Chương 100

Từ bệnh viện Phụ sản Quốc Tế trở về, bà Vân bắt gặp chồng đang in văn bản. Tờ giấy khổ A4 từ từ thò ra từ  chiếc máy in hiệu Canon Lúc đầu, bà định đi thẳng vào nhà tắm, nhưng thấy cử chỉ chồng có vẻ là lạ bèn dừng lại. Ông Khả dụi điếu thuốc hút dở vô cái gạt tàn, nét mặt lộ vẻ lúng túng. Bà Vân đưa tay đón lấy tờ giấy từ chiếc máy in rồi giơ lên ngắm nghía.
- Trời ơi!
Dòng chữ “ đơn xin ly hôn “ đập vào mắt khiến bà lảo đảo, mắt tối sầm lại không sao đọc tiếp được nữa. Ông Khả lật đật đỡ vợ ngồi xuống ghế. Hồi lâu, bà Vân trấn tĩnh lại, nhìn chồng bằng đôi mắt bàng hoàng pha lẫn tuyệt vọng:
- Sao lại như vậy hả anh?
Ông Khả day mặt nhìn ra cửa. Một cặp vợ chồng dự tiệc về khuya trên chiếc xe gắn máy láng coóng. Tiếp theo là tiếng guốc cao gót khua lộp cộp mỗi lúc xa dần..
- Hãy nói cho em biết, em có lỗi lầm gì mà anh nở đối xử với em như vậy?
Bà Vân hỏi dồn, gương mặt còn hiện rõ nổi kinh hoàng như người đang chuẩn bị bước xuống thập điện diêm la[link=http://vnthuquan.net/diendan/#_ftn1][1].
Gương mặt vuông ông Khả nhăn nhó một cách khổ sở, tay chân cử động một cách vô thức, thừa thải. Mùi hoa quỳnh bên hông nhà thoang thoảng một cách vô duyên không hợp với không khí đặc sệt, ngột ngạt xung quanh.
- Em hiểu rồi, có phải vì yên ắng quá nên anh muốn khuấy động một chút cho vui nhà vui cửa có đúng không? Nhưng đùa giỡn kiểu này, em bị đứng tim chết mất!
Hy vọng của bà Vân tắt ngấm. Trên gương mặt của chồng chẳng có chút gì là bỡn cợt cả.
Ông Khả nuốt nước miếng, thu hết can đảm nhìn vào mắt vợ:
- Em ạ! Đã đến lúc chúng ta phải chia tay. Anh rất đau lòng khi phải thốt ra những lời này. Nhưng em hãy hiểu cho anh, anh không thể nào làm khác được.
Thế là hết! Điều bà lo sợ nhất đã xảy ra. Chồng bà đã phản bội lại lời hứa, phản bội lại những gì mà từ bấy lâu hai người đã cất công vun đắp, phản bội lại những kỷ niệm đẹp, êm đềm một thuở..
- Em van anh hãy nghĩ lại! – Bà Vân quỳ sụp dưới chân chồng, nghẹn ngào nói qua làn nước mắt:- Anh ơi, hạnh phúc mà chúng ta đã cố công vun đắp đã sắp đến ngày viên mãn thì tại sao anh lại nở phá bỏ cho đành đoạn. Anh có thể làm bất cứ điều gì anh muốn, em sẽ chiều lòng anh tất cả, chỉ xin anh đừng bỏ rơi em!
- Vân à, trước khi đưa ra quyết định đau lòng này, anh cũng rất khổ tâm. Anh biết làm như vầy là quá bất công, quá tàn nhẫn đối với em, giá như có được sự chọn lựa nào trọn vẹn cả đôi đường thì anh sẵn sàng đánh đổi tất cả. – Ông Khả thở dài:- Tiếc rằng, chọn lựa chỉ có một, lý trí anh ngả về em nhưng trái tìm thì rẽ sang hướng khác, anh biết phải làm sao đây?
- Hãy tỉnh trí lại đi anh. Mối tình anh đang theo đuổi là mối tình viễn vông, huyễn hoặc. Anh đang tự ru ngủ mình bằng những giấc mơ không có thật. Và anh thừa hiểu rằng, hạnh phúc không thể đến bằng những giấc mơ. Vì em, vì hạnh phúc của đôi ta,  em cầu xin anh hãy từ bỏ ý định đó.
