Chương 5
MẸ BÁN CON CHO NHÀ CHỨA

Hôm đó, khi về nhà, Tomoko trông thấy ở ngưỡng cửa một cái mâm với hai cái bát. Ở trước bậc cửa ra vào là một đôi guốc gỗ vứt bừa bãi. Ikuyo và Tomoko sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trong một gia đình địa chủ nhỏ, đã có thói quen tỉ mỉ, kỹ lưỡng do một nền giáo dục theo kiểu cũ đưa lại, còn Keisuke thì khi nào cũng ngăn nắp. Bởi vậy khi Tomoko nhìn thấy những chiếc guốc gỗ đó, nó có cảm tưởng chủ nhân của chúng là một những cẩu thả, và nó không thể lớn tiếng nói “Chào mẹ, con đã về” như thường ngày.
Một điều lạ là ngày hôm đó Yasuko không khóc. Thường thì khi nó trở về nhà, từ xa nó đã nghe con bé khóc như muốn nói:
“Chị Tomoko, chị về nhanh lên!” và thế là hôm nào nó cũng chạy vội vào nhà. Nhưng hôm đó thì lại khác.
– Chính vì vậy mà... Nếu anh ấy biết...
Một giọng đàn ông vẳng đến tai nó đứt quãng.
Nó nhẹ nhàng bước vào nhà. Chần chừ một lúc, nó tự hỏi là có nên sắp xếp lại cho ngăn nắp đôi guốc của khách không, nhưng càng nhìn đôi guốc nó lại càng thấy khó chịu về sự cẩu thả của khách, cho nên nó quyết định sắp xếp chúng lại cho ngăn nắp.
– Ai đấy? Ikuyo giật mình hỏi. Nàng quay người lại, nhận ra Tomoko, rồi lại tiếp tục chuyện trò với người khách lạ.
– Cháu chào ông ạ. Con chào mẹ!
Ngạc nhiên khi thấy Tomoko kính cẩn cúi đầu về phía mình rồi về phía mẹ nó, người đàn ông đột ngột ngưng nói và nhìn Ikuyo như để yêu cầu nàng giải thích, nhưng nàng vẫn quì trên chiếu mà chẳng nói gì.
Tuy nhiên, Tomoko cảm thấy là sự hiện diện của nó đã làm họ lúng túng như một làn sương nhẹ là là bay trong căn phòng nhỏ, bởi vậy nó vội vàng mất hút vào trong phòng cùng. Nhưng điều nó trông thấy khi bước vào đây làm nó đứng ngây tại chỗ:
Yasuko nắm chân con búp bê gần như tơi tả, một tay đã bị giật đi, chiếc kimono màu hoa cà bị rách nát, các mảnh giẻ rách tản mác trên nền nhà.
Nó đã mang con búp bê này từ nhà đi và giữ gìn rất cẩn thận khi ở trên tàu hỏa.
– Yasuko!
Tomoko cảm thấy máu dồn lên đầu, nhưng tự thấy không thể nổi giận hoặc khóc được vì một kỷ niệm hãi hùng vừa hiện ra trước mắt.Nó nhớ lại khoảnh khắc mà bà ngoại trong cơn điên loạn đã xé tan tành chiếc kimono màu hoa cà.
Trước mặt nó chiếc kimono mà mẹ đã cắt may chỉ còn là một đống giẻ vụn khủng khiếp. Và cảnh đó lại diễn ra trước mắt nó. Vừa tìm nhặt các mảnh vụn, Tomoko vừa buồn rầu nghĩ đến số phận hẩm hiu đã dành cho chiếc kimono đó.
Nhưng ai đã đưa con búp bê của nó Yasuko?
Yasuko bây giờ đã biết đi và vớ được cái gì là đập phá hoặc vò xé. Mọi đồ vật trong nhà đều để ngoài tầm tay của nó, như là đặt trên nóc tủ, trên các giá, trong các ngăn kéo, hoặc được treo lên cao, và Tomoko trước khi đi học đã tự tay sắp xếp sách vở, bút vào một túi vải, thắt miệng lại và đặt lên giá. Ngoài ra, từ khi đến ở trong nhà này, nó thôi không chơi búp bê như trước nữa vì phải còn trông nom Yasuko.
Trước khi Yasuko phá hỏng con búp bê như vậy, ắt là phải có kẻ nào lấy nó ở trên tủ và đưa cho con bé.
