Xuống xe buýt đi thêm một đoạn chừng năm trăm mét Ngân mới tìm được địa chỉ Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên. Cô hơi thất vọng vì cái không gian chật chội nồng nặc mùi thuốc lá, kẹo cao su, vỏ hột dưa đỏ lòm...coi giống như quán nước tồi tàn hơn là địa điểm giao dịch. Cô thư ký có mái tóc nhuộm vàng, môi tô gam màu lạnh kiểu Hàn Quốc vừa tiếp khách, vừa nện gót đôi guốc cao gót lên nền gạch trơn bóng: - Muốn làm chuyện gì? – Cô ta hất hàm hỏi một cách trịch thượng. - Tôi là cử nhân kinh tế muốn tìm công việc phù hợp với chuyên môn. - Chuyên môn! – Cô thư ký kéo dài giọng châm chọc:- Cử nhân kinh tế, cử nhân luật hơi bị lạm phát! Cứ mười cô cậu cử ra trường thì đã có đến bốn người là luật gia, nhà kinh tế học! Dân thành phố thứ thiệt còn thất nghiệp dài dài nữa là. Có chịu làm “ Thiên Lôi “ không? Ngân chưng hửng hỏi lại: - Gì ạ? - “ Thiên lôi “ có nghĩa là sai đâu đánh đó, hiểu chưa? Thấy ngân cứ trù trừ, cô thư ký xua tay lia lịa: - Lâu lắc quá, chị xê ra để tôi tiếp người khác! Ngân thụt lùi một bước nhường chỗ cho một cô gái mặc chiếc áo cổ cánh sen màu tím than. Cô này toét miệng cười cầu tài, trưng ra cả xấp bằng cấp photocopy đóng dấu đỏ chót, nào là: Anh văn, vi tính, tốc ký... Vẫn giọng điệu cũ, cô thư ký hỏi: - Có một tiệm cà phê cần một chưn phụ việc chị có đồng ý làm không? Cô mặc áo tím lập tức gật đầu, không cần suy nghĩ: - Được ạ! - Thời gian làm việc từ năm giờ chiều tới mười một giờ đêm. Hai chục ngàn đồng. Đồng ý thì điền vô đây. Cô thư ký chìa ra mẫu đơn đã soạn sẵn. Cô áo tím viết xong. Cô thư ký lại nói: - Đóng năm chục lệ phí. Cô áo tím lật đật móc túi lấy ra tờ năm chục đặt lên bàn rồi cầm tờ giấy ghi địa chỉ, đạp xe dông mất. Ngân tần ngần một lúc rồi rụt rè bước tới. - Chị có thể giới thiệu tôi một chưn làm gia sư không? - Gia sư hả? – Cô thư ký nhắc lại máy móc rồi giở quyển sổ li nhi lít nhít những con số, địa chỉ :- Hết chỗ rồi. Chị có rành về quần áo, may mặc không? Ngân trả lời không được tự tin: - Biết chút chút. - Chút chút cũng được, nghề dạy nghề. Nhìn bộ dạng của chị không đến nỗi đần độn. Ghi vô đây. Làm việc từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, chủ bao cơm trưa, tiền công hai chục một ngày, nếu làm thêm giờ sẽ trả theo thỏa thuận. Năm chục – Cô ta xòe bàn tay nhịp nhịp mấy cái. Ngân băn khoăn: - Nếu ở đẳng người ta không nhận thì sao? Cô thư ký liếc một cái bén như lưỡi lam, nói sa sả bằng giọng vừa không hài lòng, vừa khinh bỉ: - Trung tâm chúng tôi là tổ chức nhân đạo chủ yếu giúp người chứ không màng đến lợi lộc. Chị không tin tưởng thì kiếm chỗ khác chúng tôi không ép. Lờ khờ để tụi xấu nó gạt cho trắng mắt ra! Ngân đóng tiền và đưa ra một yêu cầu: - Chị phải đảm bảo cho tôi có việc làm có đúng không? - Cô thư ký