Thoăn thoắt tết từng sợ dây ruy băng đủ màu sắc làm thành từng chiếc nơ xinh xắn xong, Hải San đem gắn vào những cành hồng đã được gói kín trong giấy màu trong suốt đến đẹp mắt. Ngồi nghiêng đầu qua, xoay đầu lại, cô chiêm ngưỡng thành quả lao động mình làm một cách hài lòng thích thú. Ngoài cửa phòng Kim Thuyền vừa đi học về. Trên tay cô là cả một chồng sách vở cao ngất: - Mi nấu cơm chưa Hải San? Vẫn dán mắt vào những bông hoa, Hải San đủng đỉnh trả lời: - Cơm thì nấu rồi nhưng đồ ăn thì chưa có gì. Đặt sách vở lên bàn, Kim Thuyền thở ra: - Vậy thì ăn cơm với gì? - Ờ thì còn chai nước tương đó. Kim Thuyền tiếp tục ca cẩm: - Ăn uống kiểu này hoài chắc chết quá Hải San ơi. Đứng dậy cắm từng cành hồng vào chiếc xô có chứa đầy nước, vừa làm Hải San vừa an ủi bạn: - Ráng ăn đỡ cơm chiều nay đi. Tối nay tao đi tiếp thị hoa hồng này hết thì mai bữa ăn có được cải thiện thôi. Nhìn chiếc xô nhựa chứa đầy nhóc những cành hồng, Kim Thuyền có vẻ ngạc nhiên: - Sao bữa ni mi lấy nhiều quá vậy? Bán làm sao cho hết? Hải San nhướng nhướng đôi mày ra dáng tinh nghịch, tiếng nói đầy vui vẻ: - Sao lại bán không hết, chẳng những bán hết, lời nhiều mà còn về sớm nữa kìa. Kim Thuyền hỏi tò mò: - Sao mi tự tin vậy? - Tối nay có chương trình ca nhạc giao lưu với các ca sĩ nổi tiếng ở nhà văn hóa thanh niên mờ lị. Vỗ hai tay vào nhau đánh bốp, Kim Thuyền buột thốt đầy hớn hở: - Đúng rồi, ta quên mất. Hồi nãy ở trường nghe mấy đứa rủ nhau đi, nghe nói có ca sĩ Lâm Khang nữa. Tuyệt vời thật. Lâm Khang ư? Cái tên nghe quen thuộc quá, nhưng có lẽ tên trùng tên thôi. - Nè Kim Thuyền, bộ ca sĩ Lâm Khang đẹp giai lắm hở? Sao nhắc đến tên anh ta, mi lại sáng rỡ đôi mắt vậy? Chớp chớp mắt làm duyên, như thể người đang đứng trước mặt là thần tượng của mình, chứ không phải là cô bạn "mọt sách", Kim Thuyền ra dáng mơ màng: - Hát hay, đẹp trai chẳng thua gì anh chàng Minh Hy Can trong phim "Ước mơ vươn tới một ngôi sao" vậy đó. Hải San bật cười: - Ta có bao giờ xem phim mà biết anh chàng Minh Hy Can ấy mặt mày tròn méo ra sao. Trề môi, Kim Thuyền móc họng bạn: - Cũng đúng thôi, nếu lỡ một ngày nào mi mà bước chân đến được những nơi vui chơi giải trí ấy, thì chẳng biết hai chữ "mọt sách" ấy phải nhường lại cho ai nữa. Hải San tửng tửng: - Thì nhường lại cho mi. Kim Thuyền dài giọng: - Không dám đâu! Ai mà ham giống như mi chứ. Ai đời thuở đi học ở Sài Gòn suốt ba năm đằng đẳng mà cóc có biết gì cả. Mi có nghe câu "học mà không chơi... " - Học mà không chơi, phí đời tuổi trẻ. Chơi mà không học, mất tương lai chớ gì? Hải San cướp lời Kim Thuyền: - Có mỗi một câu thôi, mà lần nào mi cũng đem ra thuyết giáo, ta nghe riết đâm ngán. - Vậy mà mi có lần nào chịu đi đâu. - Đi để làm chi? - Trời ơi, đi để đầu óc bớt căng thẳng vì phải nhồi nhét quá nhiều chữ nghĩa, kiến thức vào đầu chớ. Nói chuyện với mi kiểu này có ngày ta tức chết quá. Hải San bông phèng: - Đừng chết uổng, ca sĩ Lâm Khang nào đó sẽ mất đi một