Nghĩ đến chuyện này làm nó mơ mơ màng màng, hay đúng hơn là sợ hãi.
Tomoko trông như người mất hồn, tay trái cầm con búp bê, tay phải cầm những mảnh kimono rách bươm.
– Tomoko!
– Dạ....
– Tomoko!
– Dạ....
Nó vội vàng đứng dậy khi tấm cửa kéo ra.
– Mày làm gì đấy?
– Vâng...
– Sao, vâng à? Mày không thấy rằng em mày đang khóc ư? Nó làm ồn quá, ai mà chịu được?
– Con xin lỗi mẹ.
– Khi mày chưa về, nó có khóc lóc gì đâu. Nếu nó cứ tiếp tục hét tướng lên thì mày dẫn nó đi ra ngoài một lúc, nó khóc ở đây làm tao nhức đầu lắm.
– Thưa mẹ, vâng.
Biết là sắp được đi chới với chị, Yasuko hớn hở lắm. Còn Tomoko thì lòng nặng trĩu buồn vì phải để lại con búp bê tội nghiệp với một cánh tay bị kéo rời khỏi thân.
Người đàn ông và Ikuyo nhìn nó nhưng không nói gì. Mặt ông ta ửng đỏ vì rượu.
Tomoko mở cửa đi ra, nhưng vừa rẽ vào phố nhỏ thì suýt va phải một thanh niên bưng những chiếc hộp bằng gỗ mà các quán cơm thường dùng để đựng những món ăn mang đến tận nhà của khách hàng. Tomoko tự hỏi có phải anh ta đến lấy hai cái bát mà nó trông thấy ở cửa ra vào hay là anh ta mang tiếp đến những món ăn phụ?
Ngày hôm đó Tomoko nhớ quê da diết và ôn lại những chuyện xa xưa mà lâu nay nó không hề nghĩ tới. Và nó vừa khẽ hát bài hát ru con vừa nhẹ nhàng vừa đung đưa bé Yasuko trên lưng:
Bé ngủ đi.
Bé của ta, ngủ đi.
Mẹ của bé đã biến mất.
Tựa như một đám mây.
Nhưng bà ta đang ở bên nó.
Mẹ của bé đang ngủ say.
Đã lâu rồi nó không hát bài này. Nhưng giờ đây nó đã hiểu rõ được ý nghĩa của những lời ru. Câu hát làm nó cảm động nhất là:
“Mẹ của bé đã biến mất tựa như một đám mây”. Tomoko có cảm nghĩ mới mẻ về mẹ, người đã từng biến mất khỏi cuộc đời nó tựa như một đám mây và nó đã gặp lại mẹ nó sau hai năm để cùng chung sống dưới một mái nhà. Nó ngạc nhiên là không cảm thấy lòng mình xốn xang mãnh liệt như thuở nào, khi chỉ còn mình nó với bà ngoại trong căn nhà cũ xưa mênh mông hiu quạnh, buồn bã chờ mong được thấy lại mẹ mình. Khi khẽ ca lần nữa bài hát ru con này, nỗi sợ hãi lại thấy mẹ mình biến đi như một đám mây đột ngột xâm chiếm lòng nó. Mẹ sẽ ra đi, mẹ sẽ ra đi... Linh tính này đè nặng lên ngực nó, và tim nó như nhức nhối khi cố gắng xua tan nó đi.
– Tomoko!
Một giọng vang lên từ phía sau. Nó quay đầu lại và trông thấy Keisuke, tay ôm chiếc hộp đựng bữa ăn trưa của anh.
– Chào ba.
– Yasuko ngủ rồi à?
– Vâng ạ.
– Con có muốn ba ẵm nó không?
Đứng né sang một bên đường, Keisuke bế bổng Yasuko khỏi lưng cô bé.
– Ba, chiếc thắt lưng...
– Ừ nhỉ.
Tomoko cởi chiếc thắt lưng trên người Yasuko và đưa cho Keisuke.
– Buộc thắt lưng như thế này mới đúng chứ nhỉ, anh vừa nói vừa nhìn Tomoko và vô cớ bật cười to. Cái cười bộc lộ nét căn bản trong cá tính anh, tốt bụng và hiền lành, nhưng đồng thời cũng có cái gì đó rỗng tuếch, yếu đuối và nhu nhược. Tomoko đi sau anh, tay ôm cái hộp đựng bữa ăn trưa, miểng lẩm bẩm những từ vừa nói:
– Ba, chiếc thắt lưng...