quơ cánh tay gạt tờ giấy bạc cho vào ngăn kéo một cách thuần thục, giọng nói trở nên dễ dãi hơn: - Tức nhiên, ở đó không nhận thì chị quay lại đây, chúng tôi sẽ giới thiệu một công việc khác. Ngân bước ra ngoài lấy xe đạp. Chiếc xe đạp của Hiếu bị hư tùm lum, vụt lăn lóc trên gác, Ngân đem ra thợ sửa hết bốn chục ngàn mới có thể cọc cạch. Ngân cầm tờ địa chỉ, hỏi anh nhân viên giữ xe: - Từ đây đến đó có xa không, anh? - Xa và vòng vo! – Anh ta trả lời:- Trước tiên, cô đi thẳng đến ngã tư thì quẹo tay mặt, sau đó tiếp tục vừa đi vừa hỏi. Nói một lần thế nào cô cũng bị lộn xộn. Trời nắng chang chang, Ngân đạp xe theo hướng dẫn đến ngã tư đèn đỏ, cô hỏi thăm anh cảnh sát giao thông đang đứng bên cạnh chốt đèn. Anh ta sốt sắng xé gói thuốc lá, vẽ sơ đồ ngòng ngoèo rồi đưa cho cô: - Cô bé cứ đi theo sơ đồ này nếu không kiếm được thì tới đây nằm vạ! Đoạn anh chàng nhìn Ngân cười lém lỉnh: - Cô bé mới từ dưới quê lên phải không? Ngân lấy làm lạ. Anh ta cười hề hề: - Bởi vì anh hửi thấy mùi hương đồng gió nội! Ngân đạp xe đi thẳng. Trong bụng cười thầm. Anh chàng mặt còn búng ra sữa mà dám kêu người ta là cô bé này cô bé nọ. Tại sao anh ta tinh ý đến vậy cà? Chỉ dòm sơ sơ đã nhận ra” chưn tướng thím Hai Lúa “ của mình? Gần một giờ đồng hồ sau, cô mới đến được địa chỉ cần kiếm. Đó là một cửa hàng thời trang khá đồ sộ nằm ngay trung tâm thị tứ. Phía trước có treo vô số quần áo may sẵn đủ kích cỡ, màu sắc lòe loẹt coi rất ấn tượng. Ngân dựng xe trên vỉa hè. Lóng ngóng. Lúc này, bên trong cửa hàng đang diễn ra cảnh mua bán ồn ào, mấy cô nhân viên chạy lăng xăng phục vụ khách hàng, một cô ngồi ở góc trong cùng liên tục gõ phím vi tính. Ngân hít một hơi thật sâu lấy hết can đảm bước vô. Ngay lập tức, một cô có mái tóc xù bước ra chào mời dẻo nhẹo: - Chị muốn mua loại nào, hàng hiệu hay đồ gia công? Tướng tá “ mi nhon “ như chị phải dùng thứ xịn mới thích hợp, để tôi lựa cho chị một bộ. Rồi chẳng đợi Ngân đồng ý hay không cô tóc xù dùng cái sào có cù néo lôi ngay chiếc áo thun hở cổ, dài tay, màu huyết dụ treo trên đầu rồi ướm thử lên người cô: - Chị thấy sao? Màu sẫm làm nổi bật làn da trắng như bông bưởi, tôi dám cá người yêu của chị mà nhìn thấy sẽ nhồi máu cơ tim! Ngân hoàn toàn bối rối, cô chưa biết phải xử trí như thế nào thì cô gái tóc xù tiếp tục níu kéo. Lần này là chiếc quần jean thun màu xanh da trời. - Áo thun phải mặc với chiếc quần này mới đúng gu, nếu có thêm đôi guốc cao gót nữa chị sẽ biến thành người mẫu! Chị lấy nghen? Đến nước này Ngân đành phải nói toạc móng heo: - Không. Tôi...tôi đến đây để xin chuyện làm. Đây là thơ giới thiệu của Trung tâm... Cô tóc xù bỗng sụ mặt, đánh xì một hơi dài, ném cái nhìn tức tối về phía Ngân: - Có miệng sao không chịu lên tiếng? – Cô tóc xù nói chót