hững ngày nghỉ rồi cũng tới, Amanda Corning, con gái của ngài Đại sứ cũng có dịp được trở về với gia đình. Giống như tất cả những gì mà ông bà Đại sứ đã mong đợi, cô con gái là một thiếu nữ có mái tóc vàng óng ả, một thân hình đầy nữ tính, khuôn mặt trẻ trung tràn trề nhựa sống. Cô luôn toát lên vẻ đẹp lạ kỳ và hấp dẫn mê hồn của một hoa khôi người miền Nam vừa học hết năm thứ nhất tại trường Đại học Sweetbriar. Theo chủ ý của vợ chồng ông Đại sứ, D. Marnin được giao nhiệm vụ đưa nàng đi thưởng thức các món ăn nổi tiếng của địa phương tại nhà hàng Diamond, các món ãn kiểu Pháp hảo hạng nhất Sài Gòn ở nhà hàng Attarbea và anh còn được giao tháp tùng cô nàng tới vô số các bữa tiệc cấp Đại sứ khác nhau. Sau những lần như vậy, dưới bóng đèn mờ mờ ảo ảo của căn phòng chung cư, nếu giống như bao nhiêu người khác, anh có thể đi xa hơn nữa, chiếm đoạt cô gái vẫn còn trong trắng ấy, nhưng vẫn còn điều gì đó khiến cho lương tâm anh không cho phép. Trên thực tế, đã có lúc anh hoàn toàn tin tưởng rằng mình có thể ăn nằm với cô con gái mà không hề vấp phải sự phản đối từ phía vợ chồng ông Đại sứ. Chính cô gái cũng đã tạo cho anh rất nhiều cơ hội để thực hiện điều đó. Vấn đề còn lại chỉ là khi nào và ở đâu nữa thôi. Đưa cô gái đến nơi ở của anh rất nhiều lần nhưng không bao giờ anh để chuyện gì đó vượt quá giới hạn của nó. Anh luôn hiểu rằng với hoàn cảnh hiện nay ở Sài Gòn thì bất cứ hành động nào của những nhân viên Đại sứ quán như anh cũng không qua khỏi mắt của vô số các cơ quan điệp vụ trong chính quyền ngụy cũng như các cơ quan an ninh nội bộ của Mỹ. Một trở ngại khác cũng khiến cho anh cảm thấy phân vân đó chính là cái quan niệm mà người xưa vẫn nói: “Bạn hãy nhìn vào hình ảnh hiện tại của các bà mẹ để có thể đoán ra con gái của họ sau này sẽ ra sao”. Đã có đến mấy lần anh muốn thử nghiệm tính đúng sai của cái quan niệm ấy nên sau khi đã uống cùng nhau hai, ba ly rượu Martinis và cả một chai vang của Pháp, dưới ánh sáng lung linh huyền ảo của ngọn nến trên bàn, anh đã ngắm nhìn dáng vẻ yêu kiều, mềm mại của cô gái và cố gắng loại đi những quan điểm riêng tư nhất, nhưng anh vẫn không thấy gì hơn một hình ảnh lờ mờ của phu nhân Patti Lou bằng xương bằng thịt đang ngồi ngay trước mặt mình. Tất cả những điều đó đã khiến cho lòng ham muốn của anh không thể chinh phục được bản thân anh. Ngày 21 tháng 12 năm ấy, trên danh nghĩa chào đón con gái Amanda, Đại sứ Corning đã tổ chức một buổi khiêu vũ rất hoành tráng với sự có mặt của cả ban nhạc gồm sáu nhạc công người Philippines đang chơi cho Câu lạc bộ sỹ quan ở sân bay Tân Sơn Nhất. Vào buổi chiều, bà Corning nhận ra rằng bà cần thêm một số hoa tươi để bày vào giữa tám chiếc bàn tiệc hình tròn mà mỗi chiếc được dành để đón mười quan khách. Chính vì vậy, D. Marnin được biệt phái tới phố Nguyễn Huệ để mua thêm những bông hoa hồng. Theo thông lệ thì những công việc như vậy vẫn được coi là hết sức vớ vẩn và khó chịu, nhưng vì ở Đại sứ quán cũng không còn việc gì hơn mà D. Marnin lại đang muốn có cơ hội chuồn ra ngoài lang thang nhằm giải tỏa cái không khí ngột ngạt tới hơn 80° F nên anh cảm thấy như đây là lý do rất chính đáng. Anh vừa đi bộ dọc theo con phố được mệnh danh là “phố Hoa” vừa tự thưởng cho mình cơ hội được ngắm nhìn một cảnh chiều hôm náo nhiệt của thành phố này. Trên hai bên vỉa hè của đại lộ rộng thênh thang là những sạp hàng đầy ắp hoa quả tươi, bánh kẹo đủ loại. Những người