Dịch giả: Nguyễn Cao Nguyên
Chương 2

Nha Trang, tháng ba ngày 25, 1975
Những tiếng nổ kinh hoàng kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Tôi nhảy ra khỏi giường, mắt nhắm mắt mở, không nhận ra hết mọi việc chung quanh. Bên ngoài cửa sổ, trời đêm lấp lánh những vì sao. Tôi ngạc nhiên không biết có phải những tiếng nổ tôi vừa nghe là thực hay chỉ là những điều trong mộng tưởng.
Thêm nhiều tiếng súng khác. Sự sợ hải làm tôi hoàn toàn tỉnh ngủ. Tôi mò tìm đôi dép trong đêm tối vừa kêu mẹ tôi. Một bóng người hiện ra trong phòng, trên tay cầm một cây đèn cầy. Tôi nhận ra Loan, vú nuôi của tôi, mới mười tám tuổi và là người vú nuôi trẻ nhất trong nhà. Tóc chị rối bời và khuôn mặt hãy còn ngái ngủ. Trong căn phòng tối lờ mờ chị trông có vẻ hoảng hốt và run rẩy. Tôi chạy vội lại ôm chầm lấy chị, hít lấy mùi hương quen thuộc của thân thể chị. Chúng tôi ôm nhau đứng giữa phòng.
Hơn một tháng qua, tiếng bom tiếng súng vang lên khắp nơi trong thành phố Nha Trang. Hàng ngày, báo chí liên tục loan tải những tin tức bất lợi, lan truyền trong dân chúng như một bệnh dịch. Mọi ngưới đón nhận những tin tức mới nhất với sự im lặng, dè dặt, và chán nản. Tin đồn lan truyền như một căn bệnh ung thư làm tê liệt thành phố Nha Trang. Nhà tù bỏ ngỏ, tù nhân tuôn ra như một giòng nước đục, cướp bóc trong thành phố một cách vô tội vạ. Không một người nào dám bước ra khỏi nhà. Đường phố vắng tanh, ngoại trừ thỉnh thoảng một chiếc xe vội vả chạy vụt quạ Nhà nhà đóng kín cửa trong nỗi lo âu sợ hãi. Truyền hình chiếu lại cảnh những người dân trốn thoát ra khỏi nhà vào nửa đêm, không mang theo được gì ngoại trừ những đứa bé trên tay ở các tỉnh gần vùng giao tranh. Giòng người chạy giặc, chân trần, tay không, kéo lê từ thành phố này sang thành phố khác, cố gắng chạy trốn những những nỗi kinh hoàng vô hình mà không biết mình sẽ đến đâu và chạy trốn cái gì. Thực phẩm trở nên khan hiếm vì chợ búa không còn hội họp thường xuyên nữa. Thành phố như một con cá đang chết dần trên nền xi măng, cố hớp lấy một chút không khí một cách tuyệt vọng.
Giống như mọi người khác trong thành phố, gia đình chúng tôi trốn kín trong nhà chờ đợi những cảnh hãi hùng khủng khiếp của chiến tranh sẽ phải xảy ra. Cho đến lúc đó thì căn biệt thự nhà Nguyễn của chúng tôi chưa hư hại gì nhiều ngoài một vài trầy trụa nhỏ do sức ép của bom đạn. Tôi vẫn còn nhớ một việc thật phủ phàng đã xảy ra trước đó làm tiêu tán hết lòng tự tín của mẹ tôi là chuyện bà bị lường gạt trong việc làm ăn kinh doanh trong ngành ngân hàng. Từ năm 1968, mẹ tôi hùn với một cặp vợ chồng người Tàu mở một ngân hang nhỏ tại Nha Trang. Mẹ tôi làm chủ một nửa, nửa còn lại do cặp vợ chồng người Tầu rất giàu có đó làm chủ. Rồi một buổi chiều, mẹ tôi nhận được một cú điện thoại cho biết cặp vợ chồng người Tàu đã ôm trọn số tiền mặt của ngân hàng trốn sang Thái Lan, và lúc đó đang trên đường sang New York.
Ngày hôm sau mẹ tôi bước vào văn phòng nhà băng để chứng kiến một khung cảnh trống trơn điêu tàn. Bên ngoài, hàng trăm khách hàng vừa kêu réo tên mẹ tôi vừa tìm cách đập phá cánh cửa nhà băng đang khóa kín để xông vào. Mẹ tôi đã trốn thoát được ra cửa sau chỉ vài giây trước khi đám đông tràn vào. Lần đó, tuy mẹ tôi không bị tổn thương gì về thể chất, nhưng tinh thần bà suy sụp nặng nề.
