Võ hiệp lịch sử tiểu thuyết
Chương 7.

 
7. Ðặng Quang Anh dự trận Tà Lúng
Nơi kinh kỳ vang tiếng Sơn Vân
Lại nói về Đặng Quang Anh kể tới khi chàng trở về chiến tuyến, nơi núi non trùng điệp ở biên thùy Hoa Việt, vùng Tà Lùng, có mấy ngàn quân Mãn Thanh đang bao vây sơn đồn của Đèo quan lang.
Quang Anh tiếp:
Cha và gia nhân nghĩ vượt vòng vây ban đêm không khó khăn ; diệt được nhóm địch tuần la, biết khẩu hiệu của họ cho nên cả bọn an toàn vào sát chân đồn. Cha ném lên mặt thành hòn đá bọc vải có viết: «Kinh Bắc Quân Đoàn» chỉ là kế nghi binh, đề phòng nếu cha bị địch bắt. Không có quân đoàn nào tiếp viện mà trái lại địch quân càng ngày càng đông. Cha và quan lang kiểm điểm lực lượng, thì biết chắc cố thủ không qua ba ngày nữa.
Tình thế cấp bách, mấy chục quân sĩ, một phần bị thương, còn lại cố sức cầm cự ở mức độ nào chăng nữa cũng không thể giữ đến ngày thứ tư. Sau khi nghiên cứu, cha khám phá một yếu điểm của tường thành. Nơi này phía ngoài có cây cỏ rậm rạp khoảng 50 thước dốc thẳng tới bờ suối, một khoảng khá sâu nên giặc không chú ý. Cha đề nghị đục một lỗ vừa người chui lọt ở nơi tường đó. Không thể đục ban đêm vì giặc nghe tiếng. Chương trình thi hành sáng mai, mỗi khi giặc tấn công bằng hỏa lực, tiếng đục sẽ lấn tiếng súng. Đêm mai khi giặc ngủ yên, mọi người lần lượt sẽ do lỗ tường ấy xuống suối,  giặc không thể hay biết, vì cây cối rậm rạp che đường. Tuy nhiên không thể bơi trên mặt nước vì giặc sẽ trông thấy, nên cha trưng thu tất cả sào màn và cần bình rượu, mà nơi này sẳn có. Sào màn cắt thành ba, dùng xiên sắt nung đỏ thông suốt, cỏn cần rượu thì để nguyên vì đã thông sẵn. Những vật này dùng để thở khi lội ngầm dưới nước suối.
Kế hoạch không thể thành tựu hoàn vẹn. Cha rất lo lắng vì thương binh khó lòng chịu đựng.
Sáng sau vào giờ thìn, giặc bắt đầu công phá bằng từng loạt hỏa mai. Hai người nhà ta lãnh nhiệm vụ đục tường. Chỉ đục khi nào giặc nổ súng hò reo. Vì vậy lỗ tường mãi đến giờ dậu mới xong.
Nhu vậy đêm nay có thể thi hành kế hoạch bỏ thành.
Sở dĩ cha kể chi tiết cho con nghe, vì nhân dịp muốn con thâu nhận những kinh nghiệm, phòng khi cần đến.
Sân đồn có ba bể cạn lớn, ngập đầu người. Cha Trung thu một bể, đổ đầy nước, bắt ai cũng phải lần lượt vào bể tập thở bằng mồm qua dụng cụ giản dị ấy. Vì kế hoạch thành tựu hay thất bại chỉ vì chi tiết.
Đến giờ khởi hành, Đèo quan lang mời cha đến sảnh đường. Ở đây sẵn chờ toàn bộ chỉ huy doanh trại, lại có cà Đèo phu nhân và hai con. Đèo quan lang tóc đã hoa râm, nhưng Đèo phu nhân còn trẻ, vào quãng hơn ba mươi tuổi, trông thực dẹp đôi.
Đèo quan lang nói: Ngay khi giặc bao vây tôi đã cho người cầu viện Trấn thủ Sơn Hà mà không thấy gì, nay chúng tôi nhiệt liệt tin tuởng kế hoạch của tráng sĩ. Bỏ thành, còn có ngày lấy lại. Tuần tiết với thành chỉ là một cử chỉ để thỏa lòng tự ái cá nhân. Tôi để quân sĩ hoàn toàn tự do chọn lựa. Mọi người, sau khi suy nghĩ đều y theo kế hoạch của tráng sĩ. Nhưng đi tất cả đêm nay, tôi e rằng khó thành tựu, cho nên tôi đã quyết định một nửa ở lại, đến tối mai. Đêm nay, xin giao tiện nội và hai con, nhờ tráng sĩ trông nom hộ, nếu tôi có mệnh hệ nào, ơn ấy như núi Thái Sơn. Tráng sĩ cứ đưa ba người về Kinh Bắc, tá túc tại Dương Châu. Giải quyết xong chuyện nơi đây, sẽ xin đón về.
Đèo phu nhân phản đối:
- Nhiệm vụ thiếp phải ở cạnh tướng công. Chỉ xin trao cho tráng sĩ con gái và con trai với đoàn đi trước đêm nay.-
Dút lời nàng đến trước cha, quỳ xuống, nước mắt ròng ròng:
-Thân này không đáng kể, chỉ xin tráng sĩ nhận hai đứa con chúng tôi, đem chúng đến nơi an toàn..-Cử chỉ của phu nhân làm cha luống cuống. Cha nâng người dậy, hứa lãnh nhiệm vụ, hết sức bảo vệ như con em của cha.
Cha thấy cũng có lý cần hai đứa trẻ ưu tiên ra khỏi vòng vây, nên thôi tranh luận.
Phu nhân nói con gái 14 tuổi, tên Đèo Sơn Vân, còn con trai gần hai tuổi, Đèo Nhật Tú.
Phu nhân cho Nhật Tú uống một ly chè đặt biệt, vô hại nhưng làm cho Nhật Tú ngủ say trong ba bốn tiếng đồng hồ, đề phòng em bé kêu khóc khi qua vòng vây. Nhật Tú chưa đầy vài phút đã ngủ say. Đèo phu nhân sửa soạn chiếc địu, định đeo sau lưng Sơn Vân thì cha bảo buộc vào lưng cha.
Đến giờ lên đường, Sơn Vân nhất định xin ở lại cùng cha mẹ, nhưng ông bà cương quyết ra lệnh cho con gái theo cha.
Đúng như đã tính trước, cha cùng mọi người an toàn ra khỏi vòng vây, cấp tốc đến nơi liên lạc. Cha biên thư giao cho ba gia nhân hộ tống Sơn Vân và Nhật Tú về Kinh Bắc, còn cha và hai người nhà tinh nhuệ và đoàn người mới tuyển về chiến địa. Mọi người khôn cầm giọt lệ. Thành trì đã tan hoang, trên cột, cở Mãn Thanh ngạo nghễ. Một thổ dân trốn thoát cho hay, sau khi cha đi chừng hai giờ, giặc đổi chiến thuật tấn công vào đầu dần, Đèo quan lang và phu nhân cùng quân sĩ còn lại đã hy sinh đến người cuối cùng.
Cha quyết định hồi hương, đem theo mối ân hận nặng nề, đáng lẽ phải cương quyết bắt toàn thể mọi người ra đi ngay đêm ấy. Hình ảnh ông, bà cứ theo mãi cha trên đường xuôi Kinh Bắc.
Định dùng thuyền, nhưng được tin Hắc Y Đạo đã chiếm đóng một vùng rộng lớn, ngang đường về, cha đi vòng duyên hải về nhà.
Thế là từ khi từ biệt mẹ con đến ngày trở về, thấm thoát sáu tháng đã qua, cha vô cùng lo ngại, linh tính có chuyện không hay cho Sơn Vân và Nhật Tú. Đáng lẽ bọn này phải đến nhà từ hai tháng trước mà nay chẳng vân mòng.
Cha căn dặn gia nhân cùng về không được hở chuyện Sơn Vân và Nhật Tú với mẹ con vì lúc đó mẹ con mới sinh con, mà con thì trứng nước.