bán rong đang đung đưa những chiếc cột tre có cài rất nhiều những chiếc đèn ông sao hay đèn lồng hình các con vật được làm thủ công bằng những thanh tre và giấy bóng kính nhiều màu. Nhưng có thể nói nhiều nhất trên con phố này vẫn là những chiếc xe đò chở đầy những bó hoa tươi rực rỡ. Ở hai bên vỉa hè, đâu đâu cũng thấy đủ loại hoa khác nhau, từ hoa thủy tiên, hoa trạng nguyên, hoa cúc, hoa lan, hoa huệ, cho đến các loại hoa hồng được mang từ Đà Lạt về. Sau khi mua được bốn tá hoa hồng đỏ tươi và đang cố gắng chen lấy lối đi đến xe ô tô, anh đã đụng ngay vào phu nhân Đỗ Bá Xằng, người cũng khệ nệ xách hai chậu cây hoa nhài và đang cố gắng rướn người lên để xách tiếp chiếc chậu thứ ba. - Ôi, quý ông Marnin. - cô reo lên kinh ngạc. Trong khi anh chưa kịp nói điều gì thì chiếc chậu cây thứ ba trên tay người thiếu phụ bỗng nhiên chòng chành rất mạnh rồi trượt ra khỏi tay cô như chực lao xuống đất. Chuyển nhanh bó hoa xuống thấp, D. Marnin hơi cúi xuống và lao vội tới đưa tay đỡ lấy chậu hoa đang rớt xuống. - Đây rồi - Anh nói trong tiếng thở gấp - Hãy để tôi giúp cô nhé. Mà cô đang đi đâu vậy? - Tôi đang đi về nhà. Hôm nay người lái xe có việc bận nên tôi đã đi xích-lô tới đây. - Một lần nữa... cô cho phép tôi được đưa cô về nhà chứ? Người thiếu phụ thoáng một chút ngập ngừng rồi trả lời: - Được chứ. Mà tại sao lại không nhỉ? Anh thật tử tế quá. Đây - Vừa nói cô vừa đưa cho anh nốt hai chiếc chậu hoa còn lại - Anh hãy để tôi cầm chỗ hoa hồng cho, còn anh thì xách giúp tôi mấy cái chậu hoa này. Quả thật là chúng rất nặng. Khi hai người bước tới gần chiếc xe ô tô, D. Marnin khẽ nói bằng tiếng Pháp với người thiếu phụ: - Con phố này mới đẹp làm sao! - Đúng đấy, ở đây đẹp nhất là vào dịp lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh. - Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những ngày lễ của người theo đạo Thiên Chúa lại được tổ chức tại đất nước này. - Cho tới nay, có rất nhiều người trong số chúng tôi theo đạo Thiên Chúa. Như ông thấy đấy, ngài Tổng thống cũng đã từng có nhiều năm ở trong các tu viện trên khắp thế giới trong đó có cả bang New Jersey. Ra tới nơi, D. Marnin mở cửa xe và xếp hết mấy chậu hoa nhài và bó hoa hồng của mình lên ghế sau. - Thực ra thì ông Diệm không khôn ngoan chút nào khi không trở thành một linh mục như người anh của ông ấy - cô gái nói tiếp - Ông ta đã có thể là một linh mục tốt hơn là một vị Tổng thống còn anh trai của ông ấy thì có thể là một vị Tổng thống tốt hơn là một vị Giám mục. - Tại sao cô lại nghĩ thế? - Bởi vì ông Diệm có thói quen đưa ra các bài thuyết pháp và điều này làm cho mọi người kể cả phụ nữ nói chung cảm thấy chán gắt. Nói đến đây, cô phá lên cười sung sướng vì những lời nói dí dỏm của chính mình. D. Marnin nhìn cô say đắm và nghĩ rằng có lẽ anh sẽ chẳng bao giờ được ngắm nhìn một người phụ nữ nào đẹp mê hồn đến thế. - Chúa ơi, tôi cũng nghĩ vậy đấy. Thoáng thấy ánh mắt trìu mến của anh, Lyly vội nhìn xuống: - Vậy đấy - rồi cô lại ngước mắt lên hỏi tiếp - Thế anh mua tất cả những bông hoa này cho một người bạn à? - Vâng - Anh trả lời trong tiếng cười - đấy là để cho một người bạn của tôi, bà Corning. Chiếc xe Deux Chevaux đã quá cũ và cọc cạch nên D. Marnin luôn phải vất vả với mỗi lần sang số. Anh phải gò mình lên vô-lăng và nhiều lần tập trung hết sức mới có thể vào được số. - Khỉ thật - Anh làu bàu - Nó không còn là một cái xe nữa. Nó phải là một cái que