fan của mình sao. Kim Thuyên nhăn mặt: - Đừng có mà xỏ ngọt tạ Tự vì mi chưa gặp anh ấy thôi, chứ nếu gặp rồi hở, trái tim mi cũng sẽ có vấn đề ngay. - Gặp rồi chứ sao không. - Sao, gặp rồi hả? Ở đâu? Hải San dài giọng: - Gặp từ ngàn kiếp trước. Ha... Ha... Ha... Kim Thuyền ngớ người chợt hiểu ra khi nghe tiếng cười của bạn. Cô cũng cười theo đoạn đem chén đũa dọn cơm. Nói là dọn cơm cho lịch sự chứ thật ra chỉ vỏn vẹn hai cái chén, một dĩa nước tương dầm tỏi ớt và một nồi cơm nhỏ mà thôi. Bưng mâm cơm đặt xuống nền gạch, Kim Thuyền xới vào chén cho bạn và cho mình rồi nói: - Hồi ta mới lên đây học, thân hình ta tròn trịa, thon thả làm sao. Giờ đây thì tàn không thể tưởng. Còn đến một tuần nữa mới nhận được tiền nhà gởi lên. Lâu quá. Ôi, chay tịnh kiểu nầy... Và cơm vào miệng ăn ngon lành, Hải San động viên Kim Thuyền bằng giọng hài hước: - Ai nói mi đây là ăn chay? Mi có biết trong thành phần pha chế nước tương có hầm bà lằng xương bò, xương heo, có đậu nành nữa không. Như vậy là hàm lượng calori đã quá đầy đủ, thêm chất tinh bột có trong cơm gạo nữa, sang thí mồ. Giọng Kim Thuyền ỉu xìu: - Ừ thì sang. Nhìn thấy miếng ớt cuối cùng được Hải San gắp bỏ vào miệng nhai ngon lành, Kim Thuyền cằn nhằn: - Mi ăn ớt còn hơn mấy con nhồng trông mà phát khiếp. Ăn cay cho lắm vào. Hải San buông thõng một câu mà cô biết Kim Thuyền không thể nào hiểu được: - Ăn cay như thế này có thấm tháp vào đâu với những thứ cay đắng khác. Tự hiểu mình nói chỉ riêng mình hay biết, nên Hải San đã ngăn vội tiếng thở dài chạy ngược về buồng phổi và lảng sang chuyện khác: - Hôm nay ta lấy đến năm chục bông lận, trừ vốn liếng giấy nơ ra, thì chỉ cần lời nhẹ hai ngàn đồng một bông, tối nay ta cũng bỏ gọn túi cả trăm ngàn. Sướng chưa Thuyền? Giọng Kim Thuyền ngưỡng mộ: - Mi giỏi thật đó Hải San, vừa đi học, vừa đi dạy kèm, mà con gởi thêm về nhà. Còn khuya lắc, khuya lơ mà ta mới theo kịp mi. Hải San cười cười: - Người ta chỉ so bì những điều tốt đẹp, hay hạnh phúc, chứ có ai so bì điều đa đoan cực khổ như mi đâu. Mi làm sao có thể giống ta được, hoàn cảnh mỗi đứa đâu thể giống nhau. Tuy mi có một gia đình không được sung túc về kinh tế, nhưng mi được ưu đãi bằng sự đầm ấm bình yên và yêu thương của cha mẹ. Đó là một thứ hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng có được đâu Kim Thuyền. Hải San không nói nữa, miếng cơm như chực nghẹn và chận ngang cổ họng, cô thẫn thờ buông đũa, trong sâu xa tâm linh niềm tủi hổ đau xót đang trỗi dậy, xâu xé tim cộ Hạnh phúc là gì nhỉ? Cô chưa một lẫn nếm trải, có chăng thì là cái tuổi thơ mồ côi bất hạnh, không có lấy một chút vui để hãnh diện với đời. Thế đấy, ông ấy đã tạo ra hình hài cô, nhưng cũng chính ông ấy lại tàn nhẫn vứt bỏ cô một cách không thương tiếc, xót xa. Dừng xe trước ngã tư khi đèn đỏ vừa hiện, Lâm Khang lơ đễnh ngắm nhìn dòng xe cộ tấp nập xuôi chiều trước mặt. Bất chợt anh chồm người về phía vô lăng, tay giật phăng chiếc kính đen che