Cho dò la mấy tháng trời mà không  tung tích hai trẻ.
Khi con đầy tuổi tôi, cha tự mình ra đi điều ta, định tâm khi tìm thấy mới dẫn hai trẻ về cho mẹ con hay. Con ơi! không thể nói hết mối hận của cha. Vô tình cha đã lỗi thề. Nếu ông bà linh thiêng xin thứ lỗi vì cha khồng tròn lời hứa. Cha quyết tâm dành cuộc đời còn lại để tìm cho ra hai trẻ.
Đặt bản doanh ở Chiêu Vân Các, gửi người đi khắp nơi, xâm nhập cả vùng Hắc y, uổng công năm sáu tháng trời.
Một buổi sáng, đang đi chơi bờ hồ Thủy quân ( Hồ Hoàn Kiếm ) thoáng nghe bọn ăn chơi bàn tán đến một ca nhi mà họ gọi là «người đẹp sơn lâm» mới về phường Hàng Giấy chừng vài tháng. Cha hỏi chuyện, họ kể rằng đó là một người rất khó gặp, nếu không phải là vuông tôn công tử, hoặc triệu phú giàu sang danh tiếng. Bọn ấy lại nói, nếu không quyền thế thì phải hàng tao nhân mặc khách, nàng mới tiếp. Mà dù vương tôn, dù công tử, dù tao nhân mặc khách, tiền đưa trước cho mụ quản gia ít nhất cũng bốn năm trăm lạng vàng. Đã có người muốn chuộc nàng, nhưng tên «sở hửu nhà » là một tên cận vệ uy quyền của An Trung hầu, tự do đi lâi ở Phủ Trịnh, Cung Lê, võ nghệ cao cường, hung hãn bạo tàn, đã nhúng tay vào nhiều vụ án mạng ở kinh đô … Hắn ta họ Lê, tên Thiết Lực.
Xóm ăn chơi, chưa bao giờ cha để chân. Cha đóng vai tiêu xài phóng túng, cùng vài gia nhân và mấy bạn thân, đến phường Hàng Giấy, ngay chiều hôm ấy. Quả nhiên, như lời đồn, phải bỏ ra hai lạng vàng để ghi vào danh sách những người muốn gặp. Không thuộc mánh khoé nơi ăn chơi, may có người bạn đi cùng dàn xếp, thêm ba lạng, cho được gặp ngay tối ấy.
Đến giờ, cha cùng mấy người bạn vào đợi ở sảnh đường. Cha đem thêm mấy gia nhân tin cẩn, án ngữ cửa ngoài.
Người hầu pha trà dâng nước, cha nóng ruột chỉ nhấp môi mà cũng không để ý cách bày trí sang trọng nơi này.
Một lát hai thị nữ bước xuống thang lầu, theo sau một thiếu nữ y phục sơn cước, áo chẽn, hàng khuy tết trước ngực, xiêm đen dài phủ gót chân, cực kỳ diễm lệ. Đã hơn hai năm rì, cha đang lưỡng lự không chắc là nàng thì, nhìn thấy cha, bất chầp những người trong phòng khách, nàng chạy đến ôm cha khóc nức nở. Cha bấy giờ mới biết là Đèo Sơn Vân. Nàng có thay đổi nhiều, cao hơn trước, thành một giai nhân sắc nước hương trời. Lời đồn đại không ngoa.
Có các bạn chứng kiến, nàng kể lại chuyện từ khi rời an toàn khu cùng ba gia nhân lên đường xuống đồng bằng. Sau mấy ngày bằng yên, một hôm nàng cùng gia nhân chúng ta và bé Nhật Tú gặp một đoàn mấy trăm quân binh mang cờ Trịnh Phủ. Đoàn quân này vừa rời khu Mường Then, sau mấy trận giao phong cùng quân lực Hoàng Công Chất. Đoàn trưởng cho giọ nàng vào hỏi han điều tra thường lệ. Nàng và ba gia nhân nhà ta cứ sự thực trình bày, nói thêm là giặc Mãn Thanh vây hãm thành Tà Lùng, Đèo quan lang cùng bộ hạ cố thủ. Nay tiện đây xin Đoàn trưởng cử binh tiếp viện. Đoàn trưởng hay nàng là con gái Đèo quan lang đi cùng em trai Nhật Tú, định cho người tiếp đãi vào hàng tân khách, thì một viên võ quan ghé tai nói thầm hồi lâu. Đoàn trưởng bỗng thay đổi thái độ, quát tháo:
-Chúng bay là quân phiến loạn, vừa liên lạc với Keo Chất, muốn xuống đồng bằng làm gián điệp cho giặc, ta phải bắt giam để tra cứu.-
Tức thì ra lệnh bắt trói cả nàng và ba giai nhân, giao cho viên võ quan ấy giải đến gửi ngục thất tri phủ sở tại. Võ quan ấy ở lại phủ này tiếp tục hỏi cung đánh đập tra tấn ba gia nhân chúng ta cực kỳ tàn nhẫn, lại bắt nàng chứng kiến những cuộc tra tấn ấy, doạ nạt bắt nàng kỳ tên tờ nhận tội, nếu nhận tên ấy tha cho gia nhân. Nàng đành ký tên. sáng sớm tinh sương hôm sau, tên ấy vào mở cửa ngục dẫn ba gia nhân đi, nói trả lại tự do. Nàng lấy làm lạ, trả tự do, sao còn phải trói tay và đeo gông.
Thì ra đó là mưu kế giảo quyệt của tên ấy, người ta nói với nàng ba gia nhân bị hành quyết ngay khi đến khu rừng gần đó.
Cha không cầm được giọt lệ thương xót ba người mà mấy người bạn cũng vô cùng tức giận. Nàng nói rõ ba người võ nghệ cao tường, nhưng quá tin quân đội chính quy Phủ Trịnh nên rơi vào bẫy, hết cách chống trả. sau mới hiểu ra võ quan ấy tên Hồ Đức Kỷ phụ trách điệp quân của quân đoàn. Hắn ta biết đồn Tà Tùng đã thất thủ từ mấy ngày trước. Đèo quan lang có cho người đến cầu viện Trấn Thủ Sơn Hà, mà vị này án binh bất động, bỏ mặc Tà Lùng. Việc này nếu đến tai chúa Trịnh Doanh, chắc chắn Trấn Thủ Sơn Hà sẽ mang tội nặng, mà vị Trấn Thủ Sơn Hà lại thuộc cánh Đoàn trưởng, nên Hồ Đức Kỷ mới bày ra chuyện ấy, chủ tâm tiêu diệt năm người kể cả nàng và bé Nhật Tú, cho mất hết bằng chứng.
Nhưng khi nhìn thấy nàng có nhan sắc, Hồ Đức Kỷ nổi tà tâm thêm bực nữa. Tự hắn giải nàng và Nhật Tú về đến phủ Từ, vào một làng hẻo lánh, quê hắn, giao cho người vợ canh giữ. Người đàn bà này cũng không kém phần ác nghiệt. Thực là chồng nào vợ nấy. Nghe nói mụ này có tội nặng, không biết tội gì trốn tránh Kẻ Chợ, về ẩn náu nơi đây. Mụ canh giữ nàng ác nghiệt, nàng chưa có cách vượt ngục thì Hồ Đức Kỷ trở về, bế Nhật Tú mang đi. Nàng kêu khóc phản đối, Hồ Đức Kỷ mặt lạnh như đồng, xách bé Nhật Tú lên ngựa đi thẳng. Mấy hôm sau trở về, giao cho vợ mấy chục lượng bạc, nói là tiền bán Nhật Tú cho một gia đình miền Duyên Hải, nàng cố nghe tên mà không rõ. Sau cùng hai vợ chồng Hồ tặc mở tiệc rượu ăn mừng việc bán Nhật Tú. Tới đêm khuya, hai vợ chồng say rượu, đánh nhau. Đức Kỷ nổi cơn điên đánh vợ chết ngất, rồi hắn ta phá cửa vào phòng giam. Nàng chống cự, nhưng bị đánh ngất đi. Khi tỉnh dậy, đau đớn ê chề, biết đã bị ô nhục, nàng muốn tự tử cho xong, nhưng nghĩ đến Nhật Tú lại thôi. Hồ tặc đã ra đi từ sáng sớm. Mụ vợ lúc đó mới tỉnh nhìn nàng biết chuyện đã xảy ra. Mới đầu chửi mắng nàng thậm tệ, sau bỗng nhiên đấu diu, dẫn nàng đi ngay ra tỉnh để tìm Nhật Tú.