đánh trứng mới đúng. Mà tại sao cô lại cười tôi chứ? - Anh quá to lớn cho cái xe này. Nhìn anh giống như nhân vật Gulliver trong tiểu thuyết Lilliput vậy. Đáng ra anh phải lái một cái xe Chrysler của Mỹ giống như xe của ông Curly vậy. - Đây là của thừa kế... - anh trả lời, rồi cuối cùng cũng vào số được và bắt đầu cho xe tiến ra giữa lòng đường -... từ người tiền nhiệm. Chúng ta đi đâu đây nhỉ? - Đường Phan Đình Phùng ấy. Họ cùng im lặng trong giây lát, sau đó D. Marnin bắt đầu gợi chuyện: - Ông tiến sỹ Bird cũng chơi được đấy chứ? - Vâng ông ấy cũng đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều kể từ khi chồng tôi mất. - Tại sao lại là chúng tôi? - Là hai đứa con gái tôi và tôi nữa. Lúc nào đó tôi sẽ giới thiệu anh với chúng nó. Rẽ phải ở chỗ này này... Họ dừng lại trước chiếc cổng sắt của một ngôi biệt thự gần ngã tư. Một người lính gác bồng súng trường hướng thẳng vào chiếc xe và phu nhân Xằng nôn nóng ra hiệu cho anh ta mở cánh cửa nặng nề. Ngôi biệt thự được xây theo cách không hoàn toàn giống những ngôi biệt thự kiểu Pháp ở đây mà là kiểu nhà có tường trát bằng vữa xtu-cô. D. Marnin xách mấy chiếc chậu hoa đến cửa trước vừa được một người hầu mở ra. - Mời anh vào nhà uống ly trà - Lily nói với anh -Tôi sẽ đi pha bây giờ. Anh vui vẻ nhận lời rồi bước qua cửa giữa đi thẳng vào phòng khách trong khi Lily đi sang phòng bên. Gian phòng nơi anh đang đứng khá rộng với rất nhiều bàn ghế bằng gỗ kiểu Trung Quốc rất nặng nề và được chạm trổ công phu. Ngoài mấy chiếc ghế trường kỷ có đệm còn có bốn chiếc ghế bành rất to đặt xen giữa mấy chiếc bàn cỡ nhỏ. Ở mỗi góc của bộ bàn ghế lớn còn được đặt những cây đèn bàn kiểu của Ý khiến cho cả gian phòng nhìn chật chội như một kho chứa đồ nội thất. Trong góc nhà là một chiếc tủ lạnh hiệu Frigidaire còn mới - một biểu tượng của sự giàu có và thể hiện đẳng cấp cao của rất nhiều gia đình khá giả ở Việt Nam. D. Marnin cũng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy một bức tranh thêu sặc sỡ cảnh hoàng hôn ở vùng nhiệt đới. Đúng lúc ấy Lily quay trở lại với một nụ cười hóm hỉnh: - Nhìn nó gớm ghiếc lắm đúng không? Như cảm thấy mình có lỗi, anh vội lắp bắp. - À, tôi... không... - Đúng vậy đấy quý ông D. Marnin - - D. Marnin - Anh gợi ý cho cô. -... Không cần phải giấu giếm đâu. Nó là biểu tượng của sự hung bạo và tàn ác giống như tất cả những thứ trong căn phòng này cũng vậy. - Cô quay sang bật một chiếc đèn cây rồi nói tiếp - Mời anh ngồi xuống đi. Vừa nói cô vừa đưa tay chỉ vào một chiếc ghế bành và cô cũng ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy. - Tôi vẫn không hiểu. Đây không... phải là nhà cô sao? - À, thế này nhé... ngôi nhà này mang tên tôi nhưng thật ra tôi không mua nó. - Vậy thì ai... chả lẽ nó thuộc về gia đình cô hay sao? - Thấy cô ngước mắt nhìn anh mà vẫn im lặng, anh vội nói thêm - Xin lỗi... tôi không có ý thóc mách đâu. Cô khẽ nhún vai - Không sao cả. Tất cả những thứ này thuộc về những người bạn của chồng tôi. Một nhóm những người Việt... - Cô ngập ngừng trong giây lát.... Họ thực ra là những người Việt gốc Hoa. Sau khi chồng tôi mất họ đã gửi những thứ này cho tôi - một bà quả phụ nghèo túng cơ cực của một hiệp sĩ vĩ đại. Họ còn muốn treo một tấm biển hiệu bằng đồng ở ngoài cổng nhưng tôi đã không đồng ý. Như thế có vẻ hơi ích kỷ lắm đúng không? Anh cảm thấy mình không biết nên trả lời như thế nào. - Thực tình, tôi cũng không biết - anh