Chương 1

 …Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
…thương những đời như lục bình trôi…
( Điệu buồn phương Nam – Vũ Đức Sao Biển)
Xí nghiệp mới bắt đầu ra ca.
Mấy  chị em đứng ngồi  gièo giẹo bên hàng rào sắt nhọn đầu trước cổng Xí nghiệp chờ Hiếu ra đặng cùng đi chợ. Đợi hoài đợi hủy vẫn không thấy tăm hơi, Nhành nổi nóng  day mặt về phía Trang lách chách một hơi tuồng như cô là người gây ra trễ nải:
- Trời ơi,  từ trỏng ra đây có một khúc không tới trăm thước mà bả cứ cà rịch cà tang hết buổi! Đúng là người làm sao chiêm bao làm vậy. Mày lẹ làng tay chưn  chạy ù vô trỏng lôi bả ra đây cho tao!
Trang thót xuống xe, cắm đầu bước đi như ma rượt
Nhành nói với theo:
- Lẹ lên, nghen! Hay là vô trỏng ngủ chung với bả luôn đi!
Trang đi ngược dòng người đang hối hả. Hiếu đương đứng nón với bà Trần ngay lối ra vô phân xưởng. Trang không dám kêu mà đưa tay ngoắt ngoắt, vừa nhảy cà tửng như con choi choi. Vừa nói chuyện Hiếu vừa liếc mắt ra phía ngoài ngó chừng, tỏ vẻ sốt ruột. 
Thấy đã đến lúc kết thúc câu chuyện tràng giang đại hải, bà Trần đưa tay đặt lên vai Hiếu bóp nhẹ mấy cái. Ánh mắt như bàn tay mơn trớn, vuốt ve:
- Thôi trễ rồi Hiếu về đi. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện còn dang dở. Nói chung, đây là một vấn đề rất nhạy cản phải hết sức thận trọng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Xong xuôi, bà Trần khoác chiếc túi lên vai, xây lưng nửa vòng lưng ra hiệu chấm dứt câu chuyện dài thòn.
Chỉ chờ có vậy, Hiếu liền te tái ra cổng. Bắt gặp ánh mắt khó chịu của mọi người liền phân bua, do bà Trần giữ lại nói chuyện nên không tiện bỏ đi.
Huệ dòm Hiếu nhăn mặt, câu mâu một hơi:
- Chị với bả nói chuyện gì  dài lê thê cứ như Ngưu Lang,  Chức Nữ cả năm mới gặp nhau  trên cầu Ô thước một lần!
Hiếu biết lỗi ngậm miệng im re, cô thót lên ngồi phía yên sau cho Huệ chở đi. Nhành cũng chở Trang. Hai xe chạy song song hướng ra phía chợ.
- Nhiều chuyện lắm! – Hiếu nói:- Hết văn học tới triết học, rồi quay sang thơ ca, âm nhạc..Tao nghe bả nói mà cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì ráo!
Huệ cười rặc rặc:
- Những kẻ muốn chứng tỏ ta đây có hiểu biết thường nói những điều khó hiểu!
Ánh sáng từ Xí nghiệp hắt ra chừng trăm mét đổ lại. Ngoài phạm vi đó là khoảng tối mênh mông chị em đạp dò dẫm trong bóng đêm, vừa trò chuyện để xua cảm giác sợ hãi khi đi ngang qua ngôi nhà ma. Từ đây đi thẳng độ một trăm mét, quẹo tay mặt,  đạp thêm vài chục vòng chưn  thì tới chợ “ Âm Phủ “.
