Chương 7

Dịch giả: Nguyễn Học và Lâm Hoàng Mạnh
Chương 61

     ôi thường xuyên xa gia đình, nhất là trong tình hình nước sôi lửa bỏng của cuộc đấu đá chính trị. Việc tôi trở về đoàn tụ vui mừng khôn xiết, bữa cơm tối xum họp với vợ con buổi đầu tiên trở về. Nhưng Lý Liên lo lắm. Tôi biết vợ tôi rất ngại Giang Thanh tham gia công tác chính trị, tin sự thù hận của Giang nhân dịp này sẽ trút lên đầu chúng tôi. Nhưng hình như còn có một cái gì đó làm vợ tôi bất an thì phải. Khi lũ trẻ đi ngủ, Lý Liên nói nhỏ:
- Em nhận được tin khủng khiếp lắm.
Vợ tôi thì thầm. Từ khi tiến hành Cách mạng văn hoá, chúng tôi thậm chí ở trong nhà riêng cũng buộc phải thì thầm.
- Điền Gia Anh đã tự sát.
Tin ấy làm tôi kinh hoàng. Điền Gia Anh, một trong số những người bạn thân nhất của tôi, đã chết. Điền Gia Anh, một trong số những thư ký chính trị của Mao, ông thường thông tin cho tôi những vụ việc xảy ra ở trung ương, giữa chúng tôi có nhiều điểm giống nhau. Mấy tháng gần đây, tôi thường nghĩ đến Điền Gia Anh, đặc biệt khi biết Trần Bá Đạt và Giang Thanh tham gia “Tiểu tổ Trung ương Cách mạng văn hoá” mới. Điền Gia Anh và Giang Thanh không hợp nhau. Sự ủng hộ của Trần Bá Đạt trong Đại nhảy vọt, dẫn đến Trần và Điền mâu thuẫn nghiêm trọng.
Điền Gia Anh không bao giờ ủng hộ Đại nhảy vọt, sự bất mãn của ông tăng lên sau khi Bành Đức Hoài bị thanh trừng năm 1959. Tôi biết, anh bạn Điền sẽ bị rắc rối, nhưng không thể ngờ anh tự huỷ hoại đời mình khi cuộc Cách mạng văn hoá mới sơ khai. Nhiều người trong số bạn thân của tôi chết trong Cách mạng văn hoá, nhưng Điền Gia Anh là người đầu tiên.
Tôi rất sốc, khi không một ai báo tin Điền tự tử. Dĩ nhiên, nhân viên quanh Mao ở Hàng Châu và Vũ Hán chắc chắn biết. Vì sao họ giữ kín cả với tôi?
Lý Liên cho biết sau khi bắt đầu “Cách mạng văn hoá vô sản vĩ đại” chính thức phát động ngày 16-5, Uông Đông Hưng, mới được cử làm giám đốc Tổng Văn phòng, có nói chuyện với Điền Gia Anh, sau đó cử một số nhân viên tới tịch thu các tài liệu của Điền - dấu hiệu đầu tiên cho thấy người ta xếp Điền Gia Anh vào diện thanh lọc. Lệnh thu hồi tài liệu ở một quan chức cao cấp cần phải có sự chỉ đạo từ một thủ trưởng rất cao. Hoặc từ Chu Ân Lai, hoặc từ chính Mao. Ngay đêm ấy, sau khi các tài liệu bị tịch thu, Điền Gia Anh treo cổ.
Lý Liên lo ngại cho tôi. Tại sao Mao cử tôi quay về Bắc Kinh trước khi ông có mặt? Vợ tôi cho rằng đang Mao kiểm tra, thử thách tôi. Ông muốn biết thái độ của tôi với Cách mạng văn hoá như thế nào, đứng bên nào, liệu còn trung thành nữa hay không? Nhà tôi yêu cầu từ nay phải kín đáo, đừng thổ lộ bất cứ với ai, e rằng chẳng bao lâu nữa tôi lại nằm trên thớt, rồi không chịu nổi sự nhục mạ, suy sụp tinh thần có khi cũng tự vẫn.
