Ma-thơ Cơ-ram được các cô gái bán hàng trẻ tuổi ở cửa hàng Lo-ri- Ơ đặt cho cái tên là “Trung vệ”. Phốp pháp, khoẻ mạnh, không duyên, không có cái chất phụ nữ, Ma-thơ Cơ-ram xem ra có vẻ là người không thích hợp với công việc tổ trưởng nhân viên bán hàng tại một cửa hàng hết mực sang trọng không đâu sánh kịp này, một cửa hàng chuyên bán các loại trang phục phụ nữ rất đắt tiền, những quần áo lót của phụ nữ rất tinh xảo và những chiếc áo lông thú rất quý giá tới hàng trăm bảng. Thế nhưng “Trung vệ” lại là một người bán hàng rất giỏi, được khách hàng rất quý mến. Cửa hàng Lo-ri- Ơ kiêu hãnh đặt ra một cái lệ đặc biệt là mỗi người “tổ trưởng” có nhóm khách hàng riêng của mình gồm một số nhỏ khách quen của cửa hàng mà người tổ trưởng phụ vụ riêng, nghiên cứu, chăm sóc, chọn lựa cách ăn mặc cho khách và “để riêng” cho khách một số hàng khi có những kiểu thời trang mới. Quan hệ giữa khách hàng với nhân viên bán hàng rất thân thiết, nhiều khi tồn tại hàng năm trời. Tính tình thật thà nghiêm túc, “Trung vệ” đặc biệt thích hợp với mối quan hệ ấy. Ma-thơ Cơ-ram là con gái một luật sư ở Ke-tơ-rinh. Nhiều nhân viên của cửa hàng Lo-ri- Ơ là con gái các viên chức nhỏ ở tỉnh lẻ hay ngoại ộ Được vào làm việc tại cửa hàng Lo-ri- Ơ, được mặc chiếc áo đồng phục màu xanh lá cây sẫm của nhân viên bán hàng là một vinh dự. Công việc vất vả mệt nhọc, điều kiện ăn ở tồi kém mà các nhân viên bán hàng ở các cửa hàng khác thường phải chịu đựng là điều hoàn toàn không có ở cửa hàng Lo-ri- Ợ Ở đây, các cô gái bán hàng được sắp xếp nơi ăn ở rất tử tế và có người giám sát cẩn thận. Cụ Uyn-sơ, nhân viên nam giới độc nhất ở đây, đặc biệt chú trọng đến khoản giám sát này. Cụ đặc biệt có thiện cảm với “Trung vệ” và thường hay chuyện trò nhẹ nhàng với chị. Cụ Uyn-sơ là một cụ già hồng hào, có dáng dấp như một người mẹ; cụ đã sống bốn mươi năm trong nghề phục vụ phụ nữ này. Ngón tay cái của cụ bị dẹt đi vì sờ vải, lưng lúc nào cũng lom khom cúi chào. Tuy “có dáng dấp bà mẹ” nhưng đối với khách hàng nào mới đặt chân lần đầu vào cửa hàng Lo-ri- Ơ, cụ Uyn-sơ vẫn là người độc nhất mặc quần dài đàn ông trong một biển cả mênh mông toàn là váy phụ nữ kêu sột sà sột soạt. Cụ có con mắt ác cảm đối với những ông chồng nào theo vợ đi mua hàng để ngắm các cô gái mặc hàng mẫu.Tin Ma-thơ Cơ-ram chữa khỏi tay làm cho đám nhân viên cửa hàng Lo-ri- Ơ khá xôn xao. Kết quả tức khắc là, do tò mò, một số cô nhân viên trẻ tuổi đã kéo đến phòng khám của En- đru khai bệnh vặt vãnh. Cười khúc khích với nhau, họ bảo nhau đến xem “ông bác sĩ của Trung vệ” mặt mũi thế nào.Dần dà, các cô nhân viên bán hàng của cửa hàng Lo-ri- Ơ đến phòng khám phố Chét-xbơ-rơ ngày một nhiều. Theo quy định của pháp luật thì tất cả các cô nhân viên này đều phải đóng tiền bảo hiểm y tế và phải đến chữa bệnh ở những nơi quy định. Nhưng với thái độ kiêu kỳ vốn có của cửa hàng Lo-ri- Ơ, các cô chê bai tổ chức y tế ấy. Đến cuối tháng năm, cái cảnh