Dịch giả: Tuấn Đô
Hồi thứ ba - Lớp 1
ARPAGÔNG - CLÊAN - ELY - VALE - Mụ CLôt - BÁC CẢ GIĂC
Branhđavoan (*) - LA MECLUYT (**)

ARPAGÔNG:  - Nào, vào cả đây, để ta phân phát mệnh lệnh cho công việc chiều nay, và cắt đặt người nào việc nấy. Lại gần đây, mụ Clôt; ta bắt đầu bằng mụ, nào. (Mụ tay cầm một cái chổi) - Được, mụ đã sẵn sàng võ khí trong tay rồi đây. Ta cắt mụ vào công việc quét tước, lau chùi khắp nơi, và nhất là phải cẩn thận đừng cọ vào các đồ gỗ mạnh tay quá kẻo nó mòn đi. Ngoài ra, ta giao phó cho mụ việc quản lý các chai rượu, trong lúc ăn tiệc; nếu có mất mát, đỗ vỡ gì, thì ta cứ mụ, ta sẽ trừ tiền vào công xá của mụ đấy.
BÁC CẢ GIĂC: (Nói riêng) - Hình phạt khôn ngoan quá.
ARPAGÔNG:  - Xong... Anh, Branhđavoan, và anh La-Meeluyt, ta cử các anh vào các chức vụ rửa cốc và rót rượu, nhưng chỉ khi nào khách cần uống thôi đấy nhé, chứ đừng theo cái thói của mấy tên đầy tớ lếu láo, cứ đến khêu gợi người ta và xui cho người ta uống khi người ta không nghĩ gì đến. Hãy cứ chờ đợi cho khách gọi vài lần đã, và nhớ kỹ là bao giờ cũng phải đem nhiều nước lã đến.
BÁC CẢ GIĂC: (Nói riêng) - Phải rồi. Uống rượu vang nguyên chất, nó xộc lên tận óc ấy mà.
LA MECLUYT: - Thưa cụ, chúng cháu có phải cởi áo phủ (1) ngoài ra không ạ?
ARPAGÔNG:  - Có, khi nào thấy khách đến; và cẩn thận đừng có làm hưu hại quần áo.
BRANHDAVOAN: - Thưa cụ, cụ cũng biết là một bên vạt trước cái áo chẽn của cháu bị dầu thắp đèn hoen một vết to tướng.
LA MECLUYT:- Còn cháu, thưa cụ, thì quần cộc của cháu bị thủng bét cả phía đũng, và nói vô phép cụ, trông rõ cả...
ARPAGÔNG:  - Im! Hãy có ý khéo léo xoay nó vào phía tường, và lúc nào cũng ngoảnh đằng trước ra phía quan khách (Arpagông lấy mũ đặt vào phía trước áo chẽn của lão, để chỉ bảo cho Branhđavoan biết cách che giấu vết dầu) - Còn anh, khi phục dịch cứ luôn tay cầm cái mũ như thế này này. Về phần con, con gái của ta, con sẽ để mắt đến những món ăn còn lại, và cẩn thận đừng để phí phạm tí gì. Con gái làm việc đó là hợp lắm. Nhưng con cũng phải sửa soạn tiếp đón tình nương của ta cho chu tất, cô ấy sẽ đến thăm con và rủ con cùng đi chợ phiên đấy. Cha bảo gì, con có nghe rõ không nào?
ELY- Thưa cha, có ạ.
ARPAGÔNG:  - Còn ông, ông con của tôi, chàng phong lưu công tử, tôi đã có lòng tốt tha thứ cho ông cái chuyện ban nãy, thì xin ông cũng đừng giở trò mặt lưng mày vực với người ta nhé.
CLÊAN- Thưa cha, con ấy ạ? Mặt lưng mày vực? Vì lẽ gì mới được chứ?
ARPAGÔNG:  - Trời ơi, ai chả biết cái trò những đứa con mà bố đi lấy vợ kế, và cái thói chúng thường nhìn bằng con mắt như thế nào cái giống gọi là mẹ ghẻ. Nhưng nếu anh mong tôi quên hẳn cái tội ngông cuồng mới đây của anh, thì tôi khuyên anh nhất là nên mặt mày tươi tỉnh mà đối đãi với người ta, và tiếp đón cho hết sức niềm nở đấy.