Chính nó cũng không nhớ là nó đã gọi bố dượng bằng “ba” từ bao giờ nữa.
Cả Ikuyo lẫn Keisuke chẳng khi nào bảo nó phải gọi như vậy, nhưng Tomoko nghĩ rằng bố dượng là một người cha. Từ “má” đối với nó có một âm vang cực kỳ mạnh mẽ, và nó cảm thấy mối dây liên hệ vững chãi với cái từ đó, cho dù từ nay về sau mối dây liên hệ có lung lay thêm ít nhiều tựa như một ngày đó nó sẵn sàng tan vỡ, con với từ “ba”, nó không mảy may cảm thấy một mối liên hệ gợi nhớ đến quá khứ. Người cha thực sự của nó, Seikichi Tazawa, đã qua đời khi nó mới lên ba, vì vậy nó không cảm thấy giữa người đó và mình có mối liên hệ máu mủ thực sự. Tomoko thỉnh thoảng phải chạy để đuổi kịp Keisuke, vừa chạy vừa nghĩ mung lung. “Ba... ba... ba...” nó khẽ nói lên từ này với chính mình nhưng không cảm thấy có chút thân thiện nào cả.
– Tomoko...
Khi mở cửa vào phòng ngoài, Keisuke quay lại vẻ mặt mệt mỏi:
– Có ai vừa đến nhà?
Anh vừa hỏi vừa chỉ cái khay vẫn ở trước cửa, với hai cái bát to và những đồ đựng khác nhỏ hơn, có nắp đậy. Nhận thấy có người đến thăm trong lúc mình vắng nhà thì quả là không mấy thú vị đối với một người chồng ra đi từ sáng sớm và mãi đến chiều tối mới trở về.
Câu hỏi của ông bố dượng làm Tomoko chưng hửng, nó ngước nhìn ông không trả lời, cũng không lắc đầu. Vẻ căng thẳng trên mặt bố dượng đủ để ngăn nó trả lời một cách thành thật.
– Ơ kìa!
Ikuyo đương đứng ở phòng ngoài, nghe tiếng chân của họ, đã ngạc nhiên kêu lên.
– Chào em, Keisuke vội vàng cất tiếng với vẻ phạm tội của một kẻ bất lương bị bắt quả tang. Anh cởi giày và đi vào nhà, tay vẫn ẵm con gái.
– Em nhìn kìa, nó ngủ say quá, anh vừa nói vừa đến gần Ikuyo và chỉ đứa bé.
– Người anh đầy bụi, anh đi vào thay quần áo đi, Ikuyo trả lời anh với vẻ ghê tởm và chẳng thèm để ý gì đến con bé đương ngủ say.
– Tomoko!
Ikuyo hét to và bước đến gần nó.
– Hãy mang trả các thứ này đi!
Tomoko vội vàng bưng mâm đi ra. Nó nghe tiếng cửa đóng sầm ở sau:
Ikuyo cáu kỉnh khi thấy Tomoko lúng túng tay bưng mâm, tay giữ thắt lưng áo.
– Em chào anh ạ!
– Chào em, anh trai trẻ đáp lại như mọi ngày.
Tomoko đặt cái mâm trên quầy hàng và quay gót đi về phía cửa nhưng anh chàng nhanh chân đi theo em:
– Em có thể thanh toán tiền được không?
Tomoko không hề nghĩ đến chuyện này nên em rất ngạc nhiên và sợ hãi.
– Em sẽ đưa ngay tiền trả anh, Tomoko vừa nói vừa chạy nhanh về nhà.
Em gặp Ikuyo trong nhà bếp, đương vo gạo, mặt rầu rỉ vì phải làm cơm.
– Thưa mẹ....
Nàng bực dọc quay lại khi nghe giọng rụt rè của Tomoko.
– Gì vậy?
Dạo này Ikuyo thường hay xẵng giọng với người nhà.
– Ở quán người ta bảo con trả tiền.
Ikuyo dừng tay đột ngột để nhìn Tomoko, trán cau lại và mắt lóe lên giận dữ.
Rồi chẳng nói chẳng rằng, nàng ngước nhìn lần cuối cùng Tomoko đang đứng chết khiếp ở giữa nhà và đi lao vào phòng khách, quên cả lau tay.
– Tôi cần tiền.
