- Tối nay là tết Noel, tụi bây có chương trình đi chơi ở đâu hôn? Hiếu đưa tay bứt cọng chiếu cho lên miệng nhấn nhá mấy cái rồi phèo ra, đưa mắt nhìn mọi người một lượt như dọ hỏi. Huệ dí ngón tay vào chỗ muỗi cắn, thốt một câu chẳng ăn nhập vô đâu: - Chà, lụi hụi [1] tới tết Nguyên Đáng lúc nào không hay! Năm nay chết sống em cũng phải về quê ăn tết với Nội. Năm rồi đón tết ở đất lạ quê người, buồn quá. Nè, chị Hiếu có về hôn? - Có, nhưng là về ở luôn không lên thành phố nữa. Tao với anh Tưởng đã bàn tính, lãnh xong lương tháng mười ba là ra bến xe Miền Tây mua vé liền. - Ủa, sao kỳ vậy ta! Chị đã từng nói với em “ giàu ở nhà quê không bằng ngồi lê thành phố “, bây giờ sao lại bỗng nhiên đổi ý? Hiếu im lặng không trả lời trả vốn. Trang gieo người nằm khoanh như rắn sát góc nhà, cái bụng lặc lè sắp đến ngày sanh ngồi lâu khó chịu. Ngân từ dưới bếp đi lên, sau khi thanh toán đống chén bát: - Chị Hiếu nè, chị dẫn anh Tưởng về rủi ông bà già dưới quê không chịu thì biết tính sao? Ba Hiếu rất khó tánh, được mệnh danh là ông già “ Ba Tri “. Thật ra ông không khó, thậm chí còn dễ dãi là đàng khác, con cái thích gì ông cũng chiều. Nhưng đối với những chuyện sai quấy, trái với sách vở thánh hiền thì ông dứt khoát không chấp nhận. Hiếu đang lo sốt vó chuyện của Tưởng. Về mặt pháp lý thì anh vẫn đang có vợ, chắc chắn ba cô sẽ kịch liệt phản đối. Tưởng đã hứa sẽ giải quyết chuyện này một cách êm thấm, nhưng cô vẫn thấy lo lo. Chuyện Hiếu quan hệ với Tưởng, lúc đầu mọi người cũng không tán thành, nguyên nhân thì ai cũng biết cả rồi, nhưng nghĩ lại, quan hệ với một người đàn ông đã yên bề gia thất vẫn tốt hơn gấp vạn lần so với con mụ đồng tính, nên thôi không nói nữa. Ngân hỏi: - Về quê, chị sẽ làm gì để sống? - Chưa biết. Nhưng thiên hạ sống được thì mình cũng sống được, lo gì mậy! Huệ nói: - Chà, có tình yêu nói năng mạnh miệng quá ta. Chừng nào làm đám cưới nhớ mời tụi em một tiếng, nghen. Nhành đứng dậy thay đồ chuẩn bị “ đi làm”. Huệ nói: - Chị bị bịnh chưa hết mà đã “ đi làm “ rồi sao? Thế nào đêm nay về nhà cũng ôm bụng lăn lộn cho mà coi. Em nói trước, không thức canh chừng chị được đâu. Đêm nay tụi em vi vu tới sáng. Cả tuần nay, Nhành bị “ vật “ chết lên chết xuống vì chứng loét bao tử, bịnh đường ruột, sưng phế quản...phải uống thuốc trừ cơm!. Bác sĩ dặn phải tuyệt đối kiêng cữ bia rượu, vậy mà vừa thấy trong người hơi đỡ đỡ Nhành lập tức phóng xe đến quán, rồi lại đi bác sĩ như cái vòng lẩn quẩn không sao thoát ra được: - Tao có chứng bịnh thương tiền không cách chi chữa khỏi nên phải chịu thôi. Nhành quyết tâm dành dụm tiền để xây nhà. Ngôi nhà đang ở đã xuống cấp thê thảm, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Nhiều