hiên họp Bộ chính trị dự định ngày 15-2-1975.Chiều hôm trước tôi thăm Chu Ân Lai trong Bệnh viện 305, báo cáo tóm tắt cho ông về những kết quả xét nghiệm Mao và sự bất đồng nảy sinh trong vụ tiêm truyền glucose. Trạng thái sức khoẻ của Chu chưa ổn định, tôi tin ông không có ý định tham gia cuộc họp.Thật ra Chu Ân Lai muốn dự phiên họp. Toàn thể Bộ chính trị, các nhà lãnh đạo cần phải biết về bệnh tật của Mao. Chu hỏi tôi đã chuẩn bị bản báo cáo để trình Bộ chính trị chưa, nhắc nhở cần chuẩn bị đối đáp với những câu hỏi nham hiểm của Giang Thanh. Ông khuyên, tốt nhất đừng lôi chuyện bất đồng trong chuyện tiêm glucose. Tình hình hiện tại cũng quá phức tạp rồi.Nhóm bác sĩ đến Đại lễ đường của Hội nghị Đại biểu toàn quốc khoảng sau hai giờ chiều 15-2. Bộ chính trị đang họp. Uông Đông Hưng đến gặp trước để thảo luận bài phát biểu của chúng tôi. Dự kiến mở đầu bằng bài phát biểu của tôi về tình trạng chung sức khoẻ của Mao. Sau đó Ngô Thế sẽ nói về vấn đề tim và phổi, còn Hoàng Khắc Vĩ nói về bệnh teo cơ cục bộ. Trương Tiểu Thiết báo cáo về vấn đề đục thuỷ tinh thể, Lý Tuấn Đễ trình bày về chụp điện X-quang, chỉ rõ chi tiết trạng thái tim và phổi. Chúng tôi mang theo biểu đồ, phiếu theo dõi, mô hình để làm “giáo cụ trực quan”. Trong phần kết luận tôi đưa ra phương án điều trị do các bác sĩ đề xuất.Uông một lần nữa nhắc đến tầm quan trọng của cuộc họp, nhấn mạnh, mặc dù ốm nặng, nhưng Chu Ân Lai vẫn có mặt, yêu cầu chúng tôi nói to hơn, vì Đặng Tiểu Bình nghễnh ngãng và lần đầu tiên được biết về tình trạng sức khỏe của Mao.Khi chúng tôi đi vào phòng họp, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và Diệp Kiếm Anh ngồi ở giữa chiếc bàn dài, xung quanh là các Uỷ viên Bộ chính trị. Người ta yêu cầu nhóm bác sĩ ngồi ở đầu bên kia của bàn. Tôi cảm thấy, chúng tôi đang đứng trước vành móng ngựa của một phiên toà.Chúng tôi đã từng thảo luận với nhau về sức khoẻ của Mao hàng ngày và nhiều lần tới mức tôi đọc bản báo cáo trôi chảy. Chúng tôi trình bày các hiện tượng y học, số liệu thống kê về những bệnh nhân khác mắc bệnh teo cơ cục bộ, để cho các Uỷ viên Bộ chính trị tự rút ra các kết luận riêng đối với thời hạn sống của Mao. Không ai dám đề cập thẳng tới cái chết của Chủ tịch. Khi Hoàng Khắc Vĩ bắt đầu giải thích chứng teo cơ, liệt một bên là gì, hầu như tất cả các Uỷ viên Bộ chính trị bối rối, không hiểu.Giang Thanh bắt đầu tung ra một loạt câu hỏi:- Các đồng chí nói, đây là bệnh hiếm gặp. Thế Chủ tịch mắc nó như thế nào? Lấy gì làm bằng chứng?Chúng tôi không trả lời nhiều câu hỏi của Giang Thanh. Không ai biết cái gì gây ra bệnh hoại tử tế bào thần kinh vận động trong vỏ não. Hoàng Khắc Vĩ kiên nhẫn trả lời bằng cách dẫn ra các bệnh tương tự để mọi người có thể hiểu vấn đề dễ dàng hơn. Ông mất gần hai giờ giải thích. Khi người nghe không hiểu về liệt thanh quản và cơ liên sườn, Hoàng Khắc Vĩ so sánh các cơ với thớ cơ sườn trong tảng thịt lợn. Diêu Văn Nguyên khiển trách coi đó là sự xúc phạm tới Chủ tịch.Hoàng Khắc Vĩ do quá sợ hãi, ngừng giữa chừng, bắt đầu lắp bắp và không thể nói tiếp được.Chu Ân Lai xen vào. Ông cám ơn công lao chúng tôi. Sau đó đề nghị thảo luận phương pháp chữa bệnh.Người ta nhường lời cho tôi. Tôi giải thích, chúng tôi có thể phẫu thuật chữa đục thuỷ tinh thể ngay bây giờ, nhưng đầu tiên muốn áp dụng trên bệnh nhân khác có độ tuổi và tình trạng sức khoẻ gần giống Chủ tịch trước. Khi tôi nói về ống truyền thức ăn qua mũi, Giang Thanh xen ngang:- Ống truyền thức ăn qua mũi đưa nó vào tận dạ dày. Tôi biết kiểu này rồi, rất đau đớn. Không rõ điều này có phải các đồng chí muốn hành hạ Chủ tịch hay không?Đặng Tiểu Bình gạt đi, đưa ra dẫn chứng, một trong các nguyên soái cách mạng cao tuổi nhất, Lưu Bá Thừa, sống bằng ống truyền thức ăn trong vài năm, điều ông quan tâm, liệu Mao có đồng ý phương án này hay không.Tôi trả lời rằng Mao không đồng ý.Đặng yêu cầu đừng ép, phải kiên nhẫn giải thích, chờ sự đồng ý của ông. Giống như nhiều nhà lãnh đạo cao cấp, ông khó tin không có khả năng chữa bệnh cho Chủ tịch. Khi nghe tất cả những lời giải thích, Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho chúng tôi cố gắng hết sức mình, giao cho Uông Đông Hưng trách nhiệm tìm kiếm các thiết bị và thuốc thang cần thiết. Cuối cùng ông nói:- Đảng muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình với các đồng chí.Chu Ân Lai đế thêm vào những lời này, còn Đặng một lần nữa nhắc lại “Đảng muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình với các đồng chí”. Các uỷ viên khác Bộ chính trị nói chung không phản ứng gì đến báo cáo của các bác sĩ. Giữ im lặng, họ muốn tách khỏi trách nhiệm. Tuy nhiên những lời cám ơn làm chúng tôi yên lòng, chúng tôi rời toà nhà với một chút vững tâm. Nhưng chuyện này vẫn chưa kết thúc. Bất kỳ một uỷ viên Bộ chính trị nào cũng có thể quy kết chúng tôi đã làm một cái gì đó không phải như thế, sự cám ơn xoá bỏ, thay bằng lời buộc tội. Bất cứ ai trong số chúng tôi có thể bị trục xuất nếu như người ta nghi vấn về chính trị.Tháng Ba năm ấy, không lâu sau cuộc họp Bộ chính trị, Giang Thanh và phe nhóm Thượng Hải, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên phát động chiến dịch tấn công Đặng Tiều Bình và các vị lão thành cách mạng. Lần này, họ đưa ra đấu tố “chủ nghĩa kinh nghiệm”, có nghĩa, dùng “kinh nghiệm chống lại nguyên lý cơ bản” làm mục tiêu tấn công. Trong bài đăng báo của Diêu Văn Nguyên, “Nền tảng xã hội của Nhóm chống đảng Lâm Bưu”, Diêu dẫn chứng, đưa ra danh sách hàng loạt những người