Keisuke ngước cặp mắt hoảng sợ lên nhìn vợ và trả lời, khi đã hiểu ra điều nàng vừa nói:
– Anh hết nhẵn rồi.
– Nhưng tôi cần tiền, tôi nói là tôi cần tiền.
– Thế tiền anh đưa hôm nọ không còn à?
– Làm sao mà còn cơ chứ!
– Dĩ nhiên rồi, nếu như em mua rượu?
– Thế tại sao tôi lại không được mua rượu!
– Anh không nói là em không nên mua rượu, nhưng tại sao trong nhà bếp lại có rượu khi mà anh không bao giờ dùng đến nó cả.
– Chà, một chai rượu bé tí, có đáng là bao! Cho dù là không mua rượu thì tôi cũng chẳng biết làm sao mà thừa tiền.
Trong khi họ cãi vã nhau như vậy thì Tomoko khốn khổ vẫn đứng chờ trong nhà bếp, cả nó và món tiền nợ của quán ăn đã bị lãng quên!
Việc này cho thấy sự mở đầu cuộc sống nghèo túng của họ. Ikuyo ăn tiêu hoang phí mà chẳng đếm xỉa gì đến thu nhập quá ít ỏi của Keisuke, đến nỗi họ không có tiền để trả tiền gạo cuối mỗi tháng. Trong khi đó thì bọn đàn ông thường hay lui tới nhà Ikuyo khi chồng đi vắng. Có hai ba gã thay phiên nhau đến ăn nhậu mà chẳng quan tâm gì đến chuyện thanh toán tiền nong với quán ăn.
Tomoko phải chịu đựng những lời ong tiếng ve của chòm xóm láng giềng về mẹ mình. Nó ngạc nhiên khi thấy họ bĩu môi nhíu mày trước hạnh kiểm của Ikuyo và chế giễu cha dượng của nó, cho ông ta là một gã ngốc nghếch.
Gia đình Keisuke ngày một chìm sâu vào những khó khăn chật vật vô phương cứu vãn.
Từ ngày đến Tôkyô, Ikuyo luôn bắt Tomoko phải có kiểu tóc của những cô gái giúp việc các kỹ nữ, tóc cắt vuông vắn ngang vai. Vào thời kỳ này, nó có thói quen là nhâm nhi lọn tóc trong khi nói. Có thể nó làm như vậy để quên cái đói, nhưng với thói quen này, nó đã gây cho những ai trông thấy nó cảm tưởng về một em bé khốn khổ trong gia đình. Và có thể vì vậy mà một thầy giáo của trường Matsushiyama mà Tomoko đã theo học từ sáu tháng nay cảm thấy nó đang gặp rắc rối và rất lo cho nó. Thầy quyết định đến thăm gia đình nó.
Ngày hôm đó Ikuyo ăn mặc khá đứng đắn, cổ áo kimono không để hở như ngày thường. Nàng ngồi chỉnh tề ở tư thế quì, ngực ưỡn ra, với dáng dấp một người mẹ đầy quyền uy, đã gây được ấn tượng cho thầy giáo. Còn Tomoko thì mọi thất vọng mà nó cảm thấy trong những ngày vừa qua đối với mẹ trong phút chốc đã tan biến hoàn toàn.
– Tôi thực sự buồn phiền vì cháu Tomoko đã làm thầy lo lắng. Cháu nó chưa hội nhập được vào lối sống của thị thành. Mong thầy thông cảm mà cho cháu tiếp tục theo học ở trường thêm một thời gian nữa. Chúng tôi nghèo, cái khó bó cái khôn, tôi thực sự cảm thấy xấu hổ.
Thầy giáo nhanh chóng ra về, tâm trí rồi bời, không còn hiểu ra làm sao nữa khi đứng trước người mẹ với giọng nói rắn rỏi làm tiêu tan mọi lo âu của anh.
Dạy ở một trường có nhiều trẻ em của phường Yoshiwara, thầy đã có dịp đến thăm các gia đình mà trình độ dân trí quá thấp, và được thấy những em học sinh sống trong những căn nhà trần trụi, nghèo rớt mùng tơi, cho nên thầy hết sức ngỡ ngàng khi không thấy cảnh đó ở nhà bé Tomoko.
