Để tiện làm việc, tôi đã dọn nhà tới ngõ Châu Long, ở phố Đỗ Hữu Vị, một căn nhà hai tầng, có cổng bên, có sân ở đằng sau. Tôi ở trên gác, còn dưới nhà là anh Nguyễn Gia Trí, và anh Phan Huy Đán. Cả ba người đều không ít truyện, nhưng thôi, khi nào có dịp sẽ kể sau.Đứng ở trên gác, nhìn qua bên kia ngõ, là trường học Hữu Vị, lúc đó bị quân Nhật chiếm đóng. Có thể trông thấy rõ ràng lính Nhật ra vào trong trường, một toán bộ binh, nhưng không hiểu nhiệm vụ của chúng là gì. Một anh lính gác trẻ thường vác súng đi lại từ cổng trường sang đến ngõ chúng tôi ở. Trông anh ta còn trẻ măng, chỉ độ mười bẩy, mười tám tuổi, dáng điệu không dữ dằn như những tên lính khác.Một hôm, Liên đến nhà, lên gác, nhân có một cái đàn dương cầm cũ, bèn học dạo vài bài cổ điển nhẹ nhàng, mà học sinh thường biết. Không ngờ anh lính Nhật từ dưới vẫy tay, tươi cười. Tuy ngôn ngữ không thông, nhưng cũng hiểu anh muốn lên chơi. Chúng tôi mời anh ta lên, anh gác súng một bên, rồi đánh một ca khúc Nhật bản. Điệu ca buồn và vẻ mặt trầm ngâm của anh chắc chắn biểu lộ tâm tình nhớ quê hương, xa người thân. Chúng tôi cũng ngồi im lắng nghe. Người lính trẻ này cũng chỉ là một trong trăm ngàn thanh niên Nhật bị bọn quân phiệt xô đẩy vào một cuộc chiến xâm lược. Thần chết lúc nào cũng sẵn sàng đợi anh...Mải làm báo và ứng phó với công việc, tôi cũng ít khi để ý tới gia đình. Chỉ biết mẹ tôi vẫn ở trại Cẩm Giàng, và có chị Thạch Lam cùng mấy cháu bé về ở cùng cho đỡ cô quạnh. Bà và ông em, cậu Cả tôi, đều hay đi lễ chùa, và có ý muốn tu tại gia. Sau này, hình như ông cậu tôi đi tu ở ngôi chùa rhiên Thai, thuộc Bắc Ninh, mà trong những ngày nắng ráo, đứng ở Cẩm Giàng có thể trông thấy ngọn đồi ấy. Anh cả tôi đã giữ chức giám đốc nha Bưu Chính Hà Nội, đời sống vẫn như thường không có gì thay đổi. Anh Hai vẫn làm ở nông trường gần Sài Gòn. Chị Tam vẫn giữ nghề buôn cau khô, nuôi mấy đứa con ăn học. Chị Thế dọn đến ở nhà Thạch Lam ở cũ và anh Hoàn cũng vẫn làm tại tòa báo. Vì thời thế, nên đã làm chúng tôi cũng không có liên lạc với hai anh Tú Mỡ, Thế Lữ.Cuối tháng 7, anh Hoàng Đạo bỗng nhiên mắc bệnh thương hàn, phải vào nằm bệnh viện, trong lúc thời cục đương chuyển biến mau chóng. Gánh nặng gia đình do chị Long cáng đáng. Công việc báo chí và chính trị, vì vắng mặt anh, cũng gặp nhiều khó khăn, trách nhiệm đè lên đầu tôi và anh Khái Hưng. Trước đó, Phan Kế Toại được triều đình Huế cử làm Khâm Sai Bắc Việt, cùng với Nguyễn Văn Sâm, làm Khâm Sai Nam Việt. Vì miền Bắc là nơi hoạt động chính trị quan trọng nhất, nên Huế lại mời thêm ba nhân vật là Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Long, Đặng Thái Mai họp thành một Hội đồng Cố Vấn, đồng thời lại phong cho một số người là thanh niên ưu tú mong giúp vào việc xây dựng đất nước. Lạ nhất là tôi cũng có tên trong số ưu tú ấy, tới nay tôi vẫn chưa hiểu vì cớ gì về sau, lại đổi là ủy ban giám đốc chính trị miền Bắc để nắm quyền lãnh đạo thay vào viên Khâm Sai, gồm có 5 người: Nguyễn Xuân Chữ, Phan Kế Toại, Trần Văn Lai, Nguyễn Tường Long, Đặng Thái Mai. Song Đặng Thái Mai không hề tới dự - Đặng có quan hệ mật thiết với Việt minh, Trần Văn Lai bận về công việc thị trưởng Hà Nội, Phan Kế Toại có thái độ lừng khừng, còn anh Nguyễn Tường Long thì lại ốm nặng. Bác sĩ Chữ tuy được cử làm chủ tịch, nhưng không nắm được thực quyền.Anh Hoàng Đạo mắc bệnh lúc đó là một sự đáng tiếc, vì nếu cộng tác được với Nguyễn Xuân Chữ, và lấy sức mạnh đảng phái quốc gia làm hậu thuẫn, thì có khả năng nắm đươc thực quyền, nắm được đội Bảo an binh ở Hà Nội và các tỉnh, và cuộc đảo chính của Việt minh sẽ không thể thành công. Nhưng đó chỉ là nếu. Nhiều cái nếu quá, bây giờ nghĩ lại thì quá muộn. Nếu các đảng phái quốc gia mạnh hơn, có chiến lược và chiến thuật chính xác hơn, nếu biết mạnh dạn và kịp thời hành động, nếu không ỷ lại quá đáng vào Đồng Mtnh sẽ tới giúp mình chống cộng sản, nếu...Anh em có họp vài lần để thảo luận về tình hình. Song tiếc rằng chưa đi tới một quyết định rõ rệt, ngoài việc gọi một số người các nơi về tập trung ở Hà Nội, phái người đi thuyết phục Bảo an binh, và liên lạc với anh em ở Vân Nam.Thời thế biến chuyển nhanh hơn là người ta tưởng.