Tôi đứng nhìn mẹ tôi trên hành lang phòng ngủ khi bà bước vào nhà. Một chiếc guốc của bà rơi mất, khuôn mặt thất thần. Ông Lâm, nhân tình của mẹ tôi, lớn hơn bà chừng chục tuổi, và mấy người bạn của ông ta đang nằm phơi nắng bên hồ bơi ngơ ngác trước vẻ xốc xếch, bơ phờ của mẹ tôi. Họ ngó mẹ tôi lom lom cho đến khi bà bước hẳn vào nhà. Chỉ đến khi bàn chân trần của bà chạm vào nền gạch ẩm lạnh trong phòng thì mẹ tôi mới quỵ xuống khóc nức nở.
Một nỗi thất vọng xâu sa xâm chiếm lấy tôi. Từ hành lang phòng ngủ ở lầu hai, tôi cũng bắt đầu khóc với mẹ tôi, và tiếng khóc nhỏ nhoi trẻ thơ của tôi chìm khuất vào tiếng gầm rú hung tợn của đạn bom. Một trái bom nổ ngay dưới đường làm rung chuyển mặt đất... Bây giờ cũng những tiếng nổ tương tự như vậy đã kéo tôi ra khỏi giường, xô tôi vào vòng tay của chị Loan.
Vú Loan bồng tôi xuống lầu để tìm mẹ tôi đang tiếp mấy người bạn trong phòng khách. Mẹ tôi mời mấy viên chức chính phủ còn sót lại trong thành phố đến nhà hội họp để dò thăm tin tức. Mẹ tôi ngồi nơi ghế, mặc một chiếc áo dài, một kiểu áo quen thuộc của người Việt Nam có hai tà xẻ từ ngang hông trở xuống thường mặc chung với một chiếc quần đen. Lúc đó mẹ tôi có thai được bốn tháng, bụng bà đã thấy vun lên dưới lớp vải lụa. Lúc tôi bước vào thì mẹ tôi đang nói chuyện dở chừng với ông Đặng, trưởng thông dịch viên của tòa đại sứ Mỹ.
Ông bà Đặng là một trong số những đồng minh quan trọng của mẹ tôi. Trong lòng mẹ tôi không có chỗ cho một tình bạn chân thành, gắn bó lâu dài. Bà đã nhiều lần thú nhận với tôi rằng đó là khuyết điểm trở thành cá tính bẩm sinh của bà. Ngoài vấn đề đó ra, theo lời bà, thì những việc khác trong đời sống bà thích ứng rất thành công. Mẹ tôi vốn không tin ai ngoài chính mình.
Mối quan hệ giữa ông bà Đặng và mẹ tôi hoàn toàn thuộc về chuyện làm ăn. Nhờ làm việc ở tòa đại sứ, ông Đặng có thể cung cấp cho mẹ tôi những tin tức sốt dẻo, mới mẻ nhất về chuyện quốc gia, thị trường, và những nhân vật có thẩm quyền liên hệ, kể cả những người đang có mặt trong buổi họp mặt lúc đó. Nhờ vậy mẹ tôi có thể có được những tin tức mới nhất, đầy đủ nhất. Để bù lại, ông Đặng được vào phòng ngủ của mẹ tôi để có thể xác nhận rằng những chiếc áo ngủ của mẹ tôi rất vừa vặn, thích hợp với thân thể của bà, đại loại như những lời bàn ra tán vào của đám đàn ông nơi bàn mạt chượt.
Bà Đặng cũng là một người rất được mẹ tôi để ý tới và luôn luôn được mẹ tôi mời đến tham dự những cuộc hội họp. Lúc đó bà Đặng đang cầm một ly champagn ngang ngực, đứng tựa người vào ông Lâm và một người khách đàn ông khác. Mỗi lần ông Lâm thầm thì gì đó vào tai bà thì bà ta cười rầm lên nghe rổn rảng như tiếng thủy tinh vỡ. Mẹ tôi và ông Đặng ngồi gần đó, chú hết tâm trí vào cuộc nói chuyện của họ cơ hồ như không quan tâm gì đến khung cảnh ầm ĩ náo nhiệt chung quanh.
"Mẹ" Tôi đứng ở cửa gọi vọng vào.
Mẹ tôi xin lỗi khách rồi bước về phía chúng tôi. Trong vòng tay ôm của vú Loan, tôi cảm thấy thân thể của vú rung lên khi mẹ tôi tiến lại gần. Vú Loan chưa kịp nói gì thì mẹ tôi đã giật tôi ra khỏi tay chị. Với cái nhìn lạnh băng, mẹ tôi gầm gừ vào tai vú Loan, thật nhỏ gần như không nghe được "Đi ra ngoài". Bà ôm tôi trong tay quay trở lại tiếp tục công việc làm như không có gì quan trọng xảy ra.
Mẹ tôi nói với ông Đặng:
"Xin lỗi. Thằng nhỏ nghe tiếng nổ nên sợ."
"Đến nước này thì không phải chỉ một mình nó sợ." Ông Đặng đáp với một tiếng thở dài. "Tôi nghĩ chị nên rời khỏi nơi đây trước khi quá muộn."