Đảng viên đảng cộng sản không được phép tự sát. Việc đó được xem như sự phản bội đảng. Người thân trong gia đình những người tự sát đến hết đời mình cũng phải mang cái mác “vợ kẻ phản bội” “con kẻ phản bội” và phải cắn răng chịu đựng suốt đời. Lý Liên có thể bị đuổi việc, bắt buộc phải lao động làm thuê. Hơn thế, cả vợ tôi, các con thơ dại cũng có thể bị đi đầy. Đêm ấy, vợ tôi thì thầm, van xin:
- Nếu anh tự tử, cả nhà cũng chết theo!
Tôi hứa, không bao giờ tự tử. Nhưng tôi hiểu, có thể sẽ bị công kích, gia đình tôi cũng sẽ phải chịu đau khổ. Một người trong gia đình bị lăng nhục, cả nhà bị nhục. Không có con đường nào trốn thoát.
Trong đầu tôi vụt ra một ý, chỉ có một cách duy nhất hoá giải. Tôi khuyên Lý Liên:
- Trong ngày mà họ bắt anh, em phải nộp đơn ly dị ngay.
Nghĩ lại, sao tôi lại xuẩn ngốc đến như thế. Ly dị không thể cứu được gia đình tôi. Trong những năm Cách mạng văn hoá, tôi chứng kiến rất nhiều gia đình, chết, ly dị, ly thân cũng chẳng thay đổi, hoãn lại bản án đã đưa ra.
Tôi chuẩn bị đương đầu với thử thách đầu tiên. Lý Liên nói đúng: Mao cử tôi về Bắc Kinh để kiểm tra độ trung thành.
Hôm sau, tôi báo cáo Uông Đông Hưng, Chủ tịch ra lệnh cho tôi gặp Đào Chú và tìm hiểu bước đi của Cách mạng văn hoá. Đào phải có mặt ở Bắc Kinh ngày hôm sau. Uông Đông Hưng yêu cầu tôi gặp Đào tại sân bay, thu xếp nơi ăn chỗ ở cho Đào trong khu Trung Nam Hải.
Trên đường từ sân bay về, tôi thông báo cho Đào biết về sự phân công của Mao. “Dễ ợt, không thành vấn đề” - Đào trả lời và đề nghị hôm sau sẽ thăm Trường Đại học Liên hợp Y khoa Bắc Kinh, giờ đây được đổi tên thành Đại học Y khoa Trung Quốc. Đào bảo:
- Tôi sẽ bảo người trong nhóm “Tiểu tổ Trung ương Cách mạng văn hoá” đưa anh đến đó.
Tôi ngần ngại. Tôi rất khó chịu sự tả khuynh của nhóm này. Gặp họ nghĩa tôi hoà nhập với họ, quan tâm dính líu vào chính trị, điều tôi không muốn. Người ta có thể cho tôi là người của họ, “phái hữu khuynh”. Với tôi, gặp Đào Chú không ngại, vì chính Mao thu xếp việc này. Nhưng gặp người hữu khuynh có thể tôi vào vòng nguy hiểm. Tôi gặp bất cứ ai trong phe hữu khuynh ngoài Đào ra có thể gặp rắc rối sau này mà không có người bảo vệ. Mao có thể nói, chỉ ra lệnh gặp Đào Chú, không gặp người khác.
Uông Đông Hưng đoán được sự tiến thoái lưỡng nan, ông bảo vệ tôi, nói với Đào:
- Chủ tịch yêu cầu bác sĩ Lý nói chuyện với đồng chí, không phải với các thành viên khác. Tôi không nghĩ anh ấy cần gặp một ai khác.
Đào Chú đồng ý. Ông yêu cầu tôi đi cùng Giang Huy Chung Bộ trưởng Bộ y tế, khi ông thăm Đại học Y khoa. Một số nhân viên trong Ban Tuyên giáo của Đào Chú tháp tùng chúng tôi.
