Tháng sáu, tháng chánh thức bước vào mùa mưa. Mưa lớn chưa xảy ra chỉ có vài trận mưa lẻ tẻ. Những giọt mưa từ trời rớt xuống chưa kịp chạm đất đã bốc hơi vào không trung. Nắng khô rang khiến cho cây cỏ héo quắt lại. Ngoài đường phố, cánh đàn ông ở trần bận quần xà lỏn phô những tấm lưng đen bóng nhễ nhại mồ hôi. Ở ngay ngã ba, nơi có quán nước sâm của anh Khình( người Hoa ) lúc nào cũng chật ních người. Anh Khình trước kia nghèo kiết xác chuyên nghề làm bánh bao chỉ. Buôn bán ế ẩm, anh chuyển sang nghề bán nước sâm. Thứ nước sâm được nấu bằng bông cúc, mía lau và ít cây cỏ có tính giải nhiệt với ít đường thùng vàng khè, nhưng vị ngọt chủ yếu là nhờ vào đường hóa học. Anh Khình cho nhiều đường hóa học đến nỗi uống lâu rồi mà cổ họng vẫn cứ ngòn ngọt, đăng đắng rất khó chịu. Biết là vậy nhưng không hiểu sao thiên hạ vẫn rồng rắn xếp hàng chen chưn uống lấy uống để cứ như là thứ nước Thánh! Đúng là buôn bán gặp thời. Vào mùa nắng nóng như vầy mỗi ngày quán sâm anh Khình bán mỗi ngày áng chừng hai trăm lít nước sâm. Nước sâm nấu trong cái nồi tổ chảng đóng bợn phát khiếp, sau khi để nguội liền cho vô thùng đá bào nhuyễn, khi nào vơi bớt thì tiếp tục đổ nước sâm, đổ đá vô. Khách tới uống, anh Khình chỉ cần cầm cái ly thủy tinh múc đầy rồi đưa cho khách. Khách khoái uống nước của anh Khình là nhờ sâm lạnh, lạnh đến ê cả chưn răng. Mấy quán khác phải thi nhau dẹp tiệm vì không có được ưu điểm này, bởi vì họ không dám mạo hiểm. ( bỏ đá quá nhiều nếu bán không kịp sẽ bị loãng và chỉ có cách là đem đi đổ ). Nhờ nghề bán nước sâm mà anh Khình đổi đời, từ căn nhà ọp ẹp nằm chúi bên bờ sông, anh chuyển ra ngôi nhà mặt tiền đường ba từng lầu trị giá hàng trăm cây vàng, đó là chưa kể đến vô số của chìm của nổi khác. Nghe đồn tiền gởi nhà băng đã lên đến bạc tỉ! Các con của anh không học hành gì mà chỉ theo nghiệp của cha. Anh Khình múc nước sâm nhiều đến đỗi các móng tay đều bị lở lói tưởng chừng tuột ra khỏi các đầu ngón, lớp da tay bị bong lên, trắng bợt như da người chết đuối lâu ngày. Người bán “ vô tư “ múc và khách vẫn cứ uống một cách “ vô tư “. Quán nước sâm tồn tại đã gần hai chục năm, chưa thấy ai bị ngộ độc thực phẩm bao giờ. Thế mới biết cái bao tử của dân nghèo rất quen chịu đựng! Từ chập tối ông trời cứ chớp nháng hoài mà không mưa. Huệ đang nặn mấy mụn trứng cá trên mặt, ngửng mặt dòm trời, đoạn day sang Nhành đang trang điểm chuẩn bị “ đi làm “, nói lằm bằm: - Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa, thế nào tối nay cũng mưa đùng đùng cho mà coi. Chị đi làm thế nào cũng bị ướt. Mưa thì mát mẻ dễ chịu nhưng khổ nỗi lại phải bị cảnh dột, dột nhiều chỗ lắm. Mọi người phải lấy mấy cái thau nhỏ hứng nước. Nhưng bụi nước cứ văng vô mặt không sao ngủ được. Trang có sáng kiến, lấy giẻ rách bỏ vô, nước mới thôi văng. Thời gian gần đây lũ mèo hoang liên tục “ quần thảo “ trên mái nhà. Lớp giấy dầu mục nát lại bị lũ mèo khát tình làm rách từng mảng lớn. Thậm chí