Vào cuối năm 1932, tôi đến thăm toà báo Phong Hoá.Toà nhà có thể gọi là lịch sử này cả về mặt văn hoá lẫn chính trị, đã chứng kiến bao sự kiện đã từng xẩy ra trong mười lăm năm. 80, phố Quan Thánh, ngay góc đường Quan Thánh và Hàng Bún. Có hàng rào sắt, có cổng lớn ra vào. Mấy câyy bàng cao trồng hai bên đường, mùa thu tới, lá bàng đỏ thường rụng và bay vào trong sân. Con đường xe điện Bưởi chạy ngang trước cổng.Một toà nhà hai tầng, có sân rộng bao bọc. ở giữa, bước lên thềm, là phòng trị sự và nhà in: Muốn lên toà soạn ở trên gác, thường rẽ sang bên cạnh, qua một khóm tre Đằng Ngà thân màu vàng. Chỗ này, mọi người lúc rỗi thường bắc ghế ngồi chuyện trò, hay đánh bóng bàn.Đằng sau có thang lên gác, bên trái là phòng của hai vợ chồng Khái Hưng, còn ở giữa là toà soạn. Gian giữa để làm việc, gian bên là phòng khách. Trong cùng, còn có hai buồng nhỏ để tài liệu, máy móc cần thiết.Tôi chưa gặp Khái Hưng bao giờ. Nên khi bước vào phòng khách, một người thấp nhỏ, da mặt ngăm ngăm đen quay ra, tôi ngờ ngợ không biết có phải là anh không. Khi có một anh giới thiệu, chúng tôi bắt tay nhau. Trong lúc bắt tay rất chặt, không hời hợt như một số bạn khác, tôi cảm thấy anh là người rất nhiệt tình, dù đối với một người trẻ như tôi. Đôi mắt anh lanh lợi, đôi môi hơi trễ xuống, nhưng cười nói rất có duyên, nhanh nhẩu. Vì gầy nhỏ, môi lại hơi thâm, nên có người nói anh nghiện thuốc phiện, thực ra oan cho anh. Từ lúc đầu, thái độ anh rất chân thành, coi tôi như người bạn và cũng là em út trong nhóm, không hề lên mặt người lớn. Thành ra, tôi cảm thấy dễ chịu như trong anh em một nhà. Hôm đó, Thạch Lam có mặt, Khái Hưng nhanh nhẩu tự pha cà phê cho chúng tôi uống. Thứ cà phê đen đặc, vị rất nồng. Truyện trò một lúc, mấy người giở bàn cờ tướng ra. Khái Hưng hỏi tôi có thích đánh cờ tướng không.- Cứ thử xem, anh cho với nó một ván đi. - Thạch Lam gợi ý.Khái Hưng xem ra có vẻ khinh địch, bầy cờ xong thì vừa đi nước vừa gật gù truyện gẫu. Nhưng đi năm nước rồi mới biết mình hố, lâm vào thế yếu, sau khó nhọc lắm mới gỡ hoà cờ.- Hậu sinh khả úy- anh nói.Anh không biết tuy còn ít tuổi tôi cũng đã đọc qua cuốn quất trung bí. Ván sau, chơi với Thạch Lam, anh lại phải chịu thua. Một đặc điểm chung cho Khái Hưng, Thạch Lam hay Tú Mỡ, Thế Lữ, như Nguyễn Tuân thường đùa, là đều có bộ ngực Omega cả, có nghĩa là lép kẹp như chiếc đồng hồ đeo tay mỏng dính. Song điểm này chằng phải là độc quyền của các anh, mà như Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương mấy anh khác cũng vậy. Đủ rõ đời sống của họ thời ấy ra sao.Vì ở luôn trong tòa báo, nên Khái Hưng có thể coi như Tổng thư ký tòa soạn. Thạch Lam cũng thường xuyên ở đó và kiêm những bài phóng sự. Nhất Linh xử lý công việc chung và xếp đặt kế hoạch nội dung mỗi số. Còn Hoàng Đạo vì bận đi làm nên buổi tối hay ngày nghỉ mới tới. Nhiều khi anh em phải làm việc tới khuya mới ra kịp báo. Một điểm mà Phong Hóa chú trọng nhiều là những tranh vẽ, hoạt họa, khiến cho tờ báo linh động hơn và hấp dẫn hơn. Lúc đầu, người vẽ chính là Nhất Linh - ta còn nhớ anh đã học tại trường Mỹ Thuật. Sau đó, mời thêm một số họa sĩ giúp việc. Có người đưa ra y kiến, làm một số Xuân đặc biệt, với bìa màu, nhiều tranh vẽ. Người vẽ tranh bìa là họa sĩ Trần Bình Lộc. Gặp anh lần đầu, tôi rất có cảm tình với nhà họa sĩ thấy lùn nhưng vui tính, hay nói đùa. Còn nhớ, tranh bìa năm ấy vẽ hai thiếu nữ áo dài thướt tha, yểu điệu, đứng