Bà Vân lấy khăn chùi nước mắt, nắm tay chồng lắc mạnh mấy cái:
- Không lẽ ngần ấy năm chung sống chẳng lưu giữ trong anh một chút kỷ niệm nào hay sao? Một lời nói chia tay nhẹ như gió thoảng mây bay nhưng với em nặng nề và đau đớn xiết bao. Từ khi về chung sống, em luôn làm tròn phận sự người vợ, em lo lắng, chăm sóc anh còn hơn bản thân mình, chưa bao giờ em làm điều gì khiến anh phật ý, em ra sức nâng niu, quý trọng những kỷ niệm êm đềm giữa hai ta, em làm tất cả để anh vui, để xua đi mặc cảm không được làm mẹ. Em tủi thân, đau đớn biết bao mà anh nào có biết.
- Anh hiểu được nỗi khổ tâm của em, nhưng..
Bà Vân nói át đi:
- Nếu hiểu thì anh đâu nở đối xử với em như vậy!
Bà Vân ngồi kể lể cả buổi, từ hồi hai người bắt đầu yêu nhau cho đến khi có dấu hiệu  tan vỡ, thỉnh thoảng câu chuyện bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹ trong cổ họng. Dùng tình cảm không lay chuyển được chồng, bà bèn tỏ thái độ cứng cỏi:
- Em sẽ không bao giờ ký đơn ly dị cho dù có kề súng ngay màng tai mà bóp cò! Nếu anh không chịu thay đổi, em sẽ đem chuyện này tố giác, chúng ta đang đi trên một chiếc xuồng. Xuồng lật  cả hai cùng chết chìm!
- Có cần phải làm như vậy không hả em? Khi người ta không còn tình yêu nữa thì chỉ làm khổ nhau thêm mà thôi, tự do là cách tốt nhất cho cả hai.
- Không! Cho dù không giữ được phần hồn của anh, em cũng quyết nắm trọn phần xác!
Ông khả bực tức, vò nát tờ đơn rồi đi một mạch vào bên trong. Bà Vân ngước mặt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, bây giờ đã gần ba giờ sáng.
&
&&
Tối qua. Chờ cho Nhành đi khỏi, bà Trần liền xách chiếc giỏ đựng vô số thứ lỉnh kỉnh lách mình như cơn gió sau cánh cửa phòng số 4. Lúc này Hiếu đã đỡ nhiều rồi, tuy nhiên vẫn còn yếu lắm phải tiếp tục truyền máu và chích thuốc trợ lực. Hiếu nằm trong buồng hai người, sát ngay lối ra vô. Người còn lại là một ông già hom hem mắc bịnh suyễn, nhập viện vào lúc nửa đêm.
Nghe tiếng động, Hiếu cứ đinh ninh Nhành bỏ quên thứ gì đó nên quay trở lại. Dạo này Nhành có tật hay quên, đồ đạc cất một nơi lại tìm một chốn! Nhứt định là do ảnh hưởng của chứng lạm dụng chất cồn.
- Lại quên cái gì rồi phải hôn? Con nhỏ này  đúng là đồ..
- Đồ gì? – Tiếng cười sát bên tai, hơi thở quen thuộc xộc vô mũi khiến Hiếu rùng mình, đến chết, Hiếu cũng không thể nào quên nỗi cái mùi  này.
- Chị Trần!- Giọng Hiếu yếu ớt.
- Em còn nhận ra tôi sao? Vậy mà tôi cứ nghĩ em mãi vui vầy với duyên mới mà quên mất mụ đàn bà đáng ghét này rồi.
Hiếu lúng túng. Sự xuất hiện đột ngột của bà Trần khiến Hiếu khó xử. Người ta đã có lòng, cất công đến thăm dẫu không ưa vẫn phải tiếp.
- Sao chị biết em ở đây mà vô thăm?
Bà Trần vẫn giữ cử chỉ niềm nở, tươi tỉnh, nói bóng gió:
- Trái tim đưa đường chỉ lối tôi đến đây. Sự có mặt của tôi khiến Hiếu khó chịu lắm thì phải?
Bà Trần ngồi xuống, hỏi vài câu thăm hỏi chiếu lệ. Hiếu trả lời nhát gừng. Hỏi tới đâu thì trả lời tới đó không nói gì thêm, câu chuyện vì thế trở nên nhạt nhẽo. Cuối cùng bà Trần nói:
- Chuyện của em, tôi biết hết trơn. Tôi đã cảnh báo trước mà em cứ bỏ ngoài tai để bây giờ mới xảy ra cớ sự. Thôi, quên đi, coi như năm xui tháng hạn. Dù sao tất cả đã ổn. Trước khi tới đây, tôi đã ghé qua chùa đốt mấy nén nhang cám ơn Trời Phật.