Trường Đại học Y khoa Trung Quốc trong tình trạng hỗn loạn, khi chúng tôi đến khu đại học đang có biến cố lớn. Giang Huy Chung chịu trách nhiệm trực tiếp về tình hình ở trường đại học. Sinh viên bãi khoá, các đại tự báo (báo chữ to) phê phán, chỉ trích cán bộ công nhân viên nhà trường, được treo, dán đầy mọi nơi. Tôi không còn hồn vía nào nữa, khi thấy một trong số các khẩu hiệu nhằm thẳng chống chính Bộ trưởng Giang Huy Chung. Người ta gọi ông là “cặn bã của Quốc dân đảng”. Giang từng là bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Tưởng Giới Thạch, nhưng gia nhập cộng sản từ năm 1934, sau khi bị bắt làm tù binh ở An Huy. Trong quá khứ, đảng đã từng hân hoan chào đón “những người đảo ngũ” từ Quốc Dân đảng trở về. Với tôi, Giang đã vào đảng rất sớm trong thời gian kháng Nhật, trước cả nội chiến Quốc-Cộng. Từ trong tâm can, tôi tin Giang hoàn toàn vô tội. Không khí ở khu Đại học chứng minh đầy đủ sự khủng bố chính trị.
Tôi tự hỏi, những người không ủng hộ tôi trong Nhóm Một, nếu họ điều tra lý lịch, chắc chắn cũng bị tấn công không thương tiếc. Quá khứ sẽ tiêu ma sự nghiệp và đời tôi. Tôi mới vào đảng sau giải phóng. Cha tôi từng giữ chức vụ cao cấp trong Quốc dân đảng, vợ tôi con đại địa chủ. Mặc dù lý lịch tôi đã được điều tra kỹ, không vướng mắc gì từ năm 1953 nhưng cũng vô nghĩa trong tình hình hiện nay.
Khi chờ Giang, sinh viên mít tinh ở hội trường. Sinh viên tụ tập từng nhóm, bàn tán hăng hái. Tôi nghe thấy các khẩu hiệu sinh viên thét vang khi chúng tôi bước vào. Tôi ngồi phía sau, chẳng ai biết tôi là ai, Giang Huy Chương lên bục, đồng chí Hứa đại diện Ban Tuyên Giáo, người mà Đào Chú cử đi cùng, lẩn vào đám đông, biến mất tăm. Đám sinh viên vô tổ chức la hét, đấu tố người đứng trên bục, tôi nghe thấy họ buộc tội Bộ trưởng y tế phục vụ cho các “quan”, phớt lờ sức khỏe quần chúng nhân dân. Họ trích dẫn “Chỉ thị 26-6 (1965)” của Mao để chứng minh đều họ lên án.
Bỗng nhiên tôi hiểu, bản chỉ thị 26-6 này chính là bức giác thư Mao ra lệnh tôi viết tóm tắt sau cuộc trò chuyện, trước đêm tôi với Uông Đông Hưng đi Thạch Tư. Lúc đó, tôi gửi bản ấy cho Bành Chân và Bộ trưởng Giang Huy Chung. Nội dung của cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch và tôi đã biến thành “Chỉ thị 26 tháng Sáu”, được sử dụng để tấn công Giang Huy Chung, bạn tôi.
Tôi khổ sở lắm. Tôi quý, rất ngưỡng mộ Giang Huy Chung. Giá như tôi không gửi bài viết của Mao chỉ trích Bộ y tế, có lẽ ông đã tránh được cuộc đấu tố như thế này. Tất cả mọi người trong hội trường, chỉ có Bộ trưởng Giang biết tôi là người viết bản chỉ thị, đi cùng ông đến đây theo đề nghị của Đào Chú, theo phán bảo của Mao và cũng là người duy nhất biết tôi bác sĩ của Mao. Rời cuộc họp tôi chưa hết bàng hoàng, thề không bao giờ tham gia những cuộc họp như thế nữa. Giờ đây tôi hiểu, tôi quá may mắn, quá khứ không bị phanh phui. Nếu phải trả lời những câu hỏi về quá khứ, về thành phần gia đình, chắc chắn đời tôi tiêu. Uông Đông Hưng biết tôi rất lo lắng.
