Chương 21
Địa ngục Breendonk

    
ịa ngục không kể chuyện của mình ra: người ta sống, ngác ngoải sống, thường thường người ta ở nơi đó. Bao giờ người ta cũng đau khổ ở nơi đó. Những ai chưa nếm mùi Gestapo tàn ác thế nào thì không thể hình dung nổi. Nhưng óc tưởng tượng không thể leo lên đến trình độ ghê rợn được nâng lên thành hệ thống. Đối với những chiến sĩ của Dàn Nhạc Đỏ vượt khỏi địa ngục, trong tâm khảm của họ chỉ còn sót lại những kỉ niệm xương thịt đau xé thường làm cho giấc ngủ của họ không thể ngon lành vì chúng hay hiện lại thành ác mộng. Bánh xe lịch sử vẫn tiếp tục cuốn đi tàn sát và tội ác, diệt chủng và tra tấn. Máu khô nhanh hơn mực in trên trang một các nhật báo. Trong tâm khảm của loài người dần dần mờ đi tiếng gầm rú và tính chất ác liệt của chiến tranh. Thậm chí từ nay trở đi người ta còn mô tả địa ngục có dáng vẻ của cuộc đi chơi về nông thôn. Văn chương, truyền hình và điện ảnh biến cái đê tiện thành cái trong trắng. Những tên tội phạm chiến tranh làm giầu bên những bể bơi chạm chén chúc cho “thời đại đẹp đẽ”.
Cố ý hay vô tình, những tên thày cãi cho tàn bạo ngày nay với số lượng khá đông, chúng đang bênh vực cho chủ nghĩa phát xít hung ác.
Sử gia, đạo diễn cởi cho loại Gestapo - Muller, Karl Giering, Pannwitze, Reiser và đồng bọn chiếc tạp dề đầy máu của bọn đồ tể rồi khoác cho bọn đó chiếc áo lễ phục của kẻ quân tử. Những chiếc găng trắng che những bàn tay hộ pháp đã từng đánh đập, cắt xẻo, làm biến dạng con người rơi vào tay chúng nó. Những kẻ ngây thơ gào lên rằng những con người đó, quan chức cao cấp, quân nhân, chuyên gia phản gián, họ làm theo lệnh chứ sao. Những tên đầy tớ trung thành của phát xít Đức mà ngày nay, người ta giới thiệu với chúng ta như những công dân bình thản, tiến hành các nhiệm vụ hàng ngày một cách điềm tĩnh, chính chúng là những kẻ đã tuân theo mười điều dạy gây tội ác. Toàn thể những nhiệm vụ, trừ một nhiệm vụ mà chúng rất giỏi: đồ tể đẫm máu trong những hầm mà những người hi sinh vì lí tưởng hấp hối! Chúng chỉ là những kẻ thừa hành đơn thuần, chúng chỉ đơn giản làm theo lệnh ư? Ngày nay người ta phục hồi cho chúng. Hãy hỏi những chiến sĩ DNĐ còn sống sót, hãy đề nghị họ kể lại những gì họ đã trải qua. Anh mau vượt giòng thời gian đi. Cách đấy có ba chục năm, đấy là thời Trung cổ, và những tên “quân tử” Gestapo thoải mái thao diễn. Đối với những tù nhân, bảy chữ GESTAPO mãi mãi in đậm vào da thịt họ.
Ngày 7-12-1941, Hitler đưa ra sắc lệnh Nacht und Nebel (Đêm và Sương mù) nổi tiếng: “Trên các lãnh thổ bị chiếm đóng, được phép dùng mọi biện pháp đối phó với ai chống lại Đế chế 3 để thu thập tình báo. Có thể bắn bỏ chúng không cần xét xử.”
Cuối năm 1942, Canaris và Himmler kí một chỉ thị tên là “Đường lối Quốc tế cộng sản”, nội dung cho phép dùng mọi thủ đoạn để khai thác lời khai của nhân viên điện đài, mật mã, thông tín viên bị bắt. Còn đối với các trưởng lưới thì không tra tấn mà phải cố hết sức khống chế và sử dụng.
