rong ba tuần đầu tiên lên nắm quyền, các tướng lĩnh vẫn liên tục bảo đảm với những người Mỹ bảo trợ của họ rằng họ sẽ cố gắng khắc phục những khiếm khuyết của Chính phủ tiền nhiệm và tiếp tục thực hiện các ưu tiên số một của họ - giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại những người Cộng Sản. Đại sứ Sedgewick, tay “Bố già” của vụ đảo chính, dĩ nhiên là có thiên hướng đánh giá cao tư tưởng đạo đức và chấp nhận những lời hứa đó của các tướng Minh, Bích, Đính, Đôn và Kim. Mặc dù còn hoài nghi về khả năng cá nhân của những người này, nhưng tướng Donnelly vẫn cố hết sức để loại khỏi lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa những chính sách đã được áp đặt một cách chặt chẽ từ Phủ Tổng thống dưới thời ông Diệm. Chính vì vậy sự hài hòa ở một chừng mực nhất định lại một lần nữa tồn tại trong quan hệ giữa hai bên gần giống như những gì vốn có dưới thời ngài Gus Corning còn làm Đại sứ. Kết quả là tại hội nghị nội bộ của Phái bộ Mỹ được tổ chức ở Honolulu trong các ngày từ 20 đến 22 tháng 11 với sự tham gia của phần lớn các quan chức trong Phái bộ và những nhà lãnh đạo hàng đầu của Washington (trừ ngài Tổng thống) đã tạo nên một sự lạc quan giả tạo mang nặng hình thức tự tán thưởng lẫn nhau. Hai mươi bốn quan chức cao cấp và sỹ quan tham mưu từ Phái bộ Mỹ đã đáp chuyến máy bay Boeing 707 hạng VIP từ Sài Gòn tới Honolulu cùng với hai phái đoàn tùy tùng của Đại sứ Sedgewick và Tư lệnh Bộ Tư lệnh quân viện, tướng Donnelly. Từ đây, Đại sứ Sedgewick sẽ lên máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara để bay về Washington đón nhận lời chúc tụng và cùng tư vấn cho Tổng thống Mỹ. Tối hôm 19, phái đoàn từ Sài Gòn đã đến nơi và được đưa lên xe khách chở về trại Smith và nghỉ tại khu vực dành cho các sỹ quan cao cấp không có gia đình đi cùng. Ngoại trưởng Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Thư ký An ninh Bundy cũng có mặt tại trại Smith trong những bộ đồ sang trọng nhất. Tướng Donnelly và tướng Maxwell Taylor ở cùng Đô đốc McGrath. Tuy nhiên, vẫn giống như mọi lần đến Honolulu, Đại sứ vẫn nghỉ tại khách sạn Hoàng gia người Hawaii. Với tư cách là phụ tá của ông ấy, D. Marnin cũng lấy làm sung sướng khi được tháp tùng ông ta đến những nơi nổi tiếng và rực rỡ nhất. Khắp nơi đều được trang trí bằng hoa, rượu sâm-banh và những tờ chúc mừng trang trọng và được chính Giám đốc khách sạn đưa đến tận phòng mình có cửa sổ nhìn xuống những tán cọ và một sân sau được trang hoàng lộng lẫy. Anh đi ngủ lúc 10 giờ nhưng với sự lệch của múi giờ tới sáu tiếng nên lúc đó mới chỉ là 4 giờ chiều ở Sài Gòn. Đến 3 giờ sáng, D. Marnin vẫn còn nửa tỉnh nửa mê và quyết định bắt đầu một ngày mới với trạng thái ấy bằng cách đi tản bộ trong bóng đêm dọc theo bãi biển rồi vòng sang công viên Fort De Russy ngay phía sau bảo tàng quân lực nơi có một chiếc xe tãng của Quân đội Nhật Hoàng từ thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II trưng bày trước cửa. Sau đấy ành lại chạy qua khu công viên nước và mấy sân quần vợt để quay về khách sạn Hoàng Gia người Hawaii đúng vào lúc một nữ lái xe của Hải quân xinh đẹp mới 19 tuổi đánh xe tới đưa anh đến Trung tâm Hội nghị trong