chét:- Để người ta nói khô cổ họng! Người gì đâu mà kỳ cục quá! Cô ta nhìn lướt qua tờ giấy rồi hất hàm về phía cô gái đang gõ vi tính: - Vô trỏng mà hỏi – Giọng cô ngắn xủn – Bữa nay là ngày gì mà gặp toàn quỷ ám! Ngân đặt tờ giới thiệu lên bàn, và khép nép ngồi xuống trên chiếc ghế bên cạnh. Cô Vi tính ngửng mặt lên, tiếp khách bằng cử chỉ thờ ơ, lãnh đạm cố hữu từ hồi cha sanh mẹ đẻ: - Chúng tôi đã tuyển đủ người từ tuần trước rồi! Ngân thấp thỏm trên ghế: - Nhưng sáng nay người ta... Cô Vi tính nóng nảy, nói hớt: - Tôi biết chị định nói gì rồi. Từ sáng đến giờ chị là người thứ tư tới đây xin việc làm theo thơ giới thiệu! Tôi rất bực mình vì liên tục bị quấy rầy khiến việc kinh doanh bị ngừng trệ. Đúng là tuần trước chúng tôi có nhu cầu tuyển người và mọi việc đã được giải quyết ngay trong ngày hôm đó, vậy mà người ta cứ làm phiền chúng tôi hoài! Tôi cho chị một lời khuyên, đừng bao giờ tin vào mấy cái Trung tâm lừa đảo đó. Phương châm của họ là sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi! Ngân quày quả bước ra bỏ lại sau lưng những tràng cười nhạo báng. Co chưn gạt cái chống ngang, Ngân đạp xe như bị ma rượt. Đi được một đoạn chừng vài trăm mét thì chiếc xe bỗng dở chứng tuột sên. Cô nhảy xuống vật lộn với nó. Gắn được, thì mình mẩy dính đầy dầu mỡ. Chưa kịp thở phào thì nó lại tiếp tục nằm vạ! Ngân bất lực. Xe mới sửa sao lại hư? Đẩy cái của nợ vô chỗ sửa xe ở góc ngã tư. Bác thợ tháo sên ra chặt bớt mấy mắt rồi lắp trở vô, xoa tay cười hề hề: - Xài đỡ! Sợi dây sên này đáng ra phải liệng vô đống rác rồi. Cô cho tui ba ngàn. Ngân trả tiền, đạp xe ngược về đường cũ. Nắng chóa. Gió thổi ngược, đất cát bay rào rào vô mắt. Cô đưa tay dụi dụi mấy cái. Cơn khát như bàn tay xương xẩu bóp nghẹn cuống họng. Gần mười giờ, Ngân có mặt ở Trung tâm. Thấy cô bước vô, cô thư ký đang ngồi run đùi bèn ngửng mặt lên, giả bộ ngạc nhiên hỏi: - Sao quay trở lại? Bộ không thích công việc đó à? Ngân cố kiềm chế, kể lại toàn bộ sự việc. Câu chuyện thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi những hồi chuông điện thoại từ nơi khác gọi tới. Nghe xong, cô thư ký toét miệng cười tỉnh bơ: - À, thì ra là vậy! Nhận được người nhưng họ không thông báo cho chúng tôi nên mới xảy ra cớ sự như vầy. Không sao, tôi sẽ giới thiệu chị một công việc khác. Cô thư ký giở cuốn sổ cong tớn, mắt sục sạo một lúc rồi thốt lên: - Có một tiệm bán giày dép cần người phụ việc bán thời gian, chị thấy thế nào? Ngân bán tín bán nghi: - Nếu ở đó như chỗ trước thì sao? - Làm gì có chuyện đó nữa! Chị cứ tới, tôi sẽ gọi điện thoại thông báo cho họ. Để Ngân thêm vững tin, cô thư ký nhấc ống nghe và bấm số lách tách. Ngân ngước nhìn đồng hồ, bây giờ đã là mười giờ bốn mươi lăm phút. Đạp lẹ. Tới nơi chắc cũng gần giữa trưa. Địa