có lần quá “ say tình “ chúng trợt chưn rớt huỵch xuống sàn gác! Khiến mấy chị em đang mơ màng cứ tưởng là trời sập tới nơi! Nhành cho thỏi son vô chiếc hộp trang điểm, nói: - Mưa gió bão bùng cũng phải đi, đã hẹn rồi mà thất hứa mai mốt ai dám mướn mình nữa. Mà ổng hằm hè vậy chớ không mưa nổi đâu. Nhành vừa dứt lời thì trên nền trời xuất hiện vệt chớp ngoằn ngoèo như rễ cây, tiếp theo là những tiếng nổ như bom dội. Huệ hết hồn nhào tới ôm Nhành cứng ngắt. Huệ không sợ người mà sợ ông Trời với sợ ma. Nhành co chưn đá rầm cánh cửa. Mưa như trút nước. Huệ trực nhớ mấy bộ đồ đang phơi ngoài ban công bèn mở cửa chạy ra. Gió thổi mạnh. Mưa hắt vô nhà như ai cầm xô mà tạt. Khi lấy được quần áo thì mình mẩy ướt mèm như chuột. - Mưa lớn quá! Phơi cả ngày coi như công cốc. Mưa tuôn rào rào trên mái nhà. Nước xuyên qua các lỗ lủng, thấm qua mấy miếng ván ép cong queo trên trần, nhểu xuống thành từng vệt dài. Phút chốc khắp sàn gác lênh láng. Bọt nước văng tung tóe. - Chị Nhành với tay lấy cho em cái thau, lẹ lên! Nhành quăng cái thau cho Huệ. Hầu như tất cả các vật dụng trong nhà đều được “ trưng dụng “ để hứng nước, tuy nhiên vẫn không đủ, Huệ phải tận dụng cả cái tô đựng canh. Nhành lật đật cuộn mùng mền liệng vô chỗ khô, rồi lấy miếng giẻ lau nước đọng trên sàn gác cây. Chỗ nào cũng bị dột, vừa lau khô chỗ này thì chỗ khác lại ướt. - Nhà cửa gì mà như ngoài sân! Vậy mà bà Bảy Tùng cứ lăm le đòi tăng tiền mướn nhà, chị coi có tức hôn. Lúc này ở dưới nhà Ngân, Trang cũng lăng xăng chạy lên “ tiếp viện “. Ngó bề không xong. Nhành ra lịnh mọi người ôm mùng mền, chiếu gối xuống từng trệt. Ở từng dưới không bị dột nhưng bị nước mưa tạt qua ô bông[1] chẳng có cách gì che chắn được. Mấy chị em đành nép mình vô chỗ kín, ngửng cổ nhìn trời thở dài, Nhành nói: - Trời nóng quá cũng khổ nhưng mưa như vầy thì càng khổ hơn. Không chừng đêm nay cả đám phải ngủ ngồi. Nhớ tới cuộc hẹn ở quán “ Đồng Xanh “, Nhành rầu thúi ruột. Đang còn chùng chình chẳng biết tính cách nào thì bất ngờ điện thoại reng lên. - A lô! Cô Nhành đó hả? Cuộc hẹn tối nay tạm hoãn. Mưa lớn quá mấy chả không tới. Nhành thở phào như tội phạm vừa được tòa cho hưởng án treo. Dòm thấy cái quạt máy bị nước mưa bắn vô, Nhành la lên tắc tiếng: - Huệ kéo cái quạt ra chỗ khác mau lên! Mưa mỗi lúc càng dữ dội. Dường như, ông trời dành dụm nước cả năm chỉ để dành cho buổi tối hôm nay. Trang bíu chặt vô người Nhành, đôi hàm răng không ngừng đánh bồ cạp [2]. Huệ nói, mưa lớn như vầy dễ bị cúp điện lắm. Cái miệng ăn mắm, ăn muối của Huệ vừa thốt ra, ngay lập tức đèn đuốc tối thui. Hệ thống dây điện ở Bến Đình đã quá mục nát, vì thế mỗi khi mưa lớn để đảm bảo an toàn là mấy ông nhà đèn chỉ có cách duy nhứt là cúp điện. Tạnh mưa thì mở lại. Có khi mấy anh thợ điện mãi lo nhậu nhẹt quên đóng cầu dao, thế là dân Bến Đình đành phải chịu cảnh ở thầm đến sáng. Mấy chị em ngồi dồn cục để tránh mưa, chẳng ai màng tới việc đốt cây đèn cầy. Bóng