- 9 -

CÚ NHẢY
Tết Tân Mùi 1931 không ngờ lại khá nhờn mép. Rượu, thịt, hoa không thể nói là ê hề, nhưng những gì nuôi trồng được trong vườn, chuồng, đã tiềm tiệm lắm rồi. Tiết canh vịt, tiết canh chó nhắm rượu nấu lấy ngay từ mồng một; đời tù còn có gì mà kiêng chứ. Rau tươi thì tha hồ, do đất đai và công sức không thiếu. Về tinh thần, những buổi ca bài chòi, thi làm vè câu đối, liên hoan văn nghệ rất sung túc. Sau tuần rượu thịt, không muốn ngủ trong khám hầm hập hơi người, tù “vương vãi” ngoài bờ đá, bụi cây, có người ra tận mép sóng, chả biết mơ mộng hay thổn thức. Hòn Cau rộng và thoáng lắm, sẵn tre gỗ đóng bè, nhưng vượt biển về đất thì không dễ tí nào. Ngoài kia, ngoài xa ấy, có những dòng nước quẩn, không phải sức máy đố đi tiếp. Vài chuyến xuất phát êm ả, hôm sau lại thấy quay về. Bởi vậy lính coi ngục chả bao giờ lo tù trốn.
 
No cơm ấm cật mà không giậm giật chân tay thì cũng cuồng người. “Tòa soạn” “Hòn Cau tuần báo” bèn xướng lên chuyến chơi xuân, mệnh danh là “Cuộc du lịch vòng quanh thế giới”. Nó có nhiều ý nghĩa những đại loại từa tựa như trong đất, anh em sau khi vào cao lâu Chợ Lớn thì kéo nhau xuống Xóm Lách làm chầu bài chòi.
 
Đích được nhắm là phía trái đảo, sau mỏm Bồ Đề, sườn núi dốc tụt ngay xuống biển. Cái chỗ hiểm trở vô cùng ấy nhiều hang hốc không thể leo lên được, mà leo xuống cũng vô phương. Mùa thu, chim yến từ phương Bắc xa xôi vượt cả vạn dặm biển về đây nhả dãi xây tổ, đến lúc ấm áp lại bay đi cả đàn.
 
Tổ yến bằng lông và dãi, hình như có cả máu chim nữa, người mơ mộng trông xa bảo như cánh hoa hồng dính vào vách đá.
 
“Đoàn du lịch” dù được miễn phí, được cả một tờ báo làm “quảng cáo”, rốt cục chỉ có bốn tên ghi danh: Phạm Tuấn Tài, Đào Khắc Hưng, Hoàng Trác và Trần Huy Liệu. Mồng sáu Tết, vào đúng chủ nhật đoàn khởi hành, người đi tiễn tặng nào hoa nào thơ dậy mùi lắm. Liệu xốc túi cơm nếp và nước uống buộc quanh người, lấy bộ điệu kịch sĩ vẫy chào anh em:
- Ở lại mạnh giỏi nhá. Đến châu Mỹ chúng tớ đánh điện về. A này Di, “Hòn Cau tuần báo” số tới đừng trinh bày hết, để lại một chỗ cho bài tường thuật chuyến du lịch nha.
“Thế nào cũng có cả thơ nữa đấy”, Liệu vứt lại câu cuối cùng rồi rảo cẳng theo bạn đồng hành. Sau lưng anh, con chó mực vẫy đuôi sủa nhăng nhẳng.
 
Đến chỗ vòng qua mỏm Bồ Đề, cả bọn đứng lại vẫy chúng bạn thêm một lần nữa. Trên đầu là bầu trời xanh. Màu của tự do đấy ư?
 
Núi đất thoai thoải đã hết. Giờ là đá lô xô rất khó đi tuy chưa dựng đứng như thành vại. Chân dò dẫm tìm chỗ đặt, tay chống gậy lấy thăng bằng, ai nấy thở như kéo bễ. Cũng may gió chẳng bao giờ thiếu, bay hết mồ hôi. Nhưng nhìn xuống bể thì hãi quá bởi vậy cả bọn đều gằm mặt xuống đá. Cái tư thế lò dò ấy rất chóng mỏi. Trưa đến, tìm được chỗ thoải tàm tạm, mọi người cùng nhất trí hạ trại. Đồ ăn thức uống dọn ra. Nhìn quanh không thấy con chó mực đâu, ai cũng cười chê nó “ngại khó”.
Hưng hề hề:
- Kỳ này lấy được mấy tổ yến, cầm bằng chúng mình là vua. Chả tiến đi đâu, tiến ngay cho mình…
- Chả dễ xơi. Không có dây với quang treo thì chỉ có mỗi cách đằng vân.
 