khuất nửa khuôn mặt của mình. Anh đăm đăm nhìn cô gái vừa băng qua ngã tư, bộ đồ jean nhạt màu, lưng đeo ba lô con cóc, chiếc mũ đội ngược, đang yên vị trên chiếc mi ni Trung Quốc, cô gái thảnh thơi đạp xe hòa cùng dòng người, xuôi về nhà hát hớn thành phố. Chưa có bao giờ Lâm Khang thấy thời gian trôi chậm thế, ngọn đèn đỏ trước mặt sao cứ cháy mãi, không chịu đổi sang ngọn đèn xanh, chắc là mấy chàng công an trực chốt đèn mơ ngủ hay sao ấy nhỉ, không khéo mất hút bóng dáng cô ấy thì thật là xui xẻo. Nóng ruột đến độ khi đèn xanh vừa bật sáng. Lâm Khang đã nhấn ga, mở đèn xi nhan, vượt lên trước các xe khác để được quẹo trái. Và anh hoan hỉ, làm sao khi đôi mắt đã thấy đối tượng đang xuôi chiều trước đầu xe mình. Anh cho xe chạy thật chậm để làm cái đuôi phía sau lưng cô gái, tuy không thấy được khuôn mặt đẹp đến hoang dại của cô, nhưng anh cũng thật no đầy đôi mắt vì đã chứa căng cái vóc dáng thon thả thanh xuân ấy, ôi mái tóc đen dài xuống tận mông, được buộc hờ bằng một sợi dây thun nhỏ xíu. Cô gái đã quẹo xe về đại lộ Lê Lợi và dừng lại trước bãi gởi, Lâm Khang cũng tấp vào bãi gởi gần đó, nhận vội tờ biên lai do người chủ giữ xe đưa, anh không màng kiểm tra lại xem tờ giấy có ghi đúng số xe mình hay không, và anh rảo bước nhanh theo cô gái, vừa khuất sau lưng khung cửa kiếng của cửa hàng sách. - Ốc Tiêu! Đang đảo mắt tìm kiếm quyển sách mình cần mua, chợt nghe tên gọi, Hải San hơi khựng sững người lại. Quái nhỉ! Ở Sài Gòn này ai biết được tên cúng cơm của mình mà gọi vậy cà? Xoay đầu về bên phải không thấy ai, hướng mắt qua phía trước cũng chẳng có gì, đang lúc còn phân vân thì tiếng nói từ phía sau lưng đã cất lên thật gần: - Tôi đây! - A... Ồ... Lâm Khang đã đứng đối diện trước mặt cô. Hải San ngạc nhiên đến độ chỉ bật lên mấy tiếng a, ồ rồi nín câm. Có những người khách cứ nhìn về phía hai người, hình như đoán được điều gì sẽ xảy ra, nếu họ phát hiện ra mình là ai, Lâm Khang lại đeo kính đen lên mặt và kéo tay Hải San đi nhanh ra ngoài hiệu sách: - Mình đi. Hải San trì người lại, cô không hiểu được thái độ của Lâm Khang: - Tôi đang mua sách mà, ông không thấy sao? Lâm Khang nở nụ cười tươi hết cỡ để trấn an cô: - Một lát mau sau cũng được, làm ơn chìu tôi một chút mà, mình kiếm chỗ vắng nói chuyện dễ chịu hơn. Gặp được Ốc Tiêu tôi mừng quá! Bước chân Hải San vẫn đi đầy phân vân, theo đà kéo của Lâm Khang, giọng cô có phần gay gắt: - Khi không mới gặp nhau ông đã kéo tôi đi đâu đây? Ông thật kỳ dị. Đưa tay trỏ đặt ngang môi cô, Lâm Khang nhỏ giọng: - Suỵt! Cô đừng nói lớn quá giữa phố đông người, đừng bực dọc thế. Tôi đưa cô đi uống nước thôi mà, chứ có phải dẫn dắt cô làm chuyện gì mờ ám đâu mà cô phải thế. Hải San trừng mắt nhìn Lâm Khang: - Ông mà dám thế thì tôi không để ông thọ lâu trên đời này đâu. Tôi sẽ cho ông ăn cơm cúng đó. - Biết rồi, lần đầu gặp nhau tôi đã hiểu được tính tình của cô mà. Đi song song ra tới ngoài đường rồi mà tay Lâm Khang vẫn còn