Chợ nhóm trên bãi đất trống mà những ngọn đèn cao áp  không sao hắt tới được và hoàn toàn biệt lập với khu dân cư. Mang tiếng là chợ cho đỡ tủi phận người, phận chợ, chớ nơi đây hoàn toàn không có sạp, quầy hàng, kiốt cố định…Tất cả đều sơ sài, tạm bơ như chính cuộc sống chênh vênh của họ̣. Và tuyệt nhiên không có bóng dáng nhân viên bảo vệ  hay cán bộ Ban quản lý nào. Tuy nhiên cứ mỗi tối, vào khoảng chín giờ lại xuất hiện một người đàn ông bận y phục toàn xanh đến thu tiền hoa chi, nghe nói, là nhân viên phường.  Những người bán ở chợ “ Âm Phủ “ đều có chung đặc điểm không lẫn vào đâu; áo quần lam lũ, đen đúa, ốm ròm như đàn cò ma từ miệt ruộng dạt về, chữ “ nghèo “, chữ  “ đói “ hiển hiện trên nét mặt nhăn nhó nhấp nhô rãnh cày…
Mỗi ngày lúc trời chạng vạng, dòng người ốm đói từ các nơi lũ lượt kéo về tất tả cuộc mưu sinh trần ai khoai củ. Họ ồn ào tranh giành chỗ ngồi rồi trải đại những tấm ny lon, bạt rách.. lên nền đất bụi bặm, ẩm ướt, và đổ các thứ ra mà rao bán. Nhưng  nhiều hơn cả thảy  vẫn là những mẹt hàng bằng tre nứa, thau chậu nhựa... Những thứ này được cái  gọn nhẹ có tính “ cơ động “ dễ dàng ứng phó  mỗi khi  gặp sự cố bất ngờ có thể xảy ra;  tránh xe cộ, trốn công an, dân phòng mỗi khi có đợt “ tảo thanh “ lập lại trật tự đường phố…
Từ xa đã nhìn thấy vô số những đốm lửa lập lòe như  ma trơi khiến người ta có cảm giác như đi lạc vào khu nghĩa trang hoang vắng. Đó là những ánh lửa phát ra từ những ngọn đuốc tre, đèy, đèn hột vịt, giấy vụn…Nói tóm lại là tất cả những gì có thể phát sáng.
Lại gần hơn một chút bắt đầu nghe tiếng rao hàng ra rả. Đủ loại âm thanh hỗn tạp: nam có, nữ có, già có, trẻ có, có giọng tenor cao vút, lại có giọng trầm trầm khản đặc... tạo thành bản hợp xướng buồn thảm bất tận vang dội khắp đất trời, hòa lẫn trong đó là mùi tanh nồng  cá chết, mùi thum thủm của thịt ươn, rau giập, mùi rác và mùi nhọc nhằn lam lũ của con người toát ra.
Chợ chỉ bán toàn những thứ  đồ dạc từ các chợ đầu mối đổ về mà nói theo đúng nghĩa “ bỏ thì thương, vương thì tội “, người ta  đành bán đổ bán tháo được đồng nào hay đồng nấy, coi như tiền mua kẹo cho mấy sắp nhỏ. Và những người nghèo ít vốn  “ bao thầu “  lại rồi đem bán cho đám công nhân nhập cư. Sau mỗi phiên chợ, đống phế thải không “ thanh lý “ hết sẽ được “ tập kết “ tới  những bô rác công cộng ruồi nhặng đen kịt để tờ mờ sáng hôm sau những công nhân vệ sinh gấp rút chuyển ra những bãi rác lộ thiên ngoại ô thành phố. Vì tầng lớp phục vụ là những người nhập cư, nên  chợ có  tên gọi là “ chợ  Nhập Cư “ ; người khác thì gọi là “ chợ Mò “, vì cảnh mua bán đều diễn ra trong bóng tối nhập nhoạng; kẻ có đầu óc khôi hài thích cảm giác rùng rợn  thì kêu là “ chợ Ma”, “ chợ Âm Phủ”. Tên nào cũng đúng, cũng dễ chấp nhận và phụ thuộc vào  sự “ lãng mạn “ của từng người. Kẻ bán lẫn người mua chẳng bao giờ rõ mặt nhau nhưng họ hiểu nhau vì cùng cõng trên lưng chữ “ Khổ “.