Khi đến ngang Kẻ Chợ, mụ ta không cùng Sơn Vân qua đò ngang. Đi ngược lên phía Bắc gửi nàng ở một quán trọ, hẹn mấy ngày trở lại cho biết tung tích Nhật Tú.
Chờ ba ngày không có tăm hơi, nàng hỏi thăm chủ quán, một người cao lớn dáng vũ phu, da đen, mắt trắng dã, môi thâm sì. Hắn ta ngửa mặt lên trần, cười lớn, khoe bộ hàm răng mái hiên:
-Thế ra cô không biết gì à? Mụ Hồ Kỷ đã bán cô cho ta lấy ba chục lạng bạc. Bây giờ cô phải ở đây, ta bảo gì phải nghe, nếu không …
Nàng vừa mở miệng phản đối thì tên ấy ra oai, tát đánh làm nàng ngã lăn. Hắn xách tay kéo nàng lên phòng trên lầu, khóa cửa.
Một mình trong phòng suy nghĩ, thấy hối tiếc đã không ở lại cùng mẹ cha từ miền thượng du trong sạch đến nơi đồng bằng tội lỗi, từ tuổi hiền từ ngây thơ đến giao đoạn phải chống đối với ác ôn xảo quyệt. Kiểm điểm phương tiện tự vệ thì chẳng có gì. Về võ nghệ thì chỉ biết cưỡi ngựa ném đao ; về tiền bạc thì không có một xu nhỏ ; mười viên bảo ngọc, năm hồng, năm bích mà mẹ giao cho làm của phòng thân thĩ đã bị Hồ Đức Kỷ tìm thấy và cướp mất trong đêm ô nhục, còn mấy trăm lượng bạc, vàng, bố giao cho ba người hộ tống đều bị Hồ Tặc, nha lại và cơ quan sở tại chia nhau lấy hết ; chỉ còn lại hai thứ quý giá: sắc đẹp và trí khôn.
Nàng quyết định sẽ dùng hai khí giới lợi hại này để trả thù bọn ác quỉ sau này. Suy luận nàng đoán chắc mụ Hồ nói dối với chủ quán nàng còn đồng trinh, nên tên này bỏ vốn mua, sẽ bán cái tuyết trinh ấy với giá cao hơn gấp bội, cho nên vừa rồi tát đánh nàng không quá tay, sợ hư hỏng món hàng chưa bán cho người «tiêu thụ ».
Nàng gọi chủ quán. Hắn ta lên cùng người vợ mới đi chợ về. Quan sát dáng điệu hai người, nàng thấy quyền hành hẳn ở mụ vợ.
Nàng nói: Ông bà hãy nghe con nói, ông bà không cần canh phòng đánh đập. Con cũng chẳng biết đi đâu mà trốn tránh.Con xin ở lại đây với ông bà.
Con sẽ giúp ông bà trông nom quán trọ. Con biết nấu bếp, nhiều món ăn mạn ngược chắc sẽ đắt hàng. Năm nay con mới mười bốn, nếu muốn bán con sang năm chắc chắn sẽ nhiều tiền hơn … mấy trăm lượng sẽ đền bù công ơn ông bà, thân này đâu đáng kể!
Mụ vợ: “ Con bé này ăn nói được, tôi bằng lòng. Từ nay là việc riêng của tôi, ông không được đụng chạm. Nuôi lợn cũng phải chờ lớn mới bán được tiền ”!
Dứt lời đuổi chồng đi xuống, dẫn nàng sang một căn phòng ngay cạnh buồng riêng hai vợ chồng chủ quán, cho nàng ở đây, và cho phép dùng quần áo trong rương da của một thiếu phụ bỏ lại. Người này giận chồng sang đây, cắt tóc đi tu ở chùa làng.
Thay đổi y phục, quần áo kinh kỳ, nàng xinh đẹp bội phần, mụ chủ hài lòng, từ đó lúc nào cũng có nàng bên cạnh, ra vẻ dậy nàng học tập làm ăn. Nàng vâng dạ, được lòng mụ chủ.
Dần dần nàng thay mụ chủ, điều khiển bếp nước, chỉ huy xếp đặt phòng ăn. Nàng viết chữ Hán, Nôm trên giấy hồng điều chiêu hàng ngoài cửa, và những món ăn trên tường phòng ăn, Chữ viết tuyệt đẹp, khách hàng lịch lãm đều trầm trồ ngợi khen, ai cũng muốn gặp «cô gái nuôi » chủ tiệm.
Ngoài cửa hàng nàng treo đôi câu đối của người xưa, bằng lối viết thảo cực kỳ bay bướm:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Thoại bất đàu cơ bán cú đa
(Rượu gặp bạn ngàn ly cũng thiếu.  Chuyện không đúng lúc thì nửa câu cũng thừa.)
Thiên hạ tưởng quán đối chủ, chắc chắn là một văn nhân nào thay thế, sau biết là nàng, khách hàng càng thêm dập diều tấp nập. Có mấy tháng trời tiếng đồn đến tận kinh kỳ. Nàng bắt đầu thấy sức mạnh của mình. Lão chủ quán khả ố không dám sàm sỡ một điềumột vì sợ vợ, hai vì vây cánh vô hình của nàng … còn mụ chủ tối tối đếm tiền thâu nhập thấy nàng chẳng thèm tơ hào xu nhỏ, nên càng để ý chăm nom săn sóc con người làm ra của.
Mặc khách tao nhân đến quán ai cũng muốn thảo luận văn chương với người đẹp, tặng nàng nhiều sách quí, cho nên nàng càng tiến bộ văn học.
Thấy nàng có tài kỵ mã, có người cho nàng một bích câu. Nàng thường dùng ngựa đi thăm các vùng lân cận, hy vọng tung tích Nhật Tú. Mỗi lần ra đi, vợ chồng lão chủ ra cửa,  vô cùng lo lắng, nhưng lại thấy trở về, nên lão chủ cũng bỏ ý định bán con ngựa của nàng. Con ngựa giúp nàng luyện tập cơ thể. Dưới đất thì nàng yếu đuối không đủ sức tự vệ, trái lại trên mình ngựa, nếu không vô địch, cũng là đối thủ không thể coi thường. Mười con dao nhỏ, lưỡi mỏng lá tre, bén sắc, là vũ khí phòng thân rất công hiệu Tài nghệ riêng ấy nàng giữ kín. Khi nào gặp Hồ Đức Kỷ sẽ ra tay. Những lưỡi dao làm ở quê nàng bị tịch thu ngay hôm bị quân phủ Trịnh bắt. Đến nay tìm được thợ rèn làm ra đúng kiểu, lại có phần tốt hơn, đem tập luyện ở khu rừng vắng vẻ trong mấy tháng trời, người ngựa ngoài trăm bước trúng hồng tâm cả mười con.
Thế rồi việc phải đến đã đến.
Thấm thoát một năm qua, nàng qua tuổi trăng tròn, dáng dấp đổi thay, nhan sắc lộng lẫy, «cá lặn chim sa ». Rắp ranh bắn sẻ chẳng thiếu người. Tính ra tiền của vào nhà quá nhiều nên hai vợ chồng lão chủ không nhắc đến lời hứa bán của nàng. Mà thực ra thì cũng không dám nhắc, vì ai ai cũng kính nể, nữa là hai vợ chồng lão chủ … khách hàng, sang hèn chẳng ai dám một lời nói hay một cử chỉ thô tục trước mắt nàng.