Chuyện cũ khơi lại càng thêm buồn lòng. Bà Trần nói tiếp:
- Bây giờ em đã sáng mắt ra chưa. Loại người như Tưởng, thoạt nhìn cũng đoán biết hắn ta là tên đểu giả. May mà sự việc chưa đến nỗi nào, chớ về ở chung với hắn coi như vứt cả một đời! Trong cái rủi vẫn còn cái may.
Hiếu lãng sang chuyện khác:
- Xí nghiệp đã nghỉ tết rồi phải hôn, chị?
- Ừ. Em đừng lo lắng đến chuyện khác, hãy yên tâm mà điều trị, mọi việc đã có tôi lo liệu. Khoản viện phí, thuốc thang, tôi đã thanh toán xong xuôi hết rồi.
- Chị đến thăm là em mừng rồi, những sự giúp đỡ khác em không dám nhận. Khi nào có tiền em sẽ gởi lại.
- Lại khách sáo! Tôi làm việc này như là bổn phận. Chị em mình mà còn nói lời ơn nghĩa nghe lạ hoắc! Trước đây em đâu có vậy, từ khi quên Tưởng em đã thay đổi rất nhiều. - Giọng bà Trần lộ vẻ không vui.
Bà trần ngó dáo dác rồi la lên:
- Ô, không có ai thăm nuôi sao?
Rồi không đợi Hiếu lên tiếng, bà Trần nói liền:
- Mấy ngày nghỉ tết chẳng có việc gì làm đỡ buồn, tôi sẽ chăm sóc em.
Hiếu mấp máy môi định lên tiếng thì bà Trần nhanh nhẩu cướp lời:
- Em đừng có mà từ chối đấy nhá, tôi không thích đâu. Lần trước tôi nằm viện chẳng phải  một tay em lo liệu là gì. Em hãy cho tôi cơ hội để đáp đền ơn nghĩa chớ.
Đuối lý Hiếu làm thinh. Trong thâm tâm cô không muốn rước thêm phiền phức nhưng không biết từ chối bằng cách nào. Đứng trước bà Trần bao giờ Hiếu cũng trở nên một đứa trẻ ngoan ngoản, yếu đuối.
&
&&
Tối nay vào lúc mười tám giờ bốn mươi lăm phút, trên kênh X – Đài truyền hình Thành phố  có phát một tin. Nội dung như sau: Cảm Tạ: Gia đình chúng tôi vô cùng cảm tạ các cán bộ Sở Y tế thành phố.., các giáo sư, bác sĩ và nhân viên, sinh viên  Trường đại học Y – Dược… cùng  bạn bè thân hữu đã đến tiễn đưa, cha, mẹ của chúng tôi là giáo sư – bác sĩ Lê Hữu Thành  và  bà  Quách Thị Thanh Mai về đến nơi an nghĩ cuối cùng…
Cái chết đột ngột của vợ chồng giáo sư – bác sĩ Lê Hữu Thành đã được cơ quan cảnh sát điều tra tìm rõ nguyên nhân,  sau khi giám định tử thi một cách chi tiết,  bị chết đuối vì trong phổi chứa rất nhiều nước biển làm nghẹn đường hô hấp. Vụ án coi như khép lại.
gần hai mươi cây số..Trên hai gương mặt đã thối rữa còn nguyên vẹn nụ cười mãn nguyện…
&
&&
Sáng ba mươi tết, bệnh viện bắt đầu “ xả trại “. Ngoại trừ những bệnh nhân nặng, những người nằm trong diện “ chăm sóc đặc biệt “, những người phải được thường xuyên theo dõi, chích thuốc đúng theo lịch...còn lại thì được “ phóng thích “ về đón tết với gia đình. Việc chuẩn bị rất khẩn trương, vui vẻ. Người được về nhà thì vui mừng hớn hở, kẻ ở lại thì tặc lưỡi tiếc rẻ, tạo thành không khí vui buồn lẫn lộn.
