Chương 13

Thay vì về nhà, Hải San lại ra biển. Biển chiều nước đang dâng cao, màu xanh hun hút chân trời, sóng bạc đầu vờn bãi, gió lùa tóc bay, lành lạnh cõi lòng. Ở hun hút phía trời xa, đơn lẻ một con hải âu bay trong gió chiều, gieo cho cô niềm thương cảm sầu bi.
Buông người ngồi xuống nền cát ướt, hai tay ông ôm gối, mắt cô đăm đắm nhìn lòng biển rộng và cô bất định... Có ai đó trùm chiếc áo khoác lên vai cô, cô nhìn lên. Hóa ra là Lâm Khang, chỉ nhìn thôi, nhưng rồi cô không nói gì, khoảng im lặng đến hiu buồn. Rồi bỗng nhiên cô bật khóc. Lâm Khang ngồi xuống bên cạnh cô, đưa tay vỗ nhè nhẹ lên vai cô, một cử chỉ xẻ chia hơn là âu yếm. Nước mắt của cô làm anh thấy đau lòng, anh nhớ cô có lần nói với anh là nước mắt không phải là thứ nước lã, mà dễ dàng tuôn rơi. Thế mà giờ đây.
Khẽ thở dài, anh nói như vỗ về Hải San:
- Về đi em, ở đây gió lạnh lắm.
Cô chỉ lắc đầu, rồi tiếp tục câm lặng, nước mắt vẫn cứ lặng lẽ rơi. Như không thể chịu đựng được nữa với sự sầu bi của Hải San, Lâm Khang xoay mặt cô lại, đối diện với mặt mình. Anh nhìn cô thật đằm thắm và nói khẽ khàng:
- Đừng nên tự đày ải mình nữa, em có biết nhìn em anh đau lòng lắm không?
Một nụ cười thật buồn nở trên môi Hải San:
- Ông đang chiêm ngưỡng nồi đau của tôi bằng thái độ thương hại phải không?
Đôi mắt Lâm Khang vẫn không rời khỏi khuôn mặt cô:
- Anh không ngốc đến đội đi thương hại một người con gái giàu tự ái và thừa tự trọng như em đâu Ốc Tiêu.
Hải San lại im lặng, cô cắn răng cố kìm cứng lời rên đau lúc nào cũng muốn bật trào thành tiếng. Cả mình cô ê ẩm, có những chỗ sưng tím hằn rõ trên da thịt. Lâm Khang như hiểu được tâm trạng cô, anh cất giọng chân thành:
- Thấy em bị bác Thái đánh như vậy mà anh chẳng thể can ngăn được...
Hải San ngắt ngan:
- Đừng tự bứt rứt lương tâm khi ông là người ngoại cuộc.
- Quả thật là bất công và vô lý. Tại sao hai người con gái mà lại có hai thái độ đối xử khác nhau?
Câu nói như lời bất nhẫn của Lâm Khang có khác nào như mũi tên tẩm thuốc độc bắn thẳng vào nỗi đau đang tuột dài từ thuở ấu thơ đến thời thiếu nữ của Hải San.
- Anh tìm đến với em bằng sự chân thành trong suy nghĩ và trong trái tim nữa. Hãy cho anh có được làm bạn chung cùng những nỗi buồn, xẻ chia những bất trắc bão giông của em nghen Ốc Tiêu.
Giọng nói thành khẩn và bàn tay dịu dàng nắm lấy tay cô, như một liều thuốc hay chạy chữa đúng nguyên nhân, đã gây cho Hải San niềm cảm xúc diệu kỳ, nó khiến cho cô không còn sức phản kháng bằng thái độ lãnh cảm, khó tính, khép kín như những lần trước.
Nhất là giờ đây, vết thương lòng trong cô đang sưng tấy, nhức nhối, nặng nề, cô thấy cô đơn, lẻ loi biết bao nhiêu... Phút giây yếu đuối, buồn phiền này mà có được một người thật sự xẻ chia những bất trắc, bão giông phải chăng là nguồn an ủi vô biên?
Tầm mắt hướng ra nơi chân trời chỉ ngút ngàn mầu xanh của nước, giọng Hải San nhỏ và buồn tênh:
- Lẽ ra tôi phải giữ đúng lời hứa của mình là không bao giờ đặt chân đến ngôi nhà ấy. Nhưng tôi đã phản bội lại tôi. Biết làm sao hơn, hoàn cảnh đã đẩy tôi vào một điều mà tôi không còn phương cách chọn lựa nào khác nữa.
- Vì sao em lại chọn lựa nói?
- Vì định mệnh khắc nghiệt đã đè nặng lên thân phận má tôi. Người đàn bà đau khổ đã quá nhiều, đến nỗi sống lặng lờ như chiếc bóng và giờ đây đang liệt giường vì cơn bệnh ngặt nghèo. Một căn bệnh mà sự sống còn tính theo ngày tháng chỉ còn ở những đầu ngón tay.
Lâm Khang đã hiểu ra vấn đề, anh tiếp lời Hải San:
- Vì thế mà em đến nhà bác Thái, lấy lại giấy tờ đất đai, định bán nói đi để có tiền thuốc thang chạy chữa cho bác gái?
Lời lẽ Hải San lại căm căm một niềm đau xót lẫn hận đời:
- Tôi ước ao sao ông ấy đừng là cha tôi, có lẽ đó là hạnh phúc nhất đời.
- Sao em không nói rõ lý do khi bác Thái hỏi, anh nghĩ bác ấy sẽ để cho em được toại nguyện.
- Nói rằng má tôi sắp chết, tôi cần tiền để chạy chữa ư? Với những người vô tâm trong ngôi nhà ấy thì đó sẽ là một vị ngọt, nhất là với mẹ con bà Kim Lan. Tôi không muốn nhìn thấy một biểu hiện hân hoan nào trong đôi mắt họ cả.
Lâm Khang phân tích vấn đề:
- Nhưng mục đích của em là những mảnh giấy kia và căn bệnh bác gái mới là điều quan trọng, em nên nén lòng, nhẫn nhục thì mới làm được nên chuyện.
- Tôi không làm được điều đó trước những người của dòng họ Hồ Khắc.
- Em thật cố chấp, gan lỳ.
- Nếu không như thế, có lẽ từ lâu tôi đã chết rũ rồi.
Lâm Khang biết nếu nói thêm nữa, sẽ đẩy câu chuyện đến sự căng thẳng vì sự bướng bỉnh nơi cộ Anh đành lái sang chuyện khác:
- Bao giờ em vô lại Sài Gòn? Nghỉ học lâu quá sẽ bất lợi cho em.
Vài giây im lặng, rồi Hải San cũng trả lời:
- Không biết có còn dịp trở lại nơi ấy hay là không nữa. Người ta không cần học cũng vẫn có thể sống, vẫn vui vẻ, nhưng nếu mất đi người mẹ thì đó mới thật là điều cay nghiệt...
Câu nói lại ngừng ngang nửa chừng ấy cũng đầy đủ nghĩa lắm rồi. Lâm Khang không hỏi nữa. Anh đưa tay choàng nhẹ qua vai Hải San xiết nhẹ, cô vẫn ngồi yên.
Biển xanh ngát màu chiều, không biết Hải San có nghe được những lời độc thoại của trái tim Lâm Khang "Anh rất yêu em, Ốc Tiêu, anh yêu em bằng chính nỗi đau của em, có biết không em... "