theo chủ thuyết kinh nghiệm và danh sách kẻ thù. Đây là đón tấn công trực tiếp các nhà lãnh đạo cựu trào trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, xuất thân từ nông dân nghèo khổ, ít học, trưởng thành trong cách mạng, với bề dầy kinh nghiệm chính trị trong nhiều năm cống hiến. Họ được đảng và nhà nước công nhận những đóng góp, hy sinh, chịu đựng gian khổ trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Giang Thanh, Diêu Văn Nguyên, Trường Xuân Kiều, thuộc thế hệ trẻ kém họ hàng chục tuổi, tham gia cách mạng sau, được coi như những thành phần trí thức, có trình độ học vấn, nhưng thiếu bề dầy kinh nghiệm. Từ ngữ trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ở giới chóp bu ngày càng bí hiểm, hầu hết người dân Trung Quốc chẳng thể hiểu nổi chiến dịch mới nhằm mục đích gì và cho ai.Đó là cuộc đấu tranh giữa thế hệ trẻ trong cán bộ đảng, được cất nhắc sau đợt thanh lọc của Cách mạng văn hoá với những người cựu trào được phục hồi, giờ đây đang trở lại nắm quyền lực. Bóng dáng đầu tiên là Chu Ân Lai bệnh tật và sau đấy Đặng Tiểu Bình, người mới được phục chức chưa lâu.Sức khỏe Mao giờ đây không cho phép ông can thiệp công việc hàng ngày với những âm mưu liên miên của bà vợ đòi chiếm quyền lực. Nhưng khi biết về cuộc tấn công vào chủ nghĩa kinh nghiệm, ông không ủng hộ.Vào tháng Tư, Chủ tịch tuyên bố, chủ nghĩa giáo điều cũng xấu như chủ nghĩa kinh nghiệm, vì rằng cả hai đều xa rời chủ nghĩa Marx- Lenin, và do vậy, đây chính là chủ nghĩa xét lại. Giang Thanh và phe cánh, chính là những người theo chủ nghĩa giáo điều, Mao quyết định trừng phạt họ.Trong cuộc họp Bộ chính trị ngày 3- 5-1975 Mao còn đi xa hơn. Ông mấp máy môi đọc để Trương Ngọc Phượng ghi thành văn bản đưa cho Nancy Tang và Vương Hải Dung.- Các đồng chí chỉ ghét chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng không ghét chủ nghĩa giáo điều - Mao viết, phê bình Giang Thanh và phe cánh.Ông nhắc lại cánh Vương Minh, chiếm ưu thế trong đảng trong suốt 4 năm liền, cánh này giương cao ngọn cờ Quốc tế cộng sản để doạ dẫm Đảng cộng sản Trung Quốc và gạt ra những người bất đồng chính kiến.- Tất cả các đồng chí cần tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tuyệt đối không được tin chủ nghĩa xét lại. Hãy đoàn kết, thống nhất, đừng chia rẽ. Hãy thành thực, đừng sa vào âm mưu vào các cuộc vận động ngầm. Đừng tạo ra “Bè lũ Bốn tên”… Tôi thấu hiểu, ai phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm, chính bản thân người đó đứng ở phía chủ nghĩa kinh nghiệm.Sau sự nhúng tay của Mao, vị thế của Đặng Tiểu Bình trong Bộ chính trị được vững hơn. Uông Đông Hưng nói với tôi, Đặng thường phê bình Giang Thanh và phe cánh, ông đã thắng trong trận chiến đấu vì chủ nghĩa kinh nghiệm. Trong thời gian đó Đặng chưa muốn gạt vợ Mao và phe cánh bà ta, dù rằng Giang luôn luôn muốn tống khứ ông. Uông kinh ngạc, tại sao Đặng không sử dụng quyền hành của mình tống khứ mụ.