ã mấy lần D. Marnin nhặt tấm các của bà Chung từ trong chiếc hộp đựng mấy cái khuy băng sép, mấy cái ghim cài áo để ở ngăn tủ trên cùng, nhưng sau đó anh lại đặt nó xuống mà không quyết định làm gì hết. Sẽ chẳng còn nơi nào trên thế giới mà người ta có thể tìm thấy những cô gái hấp dẫn, nết na hơn ở Sài Gòn. Thế nhưng trong suốt hai tháng đầu tiên tới đây, D. Marnin vẫn sống như một tu sĩ ẩn dật. Anh không hẹn hò với ai, càng không qua đêm với một người phụ nữ nào dẫu rằng trong tâm trí mình không lúc nào anh không nghĩ tới điều ấy. Anh không muốn phải bắt đầu làm quen với xứ sở này bằng một lần bay đêm tới quán bar nơi anh vẫn cho rằng sẽ chỉ gặp toàn những cô gái làng chơi cho dù họ có thề thốt là họ còn trinh tiết đến 99%. Anh vẫn muốn có một ai đó, thế nhưng chính anh lại tự nhủ rằng mình không có thời gian cho việc ấy mà cũng có thể là anh quá lười cho cái việc tìm và hiểu. Đối với anh, phụ nữ chưa bao giờ là một chủ đề quá phức tạp chính vì thế anh vẫn tin rằng rồi việc gì đến thì nó sẽ đến. Sẽ là sai lầm nếu như đưa ra bất cứ một tiêu chí nào cho người mình yêu, vậy mà D. Marnin cũng thừa nhận rằng anh luôn bị thuyết phục bởi những người con gái có cá tính mạnh mẽ, thông minh, dí dỏm và ưa nhìn. Cho tới lúc này, Miranda Pickerel vẫn là người phụ nữ duy nhất có đầy đủ những phẩm chất ấy. Thế nhưng giữa hai người vẫn luôn có một khoảng cách nhất định. Miranda luôn cho rằng mối quan hệ của họ cần phải có một sự bảo đảm chắc chắn nào đó, trong khi ấy D. Marnin lại chưa mấy quan tâm nhiều lắm đến một cái gì có tính lâu dài. Anh không muốn đi theo vết xe đổ của ông bạn Mandelbrot là lúc nào cũng phải đem theo cả một danh sách dài lê thê những yêu cầu về những thứ rất lặt vặt và đời thường của vợ. Ngày lễ tạ ơn rồi cũng tới, những bữa tiệc với thịt gà tây và các loại rau thơm do Đại sứ Corning tổ chức rồi cũng qua đi. Mùa mưa rồi cũng hết, tiết trời bắt đầu khô hơn rất nhiều. D. Marnin không khỏi bất ngờ khi thời gian trôi đi nhanh quá khiến cho anh cảm thấy như mùa cây thay lá cũng vừa mới bắt đầu lúc nào mà giờ đây đã thấy vô vàn những chồi non đang mọc ra tua tủa. Cuộc chiến tranh cứ tiếp tục âm thầm diễn ra nhưng với mức độ ngày càng cao hơn. Dường như khi nào cũng vậy, số lượng các cuộc viếng thăm của các phái đoàn đại biểu Quốc hội Mỹ luôn có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với các cuộc tấn công của những người Cộng sản. Đến giữa tháng 12, phái đoàn nữa của Quốc hội Mỹ do Nghị sĩ Bowman được cử đến Sài Gòn trong một chuyến viếng thăm kéo dài ba ngày. Trong khi các quý phu nhân nán lại Sài Gòn để đi mua sắm cho ngày lễ Giáng sinh thì các nghị sĩ Mỹ cùng những cố vấn của họ lần lượt tới hội đàm với hầu hết các cơ quan ngoại giao, hành chính và chỉ huy của cả bốn lực lượng chủ lực Mỹ tại miền Nam Việt Nam. (Chỉ một năm sau đó, tình hình chiến sự đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều cho nên những bà vợ của các nghị sĩ Mỹ rất hiếm khi tới mua sắm ở Sài Gòn mà thay vào đó họ phải nghỉ lại ở Băng Cốc hoặc Hồng Kông để đợi các ông chồng công du tới Sài Gòn) Vào buổi tối trước khi phái đoàn này ròi Sài Gòn, hai vợ chồng ông Carl Bilder và bà Ursula đã tổ chức một buổi chiêu đãi trọng thể toàn