rong khi Uông Đông Hưng củng cố quyền lực tại Bắc Kinh, tôi đang ở Quảng Châu, giải quyết các việc khó khăn riêng. Tôi đến thành phố phương Nam vào cuối tháng 12-1960 theo yêu cầu của Giang Thanh. Vợ Chủ tịch về đây tránh rét, bà vẫn phàn nàn theo thói quen, kêu bị ốm, ánh sáng, tiếng ồn và cả gió cũng làm bà khó chịu. Bà ca cẩm các cô y tá, nhân viên phục vụ, vệ sĩ chẳng giúp được gì, vì vậy cần tôi đến giúp đỡ.
Đòi hỏi của Giang Thanh đối với tôi thật quá quắt. Thậm chí Mao cũng thoáng nghi ngờ. Ở Nhóm Một lại xuất hiện tin đồn do Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều tung ra, tôi là “bạn cánh hẩu” của Giang Thanh.
- Hãy cứ để hai người này chiều chuộng nhau!
Mao nói một đượm vẻ ghen tuông khi nghe tin Giang Thanh muốn tôi đến Quảng Châu.
Ông giục tôi đi. Nhưng tôi không muốn. Mọi khó chịu về bệnh tật của Giang Thanh chỉ do tưởng tượng, tôi không thể giải quyết được vấn đề thuộc bệnh tâm lý. Bà như con hổ cái đối với nhân viên phục vụ, những cố gắng đứng ra làm trung gian hoà giải của tôi trước đây hầu như không đem lại kết quả nào cả. Phải có mặt tại chỗ ở của vợ Chủ tịch là điều làm tôi cực kỳ khó chịu. Tôi biết Mao nghi ngờ nên không muốn sự nghi ngờ tăng lên gây bất lợi.
Nhưng tôi không còn có sự lựa chọn nào khác. Chủ tịch ra lệnh tôi đi Quảng Châu, thậm chí còn dành một máy bay quân sự đưa tôi đi.
Khi tôi có mặt ở biệt thự, nơi Giang Thanh nghỉ ở nhà khách trên đảo nhỏ ở Quảng Châu, các cô y tá và bảo vệ tìm đến tôi phàn nàn. Họ cam đoan vợ Chủ tịch khoẻ mạnh, chẳng ốm đau gì hết. Bằng cớ là sự hoạt động hàng ngày của bà. Đổng Chử, bí thư tỉnh uỷ, thường mở tiệc khiêu vũ và Giang Thanh luôn luôn là mỹ nhân của sàn nhảy. Tất cả các nhân vật máu mặt của tỉnh đều tham gia nhảy nhót. Mọi người từ lãnh đạo cao cấp tới nhân viên bảo vệ và phục vụ đều phải nhảy với vợ Chủ tịch ít nhất một lần. Nhưng Giang Thanh có thể nhảy liền 3-4 tiếng không thấy dấu hiệu mệt mỏi và sau đó lại xem phim. Vậy bà ta ốm ở điểm nào?
Nhưng khi gặp tôi, Giang Thanh rền rĩ, kêu ca ốm đau. Các y tá, nhân viên phục vụ, như bà thường khẳng định, cục cằn, cẩu thả, bướng bỉnh và thiếu tinh thần trách nhiệm. Bà không che dấu nổi sự bực, khi tôi thông báo rằng sau khi khám cho bà, tôi sẽ quay về Bắc Kinh ngay. “Tôi không hiểu ông bác sĩ này – Giang Thanh sau này phàn nàn với một cô y tá – ông ta đến Quảng Châu, không thực hiện công việc của mình một cách cẩn thận, sau đó lập tức muốn chạy về Bắc Kinh. Ông ta là cái thá gì nhỉ?”
Không muốn Giang Thanh bực thêm, tôi quyết định chẳng vội vàng khám và cũng không nói về việc quay về nữa, đành phải chờ Giang Thanh gọi.
