Chương 22
LÀM NHÀ KHÔNG ĐÚNG HƯỚNG
NHỮNG NGƯỜI THÂN PHẢI THẾ MẠNG

Hananoya lại một lần nữa mở rộng mặt bằng. Bước vào năm 28 của thời đại Showa (1953), ở Tôkyô nhiều công trình mọc nhanh như nấm. Tòa nhà Maru trước ga Tôkyô đã được phục hồi, và cao ốc Shinmaru với lối kiến trúc táo bạo đã cuốn hút biết bao người đến xem, tượng trưng cho đà phát triển mới của một nước Nhật hiện đại. Nếu ta vượt qua cầu Mihara và nhìn về phía ánh sáng chói lọi của Ginza thì chúng ta không thể tin được rằng nước Nhật đã trải qua một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc chỉ cách đây chừng tám năm thôi.
Ikuyo đã gần bảy mươi nhưng ngày nào cũng đi dạo chơi và luôn vui mừng nhận thấy sự trẻ hóa từng ngày của thủ đô. Mỗi tháng Tomoko đưa cho mẹ một ít tiền tiêu vặt, nhờ vậy mà bà mặc sức tiêu xài hoang phí.
Do sống chung với mẹ, cuối cùng rồi Tomoko cũng không bực mình về sự có mặt của bà và cũng chẳng buồn để ý đến giờ bà dạo phố hoặc những lần bà đi chơi về muộn.
Tốc, tốc; tốc-tốc-tốc. Tiếng búa rộn ràng tiếp tục vang lên. Nghe tiếng búa nện, biểu tượng của sự phồn vinh của cô, Tomoko có cảm tưởng là cô chưa bao giờ thực sự bị đau khổ. Cô không nghĩ ngợi gì nữa về sự không may mắn của mình với cánh mày râu.
Ở hoàn cảnh cô hiện nay, đắm mình trong kỷ niệm đau buồn là không thích hợp. Cô cần phải làm việc, làm việc miệt mài nếu cô không muốn đổ kềnh như con quay khi ngừng chuyển động.
Hàng ngày cô phải ra công trường để theo dõi tiến độ của thi công. Cô đương thả mình trong những suy tư, tình cảm vui mừng, hãnh diện trước những tiến bộ của công việc thì bỗng cô đầy tớ đến báo là có ông mua bán đồ cổ đến thăm.
– Chà, lâu lắm mới được ông đến thăm.
– Hôm nay tôi đến đây trước là để thăm cô, sau là để giới thiệu cho cô một mặt hàng rất hiếm, một thứ đồ cổ.
Nói xong ông cẩn thận cởi dây buộc, lột giấy bọc, lần lượt gỡ hết các lớp bông chăn. Cuối cùng thì vật lạ đã lộ ra.
Tomoko ngạc nhiên kêu lên:
Một bức tượng Phật nhỏ bằng gỗ!
– Thưa cô, bức tượng cổ này là của một gia đình quí tộc đang lâm vào cảnh túng bấn, gia đình bá tước Kônami ạ.
– Ông đặt giá bao nhiêu?
– Với bất cứ ai tôi cũng lấy giá hai triệu yên, nhưng nếu cô muốn mua với giá đó thì tôi vui lòng để cô mua trước.
Tiễn khách ra về, Tomoko trở lại lặng lẽ ngắm nhìn pho tượng cỏ và tự hỏi phải chăng linh hồn của bá tước Kônami đã nhập vào pho tượng Phật để mãi mãi sống bên cô?
Tomoko đứng dậy, hai tay chắp lại và nhìn pho tượng cổ, đầu óc trống rỗng.
Chỉ có bản đồng ca của các côn trùng trong vườn là lọt vào tai cô. Có lẽ đây là lúc duy nhất mà cô cảm thấy tâm hồn thanh thản giữa cái không gian náo nhiệt của công trình mở rộng khách sạn Hananoya.
Những lúc cô đơn, cô đã làm việc cật lực, tính khí đồng bóng của mẹ đã làm cô bực bội, rồi bản án tử hình của Ezaki đã làm cô điên loạn, và cô chỉ tìm thấy niềm vui trong lao động hăng say mà thôi. Đầu óc cô đã dành trọn cho công trình xây dựng. Các công việc phải tiến hành liên tục từ sáng sớm tinh mơ đến quá trưa. Chiều và tối không làm gì là thời điểm khách đến ăn nhậu, không được làm ồn ào. Bởi vậy mà Tomoko cứ phải luôn chạy ra công trường mỗi khi có chút thì giờ rỗi rãi. Hôm ấy cô vừa đến công trường được một lúc thì những cơn đau thắt bụng lại xuất hiện. Cô đau như thế này từ những ngày đầu khởi công xây dựng, tính ra là đã được hai tháng nay, nhưng cô không còn thì giờ nữa đâu nữa để quan tâm đến sức khỏe.