điểm mới nằm theo chiều ngược lại. Tìm được địa chỉ cần kiếm thì cặp giò của Ngân tưởng chừng sắp rụng. Tiệm giày dép bé tẹo, vắng như chùa bà Đanh. Cô nhân viên bán hàng nằm ngủ gục trên tủ kiếng, nước miếng ke chảy thành bệt bên cạnh chiếc quạt máy chạy vù vù. Ngân thoáng thất vọng, e dè bước vô. Nghe tiếng chưn người, cô nhân viên hé cặp mắt ngáy ngủ lừ đừ dòm khách rồi đưa tay gãi đầu sột sột. Rút kinh nghiệm lần trước, Ngân đi thẳng vô vấn đề. Nghe xong, cô bán hàng nhếch mép cười chọc quê: - Trời đất, bán ế muốn chết đến nỗi bà chủ phải tống khứ cho rảnh nợ. Nhận chị vô để làm tượng cho tui đốt nhang thờ à? Ngân sững người chết điếng. Cô bán hàng tỏ vẻ áy ngại và an ủi Ngân bằng ly nước lọc đầy tràn: - Chị uống nước đi. Thấy tình cảnh chị cũng tội nghiệp, nhưng không thể làm gì hơn, bản thân tui cũng là dân ở đợ. Ngân trở lại Trung tâm giới thiệu việc làm. Lúc này đã gần một giờ trưa. cánh cửa kiếng Trung tâm đóng kín. Ngân ngó dáo dác, thấy quán cơm bình dân nằm cách đó không xa bèn sán tới, ngồi xuống chỗ trống, kêu một dĩa cơm tàu hủ kho với mấy miếng da heo. Lát sau xuất hiện một cô gái trạc bằng tuổi Ngân ngồi xuống chiếc ghế trống kế bên. Trong lúc chờ cơm cô ta uống liền mấy ly trà đá miễn phí. Xẹt một cái, dĩa cơm đã hết sạch. Ngân thủng thẳng uống nước, mắt nhìn chăm chăm về phía bên kia đường. Cô gái rời mắt khỏi dĩa cơm, nhìn Ngân hỏi không chủ ngữ: - Bộ xin việc làm ở bển hả? Cô ta hất hàm về phía cánh cửa kiếng bị khóa. Ngân gật đầu. Cô ta lại nói: - Đến lượt nhân vật thứ một triệu chín trăm chín mươi chín bị tụi nó xỏ mũi rồi! Bực mình ở chỗ, họ khoác chiếc áo “ Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên” để gạt những người khốn khổ chúng ta. Đúng là chó cắn áo rách! Ngân lắc lư trên ghế, mắt trân trân dòm người đối diện. Từ phía ngược chiều một chiếc xe tải chở đầy đất cát lao đến với tốc độ chóng mặt cuốn theo vô số bụi bặm. Ngân lấy tay che ly nước, ho ran mấy tiếng: - Sao lại gạt? – Ngân nói:- Họ nói, nếu không giới thiệu được việc làm sẽ hoàn trả lại lệ phí mà. Cô gái cười dã dượi. Đôi vai run lên sau lớp áo sơ mi kẽ sọc: - Còn khuya! Họ chỉ trả lại phần nào thôi, phần còn lại bị khấu trừ vô cái gọi là “ chi phí dịch vụ”. Nói trắng ra, đó cũng là một hình thức ăn cướp mà không bị công an rờ đầu, bởi vì chẳng có ai bỏ công sức mà thưa kiện lôi thôi chỉ vì mấy chục ngàn đồng bạc. Những loại dịch vụ thổ tả như vầy mọc đầy rẫy khắp thành phố. Thử tính coi, mỗi ngày chỉ cần dụ khị được mươi người là rủng rẻng hầu bao! Không tin hả? Lát nữa sẽ sáng mắt ra thôi mà. Qua câu chuyện, Ngân biết tên cô gái là Hà. Hà quê ở Kiên Giang, bằng tuổi Ngân, nhưng từng trải, già đời hơn. Hà tốt nghiệp khoa hóa, đã từng làm đủ nghề để mưu sinh; nhân viên tiếp thị, gia sư, chạy