Vận hạn chính trị Đào Chú phải trả quá lớn, quá nhanh. Ông bị mất chức vào tháng 12 năm ấy, chỉ vì không chịu lệ thuộc dưới trướng Giang Thanh, lại ủng hộ những người lãnh đạo khác, kể cả Giang Huy Chung và tỉnh đảng bộ Hồ Bắc, Vương Nhiệm Trọng, những người đã rơi tầm ngắm sẽ bị thanh trừng.
Sau khi Đào Chú và Giang Huy Chung bị thanh trừng. Đồng chí Hứa bên Ban Tuyên Giáo, người đi kèm chúng tôi đến Trường Đại Học Trung Quốc rồi lẩn mất vào đám đông, đột nhiên tái xuất hiện, rồi tấn công tôi. Ông viết thư cho giám đốc “Tiểu tổ Trung ương Cách mạng văn hoá” Trần Bá Đạt, tố cáo tôi, đồng minh thân cận của Đào Chú, người bị thanh trừng, đã đến Đại học Y khoa để bảo vệ Giang Huy Chung. Trần Bá Đạt chuyển bức thư đó cho Mao. Mao cho tôi xem thư này.
Tôi nhắc với Chủ tịch:
- Nhưng chính Chủ tịch đề nghị tôi về Bắc Kinh gặp Đào Chú.
Mao cười, bảo:
- Nếu họ buộc tội anh có mối quan hệ chặt chẽ với những người ấy, có lẽ tôi cũng nên thông báo với họ, anh và tôi có quan hệ rất gần gũi, thân thiết lắm.
Ông khuyên tôi nên viết một tờ báo khổ chữ to, tố cáo Giang Huy Chung. Tôi không làm, nhưng Mao cũng chẳng biết. Chủ tịch đã cứu tôi, ông gạch tôi khỏi danh sách những người cùng phe Đào Chú. Nhưng những người khác, hoàn toàn vô tội, vô can như tôi, không có được một sự che chở may mắn như thế, sẽ chết.

*

Mao muốn tôi tham gia tích cực vào Cách mạng văn hoá. Ông không cho phép tôi đứng ngoài cuộc chiến. Việc thử thách lòng tin của tôi được tiếp tục. Hai tuần sau khi quay về Bắc Kinh, ông gọi tôi vào buồng ngủ trong khu Hương Cúc.
Mao muốn tôi và y tá trưởng Ngô Tự Tuấn sáng hôm sau đi cùng con gái ông, Lí Nạp, vào Đại học Bắc Kinh.
- Hãy xem những tờ báo chữ to, thảo luận trao đổi với sinh viên, xem họ bị buộc tội phản cách mạng đúng hay sai! - Ông ra lệnh.
Náu mình bởi cuộc nghỉ hè ở Hàng Châu và Vũ Hán, Mao đẩy Lưu Thiếu Kỳ chịu trách nhiệm phát động cuộc Cách mạng văn hoá. Lưu Thiếu Kỳ đưa những đội quân công nhân đến các trường Đại học điều khiển phong trào chính trị đang bùng phát. Nhưng Mao lại nghi ngờ thay bằng sự ủng hộ, ông cổ vũ sinh viên nổi dậy, nhưng những người do Lưu cử đến ngăn chặn sinh viên, phê bình kết án họ là bọn phản cách mạng.
Tôi chẳng thích đi cùng Lí Nạp, nhiều người ở Đại học Bắc Kinh biết cô là sinh viên khoa lịch sử của trường. Tôi e rằng, nếu người ta nhìn thấy ba chúng tôi đi với nhau, họ sẽ nghĩ là Mao tham gia phong trào.
Nhưng Mao chẳng lo điều này.
- Cái gì cơ? - Ông trả lời - Thật là tuyệt, nếu ở Đại học Bắc Kinh người ta nghĩ rằng cả tôi bị cuốn vào cách mạng văn hoá. Theo tôi, các đồng chí nên ủng hộ sinh viên.
