1931. Suy nghĩ vài tháng rồi, tôi lấy một quyết định mạo hiểm: bỏ học về nhà. Tôi sợ nói ra, mẹ tôi và các anh chị sẽ phê bình tới tấp và.sẽ ngăn cản. Vì có ai dại mà đi bỏ một trường học tốt như vậy, không dễ thi vào. Và nếu tự học thì có làm nổi không, bằng Tú Tài đâu phải là dễ lấy, mà tôi lúc này mới lên năm thứ hai.Khác hẳn với dự đoán của tôi, các anh tôi chẳng ai cho là việc đáng bàn, còn mẹ tôi sau khi do dự, cũng bằng lòng: - ừ, thì mày về nhà mà học lấy. Nhưng phải chăm mới được!Bà sợ tôi về nhà lêu lổng, nhưng cũng tin ở khiếu học hành của các con.Tôi vác đơn xin thôi học, không ngờ, một ông giáo người Pháp xưa nay có tiếng là ác, bắt học trò phải ngồi im như phỗng trong khi ông giảng lịch sử, và bị tôi ghét nhất, xem đơn của tôi lại tỏ ra rất ân cần, giữ tôi ở lại:- Anh có gì khó khăn? Anh là một học sinh giỏi, có tương lai mà! Đừng nên bỏ trường! - Ông nói.- Thưa ông, vì gia đình tôi phải dọn về quê, nên rất tiếc không đi học ở đây được nữa- tôi vin cớ giải thích.- Đáng tiếc thực. Sau này, có dịp trở lại, tôi sẽ nói với ông hiệu trưởng. Lúc này, tôi không thấy ông đáng ghét như trước. Thì ra, chỉ nhìn qua bề ngoài, không thể hiểu được tính cách của con người.Sự thực, cớ chính là tôi ghét không khí nhà trường và cũng vì muốn tránh gò bó, hãy được tự do bay nhẩy đã, vì bản tính tôi cũng lười.Ngày đó, nhờ dành dụm được ít vốn liếng, và các anh lớn giúp một phần, mẹ tôi đã gắng thực hiện nguyện vọng một đời của mình: có nhà, có vườn, có ít mẫu ruộng. Trở lại đất Cẩm Giàng, bà mua được mấy thửa ruộng gần nhà ga, ngay bên cạnh đường xe lửa.Căn nhà chính bằng gỗ, chát vách, kiểu mới cao ráo, có hiên bốn bên, mái lợp tranh rất dầy. Tuy nhỏ, nhưng cũng đủ phòng khách, bàn thờ, phòng ngủ. Chung quanh trồng những luống tóc tiên, hoa cúc, cây đào. Ngoài vườn, bắt đầu trồng cây ăn quả chuối, na hay ổi.Bên cạnh, là hai căn nhà ngang thấp hơn, lợp tranh, là phòng ngủ, bếp. Đằng trước, trồng hàng rào tre, đằng sau, trông ra cánh đồng thẳng tắp đến tận những làng xa. Cũng vắng vẻ cô quạnh, nếu không có một nhà láng giềng và ngôi trường tiểu học bên cạnh, ban ngày học trò ra vào đem lại một chút náo nhiệt. Nơi này là chỗ tốt nhất để tĩnh dưỡng, ôn tập bài vở.Mỗi ngày có mấy lần tàu lên tàu xuống chạy ngang qua cổng nhà. Trẻ con thường chạy ra cổng để ngó xem, đến tận lúc con tàu đã khuất bóng sau rặng tre, chỉ để lại làn khói trắng bay lên trời. Đêm đến, khi tiếng còi tàu cuối cùng và tiếng bánh xe rầm rập rên đường sắt đã mất dần ở xa rồi, chỉ còn nghe thấy muôn tiếng côn trùng rỉ rả chung quanh trại -bao nhiêu đời cũng vẫn thế.Thêm tôi về ở Trại Cẩm Giàng, bà mẹ và chị tôi đều mừng rỡ và bớt vắng vẻ. Tôi mua đủ các sách giáo khoa để tự học, kể cả cái tiếng Anh xa lạ. Buổi chiều, học xong, dạo chơi theo đường sắt, nghe gió thổi vu vu qua cột giây thép, hay đến ngồi dưới bóng cây đa mâm sôi ngắm ra đồng ruộng. Những ngày gặt hái tấp nập, tôi cũng theo mọi người ra ruộng. Lúc nghỉ cùng ăn cơm nếp hành mỡ thơm nóng với những người dân quê chất phác. Mùa lạnh tới, mưa phùn gió bấc tạt ngang trên các gốc rạ đồng khô, không gì dễ chịu bằng chui vào ổ rơm ấm áp.