uối tháng 6-1955, vài ngày sau khi tôi viết tóm tắt tổng kết của Chủ tịch lời phát biểu kêu gọi các bác sĩ giỏi đi xuống nông thôn, Mao gọi tôi đến.
- Đấu tranh giai cấp ở nông thôn đang trở nên gay gắt - ông nói - “Chiến dịch minh bạch” sẽ thổi bùng đám cháy rừng đấy. Nhưng tất cả Nhóm Một hãy còn ở đây, như thế là không được.
Mao muốn Uông Đông Hưng chỉ huy một đội của Nhóm Một tham gia chiến dịch học tập cải tạo xã hội chủ nghĩa ở vùng thôn quê hẻo lánh. Thủ trưởng của Uông, Bộ trưởng công an Tạ Phú Trị đứng đầu bộ đã lên đường.
Bây giờ đến lượt chúng tôi.
Chúng tôi cảm thấy chỉ thị của Chủ tịch như một hình phạt. “Chúng ta đã làm điều gì sai sót trong thời gian qua khiến Chủ tịch không hài lòng?” Uông Đông Hưng hỏi, khi tôi báo tin. Điền Gia Anh và tôi đã tin rằng, một đi sẽ không bao giờ trở lại. Mao thường dùng chiêu bài thay thế nhân viên bằng cách tạm chuyển người đó xuống vùng hẻo lánh để “sửa chữa”, sau đó chuyển công tác khác. Chính Diệp Tử Long và Lý Ẩm Kiều đã phải rời bỏ cương vị công tác từ mùa đông 1960 cũng theo cách này. Chúng tôi e sợ số phận tương tự sẽ dành cho chúng tôi.
Mao muốn toàn bộ Nhóm Một ra đi. Chỉ giữ lại thư ký Hứa Diệp Phụ và thường trực Chu Phúc Minh. Tuy vậy Giang Thanh không phải đi vì trước những khó khăn xảy ra, các thứ bệnh của bà đột nhiên tái phát.
Điền Gia Anh cảm thấy trong sự ra đi của chúng tôi có một cái gì đấy may mắn. Tình hình chính trị ở Bắc Kinh ngày càng căng thẳng. Không ai trong chúng tôi biết cái gì sẽ xảy ra ngày mai, nhưng tất cả sợ chẳng có điều gì tốt đẹp chờ đợi chúng tôi. Ít ra, khi chuyện đụng độ phe phái xảy ra, chúng tôi không bị vạ lây. Dù vậy chúng tôi không vui vì chuyến công tác này. Vì Uông Đông Hưng chỉ huy nên đang lo cuống vó. Mao thúc chúng tôi. Cuối cùng Uông quyết định chúng tôi sẽ đến vùng Điền Sơn, quê ông.
Tôi không an tâm, không biết ai sẽ thế chân khi tôi ra đi. Tôi muốn trong thời gian ấy, người chăm sóc sức khỏe Mao là Hoàng Thụ Trạch, một trong số thứ trưởng Bộ y tế. Nhưng Mao vẫn bất bình về hệ thống y tế nông thôn và hoài nghi các đồng nghiệp nên ông kiên quyết không cần bác sĩ riêng.
- Sức khoẻ tôi tốt hơn rồi - Mao khẳng định - Tôi không cần bất kỳ sự chăm sóc sức khoẻ nào cả. Tôi không phải là vua chúa, hễ sổ mũi nhức đầu cần người đo huyết áp và đếm mạch đập. Tôi không cần hệ thống phục dịch sức khoẻ, không cần Hoàng Thụ Trạch. Chỉ cần một y tá là đủ. Nhưng không phải từ bệnh viện Bắc Kinh.
Cô y tá Ngô Tự Tuấn đi trong đoàn chúng tôi. Mao muốn thay thế chỗ cô là một y tá mới từ Quân y viện 301, một bệnh viện quân y hàng đầu của hệ thống y tế của Giải phóng quân.