Trong đám người ngưỡng mộ giai nhân, có Lê Thiết Lực, cận vệ của An Trung Hầu phủ Trịnh, thường kiếm cớ quân vụ sang sông đến quán.
Thiết Lực, thuộc hạng «văn hóa có hạn». Thường thường chén chú chén anh cùng vài đồng đội ở một bàn góc phòng, nhưng cấm các bạn không được nói to cười lớn, chỉ sợ giai nhân nghe thấy thì biến mất cái vẻ tao nhân mặc khách mà anh ta cố tạo vẻ mặt.
Một buổi trưa, mọi người đang vui vẻ trước bàn ăn thì một sĩ quan, theo sau có bốn người đồng phục cảnh vệ, bước vào phòng.
Nàng nhận ra ngay Hồ Tặc, nhưng trấn tĩnh như không.
Tên ấy đập bàn quát tháo:
- Ta phụng mệnh Tả quân Hà Hòa đoàn trưởng, đến đây bắt nữ can phạm Đèo Sơn Vân, trốn tránh hơn năm nay, tội gián điệp cho Keo Chất và bọn phản tặc Lê Duy Mật.
Nàng bình tĩnh trả lời:
- Ta là Đèo Vân Sơn đây. Nhà ngươi là đồ ác quỷ. Mi đã mưư mô với tả quân Hà Hòa vu oan cho ta, giết hại người nhà ta, lại bắt em trai ta bán cho ai, hôm nay phải khai ra.Nay mi trở lại đây, là trời quyết định phạt tội ác của mi. Xin chư vị anh hùng chặn hết các cửa, không cho bọn ác quỷ này chạy thoát ».
Mọi người ngạc nhiên nghe nàng kể tội Hồ Tặc, một số đứng lên võ khí cầm tay, chặn hết lối thoát.
Hồ Đức Kỷ không nao núng:
-Nữ tặc không được nói càn. Oan hay không oan, ta cứ bắt về tra cứu. Nếu oan sẽ định liệu.
-Nói rối lăm lăm tay kiếm, ra lệnh cho bốn tên cảnh vệ sẵn sàng võ khí.
Trong phòng ăn, vài người sợ liên lụy, ngồi yên tại chỗ, còn phần đông nhất định không để nàng bị bắt, kẻ chặn cửa, người sẵn sàng can thiệp.
Hồ Tặc cũng bắt đầu bối rối. Lê Thiết Lực, đứng dậy đến cạnh nàng nói thầm:
- Đèo tiểu thư đùng ngại, có tôi đây.
- Cám ơn tướng quân can thiệp, nhưng xin đừng giết hắn vì tiện nữ có một điều muốn hỏi hắn. Tướng quân nhớ bắt sống hắn.
Thiết Thực gật đầu. Hồ Tặc đứng xa không biết hai người nói gì, hắn quát tháo:
- Súc sinh kia không được đồng lỏa với can phạm, nếu không ta bắt cả nhà ngươi.
Thiết Lực: - Nhà ngươi không được nói càn. Ta đây, tên Thiết Lực, họ Lê, chỉ huy Trung đoàn cận vệ Trịnh phủ, lại được quyền ủy tư pháp của An Trung Hầu hình sự viện … can phạm tội gì, ta muốn biết?
Hồ Tắc rút túi đưa cho Thiết Lực đọc tờ khai ký tên Đèo Vân Sơn. Thiết Lực đưa mắt cho nhân viên mình … mấy người này sẵn sàng. Đọc xong tờ khai, Thiết Lực nói lớn:
- Tờ khai này ta tuyên bố giả mạo, không giá trị.
Dứt lời, xé làm mấy mảnh vất xuống đất. Một tên cảnh vệ cúi xuống nhặt mảnh vụn thì nhanh như chớp Thiết Lực phóng một dao găm, trúng bàn tay tên ấy. Tên này đau đớn nhăn mặt rút con dao cắm ngập ở tay, kêu thét chạy ra ngoài, nhưng bị cản đường, đành ngồi xuống tự buộc vết thương.
Thiết Lực quát lớn:
- Nếu nhà ngươi còn muốn bắt Đèo cô nương thì phải lấy đầu ta trước. Mi cùng ta hãy ra sân tranh thủ hơn thua.
Hồ tặc tin ở bản lĩnh của mình, lập tức theo Thiết Lực ra sân. Mọi người xúm quanh coi cuộc đấu. Trong số chứng kiến có một tráng sĩ, võ phục toàn chàm, thắt lưng và khăn bịt tóc màu bồ quân, đeo trường kiếm chuội bạc chạm, chân di hải sảo đen. Chàng đến gần ghé tai nàng:
- Sơn Vân con cứ yên trí. Để mặc hai tên này tranh đấu. Sự thực hai tên này chẳng ai tốt hơn ai. Từ nay có ta kín đáo bảo vệ. Xong chuyện này ta phải đi ngay có việc cần. Con muốn biết ta là ai, cứ coi trang sách thứ mười hai, cuốn Tư Mã thiên, ta để lại trong phòng quán trọ.
Kể tới đây, Quang Anh, ngừng vài phút, uống ly trà nóng, nói:
- Quốc Đức con, cha cám ơn con không ngắt lời cha. Cha phải rành mạch kể chuyện, con mới hiểu lịch trình biến chuyển tâm tình của cha.
Chúng ta trở lại sân quán trọ.
Cuộc đấu của hai người Thiết Lực và Đức Kỷ kéo dài tới sáu bảy chục hợp mà chưa phân. Cuối cùng, Thiết Lực có phần kém thế, vì lùi tránh một đường kiếm. Thiết Lực chạm gót gốc cây, ngã ngửa trên mặt đất. Đức Kỷ nhảy tới tay phảI định đưa lưỡi gươm vào ngực đối phương thì như hai ánh hào quang, Sơn Vân phóng hai lưỡi trúc đao, một lưỡi xuyên qua khuỷu tay phải của Đức Kỷ, gân tay bị đứt, thanh kiếm rơi xuống đất, còn lưỡi thứ hai trúng hạ bộ của y, máu chảy chan hòa.
Hồ Đức Kỷ bị thương đau đớn tìm đường tẩu thoát thì Thiết Lực đã đứng dậy.
Sơn Vân quát to: - Xin đừng giết hắn!
Thiết Lực làm như không nghe thấy, giơ gươm từ từ đâm chết Đức Kỷ, mọi người lạnh lùng trước cử chỉ đớn hén ấy. Còn Sơn Vân định phóng trúc đao thứ ba sát hại Thiết Lực, nhưng đổi ý, nghĩ rằng y là đại diện chính quyền, còn phải dùng sau này.
Trong khi ấy nhân viên của y đã bắt giữ được bốn tên cảnh vệ. Thiết Lực tra hỏi bọn này thì ra đều là cảnh vệ giả, Đức Kỷ thuê họ đi làm việc riêng của mình hôm nay. Thiết Lực ra lệnh chém cả bốn, nhưng nàng can thiệp tha cho họ, đuổi đi. Bốn người cám ơn nàng đã cứu chết, chạy mất …
Nàng cố nén thất vọng vì cái chết của Đức Kỷ, từ nay không biết hỏi ai về tung tích của Nhật Tú.
Thiết Lực sai gia nhân lấy nghiên, bút, giấy, thảo tờ chứng chỉ nhận rằng chính tay y bắt buộc phải hạ sát Hồ Đức Kỷ vì «tự vệ», thêm rằng Đức Kỷ đã giả danh cảnh vệ đi cướp bóc dân chúng. Y cho phép dân làng mai táng, xong ký tên đóng dấu với chức tước: Chỉ huy cận vệ Trịnh phủ, phân khu Hình Sự Viện, quyền ủy An Trung Hầu.
Nhờ vậy,mọi người kể cả chủ quán, không ai liên lụy.