có dăm bảy cô nhân viên cửa hàng Lo-ri- Ơ trẻ trung, phấn son, rất lịch sự giống hệt khách hàng của các cô, đến ngồi đợi ngoài phòng khám của En- đru không phải là hiếm. Kết quả là thu nhập của En- đru tăng lên rõ rệt và Cơ-ri-xtin đã phải đùa một câu:- Anh đã bỏ bùa gì cho các cô gái đẹp ấy thế? Anh có chắc là các cô ấy không lầm tưởng phòng khám của anh là cái cửa lên sân khấu của các nghệ sĩ không đấy?Nhưng niềm biết ơn sâu sắc của Ma-thơ Cơ-ram – hai bàn tay khỏi hẳn, ôi sung sướng nào bằng – thể hiện như vậy mới chỉ là bắt đầu. Cho đến nay, bác sĩ Mắc-lin ở quảng trường Roay- Ơn – một ông bác sĩ già, phong cách đáng để người bệnh yên tâm – được coi gần như bác sĩ riêng của cửa hàng Lo-ri- Ợ Ông được mời đến những khi có trường hợp cấp cứu, chẳng hạn như khi cô Tuých ở phân xưởng may chạm phải bàn là bị phỏng nặng. Nhưng bác sĩ Mắc-lin sắp về hưu rồi, người cộng sự và kế tục ông là bác sĩ Ben-tơn thì vừa không già, mà phong cách lại không làm cho người ta yên tâm. Thực vậy, nhiều lần, con mắt của bác sĩ Ben-tơn hay dừng lại ở các cặp chân đẹp, và thái độ ân cần quá ve vuốt của ông đối với những cô nhân viên xinh xắn nhất đã làm cho cụ Uyn-sơ da dẻ hồng hào kia phải cau mày. Ma-thơ Cơ-ram và cụ Uyn-sơ đã bàn về vấn đề này trong những lúc hai người trò chuyện riêng với nhau. Tay chắp sau lưng, đầu gật gù nghiêm trang, cụ Uyn-sơ nghe cô Cơ-ram nhấn mạnh rằng Ben-tơn không phải là người bác sĩ thích hợp, và ở phố Chét-xbơ-rơ có một người bác sĩ khác, chững chạc, nghiêm túc, rất giỏi mà không nhiễm phải thói quên mình vì phụ nữ. Vấn đề này hoàn toàn chưa được quyết định dứt khoát vì cụ Uyn-sơ làm điều gì bao giờ cũng từ tốn, nhưng trong con mắt cụ đã lóe lên một điềm gở đối với bác sĩ Ben-tơn khi cụ vội vã chạy ra đón một bà quận chúa.Đến tuần đầu tháng sáu, khi En- đru bắt đầu hổ thẹn vì trước kia đã coi thường Ma-thơ Cơ-ram thì sự giúp đỡ của chị đối với En- đru lại thể hiện bằng một việc khác nữa.En- đru nhận được một bức thư, viết rất gọn ghẽ, sạch sẽ – lối dùng điện thoại là suồng sã, không thích hợp với người viết bức thư này, về sau anh mới biết – mời anh sáng hôm sau, tức là sáng thứ ba vào khoảng chín giờ, càng đúng giờ càng tốt, đến nhà số 9 khu Pác Ga- đân thăm bệnh cho bà Uy-ni-phrít E-vơ-rít.Đóng cửa sớm phòng khám, En- đru đến số nhà nói trên với nhiều dự đoán thầm trong bụng. Đây là lần đầu tiên anh được mời đến thăm bệnh tại một toà nhà ở ngoài các khu phố tồi tàn của các khách bệnh quen. Pác Ga- đân là một khối nhà đẹp đẽ, không hẳn tân kỳ, nhưng đồ sộ và sang trọng, trông ra công viên Hai- đơ rất đẹp. Bấm chuông nhà số 9, anh nôn nao chờ đợi với niềm tin kỳ lạ là vận may của anh cuối cùng đã tới.Một người giúp việc nhà ra mở cửa mời anh vào. Gian tiền sảnh rộng bày những đồ gỗ cổ, tủ sách và hoa, gợi lại phòng khách của vợ chồng Von. Ngay khi mới đặt chân vào gian phòng, En- đru đã hiểu linh cảm của anh là đúng. Quay người lại khi bà