Lí Nạp mời một số bạn học và giáo sư gặp chúng tôi ở hội trường. Tôi nói dăm ba câu. Sau đó sinh viên bắt đầu phàn nàn về giới lãnh đạo Đại học Bắc Kinh. Lý Bình, phó hiệu trưởng, người tôi từng tiếp xúc, khi Lí Nạp bị cảm, phải đưa vào bệnh viện, lại là đối tượng chú ý đặc biệt của những người nổi loạn.
Sinh viên tố cáo, Đảng uỷ nhà trường đã ngăn cuộc cách mạng của họ, khi đội công nhân thay thế ban lãnh đạo đảng lại không ủng hộ sinh viên nổi dậy, còn buộc tội họ phản cách mạng. Sau khi nghe sinh viên tố cáo, chúng tôi đi bộ quanh khu trường Đại học, đọc báo chữ to dán khắp nơi. Tất cả sinh viên ở Đại học đổ xuống đường, tụ tập thành những nhóm nhỏ, tiến hành các cuộc thảo luận chính trị sôi nổi.
Những cái gì xảy ra ở Đại học Bắc Kinh, tôi không quá quan tâm. Vấn đề chính trị thật sự không phải ở khu trường Đại học, mà ở hàng ngũ các nhà chính trị chóp bu của đảng. Tôi cho rằng, bản thân các nhà lãnh đạo phải tìm ra phương cách giải quyết bất đồng của mình. Không cần thiết phải lôi sinh viên vào vạc dầu sôi này.
Mao, tất nhiên, nghĩ khác. Ông tuyên chiến với chính những người lãnh đạo đảng của ông, và giờ đây, thậm chí hơn cả năm 1957, không tin vào đảng có thể tự thay đổi. Ông không thể dựa vào trí thức, có thể thay đổi ý thức hệ của đảng. Khi ông kêu gọi “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, họ đã hưởng ứng, nhưng không những phê phán, chỉ trích đảng, họ còn phê phán, chống chủ nghĩa xã hội và cả Chủ tịch nữa.
Trong thời kỳ Cách mạng văn hoá, Mao vượt qua sự cản trở thói quan liêu trong đảng và chính quyền, đặt niềm tin vào cánh tay của thanh niên đang sùng bái ông. Chỉ có thanh niên mới có lòng dũng cảm đấu tranh với các lực lượng chính trị già cỗi, cổ hủ. Mao tâm sự với tôi, khi chúng tôi còn ở Vũ Hán.
- Chúng ta cần dựa vào họ để bắt đầu làm cách mạng. Nếu làm khác đi, chúng ta không thể đánh đổ được bọn yêu ma, quỷ quái.
Mao không cần tôi báo cáo về tình hình ở đại học. Ông biết quá rõ cái gì đang xảy ra ở đó, nhưng đã cử tôi tới, như một lần nữa kiểm tra quan điểm của tôi với Cách mạng văn hoá.
Ông muốn biết liệu tôi có coi sinh viên là bọn phản cách mạng hay không.
- Không, dĩ nhiên là không rồi - Tôi trả lời không cần suy nghĩ - chẳng lẽ lại có nhiều bọn phản cách mạng đến thế trong đám sinh viên?
- Đúng - Mao tán thành - Đó chính là điều tôi muốn nghe ở anh.
Tôi đã thành công trong cuộc thử thách đầu tiên. Ngay sau đó, Mao cho giải tán đội công nhân do Lưu Thiếu Kỳ thành lập, buộc tội họ âm mưu tiêu diệt sinh viên, có ý đồ gây rối.
Việc quay lại Bắc Kinh, Mao muốn cho mọi người biết sự lùi bước đã kết thúc, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo quần chúng. Ngày 29-6-1966, Mao triệu tập cuộc họp trong Đại lễ đường Nhân dân, có đến 10 nghìn học sinh sinh viên, trung học và đại học để nghe tin về sự giải tán đội công nhân. Sinh viên bị kết án nổi loạn được tha bổng, miễn hình phạt. Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị buộc chịu trách nhiệm trước quần chúng vì đã cử đội công nhân trong khi Mao vắng mặt.