căn cứ để nhận các công lệnh gởi tới ngài Đại sứ. Trong khi Đại sứ Sedgewick trả lời các bức thư mới gửi đến, D. Marnin tranh thủ ăn sáng ngay phía ngoài hành lang của khách sạn trong tiếng sóng biển vỗ ì ào. Lúc 7 giờ 30 phút, anh lại tháp tùng ngài Đại sứ trở lại căn cứ Camp Smith nơi cuộc hội thảo đang được tiến hành. Vậy nhưng họ đã không tính đến tình huống bị kẹt xe giữa giờ cao điểm và đấy đúng là một thảm họa. Vậy là Đại sứ Sedgewick đã trở thành người sau cùng có mặt và bị chậm tới 10 phút. Với thái độ cố chấp có một không hai, ông ta đã nổi điên lên và cáu gắt thậm tệ với D. Marnin vì anh đã để cho ngài Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao cùng Cố vấn An ninh Quốc gia phải ngồi đợi ông ấy. Và rằng, nếu như D. Marnin có một tí thông minh nào thì anh đã phải tính đến khả nãng bị kẹt xe trong giờ cao điểm mà đến đón ông ta sớm hơn. Chính vì quá lo lắng và hối lỗi khi bước vào phòng họp nên ông ta đã không nghĩ rằng ông ta vừa bước vào mọi người có mặt đã đứng cả dậy. Toàn bộ những nhân vật quan trọng nhất trong Chính phủ Mỹ đã có mặt ở đấy, dẫn đầu là Bộ trưởng Ngoại giao Rusk, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Cố vấn An ninh Quốc gia Bundy. Tất cả bọn họ đều đứng lên cùng một lúc và chào đón ngài Đại sứ Sedgewick bằng một tràng vỗ tay dài đến gần năm phút. Bộ trưởng Ngoại giao Rusk, người ngồi ở ghế chủ tọa hôm đầu tiên (Bộ trưởng Quốc phòng McNamara làm chủ tọa ngày họp thứ hai) đã làm cho lời giới thiệu của ông trở nên đặc biệt quan trọng và được tất cả mọi người vỗ tay chào đón thật trang trọng: - Chúng ta dường như đã từng bị lâm vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn mà có lúc tưởng chừng như không còn một lựa chọn nào khác. Và rồi người đàn ông này xuất hiện đúng nơi khó khăn nhất. Nhờ vào tài năng lãnh đạo kiệt xuất và sự nỗ lực đặc biệt của mình, ông ấy đã tận dụng được quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng quan trọng để đưa chúng ta ra khỏi khu rừng tăm tối, trở lại với bầu trời trong xanh để giờ đây ít nhất chúng ta cũng có thể nhìn thấy cái hướng mà chúng ta đang tiến tới. Cả đất nước chúng ta đã nợ một món nợ rất lớn đối với ngài Đại sứ Sedgewick... Ngài Đại sứ đứng dậy để đón nhận một tràng vỗ tay còn lâu hơn lần trước và đáp lại rằng ông ấy thật sự xúc động vì đã được chào đón quá nồng hậu như vậy từ thượng cấp của mình. Ông ta cho rằng chẳng có ai có thể tự cho mình là có đủ thông minh để trả lời được tất cả các câu hỏi quá phức tạp mà mọi người đang có mặt ở đây để thảo luận. Nếu như có điều gì đó tốt đẹp thu được từ cuộc đảo chính này và cả sau đó nữa thì nó phải được chia đều cho tất cả những đồng nghiệp thân cận của ông ấy cũng có mặt ở đây. Các cơ quan thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã phối hợp với nhau một cách rất nhịp nhàng như trong một gia đình để tạo thành một đội thống nhất thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Với lời khởi đầu như vậy, ông ta gần như công khai phủ nhận những gì được suy đoán một cách thô bỉ, tinh quái và không có cơ sở trong bài báo của tờ New York Times và khẳng định rằng tướng Donnelly đã bắt nhịp rất tốt cùng các cộng