Đặng và Chu Ân Lai đều là những người thông minh, lão làng. Cả hai biết rằng, khi phê bình Giang và phe cánh, Mao chỉ muốn hạn chế quyền lực của họ. Khang Sinh đang ốm bẹp trên giường vì bệnh ung thư, khi biết Mao không hài lòng Giang, ông hiểu, Chủ tịch chuẩn bị gạt vợ ra rìa. Trong suốt cuộc đời mánh khóe của Khang, y bắt đầu chiến dịch vu cáo, bóp méo, tố cáo Giang Thanh và Trương Xuân Kiều phản bội đảng từ những năm 1930, sẵng sàng đứng ra làm nhân chứng. Khang Sinh gặp Nancy Tang, Vương Hải Dung, người liên lạc giữa Mao và Bộ chính trị yêu cầu chuyển tới Mao lời tố cáo này. Nhưng hai cô lại gặp Chu Ân Lai trước. Sau đó họ nói với tôi, Chu khuyên đừng vội vàng, vì Mao khi phê bình vợ và những người cùng phe, ông hoàn toàn không muốn trừ khử họ. Khang Sinh dùng hai người phụ nữ để khích bác, buộc Mao quay lại bảo vệ vợ. Nếu phải ra làm nhân chứng, Khang Sinh lập tức chối, thề không hề nói những chuyện động trời ấy. Nancy Tang và Vương Hải Dung sẽ bị tội, trở thành nạn nhân của họ.Đặng Tiểu Bình tiếp tục tiến bước, lấy lý do thực hiện chỉ thị của Chủ tịch, học tập tư tưởng Marx-Lenin chống chủ nghĩa xét lại, tạo ra sự thống nhất, ổn định, phát triển kinh tế. Nhưng sự tấn công từ phía Giang Thanh và phe cánh vẫn tiếp tục. Mao Viên Tân, trở thành phát ngôn viên của nhóm Thượng Hải, cảnh báo Mao rằng, Đặng Tiểu Bình có ý định phủ nhận Cách mạng văn hoá và không phê phán tư tưởng xét lại của Lưu Thiếu Kỳ. Uông Đông Hưng tin, dưới ảnh hưởng những lời xúc xiểm Mao Viên Tân, Chủ tịch bắt đầu lo ngại Đặng Tiểu Bình. Mao là người đa nghi, dễ dàng ngả theo ý kiến khác. Chính vì vậy, bất cứ chuyện gì phát sinh, ông phải gặp Mao đầu tiên. Trong khi Mao Viễn Tân được tin cậy, Nancy Tang, Vương Hải Dung bị gạt ra ngoài.Từ tháng 9-1975, hai người phụ nữ này mất đặc quyền gặp Chủ tịch, Mao Viễn Tân đã thay thế họ làm người liên lạc giữa Mao với Bộ chính trị. Bắt đầu thời điểm này, những cuộc đả kích nhằm vào Đặng Tiểu Bình tăng lên, tình hình chính trị trở nên căng thẳng, không thể đoán trước.Sau cuộc họp tháng hai của Bộ chính trị, chúng tôi đã mời thêm hai bác sĩ nhãn khoa vào đội cấp cứu, Đường Dư Chí và Quang Phác Thoả từ Bệnh viện Quang Minh, Bắc Kinh. Cả hai người đều giỏi đông và tây y. Các bác sĩ mắt cũng vẫn không thể quyết định chữa đục thuỷ tinh thể cho Mao như thế nào. Các chuyên viên Bệnh viện Quang Minh đề nghị điều trị theo phương pháp cổ truyền Trung Hoa vừa đơn giản, vừa nhanh, kéo dài mươi phút, chỉ cần dùng một chiếc kim đặc biệt, đẩy thuỷ tinh thể bị đục sang một bên, không cần phải mổ lấy