Phần III : TRỞ VỀ
Chương 1
Chương 4
Ngôi nhà của những người nửa sống nửa chết

     inh biệt Lefortovo...
Lần này xe chở tù rời Moscow đi về phía rừng. Sau nhiều giờ xe đưa Leopold đến một ngôi nhà ở giữa rừng, bề ngoài ngôi nhà này không có vẻ gì là một nhà tù. Leopold có nghe đồn về nhà tù được người tù gọi tên là “biệt thự nghỉ cuối tuần trong rừng” (dacha) còn tên thật thì Leopold không nắm được. Một lính gác lại gần và thì thầm với Leopold: Ở đây muốn nói phải nói thầm.
Thiết kế và quản lí ở đây cố hết sức tránh gây tiếng động. Cửa không nghiến, khóa không kêu, hành lang không phát tiếng động. Anh bị đưa thẳng vào xà lim. Cái xà lim kì lạ: dài ba bước, rộng hai. Giường bật vào tường. Một cánh phản nhỏ và một ghế đẩu là toàn bộ trang trí nội thất. Tường bọc chất cách âm. Trên cao có một lỗ cáo nhỏ thông hơi. Im lặng: Anh nghe im lặng. Tuyệt đối, dày dặn, ép chặt vào người rất khó chịu. Đây là thế giới của im lặng. Đèn chói mắt suốt đêm, Leopold cố lắng xem có tiếng động nào không. Không.
Anh chồm dậy. Ai đó nói vào tai anh. Lính gác lệnh cho anh thức dậy. Hắn đi hai chiếc giày phớt to đùng. Cửa mở không một tiếng động.
Đã sáng rồi. Thời gian trôi đi không làm cho con người quan tâm.
Ngày, tháng, trôi qua trong im lặng của thần chết. Leopold mất cả khái niệm ngày đêm, thời gian trôi qua. Chẳng ai hỏi anh, nói với anh. Bữa ăn đưa qua ghisê không một lời nói. Xà lim trở thành nấm mồ, Leopold thấy mình đang bị chôn sống. Thỉnh thoảng có tiếng hú phát ra tù một xà lim xa xa của một người tù điên loạn. Anh ta hú giọng người chết bởi anh thấy không khí đây là nhà mồ, anh hú để được nghe thấy tiếng người.
Làm thế nào để chịu đựng nổi cảnh này? Suốt ngày chỉ ba bước tiến, ba bước lùi trong xà lim. Phải có một ý chí kinh khủng để sống qua cái hình bóng thần chết này. Sau những nạn không ngủ được tại Lefortovo, nay vào nhà tù này tha hồ mà ngủ, ngủ không còn sợ bị gọi dậy, bị điệu đi hỏi cung. Leopold rồi quen với cách sống cô liêu này bằng những suy nghĩ của anh về những câu tự hỏi mình, những nỗi lo sợ, những lí trí của chính mình. Anh đã đứng được bằng những bạn đồng hành đó. Rồi chẳng ngờ, họ đến dẫn anh vào một căn phòng có một sĩ quan và hai người mặc thường phục: đó là những chuyên gia xác minh tình trạng của con người nửa sống nửa chết.
Viên sĩ quan hỏi:
- Này, anh cảm thấy thế nào?
- Cảm ơn, rất tốt, tôi rất hài lòng...
- Rất hài lòng à? - Viên sĩ quan ngạc nhiên - Thế suốt ngày anh làm những gì, sống một mình, chẳng thấy ai, chẳng đọc gì?
- Sách à? Có, tôi có một cuốn sách.
Ba tên nhìn nhau. Chế độ hình như không có tác dụng...
- Sách à? Nhưng anh làm thế nào viết sách được?
- Tôi viết trong đầu.
- Thế anh có thể cho biết đề tài gì không?
- Được, đề tài là các anh, các anh và những người đồng lõa của các anh. Đó là đề tài cuốn sách của tôi.
- Thế anh có yêu cầu đưa anh sang một nhà tù bình thường không?
- Thế nào cũng được, tôi có thể ở lại đây.
Họ đưa anh về xà lim. Anh sống trong im lặng, thỉnh thoảng có tiếng hú của những người tù điên loạn. Anh cảm thấy thật dễ dàng tù nhân ỏ đây sẽ bị lây bệnh hú như chó sói. Anh cảm thấy chính anh cũng cần phải mở miệng để hú. Anh lại bị lôi đi khai cung với những nhân vật cũ...
Hai tháng ròng rã anh đã sống trong nhà tù kinh khủng này. Hai tháng chúng định làm cho anh sụp xụống. Chúng hi vọng anh sẽ phải quỳ gối lạy xin chúng chuyển sang nhà tù khác. Họ chờ anh đầu hàng. Chúng tưởng thời gian ủng hộ chúng, hy vọng anh sẽ chỉ còn là cái giẻ rách phải liếm giầy của chúng. Không, anh không đầu hàng, anh đập tan lạc quan của chúng, anh sẽ thét vào mặt chúng:
- Nếu chúng bay định làm tao chết gục ỏ đây, tao sẽ đứng vững bất kể thời gian...