Mấy chị em xuống xe dắt bộ. Ánh sáng chập chờn gợi Huệ nhớ lại những mùa trung thu vui vẻ. Mắt cô ngời lên như hai ngọn đèn:
- Vui quá ta! Hồi đó cứ mỗi kỳ Trung thu là Nội em làm cho cái lồng đèn. Em đi chơi cả buổi tối mà không biết mệt. Em thức suốt đêm chờ chị Hằng xuống tặng quà rồi ngủ quên lúc nào không hay. Sáng ra thấy cái bánh nướng bên cạnh, hỏi của ai thì  Nội nói của Hằng Nga! Em tiếc hùi hụi. Của chị Hằng thì nhứt định ngon phải biết! Em không dám nhai mà chỉ bẻ từng miếng nhỏ cho vô miệng ngậm cho bánh tan dần trên đầu lưỡi, mắt lim dim tưởng tượng đang bay lên tới cung trăng! Hồi đó sao mà khờ quá, ai nói gì cũng tin, ai nói gì cũng gật! Chị Nhành hồi nhỏ có chơi lồng đèn hôn?
Cái đói làm Nhành nổi quạu:
- Bụng đói như cào đây! Ở đó mà chơi với bời. Mày giữ xe để tao lựa mấy trái  cà chua coi!
Bán hàng là ông già ốm nhom ốm nhách  như  cây sậy, nói chuyện mà cứ ôm ngực ho khù khụ rồi khạc đờm xanh đặc sệt. Mớ  cà chua giập nát đổ đống trên tấm bạt rách lấp lóe dưới  ánh sáng vàng vọt của cây đèn cầy cong vòng.
- Bao nhiêu tiền một ký vậy chú?
- Sáu trăm.
- Ụa, mới hôm qua còn năm trăm, sao bữa nay lại lên rồi?
- Giá lên tui phải bán lên thôi, cô thông cảm.
Nhành biểu Hiếu lựa phụ. Hiếu sà xuống, đưa tay nắn nót từng trái, trái nào cũng giập.
- Tiền nào của nấy, loại ngon bán ở chợ ba ngàn một ký.
Đang lựa ngon tay, ngọn đèn  bị gió thổi tắt phụt. Tối thui.  Ông già xây lưng che gió, cầm cái hộp quẹt ga lẹt xẹt mấy cái. Vật lộn hết mấy phút cây đèn cầy mới cháy trở lại.
Bới tung cả đống cà mới lựa được nửa ký. Nhành đưa tờ năm trăm, ông già  thối lại tờ hai trăm. Sau đó họ bắt đầu đi mua những thứ khác.
Huệ dắt chiếc xe đạp màu nếp than. Túi đựng cà chua nằm gọn trong chiếc giỏ kẽm sơn đen cố định ở đầu xe:
- Chỉ có cái “ chợ Mò “ này mới xài giấy hai trăm. Bữa nọ, em nhứt quyết đòi cho kỳ được mấy trăm tiền thối ở bưu điện. Cô nhân viên hỏi em, hai trăm thì làm được cái quái gì. Em nói, có thể mua được hành ớt,  gia vị, có khi là nửa ký cà chua. Em nói thiệt mà chẳng ai tin, đến đỗi có người còn cười chọc quê nghĩ rằng em bị chứng tâm thần phân liệt!
Trang ngó Nhành, nói rụt rè:
- Mua cà chua, chị định làm món gì?
Huệ lẹ miệng ăn cơm hớt :
- Thêm một khứa cá, mấy cọng rau cần nữa là sẽ có nồi canh ngót tuyệt cú mèo. Nếu có thêm giỏ cá hấp thì đã luôn! – Huệ vừa xuýt xoa, vừa nuốt nước miếng ừng ực.
Cả tuần rồi, mấy chị em nhà Hiếu “ ẩm thực “  mỗi món rau muống luộc. Nước luộc rau nặn thêm nửa trái chanh làm canh chan chan, húp húp, còn món mặn là trứng hột vịt quậy đều  với muối. Nhành cho nhiều muối đến nỗi ăn hai bữa mới thanh toán xong thứ  nợ đời.