sự là các lãnh đạo chính trị trong đó có cả Đại sứ Sedgewick. Ông ta còn đảm với các khán giả của mình rằng, đó là tất cả những gì còn chính xác hơn cả sự thật. Hơi cúi xuống nhìn vào bài diễn văn mà D. Marnin đã chuẩn bị từ trước đó, Đại sứ Sedgewick bắt đầu mô tả cái viễn cảnh tương lai của Nam Việt Nam là tràn đầy hy vọng. Ông ta nói: - Các tướng lĩnh tỏ ra rất thống nhất với nhau và đầy quyết đoán là sẽ tiếp tục nỗ lực để theo đuổi cuộc chiến này. Dường như tất cả bọn họ đều đã biết rằng cuộc chiến tranh chống lại những người Cộng sản không chỉ là những gì đang diễn ra trên mặt trận quân sự mà còn có cả trên lĩnh vực chính trị và cuộc chiến tranh về tâm lý. Họ đã cam kết sẽ nỗ lực chú trọng vào các chương trình kinh tế và xã hội cũng như các hoạt động viện trợ để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Các tướng lĩnh đều tin tưởng rằng: 1. Nguồn nhân lực bị bắt buộc phải tham gia vào việc xây dựng các chương trình Lập ấp chiến lược phải được cắt giảm bớt nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn. 2. Chương trình lập ấp chiến lược đã bị đẩy đi quá nhanh và đã tiêu tốn quá nhiều tiền bạc cũng như con người, cho nên không cần phải mở rộng chương trình này thêm một chút nào nữa. 3. Các tổ chức kinh doanh kiểu găng-xtơ và cho vay nặng lãi của người Hoa - hay vẫn gọi là “cailles”’ phải bị loại bỏ hoàn toàn. 4. Những vụ bắt bớ tùy tiện cũng như lệnh tống giam trước khi xét xử phải bị đình chỉ. 5. Các tổ chức giáo phái như Hòa Hảo và Cao Đài được phép hoạt động trở lại và được tham gia vào Chính phủ nếu thắng cử. Tướng Taylor hỏi ông Đại sứ rằng hệ thống chính trị hiện nay của họ hoạt động ra làm sao. Ông Đại sứ trả lời rằng tướng Minh “lớn” đã rất thành thật khi mô tả Hội đồng Cách mạng Quân đội chỉ như Chính phủ lâm thời. Mặt khác cho tới lúc này vẫn chưa có lãnh tụ chính trị dân sự kiệt xuất nào có trong nội các. Theo Đại sứ Sedgewick, Hoa Kỳ không nên vội vã ép buộc các tướng lĩnh phải thực hiện cải cách dân chủ hay bầu cử sớm. Thay vào đó, chúng ta phải kiên nhẫn và cho họ một cơ hội để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh này. Cuộc hội thảo kéo dài hai ngày liên tiếp với mỗi thành viên của các cơ quan từ Washington và mỗi đại diện trong Phái bộ Mỹ báo cáo về các chương trình của mình và tình hình tổng quát theo cách nhìn nhận từ lĩnh vực của họ. D. Marnin tham gia tất cả các buổi thảo luận này và có nhiệm vụ ghi chép lại những nét chính cho Đại sứ Sedgewick. Khi nghe tất cả những bài phát biểu tâm huyết nhất của những con người đầy tài năng và lòng nhiệt tình này, người ta sẽ không thể không khẳng định rằng Hoa Kỳ đã thật thông minh khi tập hợp được những con người xuất chúng nhất của mình để đối phó với những khó khăn thuộc diện ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của họ. Thế nhưng cũng vào lúc đó, tất cả các giác quan của mình như mách bảo với anh rằng trái ngược với những gì diễn ra ở đây, tại miền Nam Việt Nam cái quan điểm này của người Mỹ hình như chẳng chia sẻ được với ai kể cả những người mà họ vẫn cho là có thể tin tưởng được. Chẳng hạn như D. Marnin biết rằng, vấn đề Phật giáo đã không đơn giản chỉ là việc đàn áp