Để hiểu rõ hơn những nhân vật chính trong cuốn truyện này, chúng tôi xin dẫn ra đây những giải thích về một số từ Nhật Bản còn xa lạ với nhiều bạn đọc Việt Nam như: geisha, maiko, “chị cả”, tayu, obi, Ikebana, kimono,... Geisha: có người dịch là kỹ nữ, cung nữ, vũ nữ, là phụ nữ giúp vui, là bồ bịch, hoặc vợ lẽ... Nhưng dù là gì đi nữa thì trước tiên, theo truyền thống Nhật Bản, đó là nghệ sĩ. Bởi vì trong từ geisha, gei là nghệ thuật, và sha là người.Một geisha phải giỏi múa hát, phải biết chơi đàn shamisen (đàn tam huyền), biết chuốc rượu saké, cười và nói chuyện có duyên, và phải là một gái đẹp, một vẻ đẹp quí phái, đến từ bên trong. Một geisha phải làm việc rất nhiều mới đủ tiền để mua sắm lược, trâm cài đầu, phấn son cho cái vẻ đẹp ngoài cao sang đó, trong khi lương tối thiểu của họ chỉ có 50.000 yên một giờ. Khách hàng tìm đến vui vầy với geisha thường là những người có học thức và rủng rỉnh tiền bạc, vì chi phí cho một tối có cô phục vụ lên đến hàng ngàn đô la. Đứng trên đôi guốc cao 15 cm bằng gỗ trầm hương đen nặng đến 2 kg và với bộ tóc giả 2 kg trên đầu, Hanakiđo, một siêu geisha 24 tuổi làm việc theo cuốc gọi, không bảo hiểm, không nghỉ hè, nhưng lại được độc lập. Geisha có thể có người bảo hộ, đỡ đầu, nuôi cô, mua nhà cho cô, lấy cô làm vợ lẽ, và có quyền phá trinh cô.Nghề geisha đang bị mai một dần nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa và truyền thống của nó. Tại cố đô Kyoto vẫn còn trường đào tạo geisha. Người học nghề geisha gọi là maiko (mai là khiêu vũ, ko khiêu vũ).Các maiko vào trường lúc 15 tuổi và trở thành geisha lúc 20. Các maiko không được tô son môi trên vì nhà trường cho làm như thế là kiêu kỳ. Từ năm học thứ hai họ mới được tô điểm cả hai môi. Người ta phân biệt một maiko với một geisha nhờ mái tóc thật của họ, trong khi các geisha thì mang tóc giả.Maiko đi ngủ với mái tóc đó, kê đầu trên gối cứng và cứ 5 ngày thì phải lại làm tóc, mỗi lần làm hơn một giờ. Trong các trường đào tạo geisha, người ta dạy cho các maiko múa, hát, sáo, đàn luth, trà đạo, nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), văn hóa tổng quát. Mỗi ngày 5 giờ, thời gian còn lại họ sẽ học với người đỡ đầu là oka, thường thường là một geisha đã về hưu. Bà oka sẽ dạy cho họ làm thế nào để trở thành một cô gái đẹp.Một ngày của maiko bắt đầu lúc 9 giờ sáng, sau việc vệ sinh cá nhân và mặc quần áo. Cứ nhìn bộ kimono thì ta cũng thấy ngay là việc mặc bộ trang phục đó không đơn giản tý nào. Các học viên ăn trưa vào lúc 12h30 và sau đó là khoảng thời gian rảnh rỗi để tản bộ dạo quanh Kuoto cho thiên hạ ngắm. Sau những giờ tự do, các maiko phải trở lại trường lúc 15h để dự giờ trang điểm kéo dài khoảng 45 phút. Các em học sinh búi được mái tóc đẹp và giữ nó y nguyên trong 8 ngày, trong suốt cả thời gian này phải nằm ngủ thẳng lưng, đầu kê trên gối rất cứng độn đầy vỏ và cành mạch ba góc nhằm giữ cho đầu được thẳng và mát. Đến 17 giờ, ông “otochi” (thầy giáo) sẽ đến dạy các em những kỹ thuật mặc bộ trang phục kimono truyền thống. Đến 18 giờ, các maiko sẵn sàng để tiếp khách làng chơi. Trung bình các em phải chạy 3 “sô” mỗi tối cho đến tận 1 giờ sáng. Công việc của các cô trong những lần gặp gỡ này là phục vụ trà, rượu saké, nói chuyện, múa hát,... theo yêu cầu của khách. Giá cả mỗi “sô” thay đổi tùy theo kinh nghiệm và sự nổi tiếng của các maiko. Khi trở thành geisha, các maiko có thể rời trường để tự lập.Nói đến geisha, maiko là phải nói đến kimono thật là phức tạp khi phải lột 12 lớp áo kimono của cô gái Nhật. Tại sao cách “ướp xác bằng vải” như vậy, với obi (dây thắt lưng), một dải dài từ 3 đến 4m (phụ nữ càng lớn tuổi, lượng dây obi càng giảm đi) thắt vào và gỡ ra thật khó khăn vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay? Nhà văn Tanizaki đã viết:“Tổ tiên chúng tôi coi người phụ nữ như một sinh vật không thể tách rời bóng tối, và cố làm cho người phụ nữ chìm đắm hoàn toàn trong bóng tối. Vì vậy mới có tay áo, đuôi áo thật dài che kín tay, chân để làm cho phần duy nhất thấy được, tức là đầu và cổ nổi bật lên”.Thật ra áo kimono xuất xứ từ Triều Tiên và từ kimono chỉ xuất hiện vào thế kỷ XIX.Áo kimono mùa hè lót vải, mùa đông lót bông, vạt áo trái xếp lên vạt áo phải, có cổ áo tháo ra được. Bí quyết của sự sang trọng của kimono là ở chỗ ghép màu vào viền áo, tất cả được nịt lại ở eo bằng obi, một dải dài được thêu toàn bộ. Ngày trước obi cột lại phía trước, ngày nay cột ở phía sau. Để thắt dây obi, cần phải có kim cài để giữ chặt, gối đệm và dây nịt phụ.Người Nhật có thường mặc áo ki không? Giới phụ nữ Kyoto thường mặc áo ki. Các bà lớn tuổi rất chuộng ki, nhưng thường người ta chỉ mặc nhân dịp những buổi lễ chính thức, đám cưới, tết, buổi tiệc sang trọng, tiệc trà, hoặc khi biểu diễn võ thuật. Ngày tết (gọi là gantan) mọi người Nhật đều mặc ki đến nhà thờ. Ngày 15 của đầu tháng đầu trong năm, các cô gái đến tuổi trưởng thành (20 tuổi) cũng mặc ki. Ngày 5 tháng 5, những đứa trẻ mừng sinh nhật thứ 3, 5, thứ 7 đều mặc ki. Ngày 7 tháng 7, thanh niên thường mặc Yukata (áo ki đơn giản bằng vải bông).Mặc ki cho đúng không phải là chuyện đơn giản.