Đội viên Đội đặc nhiệm đã căn cứ vào chỉ thị kể trên để hành động... Trong suốt thời kì bị chiếm đóng, pháo đài quân sự Breendonk ở Bỉ là một trong những địa điểm chọn lựa theo tính chát man rợ của chủ nghĩa phát xít. Chính nơi đây biết bao nhiêu đồng chí chúng ta đã đau khổ hi sinh.
Breendonk được xây dựng năm 1906 ở cạnh con đường tù Brussels đi Antwerp. Trong chiến dịch 1940, nơi đây là đại bản doanh của vua Leopold III. Ngày 29-8 chuyển nó thành “trại đón tiếp” và ngày 20-9 những tù binh đầu tiên được nhốt vào đây. Lượng tù nhân tăng đều đều (11-1940 mới có 50) và đến tháng 6-1941 đã lên đến nấc mới, khi Đức bắt đầu tấn công Liên Xô.
Tù nhân ăn đói, lao động khổ sai, sỉ nhục, đánh và tra tấn hàng ngày. Từ tháng 9-1941 bọn SS Bỉ canh gác trại. Một trong những tên SS này đón tiếp những tù nhân mới bằng câu: “Đây là địa ngục, còn tao là quỷ dữ”.
Tên này không nói ngoa đâu... Phần lớn tù nhân không được xét xử: người bị Gestapo bí mật cho quá cảnh trại này rồi đưa đi giết. Người khác đến đây để bọn SS tra tấn lấy cung. Buồng hỏi cung nguyên là kho thuốc súng cũ. Bị treo bằng palăng lên trần nhà, tù nhân bị cực hình của thế kỉ trung cổ: kẹp ngón tay, kẹp đầu, tra điện, dí sắt nung đỏ, v.v... Khi tên chúa ngục Schmitt chưa bằng lòng về hỏi cung, liền cho chó xé thịt tù nhân. Khi sơ tán trại, bọn đồ tể đã xóa bằng hết dấu vết tội ác của chúng nhưng đâu xóa nổi tâm khảm của những tù nhân khi họ kể lại để mà viết nên cái nhà tù địa ngục này. Schmitt bị đưa trở lại nhà tù này khi y bị đưa ra tòa án tội phạm chiến tranh. Dĩ nhiên nó chẳng xúc động gì, cho rằng thực tế được giữ đúng (trừ những cảnh khủng khiếp) và xác nhận rằng cái nêm gỗ để đâm người rơi từ cái palăng xuống hơi cao!
Từ khi Efremov phản bội, nhiều đồng chí ở DNĐ Bỉ không có tin tức gì. Điện mật vẫn đánh đi mang tên họ, bọn Đức vờ làm người ta tin rằng các đồng chí đó đã phản bội... Thực ra những nhân viên điện đài DNĐ bị giam ở Breendonk không hề tham gia trò chơi. Qua điều tra của Leopold cùng với chính quyền Bỉ sau này đã thu được rất nhiều tin tức lí thú về họ.
Trước hết về Anton Winterinck, trưởng lưới DNĐ tại Hà Lan, bị bắt ngày 16-9-1942 do Efremov khai. Nhiều “sử gia” nhất là ở Tây Đức, đã viết về DNĐ rằng Winterinck quay phản, làm việc cho ĐĐN, rồi trốn thoát theo quân thù năm 1944. Leopold đã xác minh thấy hoàn toàn trái lại. Winterinck trước tiên bị giam trong nhà tù Saint-Gilles Prison ở Brussels, đến ngày 18-11-1942 bị chuyển về Breendonk. Cũng lúc đó điện đài của anh lại phát sóng... Nếu theo các “sử gia” viết về DNĐ thì Winterinck phải phát sóng giữa hai trận đòn tra tấn: đó là số phận của “tên phản bội này” trong hai năm trời... Những tên phản bội thực sự như Efremov được cho nhà ở đủ tiện nghi, khác hẳn với những xà lim trong pháo đài tội ác.
Ngày 6-7-1943, Winterinck bị điệu về nhà tù Saint-Gilles Prison và bị hắn tại Trường bắn quốc gia cùng ngày hôm đó. Để che giấu cái chết của anh, bọn đồ tể theo thói quen viết trên mộ anh “vô danh”.