bộ phái đoàn của Nghị sĩ Bowman tại ngôi biệt thự riêng của họ nằm trên một con phố khá yên tĩnh không cách xa Đại sứ quán nhiều lắm. Lúc đầu khách khứa đều đứng ở hành lang phía ngoài dưới những sợi dây kim tuyến sặc sỡ và những bóng đèn đủ màu sắc lấp lánh trên cây thông Nô-en. Đa số các quý bà đều mặc những bộ váy dài kiểu ít lớp nhưng sang trọng còn cánh đàn ông chỉ mặc áo sơ-mi và đeo ca-vát. Họ đứng thành những nhóm nhỏ vừa uống rượu Gin vừa tán ngẫu dưới tiếng nhạc của những bài hát mừng ngày lễ Giáng sinh được phát ra từ mấy chiếc loa đặt ở phía ngoài vườn. Như thường lệ, ông Bilder đã mời tới đây những nhân vật vẫn được coi là rất đặc biệt đối với các hoạt động và ảnh hưởng của người Mỹ tại đất nước này - Bộ trưởng Bộ Tài chính, các quan chức cao cấp nhất của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa, một viên tướng hai sao của ARVN, Đại sứ Thái lan tại Sài Gòn, Giám đốc chương trình hỗ trợ của Mỹ tại Việt Nam (USOM), Trưởng đặc vụ của Cục Tình báo CIA cùng tất cả các bà vợ của tất cả những nhân vật này. Đối với Marnin, người duy nhất luôn khiến cho anh phải đặc biệt chú ý chính là phu nhân Đỗ Bá Xằng. Giống như lần trước, cô vẫn mặc bộ áo dài truyền thống màu trắng, không trang điểm cầu kỳ, không trang sức đắt tiền ngoại trừ một chiếc thoa nhỏ gắn hình bông hoa nhài được cài rất khéo vào búi tóc ở sau gáy. Khi D. Marnin bước lại chào, cô cũng chỉ đáp lại một cách lịch sự cùng với một nụ cười chỉ thoảng qua trên khóe miệng. Khi các quan khách đều đã ngồi xuống bàn tiệc, D. Marnin thật sự vui mừng vì anh phát hiện ra rằng người quả phụ yêu kiều ấy được xếp ngồi ngay phía bên phải anh. Để bắt đầu bữa tiệc, phu nhân Ursula Bilder, người có búi tóc hoa râm và vốn là một bà hiệu trưởng trường Tiểu học ngày nào, đã cầm con dao nhỏ bằng bạc gõ mạnh vào ly nước để trước mặt yêu cầu mọi người chú ý. - Thưa các quý ông - bà ta nói bằng một cái giọng hớn hở giả tạo - Các ngài hãy quay lại với quý bà ngồi bên phải mình nếu như các ngài cho là mình không có những người bạn nhảy. Và hãy nhớ rằng bây giờ đang là mùa lễ hội nên đừng nói chuyện mua bán gì hết. Không ai ngoại trừ D. Marnin cảm thấy hài lòng với mệnh lệnh vừa rồi nên anh đã nhanh chóng quay sang phu nhân Đỗ Bá Xằng để làm quen. - Tôi là D. Marnin Marnin, chúng ta đã từng gặp nhau... - Tôi vẫn nhớ ông, ông D. Marnin ạ. - Cô ta cắt ngang lời anh mà chẳng biểu lộ một chút cảm xúc nào hết, giọng tiếng Anh của cô bị ảnh hưởng rất nặng bởi một vài âm trong tiếng Pháp. - Tôi cũng đã xem anh chơi tennis ở sân Cercle Sportif. Anh đã chơi khá hay đấy. - Cám ơn bà đã quá khen - D. Marnin trả lời với một chút hãnh diện - Thực ra... tôi cũng đã chơi quần vợt khá lâu rồi. - Thật thế sao? - Cô nhìn thẳng vào anh một cách rất thán phục - Vậy chắc hẳn anh đã bắt đầu chơi môn này từ lúc còn rất trẻ. - Cũng không hẳn vậy đâu - D. Marnin trả lời. - Với người phương Tây, các anh chắc là rất khó nói tuổi tác của mình đúng không? - Cô hỏi một cách rất nghiêm túc. Cùng lúc ấy, một người bồi bàn tới mang bát xúp của cô đi đặt lên trước mặt cô một đĩa Coquilles St.Jacques và phó mặc cho D. Marnin ngồi đó với sự tiếc nuối vì bị anh ta làm hỏng mất một sự khởi đầu lý tưởng. Khi người