E-vơ-rít bước vào, anh thấy bà ta nhìn anh chằm chằm với con mắt bình tĩnh, điềm đạm, xét nét.Uy-ni-phrít E-vơ-rít là một phụ nữ chưa chồng khoảng năm mươi tuổi, người đẫy đà, tóc sẫm, nước da mai mái, ăn mặc giản dị, dáng điệu hết sức tự tin. Bà ta nói ngay bằng một giọng từ tốn:- Tôi mới mất người bác sĩ của tôi, thật là không may, vì tôi rất tin tưởng ở ông tạ Cô Cơ-ram có giới thiệu ông. Cô Cơ-ram là một người rất trung thực, và tôi tin cô ấy. Tôi đã hỏi về ông: Ông có bằng cấp cao. – Bà ta ngừng lại, ngang nhiên nhìn anh với con mắt xem xét, cân nhắc. Bà ta có cái vẻ của một người phụ nữ ăn uống đầy đủ, được chăm sóc trông nom chu đáo, không để cho một ngón tay nào mó đến người bà ta mà chưa xem xét kỹ càng đến tận móng taỵ Bà ta thận trọng nói tiếp:- Tôi nghĩ có thể ông sẽ làm tôi ưng ý. Thường thường, cứ vào khoảng thời gian này trong năm tôi phải tiêm một đợt. Tôi bị ho vì phấn cỏ. Chắc ông biết bệnh ho phấn cỏ chứ?- Có. Bà tiêm thuốc gì ạ?Uy-ni-phrít E-vơ-rít nói tên một thứ thuốc rất có tiếng.- Ông bác sĩ cũ của tôi tiêm cho tôi thứ thuốc ấy. Tôi rất tin tưởng.- À, thứ thuốc ấy à!Mếch lòng trước cách đối đãi của người phụ nữ này, En- đru toan bảo thẳng là cái thứ thuốc mà bà ta tin tưởng do ông bác sĩ mà bà ta tin tưởng cấp cho chỉ là một thứ vô dụng, nó sở dĩ có tiếng là nhờ hãng bào chế sản xuất ra nó đã khôn khéo biết quảng cáo và do phần lớn mùa hè ở Anh không có phấn cỏ. Nhưng En- đru cố ghìm mình lại. Đây là một cuộc đấu tranh giữa một bên là tất cả những gì mà anh tin tưởng với một bên là tất cả những gì mà anh mong muốn đạt tới. Anh mạnh dạn nghĩ: nếu mình để cho dịp may này trôi đi mất sau mấy tháng chán ngắt vừa qua thì mình chỉ là một thằng ngốc! Anh bèn nói:- Tôi nghĩ tôi có thể tiêm cho bà thứ thuốc ấy như bất kỳ ai khác.- Tốt lắm. Bây giờ về tiền công. Tôi không bao giờ trả bác sĩ Xin-kle- Ơ mỗi lần thăm quá một ghi-nị Tôi có thể coi là ông bằng lòng với điều kiện đó được chứ?Một ghi-ni một lần thăm, tức là nó gấp ba lần số tiền công lớn nhất mà anh nhận được từ trước đến nay! Và quan trọng hơn nữa, đây là bước đầu tiên đi vào giới khách bệnh thuộc tầng lớp trên mà anh ao ước bấy lâu. En- đru lại phải dẹp sự phản kháng mạnh mẽ của những niềm tin tưởng trong con người anh. Những mũi tiêm này dù cho vô ích thì có sao. Đó là việc của bà ta chứ đâu phải việc của anh. Anh đã chán ngấy thất bại rồi. Anh muốn tiến thân, giàu có, thành đạt. Anh muốn giàu sang bằng nất cứ giá nào.Hôm sau, En- đru lại đến vào đúng mười một giờ. Uy-ni-phrít E-vơ-rít đã nhắc nhở anh, với cách nói nghiêm nghị của bà ta, là anh chớ đến muộn. Bà ta không muốn cuộc đi bộ dạo chơi hàng ngày vào buổi sáng của bà ta bị ảnh hưởng. En- đru tiêm cho bà ta mũi đầu. Sau đó, cứ một tuần hai lần,a nh tiếp tục cách điều trị ấy.En- đru rất đúng giờ, đúng giờ không kém gì bà bệnh nhân của anh, và không bao giờ có thái độ tùy tiện. Cái cách bà này dần dần có thái độ mềm dịu hơn với