Tiếp đến là Auguste Sesee, nhân viên điện đài, cũng “phản bội” như bọn phát xít nói: anh bị bắt ngày 28-8-1942, bị giam tại Breendonk đến tháng tư năm 1943, bị án tử hình, bị chuyển về Berlin và bị hành hình vào tháng giêng năm 1944.
Izbutski tức Bob: nhiều bức điện gửi về Moscow mang tên anh... Thực ra, anh bị đưa về Breendonk sau khi bị bắt vào tháng 8-1942, anh bị đối chất với Marcus Lustbader, em rể của Sarah Goldberg (sau khi Izbutski bị bắt, Sarah trốn thoát, tham gia kháng chiến, rồi bị bắt và bị đày vào trại Auschwitz. Izbutski bị tra tấn dã man đến mức không còn ra người nữa (theo lời kể của Lustbader sau khi anh này ra khỏi trại Auschwitz) và bị hành hình ngày 6-7-1944 trong nhà tù Charlottenburg ở Berlin.
Alamo và David Kamy cũng bị giam ở Breendonk tháng sáu 1942. Bị tra tấn rồi bị kết án tử hình bởi tên biện lí quân sự Roeder ngày 18-2-1943. Kamy bị bắn ngày 30-4, nhưng Alamo được Leopold cứu vì Leopold nhớ Alamo làm việc cho Molotov, trong một lần bàn với Giering, Leopold “phát hiện” cho Giering rằng Alamo là cháu của ngoại trưởng Liên Xô. Giering đã báo cáo lên Goering và tên này đã hạ án tử hình cho Alamo, nhưng anh bị đưa đi đày; khi chiến tranh kết thúc anh được tìm thấy ở một trại tập trung gần biên giới giáp Italia, rồi anh được Hoa Kì trao trả Liên Xô.
Sophie Poznanska, nữ mật mã viên ở phố Atrebates, đã treo cổ trong xà lim nhà tù Saint-Gilles Prison, ngày 28-9-1942.
Hersch và Mira Sokol sau khi bị bắt ở Pháp, vài tháng sau cũng bị đưa về Breendonk, ngày 9-6-1942. Một nữ tù nhân đã kể lại rằng: “Mira bị mật thám tìm mọi biện pháp tra tấn để lấy cung, bà Betty Depelsenaire kể: Sau nhiều ngày bị còng tay sau lưng, dỗ dành chị khai cung, bọn SS dùng đến tra tấn..Tên hỏi cung tóm tóc Mira lôi xềnh xệch như một con vật qua một hành lang hẹp và tối đến một cái phòng không cửa sổ, không có thông gió, chỉ có mùi thịt cháy và mùi mốc xộc lên mũi làm thót cả tim. Một cái bàn, một cái ghế đẩu, một dây thừng to treo trên trần bằng một cái ròng rọc, một điện thoại nối thẳng với cơ quan mật thám Brussels. Tên hỏi cung ra lệnh cho Mira qùy xuống và cúi xuống ghế đẩu. Chiếc roi da quật một, hai lần. Bọn mật thám thấy cần đánh mạnh hơn nữa. Tên cai ngục và hai tên SS, những cảnh cẩu, trợ lực. Sau khi tháo còng, Mira phải giơ tay ra đằng trước. Họ cùm, xiết một nấc cùm và định vị chiếc thừng, như vậy thân Mira có thể bị kéo dần lên và phải đứng kiễng bằng ngón chân. Roi da quật tới tấp. Roi này chưa đủ mạnh. Chúng dùng dùi cui để đánh mạnh hơn. Rồi đến thanh gỗ chắc và rắn hơn. Mira kêu để đỡ đau, nhưng không khai.
Tức giận, tên hỏi cung mồ hôi đổ trên trán, quyết định kéo thừng lên cao nữa đến mức thân thể Mira bị lơ lửng trong không trung. Trọng lượng thân thể dồn lên cổ tay, và cạnh chiếc cùm thép cắt thịt cô. Thân thể cô đung đưa, chúng đánh không chính xác, tên chúa ngục ra lệnh cho tên SS lấy tay giữ Mira lại rồi cứ thế nó quật bằng thanh gỗ. Mira không chịu được nữa, cô ngất lịm. Khi cô tỉnh lại, cô thấy hai hàn tay tím ngắt, hoàn toàn biến dạng. Mira lại đứng dậy và cô sẵn sàng đối đầu với quân thù. Tức điên người, bọn chó săn lại tra tấn cô như lần trước.
