Những ngày đầu tháng mười năm 1945, một sự kiện đặc biệt làm người Hà Nội chú ý. Tại một toà nhà góc đường Quan Thánh và phố hàng Bún, xế cửa tòa báo Ngày Nay trước đây một cái loa lớn ngày nào cũng ra rả lớn tiếng hô hào độc lập tự do dân chủ, chỉ trích chính sách độc tôn của chính phủ Hồ Chí Minh. Nó hấp dẫn được một số có khi rất đông đứng trên hè nghe, đa số là công chức, trí thức, giới trung lưu hay những kẻ hiếu kỳ.Toà nhà đó lại có những vệ binh mặc quần áo màu đen, trong đó có cả nữ binh lạ mắt.Đó là trụ sở của Việt nam cách mệnh đồng minh hội - gọi tắt là Việt cách - một tổ chức do người Việt lưu vong thành lập tại Quảng Tây, nay đã trở về nước hoạt động, sau khi bôn ba nơi hải ngoại đã nhiều năm trời.Việt cách lúc thành lập, bao gồm rất nhiều đảng phái và nhân sĩ, trong đó có cả Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, Hồ Chí Minh đã mang một số cán bộ và tiền, lãnh sứ mạng của Hội để về nước hoạt động. Hồ và đảng cộng sản đã hoạt động riêng rẽ, lập ra Việt nam Độc lập đồng minh hội (gọi tắt Việt minh) -thực ra cái tên này đã sẵn có từ trước.Chủ tịch Việt cách là cụ Nguyễn Hải Thần, với một số cán bộ như Tạ Nguyên Hối, Bồ Xuân Luật, lại có Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật gia nhập góp sức. Về mặt quân sự, có đạo quân Vũ Kim Thành, nhưng đóng ở miền Quảng Yên và Hải Ninh.Ngoài ra, các anh em Phục Quốc cũng gia nhập Việt cách. Trên danh nghĩa, Việt nam quốc dân đảng cũng là một thành viên của Việt cách, song trên thực tế quốc dân đảng là một phái lớn mạnh nhất, vẫn có hoạt động riêng của mlnh. Trong một buổi họp nội bộ, lần đầu tiên tôi được gặp cụ Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mạng lão thành đã lưu vong ở hải ngoại gần 40 năm, đã từng làm giáo viên tại trường võ bị Hoàng Phố ở Quảng Châu, một trường đã đào tạo ra nhiều nhân vật cách mạng Trung quốc. Cụ đã già, mắt đeo kính, trông dáng mặt thì biết là một người đã từng trải, chịu nhiều phong sương. Là một hậu sinh trong số các anh em Việt Quốc, Phục Quốc, và cả Đại việt Quốc xã, tôi cố ý quan sát nhà lãnh đạo có tiếng này. Trong khi bàn luận vấn đề thời cuộc, thú thực tôi cảm thấy bối rối, và hơi thất vọng, vì cụ nói tiếng khó nghe hiểu và chậm chạp, và không được nghe cụ đưa ra những nhận xét hay phân tích sâu sắc hay đề ra một đường lối hành động có kế hoạch để hướng dẫn mọi người.Lúc đó, chúng tôi cần nhất là được hiểu rõ thêm về tình thế quốc tế liên quan tới Việt nam, và một sách lược đối nội, đối ngoại sao cho thích ứng với hoàn cảnh khó khăn của phe quốc gia đứng trước sự đe dọa lớn lao của cả hai phe Việt minh và Pháp. Tuy cụ không phải là một chiến lược gia giỏi, nhưng cụ có lập trường vững và khí tiết trong việc phê bình những sai lầm của cộng sản.Trong lúc này, tại toà báo, tự nhiên một hôm có một vị khách không ngờ: Xuân Diệu. Đã lâu không gặp, trông anh ta đã già hơn trước, nhưng bộ tóc vẫn còn để bồng bềnh. - Sao hôm nay rồng đến nhà tôm vậy?- Tôi vừa cười vừa hỏi.