Bản thân Mao không có ý định tham dự các cuộc họp đặc biệt. Ông từ chối công khai mối quan hệ với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình trước quần chúng. Coi như không biết có các vị lãnh đạo khác, cũng như học sinh, sinh viên, ông lặng lẽ vào thính phòng, Trước khi cuộc họp bắt đầu, tôi tháp tùng và ngồi sát ông, sau bức rèm cánh gà, ông chăm chú lắng nghe, không nói một lời, cho đến khi Lưu Thiếu Kỳ tiến hành “tự phê bình”.
Bài phát biểu của Lưu “tự phê bình” rất giống bài tự phê bình của Mao năm 1962. Lưu Thiếu Kỳ công nhận ông không làm gì sai trái, chỉ chấp nhận ông và các đồng sự - “những nhà cách mạng lão thành đang đứng trước những vấn đề phát sinh mới” giải quyết chưa tốt. Do thiếu kinh nghiệm, không có sự nhạy cảm cần thiết để dẫn dắt cuộc Đại cách mạng văn hoá vô sản này đi đúng hướng.
Khi nghe đến điều đó, Mao cười lớn, mỉa mai:
- Các nhà cách mạng lão thành ư? Bọn phản cách mạng lão thành thì đúng hơn!
Tim tôi giật thót. Tôi từng coi cuộc Cách mạng văn hoá là sự lừa đảo, bây giờ thể hiện rõ nét. Mục tiêu chính nhằm vào Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, coi họ là bọn phản động chui vào đảng, “lấy danh nghĩa đảng, thao túng chính quyền đi theo con đường tư bản”. Chiến dịch cách mạng văn hoá được kêu gọi phát động để tiêu diệt họ.
Sau Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai lên diễn đàn. Ông cố gắng giải thích cho sinh viên ý nghĩa và mục đích Cách mạng văn hoá. Mao đứng lên, định bỏ về phòng 118, nơi ông ưa thích trong toà nhà Quốc vụ viện, cách không xa phòng họp.
Nhưng đột nhiên ông thay đổi quyết định, nói với tôi:
- Chúng ta cần phải ủng hộ cuộc cách mạng của quần chúng chứ.
Khi Chu Ân Lai kết thúc bài phát biểu. Cánh gà phía sau hậu trường được kéo ra, thật bất ngờ như có phép mầu nhiệm, Mao chủ tịch từ hậu trường, tiến ra khán đài. Đám đông rồ lên reo hò. Mao vẫy tay chào mừng tất cả mọi người, cả hội trường sôi động hô theo nhịp: “Mao chủ tịch muôn năm! Mao chủ tịch muôn năm!” Bản thân Mao lúc ấy đi đi lại lại trên sân khấu, từ tốn, nét mặt thản nhiên, tay vẫy vẫy.
Đám hò reo vẫn chưa ắng xuống, tiếng hô vẫn nghe rõ, khi Mao rời sân khấu, trong niềm vui hoan hỉ về phòng 118. Chu Ân Lai, như một con chó trung thành, lẽo đẽo theo sau.
Mao không thèm để ý Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, coi như họ không có mặt, cả hai người kinh ngạc, sửng sốt, ở lại sân khấu. Nhiều người vẫn không nhận ra khoảng cách giữa ông và Lưu, Đặng.

*

Ba ngày sau, 1-8-1966, Mao viết một bức thư gửi học sinh trường Trung học, trực thuộc Đại học Thanh Hoa. Nơi có một nhóm thanh niên lập ra ở đó một tổ chức nổi loạn, mang tên “Hồng vệ binh”. Mao khen ngợi, nhận xét rằng “nổi loạn là đúng đắn”. Lời của Mao được được in lại trong nhà in sinh viên và tức thời trở thành khẩu hiệu vang dội, kêu gọi tập hợp thanh niên toàn Trung Hoa. Các nhóm Hồng vệ binh bắt đầu ra đời ở các trường trung học và Đại học trong toàn quốc.