Chúng không trả lời, chúng nhìn tên khờ này quấy rối ý đồ của chúng. Trong óc một cán bộ an ninh quan liêu thì một tù nhân trong nhà gây điên này phải trở thành điên. Lôgic của nó là như vậy. Nhưng làm sao đánh gục nổi những người có sức lục và ý chí đấu tranh. Chừng nào anh còn sức lực đó, anh còn đấu tranh...
Vài ngày sau, anh lại bị điệu về Lubianka và anh cảm thấy mình đã trải qua những ngày khó khăn nhất. Thôi hỏi cung. Chỉ có một lần anh được dẫn lên Bộ để “thảo luận một cách hữu nghị”.
Bước vào buồng của tướng Abakumov mới thăng chức Bộ trưởng an ninh. Leopold thấy lí do mời anh thật là trớ trêu...
Vẫn chiếc cravat tuyệt đẹp, Abakumov hỏi Leopold:
- Tại sao anh có vẻ phấn khởi thế?
- Vì tôi thấy kì quặc đối với một người tù khi đọc áp phích mời “thảo luận hữu nghị”! Ông thường quen tiếp tù nhân theo lối khác cơ mà...
- Anh hãy cho tôi biết tại sao trong lưới của anh lại có nhiều người Do Thái như thế?
- Thưa công dân tướng quân, trong lưới của tôi có 13 quốc tịch tham gia; người Do Thái tham gia lưới của tôi không phải có phép đặc biệt và cũng không bị phân biệt đối xử nào đối với họ. Tiêu chuẩn duy nhất của việc lựa chọn là ý chí chiến đấu chống chủ nghĩa quốc xã đến cùng. Người Bỉ, Pháp, Hà Lan, Bắc Âu, Đức, Ucrain, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, cùng nhau chiến đấu và coi nhau như anh em. Tôi tuyệt đối tin tưởng những đồng chí Do Thái tiến hành hai cuộc chiến tranh: chống chủ nghĩa quốc xã đồng thời chống âm mưu tiêu diệt dân tộc của họ. Đối với họ, phản bội không phải là lối thoát, không như loại Efremov hoặc Sukulov chỉ vì mạng sống mà bán rẻ dân tộc mình.
Abakumov tránh đối đáp, nhưng chuyển sang luận điểm trước kia đã nói với Leopold:
- Anh biết đấy, chỉ có hai cách tri ân điệp viên: hoặc gắn huân chương đầy ngực anh ta, hoặc chặt đầu hắn... Nếu anh không làm việc với bè lũ phản cách mạng Tukhachevski- Berzin thì ngày nay anh được hưởng bao nhiêu vinh dự, nhưng anh đã đi theo bè lũ đó cho nên anh đáng hưởng xà lim của nhà tù...Anh có biết hiện nay cơ quan mật vụ của Hoa kỳ và Canada vẫn đang tìm kiếm anh không? Một lưới của ta ỏ Canada bị khám phá. Trên nhiều tờ báo Bắc Mỹ những chuyên gia đã nhận ra phong cách của Sếp Lớn.
Diễu cợt, vô sỉ, rất khoái về điều mình châm chọc, Abakumov nói thêm:
- Anh có biết nếu anh không bị giam thì anh sẽ gặp nguy hiểm như thế nào không? Ở đây anh được yên tĩnh, hoàn toàn an toàn.
Leopold lấy giọng của một viên chức Bộ An ninh để trả lời:
- Thưa bộ trưởng, tôi xin cảm ơn về sự quan tâm đến an toàn của tôi...
- Không dám, không dám... À tôi biết rõ ràng chế độ giành cho anh có thể chưa thật lí tưởng...Chúng tôi không có các điều kiện như vua nước Anh để ưu đãi những điệp viên của nhà vua, phong tước và cấp nhà cửa đẹp cho chúng; còn chúng ta như anh biết thì nghèo, chỉ cấp những cái gì ta có... Cái chúng ta có là... nhà tù. Nhà tù anh thấy cũng không đến nỗi tồi phải không?
Rồi ông ra hiệu rút lui.
Trở về xà lim, Leopold nhận định chắc chắn rằng công tác của anh ở Dàn Nhạc Đỏ không phải là điều tranh cãi. Không, điều họ kết tội anh chính là được tướng Berzin chọn lựa: sĩ quan hỏi cung dũng cảm đã từ chối xử lí hồ sơ anh đã nói ra sự thật: anh đã bị tình nghi từ năm 1938.