Vợ Chủ tịch cô đơn, thèm khát bạn tâm giao, chọn tôi làm người để tâm sự. Cuộc sống ở Quảng Châu mang vẻ thơ mộng. Hàng ngày chẳng ai phải làm gì ngoài việc làm bà vui vẻ, thư giãn. Chúng tôi lên kế hoạch làm việc ngay. Sau những buổi khiêu vũ hay xem phim, Giang Thanh ngủ rất muộn, thức giấc khoảng 10 hay 11 giờ sáng hôm sau. Ắn sáng, trang điểm xong, bà đi dạo hay làm gì đấy, đến 2 hay 3 giờ chiều lại chợp mắt đến 4 hay 5. Chúng tôi đôi khi cùng nhau dạo chơi, xem phim. Bữa tối ăn riêng, nhưng tôi được hưởng cuộc sống thừa mứa của Giang Thanh. Dù nạn đói ngày càng tồi tệ nhưng chưa khi nào cảm thấy sự thiếu thốn trong một khu vực yên tĩnh như vậy.
Những ngày nhàn tản cứ thế trôi qua. Hôm 26 tháng 12, chính ngày mà Mao ở Bắc Kinh tuyên bố đuổi Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều, chúng tôi tổ chức mừng ngày sinh Chủ tịch bằng bữa tiệc do Đổng Chử bí thư tỉnh uỷ khoản đãi. Tết dương lịch đến và qua đi. Bầu không khí xung quanh đẹp lộng lẫy, cuộc sống tiện nghi thật dễ chịu, nhưng tôi buồn phiền chán nản, người thấy có vẻ ốm. Tôi thấy vợ Mao, sống trong đặc quyền và xa hoa, nhưng rất bất hạnh.
Các cuộc truy hoan của Mao với đàn bà ngày càng công khai, Giang Thanh rất căng thẳng. Vì được nghe bà tâm sự, nên tôi hiểu, ngoài nguyên nhân ấy, còn có những nguyên nhân khác làm bà cảm thấy bất hạnh hơn. Giang Thanh ấp ủ hoài bão chính trị to lớn. Cách duy nhất tách Giang Thanh khỏi tham vọng quyền lực, người ta xếp bà giữ chức vụ tương đối thấp trong đảng. Tất cả quan chức của đảng có chức vụ nhất định. Cao nhất là Mao và 5 bí thư cao cấp. Tiếp theo từ hạng hai đến hạng sáu là của các lãnh tụ cận kề. Các cán bộ từ hạng 7 đến hạng 13, thuộc cán bộ hạng trung – từ hạng 14 đến hạng 17, cán bộ cấp thấp, cấp thấp nhất đứng ở hạng từ 18 đến 25. Giang Thanh đứng ở hạng 9, Diệp Tử Long và Uông Đông Hưng được bổ nhiệm hạng cao hơn – hạng 7. Bà than phiền với tôi, cấp bậc chỉ ngang hàng chúng tôi, những nhân viên thường của bộ máy trực thuộc Mao chủ tịch, buộc tội Dương Thượng Côn, đã xếp bà vào hạng chín.
Chính Mao cũng đồng ý xếp Giang Thanh vào hạng này. Mao hiểu, năng lực của bà không tương xứng với hoài bão. Bà chẳng có chút kinh nghiệm nào, chỉ hành động theo mệnh lệnh của Mao. Giang Thanh nóng tính, thích lên mặt dạy đời, chẳng ai ưa, không ai muốn tuân theo mệnh lệnh của một người đàn bà như thế.
Căn bệnh hoang tưởng của Giang Thanh do tham vọng bị cản trở. Sự căng thẳng do nguyên nhân chính trị gây ra. Nếu bà mạnh khỏe, buộc phải làm việc, nhưng cấp bậc không cho Giang Thanh một chút quyền lực, một chút kính trọng. Mọi người khúm núm, phục vụ không phải vì họ kính trọng hoặc để làm vừa lòng, chỉ vì bà là vợ Chủ tịch. Tất nhiên những kẻ nịnh nọt, bợ đỡ sẽ biến mất, nếu bà được bổ nhiệm làm việc. Do tính khí nóng nảy, giọng lưỡi độc ác của bà đã tạo ra biết bao kẻ thù, họ sẽ khinh miệt, coi thường.
*
Giang Thanh cần tạo ra vẻ ốm đau, cuối cùng tôi cũng hiểu ra, vì chỉ có ốm – cách duy nhất để có thể trội hơn người khác. Và bà cũng cần làm sao Mao tin bà ốm thật, nếu không thế ông sẽ bắt Giang Thanh phải làm việc, nghĩa là phải chịu dưới trướng Diệp Tử Long và Uông Đông Hưng, người có cấp bậc cao.