Cuộc viếng thăm của thầy giáo đã củng cố thêm ở Ikuyo một quyết định không mảy may xuất phát từ tình cảm mẹ con. Từ ngày đó, người ta thường thấy nàng đi cùng con gái đến nhà tắm công cộng. Ở đây, mỗi khi nàng bắt gặp bà giáo dạy hát hoặc một người phụ nữ trung niên có vẻ như là một kỹ nữ thì nàng luôn phô con gái ra, bảo con đi xách nước tắm cho họ. Tomoko thấy những lời lẽ họ thì thầm với nhau thật là kỳ quặc.
– Tốt nhất là cho cháu bắt đầu học một vài môn nghệ thuật giải trí.
– Nó là một đứa bé thông minh, vả lại cháu mảnh dẻ và chưa đến mười tuổi.
Bà chủ ắt sẽ vui mừng là không phải gửi cháu đến trường lâu.
– Học nghề sẽ gây ra nhiều vấn đề cho người mẹ và cả cho chính bản thân người con.
Do nghe đi nghe lại nhiều lần những mẫu chuyện như vậy mà Tomoko dần dà tin chắc là sẽ có một sự thay đổi lớn lao trong đời mình.
Thế rồi nó rời Tôkyô bằng tàu hỏa cùng với Keisuke vào một ngày đầu xuân.
Trời trở rét. Thực là khó khăn cho Tomoko đã quen với khí hậu ấm áp của quê hương. Nó cảm lạnh, sổ mũi liên hồi. Nó nhớ lại lời trách móc của bạn cùng lớp Omitsu khi trông thấy nó chùi mũi với giấy làm bằng rơm:
– Cử chỉ của bạn không hay lắm đâu!
Omitsu giúp việc cho một kỹ nữ, nó lên lớp với cái cổ thoa phấn trắng như các bà lớn và tóc cuộn bồng. Tomoko rời Tôkyô quá gấp gáp nên không kịp chào bạn.
Sáu tháng đã trôi qua và hoàn cảnh của Tomoko đã có nhiều thay đổi, còn với Keisuke, bố dượng, thì thật khó mà nhận ra được ở anh người con trai của một vị thân hào hàng tỉnh. Không có một biểu hiện nào về lo âu, bực bội, về thần kinh bị kích thích, có lẽ là do một sự đần độn bẩm sinh nào đó. Tuy vậy, ở anh có một cái gì đó thật hãi hùng tựa như một cái cặn nguy hiểm lắng đọng trong lòng anh. Giờ đây, ngồi đối diện với anh trong toa tàu, Tomoko rùng mình khi nhận thấy bố dượng mình chỉ trong một thời gian ngắn mà đã thay đổi hoàn toàn.
Sau hai giờ lắc lư trên tàu, họ xuống ga Shizuoka ở chân núi. Keisuke lại xách cái rương của Tomoko đầy ắp kimono. Nó nhớ lại lời nói của mẹ khi giúp nó sửa soạn hành lý:
“Con thấy đấy, mặc dù chúng ta rất nghèo túng nhưng mẹ không đụng gì đến các áo kimono của con”. Tomoko không biết nói gì mà chỉ tự hỏi rằng đây có phải là lần cuối cùng nó được nhìn thấy mẹ, người mẹ đã bị nghèo khổ đè nặng lên hai vai. Lòng nó xao xuyến khi từ giã lần thứ hai người mẹ mà nó vừa mới tìm thấy, người mẹ mà trái tim thơ dại của nó đã bao lần thổn thức.
– Con biết đấy, mẹ không bán con đâu. Chỉ đơn giản là vì ở đây không kiếm được nhiều tiền. Tốt hơn hết là con phải học nghệ thuật làm một kỹ nữ. Vì sau này con sẽ chán chường như mẹ con nếu con không làm nên trò trống gì. Khi một phụ nữ không gặp may với những người đàn ông thì bà ta sẽ là một người bỏ đi nếu không biết làm gì.
Để chia tay, mẹ đã căn dặn nó cố gắng học tập để trở thành một kỹ nữ tốt, những điều mà mẹ nó nói về những người phụ nữ “không gặp may với những người đàn ông” đã để lại trong tâm hồn nó một tiếng vang buồn bã nhất mà mỗi lần nhớ tới nó không khỏi mủi lòng.
Buộc phải chạy cho kịp bố dượng, Tomoko không còn thì giờ đâu nữa nghĩ về Tôkyô. Thỉnh thoảng nó nhớ đến con búp bê bị gãy tay và chiếc áo kimono bị Yasuko xé tan tành. Nó không hề nghĩ đến sự trớ trêu của số phận, nhưng lờ mờ nhận ra là quan hệ của nó với mẹ có cái gì đó như tình trạng của con búp bê.