đi. Phương này nhanh, không gây đau đớn, khác hẳn phương pháp Tây phương phải mổ lấy phần tinh thể đục.Tôi ủng hộ phương pháp đơn giản, lý do e những cuộc mổ xẻ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, có thể gây choáng nhẹ. Nhưng bác sĩ theo phái Tây phương phản đối, lý do, như vậy phần đục thuỷ tinh thể vẫn còn, chẳng qua đẩy sang một bên, như vậy sau này vẫn phải mổ lần nữa. Nhưng họ đâu có như tôi, lo những tác động của phương pháp Tây phương ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ chung của Mao.Các bác sĩ mắt đi vào ngõ cụt. Chúng tôi quyết định xin ý kiến Bộ chính trị và kiểm tra phương pháp bằng cách chữa cho 40 người già bị bệnh đục thuỷ tinh thể đồng thời mắc chứng đau tim. Cán bộ nhân viên Bắc Kinh tìm kiếm người bệnh, họ hầu hết là người nông dân già cả, nghèo khổ, không nơi nương tựa, sống ở nông thôn. Tất cả những người này muốn được phẫu thuật điều trị đục thuỷ tinh thể, nhưng lại quá nghèo, tự thân không cho phép làm điều đó. Không ai và không khi nào nói với họ rằng, họ là vật thí nghiệm phục vụ công việc bảo vệ sức khỏe cho Chủ tịch. Chúng tôi xếp họ trong nhà khách chung. Một nửa nhóm bệnh nhân được chữa bằng phương pháp điều trị cổ truyền Trung Quốc, nửa nhóm còn lại được phẫu thuật thuỷ tinh thể Tây phương. Khi kết thúc điều trị, chúng tôi sẽ gửi báo cáo tổng kết cho Mao. Ông sẽ tự quyết định phương pháp nào ông thích.Mao vẫn ở Hàng Châu dưới sự chăm sóc của của Hồ Thư Đông. Trương Ngọc Phượng cuối cùng đã chinh phục được Hồ. Bác sĩ Hồ bắt đầu tiêm cho Chủ tịch hàng ngày từ 800 đến 1.000 phân khối dung dịch đường glucose đẳng trương 5%, cho thêm vào đó một liều steroid. Nhưng ông rất lo, không biết sẽ có phản ứng gì xảy ra, ông gọi điện cho tôi và Ngô Thế xin ý kiến chỉ đạo. Tôi vẫn phản đối tiêm truyền glucose, hơn nữa chúng tôi không ở Hàng Châu, không theo dõi, không thử máu, nước tiểu làm sao dám góp ý kiến. Cả tôi và Ngô Thế không đưa ra một ý kiến cụ thể nào.Khi quay trở lại Bắc Kinh vào cuối tháng Tư, Mao vẫn còn tiếp tục truyền dung dịch glucose. Tôi khuyên Hồ Thư Đông làm xét nghiệm máu, khi có kết quả trong tay sẽ khuyên Mao ngừng truyền dịch trực tiếp vào tĩnh mạch. Ngô Thế ủng hộ tôi. Cả hai chúng tôi lo sợ những biến chứng có thể xảy ra do truyền dịch kéo dài. Nhưng Trương Ngọc Phượng vẫn yêu cầu, bác sĩ Hồ thoả hiệp bằng cách giảm lượng thuốc, tiêm truyền cách nhật.Giữa tháng Năm, Trương Ngọc Phượng đọc qua trong một tạp chí “Tài liệu tham khảo” viết rằng có hai bác sĩ Trung Quốc đã điều trị thành công bệnh tim cho một nhà lãnh đạo cao cấp Rumani. Cô ta muốn họ về nhóm bác sĩ chúng tôi. Khi Châu Tăng Nhị, giám đốc Đại học Y khoa Tĩnh Xuyên, và Đào Hoàng Lê chủ nhiệm khoa Nội Bệnh viện Bắc Kinh từ Bucharest trở về, tôi