CLÊAN- Thưa cha, cứ thật mà nói, thì con không thể nào hứa với cha là sẽ rất vui thích cái chuyện cô ấy trở thành mẹ kế của con. Nếu con nói với cha như vậy, là con nói dối; nhưng còn cái chuyện tiếp đón cô ấy cho niềm nở và làm mặt tươi tỉnh với cô ấy, thì con hứa với cha là về khoản đó con sẽ theo đúng lời cha răm rắp.
ARPAGÔNG:  - Hãy biết là anh phải lưu tâm đến điều đó.
CLÊAN- Rồi cha xem, cha sẽ không phải phàn nàn gì về chuyện ấy cả.
ARPAGÔNG:  - Được thế thì tốt lắm. Anh Vale, giúp ta cái việc này. Nào, Bác cả Giăc, bác lại gần đây; tôi đã dành bác lại làm người cuối cùng.
BÁC CẢ GIĂC: - Thưa cụ, cụ muốn nói chuyện với người đánh xe hay với người đầu bếp của cụ ạ? Vì tôi là cả hai.
ARPAGÔNG:  - Nói với cả hai.
BÁC CẢ GIĂC: - Nhưng với người nào trước ạ?
ARPAGÔNG:  - Với đầu bếp
BÁC CẢ GIĂC:  - Vậy xin cụ hãy khoan cho một tí.
(Bác cởi áo của người đánh xe và hiện ra dưới y phục đầu bếp).
ARPAGÔNG:  - Làm cái trò kiểu cách khỉ gì thế?
BÁC CẢ GIĂC:  - Xin nghe cụ truyền lệnh.
ARPAGÔNG:  - Bác cả Giắc ạ, tôi đã hẹn mời khách ăn bữa tối nay.
BÁC CẢ GIĂC: - Thật là đại phi thường!
ARPAGÔNG:  - Bác hãy nói nghe thử, bác có cho ăn ngon được không?
BÁC CẢ GIĂC: - Được chứ ạ, nếu cụ chi cho tôi nhiều tiền.
ARPAGÔNG:  - Trời đất thiên địa ơi! Lúc nào cũng tiền! Hình như họ không biết nói gì khác nữa: tiền, tiền, tiền! Ôi chao! Họ chỉ có cái tiếng đó trên mồm, tiền! Lúc nào cũng nói đến tiền! Đó là thanh gươm gối đầu giường của họ (1), tiền!
VALE- Tôi chưa hề thấy câu trả lời nào trái tai bằng câu trả lời đó. Phải mất nhiều tiền để được ăn ngon mới tài giỏi làm sao chứ! Thật là một việc dễ dàng nhất đời, và chả có ai ngu đần đến nỗi không làm nổi cái trò đó; nhưng muốn ra người giỏi giang, thì phải nói đến chuyện ít tiền mà ăn ngon.
BÁC CẢ GIĂC: - Ít tiền ăn ngon?
VALE- Đúng rồi.
BÁC CẢ GIĂC: - Nói thực tình, anh quản gia ơi, anh làm ơn cho chúng tôi được xem cái bí quyết đó, và xin anh lĩnh lấy chức vụ đầu bếp hộ tôi: anh cứ làm cái bộ con người đảm đang quán xuyến ở cái nhà này mãi.
ARPAGÔNG:  - Thôi, im. Ta cần phải có những gì nào?
BÁC CẢ GIĂC: - Đây, anh có quản gia của cụ, anh ấy sẽ cho cụ ăn ngon mà mất ít tiền.
ARPAGÔNG:  - Ề! Tôi muốn bác trả lời tôi.
BÁC CẢ GIĂC:  - Sẽ có bao nhiêu người ăn ạ?
ARPAGÔNG:  - Tám hay mười gì đó; nhưng chỉ nên tính tám suất thôi. Khi có đủ cho tám người ăn, thì cũng có thể đủ cho mười người.
VALE- Cái đó dĩ nhiên.
BÁC CẢ GIĂC: - Vậy thì, cần phải có bốn món nấu đậu thang (1) và năm món đầu tiệc (2). Các món nấu này... Các món đầu tiệc này...
ARPAGÔNG:  - Eo ôi! Như vậy là để khao cả một thành phố mất!
BÁC CẢ GIĂC: - Món quay này...
ARPAGÔNG: (Lấy tay bịt mồm bác ta lại) - Ốii chà! Đồ bất nhân, mày ăn nhẵn cơ nghiệp của nhà tao à!
BÁC CẢ GIĂC: - Các món ăn đệm (2) này...