giữ lấy bàn tay Hải San không chịu buông ra, thế nhưng cô vẫn vô tình chẳng để ý. Cô đang tò mò vì nhìn anh, cặp kính đen, cái đầu hơi cúi xuống như sợ người đi đường nhìn thấy. Cô hỏi giọng móc lò: - Bị Ông bị mất bóp hả? - Sao cô hỏi kỳ vậy? - Không bị mất bóp sao ông đi mà mắt cứ dán xuống đất hoài thế? Lâm Khang cười khùng khục trong cổ họng, cô vẫn chưa biết mình là ai? Như vậy càng hay. - Tôi nói vậy có gì mà ông cười? - Câu hỏi của cô nghe thật vui tai, bộ cái mặt tôi giống mấy người bị mất bóp lắm hả? - Chứ gì nữa. Anh lại cười tiếp. Hải San mím môi im lặng. Đưa Hải San vào một quán nước thật sang, Lâm Khang chọn một chiếc bàn thật khuất, có mấy chậu kiểng che kín tầm nhìn của những kẻ tò mò. Anh kéo ghế cho Hải San ngồi và anh cũng ngồi sát cạnh cô với thái độ điềm tĩnh, đầy tự tin. Không hỏi xem cô thích uống loại nước giải khát gì, anh thản nhiên gọi cho cô ly cam tươi và cho mình một cà phê đá. Hải San có vẻ ngạc nhiên trước cách xử sự của anh, và cô chỉ biết tròn mắt nhìn không nói năng. Như không thấy được sự ngẩn ngơ của Hải San, Lâm Khang tỉnh bơ bỏ chiếc kính mát xuống, rồi nhìn cô cười tươi rói: - Trời nóng, uống cam tươi là phải lẽ, em uống đi. Ngạc nhiên này chưa dứt, ngạc nhiên kia lại tiếp tục về. Trời ạ, tiếng em của hắn gọi ngọt ngào, âu yếm như thể mình đã là người yêu của hắn từ hồi xửa, hồi xưa vậy. Tiếng cô đang ở quãng tư, giờ bị hắn hạ xuống đến một quãng tám bằng tiếng em gọn bâng. - Được gặp lại em, anh mừng vui quá. Đã ba tháng mười hai ngày rồi mình không gặp nhau. Hải San thở hắt, nghe trái tim hình như rối loạn nhịp đập. Lại thêm một đại danh xưng bị xóa sổ và được thế vào bằng tiếng anh đầy tự tin như thể từ anh đã được hắn đặt cọc từ thuở nào. Hắn có biết hắn đã đặt cô vào tình thế chẳng đặng đừng không hắn làm cho cô không biết phải xưng hô ra sao cho phải lẽ, gọi ông xưng tôi chẳng được nữa rồi, mà xưng em gọi anh thì quả là cô không quen. Thôi đành tùy cơ ứng biến vậy. Độc thoại thầm với mình xong, Hải San lấy giọng điềm tĩnh hỏi trống không Lâm Khang: - Vẫn khỏe chứ? Lâm Khang vờ như chẳng nghe thấy, anh nhất ly cà phê lên nhấp từng ngụm nhỏ thật thanh thản. Hải San bực mình nhắc lại: - Vẫn khỏe chứ? Bây giờ thì Lâm Khang mới như giả vờ giật mình: - Em hỏi anh à? - Không lẽ hỏi cái bàn, cái ghế. Lâm Khang cười cười: - Nếu không khỏe thì làm sao còn ngôi đây uống nước với em. Còn em dạo nầy ra sao? - Bình thường. - Chuyện học hành của em thế nào? - Tạm được. - Em có hay về quê không? - Có. - Bác gái có khỏe không? - Khỏe. - Còn chú nhỏ Cu Đen? - Vẫn vậy. - Bao giờ em về quê nữa? - Vài ngày tới. - Anh nhớ màu biển ở đấy quá. - Thế à! - Và nhớ cả em nữa. - Hả...! Hải San ngây người, nhìn đăm đăm Lâm Khang. Không thể tin nổi là chỉ vài tháng, không gặp mặt, Lâm Khang không còn là Lâm Khang với cái dáng vẻ nghiêm trang lẫn hòa mình của ngày nào nữa. Mà bây giờ Lâm Khang đang gắn vào mình vẻ ngạo nghễ ngông đời và ăn nói càng táo