Chương 15

Buổi tối, trời trong vắt, trăng sáng vằng vặc soi rõ từng tàng cây, ngọn cỏ, sao đầy trời long lanh đầy tinh khiết.
Hải San khoanh tay đứng trước hiên nhà, hồn cô như bồng bềnh trôi trong bao la trời đất. Không gian vắng lặng và mênh mông một nỗi buồn thương quyện vương trong gió. Thình lình phía trước cổng rào một cái bóng đen nhỏ nhắn hiện ra và một giọng trẻ thơ réo gọi:
- Sư tỷ! Sư tỷ, ra đây em nói cái này.
Hải San chạy lại, cô không vội mở cổng rào mà cốc nhẹ lên đầu thằng nhóc:
- Im mồm không Đen. Má chị vừa mới ngủ.
Cu Đen đưa tay mình lên bịt miệng:
- Em hổng biết.
- Cái gì mà réo om tỏi vậy? Nè, vào không chị mở cổng.
Nhón người lên như muốn cho mình cao bằng sư tỷ, giọng Cu Đen thì thào:
- Kề tai em nói nhỏ chuyện này.
Hải San có vẻ lạ lùng trước dáng vẻ của đệ tử:
- Nói lớn di, có chị với em mà bày đặt, bộ dạng Đen sao mà mờ ám quá.
Cu Đen cười giả lả:
- Nói lớn hổng được, chuyện quan trọng mờ.
Hải San nóng nảy gắt nhỏ:
- Đen làm quái gì mà quan trọng, chuyện gì nói đi, lằng nhằng bực quá. Nói to lên.
- Anh Lâm Khang bảo em đưa lá thư nầy đến cho chị.
Đưa tay bịt ngang miệng thằng bé, Hải San bất giác quay đầu vào trong nhà, dáng vẻ sợ sệt. Trời ạ, Cu Đen nó hại mình hay sao nhỉ? Khi không lại lớn tiếng, không khéo má giật mình tỉnh ngủ, thì kể như tiêu tùng.
- Sao nói lớn quá vậy? Đen muốn chị ăn roi mây hay roi cá đuối vậy? Đen điên à?
Thằng bé có vẻ ngơ ngác, sư tỷ của nó tối nay làm sao á, nói nhỏ thì buộc phải nói lớn, thế mà khi nói lớn tiếng thì lại bị mắng là điên. Khi không lại bị Oan uổng quá chừng.
- Trời ơi, giờ lại đứng như trời trồng vậy?
Nó lại giật mình khi nghe thêm tiếng gắt gỏng nữa, nếu so với anh Lâm Khang và sư tỷ, thì anh ấy hiền hậu, vui vẻ biết bao. Đưa tay lên búng nhẹ vào mũi Cu Đen, Hải San đóng mặt ngầu:
- Nghe chị hỏi nè Cu Đen!
Giọng nó ỉu xìu:
- Dạ!
- Sao Đen gặp được anh ấy?
- Anh ấy đến nhà em.
Ra là thế. Hải San hỏi tiếp:
- Có gặp ai hôn?
- Không, chỉ một mình em ở nhà, má em sang nhà cô ba Quang coi cải lương, còn anh Hai thì rủ anh Hưng đi nhậu rồi. Em đành giữ nhà.
- Dài dòng quá. Rồi sao nữa?
- Anh Lâm Khang đến cho em một con diều bằng giấy hoa đẹp hết ý, ảnh nói mua ở chợ thị trấn lận đó. Sau đó anh đưa em cái nầy nói em trao tận tay chị.
Nó móc trong túi quần ra một phong thự Trông thấy, Hải San muốn cốc vào đầu Cu Đen cho lủng hộp sọ quá.
Phong thư của người ta như vậy mà nỡ nào nó gấp tư, gấp sáu đến tàn tạ. Còn nữa, chỉ vì một con diều, mà nó sẵn sàng phục vụ Lâm Khang, quên mất một điều là nó là thằng bé sợ ma vô địch.
Cầm phong thư trong tay, cô tự hỏi, không biết Lâm Khang viết gì ở trỏng. Bỗng dưng cô bật cười vu vơ. Cu Đen nhìn sư tỷ lạ lùng, nó chẳng hiểu mô tê gì cả.
- Chị cười gì vậy Ốc Tiêu?