Mira lại ngất lịm. Hôm nay, tên đồ tể đành bỏ cuộc.
Hersch và Mira còn phải trải qua những đòn tra tấn man rợ như thế hàng mấy tháng trời. Hai vợ chồng nắm được mật mã sáu trăm bức điện mật chuyển qua điện đài của họ nhưng họ giữ bí mật đến cùng. Bọn đồ tể định làm run sợ hai nạn nhân bằng cách cho Mira dự những buổi tra tấn Hersch và ngược lại. Hersch bị ốm, người sút chỉ còn 37 kg. Viên thầy thuốc của trại ngạc nhiên về sức chịu đựng của anh:
- Ủa, hắn chưa chết này. Thật là một tay cứng rắn. Thật là đáng ngạc nhiên thấy con người có thể chịu đựng lâu đến thế...
Nhưng tên chúa ngục muốn kết thúc và nó đạt yêu cầu đó: con quỷ này đã cho đàn chó ngao cắn xé anh cho đến chết (Để che giấu vụ giết người này, tên đồ tể ghi trong hồ sơ Hersch là bị bắn. Mộ anh nằm trong số 300 mộ chiến sĩ ở Trường bắn quốc gia Brussels. Thế mà tên văn sĩ Đức Heinz Hohne dám viết trong cuốn “Khẩu hiệu” rằng:  Sokol bị thủ tiêu!)
Còn Mira Sokol hy sinh trong một trại giam của Đức vì suy kiệt.
Jeanne, vợ của Grossvogel, bị giam bốn tháng ở Breendonk và cũng chịu một số phận như các đồng chí của chị. Cũng tại đây hy sinh Maurice Pepper, liên lạc viên với Hà Lan, bị bắn ngày 28-2-1944, Jean Jeusseur, trong nhà có điện đài bị phát hiện, Maurice Beublet, cố vấn pháp luật hãng Simex, đều bị giam tại Breendonk mấy tháng, bị tra tấn và đến năm 1943 thì bị xử bắn tại Berlin. William Kruyt, thành viên toán Hà Lan, nhảy dù khi đã sáu mươi ba tuổi, bị bắt ngay khi vừa xuống đất, định tự sát nhưng không kịp; bọn Gestapo tra tấn để khai thác về người nhảy dù thứ hai cùng anh. Anh không khai, bọn Đức đưa anh đến nhà xác lật vải liệm lên cho anh xem tử thi của đồng đội: đó là đứa con ruột của anh bị bắn chết ngay khi vừa chạm chân xuống đất. Kruyt bị đưa về Breendonk và bị xử tử.
Cũng tại Breendonk, Nazarin Drailly, giám đốc hãng Simexco năm 1942 và bị bắt ngày 6 tháng giêng năm 1943 tại nhà một người bạn gái. Anh bị đưa về pháo đài này rồi bị tra tấn bằng chó ngao, hai chân anh bị chó xé nát thịt, tên chúa ngục cho anh ra nhà thương Antwerp để cưa chân đi. (Một bạn tù của anh kể lại cho bà Germaine Drailly sau chiến tranh rằng ông Nazarin cho tôi biết khi ông bị đưa đến trại Breendonk thì bị bọn mật thám Đức dày xéo một trận nên thân rồi tên thiếu tá Schmitt thả chó ngao xé nát thịt hai chân ông). Khi chúa ngục đưa anh trở lại trại, anh bị lên án tử hình rồi đưa lên Berlin để vào trại tập trung như phần lớn thành viên của Dàn Nhạc Đỏ bị bắt tại Bỉ và Pháp. Germaine, vợ anh, và hai con anh đi cùng chuyến xe lửa: anh đi qua mặt vợ mà vợ anh không nhận ra anh vì anh trắng bệch như một xác chết. Một người nào đó hích vào chị:
- Chồng bà đó!
Chị chỉ còn trông thấy chồng mình có năm phút ở hành lang. Anh hỏi Germaine:
- Em có nhận thấy gì không? Anh có một chân ngắn một chân dài.