nói một cách trầm tư - Tôi thì cho là đấy là cái cách mà họ muốn làm để ngưỡng mộ ông ấy. Một vị tướng, một người hùng vĩ đại. Người thiếu phụ mỉm cười. - Anh chưa từng nghe nói sao Quý ông D. Marnin...? - David. - Quý ông D. Marnin D. Marnin... cổ nhân có câu chẳng có người đàn ông nào là người anh hùng của vợ ông ấy - Nói tới đây, cô khẽ thở dài bằng một nụ cười châm biếm rồi nhìn xuống và hạ giọng nói tiếp - Dĩ nhiên ông Xằng là một người anh hùng... người anh hùng vĩ đại. Cô nhìn lên bóng đèn mà như đang nhìn vào một cõi sâu thẳm, đôi mắt cô ngấn lệ. D. Marnin cũng cảm thấy như có giọt nước đang muốn trào ra khỏi mí mắt anh. Cô hầu gái xinh xắn trẻ trung mang tới một khay trà đặt trước mặt bà chủ, cầm ấm nước rót ra hai chiếc chén nhỏ rồi lặng lẽ quay vào phía trong sau khi đã cúi đầu chào cả hai người. Lily mời anh một chén nước và một chiếc bánh ngọt. - Cha mẹ cô - D. Marnin tỏ ý muốn hỏi thăm - Họ có được. - Họ đang sống ở Paris - Cô nói chen vào. Rất từ tốn cầm chén trà lên uống một ngụm nhỏ, rồi cô bắt đầu kể tiếp: - Gia đình chúng tôi ở Hà Nội. Vào năm 1954 khi người Pháp rút đi hết thì cha, mẹ tôi cũng đi tản cư. Bây giờ những người thân thích của tôi đều đang ở Paris. Ông cụ thân sinh ra tôi vốn là một quan chức ngành tòa án trước khi trở thành một nhà ngoại giao. Tôi đã lớn lên ở nước Pháp. Tôi đã từng nghi ngờ rằng sẽ chẳng bao giờ tôi quay về đất nước này nhưng ngày đó tôi gặp chồng tôi ở Paris khi anh ấy đang theo học trường võ bị École. Đấy anh ấy là thế! Chúng tôi cưới nhau và quay trở về Việt Nam. - Rồi sau đó thì sao? - Vâng - Cô thở dài não nùng rồi kể tiếp - Đó là một câu chuyện cũ mà cũng không có gì hay lắm đâu. Khi chồng tôi còn, chúng tôi sống với nhau khá vui vẻ. Dĩ nhiên là lúc nào cũng có một vài dị nghị này khác khi có chồng là một quân nhân, nhưng chúng tôi vẫn có một cuộc sống hạnh phúc. Khi anh ấy được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn I ở phía Bắc, chúng tôi chuyển tới sống ở Huế, một thành phố rất đẹp. Chúng tôi cùng nhau nuôi dạy hai đứa bé... - Cô hơi lưỡng lự đôi chút rồi tiếp tục chậm rãi - Và rồi anh ấy bị giết... Cô bật khóc thổn thức và dường như có một cái gì đó nặng nề ghê gớm đã khiến cho cô phải đột ngột kết thúc câu chuyện ở đây. - Sau đó, tôi và hai đứa con gái quay về Sài Gòn chấp nhận món quà này. Mon Dieu! Cô nói trong trạng thái rất phiền muộn: - Tôi không nói về chuyện này nhiều lắm. Tôi cũng chẳng có bạn bè để mà tâm sự về nó. - Nhưng ở đây cô có rất nhiều bạn bè cơ mà? - Chẳng nhiều lắm đâu. Tôi đã ở nước ngoài quá lâu. Với cả tôi cũng rất bận rộn. Anh có thể không tin, nhưng thực sự là tôi chẳng có nhiều thì giờ cho những thứ - - Thời gian ư? Ôi lạy chúa tôi - D. Marnin vội đứng bật dậy khiến cho anh suýt nữa làm đổ cả khay nước để trên bàn - Tôi xin lỗi... Tôi quên mất là mình còn phải giúp bà Corning. - Đấy không phải là ý tưởng hay đâu - Cô mỉm cười với anh. - Cô nói sao cơ? Liệu tôi còn được gặp lại cô nữa hay không? - Anh hỏi cô khi cô đưa anh ra đến cửa. - Được chứ. - Thật không? - Anh vội hỏi vì giật mình bởi sự ưng thuận quá dễ dàng của cô - Khi nào được nhỉ? - Tối nay được không? - Nhưng tối nay... - Tối nay hai chúng ta chẳng gặp nhau ở nhà ông Corning đó ư. - Không tôi không muốn ám chỉ việc đó. - Tôi hiểu rồi, nhưng đằng nào mà tôi chả gặp anh ở đó... và rồi - Cô mở cánh cửa. - Và rồi thì sao nhỉ? - Rồi lúc đó chúng ta sẽ xem thế nào đã.