Sau khi tôi sống ba tuần lễ trong sự nhàn nhã bắt buộc, Giang Thanh gọi tôi vào buồng. Chỉ chỗ tôi ngồi, Giang Thanh nhiếc móc tôi ở đây đã vài tuần, nhưng chẳng làm cái gì cả. Bà muốn biết lý do, hỏi:
- Đồng chí nghĩ gì mới được cơ chứ?
Tôi trả lời:
- Tôi đợi đồng chí thông báo khi nào muốn kiểm tra sức khỏe.
- Có điều khác tôi muốn thảo luận với đồng chí đây! – Giang Thanh nói.
Tôi cứng người.
- Chủ tịch hiện sức khoẻ tốt, ông không cần giữ cho mình một bác sĩ bên cạnh ngày đêm. Còn tôi lại không được khoẻ lắm. Từ ngày bác sĩ Hứa Đạo bỏ việc, tôi chẳng còn bác sĩ riêng. Tôi muốn đồng chí làm bác sĩ cho tôi. Đồng chí có thể chữa cả cho lãnh tụ, khi nào ông ấy cần.
Lời mời của Giang Thanh, lời mời tôi lo sợ nhất đã thành sự thật. Tôi đã đồng ý như bác sĩ riêng phục vụ Giang Thanh chỉ với điều kiện bà và Chủ tịch sống chung với nhau. Giờ đây bà yêu cầu tôi ở lại mãi với bà. Điều tôi rất sợ và không muốn.
Lời đề nghị này đối với tôi chẳng có gì bất ngờ. Tôi ngờ rằng đằng sau việc gọi tôi đến Quảng Châu có một cái gì đó mờ ám từ lâu. Vì thế tôi đã chuẩn bị câu trả lời sẵn.
Tôi nói, lãnh đạo bổ nhiệm tôi làm việc với Chủ tịch, đảng không trao nhiệm vụ cho tôi làm cho bà. Chủ tịch cũng không nói gì về sự thay đổi tính chất công việc cả.
Trời đất ơi, té ra là Giang Thanh đã nói chuyện với Mao và ông đã đồng ý. Ngoài ra, Giang Thanh còn chuẩn bị nói chuyện với thủ trưởng của tôi để họ không ngăn cản.
- Dù sao chăng nữa tôi cho rằng đồng chí nên nghĩ kỹ vấn đề này, đồng chí Giang Thanh ạ – tôi đứng lên – đây không phải là ý tưởng tốt – như vậy sẽ thay đổi công việc và số phận của tôi.
Giang Thanh trở lên căng thẳng:
- Vì sao đây là ý tưởng xấu? – Bà to tiếng – Đồng chí chỉ tôn trọng lãnh tụ và coi thường tôi, có đúng thế không?
Giang Thanh luôn luôn lo tôi chỉ kính trọng Mao, còn khinh thường bà.
Nhưng điều này không làm tôi sợ, tất cả chỉ là chuyện bép xép của bọn người xung quanh. Nếu tôi được bổ nhiệm làm bác sĩ chính thức của bà, những kẻ rách việc trong cung đình sẽ tin chuyện quan hệ bất chính là có thật như lời đồn thổi.
Tôi mạnh dạn:
- Đây không phải là vấn đề tôi coi thường ai. Là bác sĩ, tất nhiên tôi sẽ khám chữa bất kỳ ai tôi thấy cần thiết. Nhưng tôi sợ, với đồng chí bằng cách này, người ta có thể xì xèo. Điều mà họ sẽ nói, có thể sẽ mang lại những không hay cho đồng chí và cả cho Chủ tịch.
Bỗng nhiên Giang Thanh đứng lại, nhìn thẳng vào tôi:
- Đồng chí nói cái gì thế? Cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến chúng tôi?
- Tin đồn – Tôi trả lời – Những lới đàm tiếu. Vô ích khi nói về chúng.
Giang Thanh bối rối:
- Bác sĩ, tôi luôn luôn nghĩ tốt về đồng chí – Bà nói – Nếu đồng chí có điều gì cần nói, cứ nói thẳng ra.