"Tại sao? Còn người Mỹ thì sao? Họ không giúp gì chúng ta sao?"
Ông Đặng nhìn mẹ tôi như đang nhìn một người điên hoặc một người ngu quá mức.
"Chị muốn nói người Mỹ nào? Người Mỹ đã bỏ chúng ta từ lâu rồi. Chúng ta đã không được giúp đỡ gì từ năm 1972. Chúng ta chiến đấu một mình; và đang thua liểng xiểng."
"Nhưng... " Mẹ tôi lắp bắp, lấy tay che hai tai tôi chừng như không muốn cho tôi hiểu được cái hoàn cảnh nguy ngập đang xảy ra.
"Đúng vậy. Chị phải mang gia đình ra khỏi đây ngaỵ Việt Cộng đã chiếm thành phố Quy Nhơn, và Tuy Hòa rồi. Chỉ vượt qua một ngọn đèo nữa là họ sẽ tới đây ngaỵ"
Mẹ tôi bật lên khóc tấm tức. Hai tay bà vẫn bịt chặt tai tôi nhưng tôi vẫn nghe được nỗi đau đớn thống khổ trong tiếng khóc của bà. "Trời ơi, tôi phải làm sao đây?"
"Tôi đã nói với chị rồi. Điều duy nhất chúng ta có thể làm lúc này là chạy. Gia đình tôi sẽ rời đây vào sáng sớm ngày mai. Tôi nghĩ chị cũng nên đi ngay vào ngày mai đị"
"Đi đâu bây giờ?"
"Trước hết là vô Sài Gòn. Ít nhất ở đó chúng ta có thể rời nước bất cứ lúc nào qua đường hàng không. Trái lại, nếu tình hình chính trị thay đổi, chị cũng có thể trở lại Nha Trang."
"Tôi chẳng còn gì ở đây để mà trở lại." Mẹ tôi nói. "Nhà băng đóng cửa, bao nhiêu tiền mất sạch hết rồi."
Ông Đặng nhún vai bày tỏ sự bất lực của mình.
"Có nhiều lý do phải rời bỏ chỗ này. Nhớ liên lạc với chúng tôi ở Sài Gòn. Đây là địa chỉ của chúng tôi trong đó." Ông Đặng nghuệch ngoặc mấy chữ phía sau tấm card rồi trao cho mẹ tôi.
°
Đêm đó, mặc dù vẫn còn một vài người khách dự tiệc, mẹ tôi kêu ông Lâm ra ngoài thuê một chiếc xe van. Chỉ có xe cỡ đó mới có thể chở hết sáu người trong gia đình, kể cả ông nhân tình của mẹ tôi. Ngay khi ông Lâm mang xe về đến nhà, chúng tôi vội vả kéo nhau lên xe, chỉ mang theo một ít dụng cụ cần thiết. Lúc chúng tôi theo chân những người khách ra khỏi nhà, không một người làm công nào trong nhà chúng tôi hay biết gì về quyết định khủng khiếp đó. Hầu hết những người làm công đều đã đi ngủ khi bữa tiệc vừa mới bắt đầu.
Thình lình, vú Loan chạy ra đứng trước đầu xe, khóc lóc van xin mẹ tôi cho chị đi theo. Suốt tám năm trời chị là một phần tử gắn bó với gia đình tôi, chăm sóc thương mến mọi người, kể cả mẹ tôi là người khinh miệt tất cả mọi người dưới tay bà. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, Loan là một thành phần trong gia đình chúng tôi.
Mẹ tôi ngồi trong xe nhìn cảnh tượng trước mặt một cách dửng dưng, lạnh nhạt. Tuy nhiên tiếng khóc của vú Loan làm ông Ngoại tôi mũi lòng lên tiếng can thiệp. Ông tôi tuy nhẹ nhàng nhưng rất kiên quyết nên mẹ tôi đành phải cho chị đi theo.
Lên xe, chị Ôm chặt lấy tôi và Jimmy vào lòng. Chị hôn chúng tôi mà nước mắt chảy dài trên má, rồi chị quay sang cúi rạp đầu xuống bàn tay mẹ tôi. Ngay khi môi chị vừa chạm phải bàn tay mẹ tôi, bà vội vàng giật tay ra như vừa mới chạm vào lửa. Mặt mẹ tôi tối sầm lại, ánh mắt hằn lên một niềm oán ghét. Trong một hành động bất ngờ ngoài sự tiên liệu của mọi người, mẹ tôi thẳng tay tát cho chị một cái thật mạnh. Cái tát đẩy mặt chị quay nghiêng chạm vào thành xe vang lên một tiếng kêu sắc lạnh. Vậy mà chị vẫn giữ nguyên tư thế quỳ mọp dưới sàn xe. Trong cái im lặng rợn người ấy, thằng em tôi bắt đầu lên tiếng khóc thút thít trong sự sợ hãi nhưng không ai buồn dỗ cho nó nín. Tôi quá khích động không thốt được lời nào.