Nàng nói cho dân làng biết tội ác của Đức Kỷ,và y đã giết hại ba người nhà, nghĩ là ba gia nhân của chúng ta. Nàng cùng dân làng làm lễ tế ba người trước mộ của Đức Kỷ, nàng mặc áo trắng, khăn tang, khóc lớn: « Thưa ba chú, ba chú chết oan vì cháu, bây giờ cháu mới trả thù được cho ba chú, nếu ba chú khôn thiêng xin chứng giám. Cháu xin thể sẽ không tha Trấn Thủ Sơn Hà và tên tả quân Hà Hòa đã để bố mẹ cháu cùng quân nhân dưới quyền hy sinh ở đồn Tà Lùng!
Khấn dưng ba tuần rượu, nước mắt ròng ròng, cả dân làng giọt lệ chan hòa.
Từ đấy, dân làng biết rõ thân thế nàng lại càng bội phần kính mến.
Nàng cũng không e dè kể hết chuyện trước Thiết Lực. Tuy vũ phu nhưng cũng biết qua lẽ phải, thấy nàng oan uổng  trúng kế hiểm độc của Đức Kỷ, tự nhiên thay đổi thái độ kính nể nàng hơn xưa. Chính hắn lại xin lỗi đã sát hại Đức Kỷ quá sớm, hứa sẽ tự mình góp phần dò xét tung tích Nhật Tú. Thiết Lực là người quen năm thê bảy thiếp, luôn luôn sang quán ăn, chỉ vì muốn lăm le chinh phục giai nhân, vì tình dục, vì kiêu ngạo, không phải vì tình yêu. Hạng người ấy không yêu theo nghĩa tình yêu. Cho nên đổi sang kính mến cũng dễ dàng, phần lớn cũng vì sức mạnh chinh phục và cải hóa của nàng.
Hai vợ chồng chủ quán cũng đươc cải hóa. Họ xây cất nhà riêng, khang trang, lịch sự cho nàng, cả làng bắt tay giúp việc, nên chỉ mấy tháng là hoàn thành. Nàng nói với cha là tiền của vào nhà này như nước, chỉ có hơn năm trời, mà cơ ngơi khuếch trương đến bốn năm lần hơn trước. Du khách đến đông thành ra làng đột nhiên trở nên trù phú nhất vùng.
Thuyền ngang đi lại tấp nập ngày đêm, từ Kẻ Chợ sang đây, hội tao đàn, hội cờ, các thứ hội đươc tổ chức lan sang cả các làng lân cận. Tưởng như  đây mới là Kinh Đô văn học. Đó là cách đây hai chục năm, gần đây cha có qua thăm, phồn vinh vẫn không kém ngày xưa. Nói là vì nàng mới có ngày nay thì cũng không phải ngoa ngôn.
Về vấn đề an ninh, nàng được dân làng,  đại diện chính quyền Thiết Lực bảo vệ. Còn bí mật, có tổ chức của tráng sĩ áo chàm...giúp đỡ.
Hôm đó, y lời dặn dò của tráng sĩ áo chàm, nàng về phòng tráng sĩ, lấy bức thơ ở trang 31, quyển Tư Mã Thiên ; nàng đọc:
 Sơn Vân con,
Ta là cậu của con, tên Chu Nông Tịch, em của mẹ con, Chu Nông Lan, Cậu đi vắng từ ngày cháu mới lọt lòng, nên không biết cậu. Dời nhà đi phiêu lưu, sang Trung Quốc, gia nhập phái Thiếu Lâm, tại một ngôi chùa thuộc Hồng Châu. Mới đây trở về thấy thành Tà Lùng đã thất thủ từ mấy tháng trước. Dò hỏi những người sống sót, biết hai cháu đã đi xa. Theo hành trình của hai cháu thì biết hai cháu đã lâm nạn. Vợ chồng Hồ Đức Kỷ là thủ phạm ; cậu theo dõi hai tên này mấy tháng trời. Đêm qua hắn về nhà đánh đập tra tấn vợ hắn, mụ khai đã bán cháu cho quán trọ này nên cậu vội đến đây trước. Quả nhiên gặp cháu nhưng cậu chưa thể ra mắt vì còn nhiều việc phải làm. Coi qua tình hình hôm nay, đối phó với Hồ Đức Kỷ không cần cậu nhúng tay, nên cậu chỉ đứng ngoài quan sát ; lại thấy tài phóng trúc đao của cháu, nên cậu yên trí đôi phần. Tuy nhiên cậu để một số đồ đệ bí mật bảo vệ cháu. Cậu đi vắng, ít ngày nữa sẽ trở về. Cháu hứa với cậu, nếu Lê Thiết Lực có đề nghị gì, phải cần có cậu cho ý kiến.Cậu về nước lập ra Hoa Nam môn phái, cháu sẽ nghe nói đến luôn.Tên chủ tướng Mãn Thanh phá thành Tà Lùng, giết hại bố mẹ cháu đã bị cậu cho thủ tiêu ở Quảng Đông, còn Trấn Thủ Sơn Hà, cậu hãy để tội hắn sau này định liệu.Còn về tung tích của Nhật Tú có thể cậu sắp thành công, cháu yên tạm chờ đợi, không được bạo động.Họ Đèo không còn ai, từ nay cậu lãnh nhiệm vụ chủ gia đình ; cháu nên cẩn thận đề phòng, việc gì quan trọng nên hỏi ý kiến cậu hay người thay mặt, người này sẽ đến tìm cháu mỗi khi cần.
Bức thư cậu để ở trang 31 cuốn sách, không có gì bí mật, chỉ vì cậu liên tưởng đến số phận không may của mẹ cháu, mới 32 tuổi đã phải hy sinh vì Tổ quốc.
Ngày hội ngộ cậu cháu ta sẽ gần đây thôi.
Theo sau, ngày tháng và ký tên của Chu Nông Tích.
Đọc xong, Sơn Vân vô cùng sung sướng, từ nay có ông cậu thay cha mẹ. Nhưng thấy cậu không cho phép mình có sáng kiến, nàng hơi phật ý.
Chờ đợi mấy tuần không có tin tức của cậu Chu Nông Tích, nàng bắt đầu nóng ruột, thì từ Kẻ Chợ có tin đồn, Trấn Thủ Sơn Hà đã bị ám sát ; người ta khám phá mưu mô của phản tặc này: hắn đã thông lưu với quân đội Mãn Thanh, cho nên bỏ mặc thành Tà Lùng chi địch tiêu diệt. Nay hắn bị ám sát kể cũng đáng đời.
Tả quân Hà Hòa nghe tin ngày đêm lo sợ, cho người canh phòng cẩn mật. Hắn ta cũng không biết Hồ Đức Kỷ đã bỏ mạng vì tội ác gây ra mà chính hắn ta cho phép.
Người kinh kỳ thì thào bàn tán, mọi việc đều cho là do Lê Thiết Lực gây ra  nên ai cũng sợ hãi e dè mỗi khi gặp hắn.
Còn về Sơn Vân, đọc lại thư ông cậu, nàng không vui lòng lắm. Ông này đi vắng từ lâu, lại ở ngoại quốc theo phái Thiếu Lâm, võ phái nổi tiếng, chắc là đã quên hết phong tục tập quán nước nhà, thế mà đã vội nắm quyền gia đình. Ông cậu này có lẽ chưa vợ, chắc chắn khó tính, nên lời thơ nghiêm khắc. Ông ta chưa biết nàng mới mười sáu, nhưng hai năm học hỏi trường đời, dùng thông minh suy luận, thành công lớn trong việc tự bảo vệ mình. Ông căn dặn coi chừng Thiết Lực, chắc chắn ông ông biết đối với Thiết Lực nàng đã qua giai đoạn « nhờ cậy » từ lâu, mà nay đã sang thời gian « sai bảo ». Ông không biết cái tế nhị, cái trực giác bẩm sinh trời cho phái nữ? Ông lại chẳng hay vì nàng khéo xử thế, khéo lợi dụng thời cơ nên đã đưa vùng này từ nghèo nàn đến phồn thịnh chấn hưng? Nay nếu tuân theo thơ thì nàng trở lại người con gái yếu hèn khi trước.