bên gốc mai hái hoa bỏ vào lẵng. Thực tình, bức tranh chưa có trình độ nghệ thuật cao, nhưng vì mới mẻ nên nhiều người thích. Dưới bức tranh, có bài thơ cảm đề của Thạch Lam, bài Ngày Xuân hái hoa:Ngày xuân, chị em đi hái hoa,Rừng mai, đứng dưới gốc mai già...Hoa mai trắng xóa trong xuân tươi,Một chị một em xuân mấy mươiGió xuân! dịu dàng tà áo lay,Gió xuân! hoa mai tan tác bay!Em tay nâng gió chị vin cànhBẻ đóa hoa mai với lá xanhNgày xuân cánh hoa đượm hạt mócHái hoa, hoa rơi vương mái tócTiếc hoa nên hái giỏ hoa đầyMột giỏ hoa xuân nặng chĩu tayNgười về tiếc xuân biết còn ai?Còn lại trong vườn xuân với mai. Tranh và thơ đều nhuốm vẻ êm đềm, dịu dàng, trữ tình hợp với tâm tình của những thanh niên - hay không thanh niên- ở các thành phố. Số báo xuân bán rất chạy. Sau đó nhiều báo cũng ra số xuân, có thơ, có tranh thiếu nữ - thành một thứ mốt còn truyền đến tận bây giờ, nửa thế kỷ sau. Rất tiếc là về sau, Trần Bình Lộc mất quá sớm. Nhưng có mấy anh Tô Ngọc Vân, Cát Tường (tức Lemur - tiếng Pháp là bức tường) Nguyễn Gia Trí giúp việc.Tô Ngọc Vân, chuyên về tranh sơn dầu, là một trong những họa sĩ tài năng nhất. Anh người còn bé nhỏ hơn cả Trần Bình Lộc, tính tình điềm đạm dễ thương.Lemur là một chàng dong dỏng cao, nhanh nhẹn, vui vẻ. Anh khét tiếng không vì tài họa của anh, mà vì anh đã nghĩ ra những mẫu kiểu áo tân thời cho phụ nữ, gọi là kiểu áo Lemur. Hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, tương đối yên ổn. Nên các thứ vui chơi, thể dục, văn nghệ có môi trường để phát triển. Tại các thành phố, nhất là tại Hà Nội ngàn năm văn vật đất Thăng Long, giới trung lưu có những nhu cầu riêng. Phụ nữ có nhiều dịp để phô trương sắc đẹp, quần áo kiểu cũ- áo cánh trắng, quần lĩnh đen đã lỗi thời. Tại các phố hàng Ngang, hàng Đào, Tràng Tiền tối đến tấp nập thanh niên đi dạo phố. Mình ơi, có đi bờ Hồ,Cùng ta ăn kem kẹo dừa,Cứ đi đi mình nhé... Câu Lưu Thủy Hành Vân này rất thịnh hành lúc đó. Lại cần có quần áo lộng lẫy hơn khi đi xem hát, xem điện ảnhThương nữ bất tri vong quốc hận...Chắc nhiều người sống ở thời ấy đã biết kiểu áo Lemur là thế nào. Đó là một thứ quần, áo dài Việt nam đổi kiểu, phỏng theo lối đầm. Ai đã xem qua phim Số Đỏ thì cũng rõ. Mới thì mới thực, nhưng quá lai căng, rườm rà, như cổ áo quá cao, vai bồng, eo lưng quá thất, lại thêm viền đăng ten diêm dúa, làm mất vẻ đẹp tự nhiên của chiếc áo dài Việt nam. Nên không bao lâu sau, nó đã thành ra cổ lỗ hơn cả những kiểu áo cũ.Một lần, Lemur, Thế Lữ và tôi, cùng một thiếu nữ đi chảy hội chùa Hương, với mục đích làm một bài phóng sự. Lemur bận về vẽ phác cảnh núi rừng, còn chúng tôi về ngắm cảnh thiên nhiên, chùa, động. Khi ngồi nghỉ ở chùa ngoài, Thế Lữ tò mò hỏi cô bạn về cái kiểu áo Lemur, thì không ngờ cô bĩu môi một cách tinh nghịch:- Những mẫu áo ấy à? Thì anh ấy có biếu em, em cũng không mặc.Lemur ngồi im, không nói gì. Và chính anh sau đó, cũng gác các kiểu áo anh vẽ vào tủ.Còn anh Nguyễn Gia Trí thì lại khác hẳn. Thoạt mới gặp, thực khó nghĩ đây là một nghệ sĩ tài hoa. Tướng anh rất đặc biệt. Tôi liên tưởng đến Trương Phi. Người cũng thấp, tóc bờm sờm, lông mày rậm, bộ râu quai nón lồm xồm chung quanh đôi môi hơi dầy. Đôi mắt anh cũng khác người, màu xanh biếc và long lanh như mắt mèo. Nhưag biết anh rồi, mới rõ bản tính hiền lương và khiêm tốn của anh. Anh ít nói, càng ít tranh chấp hay kể gì về mình.Lúc trước anh vẽ sơn dầu, sau đổi sang