Mấy lời ngõ cùng bạn đọc
cuốn 1: 1916-1946

Vào năm 1980, tôi viết cuốn hồi ký đầu tiên, lấy lên là Việt nam những ngày lịch sử - Hồi ký của gia đình Nguyễn Tường. Với cuốn đó, tôi không có ý viết tường tận về mọi mặt, mà do hoàn cảnh đương sống lúc ấy tại Quảng Đông, Trung quốc, tôi chỉ kể sơ sài có giới hạn về gia đình anh em tôi và những dữ kiện chung quanh gia đình mà thôi.
Xin nói thêm rằng, không biết vì lẽ gì mà người xuất bản sách, ông bạn Nguyễn Khắc Ngữ (nay đã quá cố) khi in ra đã bỏ đi câu Hồi Ký về gia đình Nguyễn Tường, mong các bạn hiểu cho, và thông cảm với những điểm thiếu sót hay lầm lẫn trong hoàn cảnh đó.
Tám năm sau đó, tôi đã sang sinh sống tại Hoa Kỳ. May đã gặp được nhiều người thân trong đại gia đình và nhiều bạn hữu cũ và mới. Có một số vẫn ngỏ ý muốn tôi viết lại hồi ký cho đầy đủ hơn, từ lúc còn nhỏ cho tới tận nay. Những thân hữu ấy cho rằng trong gần thế kỷ, cuộc đời của tôi và gia đình cũng đã trải qua nhiều cảnh ngộ đa dạng, có những điều đáng ghi nhớ về câ văn nghệ, xã hội, chính trị trong cơn gió lốc kinh hoàng đã cuốn vào cả một dân tộc.
Được khuyến khích, nên dù có bận bịu nhiều thứ, hay dù tuổi đã ngà về chiều -nhiều hơn cả thời hạn mà ông Đỗ Phủ ngày xưa đã ấn định cho mình, tôi cũng cố gắng cầm lại cây bút. Thực ra, với hứng thú viết báo, viết văn từ lúc còn trẻ, dù ở nơi nào, tôi cũng không ngừng viết. Điều này, chắc nhiều bạn cũng biết. Gần đây, để có một sáng tác xứng đáng hơn về mặt nghệ thuật tôi cho ra đời cuốn tiểu thuyết dài Trên sông Hồng cuồn cuộn dâng cho độc giả. Có nhiều người hỏi tôi: đó là tiểu thuyết, hay là hồi ký?
Tôi đã xin trả lời rằng, đó là tiểu thuyết, không phải là hồi ký, tuy những dữ kiện và nhân vật hư cấu có dựa phần nào trên đời sống thực. Cũng như cuốn Cuốn theo chiều gió - Gone with the wind- hay Bác sĩ Zhivago -Doctor Zhivago- mà thôi.
Vì vậy, tôi thấy cũng nên viết lại Hồi Ký, để góp phần làm sống lại một thời kỳ đặc biệt, với những sự kiện mà tôi được biết rõ hơn nhiều người, như thế, cũng có thể giúp cho những ai quan tâm đến quá khứ, có thể thành một ít sử liệu, và hai nữa, giúp được người đọc mua vui một vài trống canh, nếu bạn có hứng thú.
Là con người, ai cũng có một quá khứ, dù ngắn hay dài, và cũng luyến tiếc quá khứ. Quá khứ lúc nào cũng theo đuổi chúng ta như hình với bóng, vì quá khứ chính là mình được tạo thành bởi bao nhiêu cảnh ngộ, bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu đắng cay hay ngọt bùi, ưu sầu hay phấn khởi, thất bại hay thành công, mà chỉ có tự mình mới cho thể cảm thấu được. Chỉ có một ngọn cỏ, một cánh hoa, một rặng tre, một chuyến tàu, hay một làn gió thoảng, một ánh mắt, một nụ cười, một tiếng than thở, một giọt lệ dù chỉ có thế cũng là một cuộc sống đã ăn sâu vào da thịt, vào xương tủy của mỗi con người -mà chỉ có của con người đó thôi. Mà trong quá khứ 80 năm, tôi cũng đã có bao nhiêu cảm xúc, trong bao nhiêu cảnh ngộ!
Hôm nay trời lạnh, mưa rơi trắng xoá làm mờ cá đường phố và các cụm cây bên thềm. Tôi lại nhớ, nhớ da diết đến quá khứ, nhớ đến con đường xa xăm đã phải đi từ thủa còn nhỏ tại quê hương, rồi cứ đi, đi mãi. Thuở ấy, có người lấy số Tử Vi cho tôi, bảo là rất tốt, tương lai sẽ tươi sáng, bay nhẩy, nhưng không ai đoán đúng được số phận long đong, gian nan thực khó lường của tôi và của nhiều người trong gia đình. Xem ra, vẫn chỉ có nhà thơ Nguyễn Du là nói gần đúng nhất.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu nổi tại sao cậu bé con ngơ ngác trên phố huyện Cẩm Giàng lầy lội, lại bôn ba nơi hải ngoại, và sau gần thế kỷ, lại đến ngồi tại cái đất Nam Cali ấm áp, tại bên bờ Thái Bình Dương, cách quê hương hàng vạn dặm?