đêm nằm ngủ nghe gió thổi rào rào tung mái, cô lại liên tưởng đến ngôi nhà mục nát ở dưới quê, lòng dạ ngổn ngang tơi bời. Hiếu rù rì bên tai cô: - Nghe nói đợt bão vừa rồi hoành hành ở Miền Tây dữ lắm, nhà cửa ruộng vườn bị cuốn sạch trơn! Bữa nọ, ông tổ trưởng đến vận động tiền cứu trợ lũ lụt, luôn miệng than vãn tình hình bi đát lắm. Nghe mà bắt rụng rời tay chưn! Sợ quá, Nhành vội viết thơ hỏi han sự tình. Nhưng chờ hoài không thấy hồi âm. Giữa lúc cô gần như hoàn toàn tuyệt vọng, đang rục rịch sửa soạn về quê xem xét sự thể ra sao, thì nhận được thơ nhà. Ông già nói, mọi người vẫn bình yên, tuy ngôi nhà đã bị sập hết gian bếp, cũng may là Nhánh chạy kịp nên chị bị xây xát chút đỉnh không đáng lo. Không lo làm sao được, khi mà hai sinh mạng đang ký thác vào tánh khí cà khịa của ông Trời! Hồi còn ở nhà, đêm nằm ngủ nghe tiếng mọt nghiến cột ken két mà rợn cả người. Ba phải lấy nhớt cặn đổ vô. Nhưng chỉ được dăm bữa, nửa tháng thì đâu lại vô đó. Lũ mọt háo ăn đã nhanh chóng làm rỗng ruột mười mấy cây cột nhà to bằng cả vòng ôm. Trong khi cô lo sợ cầm canh thì ông già lại tỏ vẻ lạc quan: - Coi vậy chớ lâu sập lắm. Nhành biết, Ba nói vậy cốt để cô yên tâm. Thay cả giàn cột, giàn kèo phải tốn rất nhiều tiền, mà cả nhà đang chạy ăn từng bữa đã mướt mồ hôi rồi. Gần tết, công việc của Nhành lại càng chộn rộn. Người ta tìm đủ một trăm lẻ một lý do để đưa nhau tới quán nhậu. Chán mấy món “ lục quân “ rẻ tiền nhạt nhẽo, người ta thay đổi khẩu vị bằng “ không quân “, “ hải quân “. Thậm chí có một ông cán bộ Sở nhất định đòi hỏi cho bằng được món chim sảnh, mà phải là sảnh biết nói tiếng người mới chịu! Ông ta tỏ vẻ là dân sành điệu: - Đừng cho rằng anh thích chơi ngông. Có thằng còn ngông cuồng hơn anh gấp vạn. Mẹ nó! Nhậu, nó chỉ ăn mỗi món cá, mà phải là cá kiểng ngoài biển mỗi con đáng giá bạc triệu! Đem so với hắn, anh còn kém xa. Tiền của dân nên họ tiêu xài không thấy tiếc. Hồi Má còn sống hễ thấy viên thuốc nào là cho vô miệng nuốt chửng cứ như trẻ con nuốt kẹo! Hỏi, má cười hề hề nói thấy bỏ lăn lóc thì tiếc, uống vô không trị được bịnh này cũng trị được bịnh kia! Trời ơi, kháng sinh chớ không phải là cơm gạo mà má cứ uống lung tung. Má qua đời đúng vào hôm mưa gió bão bùng. Mưa từ trên mái nhà rơi lộp độp xuống nắp quan tài. Má sống khổ, chết cũng khổ, cả đời má gắn liền với chữ “ khổ “. Giấc mơ về một ngôi nhà bắt đầu ám ảnh cô từ đó không lúc nào nguôi ngoay, giờ đây đang dần trở thành hiện thực nên phải cố, bị bịnh cô cũng không dám nghỉ... Trang bỗng ngồi nhỏm dậy, la lên: - Ui da, đau quá! Đúng là đứa con hư! - Sao lại rủa sả con cái dữ vậy. – Ngân nói. Trang ôm bụng, vừa nhăn mặt vừa cười sung sướng: - Nó đạp em đau quá! Chắc là ở trỏng tối thui, nó muốn ra sớm để nhìn thấy mặt trời đây! Đoạn Trang đưa tay vỗ vỗ lên bụng, nói: - Đừng nôn nóng con trai! Đời cơ cực, và đầy rẫy những bất trắc, chẳng thà con ở trong bụng mẹ an toàn hơn. Nhành hỏi: - Chuyện của mày tới đâu rồi? - Em cũng chưa biết tính liệu làm sao. - Mày cứ nửa nạc nửa mỡ rồi chẳng làm nên cơm cháo gì, nói hoài cũng vậy. - Kệ, tới đâu hay tới đó, càng lo càng thêm rối. Nhành cự nự: - Nghe mày nói, mà tao nổi nóng. Đến lúc người ta tới bắt con đi thì tha hồ khóc hận. Trang im lặng, mắt tối sầm lại. Thấy Huệ thay đồ mới, Hiếu hỏi: - Đi chơi hả? Huệ, mặt sáng trưng: - Ừ, chốc nữa anh Hoạt đến rước đi. Đêm nay bọn em sẽ lông bông ngoài đường đến sáng mới về. Nhành dắt xe ra cửa, ngoáy đầu lại nói: - Nhìn tụi bây mà tao phát ham. Trong khi mọi người dung dăng, dung dẽ bên nhau, thì con này lại phải “ cày “ trối chết. Nhành đi chừng năm phút thì Hoạt tới trong bộ dạng tươm tất sang trọng, cả chiếc xe cũng được cọ rửa sáng giới. Hiếu cứ tấm tắc khen, mọi khi trông Hoạt dơ dơ, vậy mà diện đồ lên coi cũng không đến nỗi nào. Huệ cười cắm cắc: - Hơn đứt lão Tưởng của chị là cái chắc! Em đã thắp đuốc đi tìm trong mấy chục triệu thằng đàn ông, chỉ chọn được mỗi mình ảnh! Hoạt vẫy tay chào mọi người, dựng xe định bước vô, thì Huệ đã khoát tay biểu đừng. Anh mà ngồi đây nói chuyện với mấy bả đến sáng cũng chưa hết chuyện. Đêm Noel đáng giá ngàn vàng mình phải tranh thủ thôi, anh. - Mọi người ở nhà vui vẻ nhá, em đi với người yêu em đây! Còn lại ba người ngồi với nhau. Vừa nói chuyện, Hiếu vừa nhìn ra phía ngoài như ngóng ai đó. Tưởng không có hẹn với cô, nhưng cô vẫn cứ mong. - Ngân ở thành phố này cả năm rồi, có tìm được nửa phần còn lại của mình chưa? – Hiếu day mặt về phía Ngân. Ngân nói nhát gừng: - Chưa, xấu như em ai thèm để ý hả chị. Trang nói: - Chị đẹp như hoa hậu mà than xấu à? Em mà có được sắc đẹp, học thức như chị, nhứt định phải chọn mấy ông cỡ tiến sĩ! Hiếu lẹ miệng: - Thì cũng có ông tiến sĩ theo mày xin chết đó, sao cứ lần chần hoài vậy? Trang làm thinh, cựa mình sột soạt trong góc tối. Hiếu xọ sang chuyện khác: - Tao thấy, anh chàng giám đốc Tuấn gì đó, coi cũng được quá chớ. Đừng bỏ qua cơ hội, uổng lắm. Trong thiên hạ, Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều kiếm được người tốt không dễ đâu. Ngân cười bẽn lẽn, mặt ửng đỏ trông càng duyên dáng: - Em với ảnh chỉ là quan hệ công việc chớ không có tình ý gì hết, nói bậy lỡ ảnh nghe được, cười cho ê mặt! Tuấn chỉ đến đây có một lần nhưng đã tạo được ấn tượng rất tốt. Sau lần gặp gỡ ở quán cà phê, Ngân luôn trăn trở bởi câu chuyện của anh. Cô khâm phục sức chịu đựng, ý chí vươn lên, cách