- À... Ờ... mà nè đừng có mà hỏi linh tinh chuyện người lớn. Đen về đi, nhớ không có bẻm mép chuyện nầy cho ai hết nghen chưa. Lộn xộn là chị xẻo mũi em đó.
Hải San ngạc nhiên khi thấy ông Thái đang chậm bước vào nhà mình. Cô đứng sừng sững ngay cửa chính và cứ thế nhìn ông trân trối:
- Bệnh tình má con thế nào rồi Ốc Tiêu?
Cô bàng hoàng, tưởng không tin ở đôi tai mình nữa. Cô không nghe lầm chứ? Điều gì xui khiến ông đặt chân đến ngôi nhà gỗ nghèo nàn của má con cô và cất lên tiếng hỏi trầm ấm đến thế? Lòng nghi ngờ và hoang mang trỗi dậy trong cô, khiến cho giọng nói cộc cằn khô lạnh bật thoát khỏi môi:
- Ông đến xem thử má tôi chết chưa chứ gì?
Ông Thái không trả lời, nhưng gương mặt có vẻ như có một bóng tối muộn phiền trùm phủ. Ông nhìn cô, nói chậm rãi:
- Con không mời ta vào nhà sao?
Một cái nhún vai đầy ngạo đời, kèm theo chất giọng mỉa mai của Hải San:
- Tôi không tiếc một chỗ ngồi. Chỉ sợ không khí ở đây mùi ẩm mốc, đâu xứng với người giàu có bậc nhất như ông.
Lần thứ hai ông lại lắc nhẹ đầu im lặng. Hải San lách tránh người sang bên, để ông bước vào trong nhà. Ông đảo mắt hết chung quanh, dù thật là sạch sẽ ngăn nắp, nhưng vẫn không giấu được sự thiếu thốn nghèo khổ. Hải San cứ chằm chằm nhìn ông, sự thật cô không thể nào hiểu được vì sao ông đến đây.
Trong buồng chợt phát ra tiếng ho và tiếng nói mệt nhọc của người mẹ vẳng ra:
- Ai đến nhà mình vậy con? Cô ba Quang phải không?
-...
- Con làm gì đó Ốc Tiêu?
Hải San trả lời lúng túng:
- Không... Con không làm gì cả.
Lại một chuỗi ho dài nữa. Hải San nửa muốn chạy vào trong với mẹ, nhưng nửa đứng chôn chân tại chỗ. Sự có mặt của ông Thái đã làm cho cô thấy rối rắm. Vì thế cô cứ vùng vằng, khó liệu.
- Ta muốn vào thăm bà ấy. Con cho phép chứ Ốc Tiêu?
Giọng Hải San cộc lốc:
- Không! Hãy để má tôi sống như bao tháng năm qua bà từng sống. Việc ông đến đây chỉ làm má tôi thêm tủi phận, phiền lụy nhiều hơn chứ chẳng ích lợi gì. Ông về đi.
- Ta đến đây là chỉ muốn thăm mẹ con, ngoài ra ta...
Hải San ngắt lời:
- Tôi không cần nghe ông giải thích, bởi vì tôi chẳng hề quan tâm. Tôi không muốn má tôi biết ông có mặt ở đây. Hoàn toàn tôi không hề muốn.
- Khách đến nhà sao con không pha trà, rót nước mời vậy Ốc Tiêu?
- Má...
Hải San bước nhanh đến đỡ mẹ, đặt ngồi vào chiếc ghế mây, giọng cô lo lắng:
- Má còn yếu, ra đây làm gì?
Bà khoát tay từ tốn nói:
- Má không sao đâu. Hãy để má nói chuyện với ông ấy một chút.
- Má...
- Đừng cãi lời má.
Hải San mím môi nuốt nghẹn, lặng lẽ lánh đi. Ngôi nhà trở về trạng thái yên lặng đầy nặng nề. Áng chừng hồi lâu, ông Thái mới bật lên tiếng nói:
- Tôi đến thăm mình đây Mây.
Bao lâu rồi nhỉ bà mới nghe có người gọi lại tên mình, cái tên thời con gái đầy hiền ngoan, ngu khờ, dại dột. Dù trái tim nhức nhối đến thảm hại, nhưng bà vẫn giữ một gương mặt bình thản nói:
- Hai mươi năm rồi, vậy mà ông vẫn không già đi mấy, thật không khác với trí tưởng tượng của tôi.