Câu nói của Trác làm Hưng cụt hứng. Trác ra trước cả bọn, biết nhiều chuyện hơn. Tỷ như đi lấy tổ yến thế nào, nghe rợn cả người. Lũ Tây ngoài đảo cũng hủ lậu, năm nào cũng kiếm tổ yến nộp cho cấp trên trong đất, cố nhiên không phải bằng công sức chúng. Giá tổ yến tính bằng mạng tù. Từ trên đỉnh núi, người tù được thả xuống vách bằng quang treo, cổ đeo túi, tay cầm đèn mò mẫm cậy tổ, không còn gì mới được kéo lên. Thằng đội Bốn chỉ huy nhóm khai thác rất ác, bắt người leo xuống tụt bỏ hết quần áo để không giấu giếm tổ vào đâu được. Lấy được bao nhiêu chiếc đều phải ghi vào biên bản cẩn thận, tổ yến quý hơn vàng mà.
- Tớ không nhìn thấy bao giờ, chỉ nghe kể, nhưng hình dung lại đã rợn tóc gáy. - Trác nói.
- Nhưng xuống được tổ yến một phen thì có gãy chân cũng thỏa… Chuyện kể hết đời không hết, nhỉ.
Nghe Liệu bảo thế, Tài xua tay phỉ phủi cái mồm, và giục lên đường kẻo lại căng da bụng chùng da mắt.
Đường mỗi lúc mỗi khó. Nhiều đoạn phải bò. Mắt, tay, chân cứ căng ra mà bám, dò từng bước. Mồm mũi tranh nhau thở. Vì quá nguy hiểm nên ai cũng cẩn thận. Vòng vèo hơn trăm mét, ra được chỗ bằng hơn, hết căng thẳng rồi, thì thật là sung sướng. Đó cũng là lúc tai họa ập xuống.
 
Cái tảng đá Liệu tì gậy vào để tìm chỗ đặt chân ấy trông vững chãi, nhưng đất bên dưới đã bị nước mưa đêm trước xói nhẵn. Sức nặng làm nó long ra. Liệu mất đà nhào xuống.
 
Ba người đồng hành thấy anh bay một đoạn, rơi huỵch xuống đất rồi lại nẩy lên. Vừa nẩy vừa lăn, đến một lúc thì ngừng lại, nằm như bao thóc. Sợ hãi, bất lực, Hưng, Tài, Trác nhìn theo mếu máo.
 
Chết chứ còn sống thế nào. Bỗng từ tám mươi mét phía dưới, “bao thóc” động đậy, tay chân vẫy vẫy, ới lên rất yếu ớt. Chưa kịp nghe ra lời, họ thấy máu trong đầu Liệu phọt ra, phun cao đỏ ngầu. Rồi im hẳn. Những người tù lập tức quay về khám.
 
Gần tối thì Liệu lơ mơ, rồi tỉnh trở lại. Dưới lưng anh bập bềnh, dằng dịt cái gì, hình như là tấm võng đan bằng cây leo không biết đã tự bao nhiêu năm. Liệu gắng nhúc nhắc nhưng chỉ được cánh tay. Cổ chân sưng to bằng cái lọ, mỗi lần dập dình chỉ muốn hét lên. Khát quá. Xé họng. Nhưng Liệu chỉ có máu, máu dính bệt bộ quần áo vào người. Lo vô cùng. Nhỡ bộ võng thiên nhiên đan dệt dưới lưng không chịu nổi sức nặng ngoài bốn chục ký.
 
Bên trên vách đá lấp ló những tổ yến, đứng dậy với tay ra là cạy được. Dưới lưng, biển xô sóng hung dữ vào bờ đá, ngã xuống không chết đuối cũng vỡ đầu.
 