Bộ Thuỵ Thành, phó giám đốc quân y viện 301, nói nịnh Mao khi ông yêu một cô y tá trong bệnh viện của ông. Bộ Thuỵ Thành thật thà khi tôi đến trao đổi công việc tuyển người, ông bảo: “Chỉ Bệnh viện Bắc Kinh hệ thống y tế mới tốt nhất”. Ông ta nói thật lòng. Ngay bản thân Bộ Thuỵ Thành cũng không được đào tạo bác sĩ một cách bài bản. Ông trưởng thành trong kinh nghiệm từ thời kỳ tham gia Hồng quân.
Bộ Thuỵ Thành yêu cầu tôi phỏng vấn, tự chọn một trong hai cô có kinh nghiệm đã từng phục vụ tướng lĩnh cao cấp. Cả hai đều xứng đáng - một cô kín đáo, e thẹn, cô kia khéo léo, nhã nhặn trong giao tiếp và cởi mở.
Chúng tôi cho Mao xem ảnh 2 y tá, yêu cầu ông quyết một trong hai cô đến với ông. Ông chọn cô gái ăn nói nhẹ nhàng Lưu Thảo Dương. “Cô ta trông dễ coi” - Chủ tịch nói.
Đội công tác của chúng tôi xuống nông thôn vào đầu tháng Bẩy. Trước khi chúng tôi tới Điền Sơn, đã có đội quân lao động học tập chủ nghĩa xã hội ở đó có hơn một trăm người khỏe mạnh. Lực lượng bổ xung gồm các nhân viên Ban bảo vệ trung ương, Sư đoàn của tỉnh đội, Sư đoàn pháo số 2, đảng bộ tỉnh Giang Tây cũng gửi đại diện của mình. Mao cho Lí Nạp theo đoàn, đi cùng với một nhân viên vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vừa làm cần vụ.
Quan hệ của tôi với Lí Nạp căng thẳng từ “Hội nghị Bẩy ngàn cán bộ”, khi người ta gọi tôi về Bắc Kinh để khám cho cô. Lí Nạp học khoa sử, Đại học tổng hợp. Tôi tới, con gái Mao bị cảm nặng. Lý Bình, hiệu phó kiêm bí thư đảng uỷ nhà trường báo cáo cho tôi biết. Ông ta và bí thư đảng uỷ khoa Sử, gặp tôi, tỏ vẻ lo âu. Họ là những người lịch sự, luôn mồm xin lỗi đã không mời tôi sớm hơn. Chính họ cũng vừa mới biết về bệnh tật con gái Chủ tịch. Lí Nạp vẫn đang giận dữ. Cô ta tức tại sao tôi không đến sớm hơn, kêu không ai chăm sóc, không ai để ý xem cô ta sống hay chết. Lí Nạp la hét, khóc lối om xòm, tôi cảm giác rằng miệng cô ta không bao giờ đóng cả. Cuối cùng tôi không nhịn được.
- Cô hai mươi mốt tuổi rồi đấy - Tôi át giọng - không phải trẻ con. Cô ốm, cả ban lãnh đạo trường Đại học tới thăm cô. Cô còn muốn gì nữa? Ở Đại học Bắc Kinh có hơn 10 nghìn sinh viên, nếu ai cũng làm như cô, thử hỏi nếu cô là lãnh đạo, cô có thể điều khiển nhà trường được không?
Ngòi lửa của tôi làm cơn giận bùng cháy. Cô hờn dỗi, la hét to hơn trước, hệt như một đứa trẻ lên ba. Lí Nạp vẫn không nguôi, giãy giụa chửi bới khi tôi đẩy cô vào trong xe chở thẳng đến Bệnh viện Bắc Kinh. Trên đường Lí Nạp tiếp tục la thét, cấu xé, như muốn nhảy ra khỏi xe. Cảnh sát đã hai lần chặn xe kiểm tra, tưởng có điều gì bất thường.