tối là bàn tay vuốt ve nỗi cô đơn, là con nước ròng đưa những con thuyền xa xứ trở về dòng sông hoài niệm một thời đã xa… Họ ngồi lặng câm, hóa đá. Cơn mưa dữ tợn như con thủy quái hung hãn sút chuồng kèm theo những cơn lốc xoáy. Những miếng lợp bằng giấy dầu rách nát bay lả tả. Ngôi nhà xập xệ vặn mình kêu răng rắc tưởng chừng sẽ đổ sập xuống bất kỳ lúc nào. Mấy chị em Hiếu đã vài lần năn nỉ bà Bảy Tùng cho sửa lại. Bà ta đồng ý nhưng với một điều kiện là mọi người phải tự móc tiền túi và tuyệt đối không được trừ vô tiền mướn nhà! Huệ cằn nhằn: - Bả chơi khôn vậy ai mà chịu. Kệ, ướt cũng chẳng chết ai. Gió thổi nghiêng làm nước tạt vô khắp nhà. Trang ngồi ngoài bìa bị ướt nhiều nhứt, để trốn mưa cô rúc đầu vô người Nhành. Bị nhột, Nhành liền đẩy ra. Ngân liền lấy tấm mền cũ phủ lên cả bọn. Ngoài trời tối đen như mực, chỉ thấy màn nước trắng đục tuôn ào ào như thác đổ. Tưởng đã yên thân nào ngờ nước mưa trên sàn gác thấm qua khe hở chảy xuống ròng ròng, khắp nơi đều dột. Bị nước nhểu xuống đầu, Nhành la bài hãi: - Con Ngân tiện tay lấy mấy cái nón lá! Trong màn đêm đen kịt, trong mưa gió tơi bời, trong ngôi nhà như hàm răng bà lão, bốn cô gái ngồi chùm hum cùng với bốn cái nón lá trên đầu coi thiệt ngộ nghĩnh. Huệ chép miệng than: - Nước chảy tồ tồ như vầy trên gác chắc đã biến thành cái hồ bơi. Không hiểu sao Trang lại có cảm giác thích thú khi nghe những tiếng mưa tí tách trên nón lá, bởi nó gợi cô nhớ lại những ngày đội mưa làm lúa. Những ngày mưa gió dầm dề, cực mà vui. Mưa bắt đầu ngớt, mấy chị em chưa kịp mừng thì ông Trời lại ào lên một cái dữ dội hơn. Gió xoáy như cánh tay khổng lồ đang cố nhấc cái mái nhà ném đi chỗ khác. Lại Trời! - Trang nói lầm rầm:- Ông mà dở cái nóc nhà tụi con biết ngủ ở đâu? Sấm sét vang rền. Mưa như chưa từng được mưa. Gió như chưa từng được thổi. Đêm như chưa từng có đêm. Cả thế gian oặn mình rên xiết trước cơn thịnh nộ của vũ trụ. Không hiểu ngày xưa Mẹ Âu Cơ khi sanh ra trăm trứng có oằn oại, vật vã như vầy không. Những tấm mền cũ bắt đầu thấm nước khiến mấy chị em run lên lập cập. “ Lão bà bà “ Hiếu đi làm ca đêm coi như trốn được trận mưa quỷ quái này. Ngồi dòm mưa hoài cũng buồn, Nhành tìm cách khơi mào câu chuyện để xua đi cảm giác lạnh lẽo cô đơn: - Ở thành phố, mưa đầu mùa lớn như vầy chỉ làm buồn thúi ruột, chớ ở quê tụi mình thì vui, vui biết mấy! Đúng rồi, ở dưới quê, mọi người náo nức chớ đón cơn mưa đầu mùa như ngày hội lớn. Nếu mưa vào buổi chiều tối thì càng vui. Cơn mưa đầu mùa mọi người kêu là “ mưa rước cá lên đồng “. Lũ cá sông bụng mang dạ chửa chỉ chờ mưa đổ xuống ngập đồng, vừa ngớt hột là chúng liền lóc lên bờ, lao xuống ruộng để làm tròn chức năng sanh sản. Lũ cá lóc, rô, trê, sặc…thi nhau chen chúc đen kín cả con đê ngoằn ngoèo ngập nước. Người đi bắt cá lúc nào cũng chuẩn bị sẵn cái đèn soi. Đó là loại đèn gồm một cái niền gắn trên đầu, phía trước có lắp cái chóa và bóng đèn nối với cái bình accu xe gắn