Đêm nay ngộ nhỡ không có ai xuống cứu, ta chết khát mất…
 
Nhưng những lo sợ với “ngộ nhỡ” ấy còn xa xôi quá Những tiếng “quà quà” xôn xao đều đều trên đầu, ngay bên cạnh làm Liệu lạnh người. Đàn cắc ca, loài chim ăn thịt, đánh hơi máu tanh đã sà xuống. Chúng nhảy chuyền, kêu mãi những tiếng trầm trầm xào xạo, hẳn là đang đợi bữa tiệc. Cái “xác chết” này sẽ bị rỉa thịt, móc mắt, rứt từng mảnh môi giập ra… Không thể được. Liệu cố gắng lấy hết sức kiệt vẫy vẫy bàn tay, tỏ cho lũ ác điểu biết “nó” vẫn còn sống. May là đàn cắc ca không sà xuống, vì Liệu không thể chống cự, dù chỉ đôi ba con. Tối mịt thì chúng bay đi.
 
Liệu đã có thể nghỉ. Đang thiêm thiếp thì nghe “hứ” tràng dài trên đỉnh núi. Dù chết đến nơi, anh dồn hết hơi hú lại.
- Còn sống. May quá anh em ơi còn sống.
Tiếng reo dội lên trên núi. Đám đông đốt đuốc, dòng dây thả Nguyễn Phương Thảo và Phạm Hữu Phùng bám vào vách đá lần xuống. Thảo vốn là dân anh chị Hải Phòng, gặp Liệu rất phục, coi như một “đại ca”, cố nhiên không phải về võ nghệ. Giờ đàn anh gặp nạn, kiểu gì Thảo cũng phải xuống tận nơi. Hạ xuống “võng”, họ cho Liệu uống nước, thận trọng gói anh vào chăn, buộc lại cẩn thận để bên trên kéo lên. Trong ánh đuốc chập chờn, thằng lành khiêng thằng què, cả bọn trông như một đám ma tới nghĩa địa, cái nghĩa địa có sự sống.
 
Nghĩa là đã thoát chết. Nghĩa là Liệu đã được thiên nhiên vĩ đại che chở, giật lại từ tay tử thần. Nhưng anh sẽ sống thế nào với hai lỗ thủng sâu hoắm trên đầu. Không ai nói ra, nhưng Liệu đọc được ý nghĩ này trong mắt mọi người: cái trí thông minh này hỏng mất rồi. Để thử xem nó có hỏng thật, Liệu bèn bảo Hoàng Thúc Di lại, đọc cho bạn chép bài tường thuật “chuyến du lịch vòng quanh thế giới có tiết mục nhào lộn” đưa “Hòn Cau tuần báo”.
Non nước trông vời đã bấy lâu
Nhào lăn một chuyên dám kêu đau
Mấy lần hang thẳm chim chào khách
Trăm thước non cao đá thử đầu
Đổ máu vẫn chưa nhòe vết cũ
Nằm gai còn tính những mưu sâu
Vang trời hú với ai đồng chí
Nhiệm vụ chưa rồi dễ chết đâu.
 