Bệnh tình của Thật cũng đã thuyên giảm đáng kể, tuy nhiên chưn mặt  và tay trái vẫn phải băng bột thêm một thời gian nữa. Bác sĩ nói  có thể điều trị ở nhà, chờ đúng lịch thì tái khám. Được cho về, nhưng Thật không muốn, bởi vì anh chẳng biết phải về đâu, khi mà ở thành phố này anh chẳng có một chỗ để dung thân.
- Về nhà em! –  Thuần cười hớn hở. Đây là dịp để cô ả kiếm chác chút tình cảm thừa thãi.  Từ bữa đó đến rày, Thuần phế hết công việc mua bán ở chợ vải, túc trực bên giường bịnh chăm sóc Thật trong vai trò người vợ. Chu đáo. Đảm đang. Thật đường đường là một nam tử sức dài, vai rộng, nói năng ngạo nghễ  như anh hùng hảo hớn Lương Sơn Bạc,  bây giờ bỗng trở nên đồ “ phế thải “, anh cảm thấy tủi nhục, bất lực và thường hay quạu quọ bất cứ lúc nào. Sự có mặt của Thuần càng khiến anh tức tối:
- Cô cút đi cho rảnh mắt tôi!  Đồ đàn bà trơ tráo. Người ta đã không ưa mà cứ vác mặt tới!
- Được, anh đuổi thì tui đi! – Thuần nói tỉnh rụi, nét mặt không biến đổi, vô cảm như mấy bức phù điêu trong viện bảo tàng.
Thuần xách túi đi thủng thẳng đi ra cửa, thì ngoáy cổ lại nói:
- Đồ rởm đời! Thử coi không có con đàn bà trơ tráo này, anh sẽ xây xở ra sao!
Thuần đi. Thật thở phào nhẹ nhõm, coi như thoát được của nợ. Gần trưa, Thật bị chột bụng muốn “  đi cầu “, ngó quanh quất không thấy ai, ngoài ông già nghễnh ngãng đang lên cơn sốt nằm như miếng giẻ rách trên chiếc giường lò xo. Ban đầu Thật cố nhịn nhưng không thể. Người ta có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không thể nào nhịn “ chuyện đó “ một khi các chất bã đã dồn xuống hậu môn.
- Ôi, đau bụng quá! Làm ơn lấy giùm cái bô.
Thật xuất hãn mồ hôi hột. Nếu chậm thêm chút nữa chắc tòi ra quần mất. Mắt dán chặt về cái bô nhựa để ngay kẹt cửa, chỉ vài bước chưn là với tới. Vậy mà..Bất lực khiến anh ứa nước mắt.
- Nó ra rồi! làm ơn! Ối đau bụng quá!
Thật nhắm mắt  tuyệt vọng. Bất ngờ một tràng cười đắc thắng vang lên làm rung màn nhỉ. Một cánh tay đeo vàng nhứ nhứ cái bô màu đỏ trước mặt:
- Anh nói cần tui, thì tui đưa, bằng không thì cứ việc cho ra giường!
- Cô là đồ ác nhơn thất đức! – Thật rủa sả không ngớt, với tay chộp nhưng Thuần đã nhanh nhẹn rụt lại:
- Nói là anh yêu tui, cần tui! Anh hùng cũng có lúc cùng đường mạt vận như vầy đây! Há..há..
Cực chẳng đã Thật phải răm rắp:
- Ờ, tôi yêu cô, tôi cần cô. Đưa bô đây, đồ quỷ dạ xoa!
Sau bận gặp phải cảnh dở khóc dở cười đó, Thật phải cay đắng thú nhận, sự có mặt của Thuần là vô cùng cần thiết. Thuần bề ngoài hay kích bác, trêu tức làm anh bao phen điên tiết, nhưng ả chăm sóc anh rất tận tình, chăm lo đến nơi đến chốn từng miếng ăn, giấc ngủ, từng viên thuốc  đến việc đổ bô mỗi ngày dăm cữ.
- Thôi. Cám ơn cô, tôi không muốn mắc nợ.
- Nợ nần gì, ông xã! Chẳng qua tui sợ con tui mồ côi mồ cút. Thiệt ra tui cũng chẳng tốt lành gì đâu!