anh kể cũng tức cười. Uy-ni-phrít E-vơ-rít là một con người kỳ quặc, bà ta có một cá tính rất đậm nét. Tuy giàu có – bố bà ta trước là một nhà sản xuất dao dĩa lớn ở Se-phin và toàn bộ số tiền bà thừa hưởng của bố được gửi ngân hàng một cách chắc chắn – nhưng bà ta cố tiêu xu nào phải đáng xu ấy. Đây không phải là tính keo bẩn mà là một thứ tính vị kỷ kỳ quặc. Trong cái vũ trụ của mình, bà ta tự coi mình là trung tâm, hết sức chăm chút cho tấm thân trông hãy còn trắng đẹp, và theo đủ mọi cách điều trị mà bà ta cho là có ích. Bà ta dùng cái gì cũng phải là thứ hảo hạng. Bà ta ăn uống không nhiều, nhưng ăn toàn những thức ăn ngon bổ nhất. Khi En- đru đến thăm lần thứ sáu, Uy-ni-phrít E-vơ-rít đã hạ cố mời anh uống một cốc rượu nhọ Anh để ý thấy đó là loại rượu A-mon-ti-gia- đô đóng chai từ năm 1819. Quần áo của bà ta đều may tại cửa hàng Lo-ri- Ợ Vải dải giường của bà ta là loại vải mịn nhất mà En- đru được thấy từ trước đến naỵ Nhưng, theo lời bà ta, dù sống như vậy bà ta vẫn không tiêu phí một xu nào. En- đru không thể nào nghĩ rằng bà E-vơ-rít có thể trả cho người lái xe tắc xi một đồng nửa cơ-rao mà không nhìn kỹ đồng hồ chỉ quãng đường đã đi.En- đru lẽ ra phải căm ghét người đàn bà ấy, nhưng kỳ lạ thay, anh lại không ghét. Bà này đã nâng tính vị kỷ của mình lên thành một triết lý sống. Và bà ta hết sức nhạy cảm. En- đru thấy bà ta đúng như hệt người phụ nữ trong một bức tranh Hà Lan cổ, một tác phẩm của Te Boóc mà anh và Cơ-ri-xtin đã có lần xem. Cũng thân hình phốp pháp, cũng nước da trắng mịn màng, cũng cái miệng nghiêm nghị mà lại đa tình.Khi Uy-ni-phrít E-vơ-rít thấy En- đru thật sự vừa ý mình – theo đúng lời bà ta nói – thì bà ta bớt giữ gìn nhiều. Một quy tắc không thành văn bản mà bà ta đặt ra là những lần đến thăm của bác sĩ phải kéo dài hai mươi phút, có thế thì bà ta mới cho là xứng với đồng tiền. Sau một tháng, En- đru đã kéo dài thời gian thăm bệnh đến nửa giờ. Hai người trò chuyện với nhau. En- đru kể với E-vơ-rít khát vọng thành đạt của anh được bà ta tán thành. Đề tài nói chuyện của bà ta không rộng, song giới quen thuộc của bà ta lại rộng vô cùng và hầu hết bà ta nói chuyện về cái giới đó. Bà ta hay nói với En- đru về cô cháu gái tên là Ke-thơ-rin Xắt-tơn, ở Đa-bi-sơ, thường vẫn lên Luân Đôn chơi luôn vì đại úy Xắt-tơn chồng cô này là nghị sĩ vùng Ban- Oen.E-vơ-rít nói, giọng thản nhiên:- Bác sĩ Xin-kle- Ơ trước đây là người vẫn thường trông nom sức khỏe cho họ. Tôi nghĩ bây giờ ông có thể thay thế bác sĩ Xin-kle- Ơ săn sóc họ được lắm.Lần cuối cùng En- đru đến thăm, bà ta lại mời anh một cốc rượu A-mon-ti-gia- đô nữa, rồi nói rất vui vẻ:- Tôi rất ghét nhận những giấy tính tiền… Cho tôi thanh toán với ông ngay bây giờ nhé. – Bà ta đưa cho En- đru một ngân phiếu mười hai ghi-nị – Tất nhiên nay mai tôi sẽ lại phải nhờ đến ông. Tôi thường phải tiêm phòng chứng sổ mũi vào mùa đông.Bà ta tiễn En- đru ra tận cửa buồng và đứng ở đó một lúc, trên