tợn thêm lên. Dẫu chột dạ vì câu thốt có phần tán tỉnh của Lâm Khang, nhưng cô vẫn giữ cho giọng nói mình đều đều, xem như không có chuyện gì: - Cám ơn! Gởi tia nhìn nồng nàn vào gương mặt Hải San, Lâm Khang cố giữ cho môi mình không bật ra nụ cười thích thú. Dù cô có làm ra vẻ hờ hững đến thế nào, vẫn để lộ lên đôi má một màu hồng ngượng ngùng, cho dù ly nước cô đang uống là chất cam tươi, chứ không phải là thứ men nồng của rượu. - Ngày anh trở lại thành phố, anh có đến nhà định từ giã em, nhưng buồn thay em đã đi rồi. - Tình cờ gặp nhau, dăm ba lần trò chuyện cùng nhau, đâu có gì để gọi là vướng bận, đến nỗi phải dùng chữ buồn để diễn đạt tâm trạng mình. Một nỗi buồn ngang vừa lướt qua mắt, anh hỏi Hải San bằng chất giọng trầm trầm: - Em thật lòng nghĩ thế sao? - Nếu không tin, thì đừng nói gì hết. Thôi tôi về đây, cám ơn ông đã mời tôi đi uống nước. Hải San dợm đứng lên. Lâm Khang đưa tay chận lại: - Em tự ái vì câu nói của anh? Hải San cười nụ: - Ông nghĩ thế sao? Câu hỏi được thay thế bằng câu trả lời của cô làm anh ngớ người giây lâu, rồi đành cũng bật cười giả lả: - Ốc Tiêu nè! - Gì? - Anh nói cái nầy em cũng đừng giận nghe. - Sao ông nhiều chuyện quá vậy? Nói đi! - Nhờ em trả tiền nước giúp anh. - Trời đất. - Hồi nãy ra khỏi nhà anh đã quên mang theo bóp tiền. Hải San cự nự: - Biết quên bóp tiền ở nhà, sao còn dám mời tôi vào quán uống nước, sao ông liều lĩnh quá vậy? Rủi tôi cũng không mang theo tiền thì làm sao chứ? Lâm Khang gãi gãi đầu, cười cười đầy bí hiểm. Hải San gọi người ra thanh toán tiền xong, rồi lại nhìn Lâm Khang dấm dẳng: - Lần sau mà còn chơi trò ú tim như vầy nữa thì đừng có mà trách tôi. Nhớ đó. Lâm Khang chụp lấy cơ hội vì lời nói hớ của Hải San: - Vậy chừng nào mình lại gặp nhau nữa? - Sao? Gặp lại nhau nữa à? - Thì em đã nói lần sau là gì? - Ơ... Không tìm ra được một từ ngữ nào để đối đáp với anh, cô đành im lặng một cách bực dọc và quay phắt người bước ra khỏi quán. Lâm Khang đi bên cạnh cứ cười lén tủm tỉm. - Ông đi theo tôi chi nữa? - Không phải là em đi đến bãi gởi để lấy xe sao? - Việc nầy đâu can hệ gì đến ông. Lâm Khang cất giọng ca cẩm: - Em đã làm ơn thì làm ơn cho trót. Hải San quay mặt sang anh, chiếc kính đen che giấu mất đôi mắt và nửa gương mặt của anh không hiểu sao cứ làm cô phát bực bội: - Ông muốn việc gì nữa đây? - Nhờ em cho anh quá giang một đoạn đường. - Bằng cái cúp điếc của tôi? - Ừ! - Không. - Sao vậy? - Chẳng sao cả. - Anh và Ốc Tiêu hai người cộng chung cũng chỉ một tạ hai là cùng, chiếc cúp điếc của em dư sức chở mà. - Nhưng... - Nhưng sao? Trời ạ, hắn ta giả vờ không biết hay là thật tình không biết rằng, nếu đèo nhau chung trên một chiếc xe, làm sao thiên hạ không lầm tưởng là tình nhân của nhau. Tuy nghĩ thế nhưng Hải San nào có dám giải thích, nên cô đành im re tiếp tục rảo bước vào bãi gởi và lấy xe ra. Lâm Khang vẫn đứng ngay đầu bãi chờ đợi. Trông thấy cô ra, anh bước đến đón nhanh lấy ghi đông giọng