Chị không còn được trông thấy anh nữa. Anh bị chém đầu ngày 28-7-1943 tại Berlin. Còn Germaine Drailly sau nhiều năm bị giam ở nhiều nhà tù, đến ngày 19-3-1945 chị hi sinh vì phát xít thả hơi ngạt. Trại tập trung chị bị bom ngày 15. Chị chạy trốn, khi vượt con sông đào chị không biết bơi. Gestapo bắt lại chị và đưa về Sachsenhausen. Chị thuộc nhóm chiến sĩ hi sinh cuối cùng trong những ngày cuối của chiến tranh.
Trong chuyến xe lửa đó, vợ chồng Corbin, vợ chồng Jaspar, Robert Breyer, Suzanne Cointe, Vladimir Keller, Franz và Germaine Schneider, vợ chồng Griotto là những chiến sĩ bị sa vào tay giặc tại Pháp đã gặp lại những đồng chí ở Bỉ: Charles Drailly, em của Nazarin Drailly, Robert Christen, Louis Thevenet sản xuất thuốc lá, Bill Hoorickx, nghệ sĩ họa sĩ, bạn thân của Alamo, Henri Rauch, người Tiệp có họ với Margarete Barcza, làm việc chủ yếu cho Anh, ngại lẫn lộn màng lưới, anh rút khỏi Simex năm 1942, nhưng đến tháng 11 thì bị bắt, anh hi sinh vì suy kiệt ở trại Mauthausen.
Trong 27 chiến sĩ qua trại Breendonk thì 16 chiến sĩ bị tử hình, những chiến sĩ khác của DNĐ bị đưa vào các trại tập trung với dấu hiệu “Nacht und Nebel” (có thể bị giết chết không cần xét xử).
Nhờ lời làm chứng của bà Betty Depelsenaire, chúng ta được biết vào tháng tư năm 1943 trong xà lim tử hình Moabit ở Berlin có Jeanne Grossvogel, Kaethe Voelkner, Suzanne Cointe, Rita Arnould, và Flore Velaerts. Các chị chờ thi hành án một cách rất dũng cảm khiến cho những cai ngục cũng phải khâm phục... Trước ngày bị hành hình, Suzanne Cointe còn hát, và Flore còn khiêu vũ. Khi bị đưa ra pháp trường, Rita Arnould xin lỗi Flore vì Rita đã khai ra Springer là chồng của Flore và được tha thứ. Còn Kaethe khi nghe toà án phát xít tuyên bố án mình tử hình đã giơ quả đấm và thét lên bọn hội đồng xét xử: “Tao sung sướng đã đóng góp cho chủ nghĩa cộng sản một số công tác”. Nàng đã cùng Suzanne, Flore và Rita hi sinh trước nòng súng của quân thù.
Tên Manfred Roeder là tên công tố tham gia tất cả các phiên tòa xử DNĐ. Y có biệt hiệu là “mật thám của Hitler” vì bản chất độc ác. Ngày nay nó đang làm phó thị trưởng một thị trấn nhỏ tại Tây Đức. Ngày 16-9-1948 y tuyên bố trước viên dự thẩm phụ trách vụ án của y (vụ này kết thúc bằng miễn tố!): “Tôi biết rằng số lượng tổng cộng những người của DNĐ bị tuyên án chỉ từ hai chục đến hai mươi lăm người, trong đó có một phần ba bị tử hình... Đầu tháng tư 1945 tôi đã đề xuất lên Goering ân xá cho các phụ nữ bị kết án tử hình và Goering đã đồng ý.”
Roeder còn tuyên bố thêm rằng ở Berlin trong số 74 người bị cáo có 47 người bị hành hình. Nhưng kết quả kiểm tra của Leopold thấy khác.
80 chiến sĩ bị bắt tại Pháp và Bỉ, 32 người bị kết án tử hình, 45 người bị đưa vào trại tập trung trong đó 13 người không bao giờ được trở về. Ở Đức, trong tổng số 130 người bị bắt thì 49 người bị xử bắn, 5 người chết do bị tra tấn và 3 người tự tử.