- Các anh mới là rồng chứ! - Xuân Diệu trả lời, vừa nhìn vào bản bài báo maquette - Làm báo thì phải học các anh thôi! Truyện trò bâng quơ một lát, Xuân Diệu cáo từ. Chúng tôi hỏi qua về Huy Cận, thì anh lắc đầu bảo Huy Cận bận nhiều công tác quá tuy chỉ giữ chức Bộ trưởng không có bộ. Không biết Xuân Diệu có mục đích gì khác không. Song một tuần sau, một số người cầm đầu bên Việt minh có mời anh em bên này đến dự tiệc trà đoàn kết cùng một số nhân vật trí thức trong xã hội. Tiệc này, vì có việc bận cần đi xa nên tôi không đến đự được, nghe nói, mấy vị bên Việt minh tỏ ý rất lấy làm tiếc, trong đó có cả Võ Nguyên Giáp.Các anh em quốc dân đảng đã đặt một trụ sở ở trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị -trước là một nơi đóng binh của Nhật- cách nhà chúng tôi ở một ngõ hẹp. Thực là tiện để hoạt động. Tuy có trụ sở nhưng chỉ có các đảng viên Việt nam quốc dân đảng (kể cả chúng tôi đã gia nhập) ra vào, với mấy anh Trung ương như Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Xuân Tùng, Phạm Văn Hể, Hoàng Đạo và tôi. Trong trường, độ ba chục anh em làm việc, và có một toán vệ sĩ mang súng trường cùng súng ngắn. Toán vệ sĩ này còn bảo vệ cả toà báo, nhất là về sau này, tờ báo Việt nam Thời Báo đã bị đảo chính thành tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng.Tới chỗ này, cần phải nói rõ mấy điểm. Tuy trên từng lớp Trung ương, đại diện ba đảng VQ, Đại việt quốc dân đảng và Đại việt dân chính đã đồng ý tại quốc nội lấy danh xưng chung là quốc dân đảng, nhưng các anh em Đại việt quốc dân đảng từ anh Trương Tử Anh trở đi vẫn chưa ra công khai ở Hà Nội, và rất ít khi tới trụ sở Đỗ Hữu Vị. Nếu cần họp chung thì tìm địa điểm khác bí mật hơn.Tờ bấo Việt nam cũng lấy danh nghĩa là cơ quan của Việt nam quốc dân đảng. Các đảng bộ địa phương cũng lấy danh nghĩa Việt Quốc, song trong sinh hoạt, các thành phần vẫn lấy danh xưng riêng.Giữa tháng mười năm 46, anh Vũ Hồng Khanh cùng một số cán bộ mới trở về tới Hà Nội. Sở dĩ chậm trễ là vì khi tới Lào Cai, anh em bị quân Trung Hoa, nhận một số vàng hối lộ của Việt minh, làm khó dễ, bị trở ngại tới một tháng. Việc về tới Hà Nội của nhóm cán bộ hải ngoại làm tăng sự phấn khởi và lòng tin tưởng của anh em trong nước. Trên đường về, anh em đã giành được từ trong tay Việt minh mấy địa điểm để làm căn cứ như Lào Cai, Yên Bái, Việt Trì, đặt cơ sở cho Đệ Tam Chiến Khu sau này từ Vĩnh Yên lên tới Hà Giang, dưới sự hỗ trợ của quân đội Trung Hoa.Ngày đó, hai anh Tam và Nghiêm Kế Tổ vẫn chưa về được. Tại trụ sở, đặt một bữa tiệc nhỏ để đón mừng anh Vũ và các anh em mới. Được nghe nói tới anh Vũ đã lâu, bây giờ mới được gặp, Vũ Hồng Khanh, tức Giáo Giản, một chiến hữu cạnh liệt sĩ Nguyễn Thái Học, để phải lánh ra ngoài nước đúng mười lăm năm. Mười lăm năm gian truân, vật lộn, đã từng bị tù tội ngay tại Vân Nam, nhưng vẫn kiên trì chiến đấu và duy trì được đảng bộ hải ngoại, không có nghị lực phi thường thì không làm nổi. Do anh Chu Bá Phượng giới thiệu, chúng tôi xiết chặt tay nhau. Người anh không cao, nhưng thân hình chắc nịch, đôi mắt hơi nhỏ song đầy vẻ rắn giỏi, tỏ ra là một người đã từng trải nhiều. Tôi cảm thấy anh là một người gan dạ, bình tĩnh. Hai hàng anh em trẻ ở ngoài về, mặc quân phục gọn ghẽ, đeo súng tay, diễu qua trước mặt chúng tôi. Rồi đồng thanh hát bài đảng ca trước bàn thờ Tổ Quốc nến hương nghi ngút. Tôi cảm thấy xúc động, nhưng đồng thời lại lo âu vì lực lượng còn quá nhỏ yếu, kể cả ở Hà Nội và ở những địa phương đã ra hoạt động công khai.Mọi người mời anh Vũ phát biểu ý kiến. Tôi đợi anh phun châu nhả ngọc, nói ra những điều cao siêu, nhưng anh chỉ nói rất ngắn gọn mấy điều chung chung. Về sau, chúng tôi cũng rõ rằng về lý luận và nghiên cứu các vấn đề sách lược, anh cũng không đi sâu lắm, ngoài phạm vi của chủ nghĩa Tam Dân. Phải công nhận đây là sự thiếu sót chung của các phái quốc gia. Do số anh em phát triển, Việt Quốc lấy thêm Khu Ngũ Xã bên bờ hồ Trúc Bạch để làm chỗ trú ngụ và huấn luyện cho cán bộ.Việc ra