Mỗi lần nghe hai tiếng “ ông xã “ là Thật tức muốn lộn ruột. Đã vậy ả còn bô bô khắp cả bịnh viện. Từ ông bác sĩ trưởng khoa chí đến chị lao công đều đinh ninh anh là chồng của Thuần. Chối, chẳng ai thèm tin. Thậm chí có người còn nói Thuần tuy xấu người nhưng đẹp nết, xứng đáng được bình chọn là người vợ đảm đang cấp thành phố! Đến nước này, Thật đành cứng họng, nuốt cục tức vô trong.  Cái chưn băng bột ngứa quá chịu không nỗi, nhưng không biết làm cách nào để bớt ngứa.
- Đã nói là không muốn làm phiền mà. Sao cô cứ lải nhải. Điếc tai!
- Không muốn phiền thì cũng đã phiền rồi! Mấy bữa rày ai lo cho anh từ chuyện thuốc thang, ăn uống đến giặt giũ, thậm chí  việc đổ bô cũng mình tui lo liệu. Không có tui anh sẽ xoay xở ra sao với cái tay, cái chưn bị xi cà que? Vậy mà hễ cứ mở miệng ra là  không phiền đến các người! Không phiền đến các người! Đúng là thứ đàn ông bạc bẽo, vô ơn!
- Được rồi. Coi như tôi nợ cô. Nợ nần bao nhiêu cô cứ ghi vào sổ khi nào khỏe, đi làm có tiền tui sẽ trả sòng phẳng không thiếu một xu.
- À, lại đi làm đĩ đực nữa hả? Bị như vầy mà vẫn chưa chịu chừa sao? Mặt anh mà làm thái giám coi ngộ lắm.
Thật tức đến sùi bọt mép. Sao mà ả nhiều chuyện quá không biết.
Thuần đi làm thủ tục. Một tiếng sau, Thật đã có mặt ở nhà Thuần bằng xe cứu thương của bịnh viện. Mấy nhà bên cạnh hiếu kỳ chạy ra coi. Thuần bế thốc Thật đặt lên xe lăn gọn ơ như một lực sĩ khuân vác một vật nhẹ rồi day mặt sang hồ hởi phân bua với mọi người:
- Ông xã của tui đó. Thấy có đẹp trai giống tài tử xi nê hôn?
Thật không biết giấu cái mặt dày vô đâu. Một người đứng tuổi thắc mắc:
- Ủa, cô  “ sắm “ chồng hồi nào vậy? Trông cũng ra dáng lắm! Sao không thấy cưới xin gì ráo trọi?
- Lâu rồi! Ở trước, lấy sau! Nếu ảnh không bị tai nạn giao thông thì tụi tui đã có cái đám cưới đàng hoàng rồi. Thôi, chào mấy người, tui phải vô tắm cho ảnh đây.
Thuần hãnh diện ra mặt. Ngúng nguẩy đẩy xe lăn trước những cặp mắt thán phục của mọi người. Bực mình, Thật nói như quát:
- Sao cô dám đặt điều như vậy, hả?
- Không vậy thì tui biết giải thích như thế nào về chuyện đưa người đàn ông lạ về nhà mình hả? Vả lại cái bụng của tui cứ lùm lùm như vầy ai cũng nhìn thấy, anh phải cho tui cơ hội để giải thích chớ.
Bực mình! Tiện tay, Thật vơ lấy chiếc cốc thủy tinh gần đó ném mạnh xuống nền gạch granit bóng láng. Thuần chẳng hề nao núng, hay sợ hãi mà đưa tiếp cho Thật thêm mấy chiếc cốc nữa:
- Anh đập đi! Nếu thấy hả giận. Còn không thì hãy biết chấp nhận và phục tùng tui ít ra là trong lúc này. Khi nào bình phục hẳn anh có thể tùng xẻo tui  làm món nướng.
Thật rít lên một tiếng lớn, cầm cái cốc giơ qua khỏi đầu. Thuần nói:
- Đập đi! - Kèm theo là nụ cười khiêu khích.
Thật  buông tay xuống, thở dài một cách bất lực. Thuần bế thốc Thật đi thẳng vào nhà tắm. Từ bên trong vọng ra tiếng giãy giụa, tiếng giội nước ào ào, tiếng chửi bới của Thật hòa lẫn những tràng cười khanh khách của cô chủ sạp vải Soái Kình Lâm.
_______________
[1] Truyền thuyết: Mười đền vua dưới Âm phủ để xử án các hồn ma, mỗi điện có một vua là: Tần Quản vương, Sở Giang vương, Tống Đế vương, Ngũ Quang vương, Diêm La vương, Biện Thành vương, Đô Thị vương và Chiêu Luân vương.