- Ăn như tụi bây có nước phá sản luôn! – Hiếu bật cười.
Huệ cãi cọ:
- Chị nghĩ lại mà coi. Bốn người mà mỗi bữa chỉ tốn có hai ngàn đồng tiền thức ăn, vị chi mỗi đầu người chỉ có năm trăm đồng, không bằng tiền hút  một điếu thuốc. Tại kiểu cho ăn ép xác của chị mà tháng rồi em xuống hết nửa ký lô!
Bốn chị em đi rà rà theo chiều dọc con đường lồi lõm toàn ổ gà, ổ voi. Những người bán hàng ngồi chen chúc thành một hàng dài ra đến tận lộ chính. Thậm chí vài người chẳng có nổi một ngọn đèn phải nương nhờ ánh sáng người bên cạnh. Lúc này đang là giờ công nhân tan ca nên cảnh mua bán diễn ra ồn ào náo nhiệt. Có thể nói không nơi đâu dưới gầm trời này hàng hóa vào nhau bộp bộp, tất cả cùng làm theo kèm theo là những tiếng reo hò kích động. Huệ ngồi ở hàng trên cùng không tham gia, bắt gặp ánh mắt khó chịu của ông thầy cô  lật đật vỗ theo như cái máy. Tràng pháo tay vừa dứt, ông thầy cất giọng hả hê:
-  Cám ơn! Trước hết  xin tự giới thiệu, tôi tên Trình, năm mươi sáu tuổi. Một vợ, bốn con,  “ râu ria “ không tính. ( cả lớp cười ồ ) Im lặng! Bây giờ, tôi sẽ thông báo một số quy định bắt buộc trong suốt khóa học. Các bạn có thể có ý kiến,  khi tôi dứt lời. Tôi có một yêu cầu trong lúc tôi nói không  ai được làm ồn,  gây mất trật tự, nếu không tôi buộc lòng mời ra khỏi lớp, mọi người rõ chưa?
- Rõ! – Tất cả đồng thanh đáp rất khí thế.
- Tốt! – Ông thầy gật đầu tỏ vẻ hài lòng và tiếp tục nói:
- Tiền học phí trọn khóa là bảy trăm rưởi. Đóng một lần kể từ khi tham gia tiết học đầu tiên, ai cảm thấy mình kham không nổi thì xin mời. – Ông thầy khoát tay ra phía cửa:-  Tánh tôi gì gì chớ  tiền bạc là phải sòng phẳng, rạch ròi  không được lôi thôi! Thời gian học là ba tháng, mỗi tuần ba buỗi, mỗi buỗi hai tiếng, giải lao mười lăm phút. Trong đó phần lý thuyết và thực hành tại lớp là hai tháng rưởi, đi thực tế  nửa tháng và cuối cùng là thi tốt nghiệp...
Một cánh tay khẳng khiu trong đám đông giơ lên. Đó là một chàng trai còn rất trẻ, trên sống mũi gắn cặp kính cận dày cộp, mái tóc bồng bềnh ra dáng là một sinh viên văn khoa:
- Thưa thầy, nếu kết thúc khóa học, học viên chưa nắm vững được  bí quyết nghề nghiệp thì sao ạ. Thầy có cam kết dạy bao ra nghề không và giấy chứng nhận do ai cấp, có giá trị pháp lý không?
Cụt hứng vì bị cắt ngang giữa chừng, thầy Trình xụ mặt lại, càm ràm điều gì đó trong cổ họng rồi vung tay múa loạn xị:
- Tôi cam kết bao ra nghề  nên các bạn cứ yên tâm, còn giấy chứng nhận thì...- Ông thầy lúng túng, nuốt nước miếng ừng ực rồi nói:- Các bạn thừa hiểu rằng, công việc của chúng ta chưa được  thừa nhận là một nghề thật sự mặc dù thị trường có nhu cầu rất lớn và đã nghiễm nhiên tồn tại trong nhiều năm qua,vì thế giấy chứng nhận chỉ có giá trị giữa tôi và các bạn. Tôi cũng đang nhờ luật sư giỏi can thiệp và hy vọng trong tương lai không xa công việc của chúng ta sẽ được xã hội công nhận và tôn vinh như những nghề khác!