gương mặt lần đầu tiên hơi sáng lên một cái gì gần như một nụ cười. Nhưng nụ cười ấy qua đi rất nhanh, và nhìn En- đru với vẻ trách móc, bà ta bảo:- Ông có muốn nghe lời khuyên của một người phụ nữ có thể bằng tuổi mẹ Ông không? Ông hãy tìm một hiệu thợ may giỏi. Hãy đến hiệu vẫn thường may cho đại úy Xắt-tơn ấy, hiệu Ro-giơ ở phố Con- đuýt. Ông nói với tôi ông mong muốn thành đạt. Nhưng với bộ quần áo kia ông không bao giờ thành đạt được đâu. Ra đến phố, En- đru vừa đi vừa nguyền rủa Uy-ni-phrít E-vơ-rít. Mặt nóng rực lên vì phẫn nộ, anh nguyền rủa với bản tính nóng nảy xưa kia của anh. Một mụ già thích xen chuyện! Việc gì đến mụ ấy cơ chứ! Mụ ấy có quyền gì mà bảo ban anh về cách ăn mặc? Mụ coi anh là con chó bông của mụ hay sao? Sự đầu hàng nhục nhã nhất là xu phụ các quy ước xã hội. Những người bệnh của anh ở Pét- đinh-tơn chỉ trả cho anh có ba si-linh sáu pen-ni nhưng họ không yêu cầu anh phải làm một cái giá áo trong hiệu thợ maỵ Về sau, anh sẽ chỉ khám chữa cho những người bệnh ấy mà thôi để giữ được sự tự chủ của mình.Nhưng suy nghĩ ấy không tồn tại lâu. Quả là anh chưa hề bao giờ chú ý đến quần áo. Một bộ đồ may sẵn xưa nay đối với anh là rất tốt rồi, nó giữ cho anh đủ ấm nhưng không sang. Cơ-ri-xtin cũng vậy, không bao giờ để tâm đến ăn mặc, tuy nàng bao giờ cũng gọn gàng. Có một chiếc váy bằng vải tuýt và chiếc áo len tự đan lấy là nàng hài lòng lắm rồi.En- đru kín đáo nhìn lại mình: chiếc quần dài xô lệch nhàu nhĩ bằng vải len gai, dính bùn ở gấu. Mẹ kiếp, anh bực bội nghĩ, mụ ta nói thế mà đúng. Mình làm sao thu hút được đám khách cao sang nếu mình ăn mặc như thế này. Sao Cơ-ri-xtin không khuyên bảo gì mình? Đó là việc của nàng, chứ đâu phải việc của mụ già Uy-ni-phrít. Mụ mách mình hiệu thợ may nào nhỉ. À, hiệu Ro-giơ, phố Con- đuýt. Kệ chứ. Mình cứ đến đó.Về đến nhà En- đru đã trở lại tươi tỉnh. Anh vung vẩy tờ ngân phiếu trước mặt Cơ-ri-xtin:- Em xem này, người vợ yêu quý của anh. Em còn nhớ hôm nào anh từ phòng khám chạy vào với mấy đồng si-linh khốn khổ đầu tiên không? Bây giờ anh gọi những đồng tiền ấy là những đồng tiền khốn khổ. Còn đây mới gọi là tiền chứ, tiền phù lao thật sự, xứng với một thầy thuốc hạng nhất có bằng tiến sĩ y khoa và là hội viên Hội y học Hoàng gia. Mười hai ghi-ni trả công cho việc nói chuyện gẫu với mụ Uy-ni-phrít và tiêm cho mụ ấy cái thứ thuốc ép-tôn vô thưởng vô phạt của Glích-cớt:- Sao anh? – Cơ-ri-xtin mím cười hỏi. Rồi nàng bỗng đổi giọng ngờ vực – Có phải là thứ thuốc mà anh vẫn hết lời chê bai đấy không?En- đru tái mặt, anh cau mày nhìn vợ lúng túng. Nàng đã nói đúng những lời mà anh không muốn nghe. Anh bỗng đùng đùng nổi giận, không phải đối với bản thân anh mà đối với Cơ-ri-xtin.- Thôi đi! Em không bao giờ thỏa mãn tất cả.En- đru vùng vằng bỏ ra ngoài, đóng sầm cửa lại. Suốt ngày hôm đó, anh giữ thái độ hậm hực, dằn dỗi. Nhưng hôm sau, trở lại tươi tỉnh, En- đru đến hiệu may Ro-giơ ở phố Con- đuýt.