Về sau, khi nghe tôi nói lại, Mao tức giận.
- Bệnh viện Bắc Kinh dành cho cán bộ cấp cao - Mao nhắc - Sao lại nhận chữa Lí Nạp?
Tôi giải thích rằng bệnh viện không nhận bệnh nhân bị cảm. Còn đưa cô vào Trung Nam Hải tôi e rằng có thể làm lây bệnh cho Chủ tịch. Bệnh viện Bắc Kinh nhận Lí Nạp vì cô là con gái Chủ tịch.
Mao không muốn con cháu ông được hưởng đặc quyên đặc lợi, bảo tôi lần sau không được chuyển đến Bệnh viện Bắc Kinh. Sau đó ông hỏi Lí Nạp, Lí Minh và Mao Viên Tân ăn ở đâu khi sống trong Trung Nam Hải. Tôi nói, họ ăn ở nhà ăn của ông, bếp trưởng của Chủ tịch lo nấu cho cả họ nữa.
Mao không hài lòng.
- Bảo Uông Đông Hưng từ nay trở đi không cho phép chúng ăn ở bếp của tôi. Chúng phải ăn ở nhà ăn tập thể!
Dù đây là lệnh của Mao, nhưng các con cháu ông nghĩ tôi xúi bẩy. Cả Giang Thanh cũng cáu, nói tôi đối xử với con gái bà thô bạo, vì tôi mà con bé mất đặc quyền. Giang Thanh đòi Mao sa thải tôi. Mao không nghe, nhưng mâu thuẫn về việc này chưa chấm dứt. Khi Mao đề nghị tôi cư xử tốt hơn với Giang Thanh và Lí Nạp, tôi trả lời rằng Lí Nạp rất hư, hỗn hào chả ai có thể làm cô hài lòng, khác hẳn cô chị hiền lành, ngoan ngoãn, có giáo dục. Mao không vui khi tôi nhận xét, dù rằng ông biết đó là sự thật. Giờ đây, chắc muốn chứng tỏ con cái ông không có bất cứ đặc quyền đặc lợi nào, ông cho Lí Nạp xuống nông thôn cùng với chúng tôi. Uông Đông Hưng đành sắp xếp người đi cùng bảo vệ Lí Nạp.
*
Ngay từ lúc bắt đầu, đoàn chúng tôi ở Giang Tây đã nhìn thấy sự sai lầm. Việc gửi các cán bộ nhân viên cao cấp hưởng đặc quyền từ Bắc Kinh ra hiện trường để tiến hành chiến dịch chống sự tha hoá và cổ vũ đấu tranh giai cấp là một điều ngớ ngẩn. Chúng tôi đi hàng nghìn dặm bằng tàu hoả và ô tô, bằng tiền của chính phủ. Chúng tôi sống trong nhà khách, chính phủ trả tiền, ăn uống do quỹ quốc gia trả tiền. Nói khác, con đường của chúng tôi về nông thôn và công việc ở đó tốn không phải ít. Việc đưa hàng trăm nghìn người cày đường nhựa xuống nông thôn rất tốn kém tiền của nhà nước, đặc biệt với “chiến dịch học tập chủ nghĩa xã hội”, trong khi không một ai trong chúng tôi muốn xuống nông thôn, chúng tôi bị đẩy đi, chứ đâu có muốn.
Ở Điền Sơn chúng tôi chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm đến một làng. Sau thất bại Đại nhảy vọt công xã nhân dân tan rã thành những đội sản xuất, y như mỗi làng ngày xưa. Đội bao gồm các tổ sản xuất. Vương Nhiệm Trọng, phó giám đốc Ban bảo vệ trung ương, và tôi phụ trách nhóm đến làng Thạch Tư, cùng với chúng tôi có 2 cán bộ địa phương, Trương Trần Hợi, công an trưởng và Thượng Tạo quận trưởng Điền Sơn. Tôi rất mến và có cảm tình cả hai người. Họ không phàn nàn khó khăn đang gặp, chúng tôi cư xử với nhau rất thân thiết.