- Nếu đồng chí muốn nghe, thưa đồng chí Giang Thanh, tôi sẽ kể. Ngay lúc tôi quay về Nhóm Một cuối năm 1959, đã có tin đồn. Một số người nói, đồng chí có quan hệ quá tốt với tôi và có một cái gì đó thật “đặc biệt” giữa chúng ta. Có ai đó thậm chí đã đưa tin đồn nguy hiểm này cho Chủ tịch. Nhưng Chủ tịch nói: “Hãy để họ đánh bạn với nhau”. Đồng chí Giang Thanh, đây là nguyên nhân mà tôi nói ý tưởng của đồng chí chẳng hứa hẹn đem lại một cái gì tốt lành cả.
Giang Thanh trở nên im lặng.
- Ai nói thế? – Giang Thanh hỏi, giọng căng thẳng.
- Không cần để ý. Điều này không có giá trị gì cả.
- Đừng có ngu xuẩn, đồng chí bác sĩ. Tôi cư xử tốt với đồng chí vì tôi biết khó khăn như thế nào mới tìm được bác sĩ cho Chủ tịch. Ông quý đồng chí, vì thế tôi cũng đối xử tốt. Té ra là có ai đó tung tin đồn nhảm về chúng ta. Ai đấy?
- Nếu đồng chí yêu cầu, tôi sẽ nói. Đó là Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều.
Tôi chẳng hối hận khi nói thẳng với vợ Chủ tịch về người đã tung tin đồn nhảm. Tôi rất căm cả Diệp lẫn Lý, kẻ đã ton hót với Mao muốn tôi phải thôi việc.
Giang Thanh bỏ luôn kế hoạch của mình, bật khóc gọi điện cho Mao. Sau vài ngày tôi quay lại Bắc Kinh bằng máy bay đặc biệt của không quân. “Không bao giờ được cho ai biết bất kỳ điều gì về cuộc nói chuyện giữa chúng ta” – Giang Thanh cảnh cáo tôi trước tôi lên máy bay.
*
Tình hình ở Bắc Kinh càng ngày càng trở nên tồi tệ. Người dân hầu như không xuất hiện trên đường phố, nếu có gặp ai, họ đều lờ đờ kiệt sức, lãnh đạm. Người ta ở nhà để tiết kiệm năng lượng. Vài tuần lễ sau gia đình tôi tổ chức đón Tết nguyên đán, chúng tôi chỉ ăn cháo loãng với rau. Bình thường thời xưa, mâm cơm đủ thứ thịt, cá, hoa quả. Tết nguyên đán – đó là ngày lễ vui nhất duy nhất của năm, người Trung Hoa theo truyền thống, khắp nơi ăn uống linh đình. Tết năm nay không có gì cả.
Tôi phải đợi, trước khi được gặp Mao báo cáo. Hội nghị lần thứ 9 của Ban chấp hành trung ương khoá VIII khai mạc hai ngày sau khi tôi quay về. Tôi biết Chủ tịch rất bận cho việc chuẩn bị. Hội nghị cuối cùng cần có hành động để đối mặt “bóng tối của cuộc sống”, vấn đề Mao không thể phớt lờ. Chính ông cũng bị gánh nặng đè, nên phải bỏ mất nhiều thời gian trên giường. Nếu nghĩ ông muốn để ra nạn đói như ngày nay thì thật nhẫn tâm, tôi tin Mao phát động Đại nhảy vọt với ý đồ mong muốn mang lại cho đất nước Trung Quốc một cái gì đó tốt hơn, tươi đẹp hơn. Vấn đề ở chỗ, ông không được đào tạo đầy đủ trong nền giáo dục hiện đại, thiếu kiến thức và khái niệm về thế giới hiện đại, không hiểu rõ Trung Quốc có thể hoà nhập với thế giới theo cách nào. Thế kỷ XX sắp qua rồi, Mao vẫn còn mang ý nghĩ của thế kỷ XIX, ông không đủ khả năng dẫn dắt đất nước. Bây giờ ông đã tụt hậu, nhưng vẫn cố thử tìm kiếm giải quyết khó khăn ra sao.