Đó, sự thật là như thế và cũng chưa phải đã hết... Số phận của Marguerite Marivet, nữ thư kí Simex tại Marseilles, Modeste Ehrlich, Schreiber, Joseph Katz, Harry Robinson, hai người em gái và người anh rể của Germaine Schneider ra sao?
Biết bao nhiêu người trong trắng đã bị bắt bớ vì hoạt động trong DNĐ? Nhiều gia đình bị bắt toàn bộ như gia đình Drailly, Grossvogel, Schneider, Corbin. Leopold đã tìm thấy trong tàng thư của cảnh sát Đức sau vụ Atrebates, thực tế họ không tham gia DNĐ nhưng vẫn bị bắt như Marcel Vranckx, Louis Bourgain, Reginald Goldmaer, Emile Carlos, Boulangier.
Theo lệnh của Berlin, các hồ sơ về DNĐ tại lâu đài Gamburg đều bị đốt cháy vào mùa xuân 1945. Sau chiến tranh chỉ còn sót lại một bản của Muller đề từ tháng 12-1942 và những tài liệu của Cục phản gián quân sự.
Đại úy Piepe là kẻ đã phát hiện ra điện đài của DNĐ ở phố Atrebates sau này kể rằng Cục phản gián quân sự từ mùa hè 1942 bị gạt ra khỏi vụ án DNĐ.
ĐĐN thỉnh thoảng thông báo cho đơn vị đó một số tình hình đã bị cắt xén hoặc không toàn diện.
Sau chiến tranh bọn ĐĐN tìm cách trốn tránh tội lỗi đã thêu dệt nhiều chuyện rất lố lăng: nếu tin vào chúng thì kết quả chúng thu được đều do thành viên kể cả thủ trưởng DNĐ thú nhận, hợp tác mà có. Còn tra tấn ư? Chúng không hề nghe thấy, trông thấy hoặc thực hiện, chúng chỉ là những chiến sĩ, những hiệp sĩ dũng cảm chỉ dùng biện pháp trung thực mà thôi. Than ôi, để xâm phạm chân lí một cách đểu cáng nhất, để che đậy những tội ác trời chu đất diệt của chúng, chúng đã bịa ra những đồng minh, đồng phạm tưởng tượng. Dối trá không thể vĩnh cữu và chân lí bao giờ cũng sáng tỏ...
Ở Pháp, Bỉ và Đức, đối với hàng chục chiến sĩ của Dàn Nhạc Đó cái chết chỉ là nấc thang cuối cùng của chiếc thang to lớn đau khổ rắc trên mỗi bậc thang. Họ chết để tiêu diệt họa phát xít, trong tình trạng đau khổ nhất, họ mang trong lòng niềm hi vọng sắt đá rằng một ngày kia, thế giới đã thay đỗi sẽ chứng minh cho họ và sẽ nhớ đến họ. Ngày mai là hôm nay. Thế giới vận động không ngừng, và sự im lặng ngày càng dầy lên. Những tên chỉ huy Đội đặc nhiệm chuyên án Dàn Nhạc Đỏ ở Berlin hoặc ở Paris có bao nhiêu lí do để xóa sạch thống kê tội lỗi của chúng. Tên của chúng viết trên các thống kê đó. Như tên tư lệnh SS Reiser cầm đầu ĐĐN Paris từ tháng 11 năm 1942 đến tháng bẩy năm 1943. Tay đặt trên ngực trái, hắn tuyên bố: “Tại cơ quan của tôi, không bao giờ dùng đến tra tấn”. Hắn tưởng lương tâm hắn yên tĩnh, tên Reiser. Biết bao nhiêu lần bàn tay của hắn đã kí lệnh cho bọn nhân viên hỏi cung tăng cường tra hỏi những người tù mặc dù tay của Reiser không đánh tù nhân? Ai đã ba lần trong một tháng ra lệnh tra tấn Corbin Alfred? Ai đã ra lệnh hành hạ vợ chồng đồng chí Sokol đến chết? Cơ quan của Reiser không tra tấn... vì thiếu dụng cụ chăng? Chính tên Reiser đã xin Berlin những dụng cụ tối tân cùng nhân viên hỏi cung mạnh đến tăng cường cho cơ quan của hắn.
