi vã gây gổ như bao lần trước. Ốc Tiêu cười kẳy, cứng giọng: - Con hứa với má nếu họ đừng chạm nọc đến con.