máy. Cá nhiều mà người cũng đông. Tiếng cười nói ồn ào hòa cùng tiếng xuýt xoa vì bị sểnh[3] con cá lớn làm át cả tiếng mưa rơi, làm quên đi cái lạnh như những ngọn roi da quất vào da thịt. Con rô di chuyển bằng hai cái ngạnh, đuôi vẫy lung tung. Con sặc nẩy lách tách. Con trê ngoe nguẩy. Khó bắt nhứt vẫn là con lóc. Cá lóc di chuyển toàn thân, tinh ranh như cáo hễ thấy ánh đèn là nó phóng cái vèo mất hút. Muốn bắt được nó thường phải dùng lưới. Tạnh mưa vài giờ đồng hồ mà lũ cá vẫn thi nhau lóc lên bờ rồi xuống đồng để thực hiện thiên chức làm mẹ bất chấp nguy hiểm đang rình rập. Thế mới biết tình mẫu tử của loài cá cũng thiêng liêng như chính con người. Sau một đêm thức trắng, ai nấy đều lạnh cóng cùng với niềm hân hoan rọ cá trĩu nặng. Cá đồng vào mùa này, con nào con nấy đều mập ù, bụng đầy trứng, rất ngon. Cá rô làm sạch rồi đem kho tộ, chiên xù. Cá lóc nấu canh chua với bạc hà, cà chua hay đem nướng trui nhưng ngon nhứt vẫn là đem nướng bầu. Người ta dùng trái bầu non khoét lỗ vừa vặn con cá sau đó đặt lên vỉ than. Bầu chín cũng là lúc cá vừa chín tới, vị ngọt của trái bầu thấm vô con lóc, cắn một miệng ngọt lịm tới óc o[4]. Món cá trê, bắt mồi nhứt vẫn là đem chiên giòn dầm nước mắm gừng, nếu có thêm dĩa củ cải bóp gỏi là tha hồ say sưa tới chữ. Huệ nói: - Nhà em nằm kẹp giữa con mương với ruộng nên chẳng phải mắc công đi đâu cho cực. Nước ngập lưng chừng, em cứ ngồi trên giường cùng cái vợt. Hễ cá lóc[5] tới thì chỉ việc cầm vợt mà quơ đại. Coi vậy mà có đêm em bắt được cả kí lô! Gần hết mùa nước nổi. Khoảng tháng mười một âm, chờ những cơn mưa lớn cuối mùa lũ cá lại tìm cách ngoi lên những thửa ruộng chật chội, hướng ra sông rộng tìm lấy tự do. Và người ta lại một phen bận rộn. Những cơn mưa như vầy được kêu là “ mưa rước cá xuống sông “. Tội nghiệp, lũ cá khốn khổ đổi lấy quyền làm mẹ, quyền được tự do phải đánh cược bằng chính sự sống của mình. Riêng về điểm này nhân loại còn thua xa loài cá! Nhành, mắt mơ màng: - Trước khi có những trận mưa cuối mùa, ông già thường lấy thuổng ra đào bốn góc ruộng. Sau đó xuống sông vét bùn bỏ vào đó để dụ cá. Lũ cá hửi thấy mùi bùn tưởng là sông cứ thế mà rúc vô. Đợi nước rút, cứ thế mà bắt không kịp. Ngân nói cũng tham gia câu chuyện cho có tụ: - Sau mưa, em thường theo anh Hai đi bắt ếch. Lũ ếch sống dưới hang suốt mùa nắng chỉ chờ mưa xuống là ló ra kiếm ăn, kiếm bạn tình. Lũ ếch đực, ếch cái thi nhau muồi mẫn đến đỗi có người tới gần cũng chẳng thèm buông ra. Đúng là chết vì yêu. Anh Hai kêu là “ ếch bắt cặp “. Em không khoái ếch rô ti mà chỉ thích ếch xào sả ớt. Huệ im lặng suy nghĩ vu vơ. Cô đang nghĩ về Nội, không biết giờ này ở quê có mưa không. Nhà bị dột Nội biết nằm ở đâu. Bất giác cô thở dài. _________________ [1] Ô thông gió lắp ở phía trên ngôi nhà [2] Đánh cầm cập ( nói trại ) [3] Sẩy, xổng, vuột mất. [4] Đỉnh sọ, ngay giữa sọ [5] Động từ = Uốn mình vọt tới, trờ tới hay lần tới. ( đừng hiểu lầm là cá lóc )