Đầu tháng 8, 1945. Chúng tôi vẫn miệt mài làm báo. Tờ Ngày Nay vẫn bán rất chạy, tuy những tin tức dồn dập khiến mọi người hoang mang.Một buổi chiều, công việc xong, tôi đương ngồi uống càphê, bỗng thấy Khái Hưng từ ngoài vội vã bước vào trong tòa soạn:- Mỹ ném bom nguyên tử! - anh nói.- Xuống đâu? - tôi vội hỏi- Hiroshima... mấy mươi vạn người đã ra tro.Về những vũ khí tân tiến như phi cơ, hỏa tiễn V2, đã nghe đến nhiều, nhưng chưa bao giờ nghe tới bom nguyên tử. Tôi không khỏi rùng mình trước sức tàn phá ghê gớm của nó. Ai cũng xôn xao, hồi hộp để đợi một sự kiện gì nghiêm trọng sẽ đến. Nếu Nhật thua thì Việt nam sẽ ra sao? Đại đa số dân chúng chỉ có ước vọng là Tổ quốc sẽ được độc lập, dân tộc sẽ được tự do, có một chính phủ dân chủ, mọi người sẽ xây dựng một quốc gia giàu mạnh, đời sống sẽ tươi đẹp hơn. Nhưng làm thế nào để thực hiện ước vọng ấy? Ngồi yên đợi quân Đồng minh tới tiếp thu, rồi vẫn do chính phủ Bảo Đại cầm quyền? Hay là đảng phái nào lên nắm quyền lực lúc đó? Và quân Pháp còn có thể trở lại không?Ngày nay, nhìn lại những giờ phút ấy, người ta mới thấy rõ những yếu tố sâu xa của những sự việc đã xẩy ra sau đó. Đó chính là sự đối chọi quyết liệt giữa những thế lực khác nhau trong nội bộ dân tộc trong bối cảnh quốc tế đầy rẫy những âm mưa đặt lại ách thực dân hay ách thống trị của những thế lực đen tối.Dân Việt nam nói chung, và người quốc gia nói riêng, đã không chú trọng đúng mức đến nguy cơ người Pháp sẽ trở lại Đông dương với sự hỗ trợ của Đồng minh, cũng như tới nguy cơ người Cộng sản, dưới chiêu bài giải phóng dân tộc, sẽ mang nền chuyên chính vô sản áp đặt trên đầu người dân. Dân Nhật chưa hoàn hồn thì quả bom nguyên tử thứ hai đã rơi xuống Nagasaki. Quân đội Liên xô tiến công vào Mãn Châu. Hạm đội Mỹ đã gần tới bờ biển Nhật, sửa soạn đổ bộ. Đế quốc Nhật đã lâm vào đường cùng.Rồi, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên Hoàng Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Quân Nhật tại khắp các nơi đều phải hạ khí giới. Thế chiến thứ hai chính thức hạ màn. Nhưng chiến tranh khác tại nhiều nơi lúc này mới bắt đầu.Không biết nên vui hay nên buồn. Bất giác, tôi nhìn sang trại quân Nhật bên cạnh. Toàn trại im lặng như tờ. Sau đó, họ làm lễ để tang. Treo nhiều phướn trắng trên cửa, trên một góc phố... Còn đâu là vẻ hung hăng ngạo mạn trước đây? Nhưng đáng thương nhất là anh lính Nhật trẻ. Chiều hôm ấy, anh lại lên gác nghe đánh đàn dương cầm, rơm rớm nước mắt. Anh mượn bút giấy viết mấy chữ Hán Ngã bại ngã sầu bi. Không biết anh khóc cho thân phận mình hay là cho những người thân đã bỏ mình dưới bom đạn. Anh cũng chỉ là nạn nhân, một con tốt của bọn đế quốc quân phiệt.Nhật đã đầu hàng. Lịch sử Việt nam đã bước sang một trang hoàn toàn mới. Tất cả các thế lực ở trong cũng như ở ngoài, sẽ chạm trán với nhau trên đất nước này. Từ đó cuộc đời của tôi, của gia đình, cũng bước vào một giai đoạn khác hẳn, giai đoạn đấu tranh chính trị, vật lộn và lưu vong, tang tóc.15 tháng 8, 1945: Với trang sử mới đã lật, thới kỳ làm báo, làm văn từ 20 năm nay đã coi như là kết thúc, với sự đình bản tự nguyện trước thời thế của tờ Ngày Nay vào hôm sau.