Một cô gái có gương mặt đẹp, thân hình như người mẫu thời trang rụt rè đứng lên  nói:
- Thưa thầy, tiền bạc và thời gian rõ ràng là một gánh nặng. Điều em băn khoăn là sau khi học xong thầy có đảm bảo việc làm cho chúng em không, thu nhập cụ thể  ra sao?
Ông thầy bật cười độ lượng:
- Thời gian đầu tôi sẽ giới thiệu việc làm cho các bạn, sau đó tùy thuộc vào các mối quan hệ các bạn sẽ tự lo lấy. Các bạn cứ yên tâm, công việc lúc nào cũng có sẵn chỉ e kham không nổi mà thôi, còn thu nhập thì..hề..hề...tôi nói sợ trong số các bạn sẽ có người ngất xỉu cho mà coi. Đây nè! – Ông thầy lấy ra tờ giấy hình chữ nhật được bọc nhựa cẩn thận:- Theo thời giá hiện nay, mỗi sô khóc mướn kéo dài từ mười đến mười lăm phút các bạn sẽ nhận thù lao là năm chục ngàn, đấy là chưa kể đến tiền boa của thân chủ nếu ta khóc quá đạt! Mỗi ngày các bạn có thể “ chạy “ được ít nhứt là bốn, năm thậm chí cả chục sô! Nếu các bạn không tin thì hãy hỏi trực tiếp cô Phương đây. Cổ là học viên những khóa trước, nhờ nghề này mà đã sắm xe, mua nhà và nhiều tiện nghi khác. Xin mời cô Phương đứng dậy cho mọi người chiêm ngưỡng cái  dung nhan!
Phương đứng dậy, kể khá chi tiết về công việc của mình và xác nhận những lời nói của ông thầy là đúng. Đám đông bắt đầu chộn rộn hẳn lên, họ tranh nhau đặt câu hỏi với sự phấn khích tột cùng.
- Chị Phương này, tôi xin hỏi chị một câu, chị đã làm nghề này trong nhiều năm vậy chị có những khó khăn và thuận lợi gì?
Chẳng cần suy nghĩ, Phương trả lời ngay:
- Khó khăn chủ yếu là thời gian đầu, lúc đó tay nghề chưa được cứng, đóng kịch chưa đạt nên thân chủ không hài lòng, thậm chí có người không chịu trả tiền công. Nhưng đó chỉ là bước đầu, sau khi nắm vững nghề nghiệp thì mọi việc trở nên suôn sẻ. Còn thuận lợi là công việc này đòi hỏi nhiều người cùng tham gia, thông thường một đám ma người ta mướn vài ba người thậm chí có kẻ chơi ngông thuê một lúc cả chục người, người này giới thiệu người kia nên luôn có việc làm hoài không hết!
Người khác lại hỏi:
- Trong công việc chị có những niềm vui và nỗi buồn gì?
Phương im lặng, mắt mơ màng một lúc rồi nói:
- Đã hơn một lần tôi gặp phải cảnh bẽ bàng. Lần ấy tôi nhận được tin người thân ở dưới quê đột ngột qua đời. Đang chuẩn bị về quê lo an táng thì có người đến “ đặt hàng”. Khách là ông chủ tịch phường có vợ vừa chết vì bệnh ung thư, tôi đã từ chối và giới thiệu người khác, nhưng ông ta không chấp nhận và nhứt định  phải là tôi chớ không ngoài ai khác! Ông chủ tịch  có cô con gái trạc tuổi và hao hao giống tôi đang du học tự túc ở nước ngoài không thể về kịp. Thấy tôi tỏ thái độ dứt khoát, ông ta đe dọa:
- Hoặc là cô chấp nhận lời đề nghị của tôi để đổi lấy sự yên ổn hoặc là cô sẽ vĩnh viễn cút khỏi chỗ này! Tôi thừa biết, cô cư trú bất hợp pháp!