chuyên về sơn mài, và anh đã thành công vượt bực. Một lần, tôi đến thăm xưởng vẽ của anh ở chân đê Thụy Khê. Xưởng vẽ thực là lộn xộn, vô trật tự. Những bức tranh, bình phong vẽ chưa xong để bừa bãi khắp nơi trên mặt bàn, đất, đủ các thứ bút, giấy, các thứ màu để vẽ vàng, bạc thực và rất nhiều vỏ trứng vứt lung tung. Nên nhớ, đối sơn mài, vỏ trứng là một vật liệu rất quan trọng.Hôm ấy, chúng tôi gặp một cô người mẫu, coi có vẻ đồng ruộng nhưng cũng mảnh khảnh, yểu điệu... có lẽ vì thế mà những nhân vật trong tranh của anh phần lớn là những thiếu nữ bay bướm tung tăng, hay những nàng tiên múa trong mây. Hình tượng Lý Toét đầu tiên do Nhất Linh vẽ, sau đó do Gia Trí sửa đổi đôi chút. Còn Xã Xệ và Bang Bạnh thì do anh Gia Trí nghĩ kiểu. Nhiều độc giả lúc đó thích vì chê cười những cái ngờ nghệch, ấu trĩ, nhà quê hay hống hách, quan dạng. Nhưng cũng có người cho rằng không nên chế diễu quá đáng, những thứ ngớ ngẩn, ấu trĩ không phải là lỗi ở nông dân bản thân mà do xã hội, chế độ thực dân kìm hãm trong tình trạng lạc hậu mà ra. Bang Bạnh quả thực nên chế diễu. ý thức nhạo báng những cái gọi là nhà quê, xét cho kỹ, cũng là nhận xét thiên lệch của những tầng lớp ở thành thị đối với những người thôn quê. Tờ Phong Hoá được hoan nghênh về tinh thần sáng tạo, cái cách, và tiến bộ, và đồng thời về giá trị văn chương cao, về những tác phẩm xuất chúng. Nhiều ưu điểm hợp lại, lại là một tập hợp của nhiều tác giả tài hoa đã khiến cho nhóm này trở thành đại biểu cho cả một trào lưu văn nghệ mới.Nhưng ngược lại, cũng có một số người khư khư ôm lấy quá khứ nên bực dọc, bất mãn, ngoài ra còn một số ghen ghét, ganh tị. Có người vỗ ngực than thân Ôi! Phong Hóa suy đồi! (Tờ Phong Hoá phá hoại phong hóa). Cái đó cũng tự nhiên thôi.Nói cho khách quan một chút, Phong Hoá và Tự lực văn đoàn ra đời vào một thời điểm đặc biệt trong lịch sử Việt nam dưới thời thực dân. Nhưng năm 1927 cho tới 1932, nhiều cơn gió bão đã đưa tới xáo trộn nặng nề trong xã hội, mà cao điểm là cuộc khởi nghĩa của Việt nam Quốc Dân đảng năm 1930 và những vận động của nông dân tại Nghệ Tĩnh do đảng cộng sản Đông dương thúc đẩy. Cả hai phía đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn ác với bao nhiêu bản án tử hình, khổ sai chung thân và trại tập trung. Tình thế ổn định tiếp theo sau là ổn định dựng trên khủng bố, một thứ ổn định bề mặt.Chính bọn thống trị người Pháp cũng cảm thấy như thế, nên đổi sang dùng sách lược an dân để xoa dịu bất mãn và lôi kéo dân chúng sang những hoạt động vô hại. Chúng đưa vua Bảo Đại về hồi loan và reo rắc những hy vọng duy tân lừa gạt vào nhà vua trẻ này cùng với sử dụng học giả Phạm Quỳnh làm bung xung. Một mặt, chúng hô hào những phong trào thể thao hấp dẫn như thi đua xe đạp suốt Đông dương hay những cuộc đua quần vợt với Chim-Giao. Ngoài ra, còn phong trào ăn chơi, mặc quần áo đẹp, nhây đầm, bàu hoa khôi. Phong trào quần áo kiểu Lemur cũng bắt nguồn từ đó. Lại còn phong trào đua đi nghỉ mát, lên núi, đi tắm biển Đồ Sơn, Sẳm Sơn, Cap Saint Jacque... Những tiệm nhảy, chơi cô đầu, thậm chí tiệm thuốc phiện, sòng bạc mọc ra nhan nhản. Tại đất ngàn năm văn vật, thanh niên kéo nhau tới những chỗ tên tuổi như Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và những ngõ hẻm giữa thành phố. Các rạp điện ảnh cũng chật ních người háo hức xem những phim hiệp sĩ, cao bồi miền Tây Hoa Kỳ hay những phim lãng mạn với những cô đào Mỹ, Pháp tuyệt sắc.