êm đó, đoàn tàu của Mao rời thành phố đi Vũ Hán, trưa ngày hôm sau, chúng tôi có mặt. Những viên thuốc ngủ mới cùng với tập tài liệu hàng ngày của đảng đã được gửi từ Bắc Kinh đến văn phòng thư ký riêng của Mao. Y tá Ngô Tự Tuấn và tôi cùng các nhân viên khác - những người phục vụ, những thư ký và các thiếu nữ của Mao - đều ở trong khách sạn.Bầu không khí trong nội bộ các nhân viên thân cận của Mao đã thay đổi. Uông Đông Hưng luôn tìm cách nắm được những ý nghĩ và hành động của Mao càng nhiều càng tốt, ngược lại, Trương Diêu Tự lại không muốn can thiệp vào. Căn cứ vào những căng thẳng cao độ của tình hình chính trị hiện nay, ông cố gắng giữ khoảng cách với Mao để tự vệ. Ông không cho phép tôi thông báo tình hình sức khỏe hàng ngày của Mao với ông, vì chỉ chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của Mao. Nếu được báo cáo đều đặn về tình hình sức khỏe của Mao, người ta có thể sẽ quy trách nhiệm nếu có chuyện chẳng lành xảy ra.Khắc Kỳ Hữu, trưởng ban an ninh, thì ngược lại. Ông ra sức tìm hiểu tất cả mọi chuyện về Chủ tịch để được gần Mao hơn. Ông moi tin từ những nhân tình của Mao và gây khó khăn cho chúng tôi trong việc gặp Mao. Tôi và y tá Ngô Tự Tuấn thường phải báo cáo ông rồi mới được vào thăm bệnh cho Mao. Tôi rất ghét thái độ kiêu căng gây phiền hà của ông ta.Tôi theo dõi cuộc thử nghiệm những viên thuốc ngủ đối với Mao và phương pháp này tỏ ra có hiệu quả. Sau năm ngày, liều lượng thuốc ngủ khủng khiếp Mao dùng đã giảm xuống mức bình thường như trước kia. Tôi chẳng cần phải ở đây lâu hơn nữa. Đã đến lúc tôi và y tá Ngô Tự Tuấn trở về Thạch Tư. Bầu không khí ở Nhóm Một quá căng thẳng, vả lại chúng tôi vẫn chưa hoàn tất công việc của chiến dịch “Bốn Minh bạch”.Thế nhưng Trương Diêu Tự muốn chúng tôi ở lại. Ông vẫn lo ngại về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch, sợ trách nhiệm sẽ phải gánh vác khi có chuyện rắc rối xảy ra. Ông cũng không chịu đựng nổi Khắc Kỳ Hữu. Chừng nào tôi và y tá Ngô Tự Tuấn vẫn còn có mặt ở đây, chừng đó ông vẫn biết về tình trạng sức khỏe của Chủ tịch mà không phải chịu một trách nhiệm nào. Mặt khác, chúng tôi như cái lá chắn để chống lại sự lên mặt của Khắc Kỳ Hữu.Nhưng chúng tôi vẫn phải đi. Tôi đến gặp Mao, nói với ông, liều lượng thuốc ngủ cũng như tình trạng sức khỏe của ông đã ổn, tôi và y tá Ngô Tự Tuấn phải tiếp tục chiến dịch “Bốn minh bạch”. Tôi nói: “Nếu Chủ tịch yêu cầu, chúng tôi sẽ đến ngay lập tức”. Nhưng Mao cũng không muốn cho tôi đi. Ông nói: “Chiến dịch đó không quan trọng nữa. Bây giờ đang có những việc khác. Đồng chí nên ở lại đây. Có lẽ tôi sắp cần đến đồng chí rồi”.Tôi phát hoảng. Chiến dịch “Bốn minh bạch” rất khổng lồ, một trong những chiến dịch vĩ đại nhất kể từ Cải cách ruộng đất. Người ta đã cử hàng trăm nghìn cán bộ từ các thành phố về nông thôn. Thế mà bây giờ phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa không còn quan trọng. Chính vì vậy Mao chẳng buồn nói chuyện với Uông Đông Hưng về chiến dịch này nữa. Nhưng tôi vẫn như người mò mẫm trong bóng tối của những kế hoạch mới rất quan trọng của Mao đang tiến hành.Tôi do dự. Mao muốn tôi ở lại vì ông tin tưởng vào trình độ tay nghề của tôi. Ông sẽ bảo vệ, che chở nếu tôi chỉ giới hạn công việc của mình với tư cách một người thầy thuốc của ông. Thế nhưng bầu không khí bao quanh ông thật ngột ngạt với tôi. Và Khắc Kỳ Hữu, kẻ tham quyền lực, thích gây rắc rối cho người khác. Tôi suy nghĩ lung lắm, cân nhắc lợi hại. Cuối cùng tôi quyết định biện pháp an toàn hơn là quay lại nông thôn, mặc dù cuộc sống ở đó khổ cực. Tôi đòi về Thạch Tư, viện cớ:- Ngô Tự Tuấn và tôi chẳng có gì ngoài bộ quần áo mặc trên người, như thế thật bất tiện. Vì vậy chúng tôi cần phải quay trở lại nông thôn.Mao đáp:- Không sao. Tôi chỉ cần nói Trương Diêu Tự gửi quần áo từ Bắc Kinh đến là xong.Sau đó Mao cho chúng tôi hay, liệu chúng tôi có phải về nông thôn nữa hay không. Tại sao trong cuộc đời của mình, tôi thường không được tự lựa chọn. Thế là tôi phải ở lại. Có cái gì đó khá đặc biệt diễn ra ở Trung Nam Hải. Mao lui về phòng và được các cô nhân tình vây quanh săn sóc. Bên ngoài, Khắc Kỳ Hữu mới dựng lên một hàng rào xung quanh phòng Mao, không cho một ai vào. Tôi ở phòng trực và chỉ vào thăm khi ông cho người gọi. Ở vòng ngoài, tôi chờ đợi điều gì sẽ xảy ra.