Lại còn thơ nữa chứ. Đúng niêm luật và vẫn hài hước, ý chí “ra gì”.
Liệu được ra nhà thuốc nằm, do anh Đàm, một y sĩ nhà binh Pháp, cùng chân tù coi sóc. Nhờ mấy lá cao và thuốc lá, hai lỗ thủng trên đầu đầy thịt dần lên. Được một tuần, đang ngồi, bỗng máu phọt thành vòi xuống đầy mặt. Đàm chạy vội đến nhưng không biết làm thế nào cho nó cầm lại. Lần này Trần Huy Liệu chết thật rồi.
Đang trân trối chịu trận, ông bếp Ngọc chạy lại. Ông bảo thế là may. Hồi nấu ăn cho cụ Đề Thám, ông đã thấy mấy nghĩa quân bị như vậy, rồi đều bình thường trở lại. Bằng không ra, máu độc đọng lại trong đầu, đến trời rét nó sẽ hành cho đau đến chết thì thôi.
Ông bếp Ngọc nói đúng. Hai lỗ thủng hàn kín miệng, thành sẹo lớn trên đầu. Liệu nghĩ ngợi, học hành vẫn sáng láng. Có điều chân sái không vào khớp được nữa, thành thử đi “chấm phẩy” suốt đời.
NGƯỜI TÙ ĐA CẢM
Đời tù ở Côn Đảo đi đâu thì cũng vẫn trời nước bao quanh, vượt ra ngoài chút chút đã mênh mông trùng dương đầy nguy hiểm. Bởi vậy, những chuyến tàu tiếp tế lương thực thực phẩm, mang tù mới ra, chở tù mãn hạn về, cùng những cánh thư, sách báo kèm theo đều là sự kiện lớn.
Đảo đã có dân, lập nhà thương, bưu điện, nhà thờ, vài trụ sở dân sự phục vụ bộ máy quản lý. Tiệm buôn không có, trừ cửa hàng tạp hóa tối cần thiết của một người Hoa, có phép của chúa đảo. Năm 1933, Liệu nhận tin tàu Sài Gòn ra mang theo lời thăm hỏi của bạn bè trong đất. Người chuyển những lời nhắn quý báu ấy là Phạm Thị Hồng, cô hộ sinh người Bắc, đến nhận công việc ngoài đảo với mẹ già và người em họ tên Phạm Thị Bách.
Tù chính trị “đời mới”, như đám Quốc dân đảng của Liệu hay Cộng sản của Ngô Gia Tự, có khác với các cụ “đời cũ” thời Duy tân, vô khám, dù khám giữa trời nước, còn có thể nghĩ đến ngày về. Họ không bị dập tắt ý chí, còn giữ nguyên lý tưởng về dân, về nước. Gặp chỗ thích hợp, họ tìm cách gieo cái “mầm” ấy xuống. Phạm Thị Hồng chưa từng chính trị chính em gì nhưng đã tình nguyện làm một cánh thư cho đám cách mạng, thời là người tốt, vậy nên bắt vào. Vả chăng được trò chuyện, dù cách mặt, cách hẳn lời - với phụ nữ sung sướng lắm. Hồi xem kịch ở khám II Côn Lôn, Liệu còn viết cả mười trang thư đến anh tù đóng vai nữ để gửi lòng mình kia mà. Tình cảm, dù là tình gia đình hay những luyến ái lãng mạn nếu không có chỗ trút, thể nào nó cũng nổi loạn.
Liệu viết cho Hồng những bức thư cuốn tổ sâu, đặt trong cống rãnh, cầu tiêu, lỗ cửa khám sát với nhà thương. Cũng theo đường ấy, sách vở “bò” vào, mang theo vô vàn niềm vui. Nhân đọc một quyển sách nói về phụ nữ, Liệu thảo luận với Hồng về cách nghĩ cũ kỹ trong đó. Không ngờ cô khán hộ lại rất mạnh bạo trong quan niệm nữ quyền. Từ đây, “búi chỉ” tình cảm tở dài mãi ra, nào chuyện thời tiết, bãi cát vích bò lên đẻ, nào chuyện cách mạng, những tên tuổi, sự kiện, hôm nay vợ mã tà Lịch sinh con trai hai cân chín… Hồng dần dà chịu ảnh hưởng tuyên truyền, còn anh tù sung sướng thấy có người ăn nhời mình.
Sáng nào cũng vậy, nghe tín hiệu gõ vào thùng phân của người “giao thông”, Liệu lập tức chạy ra xem có thư không. Cô hộ sinh chắc vui tính, vì ký tên là “Thần giết thời giờ”, có ý làm khuây khỏa cho mấy anh tù. Còn Liệu ký “Hải Khách”, người bất đắc dĩ phải làm khách chốn trời biển. Sau những “nhân sinh”, “thế giới quan” nghiêm trang đến nhàm chán, họ chuyển sang thơ phú. Hồng đi chơi đảo, tắm bể, sinh tình làm thơ, nhờ Liệu sửa chữa.
Kể thì còn non nớt, không khỏi có chữ bấy tứ mòn, nhưng làm Liệu hứng khởi vô cùng. Đang thằng tù lại có người đụng đến sở trường của mình mà. “Bản thảo” được thêm bớt, nhiều chỗ tả cảnh tả tình, làm ra vẻ anh đang đi chơi cùng cô. Rồi dưới những dòng chữ quen thuộc gửi từ nhà thương vào có tên ký mới: “Nam Hoa”, thỉnh thoảng kèm theo một gói bàng quả. Vậy là thứ quả hiếm hoi trong sân nhà thương, ngoài tác dụng bổ sung vitamin, chữa tiêu chảy cho người đang trong chỗ khó, còn làm ngất ngây anh đàn ông đa cảm. Vị chát đọng lại trong lưỡi, sao mà tê mê đến vậy.
Những tâm tư đương tràn ngập tìm được chỗ trút giống như dòng nước cứ tuôn trào. Lúc “bên ngoài” muốn biết “bên trong” trải qua một ngày sống thế nào, liền được đáp lại hẳn bằng một thiên nhật ký ghi tỷ mỉ 24 giờ. Liệu vừa đọc “Lời sám hối của một đứa trẻ thời đại” của Alfred de Musset, thấy sao mà hợp với lòng mình vậy, đã xuất thần trong con chữ. Dễ hiểu là anh đã gặp sự đồng thanh tương ứng đến nhường nào từ “ngoài kia”.