Hội nghị là một đòn đối với Mao. Những người tham gia hội nghị đòi phục hồi sản xuất nông nghiệp như nhiệm vụ quan trọng sống còn của đảng. Khi cả nước đói kém, ước mơ công nghiệp hoá nhanh chóng là sự sai lầm chết người. Con người đầu tiên cần phải có cái gì để sống cái đã, rồi sau mới nghĩ tiếp được.
Tôi gặp Chủ tịch hôm 18-1-1961 ngay sau khi kết thúc hội nghị, kể về cuộc nói chuyện của tôi với Giang Thanh và tin đồn về mối quan hệ đặc biệt của chúng tôi. Tôi giải thích vì sao giữ im lặng lâu đến thế, bởi vì tôi nghĩ Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều xúc phạm đến Chủ tịch, chứ không phải xúc phạm tôi. Tôi hỏi:
- Bằng chứng nào ở họ về mối quan hệ đặc biệt của chúng tôi? Vì sao họ bịa đặt ra điều này?
Thực tế tôi đã ra đòn hiểm vào Mao, người hay khuyến khích người khác phao tin đồn nhảm. Nói rằng tin đồn xúc phạm Mao, nghĩa là tôi đã gián tiếp tát thẳng vào mặt ông ta.
Mao chăm chú nghe, mắt ông nheo lại. Chắc hẳn Giang Thanh cũng đã kể cho ông câu chuyện này.
- Đừng lo, tôi hiểu – ông nói – Hãy quên đi. Ai có thể bảo các đồng chí ấy đừng có bao giờ nói sau lưng người khác?
Sau đấy ít lâu, Mao bảo tôi, Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều bị cách chức, chỉ nội trong vài ngày tới sẽ đi Hồ Nam. Thậm chí Uông Đông Hưng không thông báo cho tôi biết điều này sớm hơn.
Cục sức khoẻ trung ương gửi đến Quảng Châu vài bác sĩ để khám bệnh cho Giang Thanh – Cơ Túc Hoa, giám đốc bệnh viện Bắc Kinh, Thế Bành Thư, giám đốc bệnh viện Thượng Hải và Tôn Xuyên Hứa, giám đốc bệnh viện tâm thần Thượng Hải, một nhà tâm thần kinh nổi tiếng. Giang Thanh để họ chờ đợi sáu tuần, cho đến khi Mao, tôi và Uông Đông Hưng đến Quảng Châu vào cuối tháng 2.
Các bác sĩ nổi tiếng cảm thấy hãnh diện được mời tới chữa bệnh cho Giang Thanh. Nhưng vì bỏ cơ quan quá lâu, họ bắt đầu lo lắng không hoàn thành công việc của bệnh viện.
- Họ tự coi trọng công việc này thái quá!
Giang Thanh cười khẩy châm chọc, khi tôi giải thích, các bác sĩ muốn được khám và chữa bệnh càng sớm càng tốt.
Cuối cùng Giang Thanh đồng ý bác sĩ khám một ngày nghỉ một ngày, chương trình kéo dài sáu ngày. Bác sĩ ngoại khoa, Cơ Túc Hoa, chuyên gia nội khoa Thế Bành Thư kết thúc công việc sau hơn một giờ. Nhưng việc kiểm tra thần kinh và tâm lý, do Tôn Xuyên Hứa thực hiện, lại chiếm nhiều thời gian. Giang Thanh yêu cầu bác sĩ Tôn chú ý đến sai lệch về thần kinh chứ không phải vấn đề tâm lý. Vì thế người ta không đặt những câu hỏi giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề tâm sinh lý của bà.
Ngay sau khi cuộc khám hoàn tất, tôi gặp Giang Thanh. Bà muốn biết người ta phát hiện mắc bệnh gì.
Tôi nói, các bác sĩ không phát hiện được bệnh gì, tất cả đều bình thường:
- Sức khoẻ của đồng chí tiến triển tốt. Bác sĩ muốn gặp đồng chí để báo cáo kết quả sau khi kiểm tra.
Nhưng Giang Thanh không muốn gặp bác sĩ để nghe giải thích không có bệnh tật và thay vì gặp mặt, yêu cầu báo cáo bằng văn bản. Bà yêu cầu không được thông báo kết quả cho Chủ tịch. Giang Thanh chỉ muốn Mao tin bà có bệnh.