Nàng bỏ bức thư vào ngăn kéo quyết định trái lời ông cậu, cho gia nhân sang kẻ Chợ mời Thiết Lực.
Sau khi nghe nàng giải thích dự định gây dựng một nơi liên lạc ở Kẻ Chợ, hắn hoan hỉ cho nàng mượn một tòa nhà khang trang tại phường Hàng Giấy để mở hội Tao Đàn. Hắn bỏ toàn vốn, nàng nói chủ tâm không phải vì tài chính, nhưng ra vẻ biết điều, hắn tuyên bố sẽ dành cho nàng một phần lớn … Hắn chưa bỏ mộng chinh phục giai nhân bằng những cử chỉ quảng đại.
Đêm khánh thành, mấy trăm người dự, tao nhân, mặc khách, vương tôn, khanh tướng chen chân nghe nàng thuyết trình Đường thi trong ba đời Sơ, Thịnh, Suy, và ảnh hưởng tới văn thơ nước nhà … Cử tọa cực lực hoan nghênh, vì chưa bao giờ nghe trình thuyết theo lối suy luận như vậy. Thiết Lực cùng An Trung Hầu, ngồi ghế danh dự, hãnh diện, oai phong.
Vì nhà này thuộc khu ca trù của kinh thành nên tình trạng có vẻ mập mờ … Thiết Lực khôn ngoan không hề cải chính mà chính nàng cũng muốn như thế. Chủ tâm hai việc: thứ nhất là tung tích Nhật Tú. Nàng nói chỉ vài tháng nữa một lời nàng là hàng ngàn người nhúng tay giúp đỡ … Thứ hai nếu uy thế lên cao, nàng sẽ tính chuyện lớn như các đứng nam nhi thường ấp ủ trong tâm can …
Lắm lúc soi gương, nàng cũng tụ hài lòng nhan sắc diễm kiều măng trẻ, nhưng cũng tự biết trí óc, tâm tình đã già hơn tuổi nhiều năm.
Bề ngoài làm những ai nông nổi tưởng nơi đây chỉ là một thanh lâu cực kỳ sang trọng đắt tiền, nhưng bên trong, tất cả mọi người được nàng tiếp riêng, không ai bờm sơm cợt nhã. Càng giữ vững trong sạch, tân khách càng nể vì kính mến.
Chu Nông Tích, ông cậu khó tính ấy cũng phải theo cô cháu, vẫn tổ chức bí mật bảo vệ nàng. Hai nữ tỳ luôn cạnh nàng trong khi tiếp kiến tân khách là người của ông cậu, cũng thuộc võ phái Hoa Nam, học trò của ông. Còn về phần Thiết Lực, gia nhân của hắn lúc nào cũng sẳn sàng đối phó.
Hồi đó chúa Trịnh Doanh lên ngôi đã 15, 16 năm, nhưng dân gian vẫn còn nhớ cách cai trị tàn ác của chúa Trịnh Giang, anh ông ta. Từ Kẻ Chợ đến thôn quê tâm trạng lo sợ vẫn chưa nguôi. Vì vậy, mọi người né tránh chính quyền, và oai phong Thiết Lực ngày càng lớn.
Đêm gặp nàng, mấy người bạn và cha ngõ ý muốn dùng võ lực cướp ra khỏi nơi ấy thì nàng mỉm cười:
Không ai có thể cướp tiện muội. Thứ nhất võ phái Hoa Nam có nhiều người ở đây, thứ hai, nhân viên của Thiết Lực khắp phố, khắp phường … nhưng chỉ huy ở đây là tiện muội.
Cha ngỏ ý muốn đưa nàng về Kinh Bắc, thì nàng trả lời cần suy nghĩ, vì nếu theo cha thì nàng bỏ hết công cuộc đang tiến hành … khuôn mặt bình thản của nàng trái ngược với thái độ khi chạy đến ôm cha khóc nức nở.
Nàng thêm: kể từ ngày hôm nay, cho đóng cửa hội Tao Đàn ít ngày để bình tĩnh suy nghĩ, nhưng lúc nào cũng sẳn sàng tiếp cha.
Cha cùng các bạn cũng bội phần bối rối. Cha thì nóng ruột muốn đem nàng đêm ấy rời ngay Kẻ Chợ, về Kinh Bắc giao cho mẹ con trông nom, còn cha sẽ tiếp tục đi tìm Nhật Tú. Nhưng trước thái độ của nàng, cha đành cùng các bạn cáo từ khi trời đã rạng động.
Cha và mấy người bạn vô cùng lo ngại: Tiếng Hội tao Đàn phường Hàng Giấy đến tai chúa Trịnh Doanh. Chúa cho gọi Thiết Lực vào chầu. Chúa muốn vi hành đến Hội Tao Đàn. Lại thêm con trai của chúa tên là Sâm, nổi tiếng văn chưong lỗi lạc cũng muốn đến. Thiết Lực vì hy vọng thầm kín, không muốn chúa Sâm gặp nàng, nên dùng kế hoãn binh, lấy cớ an ninh chưa vẹn toàn. Cha cũng như Thiết Lực, biết chắc nếu chúa Sâm thấy nàng thì mất hẳn, không còn ai gặp lại nữa.
Tình trạng cấp bách.
Có lúc cha nghi nàng dụng tâm muốn gặp Chúa Trịnh, nghĩa là người quyền thế cao nhất nước, để ảnh hưởng, để lung lạc, làm thay đổi cục diện nước nhà. Có thể lắm! con người thông minh ấy chắc có nhiều dự tính thầm kín … cái thông minh đột khởi từ ngày đối phó với vợ chồng Cả Vổ, chủ quán trọ Bến Sông, khi nàng từ giã thời kỳ ngây thơ hồn nhiên của người sơn cước quen sống với thiên nhiên tốt đẹp, để sang thời kỳ bắt buộc luôn luôn tự vệ giữa xã hội người kinh đầy cạm bẫy ác hung.
Cái đêm ô nhục Từ Sơn vẫn theo đuổi nàng. Có thể nàng chủ tâm thầm kín tổ chức trả thù nam giới chăng? Ngày cuộc đấu Đức Kỷ - Thiết Lực, nàng đã phóng hai mũi trúc đao, một để cứu Thiết Lực, một để trả thù đêm Từ Sơn, tác động tự nhiên, không  suy tính trước.
Về phần Thiết Lực, hắn hoàn toàn thay đổi, không hung hăng tàn bạo như khi xưa, lại có gắng học tập văn thơ. Trong thâm tâm, hắn không quên ngọn trúc đao cứu mạng của Sơn Vân, nên cái nhìn thèm muốn biến thành kính nể, mến thương. Cái tế nhị ấy, ông cậu Nông Tích chắc không hiểu nổi?
Tâm trạng từng người như thế, cho nên dễ dàng kiếm ra giải pháp sau buổi họp cuối cùng giữa bốn người, nàng, ông cậu, Thiết Lực và cha.
Ba người nhất tâm vì nàng. Tùy nàng lựa chọn đường đi. Nàng gắng hỏi cha lần cuối. Cha trả lời là cha cũng tuân theo ý nàng, nhưng cha không bao giờ muốn mất nàng, nay tìm thấy lại, cha không để mất nàng lần này, vậy từ này nàng ở đâu thì cha cũng ở gần, nếu không bên cạnh.
Bắt gặp khéo mặt dịu hiền đầy cảm tình khi nàng nhìn cha, cha hy vọng nàng nghe lời cha. Cha tự kiêu lúc ấy, cho mình là người đầu tiên đến đời nàng vì trường hợp bất ngờ ở thành Tà Lùng. Và lúc bỏ thành, xuống chân núi cheo leo dốc đứng, có nhiều quãng cha phải địu Nhật Tú trước ngực, còn nàng, cha cõng sau lưng. cái cảm thông giữa nàng và cha trong lúc hiểm nghèo ấy, cha không quên, mà chắc nàng vẫn nhớ.