mời họ đến chỗ chúng tôi.Nhưng nhà lãnh đạo Rumani bị viêm bán cấp màng tim do nhiễm trùng, điều trị bằng kháng sinh. Bệnh tim của Mao hoàn toàn khác. Hai ông không giúp gì hơn các chuyên viên tim mạch trong đội Hồi sức cấp cứu sẵn có của chúng tôi. Tuy vậy, Mao vẫn muốn gặp họ.Ngày 10-6-1975 tôi dẫn họ đến gặp Chủ tịch. Khi chúng tôi đi vào phòng, Trương Ngọc Phượng và Mao đang cãi nhau về cái gì đó. Nhìn thấy chúng tôi, Mao bắt đầu khoa chân múa tay một cách tức giận, nhưng chúng tôi không thể hiểu được ông. Chỉ có Trương Ngọc Phượng hiểu, cô ta giải thích nguyên nhân to tiếng như sau.Hai ngày trước, Mao giận cô vì ông muốn Trương Ngọc Phượng đọc tài liệu, nhưng cô vắng mặt do có chút việc riêng. Đến khi quay về, cô nhìn thấy mẩu giấy Mao viết: “Trương Ngọc Phượng, cút đi”.Trương cãi lại, la lên, cô sẽ đi ngay bây giờ, nếu Mao không dám cho cô đi, ông chỉ là con chó. Mao vẫn tức, nói:- Tôi đã nóng, nhưng Trương Ngọc Phượng còn nóng hơn, dám chửi lại cả tôi.Trương Ngọc Phường phân trần, không biết cả hai bác sĩ đều thấy mọi chuyện xảy ra từ đầu đến đuôi, còn hai bác sĩ, lần đầu tiên đến gặp Chủ tịch, nghe thấy chuyện hai người cãi nhau, chỉ biết há hốc miệng, chết lặng, đứng ngây người ra nhìn.Mao yêu cầu hai bác sĩ kể về công việc của họ ở Rumani. Các bác sĩ nói, kinh nghiệm của họ không có ích gì, vì bệnh của Chủ tịch hoàn toàn khác, nhưng Mao muốn họ vào nhóm chúng tôi.Cả tôi cũng muốn điều này, nhưng họ do dự, không muốn. Họ nhấn mạnh rằng, với số lượng bác sĩ hiện có, trình độ và kinh nghiệm tay nghề rất cao đủ khả năng thành lập một bệnh viện, họ không muốn tham gia, bởi vì, hàng ngũ các bác sĩ phục vụ Mao thuộc lớp thượng thặng về tay nghề.Ngô Thế tán thành ý kiến của họ, vì đội cấp cứu đã quá đầy đủ các chuyên viên các khoa. Nhưng tôi vẫn yêu cầu Châu Tăng Nhị và Đào Hoàng Lê tham gia. Với tôi, càng nhiều bác sĩ chữa cho Chủ tịch, càng ít khả năng sau này họ buộc tội chúng tôi là bọn phản cách mạng, “kẻ giết người trong chiếc áo choàng trắng”.Nhưng chúng tôi phải tiếp tục giữ vững đoàn kết. Tất cả những tranh luận, bàn bạc, bất đồng ý kiến trong điều trị phải giữ kín, hoặc phải tháo gỡ mọi bất đồng. Nếu Trương Ngọc Phượng hay Giang Thanh hoặc bọn thóc mách biết về những vụ bất đồng của chúng tôi, chắc hẳn họ sẽ lợi dụng, buộc tội ở phe này hay phe kia, có âm mưu phản cách mạng.Ngô Thế rất hiểu, làm việc chặt chẽ với nhau, luôn luôn thống nhất những phương án điều trị trong toàn đội. Nếu một hay hai bác sĩ trong đội chưa tán thành, chúng tôi sẽ thảo luận, bàn bạc đưa đến thống nhất ý kiến. Đội Hồi sức được bổ xung thêm bác sĩ Tô Đức Long, Chủ nhiệm khoa Thần kinh Bệnh viện Hoà Sơn, Thượng Hải, một chuyên viên dày dạn kinh nghiệm điều trị chứng teo cơ và liệt một bên.