Chất giọng vẫn hết sức dịu dàng, từ bi ấy làm ông Thái như bị xốc. Tại sao không một lời hằn học, giận dữ hay ít nhất cũng là cái nhìn khinh khi dành cho ông? Có lẽ nó khiến cho ông nhẹ lòng hơn. Đằng nầy bà vẫn từ tốn, vẫn bình thản, như tưởng trong suốt bao năm dài, giữa ông và bà không hề xảy ra chuyện gì. Chính vì thế mà ông thấy mình có tội nhiều hơn và cả sự nhục nhã cũng đè nặng lương tâm ông.
Ông bước đến nắm tay bà, bàn tay gầy guộc xanh xao, giọng ông xúc động:
- Tôi vừa hay mình bị bệnh sáng nay...
Muốn nói thêm một câu gì đó nữa, nhưng rồi ông Thái im bặt, bởi vì ông biết tìm ở đâu ra được ngôn ngữ nào, gởi trọn trúng những hỗn độn như tơ giăng trong suy nghĩ của ông. Thật chẳng dễ dàng chút nào. Ắng lặng hồi lâu rồi ông cũng nói tiếp thêm được một câu, trọn nghĩa thật sự với giềng mối câu chuyện mà ông muốn đề cập đến:
- Bao năm qua tôi đã không phải với mình. Có lẽ mình hận tôi lắm phải không Mây?
Giọng bà vẫn đều đều không vui, không buồn:
- Hận à? Để được gì? Tất cả những ký ức xưa tôi đã quên bỏ sau lưng mình. Khi vừa bước chân ra khỏi cổng ngôi biệt thự đó, tôi đã không còn nhớ gì nữa.
Bà chấm dứt câu nói và đủng đỉnh rót nước vào chiếc tách rồi đẩy về phía ông:
- Mời ông uống nước trà con Ốc Tiêu vừa châm khi nãy đấy.
Ông Thái như chết lặng người, trước những lời xưng hô cố tình phân rạch ròi kia. Bà đã xem ông bình thường giống như một người khách không hơn, không kém, và ông nghe lồng ngực mình cứ nhói buốt. Cố nuốt cơn nghẹn chạy ngược xuống lồng ngực, giọng ông thật khiên cưỡng:
- Mây! Tôi không dám xin mình tha thứ cho tôi, bởi tôi không đáng được như thế. Tôi chỉ xin mình cho phép tôi được thường xuyên đến đây, để thăm nom mình và con gái. Bởi vì dù sao chăng nữa thì chúng ta vẫn còn có chung một đứa con.
- Ông đâu thiếu thốn đường con cái để đi nhặt nhạnh lại thứ mà lúc xưa ông cố ý quăng bỏ.
Chất giọng ấy nếu là người ngoại cuộc, sẽ cho là hờ hững nói cho qua chuyện. Nhưng khi đã thực sự là người ở trong cuộc, mới cảm nhận đầy đủ hết độ nồng cay, lẫn cả chua chát của nó. Ông Thái thở hắt, uể oải cất lên chất giọng nửa tự trách bản thân mình, nửa như là sự bi hận của một kẻ nào đó:
- Tôi đã phụ rẫy mình suốt bao nhiêu năm qua, mà không ngờ rằng cũng ngần ấy năm tôi đã bị người khác lừa dối, một sự gian trá được bọc bằng vải nhung êm ái. Thật quả là ê chề, mà không biết còn có nỗi ê chề nào hơn thế.
Lời than van của ông, vẫn không đủ để cho bà có được chút cảm giác xúc động nào, bởi vì cái thời dễ dãi, cả tin ấy đã qua lâu rồi. Mây của bây giờ đã là người đàn bà trung niên trầm tĩnh:
- Ông nói với tôi phỏng có ích gì? Đã từ lâu tôi không còn có bổn phận phải quan tâm hay để ý gì đến đời sống của ông.
- Tôi xin mình. Mình hãy để cho tôi được tự sửa chữa sai lầm với mẹ con mình. Đó sẽ là sự thanh thản còn lại trong tuổi về già của tôi.
- Tôi không nghĩ rằng Ốc Tiêu dễ dàng chấp nhận sự có mặt của ông. Đừng nên ảo tưởng như thế ông Thái. Nếu ông đã nghĩ đến mẹ con tôi thì sự an ủi lớn nhất là tôi muốn ông hãy đừng làm phiền đến mẹ con tôi.