Đêm ba mươi Tết, anh em ở Hà Nội về, quây quần trước mấy thùng bánh chưng, thức suốt đêm để nấu. Tối hôm ấy, các bà, các chị bận tấp nập về việc làm cỗ, bầy bàn lễ tổ tiên, hương nến sáng chưng lẫn với mùi thơm ngát của bát thủy tiên, của hoa đào cây nhà lá vườn.Sáng mồng một Tết đã đến. Mọi người trịnh trọng tập hợp ở nhà trên. Bà tôi và mẹ tôi ngồi trên sập giải chiếu cạp đỏ, để con cháu mừng tuổi, lãnh phong bao. Tối đến, rủ nhau vào nhà ông cậu. Năm nào ở đó cũng mở sòng sóc đĩa, rất đông người trong phố đến đánh. Nếu không đánh sóc đĩa, thì cùng mấy cô em họ làm một canh bất miệt mài cho tới khuya. Nhưng thú vị nhất đối với tôi vẫn là một mình đi thơ thẩn tới các làng xóm chung quanh, những túp nhà tranh âm thẳm nấp sau lũy tre xanh. Trời nắng, tôi đi vào những con đường đất nhỏ, êm mát giữa hai rặng tre bên bờ ao vắng đọng. Thỉnh thoảng, một căn nhà gạch lẩn sau cây bưởi và mít, với bể nước bên cây cau thẳng vút đầy vẻ Việt nam. Vào buổi trưa im ả, chỉ nghe thấy liếng ru con vẳng tới hay vài tiếng gĩa gạo, tiếng đập nước của vài cô gái giặt áo trên cầu ao. Đời sống im lìm và nghèo nàn, ai cũng sống như vậy không biết đã bao nhiêu đời. Về sau này, tôi đã bôn ba nhiều nơi, đã tới nhiều nơi đô thị phồn hoa, giàu sang, náo nhiệt trên thế giới. Nhưng lúc nào tôi cũng không quên những làng xóm thôn quê ở cố hương. Ngay hy vọng giản dị là về sống một cuộc đời thanh bạch trong làng xóm Việt nam cũng hình như không bao giờ thực hiện được. Có phải đó là số phận không?Trong thời gian có thể gọi là êm ả này, bỗng nhiên một sự bất hạnh xẩy ra, một tang tóc đau thương mà tới nay mỗi lắn nhớ đến tôi cũng vẫn ngậm ngùi khó nguôi: đó là cái chết của bà tôi, cái chết làm cho tôi xúc động sâu xa, rất lâu mãi về sau này vẫn không ngớt.Từ lúc còn nhỏ, tôi luôn luôn đồng tình với bà tôi, vì bà sống chịu đựng, đắng cay hơn ai hết trong phần cuối đời, người con trai duy nhất đã mất, tất cả đều do con dâu tẳn tảo làm ăn. Bi kịch mẹ chồng nàng dâu không một gia đình nào lúc đó tránh nổi. Niềm an ủi duy nhất của bà là lòng thương mến của các cháu: và sáng nào bà cũng thắp hương, châm ngọn đèn con trên bàn thờ, rồi ngồi yên niệm Phật với chuỗi tràng hạt đen bóng.Không biết tại những ngày cuối cùng của đời mình, bà đã nghĩ những gì. Tôi mong tự đáy lòng là bà đã tìm được hạnh phúc trước khi nhắm mắt.Chính những xung đột nghiệt ngã trong gia đình chúng tôi giữa mấy lớp mẹ chồng nàng dâu, cùng với nhiều nỗi bất hạnh của phụ nữ bị trói buộc trong lễ giáo phong kiến lạc hậu trên xã hội, đã là đề tài cho nhiều tác phẩm sau này - thí dụ như cuốn Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Riêng tôi, lúc đó, tôi thấy băn khoăn, không hiểu tại sao người ta không sống hoà hợp chung với nhau được, mà lại khắt khe với nhau về những thứ quá nhỏ nhoi không có một giá trị gì, và ganh tị với nhau về những cái vô ý thức mà ai cũng khư khư ôm lấy.Anh em chúng tôi đứng trước những cảnh trạng éo le, bi đát trong xã hội và ngay trong gia đình, ít nhiều đều có phản ứng tâm lý sâu xa. Và do đó, tánh cách phóng khoáng, nhạy cảm trước sự vật dần dần thành hình. Quan niệm về dân tộc, về xã hội, về văn hóa ấy đã quyết định những hành động sau này. Cuộc đời của chúng tôi đã bước sang một