Họ đi được một quãng đường dài, qua các đường phố giá lạnh khi Keisuke quay người lại, mặt đỏ ửng và thở hổn hển:
– Ba lây phải cúm của con rồi. Anh vừa nói vừa cười, và nhờ thế mà con khỏi được cúm!
Anh cố gắng vui đùa nhưng không được, anh rất đau khổ vì phải xa đứa con riêng của vợ anh. Khi bố dượng có vẻ buồn rầu thì Tomoko cũng buồn theo, và lòng nó se lại và chẳng hiểu vì sao. Nó thương hại cha dượng, cầu mong mẹ mình sẽ xử sự với ông thân thiện hơn, và Keisuke cảm thấy mủi lòng trước tình cảm mà anh cho là kỳ lạ của một đứa bé còn rất bé bỏng.
Keisuke rảo bước và Tomoko vẫn chạy sau anh cho đến khi họ đi vào những đường phố vắng người hơn và đến trước cổng phường Nichômachi.
Tomoko và Keisuke bước qua cổng, ngỡ ngàng. Trong khoảng đất kín cổng cao tường, ở bên phải và bên trái là những dãy nhà chứa. Và mặc dầu hoàng hôn chưa buông xuống, người ta thấy nơi này nơi kia sau các lưới sắt những cô gái đang ngồi chờ khách.
Keisuke dừng lại trước một ngôi nhà có cổng vào khá rộng với tấm biển có chữ sơn trắng “Nhà Kanô”.
– Đây rồi, Keisuke nói với Tomoko, chắc chắn là anh đã hoảng sợ vì những cảnh anh vừa trông thấy.
– Xin lỗi, có ai không ạ?
– Có...ó!
Họ đợi khá lâu mới có người trả lời, và bà người làm xuất hiện.
– Chúng tôi từ Tôkyô đến. Tôi là Kôsaka.
Bà người làm mất hút dần về phía cuối nhà mà không quên ném cho anh một cái nhìn hoài nghi, và mặc dầu anh đã nói anh từ Tôkyô đến, nhưng cái giọng địa phương của Keisuke đã phản lại anh. Các cô bé ăn mặc sặc sỡ lần lượt xuất hiện, lặng lẽ, không cười nói ầm ĩ. Có lẽ sự xuất hiện của một ông khổng lồ đi bên cạnh một cô bé nhỏ thó làm các cô ở đây chú ý.
Một nhóm gần ba cô hầu gái chăm chú nhìn Tomoko, rồi chúng bạo dạn dần lên và đi lại gần nó.
– Này, bạn từ đâu đến đấy? Một đứa bắt đầu nói, giọng chững chạc.
– Từ Tôkyô.
Các cô bé trợn tròn mắt. Chúng ngạc nhiên thì thầm với nhau:
“Từ Tôkyô!
Bạn ấy từ Tôkyô đến!”.
– Đi đi, bọn nhóc, đến giờ ăn trưa rồi! Người hầu gái hồi nãy ra lệnh và chỉ đường cho Keisuke và Tomoko. Trên đường đi đến phòng bà chủ, Tomoko chợt nghĩ đến số phận của mình. Có lẽ từ nay trở đi nó sẽ giống số phận của những người hầu gái ấy, và nó tự nói với mình:
“Cả ta nữa, trong cái thành phố xa lạ này ta sẽ có chung số phận như Omitsu. Mẹ đã nói với ta phải cố gắng trở thành một kỹ nữ hoàn hảo. Nhưng trong một nhà đầy rẫy gái bán dâm như nhà này thì e là ta sẽ phải làm đầy tớ mất”.
– Đây là phòng của ông bà chủ, người đầy tớ gái lễ phép nói và mời họ ngồi trước tấm vách ngăn.
Cánh cửa kéo từ từ mở rộng, để lộ ra một gian phòng lộng lẫy. Ông chủ Jirozaemon Kanôya và bà vợ ngồi ở giữa nhà, sau chiếc lò sưởi lớn và quay lưng ra phía khách. Cả hai ông bà ngước mắt về phía cánh cửa vừa mở, nhìn những người khách một cách kiêu kỳ. Keisuke và Tomoko cúi đầu và chắp tay lại.
– Bé con, mày tên gì?
– Tomoko Sunaga.
