Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 36

    
ất cả đều đổi thay. Lửa trong những lò luyện kim trong sân các gia đình đã lụi. Người ta cũng không còn thấy phụ nữ với những bộ quần áo sặc sỡ nữa. Trên các cánh đồng không có một bóng người. Không còn những vụ mùa bội thu. Thành phố Vũ Hán, nơi vẫn do bạn Mao, Vương Nhiệm Trọng lãnh đạo đang lâm vào tình trạng vô vọng.
Như thường lệ, chúng tôi ăn nghỉ ở nhà khách Mỹ Viên, gần Đông Hồ, nhưng lần này chẳng có nhiều món để thưởng thức. Thỉnh thoảng người ta chiêu đãi chúng tôi món cá. Còn rau xanh thật hiếm hoi. Trước kia, trong phòng chúng tôi đầy ắp trà và thuốc lá, bữa nào cũng thịt cá ê hề. Bây giờ hết sạch, gà, trâu bò đang chết đói, còn lợn còm nhom toàn da với xương. Cả tỉnh bói không ra thuốc lá và diêm, các cửa hàng rỗng tuếch, mọi thứ đều đã bán sạch. Mới vài tháng trước đây, Vương Nhiệm Trọng, người luôn luôn nịnh bợ Mao còn khoe, ở Hồ Bắc mỗi mẫu ruộng sẽ thu hoạch được từ 10 đến 20 nghìn cân lúa (1 cân = 0,454 gram). Thế mà bây giờ nạn đói đang hoành hành.
Vương Nhiệm Trọng đổ lỗi mất mùa do thiên tai, nhưng làm gì có thiên tai ở Hồ Bắc. Thời tiết nơi đây năm 1958-1959 mưa thuận gió hoà, vụ mùa bội thu nhưng chỉ vì thiếu lực lượng lao động thu hoạch.
Ở Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, quê Mao, tình hình khá hơn, ở đó lương thực tuy không còn nhiều như trước, nhưng không ai bị đói và những quán ăn nhỏ ngoài đường vẫn còn phục vụ được khách hàng. Chúng tôi ở trong nhà khách Vườn Sen tráng lệ, gồm những toà nhà hiện đại, rất đẹp và có đầm sen bao quanh. Nước trà và thuốc lá ở trong phòng chúng tôi mốc xì và hết mùi. Vì quí trọng chúng tôi, nên người ta đã xuất những thứ đó trong kho đã quá lâu ra mời. Xưa kia, các cửa hàng đầy hàng hoá, trà thuốc lá của vùng này nổi tiếng thơm ngon nhất ở Trung Quốc. Ở Hồ Nam chúng tôi còn được ăn món dăm-bông thịt lợn. Món ăn đặc sản đã từng làm tỉnh này nổi danh.
Đối với Chu Tiểu Châu sự trái ngược mỉa mai giữa Hồ Nam và Hồ Bắc chẳng có gì lạ. Viên bí thư tỉnh uỷ Hồ Nam này, người đầu tiên cho Mao biết về nhân vật Hải Thuỵ, đã bị Mao phê phán kịch liệt hồi năm 1957 vì tỉnh của ông không thu hoạch nổi hai vụ một năm. Vương Nhiệm Trọng theo Mao đến Trường Sa. Một hôm, khi La Thuỵ Khanh, Vương Nhiệm Trọng, Chu Tiểu Châu và tôi ngồi tán chuyện gẫu. Chu không thể kìm được nữa bắt đầu châm chọc Vương. Ông hỏi cay độc: “Năm ngoái Triết Giang được khen vì đã đóng góp lương thực rất nhiều cho nhà nước phải không? Còn Hồ Nam lại bị khiển trách. Nhưng bây giờ các đồng chí thử nhìn Hồ Bắc xem. Ở đó ngay cả trà và thuốc lá tồn kho cũng chẳng còn. Các đồng chí đã xài hết cả số dự trữ rồi. Tuy chúng tôi nghèo nhưng ít ra chúng tôi vẫn còn dự trữ được”.
Vương Nhiệm Trọng lặng lẽ ngoảnh mặt đi, trong khi tất cả chúng tôi lúng túng lặng thinh. Nhưng Chu đã nói đúng, ngay ở ngoài phố người ta đã đủ thấy sự khác biệt. Ở Hồ Nam vẫn còn có cái để mà ăn.
Mao quyết định tới thăm làng cũ Thiếu Sơn của ông. Từ năm 1927 tới nay nghĩa là đã 32 năm nay ông chưa về thăm làng.
Việc trở lại Thiếu Sơn sẽ giúp Mao hiểu rõ sự thật. Ở Thiếu Sơn sẽ chẳng có những màn kịch được dàn dựng khéo léo, chu đáo.
Ông chẳng tin những cán bộ lãnh đạo, ông biết nơi này quá rõ, sẽ phát hiện ra ngay bất cứ mưu đồ nào nhằm qua mặt. Vả lại dân làng sẽ cởi mở chuyện trò, họ vốn là những người chất phác, chân thật. Còn Mao cảm thấy dường như ông không có gì xa lạ đối với họ. Ông tin vào những người nông dân.