giai đoạn mới, với sự xuất hiện của tờ báo Phong Hoá bộ mới do Nguyễn Tường Tam sáng lập.Võng anh đi trước, võng nàng đi saưCâu ca dao này đã quen thuộc quá đối với người Việt rồi, nên không ai thắc mắc gì. Nhưng nếu suy nghĩ cho kỹ, thì nó đại biểu cho một quan niệm phong kiến hủ bại, đầy óc danh lợi cá nhân. óc làm quan, óc ăn trên ngồi chốc, óc khinh miệt phụ nữ...Cho nên, khi anh Tam về nước, anh không màng đi kiếm công việc lương cao, mà chọn đi dạy học ở trường tư thục Thăng Long. Cũng như anh Long đã từ bỏ cơ hội có thể đi làm quan.Một thanh niên có tâm hồn, có chí khí cao thượng, tất không chạy theo những thứ dục vọng tầm thường như làm quan, làm giầu, vinh thân phì gia. Từ nhỏ, chúng tôi không ưa những thứ đó, chúng tôi không ưa quyền thế.Một điểm chung nữa là mấy anh em đều thích viết, và đều có khiếu về viết. Thêm vào đó, có hai người bạn cùng chí hướng và cùng có tài -anh Tú Mỡ và anh Khái Hưng. Với nhóm người nòng cốt này, một tập hợp văn chương ít có - và có lẽ ít có trên cả thế giới nữa - hoàn toàn có thể ra một tờ báo có giá trị và được độc giả ưa thích.Mặc dầu lúc đó đã có một số báo, tạp chí ra đời, nhưng nói chung, trình độ còn thấp và cũng lê tê, chưa gây ảnh hưởng mạnh. Phần nhiều, lối văn viết và nội dung chưa thoát được kiểu cách sáo rỗng cũ, chưa đưa ra được những ý kiến, chủ trương mới, táo bạo.Mặt khác, 1932 có hoàn cảnh thuận lợi hơn cho sự phát triển của văn nghệ. Dù sao, sau cuộc đàn áp tàn bạo, xã hội cũng yên tĩnh hơn. Bọn thực dân cũng cảm thấy cần phải nới tay một chút để dẹp bớt bất mãn của dân chúng, còn khuyến khích thể thao, đua xe đạp, thi ngựa, hội chợ, cùng ca nhạc, điện ảnh.Sau này, có khi ngồi rỗi, bàn đến lý do tại sao các anh bị đưa đẩy vào nghiệp viết văn, viết báo trong khi hoàn toàn có thể kiếm được nghề khác đủ danh lợi, thì không ai trả lời rõ rệt cả. Như anh Khái Hưng, có một bạn hỏi đùa tại sao với gia cảnh anh - ông thân sinh là Tuần Phủ và bên vợ là Tổng Đốc- anh không chạy một chân tri huyện nào đó mà lại làm nghề báo bấp bênh, nghèo kiết này, thì anh chỉ cười nói:- Cũng chẳng hiểu vì sao cả. Thích viết thì viết!Từ chỗ thích đến chỗ thành nghề nghiệp một đời, cũng không xa lắm.Nguyện vọng mãnh liệt cải cách xã hội cộng với tài hoa viết văn đã tạo nên nhóm Tự lực văn đoàn.Giữa năm 1932, tôi còn ở Cẩm Giàng, thấy anh Tam và anh Long có bàn qua về việc ra một tờ báo, lấy tên là Tiềng Cười. Phỏng theo tờ Le Rire (Tiếng Cười) và tờ báo trào phúng Le Canard enchainé) (Con vịt bị buộc) là mấy tờ rất được độc giả hoan nghênh bên Pháp ở Hà Nội chúng tôi cũng đã từng đọc qua. Những bài châm biếm không những làm cho người ta cười, mà còn có ý nghĩa châm chọc những thứ xấu rởm trong xã hội. Nhưng sau tờ Tiếng Cười không được cấp giấy phép, vì thực dân đâu muốn cấp cho một người đã từng du học ở Pháp về. Theo chính anh Tú Mỡ viết về sau này Phàm những người chân chính học ở Pháp về đều có tư tưởng bài Pháp thực dân... nó thực dân sợ tờ báo cười tung trời sẽ làm đảo lộn cả trật tự của cái xã hội thối nát mà chúng nó duy trì để dễ cai trị. Nhưng anh Tam không chịu bó tay. Vẫn lời Tú Mỡ, anh Tam đâu có chịu bó tay. Anh xoay và xoay rất cừ. Bấy giờ, nhân có tờ báo