Bà chủ quay mặt về phía chồng rồi hỏi tiếp Tomoko:
– Mày bao nhiêu tuổi?
– Mười tuổi.
– Đứng dậy tao xem nào.
Tomoko làm theo lời bà.
– Quay nghiêng sang đây.
Tomoko quay nghiêng mình.
– Ngồi xuống.
Tomoko ngồi xuống và đặt hai tay lên đầu gối theo đúng khuôn phép.
Bà chủ có vẻ vừa lòng về cách ăn mặc của nó.
– Mày có thích các môn nghệ thuật giải trí không?
– Có ạ.
– Mày đã học được những gì rồi?
– Chưa học được gì cả.
– Vậy thì làm sao mà cháu tin là các môn nghệ thuật sẽ làm vừa lòng cháu?
– Nếu cháu được học thì cháu tin là cháu sẽ thích lắm.
Tomoko cố gắng trả lời lưu loát để được nhận xét tốt. Nó linh tính thấy rằng mình đương đứng trước một ngã rẽ quan trọng của đời mình.
– Cái con bé này biết ăn nói, bà chủ khẽ trao đổi với chồng, nhưng ông thì chỉ ngồi rít mạnh tẩu thuốc và lặng thinh.
– Ông to lớn mà con gái ông thì lại nhỏ thó, bà chủ nói với Keisuke. Nó chưa đến mười tuổi đâu, bảy tuổi là cùng. Nó có thể làm đầy tớ được.
Tomoko rùng mình trước thái độ trịch thượng của bà chủ. Nhưng Keisuke đã phản ứng một cách chính xác, rõ ràng, một điều khá hiếm hoi đối với anh.
– Nó không phải là con tôi.
– Vậy chắc là con nuôi?
– Không, cháu là con riêng của vợ tôi.
– À ra thế. Của vợ ông ư? Bà ta hỏi và đột ngột cười phá lên. Con riêng của vợ ông, ông muốn nói như vậy chứ gì?
– À à... vâng... đúng thế...
Không nhận thấy tiếng “con riêng” đã làm cho trái tim của Tomoko đau nhói, bà chủ cân nhắc một cách ích kỷ lợi lộc mà tình hình này có thể đưa lại cho bà. Hẳn là con bé hơi nhỏ nhưng nó có những nét đẹp, nhất là nó khá thông minh, điều này thể hiện rõ qua cách ứng xử của nó... Mười tuổi, như Ochoma, ta có thể bán nó cho những hợp đồng thuê mướn người làm ở ngoài, vả lại con bé có vẻ biết điều...
– Ông hãy nói với bà nhà là cứ yên tâm đi.
– Xin đa tạ bà.
– Tôi cũng cảm ơn ông đã cất công đến đây. Một học viên mới do bà con dẫn đến chứ không phải là người mách mối là điều xưa này hiếm.
Cuộc tiếp xúc đầu tiên của Tomoko với ông bà chủ cơ sở kỹ nữ kết thúc như vậy. Bé gái với bộ tóc giả, Ochoma, đang học nghề kỹ nữ, từ này sẽ là bạn của Tomoko. Từ nay Tomoko ở trong cái phòng ẩm thấp, không có cửa sổ, ngổn ngang những đồ vật dơ bẩn và mất trật tự.
– Bà chủ bảo rằng ngay hôm nay cha em phải rời khỏi nơi đây.
Trong thời gian qua, Keisuke đi đi lại lại trong phòng khách ở tận cuối nhà dành riêng cho những cô gái, nghe nói vậy thì thở phào nhẹ nhõm và chuẩn bị ngay hành lý để ra về.
– Tomoko, hãy giữ gìn sức khỏe đấy nhé.
Tomoko kêu lên một tiếng không cố ý khi thấy cái lưng rộng của Keisuke khuất dần:
– Ba, ở trong tủ...
Keisuke lặng lẽ quay người lại, mặt rầu rĩ:
– Cha biết. Có gì không?
– Có một cái hộp đựng con búp bê của con.
– Con quên mang đi à? Con có muốn cha mang đến không?
– Không, cha đưa cho Yasuko.
– Cho Yasuko à? Tốt lắm. Cảm ơn con nhé.
Keisuke đi khuất lâu rồi mà Tomoko vẫn còn đứng nguyên tại chỗ. Nó rất tiếc là không nghĩ đến chuyện gởi cho mẹ một đôi lời.