Nông dân làng Thạch Tư nghèo nàn lạc hậu đến mức tôi không hình dung được. Tôi hồi hương về Trung Quốc 16 năm trước đây, 11 năm làm việc với Mao. Công việc cho phép cho tôi có điều kiện biết tất cả các tin tức bí mật. Tôi biết rõ sự thiếu thực phẩm và nạn đói, do Đại nhảy vọt gây ra. Tôi biết rằng các làng quê còn rất nghèo. Nhưng những người nông dân làng quê này còn nghèo dưới mức nghèo. Quần áo xác xơ, vá chằng vá đụp. Món ăn của họ khó có thể hình dung nổi, gạo xay lẫn đất cát, đôi khi có cả sỏi đá, với món rau nấu như cám lợn. Nhà của họ thật tồi tàn, một túp lều dột nát, không giường phản. Con đường làng duy nhất nhỏ hẹp, bẩn thỉu, sau mỗi cơn mưa biến thành vũng bùn lầy lội. Làng Thạch Tư không có trường, tôi không nhìn thấy một tờ báo, tạp chí hay một cuốn sách nào cả. Hầu hết người lớn mù chữ, số phận này sẽ tiếp tục truyền cho con cháu đời sau. Trường tiểu học gần nhất làng cách vài cây số, nhưng rất ít trẻ đi học.
Tổ “Bốn minh bạch” chúng tôi quyết định chiếu một bộ phim cũ từ những năm 50. Chúng tôi đặt máy chiếu giữa cánh đồng đã gặt, nơi rộng rãi nhất để cho nhiều người xem. Dân làng xã khác đi bộ hàng tiếng, đường xa vài cây số cũng cố gắng đến. Đây là lần đầu tiên trong đời họ được xem phim.
So với nông dân, mặc dù với điều kiện xuống nông thôn, chúng tôi xem ra vẫn quá giàu sang, ngoài sức tưởng tượng của họ. Để giảm bởi sự ngăn cách, chúng tôi đổi quần áo thành phố lấy những quần vải bông và xà cạp do quân nhu cấp cho. Những người dân thôn quê vẫn ghen tỵ, thèm muốn vì quần áo chúng tôi không có miếng vá.
Khi tôi nói chuyện với một ông già trong làng. Ông sờ sờ, vuốt ve chiếc áo khoác của tôi và nói: “Đây này, nếu như tôi có chiếc áo khoác như thế này, khi ấy tôi tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã đến nước ta”.
Chúng tôi là nguồn tò mò không dứt đối với dân làng. Đặc biệt anh chàng Vương Nhiệm Trọng, phó Ban An ninh, thành viên nhóm, làm họ ngạc nhiên. Nông dân trong làng toàn người gầy gò ốm đói, còm nhom, trơ xương sườn chưa từng thấy ai to béo, phương phi phì nộn bao giờ, vì thế, mỗi lần Vương béo xuất hiện, người lớn vây quanh hỏi xem ông ăn gì mà béo đến vậy, còn trẻ con rồng rắn chạy theo sau dường như ông là người từ hành tinh khác mới xuống. Những người dân thôn dã không nhớ nổi tên, họ gọi ông là “Phật Di Đà” - một người béo ị.
Theo tư tưởng “Ba cùng” của Mao, chúng tôi phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân. Nhưng dân làng lại quá nghèo đến mức không thể nhận khách lạ trong nhà. Tuy rất hiếu khách, nhưng lực bất tòng tâm, họ xếp cho chúng tôi ở trong một nhà kho tồi tàn, xập xệ. Chúng tôi cố gắng kiếm chiếc chõng bằng gỗ, lấy rơm trải thay đệm, lấy quần áo, chăn trải lên trên. Chúng tôi tổ chức bếp ăn riêng, vì đến đây để gột bỏ khỏi đặc quyền, sống như quần chúng lao động, ăn những thứ mà nông dân ăn, nghĩa là gạo xay không giã, thứ gạo “lức” lẫn đất cát.