xởi lởi: - Anh chở em nghen Ốc Tiêu. Gương mặt cô đỏ au tựa trái gấc chín vì không biết làm sao. Lâm Khang dẫn xe xuống lề đường rồi thản nhiên ngồi lên yên: - Lên xe đi em. Cô cứ đứng loay ngoay người nửa muốn nửa không. Lâm Khang bông phèng: - Hay là sợ anh không quen đi xe đạp, nếu thế thì em chở anh nhé. Lần này thì Hải San lên tiếng: - Tôi mà chở ông để thiên hạ cười cho thối mũi hử. Lâu rày gặp lại ông, tôi thấy ông sao hắc ám quá. Anh phì cười tỉnh queo, không có vẻ gì tự ái trước câu mắng mỏ và còn cảm thấy hân hoan lạ khi cuối cùng cô cũng đặt người ngồi lên yên sau, chịu để cho anh chở. Cô lúc này khác xa lắc xa lơ với cái cô gái mà anh từng gặp dạo nào. Cô có vẻ hiền ngoan, dễ thương dù vẫn cố tỏ ra lỳ bướng, nhưng vẫn không thoát xác được vẻ nữ tính. Chiếc xe đạp chầm chậm lăn bánh. Hải San cố làm mặt lạnh, nhưng vẫn phải bật cười khi nhìn bộ dạng Lâm Khang đạp xe. Đôi giò cao khều, lưng dài, vai rộng, tướng tá không dưới một thước bảy của anh cứ lóng nga, lóng ngóng mỗi khi đầu gối chạm phải cổ ghi đông, trông buồn cười làm sao. Nghe tiếng cười khúc khích của cô ở sau lưng mình, Lâm Khang hỏi nhỏ: - Em cười gì thế? - Nhìn ông đạp xe tôi thấy nói kỳ cục làm sao ấy. Lâm Khang cũng cười, quả thật là kỳ cục, có ai ngờ một người nổi tiếng như anh cũng có lúc phải còng lưng đạp xe, đèo chớ một người con gái sau lưng như thế này, và kỳ cục hơn nữa, là chính anh chủ động tự nguyện một cách thành tâm, cộng thêm cả chục triệu calori hao hơi nài nỉ, cô nàng mới chịu để anh quá giang chứ. - Ông đi đâu thơ thẩn một mình giữa phố xá vậy hả? - À... Ờ... Buồn buồn đi lang thang vậy mà. - Ông rảnh rỗi quá nhỉ? - Ừ! Buột miệng thế, nhưng trong bụng Lâm Khang có nghĩ vậy đâu. Rảnh rỗi quá nhỉ? Cô có biết thay vì phải tới nơi thu băng dĩa, thì anh lại bỏ ngang để làm cái đuôi sau lưng cô không? Đáng lý ra giờ này anh đang giam người trong gian phòng dịu mát có máy điều hòa, thì anh lại phơi mình giữa đường phố trưa nắng đổ lửa không. - Nè, ông chở tôi đi đâu vậy? Sao quẹo trái, quẹo phải lung tung hết vậy. Lâm Khang thanh minh: - Tôi tìm đường nào có nhiều bóng cây để đi. - Trời đất ơi! Ông làm ơn bớt lơ đãng giùm một chút đi. Kiểu như ông đến tối tôi cũng chưa về được nhà trọ. - Đến tối à, cũng được chớ sao. - Ông nói chuyện mưa nắng quá trời, tôi đâu thừa thời giờ rảnh rỗi như ông. Thời gian với tôi là vàng bạc đấy. - Chỉ mỗi việc học hành thôi mà, đâu đến nỗi không thừa thời gian rảnh rỗi. Bỗng dưng giọng Hải San buồn tênh: - Tôi đâu phải là tiểu thư khuê các đâu, tôi còn phải lắm điều lo toan cho bản thân tôi, nếu muốn tiếp tục theo đuổi chuyện học hành. - Ngoài việc học, cô còn làm gì nữa? - Làm việc gì cũng được, miễn là có tiền, nhưng phải chân chính và trong sạch. - Cụ thể là việc gì? Cô vẫn trả lời chung chung: - Cũng giống như mọi sinh viên nghèo khác thôi, ai cần gì thì mình đáp ứng đấy, cả tỉ công việc để làm: bồi bàn, marketing, phụ hồ, kèm trẻ, giúp việc nhà... - Vậy