ARPAGÔNG:  - Còn chưa thôi ư?
VALE- Bác định làm người ta nứt ruột lòi gan tất cả hay sao? Cụ nhà mời khách để nhồi chết hay sao? Bác hãy đi mà đọc thử các sách dạy vệ sinh, và hỏi các thày thuốc xem có gì hại người hơn là ăn uống quá độ không.
ARPAGÔNG:  - Anh ấy nói phải lắm.
VALE- Bác cả Giắc này, xin nói để bác với đồng loại của bác biết rằng bữa ăn có nhiều thức ăn quá là tối nguy hiểm, muốn tỏ rõ là yêu khách, thì cần phải thết những bữa ăn thanh đạm, và theo lời dạy của cổ nhân, thì phải ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn (1)
ARPAGÔNG:  - Chà! Câu nói hay quá! Lại gần đây, để ta hôn anh vì câu đó. Thật là một câu cách ngôn hay nhất mà ta được nghe từ bé đến giờ. Phải sống để mà ăn, chứ không phải ăn để mà sống... à quên, không phải như thế. Anh nói thế nào nhỉ?
VALE- Phải ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn.
ARPAGÔNG:  - Đúng rồi. Bác nghe rõ chưa? Bậc vĩ nhân nào đã nói câu ấy nhỉ?
VALE- Lúc này cháu không nhớ tên ạ.
ARPAGÔNG:  - Anh nhớ biết cái câu đó cho ta nhé. Ta sẽ cho khắc chữ vàng trên lò sưởi buồng ăn của ta.
VALE- Vâng, thế nào cháu cũng sẽ viết. Còn về bữa tiệc của cụ, xin cụ cứ để mặc cháu. Cháu sẽ sắp đặt chu tất.
ARPAGÔNG:  - Ừ, anh làm đi.
BÁC CẢ GIĂC:  - Càng may, tôi đỡ nhọc xác.
ARPAGÔNG:  - Phải có những thứ mà người ta không ăn mấy tí, nhưng làm lửng dạ ngay từ đầu: chẳng hạn món thịt cừu hạt lựu nấu la-ua, với món pa-tê om, độn rất nhiều hạt dẻ. Đó, những món đó cho ê hề vào.
VALE- Cụ cứ tin cậy ở cháu.
ARPAGÔNG:  - Bây giờ, Bác cả Giăc ơi, phải lau chùi xe ngựa cho ta.
BÁC CẢ GIĂC: - Khoan đã. Đây là chuyện nói với người đánh xe (Bác lại mặc áo đánh xe vào) Cụ bảo...
ARPAGÔNG:  - Phải lau chùi xe ngựa cho ta, và sắp sẵn ngựa nghẽo để đi chợ phiên.
BÁC CẢ GIĂC: - Thưa cụ, ngựa của cụ ấy à? Nói thực tình, chúng có nhấc nổi chân được đâu. Tôi không dám bảo là chúng nằm bẹp ổ rơm: vì chúng làm gì có ổ rơm, nói thế chả hóa ra hồ đồ quá; nhưng cụ bắt chúng nhịn ăn nhịn uống khắc khổ, đến nỗi chỉ còn là những khái niệm hay là những bóng ma, những hình dáng ngựa mà thôi.
ARPAGÔNG:  - Làm ra khổ chúng nó nhọc mệt lắm, chúng nó có phải làm gì đâu!
BÁC CẢ GIĂC:  - Thưa cụ, thế không phải làm gì cả, thì không nên ăn gì cả, hay sao? Những con vật tội nghiệp đó, thà là chúng nó phải làm việc nhiều, và được ăn nhiều, còn hơn. Trông thấy chúng mệt lả đi như thế kia, tôi đứt từng khúc ruột, vì quả tình tôi thương yêu những con ngựa của tôi lắm, đến nỗi tưởng chừng như là chính mình, khi trông thấy chúng đau khổ; hằng ngày tôi vẫn phải bớt mồm bớt miệng cho chúng nó, vì, thưa cụ, không thương xót kẻ gần gũi (1) tí nào, thì thật là tâm địa tàn nhẫn quá.
ARPAGÔNG:  - Đi từ đây ra đến chợ phiên thì có nặng nhọc gì.