bàn, thi mướn..và nghề mới nhứt của Hà là bán máu chuyên nghiệp. Chấm dứt câu chuyện dài nhòng Hà tớt miệng cười vô cảm. Do bằng tuổi tác và học thức nên họ xưng hô là “ cậu “ với “ tớ “. - Ủa, theo tớ được biết, mỗi lần cho máu phải cách nhau ba tháng... Hà rót thêm cốc trà đá, ngửa cổ uống cạn rồi lấy tay chùi mép: - Đợi đủ ba tháng có mà chết đói nhăn răng! Tớ, hàng tuần phải bán máu một lần mới đủ xây xở. Cậu coi nè – Hà móc trong túi ra có đến cả chục thẻ hiến máu nhân đạo:- Tất cả Trung tâm hiến máu ở thành phố này đều rành mặt tớ, thậm chí tớ còn phải sang các tỉnh lân cận để rao bán cái vốn tự có của mình! Mình bán máu để có cái ăn, ăn vô cơ thể lại sanh ra hồng huyết cầu để có cái mà bán! Đó gọi là mối quan hệ hữu cơ. Dạo này người ta chê máu tớ xấu không chịu lấy. Tương lai bắt đầu u ám rồi đây - Hà vừa nói, vừa cười, như là giỡn chơi! Dòm gương mặt ráo hoảnh của Hà, trong lòng Ngân cảm thấy bất an. Hà gõ gõ đầu móng tay lên mặt bàn, rồi thở khì khì như rắn trun đang phun nọc độc: - Không sao, đói thì đầu gối cũng phải bò, lo gì. Cuộc đời này chó má lắm. Chúng ta là những người khốn khổ, giúp được gì thì giúp. Đây là địa chỉ của tớ, bữa nào cần bán máu thì nói một tiếng, tớ không lấy tiền cò! Hà kêu tính tiền cơm. Ngân giành trả. Hà trợn mắt nói: - Đừng sĩ! Hôm nay có tiền để tớ lo. Tiền bán máu ăn hột cơm thấy nó mặn thế nào ấy! – Nói xong Hà cười vang. Hà trèo lên xe đạp, ngoáy cổ lại nói: - Bây giờ tớ phải vô nhà sách học nốt bài “ lập trình cơ sở dữ liệu”. Mấy tay nhân viên nhà sách nhìn thấy tớ là phát ngán còn hơn cơm nếp nhão! Thậm chí có người chẳng ngại nói thẳng vô mặt tớ, tôi thấy, cô vô đây cả năm rồi, mà chẳng mua nổi cái bao thơ! Ngân trở về nhà lúc nhá nhem tối, chưn tay mỏi nhừ, thở không ra hơi. Dựng xe vô góc tường, cô ngả vật xuống nằm sải lai giữa nhà thở hổn hển. Hôm nay đúng là một ngày xui tận mạng, vừa mất tiền vừa tốn công vô ích. Quả nhiên, như lời Hà nói Trung tâm chỉ trả lại cho cô có hai chục ngàn, còn ba chục bị trừ vô chi phí dịch vụ. Cô đã phản ứng khá gay gắt, thậm chí còn đập bàn rầm rầm. Họ mới ói thêm năm ngàn:- Như vậy là chúng tôi đã quá nhân nhượng với chị rồi, nếu không hài lòng, thì cứ việc đi thưa, chúng tôi sẽ đi hầu! Nằm một lúc. Ngân ngồi dậy, xuống bếp nấu cơm. Trong lúc lặt rau, cô bỗng liên tưởng đến Hà, cô gái bề ngoài có cử chỉ khinh bạc bất cần đời, nhưng ẩn chứa sau đôi mắt là cái nhìn canh cánh nỗi tuyệt vọng khủng khiếp của một người đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Bất giác cô thở dài thườn thượt khi nghĩ đến tương lai mịt mờ phía trước. Luộc rau xong, Ngân đóng cầu dao điện bơm nước rồi lấy quần áo đi vô nhà tắm. Cô trút bỏ những mảnh vải cuối cùng trên người, mắt nhìn trân trân vô tấm kiếng hoen ố trên tường.