Sau cùng, nàng quyết định bỏ hội Tao Đàn, nhưng không muốn về Kinh Bắc. Vì vậy, cậu Nông Tích, Thiết lực và cha thu xếp cho nàng lánh mặt ở phường Bích Câu. Cha về quê  mời bà Tuyết, vú nuôi cha đến trông nom nàng thay cha.
Từ ngày về Bích Câu, ít khi nàng ra khỏi cửa. Trên phòng gác trông ra mặt hồ, nàng chuyển sang hội họa, viết văn bằng lối chữ mới mẫu tự La Tinh, nhiều bài thơ Đường luật và Hàn Môn Tinh Sử, dưới hai hình thức, tiểu thuyết và diễn ca đại chúng, thể lụt bát, được mọi người thưởng thức.
Mấy lần, cha ngỏ ý đưa nàng về thăm Kinh Bắc, nàng thoái thác hẹn lần.
Quốc Đức con, cha không phải là siêu nhân như cha đã nói ; việc cha đi vào tội lỗi đối với mẹ con, cũng bất ngờ.
Một hôm, khi qua Phường Tả Nhất (1), để điều đình sản xuất quạt lụa hoa, lúc trở về qua phường Xã Đàn (1) và phương Đông, cha ngạc nhiên thấy chưa tối mà nhà tư, cửa hàng đều cửa đóng then cài.
Khi qua phường Đường Nhân, phường Đông Các, phường hàng Đào (1), là nơi tập nập ngày đêm, mọi nhà cũng đều đóng của, cảnh vệ phường tuần tiểu cẩn mật. Cha không hay trước vì mới từ Kinh Bắc sang đây.
Cha giục ngựa đến tư gia Thiết Lực, thì người nhà cho hay hắn phải vào Trịnh phủ từ sáng sớm.
Cha liền giục ngựa phi về Bích Câu. Tới nhà nàng thì đêm đã xuống, vừa lúc ấy, tiếng hò reo vang dậy. Lên lầu cao, nhìn thấy lửa cháy nhất trời ở phường Hồng Mai và lân cận. Đó là bọn quân tam Phủ tranh chấp với mấy đoàn côn đồ ở phường Đông Tác để trả thù vụ mấy binh sĩ phủ Trịnh bị quân Hoàng thành, cung Lê, được bọn côn đồ giúp sức, đánh cho đại bại ở hồ Thủy Quân (1), có người phải bơi qua hồ chạy trốn..
Cậu Nông Tích cũng không thấy tăm hơi, cho nên cha ở lại nhà nàng đêm ấy, và chính đêm ấy, cha đã phản bội mẹ con.
Hôm sau, cậu Nông Tích, Thiết Lực và cha gặp nhau ở Bích Câu. Cha thú tội. Cậu Nông Tích nổi lôi đình, rút trường kiếm … cha ngồi yên … may có Thiết Lực can ngăn.
Nông Tích quát to:
- Ta không ngờ Quang Anh đã phản bội tinh thần anh hùng võ đạo, làm ô nhục cháu ta … đi vào chuyện đảo ngược luân thường, tội này không thể tha thứ …
Thiết lực tức giận:
- Còn đối với ta, Quang Anh đã phản lời hứa. Cả hai chúng ta không ai được động chạm đến Sơn Vân, mà ngày nay anh đã gây tội lỗi, ta cũng không tha thứ …
Cha nhất định không chống đỡ, dù có mệnh hệ nào bởi vì cha chẳng còn mặt mũi về Kinh Bắc trông thấy mẹ con.
Nàng đúng giữa ngăn cha va hai người kia, nàng chùi nước mắt:
- Thưa cậu, thưa anh Thiết Lực, lần đầu tiên nàng gọi Thiết Lực là anh, hôm nay Sơn Vân khóc, không phải khóc đêm qua, mà khóc đêm ô nhục Từ Sơn, thân Sơn Vân đâu còn tuyết sạch giá trong mà cậu nói đến luân thường đạo lý? Cậu đi vắng, chưa hiểu được nỗi lòng của người cháu này, có những đêm bừng tỉnh sau giấc mộng, Sơn Vân khóc thầm thâu đêm suốt sáng? Còn anh Thiết Lực, Sơn Vân em, em không bao giờ quên ơn anh , khi còn ở Bến Sông, anh đã không dùng võ lực, uy quyền, trái lại, anh đã che chở Sơn Vân như đối với em gái anh, hôm nay, Sơn Vân thú thực đã thương yêu Quang Anh từ khi anh địu Nhật Tú và cõng Sơn vân qua khỏi hiểm nghèo thành Tà Lùng … cho nên đêm qua, Sơn Vân đã cố tình. Tội lỗi trăm phần về cả Sơn Vân.
Cha đỡ lời:
- Không, tôi xin hoàn toàn chịu lỗi, lỗi đã không kìm hãm nổi tình yêu. Sơn Vấn cứ nhắc mãi đêm Từ Sơn, mà nàng bị gian tặc hành hung bất tỉnh, thì chỉ là ô nhục thể chất thôi, nàng không thể chống đỡ. Nhưng đêm qua, tội kẻ hàn này mới nặng, vì đã làm ô nhục tinh thần nàng, lại thêm đồng thời phản bội vợ hiền Kinh Bắc.
Nay nếu cậu và Thiết Lực không tha thứ thì kẻ hèn này cũng không cầu xin tha thứ, trừng phạt cứ việc, kẻ hèn này sẳn sàng đón nhận.
Thiết Lực tra kiếm vào vỏ, đứng lên, cầm hai tay Sơn Vân, không giấu nổi xúc động, run run giọng nói:
- Đây lần đầu tiên cầm tay Sơn Vân, cầm tay để nói những điều này, cầm tay để Sơn Vân thông cảm tấm lòng thành thực của anh. Nếu đêm qua, anh là Quang Anh chắc chắn anh cũng không thoát « tội trời ». Không phải nói bây giờ, người em gái của anh, quốc sắc thiên hương, ngay từ buổi đầu gặp gỡ, em đã làm cho người anh này nhiều đêm không ngủ. Em có biết không? có biết không? Chỉ cần một lời anh đã theo em lên mạn ngược, bỏ hết sự nghiệp, danh vọng, tiền tài. Không có gì đáng kể nữa nếu Thiết Lực này có Vân Sơn … Thiết Lực này xin giữ hàng anh cả. Em Sơn Vân có biết không? Em đã cải hóa được tấm lòng mà Thiết Lực tưởng là sắt đá. Nếu gặp em lần đầu thì Thiết Lực này chẳng bao giờ qua tội ác. Trước đây, những tội ác ấy Thiết Lực tưởng vì bổn phận, vì chúa, vì vua, vì quốc dân. Nay nhờ em anh mới hiểu đâu là bổn phận nam nhi. « Nhân chi sơ, tính bản thiện ». Anh về thiện là nhờ em! Dù em không nói chuyện Từ Sơn, anh cũng đã biết vì Thiết Lực này có cho nhân viên điều tra ở Từ Sơn, nhưng cấm nhân viên không được tiết lộ làm hại thanh danh người em gái. Đã cho đặc vụ đi bắt Hồ tặc, đang tiến hành thì chính hắn mang thân về Bến Sông.
Hôm ấy, Thiết Lực anh, không quên « ai » đã phóng trúc đao cứu mạng. Nhưng anh đã cố tình hạ sát Hồ tặc, dù cử chỉ ấy mọi người chê cười. Trước hết lo sợ cho em, không muốn rắn độc trở lại, thứ hai, là vì … là vì … xin thú thực liên tưởng đến đêm Từ Sơn … em có hiểu không? Mà lúc nẫy quát mắng Quang Anh cũng chỉ vì ghen tức mà thôi.
Hiện giờ, trong mấy ngườI, Thiết Lực này còn sáng suốt. Vậy xin thay mặt tất cả dề nghị là không ai tội lỗi, vậy chẳng ai tha thứ cho ai.