của anh Phạm Hữu Ninh... anh Tam đề nghị... nhường lại cho mình làm chủ bút, chỉ cần mất chút tiền thuê báo. Người viết, bài vở lúc đó cũng đã sẵn sàng.Sự kỳ ngộ may mắn trong lịch sử văn học, dưới sự chỉ dẫn và tổ chức của Nhất Linh, đã tạo nên một nhóm cây viết, một văn đàn gắn bó với nhau, tiến tới một trào lưu văn hoá độc đáo. Ngay trong nhà đã có ba cây viết rồi, cộng với Tú Mỡ là bốn, lại vừa kéo thêm được một tài năng nữa, đó là Khái Hưng. Cuộc đời của Khái Hưng cũng có thể gọi là kỳ lạ. Anh đã đậu Tú Tài ban Triết Học - độ ấy rất hiếm - nhưng không ra làm quan hay công chức gì. Nhà văn sĩ lãng mạn tương lai quay ra đi... buôn, làm đại lý cho một hãng dầu, chắc muốn giàu to. Song óc nghệ sĩ của anh có lẽ không thích hợp với buôn bán quét quéo nên đã thua lỗ rồi từ Ninh Giang lên Hà Nội, Trần Khánh Giư (tên thật) vào làm giáo sư trong trường tư thục Thăng Long. Ngay hồi đó, anh đã viết cho tờ báo Duy Tôn những truyện vui hay xã thuyết, cùng với mấy nhà văn Lãng Nhân Phùng Tất Đắc và Tchya (tôi chẳng yêu ai?) Đái Đức Tuấn. Một số bài nữa đã đăng trên tờ Phong Hoá (cũ) và tờ Văn Học tạp chí của anh em Dương Bá Trạc. Nhất Linh sau đó lại vào dạy trường Thăng Long. Hai người rất tâm đắc, có cái nhìn chung về xã hội, về văn nghệ, và có chung hoài bão dùng ngòi bút của mình để canh tân văn nghệ cùng văn hoá đất nước.Nhóm 5 người này quyết tâm sáng tạo một đường lối mới, cả về hình thức lẫn nội dung, mà họ tin chắc là sẽ thành công. Họ sẽ bỏ lối viết sáo rỗng, nặng nề, hay đạo mạo dậy đời, để dùng một lối văn trong sáng, bình dân hơn. Họ sẽ chống lại những thứ mà họ cho là xấu xa, rởm đời, hay lạc hậu, cổ hủ, họ sẽ dám phê phán cả chính sách quan liêu, bất công, bằng lời văn châm biếm sắc bén can đảm. Họ sẽ đưa một bầu không khí mới mê, tươi tắn, lạc quan vào trong cái ao tù bảo thủ truyền thống vẫn đè nặng lên con người từ trước tới nay. Họ muốn thay đổi, cách tân. Học có cái mà các nhóm khác thiếu sót - đó là cái lửa.Không có cái lửa về muốn viết, về cải cách xã hội, về giúp ích cho dân chúng, thì không có Phong Hoá, Ngày Nay hay Tự lực văn đoàn.Muốn ra được và duy trì một tạp chí, tất phải có số vốn. Mà anh em lúc đó toàn nghèo xơ, làm gì có đủ tiền? Chị tôi kể rằng ban đêm anh Tam cặm cụi viết bài, lại lo ế không bán được. Một hôm không biết đùa hay thực, anh đề nghị nếu báo ế thì bắt cả nhà vừa đi vừa rao bán sao cho kỳ hết. Mẹ tôi trả lời một cách thản nhiên: Khó gì mà phải lo! Bán không hết thì mang về cho anh ấy (tức chị Tam) gói cau càng tiện.Nhưng, nhờ trời, số phận tờ Phong Hoá chưa đến nỗi khốn khổ như vậy.Việc đầu tiên là phải quảng cáo cho mọi người biết đã. Theo tài liệu, Phong Hoá số 13 đề ngày 8-9-1932, có đăng:Một cuộc hoán cải lớn trong báo Phong Hoá,Một sự lạ trong là ng báo.Một cái mới.Đến ngày thứ năm 22-9-1932Báo Phong Hoá sẽ ra số mới.Bàn một cách vui vẻ về các vấn đề cần thiết,xã hội, chính trị, kinh tế.Nói rõ về hiện tượng trong nước.Có 15 tranh vẽ, nhiều truyện vui.Cần thiềtHoạt động.Vui vẻ...Ai cần xem báo! Ai thích đọc báo!Nên đọc Phong Hoá! Chắc có nhiều người đón chờ cái sự lạ này xem ra thế nào.Và đúng hạn, ngày 22-9-1932, tờ Phong Hoá bộ mới, số 14 đã ra mắt độc giả.