Trong cảnh lưu lạc tha hương, người ta hay nghĩ tới cố nhân. Những lúc cô đơn bước giữa những tâm hồn xa lạ, tôi vô vàn ngậm ngùi nhớ tới những người thân đã sớm bỏ ra đi, vĩnh viễn...
Ngàn năm bạc mệnh, một đời tài ba... Biết bao nhiêu người có tâm huyết, biết bao nhiêu tài hoa xuất chúng, biết bao nhiêu anh em... nay nằm ở đâu? Bao người trong gia đình đã qua đi mà không hề gặp được lại mặt, tôi chỉ biết ở xa mà cúi đầu, hoài niệm. Những tài hoa yểu mệnh, như Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Đặng Thế Phong, Hàn Mặc Tử.... do tật bệnh cướp đi, Nguyễn Tường Cẩm - Khái Hưng, đều mất tích, nạn nhân của tội ác. Hoàng Đạo chết trong lưu lạc, Nhất Linh, tự kết liễu cuộc đời. Còn bao nhiêu nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ nữa. Còn bao nhiêu anh em chống đế quốc, chống độc tài, đã hy sinh trên chiến trường hay tại đất nước người.
Biết bao nhiêu đau khổ, éo le đè nặng trên đầu người dân Việt bé nhỏ. Và đồng thời, trong thế kỷ, cũng đã biết bao nhiêu nhân vật thần kỳ đã xuất hiện rồi biến đi trong những chuyển mình vĩ đại của đất nước. Ôi! quá khứ triền miên đè nặng trên tâm hồn mỗi người chúng ta, không sao thoát gỡ được. Tôi rất muốn nhấc ngòi bút lên để tả, nhưng với ngòi bút nhỏ nhoi, yếu ớt của tôi, làm sao mà tả nổi, mà tâm hồn cũng đã cằn cỗi.
Làm sao mà tâ nổi cả cảnh huống lầm than, nghèo cùng, quạnh hiu, bi thương của cả một dân tộc? Làm sao mà tả nổi, trong những ngày hầu như vô vọng, đã có bao anh hùng, chí sĩ quật khởi đứng lên chiến đấu, đã có bao hy sinh oanh liệt?
Làm sao tả nổi những chuyển biến lớn lao trong xã hội Việt nam, những xô chạm giữa các giá trị văn hóa truyền thống và tân tiến, và ngay dưới ách cùm kẹp của thực dân, một thời kỳ vàng son của văn chương, nghệ thuật -gồm cả hội họa, âm nhạc, kịch nghệ- có một không hai trong lịch sử?
Làm sao tả nổi những ngày kỳ diệu, long trời lở đất trước sau tháng tám 1945, và cuộc vật lộn giữa các thế lực đối chọi nhau, đưa tới kết cục bi thảm là lại một thứ gông cùm khác lại trùm diết trên đầu người Việt vô tội?
Làm sao tả nổi những cuộc chạy nạn chưa từng có, để lại bao tang tóc trên đường và đến tận nay, hàng triệu người bơ vơ, mất gốc, rạt vào bốn phương trời trên thế gian. Đau thương, nhục nhã vẫn triền miên cho người Việt chúng ta, và cho biết bao nhiêu con người khác trong nhân loại? Nhưng, cứ cầm bút lên, gắng ghi được phần nào hay phần ấy, để tự an ủi và ít ra, cũng góp phần gợi lại những kỷ niệm vì một thời gian đã qua, để không cho mình quên.
Quên đi quá khứ của mình, quên đi đau thương nhục nhã của mình, của đất nước, có nghĩa là quên mất nguồn gốc, và quên mất cà chính mình, trở thành một kẻ không còn tâm hồn. Quá khứ dù đau thương cay đắng đến đâu, nhưng nó vẫn sẽ kích động chúng ta bước lên, chỉ cần quyết tâm nhìn lại chính mình và thoát bỏ được những lầm lỗi, lạc hướng ta đã phạm. Cuốn Hồi Ký này xuất bản làm hai phần:
- Phần I, viết về từ đầu thế kỷ cho tới tháng 8-1946, nội dung chủ yếu thuật về thuở nhỏ, gia đình, đời học trò, thời kỳ làm ăn, làm báo cùng hoạt động của nhóm phong Hoá, Ngày Nay, Tự lực văn đoàn, những biến chuyển trong xã hội, rồi tới những hoạt động cách mạng chống thực dân với Đại việt dân chính, Việt nam Quốc Dân đảng, quân Nhật đầu hàng, Việt minh cướp chính quyền, cuộc chiến tranh quốc gia cộng sân khốc liệt.
- Phần II, viết về từ tháng 8-46 trở đi, cuộc đấu tranh với Việt minh, một số anh em lưa vong sang Trung quốc, rồi sang Hoa Kỳ.
Phần vì thời gian quá dài, phần vì trí nhớ suy kém, nên trong cuốn sách tất sẽ có thiếu sót, lầm lẫn, ra ngoài ý muốn của tác giẫ. Xin hoan nghênh mọi ý kiến phê bình xây dựng, bổ túc hay chỉ chính.
Tác giả
Tháng 12-1996