– A, đẹp quá! Tomoko kêu lên khi đến xem phòng tắm vừa hoàn thành xong, theo ý kiến của cô. Ai sẽ là người đầu tiên tắm ở đây nhỉ. Cô thì thầm tự hỏi và hít thở căng lồng ngực mùi gỗ mới.
Nhưng bất thình lình cô lảo đảo và va đầu vào bồn tắm và đổ sụp trên nền nhà. Khi cô hồi tỉnh lại thì mới hay là mình đang nằm trên giường ở bệnh viện Seiroka. Thoạt tiên cô nhận ra ông bác sĩ và cô y tá mặc áo choàng trắng, rồi cô đầy tớ của Hananoya và ông Hachirô Kuwata.
Cô cảm thấy đau khắp cả mình mẩy, đầu trống rỗng, người nóng hừng hực.
– Bà tỉnh rồi? Bác sĩ hỏi.
Tomoko gật đầu. Có lẽ cô bị sốt rét nặng vì thấy uể oải và đau nhói ở cột sống.
– Chắc là bà bị tổn thương đường ruột. Nhưng muốn chắc chắn thì phải mổ ngay.
Tomoko khẽ gật đầu. Và sau đó cô chẳng còn hay biết gì nữa, chỉ nghe các cô y tá đếm một, hai, ba, bốn, năm...
Khi các bác sĩ phanh bụng cô ra thì không khí trong phòng mổ trở nên căng thẳng:
khối u đã vỡ. Mổ ngay là cực kỳ cần thiết.
Một cô y tá lao ra ngoài và hỏi to:
– Bệnh nhân có ai là người nhà không? Ca mổ rất khó, có khả năng xảy ra điều tồi tệ nhất!
Mặt Hachirô biến sắc.
– Phải gọi bà Ikuyo, ông vừa nói vừa chạy đi.
– Cũng nên đi báo cho Yasuko biết, u già nói với bác Hachirô khi bác vừa quay gót.
U già xưa kia được Tomoko đào tạo, rất trung thành đối với cô. Bà không chịu rời khỏi cửa phòng mổ chừng nào mà cô chủ còn trong vòng nguy hiểm.
Ngày đêm u luôn bên cạnh cô. Khi mê man, nhìn u cô cứ tưởng là mẹ, bà Ikuyo, đến chăm sóc cô nhưng sao bà lại ăn mặc tồi tàn thế.
Thỉnh thoảng Tomoko lại còn có cảm tưởng như trông thấy một đứa bé trai đứng cạnh bà Ikuyo và đương nhìn cô. A, chính nó, cô mê sảng nói, tim đập mạnh, chính nó, đứa bé của tôi ở nhà Kanô. Nhưng nếu đúng là nó đến thăm ta thì như vậy có nghĩa là cái chết của ta đã cận kề?
Thế rồi dần dần tâm trí cô trở lại bình thường. Người đàn bà mà cô trông thấy ở đầu giường không phải là mẹ mà là Yasuko. Tomoko rất cảm động khi biết Yasuko đã chạy ngay đến bệnh viện khi được tin chị đi cấp cứu bệnh viện.
Dù sao thì chúng ta cũng đúng là chị em ruột thịt!
Khoảng mười ngày sau khi mổ, Tomoko đã bình phục hoàn toàn.
– Chú Hachirô, tôi rất khổ tâm là đã làm phiền chú nhiều. Lần này tôi đã làm cả nhà phải vất vả.
– Không đâu, tôi nói thực tình mà. Cô bị bệnh mà chúng tôi không ai hay biết gì. Chúng tôi đã không làm tròn bổn phận.
– Chú Hachirô! Tại sao mẹ không đến? Bà ấy chưa đến đây lần nào cả. Chú có thấy như thế là quá lắm không? Bà ấy không ngừng gây cho tôi nhiều phiền muộn, và bây giờ, trong lúc tôi nằm bệnh viện thì bà vẫn tỉnh bơ!
– Mong cô tha lỗi vì tôi chưa cho cô biết là bà ấy đang ốm và...
– Sao?
– Ồ, không trầm trọng như cô đâu, chỉ cảm cúm xoàng và đau dây thần kinh.
Ở tuổi bà ta, cô biết đấy...
– Nhưng ngày tôi ngã bệnh thì mẹ tôi vẫn khỏe cơ mà? Chú Hachirô! Chú nói thật với tôi đi.
Tomoko nhìn thẳng vào bác, và chỉ thấy một khuôn mặt đờ đẫn, thất thần.
Trong cái mặt nhăn nheo của bác, cặp mắt sợ sệt, bồn chồn, luôn đảo qua đảo lại. Trông bác thì biết ngay bác là người không biết nói dối, nhưng điều bí mật lại vừa được phô ra.