Tuy vậy, có một ý nghĩ, có thể là khó hiểu với nhiều người, là anh muốn trì hoãn cái giây phút gặp mặt sau bao nhiêu cách lời lại, càng lâu càng tốt. Nặng lòng, cảm thấy không phải với người vợ trong đất quá chăng? Sợ rằng mình đang trong lao tù, được cả một tấm tình cảm nặng trĩu nó áp lực lên thì nặng quá, không “mang” nổi chăng? Tất cả đều có thể. Nhưng chắc chắn Liệu có cái quan niệm giữ lại những ấn tượng tốt đẹp đó, để ủ cho dậy men, thời hạnh phúc hơn, ấn tượng cũng bền hơn. Anh sợ cho cái đẹp mong manh sẽ tan biến lúc “mục sở thị” nhau, chẳng thà cứ để nó tồn tại trong tưởng tượng là hơn.
Thực tế sau này đã cho thấy cái chủ ý đánh “lừa mình” ấy của Liệu sáng suốt. Anh đã giữ được những cảm giác êm đềm, đẹp đẽ trong suốt những ngày lao tù, để rồi khi được sổng ra, cái hạnh phúc ở bên nhau bằng xương bằng thịt càng lớn.
Không nhiều, nhưng đã trên một lần họ có cơ hội thấy nhau. Liệu đã thả bàn tay ra không nắm nó lại. Một dịp lễ “Cát tó” - quốc khánh Pháp, đám quản giáo muốn tạo không khí nhẹ nhõm, cho phép tù chơi “văn hóa văn nghệ”. Chính trị phạm ở khám II diễn “Người biển lận”, hài kịch của Molière. Xem xong thì được ra sân chơi. Bên ngoài cánh cửa sắt là hàng quà bánh của vợ mã tà bán, có một người trông phong độ có vẻ là “Thần giết thời giờ”. Được anh em báo lại, Liệu ngần ngừ chả dám ra, rồi cũng đến lúc “bóng hồng” khuất. Nếu giả xưng làm con chiên để mỗi sáng chủ nhật được ra nhà thờ thời có cơ gặp nàng, Liệu cũng có thể nhưng lại chả làm. Hoặc khai có bệnh để ra nhà thương, nơi Hồng rất ân cần với tù chính trị. Thiếu gì cách để ra bệnh, ví như ngậm nước nóng trong mồm, phình má ra đoạn đấm vào mang tai, mặt sẽ sưng to ra, ửng đỏ như người mắc quai bị. Quai bị là bệnh lây, nguy hiểm rồi, thầy thuốc cho ra nhà thương, cách ly luôn.
Liệu chả làm theo những cách ấy. Con người tranh đấu trong ông, đối diện với một tâm hồn non tơ đầy trắc ẩn và nhạy cảm đã nhường chỗ cho chàng thi nhân lãng mạn. Liệu sợ thực tế phũ phàng, rồi lại thất vọng như Mị Nương gặp Trương Chi chăng? Hoặc giả người ta lại thất vọng; mình đã chẳng kèm nhèm đôi mắt, lúc này lại bẩn thỉu hôi hám. Chẳng thà cứ chỉ nghe tiếng sáo mà vọng về nhau được mãi…
Nhưng đã có lúc Liệu phải tiếc cho sự cố chấp cố tình của mình. Hồng bị khám nhà, thẩm vấn vì một gói quà trong đất chuyển đến theo đường bưu điện, đề tên cô và nhờ gửi cho một tù chính trị. Có sự liên hệ trái phép nào thì gia đình người ta mới cậy giúp như thế chứ. Liệu cuống lên. Hồng có làm sao, nhỡ mà không đủ khôn khéo hay cứng cáp để đương đầu… Nhưng anh lại chỉ có thể tỏ sự quan tâm bằng thơ, cái thứ vô tích sự nhất trên đời, bài “Vườn hồng mưa gió”.
Lơ lửng vườn ai một đóa hồng
Đêm qua mưa gió có gì không
Nhớ nhung bạn mới ngoài song sắt
Phảng phất hồn hoa giữa giấc nồng
Nóng lòng chờ đợi tin xuân đến
Thăm lại vườn xưa viếng chư ông
Thơ họa lại từ bên ngoài cho biết vườn có bị gió mưa nhưng hoa hồng không bị tổn thương. Và cũng chả có “chư ông” nào ở đây sất. Hai “thông tin” đủ làm ngây ngất tấm lòng đang rưng rưng của anh tù lãng mạn.
Những ngày dịu ngọt đến đê mê ấy đã kéo dài với tôi đến gần một năm thì Hồng có lệnh đổi về Sài Gòn. Có cần gì phải nói nhiều những quyến luyến truởc lúc chia phôi! (Tôi muôn tìm mấy chữ khác, nhưng không được). Và những tâm tình dám bạo dạn trỗi lên trong những bài thơ xướng họa.
Đôi ngả quan san người dẫu cách
Mấy thiên tâm sự bạn như gần
Xa nhau, vội hẹn ngày sum họp
Cái nợ trăm năm trả trả dần
Và cũng trong dịp “giai nhân một đi không trở lại” này, tôi đã nói rõ với chị Hồng biết Hải Khách là ai và mấy lời giới thiệu với vợ tôi lúc ấy đương ở Sài Gòn.
Ngày chị Hồng bước chân từ Côn Đảo xuống tàu về Sài Gòn là ngày nào tôi đã quên mất, chỉ còn nhớ là 8 giờ sáng ngày thử ba. Một hồi ba tiếng trông báo hiệu tàu chạy hòa nhịp với tiếng đập của trái tim tôi như vỡ lồng ngục. Tối hôm ấy tôi nằm lịm trên chiếc sàn xi măng không chiếu, nghe một ông bạn già nằm bên gõ phách hát bài Tỳ bà hành đền câu:
 