công khai của đảng tại Hà Nội và nhiều tỉnh đòi hỏi tăng cường công tác tuyên truyền. Ngoài việc truyền thanh và rải truyền đợn ra, cần phải có một tờ báo để phổ biến cương lĩnh chính trị và đường lối của đảng, cùng mọi tin tức về hoạt động các nơi. Đứng trước nhu cầu, sau khi bàn luận với anh Hoàng Đạo, tôi và Khái Hưng liền thực hành ngay một hành động rất cách mạng: đổi ngay tờ Việt nam Thời Báo sang tờ Việt nam, cơ quan ngôn luận của Việt nam quốc dân đảng mà không báo trước cho ông chủ nhiệm là Nguyễn Trọng Trạc biết, vì sợ nếu Trạc phản đối sẽ kéo dài thời giờ.Để bảo đảm cho tờ báo phát hành đều đặn, chúng tôi thực hành việc quản chế toà báo và nhà in, bằng cách đặt vệ binh gác cổng, không ai được ra ngoài nếu không có giấy phép. Thực là một tờ báo cách mạng đầu tiên của phe quốc gia, lại có binh gác.Lẽ tất nhiên anh Trạc kháng nghị nghiêm trọng, và đòi bồi thường thiệt hại, do số vốn anh đã bỏ ra, nhưng tất cả đều biết kháng nghị lấy lệ, vì trong tay anh còn số tiền chục ngàn của nhà đại lý đặt báo trước đây.Trung ương đặt tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo, vó nhiệm vụ giữ vững đường lối đấu tranh: bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ, liên kết với các nước dân chủ, phê bình chính sách sai lầm của chính phủ, Việt nam theo con đường cộng sản nhất định sẽ bị cô lập và có nguy cơ đế quốc Pháp trở lại thống trị.Đương nhiên, trái với quy định của Việt minh, chúng tôi ra báo không cần xin phép ai cả... Dù hai bên có đấu khẩu kịch liệt, chính phủ HCM cũng không thể ra lệnh cấm, vì vô ích. Họ bèn dùng một phương pháp bất lịch sự và nhỏ mọn là chuyên tịch thu báo của những đứa trẻ bán báo. Vì có nhiều người hiếu kỳ nên báo Việt nam cũng khá chạy, nên luôn luôn xẩy ra xung đột giữa trẻ bán báo với cảnh sát hay những tay khủng bố.Thực là một cảnh hiếm có trong đời làm báo của chúng tôi. Làm báo Việt nam, quả là một cuộc đấu chọi rất găng hàng ngày. Luôn luôn phải tìm ra những vấn đề gay go, phải công kích những luận điệu xuyên tạc của tờ Cờ Giải Phóng hay tờ Độc lập.Toà báo hầu như trở thành một thành trì. Về ăn uống thì mọi nhân viên đều phải ăn lối cách mạng, toàn là rau với chút ít thịt cá, đậu phụ... trừ công nhân nhà in có thể tự do ăn uống do người nhà mang tới.Có điều dù khắt khe như vậy hẳu hết đều tỏ ra nguyện ý ở lại làm việc. Chỉ có một người thừa cơ nhẩy qua hàng rào chạy đi.Vì gần như bị giam lỏng ở đây, chẳng bao lâu ai nấy đầu tóc, râu ria đều mọc dài ra gắn như Robinson Crusoe trong tiểu thuyết. Có lần về đến nhà, người nhà không nhận được ra là ai, và gọi ngay thợ húi tóc đến cắt tóc, cạo mặt cho nó sáng sủa một chút. Vì ít ngủ quá, nên tôi lăn ra giường làm một giấc no mãi tới trưa mới dậy.Trông anh Khái Hưng gầy nhom, bây giờ lại càng gầy, đôi má hóp lại, nhưng anh có tài chịu đựng, viết lách và sửa bài in đêm nào cũng tới rất khuya. Thỉnh thoảng, chúng tôi tạm ngừng vài tiếng, làm cốc càphê đen đặc và một ván cờ tướng. Chúng tôi làm báo khẩn trương như vậy, trong một hoàn cảnh khủng bố bất ổn đặc biệt của thành phố Hà Nội thời bấy giờ. Đã có một số anh em phái quốc gia bị bắt cóc, hay đột nhiên mất tích. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng súng nổ ở xa. Nhưng chắc bên Việt minh cũng chịu cảm giác khủng bố không kém, vì quân Trung Hoa đã kéo đến nhiều, chia nhau chiếm các vị trí chủ chốt. Đồng thời, hoạt động của phe quốc gia cũng càng ngày càng nổi lên bề mặt. Việt minh tuy muốn trừ khử ngay nhưng chưa thể làm được.