Phương đột ngột im lặng, lúc sau tiếp tục câu chuyện giọng bị rè đi:
- Cuối cùng, tôi buộc lòng phải chiều ý ông khách. Ổng liệng  cho tôi bộ đồ tang và ra lịnh phải khóc thật thảm thiết! Tôi đã khóc trong đau đớn tột cùng, khóc cho thay phần  người thân đã chết. Tôi khóc cho chính mình!
Cả lớp học lặng im phăng phắc, chỉ có tiếng phần phật của cánh quạt trần vãi gió. Hồi lâu, trong đám đông, cất lên giọng nữ trong trẻo xua tan bầu không khí nặng nề:
- Vậy còn niềm vui?
- Niềm vui là mình đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của một đám ma. Các bạn thử nghĩ mà coi, đám tang mà thiếu nước mắt thì trở nên nhạt nhẽo, vô hồn,  có thể ví như....
Phương lắp bắp không sao tìm được lời lẽ cho thích hợp thì ông thầy lẹ miệng thốt lên:
- Cũng có thể ví như  thịt chó mà thiếu củ riềng!
Cả lớp cùng cười lăn ra. Phương quay về chỗ ngồi, nói với Huệ:
- Thôi, tao về trước. Cố gắng nghen.
Huệ gật đầu. Phương bước rón rén ra phía cửa. Thầy Trình cũng tò tò:
- Em nói tốt lắm. Khóa sau, tôi cũng sẽ nhờ em. Nhưng em đừng lôi những chuyện buồn ra kể, tụi nó nản.
Phương gật đầu, bước xuống cầu thang. Thầy Trình quay trở lại lớp học:
- Các bạn đã tin tôi rồi chớ? Bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu bài học đầu tiên, các bạn hãy tập trung nhìn lên bảng. Nói đoạn, ông ta cầm cục phấn viết mấy chữ “ Nghệ thuật khóc trước công chúng” rồi quay người lại đối diện với lớp học và nói:
- Công việc của chúng ta có thể ví như những người nghệ sĩ thật sự. Người nghệ sĩ muốn thành công trong vai diễn thì phải hóa thân vào nhân vật, sống bằng cuộc sống của nhân vật, vui bằng niềm vui và cùng đau khổ với nhân vật. Chúng ta cũng vậy, không thể nào làm khác hơn được nếu muốn thành công trong sự nghiệp của mình, sự dễ dãi, ẩu tả sẽ  biến chúng ta trở thành con rối lố bịch chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Chúng ta phải khóc như thế nào khiến người ta mủi lòng khóc theo và vui lòng móc hầu bao ra là coi như thắng lợi! Vậy thì trước tiên chúng ta phải làm gì? Bạn nào xung phong trả lời câu hỏi này?
 Anh sinh viên ngồi yên tại chỗ trả lời:
- Dạ thưa thầy, trước hết ta phải nghĩ rằng người đang nằm trong sáu miếng gỗ ghép kia là người thân của mình và sự ra đi của họ chính là sự mất mát to lớn nhứt của bản thân ta mà không gì có thể bù đắp được.
Ông thầy đưa tay vỗ vỗ mấy cái, khen:
- Bạn  đã hiểu được vấn đề rồi đó! Nhưng điều quan trọng là từ lý thuyết đến thực tế có khoảng cách khá xa mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Nào, mời bạn lên đây.
Anh sinh viên thoáng chần chừ,  nhìn ánh mắt khích lệ của thầy, cuối cùng cũng mạnh dạn bước lên. Thầy Trình  nói:
- Tôi đặt cho bạn một tình huống:  cha của bạn chẳng may qua đời, bạn từ thành phố trở về chịu tang, bạn sẽ làm như thế nào?