bồi bàn vừa đi khỏi, cô lại nói với anh: - Bây giờ nếu ngài không phiền, cho phép tôi tiếp chuyện với quý ông ngồi ngay bên phải tôi trước khi tôi lại bị người bồi bàn tới quấy rầy một lần nữa. Người ngồi kế tiếp bên phải của cô gái là Frank Gascon (Trước đây, tên ông ta còn được gọi là Francois Gascon). Ông này là đại diện đối ngoại giữa cơ quan thường trực của CIA với các sĩ quan cao cấp của ARVN và ông ta cũng là một trong những người bạn chí cốt của Mandelbrot. Với một khổ người to lớn, một cái đầu hói hình quả đạn, cái bụng phệ, ông ta lúc nào cũng như muốn nhai ngấu nghiến một điếu xì gà luôn ở trên môi. Gascon lớn lên ở thành phố Marseilles của nước Pháp. Ông ta đã đến định cư ở Mỹ từ năm 16 tuổi sau khi bà mẹ ông ta tái hôn với một người đàn ông Mỹ. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Gascon quay lại London và đăng ký đầu quân cho đội quân của Tướng De Gaulle và sau đó đã phục vụ 14 năm trong Quân đội Pháp. Khi chiến tranh Đông Dương của người Pháp đang đi đến hồi kết, Gascon đang phục vụ trong đội quân Lê Dương ở Hà Nội với quân hàm Trung tá thì được thuyên chuyển sang Cục Tình báo CIA của Mỹ. Mandelbrot đã có lần nói về Gascon với D. Marnin rằng: “Ông ta có mối quan hệ rất mật thiết với các tướng lãnh của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cậu đừng quên là khi ông ta còn ở Hà Nội thì các viên tướng của chúng ta bây giờ chưa được là những sỹ quan chứ chưa nói gì đến sỹ quan cao cấp trong đội quân Pháp quốc”. Nhờ được đọc những bản báo cáo của bên tình báo gửi cho Đại sứ quán mà D. Marnin biết được cái cách mà Gascon tiếp cận các tướng lĩnh cao cấp của ARVN là độc nhất vô nhị mà không ai có thể sánh kịp. Dưới con mắt của các tướng lĩnh và quan chức chính quyền Ngụy, Gascon luôn là một bậc đàn anh, biết thông cảm, xẻ chia và rất gần gũi với tất cả mọi người. Ấn tượng ấy về ông ta còn được bảo đảm bởi một giọng nói bằng tiếng Pháp chuẩn mang đậm chất của người Marseille cũng như bản tính say mê và tận tụy với công việc. Ông ta cũng không phải là lớp người không thích khoe mẽ. Nhưng trong vô số các giai thoại kể về ông ta, chuyện được người ta kể nhiều nhất vẫn là chuyện làm thế nào mà ông ta đã sống sót và vượt qua những khu rừng rậm bạt ngàn ở Việt Nam vào những năm đầu của thập kỷ 50 và rồi ông ta đã kết giao được với vô số các đồng minh địa phương như thế nào - trong số đó cũng phải kể đến những đám cưới của ông ta với các cô gái, con của rất nhiều tù trưởng người dân tộc thiểu số ở những vùng thâm sơn cùng cốc hay với cả các cô công chúa ở Vương quốc Lào. Cho dù người vợ chính thức của ông ta tên là Suzy là một người đàn bà lai lúc nào trông cũng có vẻ buồn buồn, nhưng những giai thoại đó dường như vẫn chưa được kể ra hết. Giống như những vũ điệu của bốn cặp nhảy trước, các thực khách đều phải chú ý đổi chỗ cho nhau sau mỗi nhịp - thực ra thì phu nhân Ursula Bilder luôn làm giống như một trong những người bồi bàn thực hiện việc điều khiển buổi dạ tiệc theo những con số cụ thể. Chính vì thế, anh nói chuyện cùng phu nhân Đỗ Bá Xằng khi ăn xúp và thịt vịt quay với pho mát camenbe; còn khi ăn món xà lách với táo và sò biển thì anh phải nói chuyên với bà Hoàng Thục Nhài phu nhân của ông Trưởng