Thiết Lực nói tới đây, trao hai tay Sơn Vân cho Quang Anh:
- Đây là anh cả trao cô em gái cho Quang Anh. Em phải thu xếp ổn thỏa để giữ hạnh phúc mọi người.
Nàng ôm lấy cha, khóc nức nở, liếc nhìn Thiết Lực cám ơn. Thiết Lực quay mặt đi, chùi trộm dòng lệ không cầm nổi. Thực chẳng ai ngờ Thiết Lực đã có những lời nói anh hùng hiển hòa như vậy. Có thể lần đầu tiên chàng thổ lộ tâm can …
Còn Chu Nông Tích thấy ba trẻ ăn nói tự do, tự nhiên, thì ông ta nhìn thấy lưỡi kiếm cầm tay thực là « vô duyên ». Ông tra kiếm vào vỏ, mà cũng chưa kịp hiểu thấu những câu thổ lộ tâm tình của ba người kia.
Sau cùng, cậu Nông Tích bắt nàng và cha làm lễ thành hôn trước bàn thờ Đèo quan lang và phu nhân Y Lan. Cha ngỏ ý hai người về Kinh Bắc thú tội với mẹ con, thì nàng nói với cha hãy trì hoãn, việc này phải chờ tìm thấy Nhật Tú mới định liệu …
Thế là nay lần mai lữa, cha cũng quen đi vào giấu giếm, để chiều ý nàng. Rồi sinh ra hai em gái con. Nàng không được thực sự vui sống. Cha hết sức lo lắng, vì mỗi khi nhận thất nét buồn trên mặt. Cũng hồi này người ta chưa hết bàn tán đến nữ danh nhân Đoàn Thị Điểm mất ở Nghệ An cách đó năm sáu năm. Sơn Vân có lần tỏ ý ân hận đã đi theo tiếng gọi của tình yêu mà bỏ hết tham vọng chính trị nàng gây dựng ở Hội Tao Đàn. Nàng cho là nếu gặp chúa Trịnh Doanh hay con ông ta là Trịnh Sâm thì nàng đề nghị mở kỳ thi riêng cho nữ giới, tuyển dụng nhân tài vào ngành giáo dục hay ngành chuyên môn quản lý kinh tế như bà thời trước …
Mới đầu cha cho là ảo vọng, nhưng nay nghĩ lại thấy nàng có lý, nên đôi khi cha hối hận đã cản trở đường tiến thủ của một nữ tài …
Được ít lâu nàng nói với cha:
- Thiếp âm thầm lặng lẽ vào đời chàng, thì nay thiếp xin chàng để thiếp âm thầm lặng lẽ đi ra. Thiếp sửa soạn hai ba tháng nữa đem con về miền sơn cước của thiếp. Thiếp thực chán ghét nơi thành thị đầy tội lỗi này. Nếu chàng còn thương yêu, xin y lời thiếp!
Cha luống cuống không biết xử trí ra sao, cha không muốn mất nàng và hai em con. Đi vấn kế Thiết Lực. Anh ta cũng không muốn mất người em gái mà anh thực tâm quí mến.
Vì vậy, Thiết Lực và cha thu xếp đem nàng và hai con lên Trung Vân, từ đó lấy tên là Lâm Nguyệt Ánh, và hai con là Lâm Quế Anh và Lâm Quế Ngọc.
Quế Anh họ Lâm là em gái con! Nay con hiểu tại sao cha phản đối!!!
Quang Anh kể đến đây thì ánh dương đã soi nước Tây Hồ. Vừng đông đang nhuộm hồng mây nước.
Quốc Đức cảm thấy thoát khỏi cơn mê, vừa mừng vừa tiếc. Tiếc mối tình đầu đã đặt nhầm nơi, mừng vì nếu cha không kể chuyện thì chàng đã sẵn sàng vượt khỏi vòng lễ giáo cùng Quế Anh đem nhau đi một phương trời xa lạ như hai vai chính trong « Hàn Môn Tình Sư », mừng đã thoát khỏi một tội phi luân …
Sau câu chuyện dài thâu đêm, Quang Anh thất mỏi mệt. Chàng  dựa lưng trên gối. Quốc Đức từ từ chèo thuyền về Chiêu Vân Các.
Chàng hỏi cha:
- Tại sao ông Thiết Lực và cha không bao giờ lên Trung Vân?
- Vì dì con ( lần đầu tiên, Quang Anh dùng chữ « dì » ), có lẽ muốn trừng phạt chăng? Dì con không muốn cha và ông Thiết Lực để chân đến Trung Vân. Chắc chắn là dì con không biết con đến thụ giáo Quới Đắc thiền sư. Chính cha cũng không biết, nên chẳng ai đề phòng.
Bỗng nhiên Quốc Đức ngừng chèo lấy tay gạt hai hàng lệ trào lan trên má. Tình yêu Quế Anh đã biến đi, nhung thay thế bởi tình thương bao la. Chàng thương hai em gái Quế Anh và Quế Ngọc. Chàng hỏi cha:
- Như vậy là khi lên Trung Vân Quế Anh mới hơn hai tuổi và Quế Ngọc còn bế bồng, như người ta kể lại cho con. Tại sao hai em không biết cha là bố chúng nó?
- Đó là quyết định của dì con. Dì con không muốn các em con biết dì con có những chuyện không hay từ ngày rởi khỏi thành Tà Lùng. Thêm là dì con không muốn hai con biết mình chỉ là bực tiểu tinh … Đấy là cha đoán thế thôi. Từ ngày dì con đến Trung Vân, cha không được gặp nữa. Bà cả Bình và vú Tuyết thỉnh thoảng tìm cách cho cha biết tin ba mẹ con. Thế thôi. Có thể một ngày nào, cha sẽ thú thực với mẹ con, nếu mẹ con cho phép, sẽ đón về … nhưng cha chỉ nói với mẹ con khi nào dì con quyết định.
Chuyện này xin con coi như bí mật giữa hai cha con ta.
Lại một đêm không ngủ, Quốc Đức chia thời khắc cho tiếc hận, cho tiếc thương, cho nghi ngờ, cho tin hẳn … và sau cùng cho cam chịu.
Sáng sớm, cho sửa soạn cùng hai gia nhân, lên đường về Kinh Bắc.
- Xin cha về nói với mẹ con, tuỳ mẹ con định liệu. Cứ xin Quế Anh xưởng ta cho con, con bằng lòng lập gia đình, nhưng con chưa muốn về nhà. Con ở lại đây học tập như cha muốn.-
Quốc Đức ra cửa tiễn cha, dứng nguyên ngưỡng cửa, chờ tới khi không còn nghe vó ngựa dập dồn trên đường xa, giờ này còn vắng bộ hành.
Quang Anh cùng hai gia nhân, ba tuấn mã, giong ruỗi đường đi Kinh Bắc, nóng ruột về nhà, đến trạm ngựa Từ Sơn, trời chưa sáng hẳn.
Trên ngựa, suy tư mung lung, Quang Anh cảm thấy đã trút bớt gánh nặng trong lương tâm, nhưng vô cùng tiếc hận, vì giấu giếm đến giờ phút này, Quế Anh và Quế Ngọc cũng không biết mình là phụ thân.
Quang Anh không theo đạo Gia Tô  nhưng lời thề ở Thánh đường Phố Hiến cứ theo đuổi chàng từng giây phút. Thân này muốn sẻ làm hai cũng chẳng giải quyết được … vừa hối hận đã phản bội Xuân Thảo, lại vừa nhớ người tình Nguyệt Ánh. Muốn lên thẳng Trung Vân, nhưng đã trót hứa thì bây giờ chỉ khi nào tìm lại Nhật Tú mới có cớ đến thăm.Quang Anh thở dài, kết luận: thôi chả làm gì hơn, cứ việc trông chờ, tới đây hay đó, hiện nay việc cần là giải quyết chuyện hôn nhân của con trai. Nghĩ tới đây thì đã đến nhà.