còn thời gian đâu để em giải trí? - Giải trí à? - Ví dụ: đi xem hát chẳng hạn. - Đối với tôi thì đó thật là hoang phí, một vé xem ca nhạc ấy nuốt mất đúng một tuần lễ dạy kèm. - Có thấy như vậy là đời sống tinh thần của em quá ư thiệt thòi không? - Cũng đành chịu thôi. Ai biểu mình nghèo. Câu nói vẫn đều đều, nhưng xoáy vào màng nhĩ Lâm Khang nói trở nên có phần chua chát, ngậm ngùi. Anh tự hỏi: tại sao cùng mang một giòng máu Hồ Khắc, cùng một người đàn ông tạo nên, nhưng Kim Sa thì quyền quý, cao sang, còn Ốc Tiêu thì khốn khó, chật vật. Kim Sa nệm ấm chăn êm, quần là áo lượt. Ốc Tiêu thì đa đoan, bương chải, thân gởi góc trời. - Rẽ trái. Tiếng la lớn của cô, đánh thức màn độc thoại thầm của Lâm Khang và đưa anh trở về với thực tại. Anh lấy giọng bình thản hỏi cô: - Tới nhà em rồi sao? Không chút buồn bã, Hải San vẫn ung dung trả lời: - Đừng có vội mừng, ông tưởng tôi là ai mà bạo gan thuê nhà mặt tiền. Còn vào sâu đến hai trăm mét nữa. Mà nè, ông định đi đâu? Sực nhớ lại mình là kẻ xin nhờ quá giang, Lâm Khang bật cười: - À, tôi quên mất. - Vậy thì ông xuống xe đi, không lẽ ông đưa tôi về, rồi một lát tôi lại thay phiên đưa ông về? Giọng Lâm Khang nghe quyến luyến: - Em không muốn mời anh vào nhà sao? Hải San trả lời thẳng tuột: - Hôm nay thì không thể, đã đến giờ tôi đi làm rồi. Hẹn ông khi khác. Lâm Khang bước rời khỏi xe, trao ghi đông lại cho cô. Dù chưa muốn chia tay cô, nhưng anh hiểu có nấn níu thêm cũng chẳng được gì, không khéo tạo ra điều phiền bực cho cô cũng nên. - Anh không vào nhà đâu, chỉ cần biết chỗ để dịp khác lại thăm em thôi. Được chứ Ốc Tiêu? Mủm mỉm cười, Hải San nói: - Khỏi đi theo mất công. Lần sau nếu ông ghét, thì ngay con hẻm này, cứ đi thẳng miết độ hai trăm mét sẽ thấy căn nhà tole nhỏ, ở phía trước có một cây bàng to, đó là nhà tôi thuê ở. Lâm Khang cẩn thận hỏi lại lần nữa: - Liệu có nhiều nhà cũng trồng cây bàng thì sao? - Trời ơi! Ông chậm tiêu quá, chỉ có nhà tôi duy nhất có cây bàng trước sân thôi. Cô cười tươi khác với vẻ khó đăm đăm lúc vừa mới gặp. Cô có biết khi cô cười rất là duyên dáng và rạng rỡ không nhỉ? Hải San ngồi lên xe: - Thôi nhé. Tạm biệt! - Tạm biệt. Vừa đạp xe được một vòng xe, cô đã ngừng lại: - À quên! Lâm Khang nè. Lâm Khang bước gần lại cô: - Cô muốn nói gì? Gỡ chiếc mũ jean bạc thếch đặt lên đầu anh, cô nói rành rọt: - Tôi cho ông tạm ứng đây. Dù sao tôi cũng đã về tới nhà, còn ông vẫn còn ở ngoài trời nắng trưa. Lâm Khang cảm thấy xúc động. Chất giọng bông phèng không màu mè, hoa mỹ, không ẻo lả cố tình làm duyên ấy của cô, có biết là luôn làm anh chao đảo, xao động không nhỉ? Anh biết trái tim mình đã thực sự bị vẻ đẹp hoang dại và tính cách bất cần, kiêu ngạo ấy mê hoặc mất rồi. Đứng thọc sâu tay vào túi quần, anh nhìn theo Hải San cho đến khi bóng dáng cô chỉ còn là một chấm nhỏ, anh mới quay lưng bước đi. Chưa bao giờ anh thấy bài hát "xe đạp ơi" của Ngọc Lễ lại dễ thương và tuyệt vời như hôm nay.