- Mây...
Bà lặng thinh, đứng lên quờ quạng đi về phía buồng. Bà đã kết thúc câu chuyện bằng sự mềm mỏng nhưng dứt khoát. Chỉ còn lại mình ông với dáng ngồi câm sững đến cô độc. Ông hiểu sự ăn năn của ông đã muộn màng. Và nếu như buổi chiều hôm qua, ông không tình cờ khám phá ra được một bí mật mà bà Kim Lan đã giấu kín ông, thì hỏi ông có được sự ân hận về lầm lỗi mà ông gây ra với đứa con gái ruột của mình chưa. Chắc là chưa và có thể là cuối đời nhắm mắt ông cũng không hề biết, mình đã bị bà Kim Lan dối lừa. Thật mỉa mai thay...
Vâng, buổi chiều hôm qua.
Quốc Việt té xe đến hôn mê, khi vừa xong một cuộc nhậu cùng bạn bè, rồi ra về trong tình trạng say khướt, đã được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh. Khi ông cùng bà Kim Lan và Kim Sa hay tin đã vội vã vào thăm, mới biết con trai ông đã mất rất nhiều máu, nếu không kịp tiếp máu vào, thì sự nguy kịch dẫn đến tử vong là không thể tránh khỏi. Nhưng khi bệnh viện đưa Quốc Việt vào phòng xét nghiệm máu, thì loại máu cùng với Quốc Việt đã hết trước đó một ngày. Ông Thái và bà Kim Lan không đủ sức khoẻ để cho máu, chỉ có Kim Sa là làm được điều đó. Và rồi ông đã thật sự bàng hoàng đến lặng người, trước một kết quả mà bệnh viện đưa ra, khi thử máu của Kim Sa.
Quốc Việt có loại máu BH+
Kim Sa có loại máu ORH+
Hai loại máu không trùng hợp nhau.
Như vậy là bà Kim Lan đã lừa dối ông, đứa con trai mang tên Hồ Khắc Quốc Việt ấy, đa rành rành không phải là máu mủ của ông, mà đứa con trai từ bấy lâu nay ông cưng chiều hãnh diện ấy, nó là kết quả của cuộc tình nào đó trước khi bà Kim Lan về làm vợ Ông.
Không còn có nỗi đau khổ nào chất đầy châm biếm như ông đang mắc phải. Đau khổ đến mức ông chỉ đưa mắt nhìn bà Kim Lan, bằng cái nhìn vô cảm, không nguyền rủa, không bi ai... Rồi chậm rãi ông lê từng bước nặng nề rời khỏi bệnh viện.
Suốt một đêm dài, ông ngồi lặng lẽ một mình trong phòng. Lần đầu tiên sau bao năm ông phụ rẫy người vợ hiền, ông lại bỗng nhớ về bà mãnh liệt lẫn nhục nhã, đớn đau. Rồi ông tự nguyền rủa mình: "Trời ơi, nếu không có cái điều đột biến này, có lẽ ông mãi mãi bị ru ngủ trong sự dối trá lọc lựa do bà Kim Lan mang lại... " Bao năm nay ông chăm chút, chăm sóc cho hạt giống của kể khác, trong khi hạt giống của chính ông thì sống trong cơ cực đói nghèo vì sự phế bỏ của ông. Ông thành người tàn nhẫn vô tâm. Ông thương yêu con của người khác, trong khi núm ruột của ông thì ông lại tàn tệ bất công.
Còn nữa. Mây đó, nếu không vì sự phũ phàng xem thường nơi ông, thì Mây đâu có đến nỗi rời bỏ ông mà đi, dẫu rằng Mây yêu ông, nhưng vì sự tự trọng, vì sự cam phận, mà Mây đã ôm con ra đi. Mây nhìn mọi chuyện bất công, xảy ra đến cho chính bản thân mình bằng một nỗi đâu lặng câm.
Bây giờ thì xui khiến sao, định mệnh lại đẩy đưa ông nghịch cảnh này, thời điểm của luật trả vay, công bằng và sòng phẳng.
Đứng dậy, ông lầm lũi rời khỏi nhà trong trạng thái bất lực, thừa thãi. Hình như sự ăn năn về lầm lỗi của ông, giờ đây đã hoàn toàn trở thành vô nghĩa.