tôn giáo và rằng động cơ của cả Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu chẳng phải là những gì đang được người ta bàn tới trong cuộc hội thảo này hay sao. Rồi hình ảnh về tướng Minh “lớn” và các tướng lĩnh khác mà anh biết được qua Lily và Claudio và thậm chí cả Billy Mandelbrot vẫn có gì đó gần với thực tế hơn là những gì mà những lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ được nghe từ Đại sứ Sedgewick hay một phần linh cảm của tướng Donnelly. D. Marnin như quá căng thẳng trước những mâu thuẫn trong nội tâm nên buổi sáng cuối cùng ở Honolulu, anh lặng lẽ lái xe đi đến trại Smith. Khi anh tới phòng cơ yếu để nhận bức điện báo của ngài Sedgewick, D. Marnin chợt nhận thấy nhân viên cơ yếu, một thủy thủ có nước da dám nắng trong bộ quân phục màu trắng đang khóc nức nở. Anh cầm tập điện do cậu ta đưa cho và quay đầu lại định trở về nhưng rồi anh cũng quyết định hỏi thăm xem mình có thể giúp được gì. - Có việc gì vậy - D. Marnin hỏi. - Tổng thống bị bắn chết rồi - người thủy thủ trả lời. Cái chết của Tổng thống Kennedy đã được ông Walter Cronkite công bố trên sóng đài phát thanh khi họ đang lái xe ra sân bay quân sự. Đại sứ Sedgewick đã từng biết Kennedy khi Tổng thống mới chỉ là một đứa trẻ. Ông ta thật sự choáng váng khi nghe được tin này. Chính vì thế tất cả mọi người đều đã có mặt ở đường băng khi họ vừa đến bên máy bay. Họ đều bị sốc. Họ đứng đó trong những chiếc áo sơ-mi thể thao của kiểu Hawaii. Dưới ánh nắng mặt trời sáng chói, họ vẫn thì thầm với nhau như thể là họ đang có mặt trong nhà thờ tại đám tang của ông ấy. D. Marnin nắm chặt tay ngài Sedgewick, chào tạm biệt ông ấy và được lái xe đưa đến một chiếc máy bay khác cùng đi với phái đoàn Ngoại giao quay trở lại Sài Gòn. Chuyến bay dài trở về Nam Việt Nam ấy tưởng như không bao giờ kết thúc. Họ ngồi im lặng trên ghế của mình, cố đọc hay ngủ hay đưa mắt nhìn vào khoảng không trống vắng ngoài cửa sổ giống như những kẻ xa lạ ngồi chung trên mấy chuyên bay chở hàng thương mại. Dường như không thể tin nổi là một chuyện như vậy lại có thể xảy ra với vị Hoàng tử đẹp trai và trẻ trung ấy - thật quá sức tưởng tượng. Tất cả các hành khách có mặt trên máy bay đều cảm nhận theo một cách nào đấy mà chẳng ai trong số họ có thể định nghĩa được, cuộc đời của họ đã không thể thay đổi được. Hơn thế nữa, họ cũng cảm thấy rằng bước đột phá mới tại Nam Việt Nam mà tất cả bọn họ đã cam kết sẽ thực hiện dưới nhà lãnh đạo Kennedy của họ cũng sẽ không bao giờ thay đổi. Trước khi Kennedy bị bắn chết, chẳng một ai trong số họ có thể nghĩ rằng nước Mỹ sẽ xuất hiện từ cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam như một hình tượng gì đó chứ không phải là hình ảnh của sự chiến thắng. Làm cách nào để họ có thể chiến thắng vẫn còn là một khái niệm chưa rõ ràng. Vì thế nước Mỹ nhất định phải chiến thắng giống như nó đã từng chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến tranh mà họ đã tham gia vào trong suốt quá trình lịch sử của nền Cộng hòa, chưa bao giờ người ta phải nghi ngờ về điều đó. Thế nhưng, sau vụ ám sát ở Dallas, những gì mà người ta không thể nghĩ tới đã trở thành những thứ mà người ta phải nghĩ tới.