sống đầy trách nhiệm của Tuấn. Cô nghĩ, được làm việc với một người như Tuấn thì chẳng có hạnh phúc nào bằng, nhưng cô còn bị ám ảnh bởi chuyện cũ nên cứ chùng chình, không quyết. Sáng hôm sau, trong lúc Ngân đang đánh răng, rửa mặt thì bất ngờ Tuấn xuất hiện trong bộ y phục giản dị, khỏe khoắn. Nhìn thấy Tuấn, Ngân giựt mình đánh rơi cái bàn chải, Ngân cứ phân vân tự hỏi, làm sao anh ta biết được chỗ ở của mình mà mò tới. Lúc sau cô mới vỡ lẽ, Tuấn lần theo địa chỉ liên lạc trong hồ sơ xin việc. Có thế mà cô không nghĩ ra. Tuấn nhìn Ngân, nói nghiêm chỉnh: - Anh đến rước Ngân đi làm! Tuấn ngồi bệt xuống đất rất tự nhiên, nói chuyện với mọi người một cách vui vẻ, khiêm tốn. Anh không hề đả động đến công việc của mình mà dành thời gian hỏi han từng người. Nếu ai có đề cập tới công việc thì anh chỉ trả lời một cách qua loa đại khái bằng thái độ nhún nhường rồi lảng sang chuyện khác. Huệ nói: - Làm giám đốc như anh nghĩ cũng sướng, được hò hét chỉ huy, được xã hội tôn vinh, kính trọng, được ăn trên ngồi trốc và nhứt là rủng rỉnh túi tiền! Tuấn nói: - Giám đốc cũng là một công hết sức bình thường như bao việc khác chẳng có gì đáng phải tự hào. Xã hội đã phân công mỗi người một công việc, ai hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó đều đáng được kính trọng như nhau, một ông tiến sĩ kém tài không thể sánh bằng chị lao công đường phố. Giả sử ai cũng là giám đốc, cán bộ chỉ huy thì lấy ai làm công nhân, thợ may, thợ hồ? Lúc ấy sẽ chẳng có quần áo để mặc, nhà để ở... Tuấn nói chân thành và có vẻ nặng tính “ giáo khoa” khiến Trang và Huệ cứ bấm nhau cười thầm. Đợi khách ra về, Huệ nói: - Tay này coi được đó, chị Ngân không “ câu “ ổng đi còn đợi gì nữa! Ngân không thích kiểu nói năng bỗ bã của Huệ. Người ta có tên có họ đàng hoàng, vậy mà cứ kêu là “ tay này “, “ tay nọ “, lại còn dùng những từ “ chim “ với “ câu “ nghe chướng tai. Ngân được phân công với chức danh trợ lý giám đốc. Ngay lập tức cô từ chối: - Nhiệm vụ vượt quá năng lực của tui. Đề nghị anh bố trí công việc khác thích hợp hơn. - Có lẽ, việc này đối với Ngân là hoàn toàn mới mẻ nhưng anh tin Ngân, cũng như tin vào năng lực, lòng nhiệt thành của Ngân, hãy tự tin, và bắt tay vào công việc, có gì anh sẽ hướng dẫn thêm. Thấy Ngân còn lưỡng lự, Tuấn tiếp tục động viên: - Con người kiến tạo nên thế giới này, trong đó có anh và Ngân! Ngân vừa làm vừa học hỏi. Tuấn luôn chỉ bảo cho cô rất cặn kẽ chân tình và hết sức tế nhị, chẳng bao giờ, anh lớn tiếng, hay gay gắt khó chịu. Anh còn cung cấp cho cô những kinh nghiệm bổ ích trong công việc. Về quan hệ, anh luôn tỏ ra nghiêm túc, đứng đắn, biết giữ khoảng cách cần thiết. Vì thế mà cô càng tôn trọng và quý