Cuộc chiến gay go kéo dài bắt đầu nổ ra. Bản báo cáo kết luận của các bác sĩ hoàn toàn khách quan. Xác nhận sự phục hồi sức khoẻ của Giang Thanh sau khi trị xạ ung thư tử cung tiến triển tốt, tuy có dấu hiệu chứng suy nhược thần kinh mạn tính, khuyên bà nên tiếp tục hoạt động trò chơi giải trí như xem phim, khiêu vũ, nghe nhạc và chụp ảnh. Nhưng Uông Đông Hưng không đồng ý với bản kết luận của họ. Ông chống bất cứ kết luận nào cho rằng Giang Thanh bị bệnh. Uông không muốn bác sĩ chứng thực tính lười biếng, vô tích sự của Giang Thanh bằng cách khuyên nên giải khuây, giết thì giờ vào những chuyện vui chơi giải trí như xem phim, khiêu vũ để chữa bệnh vô công rồi nghề.
Tôi cũng dính ngay vào chuyện này của các bác sĩ. Tôi thay mặt và đồng ý khi Ban bảo vệ sức khỏe Trung ương giao nhiệm vụ các bác sĩ phải chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho Giang Thanh thật cẩn thận. Sau này, trong sự mất bình tĩnh, tôi nói với họ, thật vô nghĩa khi các ông thoả hiệp với những bệnh bà ta tưởng tượng ra, tại sao không nói thật, nói thẳng Giang Thanh hoàn toàn khỏe mạnh, chẳng ốm đau gì. Nhưng các bác sĩ này chỉ là những nhà khoa học thuần tuý, chẳng hiểu cách cư xử thô bạo của Giang Thanh đối với mọi người. Sự kiên nhẫn của tôi đã quá sức chịu đựng và sự trả thù của Uông Đông Hưng với vợ Chủ tịch chỉ làm tôi thêm đắng cay.
Như vậy bản báo cáo kết quả kiểm tra sức khỏe của các bác sĩ chả làm vừa lòng ai cả.
- Gì thế này? – Giang Thanh kêu lên khi đọc qua bản kết luận – Những người này thật vô trách nhiệm. Họ nghĩ cái mà họ viết như thế này?
Bà trả lại các bác sĩ bản kết luận coi như không chấp nhận, từ chối nó.
Đổng Chử tổ chức tiệc giã từ để cám ơn bác sĩ đã phục vụ Giang Thanh. Đổng Chử biết Giang Thanh không hài lòng về bàn kết luận của họ, nhưng không hình dung được Giang Thanh độc ác và hoang tưởng như thế nào. Sau này, tất cả ba người này đã bị đau khổ vô cùng trong thời kỳ Cách mạng văn hoá. Bác sĩ Cơ Túc Hoa bị tù 5 năm, người ta tra tấn dã man trong trại giam đến nỗi ông mất trí nhớ. Ông không thể làm việc được, chết sau đó ít lâu. Bác sĩ Thế Bành Thư cũng trở thành đối tượng phê phán và bị đàn áp mạnh. Ông sống sót sau Cách mạng văn hoá và chết trong cơn đau tim.
Nhà thần kinh học, bác sĩ Tôn Xuyên Hứa bị khốn khổ hơn tất cả, Họ tống ông vào tù với tội chống đảng, bị tra tấn dã man. Ông viết cho tôi một số thư từ trong tù, nhắc lại rằng ông đã chấp hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ khám chữa bệnh cho đồng chí Giang Thanh và ông làm việc siêng năng như thế nào.
Tôi viết thư cho Bệnh viện Tâm thần Thượng Hải, đề nghị chứng thực ông vô tội, nhưng không nhận được hồi âm. Sau đó Tôn Xuyên Hứa, đã tự vẫn trong tù. Ông không thể chịu nổi sự tra tấn kéo dài.
Sau khi các bác sĩ đi khỏi, còn lại mình tôi, hứng chịu nỗi bực tức của Giang Thanh cho là vì tôi người ta không chịu chứng nhận bà có bệnh. Mối quan hệ của chúng tôi tiếp tục xấu đi. Bà bắt đầu nói với mọi người, tôi khác trước, trở thành người có ý định chống lại bà. Để lấy chứng cớ, Giang Thanh kể lại trường hợp xảy ra năm 1958, tôi đã thực hiện nhiệm vụ khó khăn, báo cáo với Mao bà bị bệnh. Bây giờ tôi lại không muốn làm điều này nữa.