Anh sinh viên lọng cọng, không biết xử trí ra sao, cứ ngơ ngác hết nhìn thầy Trình rồi nhìn mọi người:
- Dạ, tất nhiên là em sẽ khóc và....
- Vậy thì khóc đi! Cả lớp yên lặng, không được cười.
Anh sinh viên đưa tay gãi cái đầu rối bù, mặt thộn ra trông rất tức cười, rồi gật đầu thú nhận:
- Em chịu thua, mắc cỡ  quá thầy! – Nói xong, anh ta toét miệng cười.
Thầy Trình nghiêm mặt:
- Đây là một chuyện hết sức nghiêm túc chớ không phải là trò cười! Nếu bạn mang gương mặt nhăn nhở này vào đám tang chắc chắn sẽ nhận được vô số cà chua và trứng thúi! Bạn có hiểu tại sao mình không nhỏ được giọt nước mắt nào không?
- Dạ, dạ...
- Tại gì bạn chưa sẵn sàng nhập vai, còn bị ngoại cảnh chi phối. Không nên quá căng thẳng, hãy buông lỏng ra và coi những người ngồi đây như  như cỏ rác! – Đoạn ông thầy đưa hai tay xoa mặt mấy cái:- Bạn hãy làm theo tôi đây, trước hết hãy nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, liên tưởng và khóc!
Thầy Trình im lặng, tập trung chừng vài giây rồi  khóc rống lên. Tiếng khóc nghe thật bi ai, thê thảm, phút chốc nước mắt, nước mũi chảy đầy mặt. Lúc đầu phía dưới có mấy người che miệng cười thầm, có cô cúi mặt xuống đất cắn hạt dưa tí  tách nhưng rồi tất cả bỗng bị cuốn theo lúc nào không hay. Vừa khóc thầy Trình vừa kể lể, giọng nghe ai oán, thê lương:
- Cha ơi, con bất hiếu không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối. Hờ..cả cuộc đời cha đã chịu siết bao đắng cay, khổ cực vì con. Đến nay khi con đã khôn lớn  thành người, chưa kịp đền đáp công ơn sanh thành, dưỡng dục thì cha đã vội về với đất! Hờ.. cha ơi, mất cha rồi đời con trở nên vô nghĩa, như  con thuyền tròng trành không người cầm lái, con biết sống như thế nào trong những ngày còn lại? Cha ơi, hờ..
Thầy Trình nhập vai đạt đến nỗi nhiều người ngồi bên dưới cũng động lòng khóc theo. Huệ cũng khóc, tiếng khóc bật lên thành tiếng. Đang khóc ngon trớn bỗng thầy Trình dừng lại đột ngột, lấy khăn mùi soa lau mặt rồi nhoẻn miệng cười tỉnh queo:
- Đấy là tôi chỉ khóc mẫu cho các bạn coi thôi. Rồi các bạn sẽ học đầy đủ mười hai kiểu khóc khác nhau, khóc cho gia đình người Hoa như thế nào; người Bắc, người Khơ Me ra sao, nhiều, nhiều lắm. Bây giờ tôi sẽ giảng qua một lượt để các bạn nắm vững những nội dung cơ bản, sau đó ghi chi tiết vô tập và học thuộc lòng.
Cả lớp yên lặng chỉ có tiếng giảng bài sang sảng của ông Trình, tiếng viết bi  lướt trên giấy trắng, tiếng ho húng hắng của ai đó phía cuối lớp. Huệ ngồi chăm chú lắng nghe như một học sinh ngoan ngoãn. Đã hơn năm năm rồi, Huệ mới có dịp sống lại không khí “ học đường “. Phía ngoài cửa sổ nắng chói chang một màu vàng mật. Những ngọn gió mạnh bất ngờ ấp tới  làm rung rinh cửa kiếng.