Chúng tôi lao động trên cánh đồng của 12 gia đình trong tổ. Họ cày cấy gần 50 “mu” đất (9 công mẫu). Ngoài ra, mỗi gia đình được chia mảnh đất nhỏ để trồng rau gia đình. Không có máy móc, không gia súc kéo cày, thiếu cả nông cụ cần thiết. Chúng tôi lao động bằng chân tay, bằng tất cả sức lực như súc vật. Công việc chán ngắt, mệt nhọc, quá vất vả. Đất đai ít, phương pháp canh tác thô sơ, thu hoạch vụ mùa rất thấp. Sau khi đóng thuế nông nghiệp, người nông dân hầu như trắng tay.
Mãi ở nơi xa xôi nào đó, nơi khoa học kỹ thuật phát triển, sức lao động giảm thiểu, năng xuất lại tăng cao, chứ ở đây, trong cái ao tù Giang Tây, nông nghiệp Trung Hoa vẫn thế, không hề thay đổi như đã có hàng ngàn năm để lại. Nói đến Đại nhẩy vọt chỉ là chuyện kỳ cục, vô lý. Tôi không thể hiểu tại sao Trung Quốc không tận dụng sử dụng tất cả khả năng trí tuệ của các nhà khoa học để sản xuất máy nông nghiệp, giảm sức lao động tối thiểu, giúp nông dân thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu như thế này. Khi tôi thú nhận với Uông Đông Hưng không hiểu vì sao lại như vậy, sau 16 năm cách mạng thành công, nhưng đời sống nông dân vẫn khốn khổ, nghèo đói. Uông bảo, nhiều nơi còn nghèo khổ, tồi tệ hơn thế này.
Tôi hiểu, Uông đã nói thật. Biết bao goá phụ trẻ tuổi làng Thạch Tư đã bỏ quê hương An Huy trong nạn đói mấy năm về trước khi chồng con họ chết đói. Tình hình An Huy ngày nay tuy khấm khá hơn, nhưng những goá phụ đó vẫn không trở về. Cuộc sống ở Giang Tây dễ thở hơn ở đây nhiều.
Trong cảnh nghèo nàn này, hoạt động của chúng tôi phải là cổ vũ cuộc đấu tranh giai cấp. Chiến dịch “Bốn minh bạch” đòi hỏi chúng tôi theo dõi, xác định những yếu tố tham nhũng của cán bộ và những người lãnh đạo nông nghiệp, chỉ có thể xảy ra nơi đời sống khấm khá chứ không thể xảy ra ở nơi nghèo khổ được, vì tham nhũng dẫn đến tai hoạ “Ba năm thắt lưng bụng bụng”, người ta cho rằng không phải do chính sách Đại nhẩy vọt gây ra. Nhiệm vụ phải tìm những người lãnh đạo tham lam độc ác cưỡng chiếm sản phẩm do nông dân sản xuất, chiếm dụng tài sản công hữu làm của riêng và lừa dối nông dân cách chấm công điểm trong công xã.