mến anh. Tuy nhiên, có những lúc Ngân cảm thấy mình đang bị nhìn trộm từ phía sau. Cô xoay người lại, anh vội cúi mặt xuống, đôi tai đó ửng trông rất ngộ nghĩnh. Tự nhiên cô cũng thấy lòng bồi hồi, xao xuyến. Hiếu tỏ ra sành sỏi: - Không phải vậy đâu! Chỉ cần nhìn vào ánh mắt, cử chỉ là đoán ra thôi mà. Đích thị là anh chàng đó đã có tình ý với mày nhưng lòng còn e ngại, giống như cụ Nguyễn Du đã từng nói, “..Lòng trong thì đã, mặt ngoài còn e..”. - Giả sử, ảnh thích chị, ngỏ lời với chị thì chị tính làm sao? Ngân cúi mặt, che giấu ánh mắt bối rối. Cô nghĩ thầm, nếu chuyện đó thật sự xảy ra, cô cũng không biết xử sự ra sao nữa. Mà anh ta có thích mình đâu, sao mình lại nghĩ về ảnh nhiều thế nhỉ? - Linh thiệt nghen! Vừa nói đến thì đã thấy anh chàng lấp ló trước cửa! Hiếu lầm rầm:- Phải chi nhắc tiền, nhắc bạc mà được như vầy thì hay biết mấy. - Ủa, sao...lại đi bộ? Hiếu bỏ lửng chỗ đại từ nhân xưng vì không biết kêu như thế nào cho phải phép. Tuấn bằng tuổi Hiếu, nhưng trông anh ta trẻ hơn Hiếu rất nhiều, nhìn cái mặt non choẹt búng ra sữa mà kêu bằng anh thì kỳ quá, mà gọi là chú em thì không ổn. - Noel năm nào cũng gặp cảnh ách tắc vì dòng người nườm nượp đổ xô về trung tâm thành phố, các khu vui chơi giải trí...đông đến nỗi chen chưn còn không lọt, đi bộ là thượng sách! - Nè, tới đây rủ rê em gái tui phải hôn? Không “ hối lộ “, tui không cho phép nó bước ra khỏi cửa đâu nhá! Quả thật, Tuấn có ý mời Ngân đi chơi lễ, Ngân cũng muốn đi lắm nhưng mắc cỡ và muốn “ làm eo “ một chút nên từ chối cho có lệ. Hiếu và Trang phải nói phụ, Ngân mới đồng ý, nhưng cô ra điều kiện không được quá mười giờ đêm. Ngân đi lên gác trang điểm. Cô cố tình rề rà thử thách lòng kiên nhẫn của Tuấn. Ngân coi kiếng thoa môi, lắng nghe giọng Tuấn tiếng được, tiếng mất, lúc trầm, lúc bổng. Dường như, câu chuyện của Tuấn buồn cười lắm, chốc chốc lại nghe Trang cười ré lên. Mọi khi, Hiếu luôn tỏ ra biết kềm chế nhứt là trước mặt người lạ khác phái, vậy mà tối nay Hiếu cũng không nín nhịn được. Giọng cười của Hiếu nghe ục ục như nồi nước đang sôi. Trang điểm xong, Ngân bắt đầu thay quần áo. Cô hết mặc vô rồi cởi ra chẳng ưng ý bộ nào. Những bộ cánh mọi khi được mọi người đánh giá là rất hợp với dáng người của cô bỗng trở nên lố bịch, xấu xí làm sao! Trong lúc Ngân đang loay hoay, thì Hiếu đứng trên cầu thang, ló đầu lên: - Ủa xong chưa? Sao lâu quá vậy? - Bộ đồ này trông vô duyên quá hả chị? – Ngân xoay người một vòng để Hiếu quan sát thật kỷ. - Đẹp! Mà hơi xấu! – Chợt nhớ bộ đồ bà Trần cho dạo nào, Hiếu bèn lợi tủ lôi ra đưa cho Ngân:- Dáng mày phải mặc thứ này thì thánh thần cũng lé con mắt! Ngân thoáng do dự, Hiếu ướm thử lên người cô rồi reo lên: - Trời ơi, đẹp như vầy còn chê gì nữa. Bận lẹ lên còn xuống dưới, người ta đang sốt ruột kia kìa! Ngân thấy hồi hộp. Đây là lần đầu tiên, cô đi chơi với một người con trai. Tuấn đang tán gẫu với Trang, thấy Ngân bước xuống trong bộ áo váy màu tím sẫm, đột ngột im lặng, ánh mắt trìu mến hướng về phía cô tỏ vẻ thán phục: - Mỗi ngày em càng trở nên đẹp hơn! Ngân cười ngượng. Chà, anh chàng cũng biết “ nịnh đầm “ ra trò lắm! Vậy mà cô cứ đinh ninh dân kỹ thuật chỉ con số, những công thức toán học, còn trái tim của họ thì khô như ngói. Hai người sánh bước bên nhau, đi, mà không cần xác định phương hướng, cứ thấy phía trước rộn rịp là bước tới. Lúc này, dòng người đã tràn ngập chật ních khắp ngỏ[2] đường đến nỗi không thể nào nhích lên được một bước. Ngân rời khỏi nhà chừng mười lăm phút thì Tưởng đến. Vẫn chiếc xe đạp cà tàng, bộ đồ kaki màu xanh cũ sờn, và nụ cười để lộ hàm răng ám khói. Anh dựng đại xe đạp vô vách tường, bước nhanh đến chỗ Hiếu đang ngồi. Không gì có thể diễn tả trọn vẹn niềm vui của Hiếu, suýt nữa thì cô đã hét toáng lên nếu không có Trang bên cạnh. Cô chắc mẩm đón lễ Noel với “ bà bầu “ và lũ muỗi đói cứ nheo nhéo điếc con ráy. Từ trước đến giờ, Hiếu chỉ bận tâm đến những ngày lễ Phật, chay tịnh, cúng bái, ngoài ra chẳng màng để tâm đến những chuyện khác. Từ khi trái tim biết thổn thức vì yêu cô bắt đầu thay đổi cách nghĩ. Và nóng lòng chờ đợi những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày lễ lộc..đây là cơ hội để cô được gần người yêu, được vuốt ve, chăm sóc..Trong lúc cô đang buồn, đang mong ngóng thì Tưởng xuất hiện, cứ như anh đọc được suy nghĩ của cô vậy. Tưởng đề nghị: - Mình đi uống nước đi em. Hiếu muốn đi lắm, nhưng ngại bỏ Trang ở nhà một mình. Trang nói: - Anh chị cứ đi chơi để em ở nhà cũng được. Em đang muốn viết lá thơ nhưng ồn ào quá. Hiếu bèn chộp lấy cơ hội: - Vậy em viết thơ, chị đi nhen. Cô leo lên ngồi phía sau xe. Tưởng đạp mấy cái thì xe bị tuột sên, phải nhảy xuống mò mẫm một hồi mới lắp vào được. Chưa kịp leo lên xe, thì bà Sáu Khoan từ đầu hẻm hấp tấp bước vô: - Hiếu, có điện thoại. Hiếu nói: - Ai vậy dì Sáu? Hỏi vậy thôi, chớ Hiếu thừa biết người đó là ai rồi. Ngoài bà Trần ra, chưa ai gọi điện cho Hiếu bao giờ. - Thì cũng con nhỏ đó chớ ai, giọng nó kéo nhựa dữ lắm, chắc là nốc bí tỉ rồi. - Kệ mụ ấy. Mình đi thôi, em. - Dì Sáu à, mai mốt có ai gọi điện cho con, dì làm ơn cúp máy để khỏi làm phiền dì nữa. Đang vui bỗng cụt hứng. Hiếu ngồi trên xe, áp mặt vào lưng Tưởng im thin thít, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ. Hiểu được tâm trạng của Hiếu, Tưởng ra sức kể những chuyện khôi hài, chọc cười, nhưng Hiếu mặt mày vẫn bí xị. Tưởng cũng bực mình.