đại diện cơ quan Bộ Ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn. Sau bữa tiệc, toàn bộ các quý bà đều kéo nhau lên tầng trên còn D. Marnin phải tới phòng uống rượu cô-nhắc và cà phê với các quý ông ở tầng dưới. Vào lúc dùng món xà lách anh đang hỏi thăm bà Nhài xem mấy đứa trẻ, con bà ta bao nhiêu tuổi rồi thì nghe tiếng ngài Gascon đang nói rất to bằng một giọng ngà ngà say nhằm cố làm cho người quả phụ thích thú bằng những truyện phiêu lưu tình ái của ông ta. - Sau trận Điện Biên Phủ - ông ta nói bằng tiếng Pháp với giọng Marseille toàn những âm yết hầu - Tôi đã chạy trốn vào trong rừng rậm mà không đem theo một cái gì khác ngoại trừ một chiếc bàn chải đánh răng. Rồi năm năm sau đó, tôi quay trở về với ba bà vợ và sáu thanh vàng ròng... và vẫn cái bàn chải đánh răng lúc đầu nhưng đã bị cùn dơ. Những thanh vàng ròng ấy phải nói là rất nặng; để tôi kể cho cô nghe nhé. Người bồi bàn vừa mang đĩa pho mát tới cho phu nhân Đỗ Bá Xằng, cô quay sang bên trái và vô tình bắt gặp ánh mắt đắm đuối của Marnin. Ngay lập tức, anh hơi ngả người vào sát người cô rồi hỏi rất nhỏ: - Theo bà thì chuyện gì sẽ xảy ra với những người vợ tội nghiệp kia nhỉ? - Tiens, Tôi cho rằng ông ta sẽ làm cho họ buồn đau mà chết. - Cô trả lời thì thầm và cong môi đau đớn. D. Marnin mỉm cười một cách khoái trá. - Chí ít thì đó phải là một cái chết nhanh chóng và đầy khoan dung. - Xúyt... Quý bà Bilder đang quan sát hai chúng ta đấy. Nếu bà ta nghĩ rằng chúng ta đang hạnh phúc thì bà ta sẽ rất bực mình cho mà xem. - Vừa nói, cô vừa giả bộ tập trung vào việc cặp lấy một miếng pho mát camembe tự đặt vào đĩa của mình - Tôi đã nghe thấy anh nói chuyện bằng tiếng Pháp với bà Nhài. Tiếng Pháp của anh nghe trôi chảy lắm đấy. - Tôi đã sống với một người bác ở Montreal gần một năm. - Thế nhưng anh vẫn không có cái giọng lai tạp kiểu tiếng Pháp - Canada chán gắt ấy. - Tôi đã học ở một trường công chứ không phải là học ở những nơi cắm trại đâu - D. Marnin thảm nhiên trả lời một cách không ưa cái kiểu lên giọng kẻ cả của cô ta chút nào. - Vâng, dĩ nhiên là vậy rồi thưa quý ngài... - Cô nhìn vào mắt anh rồi chờ đợi. - D. Marnin. Cô khẽ gật đầu tán thưởng. -... là quý ngài D. Marnin... Tôi cũng vừa được biết anh là một người đa tài đấy. Bây giờ cô ta lại tiếp tục cái cách khiêu khích mà anh không thích chút nào. - Tôi còn là một lái xe cừ khôi đấy thưa bà. Liệu tôi có được cái vinh dự là lái xe đưa bà về nhà sau bữa tiệc này không nhỉ? - Anh thật tử tế quá - Cô ta ngừng lại trong giây lát rồi nói tiếp - nhưng tôi đã đi đến đây cùng ông Bird, Giám đốc USOM. D. Marnin ngước nhìn lên đầu dãy bàn và thấy ông “Curly” Bird với cái đầu hói hiền hậu đang lừ đừ tiếp chuyện ngài Bộ trưởng Bộ Tài chính rồi anh quay lại với người quả phụ. - Có thể là lần khác vậy nhé - Cô nói khẽ rồi quay lại chuyện trò cùng ông Gascon còn D. Marnin thì quay sang hỏi han bà Nhài vài ba câu trước khi bữa tiệc kết thúc. Khi ra đến hành lang, cô quay lại với anh rồi chìa bàn tay nhỏ nhắn ra mà không nói lời nào. Anh đón lấy tay cô mà nói: - Au revoir, thưa bà. Lần này, anh thấy cô hơi có chút ngại ngùng đáp lại: - Ôi, làm ơn đi,... anh không cần phải quá nghi thức như vậy nữa nhé. Tên em là Lyly.