Dĩ nhiên, đó là tham nhũng, bằng chứng không thể chối cãi. Nhưng tìm nó trong đội nghèo đói này lại là điều xuẩn ngốc. Trong nhóm lao động học tập chủ nghĩa xã hội chúng tôi không thể kiểm tra sổ sách. Đội sản xuất này không có sổ sách thu chi, chấm công chia điểm. Người nông dân đảm nhận kế toán lại mù chữ, cũng chẳng biết tại sao phải có sổ sách ghi chép. Đội sản xuất quá nghèo, bà con sống liền kề, biết nhau chân tơ kẽ tóc, biết rõ thu chi của đội, của từng cá nhân, từng gia đình. Dân làng sống và làm việc với nhau bao đời, họ hiểu nhau, vì thế cán bộ xã hay ban chủ nhiệm hợp tác xã có muốn tham nhũng cũng không thể làm được. Người cán bộ quyền chức cao nhất là người chịu trách nhiệm thu thuế nông nghiệp, họ có thể trích số thóc nộp thuế, hoặc gian lận thu trực tiếp nông dân nếu họ có ý đồ. Đấy là cơ hội duy nhất để tham nhũng. Nhưng đội trưởng ở đây không thể kiếm lợi từ tham nhũng, thậm chí nếu anh ta muốn. Làm điều này chỉ có các quan chức cao cấp - công xã, khu, và tỉnh. Chính họ thu hoa quả trong điều kiện họ tạo ra, nhận hối lộ, kiếm lợi. Họ, xét theo bản chất, có quyền lực vô biên - đặt ra mức thuế cho nông dân, bắt nông dân phải làm cái gì mà họ cho rằng cho rằng có lợi cho bản thân họ.
Đấu tranh giai cấp, theo Mao, vẫn còn tiếp tục, cuộc chiến đấu giữa địa chủ và nông dân nghèo, giữa phong kiến và chủ nghĩa xã hội; giữa tư sản và giai cấp công nhân còn thảm hoạ. Trong thời gian cải cách ruộng đất, ngay sau khi những người cộng sản nắm quyền lực trong nông thôn, tất cả dân làng đều được đeo mác giai cấp. Ai bị người ta gọi là địa chủ và phú nông, đều bị mất tất cả sở hữu tư nhân của mình. Và những người trong gia đình, đều phải chịu sự theo dõi của chính quyền địa phương. Theo như họ nói, thành quả đạt được, địa chủ và phú nông, cả vợ hay chồng cũng như con cái phải đi cải tạo lao động khổ sai. Theo chu kỳ, nhất là ngày lễ lớn, họ tập trung địa chủ và phú nông thành từng nhóm, cán bộ an ninh địa phương hoặc đội trưởng lại lên lớp, lên án những tội ác quá khứ của họ. Cứ mỗi lần xảy ra chuyện không hay, như bệnh nở mồm long móng trâu bò chả hạn, nghiễm nhiên các địa chủ, phú nông lại bị nghi ngờ. Người ta thẩm vấn, điều tra theo dõi họ sát sao.
Có một người nông dân chăm chỉ lao động trong làng, làm việc từ bảnh mắt đến tối mịt bị dán cái nhãn con địa chủ, được chia một mảnh đất cằn cỗi nhất. Ông không bao giờ dám mở miệng kêu ca. Nhưng nghịch lý ở chỗ, thực tế ông không phải con địa chủ. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trong làng, người cha nghèo khó của ông, để cứu con khỏi chết trong nạn đói, cho ông làm con nuôi địa chủ. Giờ đây ông là con địa chủ, người ta bắt ông làm việc như cu-li, tước hết mọi quyền lợi, khinh bỉ bắt ông chào, gọi dân làng từ bé đến lớn là ông bà. Trong cái làng nghèo này, ông là người nghèo nhất, khốn khổ nhất, bắt buộc phải ăn đói mặc rét. Thậm chí đến thóc người ta cũng chia cho ông ít hơn người khác. Ông mặc chiếc áo bao tải mà người ta đã quẳng đi.
Cha đẻ của một người được gọi là con địa chủ lại chưa bao giờ có ruộng đất. Nhưng ông nội thì có một mẩu ruộng. Cái mác “con địa chủ” mang tính thừa kế, cha truyền con nối, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là cái cùm, con người không thể chạy thoát được.
Chính sách quy kết dán mác cho con cái phải chịu trách nhiệm việc làm tội lỗ của cha ông, truyền hết đời này sang đời khác và đối sử với họ như kẻ phạm tội hoàn toàn bất công. Tôi tin chắc đã đến thời điểm phải thay đổi địa vị của những người đã chịu quá nhiều đau khổ kéo dài. Nhưng người ta phớt lời quan điểm của tôi, không những thế, còn cảnh cáo những hậu quả chính trị có thể xảy ra nếu như người ta biết tôi phát biểu đồng cảm như vậy.