Để ủng hộ “báo chữ to”, dán khắp nơi trong khu trường Đại học, Mao viết một áp phích lớn của riêng mình, tiêu đề “Ném bom Tổng hành dinh” được chính quyền trung ương truyền bá nhanh chóng. Mao phê phán, ít nhất trong 50 ngày qua hoặc lâu hơn nữa, chính “các đồng chí” kể cả chính quyền trung ương lẫn địa phương đã chống đối đảng, đi theo bọn tư sản, phản động cố gắng dẫn tới độc tài tư sản. Họ ra sức - Mao khẳng định - phá hoại Đại cách mạng văn hoá vô sản. Do kích động của Mao, Cách mạng văn hoá tiến sâu thêm những bước mới. Thanh niên xông ra ngoài phố tấn công cơ sở đảng, tin tưởng rằng chính Mao ủng hộ họ, vì ông đã viết “nổi loạn là đúng đắn”, vì vậy việc họ tham dự là tốt, là đúng đắn.
Mao vẫn tiếp tục phớt lờ hệ thống quan liêu của đảng. Ngày 10-8-1966 Mao “đón tiếp đội quân quần chúng” ở cổng phía tây của Trung Nam Hải. Về sau này, ông chào đón hàng triệu Tiểu Hồng vệ binh, từ khắp nơi trong cả nước tiến về Bắc Kinh, trên quảng trường Thiên An Môn. Tính đến cuối năm 1966, tám lần tôi đứng với Mao trên lễ đài hoặc ngồi trong xe mui trần, khi ông gặp Tiểu Hồng vệ binh, từ các miền xa xôi đất nước để được nhìn thấy lãnh tụ vĩ đại.
Lâm Bưu cũng thường xuyên ở bên Mao, đương nhiên, chứng suy nhược thần kinh tiêu tan khi ông tham gia vai trò chính trị mới, chẳng còn sợ ánh sáng mặt trời, chẳng sợ gió. Ông thường xuyên tháp tùng Mao, mỉm cười và vẫy tay đám đông đứng dưới lễ đài.
Tới lúc này tôi biết được rõ sự đối đầu của Mao với Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, mà lần đầu tiên cảm nhận trong đại hội đảng lần VIII, năm 1956, giờ đã trở nên đỉnh cao, hai người sớm muộn cũng bị loại bỏ. Dù vậy, đa số nhân dân vẫn chưa rõ mục đích thật sự Cách mạng văn hoá của Mao. Với người thân tín, tôi và vài người khác, Mao cả quyết Lưu và Đặng là kẻ phản động. Nhưng trước công luận ông tỏ ra ôn hoà. Khi tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 11, tiến hành từ 1 đến 12-8-1966, Chủ tịch bắt đầu nói về mối quan hệ này.
- Nếu như đảng ta là đảng duy nhất được tồn tại - ông nói - Nhà nước ta sẽ biến thành nhà nước quân chủ. Một điều hoàn toàn xa lạ, rất lạ nếu trong đảng ta không có mâu thuẫn nội bộ, có những ý kiến trái chiều.
Người ta cứ tưởng ông sẽ khoan dung với những người bất đồng chính kiến. Mao nói tiếp:
- Chúng ta không thể cấm người khác mắc khuyết điểm, nhưng chúng ta cần phải biết khoan dung, cho phép họ sửa chữa thiếu sót, sai lầm.
Nhưng đó chỉ là những lời lừa gạt, Mao không những không cho phép ai chống lại quan điểm của ông mà cũng chẳng khoan dung với ai bất đồng chính kiến. Bất cứ ai trước kia đã từng chống ông, phê phán ông, sớm muộn cũng sẽ bị trừng phạt không thương tiếc.
Nhưng lời của Mao chỉ làm người nghe hiểu sai. Mao thực tế không cho phép một bộ phận nào của dân chúng chống lại quan điểm riêng của ông. Ông không tha thứ cả những người có ý nghĩ khác.
Tục ngữ Trung Hoa có câu: “Muốn phủ giòng sông bằng nước đá dầy một mét, phải cần nhiều năm”. Đối với Mao, cũng phải cần nhiều năm để ông loại bỏ kẻ thù, ông tiếc, mãi đến bây giờ mới làm được điều này, mối hận thù ông theo đuổi rất lâu, từ trước khi giải phóng. Để tạo nên thắng lợi, ông sẵn sàng đẩy đất nước rơi vào hỗn loạn.