Đông thi thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất hồi tương thực
(Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau)
Câu hát tình cờ ấy đã thấm sâu vào lòng tôi bấy giờ. Thế mà cho đến ngày tôi viết thiên hồi ký này tôi và Hồng vẫn chửa một lần gặp mặt nhau.
(Hồi ký Trần Huy Liệu. NXB Khoa học xã hội 1991. Tình trong ngục tối)
Những hồi tưởng trên, Trần Huy Liệu ghi lại giữa núi rừng Việt Bắc, khi đang “ngồi chơi xơi nước” trên những cái “ghế” có chức danh rất kêu.
Tại sao Liệu không gặp mặt Hồng ngay, ngoài lý do “ưu tiên cho sự tưởng tượng lãng mạn” nêu trên?
Tại sao ông muốn cô hộ sinh trẻ gặp mặt người vợ rất mực giản đơn, thuần phác, một mực hy sinh cho chồng của mình?
Chả thể nào nói rõ ra. Tất cả chỉ là dự cảm. Có thể Liệu coi Hồng như em gái - cái điều quá dễ “xác định”. Cũng có thể ông đã hình dung Hồng như người sau này sẽ làm bề em sau người vợ cái của mình. Và ông sẽ cùng chăn gối, mơ mộng với cô.
 
Nhưng tất cả mọi tưởng tượng lúc này đều còn quá nhỏ nhoi so với những gì diễn ra sau này.