Giang Thanh thấy nguyên nhân thay đổi của tôi có mối quan hệ với sự thay đổi sự tương quan quyền lực của Nhóm Một. Giang Thanh nói, tôi chẳng cần sự che chở của bà nữa. Khi Uông Đông Hưng bị đuổi, Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều nắm quyền, tôi cần phải tìm sự ủng hộ. Bây giờ Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều bị bật đi xa, bạn tôi Uông Đông Hưng quay lại, người có bàn tay sắt, đang lãnh đạo Nhóm Một. Dưới sự che chở của Uông Đông Hưng, Giang Thanh cho rằng, tôi coi thường bà, nhưng vẫn công nhận lòng trung thành của tôi với Chủ tịch không thay đổi.
Tuy nhiên Giang Thanh suy luận sai về tâm trạng của tôi. Việc Uông Đông Hưng trở lại nắm quyền lực, cuộc sống của tôi ở Nhóm Một trở nên dễ chịu hơn. Đơn thuần tôi không thích Giang Thanh vì cuộc sống xa hoa, vô tích sự, bà ta hoàn toàn khỏe mạnh như tôi, nhưng cứ vờ ốm. Lúc nào cũng như mẹ người ta, phàn nàn liên miên, ra lệnh sai khiến những người xung quanh với những đòi hỏi vô lý. Giang Thanh, một thứ quỷ cái đầu kỷ nguyên của đảng cộng sản, lúc nào cũng thích la lối om xòm.
Tôi căm ghét thói đạo đức giả của bọn người quanh tôi đang thịnh hành. Những người lãnh đạo cộng sản thường to mồm phê phán lối sống tư sản cặn bã của những người tiền nhiệm chế độ cũ, họ đề cao nguyên tắc đạo đức cộng sản như một thứ đạo đức cao thượng tuyệt đỉnh, nhưng chính họ sống trong xa hoa, truỵ lạc. Quần chúng nhân dân đau khổ, lao động cực nhọc và bị chết dần chết mòn để một nhúm những kẻ cầm quyền làm giàu.
Lòng tin và ước mơ, sự ngưỡng mộ của tôi về Mao, về một xã hội mới tốt đẹp hơn mà những người cộng sản đang xây dựng đã bị sụp đổ hoàn toàn trong tôi.
Giang Thanh sai lầm khi cho rằng tôi vẫn còn cuồng tín ngưỡng mộ Mao. Sự ngưỡng mộ cuồng tín của tôi đã biến mất. Mao theo đuổi những nguyên tắc đạo đức nào? Khi Mao gạt bỏ Bành Đức Hoài như một thứ rác rưởi cần đổ ra đường, ông, một trong những nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại nhất của đất nước, một người trung thành với sự chọn lựa cộng sản và cống hiến hết sức lực vì sự cải thiện cuộc sống ở Trung Quốc. Còn Mao tập hợp xung quanh mình những cô gái trẻ giống như đa số các ông vua đời trước đầy cung tần mỹ nữ vây quanh.
Còn nhân dân Trung Quốc thì sao? Đảng cộng sản sử dụng “nhân dân” đưa họ lên tận mây xanh nhưng chính những người lãnh đạo đảng đã áp bức, bóc lột, buộc họ phải chịu đựng tất cả mọi khó khăn, bắt buộc họ phải chấp nhận mọi sự xỉ nhục để mà sống cho qua ngày. “Nhân dân” không là cái gì, chỉ là một khối lượng người to lớn, đồ sộ nhưng vô danh tiểu tốt là những người nô lệ vô vọng. Đó chính là “xã hội mới”, thế giới mới của chủ nghĩa cộng sản như thế đấy.
Giang Thanh đúng khi nhận xét, tôi coi thường, ghê tởm bà. Không những thế tôi còn coi thường, ghê tởm cả chồng bà nữa và tất cả những con người trong Nhóm Một.
Một nước “Trung Hoa mới” đang suy đồi, thối nát trong tham nhũng.