Trong làng người ta biết tôi là bác sĩ Mao, nhưng điều này không che chở gì được cho tôi. “Anh nghĩ, nếu anh chữa chạy cho Chủ tịch, anh có thể nói những điều tốt cho con địa chủ được?” Một trong những dân làng cảnh cáo. “Tôi nói để anh biết, nếu ai đó trong số chúng tôi báo cáo chuyện của anh cho chính phủ, anh có thể dính vào rắc rối nhiều hơn đấy”. Cuộc đấu tranh giai cấp theo kiểu Mao như thế đấy. Mao dạy rằng, đấu tranh giai cấp sẽ tiếp diễn suốt thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thể kéo dài 50 hoặc 100 năm. Cuộc đấu tranh cha truyền con nối không dừng lại ở thế hệ con cái địa chủ, mà còn tiếp tục ở đời cháu, đời chắt cho đến khi đạt được chủ nghĩa cộng sản. Năm 1956 khi bắt đầu Cách mạng văn hoá, con cái của các vị lãnh đạo cao cấp hớn hở giơ cao khẩu hiệu: “Trứng rồng nở ra rồng; Trứng phượng hoàng nở ra phượng hoàng; Chuột cống sinh ra chuột cống”. Như vậy, họ đã mặc nhiên biến thành những con rồng và phượng hoàng thần thánh trong huyền thoại Trung Quốc. Thân phận con cái địa chủ và phú nông không bằng chuột cống. Tôi và các thành viên trong nhóm bất lực không thể làm thay đổi sự khủng khiếp và bất công thấm sâu trong tư tưởng của vùng nông thôn này.
Sự nghèo khổ cùng cực đang làm hại thôn xã Trung Quốc, sự bất công của cuộc đấu tranh giai cấp, tôi chứng kiến nhưng bất lực đã đè nặng tâm khảm tôi. Tôi cảm thấy rằng sau 16 năm cách mạng, Trung Quốc không tiến một bước nào lên phía trước nói chung. Cuộc sống cùng cực, chính phu tàn bạo dẫn đến thất vọng. Có thể dưới thời Quốc dân đảng cuộc sống cũng tồi tệ, nhưng công việc nặng nhọc luôn luôn được đền bù. Những người nghèo nhưng có năng lực, có khả năng vẫn có điều kiện vươn lên đỉnh cao nhất. Địa vị kinh tế, xã hội của con người không trở thành hòn đá, treo ở mạng sườn ở thế hệ. Con người có lòng tin những điều tốt hơn.
Tham gia chiến dịch học tập cải tạo xã hội chủ nghĩa, tôi cũng học được nhiều điều. Nhưng đó không phải bài học theo ý muốn của Mao. Sự khác biệt về quan điểm, nhận thức của tôi ngày càng tăng lên. Sự bất mãn của tôi đối với đảng cộng sản càng lắng sâu. Trong khi cán bộ cao cấp của đảng ăn uống no say, phè phỡn, sống sa hoa thì người nông dân đời sống xác sơ, vẫn phải cắn răng để tồn tại. Họ càng ngày càng nghèo hơn, bất hạnh hơn cái mà tôi có thể hình dung. Đảng cộng sản đã làm được điều gì tốt cho họ nào? Sự đổi thay to lớn ở nơi nào mà cuộc cách mạng của Mao đã hứa? Nhóm chúng tôi đã đến đây thực ra chỉ làm xấu thêm cuộc đấu tranh giai cấp. Đến để làm gì, ích gì? Chúng tôi sẽ rời làng nay mai, nông dân ở lại thậm chí sẽ nghèo hơn, ngân khố quốc gia bị thâm thủng nhiều hơn.
Sự bất mãn của tôi với chính sách của Mao tăng lên, nhưng tôi vẫn phải im lặng.