BÁC CẢ GIĂC: - Không, thưa cụ, tôi không nỡ nào bắt chúng phải đi, và trong cái tình trạng của chúng như thế này, mà quất roi vào chúng thì tôi chẳng đành tâm được. Cụ bảo, chúng làm thế nào mà kéo được một cái xe, khi chúng lê mình còn chưa nổi.
VALE- Thưa cụ, cháu sẽ nhờ bác Pica (1) bên hàng xóm đánh xe cho: với lại, cũng cần đến bác ta để sắp xếp cho bữa tiệc.
BÁC CẢ GIĂC: - Thôi được. Thà là chúng nó chết dưới tay người khác, còn hơn là dưới tay tôi.
VALE- Bác cả Giắc cũng hay lắm điều lắm.
BÁC CẢ GIĂC: - Anh quản gia cũng khéo tâng công lắm.
ARPAGÔNG:  - Im!
BÁC CẢ GIĂC: - Thưa cụ, tôi không thể nào chịu nổi những phường nịnh hót, mà tôi thấy rằng tất cả những trò vè của anh ta, những trò soi mói không ngớt về bánh mì và rượu vang, về củi lửa, mắm muối và dầu đèn (2), chẳng qua chỉ là để nịnh nọt và tán tỉnh cụ. Tôi thấy thế mà điên ruột, và hằng ngày tôi rất phiền lòng nghe thấy những điều người ta nói về cụ: vì nói đáng tội, dù sao đối với cụ tôi vẫn có tình; và, sau những con ngựa của tôi, thì cụ là người mà tôi yêu nhất.
ARPAGÔNG:  - Bác cả Giăc này, bác có thể cho tôi biết người ta nói những gì về tôi được không?
BÁC CẢ GIĂC: - Thưa cụ được nếu tôi được chắc rằng cụ sẽ không lấy làm phật ý.
ARPAGÔNG:  - Không, có đời nào.
BÁC CẢ GIĂC: - Xin lỗi cụ, tôi biết chắc thế nào tôi cũng cho cụ nổi giận.
ARPAGÔNG:  - Nhất định không, trái lại, bác làm cho tôi vui lòng thì có, và tôi rất thích được biết người ta nói về tôi như  thế nào?
BÁC CẢ GIĂC: - Thưa cụ, ý cụ đã muốn, thì tôi xin nói thẳng là khắp mọi nơi người ta chê cười cụ; từ tứ phía họ chõ vào chúng tôi trăm nghìn câu nhạo báng về chuyện cụ, và họ chả có gì vui sướng hơn là đem cụ ra mà đả kích chế giễu và luôn mồm đặt chuyện về thói keo kiệt của cụ. Kẻ thì nói rằng cụ cho in những niên, lịch riêng, trong đó cụ tăng gấp đôi những tuần ăn chay, những ngày kiêng mặn, để bắt người nhà nhịn mồm nhịn miệng (1), có lợi cho cụ; kẻ khác lại bảo rằng cụ luôn luôn sẵn sàng có chuyện để gây với kẻ ăn người ở vào những dịp tặng thưởng tết nhất hay những khi họ xin ra, để kiếm cớ mà không cho họ cái gì hết. Đứa này thì kể chuyện rằng có một lần cụ đã đưa ra tòa kiện con mèo hàng xóm vì tội đã xơi mất của cụ một mẩu đùi cừu ăn thừa; đứa khác, rằng có một đêm người ta bắt được cụ đích thân lẻn vào ăn trộm lúa kiều mạch của ngựa nhà cụ, và bác đánh xe, người làm trước tôi ấy, đã giáng cho cụ, trong đêm tối không biết bao nhiêu là gậy, mà về sau cụ chẳng thèm nói năng gì về chuyện đó. Nghĩa là xin nói thật với cụ, không thể đi đến đâu mà không nghe thấy người ta nhiếc móc cụ đủ trăm điều. Cụ là bia miệng, là trò cười cho thiên hạ, và bao giờ nói đến cụ, người ta cũng gọi cụ là đồ hà tiện, đồ keo bẩn, đồ bần tiện, đồ bóp hầu bóp cổ.
ARPAGÔNG: (Vừa đánh vừa nói) - Mày là thằng ngu, thằng ăn cắp, thằng vô lại, thằng mặt dày.
BÁC CẢ GIĂC: - Ấy đấy! Tôi đã biết trước mà! Cụ cứ không nghe. Tôi đã bảo là nói thật thì sẽ làm cụ mất lòng mà
ARPAGÔNG:  - Từ rày, ăn nói phải liệu mồm