Heinrich Reiser chỉ là một điển hình. Trong ĐĐN từ ở Berlin đến ở Paris thiếu gì những điển hình như thế, chúng đã được những ông chủ mới che dấu, bao che bằng lá bài hòa giải.
Chúng là những tên nào, khiến chúng ta phải không ngừng đấu tranh? Chắc chắn không phải chúng sinh ra đã có những tính chất man rợ đó, cũng chẳng phải vừa lọt lòng mẹ chúng đã biết hô “Heil Hitler!”.
Ta thấy trong Gestapo số đồ tể không phải đều là những tên phát xít kì cựu, vì nhiều đứa đã từng tham gia phong trào nước cộng hòa Weimar. Heinrich Muller, mà người ta thường gọi là tên Gestapo Muller thuộc vào loại mẫu gốc. Đến năm 1939 hắn mới vào đảng quốc xã, nhưng trước đó hắn đã mang nặng tư tưởng phát xít. Óc đầy tư tưởng chống cộng sản đã biến tên thuộc cánh hữu, ngoan đạo đó trở thành một sản vật tiềm tàng của Gestapo. Dưới thời nước cộng hòa Weimar, nó đã tỏ ra có khiếu làm cớm. Đối với hắn, trời phú cho hắn khiếu làm cớm. Mới 19 tuổi, hắn bước vào đời với chân nhân viên cảnh sát Munich. Mười năm sau, tức là năm 1929, hắn trở thành đội viên chống phong trào cộng sản trong Đội 4 của cảnh sát Munich. Khi bọn quốc xã lên, hắn xin theo Heydrich và được chọn làm phụ tá cho tên này. Năm 1936, Muller được đề bạt làm trùm Gestapo. Sau đó y tham gia đảng quốc xã và năm 1941 được thăng hàm tướng cảnh sát và SS. Trên cương vị thủ trưởng Gestapo, khi đã lên đến tột đỉnh của công danh, y chủ trương kế hoạch Trò Cao Thủ.
Hai phụ tá của Muller là Panzinger, giám đốc Ban 4A cơ quan an ninh quốc gia, và Kopkov, thủ trưởng ban chống cộng sản. Hai tên phó này cầm đầu Đội Đặc nhiệm chống Dàn Nhạc Đỏ, lập ra vào tháng tám năm 1942 để tập trung công tác đấu tranh chống Toán Berlin của DNĐ. Ta cần nhớ tên hai người này vì chúng là thủ phạm của các tội ác đối với Toán Berlin của DNĐ. Lý lịch của hai tên này cũng không khác Muller là bao.
Panzinger bắt đầu vào làm Cảnh sát Munich từ năm 1919 khi mới 16 tuổi. Bắt đầu thế chiến, y vào Đảng quốc xã. Đây là giai đoạn vinh thăng của nhũng tên cớm đồ tể như hắn và bè lũ. Thực ra phương thức và phương pháp hoạt động của Gestapo đều là sự nối tiếp của cảnh sát Weimar được phát triển hơn mà thôi.
Những tên đồ tể kể trên chẳng những chúng gây chết chóc cho DNĐ mà chúng còn gây ra biết bao nhiêu tội ác nữa trên những vùng Đức chiếm đóng khác. Như tên Reiser từ mùa hè 1940 đến tháng 11-1942 là trưởng ban đặc biệt chống các hoạt động cộng sản ở Paris. Eric Jung, thành viên của ĐĐN ở Paris, phụ trách những vụ giết người bẩn thỉu.
Karl Giering là tên cớm điêu luyện về thủ đoạn khiêu khích, 25 tuổi tham gia cảnh sát Berlin chuyên trách chống cộng sản ở Liên Xô cũng như trong QTCS và phong trào xã hội chủ nghĩa trong chính nước Đức. Trước kia y điều tra vụ mưu sát Hitler, sau đó y theo lệnh của Heydrich tổ chức vụ li gián cục trưởng cục cán bộ QTCS Piatnitski, rồi vụ li gián nguyên soái Tukhachevski. Khi phát hiện ra vụ Dàn Nhạc Đỏ, Giering đã được trao trọng trách là đứng đầu ĐĐN Paris và Brussels.