Chương 3
ĐỒ CON BẤT HIẾU

– Ha ha ha ha!
Bà Tsuna thường hay cười như vậy, cười một cách vô cớ giữa lúc chuyện trò với ai, hoặc ngồi một mình dưới ánh mặt trời. Ở ngoài hiên, cái cười kỳ quặc không hồn, không sinh khí trên cái khuôn mặt vô cảm đó đã từng làm cho Hachirô và bà đầy tớ già kinh hoàng, hồn xiêu, phách lạc.
Ngày hai mươi lăm tháng mười hai, Ikuyo cho ra đời một đứa bé gái. Chú Shinya đến báo tin nàyđồng thời với những lời chúc tụng năm mới, nhưng bà Tsuna không có phản ứng gì như ông tưởng, vì giữa câu chuyện, bà ta đã bật lên cười không đúng lúc.
Ha ha ha ha!
Mọi người trong làng đều biết là bà lão Sunaga đã trở nên điên sau khi tự vẫn không thành. Trước đó, đôi mắt của bà thường long lên sòng sọc, biểu thị một sự giận dữ lặng lẽ mỗi khi người ta đề cập đến chuyện con gái bà tái hôn với con trai ông trưởng thôn trước mặt bà, còn bây giờ bà chẳng khi nào có phản ứng gì, ngoại trừ để bật ra một tiếng cười ngây thơ và mập mờ, u uất.
– Bà lão điên thật rồi, Shinya khẳng định.
Tiếng đồn méo mó và bay đến nhà Kôsaka. Không mấy khó khăn để thấy rằng bố mẹ chồng của Ikuyo vốn đã bất bình về tư cách của con dâu mình, nay lại càng xử sự với nàng cứng rắn hơn. Ở thời kỳ đó, sự điên loạn di truyền là một cái cớ đủ đòi ly dị. Bố mẹ chồng đã công khai lên tiếng đuổi nàng ra khỏi nhà. Kirke thì thiếu bản lĩnh không đủ kiên quyết để bênh vực vợ trước cha mẹ mình, còn lũ con của người vợ đầu thì cư xử với nàng một cách khinh bỉ. Một mối hận thù đối với người mẹ kế có lẽ đã từ lâu âm ỉ cháy trong lòng chúng.
Đã khoảng sáu tháng nay, kể từ ngày xảy ra tai biến đã khiến bà trở nên điên, bà Tsuna hình như đã quên hết chuyện ăn uống. Và cho dù Tomoko và bà đầy tớ già có thay phiên nhau giúp bà ăn, ba bữa ăn trong ngày vẫn kéo dài vô tận.
Một giờ bà chỉ ăn được có ba miếng. Bởi vậy bà đã gầy trông thấy.
Hôm đó, thấy ngoại gầy khủng khiếp, cô bé bỗng lo sợ một tình huống tồi tệ nhất. Tình hình này có vẻ như vô phương cứu chữa. U già và Hachirô cũng chỉ biết đứng nhìn bà một cách sợ sệt, thầm nghĩ giờ lâm chung đã cận kề.
– Ha ha ha ha!
Bà Tsuna đột ngột cười to.
Bà gây dễ sợ, đến mức người ta nghĩ rằng bà sẽ không đứng dậy được, tuy nhiên, sáng sáng bà vẫn đứng dậy được và đến ngồi ở đây, đó trong nhà. Tối đến, bà lên giường và ngủ một cách bình thường.
Với bà ngoại trong tình trạng như vậy ở bên cạnh, Tomoko đã phải sống trong cảnh cô đơn có một không hai. Ở trường, các thầy cô giáo vẫn quý mến nó vì nó được nhiều điểm tốt, nhưng tất cả các bạn bè thì đều dần dần xa lánh nó.
Khi nhìn thấy Tomoko, bạn bè của nó thì thầm với nhau:
“Kìa kìa, đứa con của mụ điên”. Thế là các cánh cửa sổ lòng của Tomoko lần lượt khép lại. Nó trở thành một đứa bé kín đáo, khi tan học nó lặng lẽ đi về nhà. Còn ở nhà thì nó thôi không nói chuyện lớn với bà u già, còn u thì cũng giảm dần tình cảm với nó, không chiều chuộng và ngợi khen nó như trước nữa. Riêng Hachirô thì vẫn đến chăm sóc nó thường xuyên.
– Cô chủ nhỏ, cô may đấy à?
Hachirô gọi nó từ ngoài, rồi đẩy tấm vách ngăn bằng giấy và nhìn vào trong.
Không có việc gì làm, Hachirô ngồi xuống chiếu, hai đầu gối quỳ chụm vào nhau và lơ đãng nhìn Tomoko vừa tiếp tục may. Rồi nín thở, anh cất tiếng hỏi, môi khô bỏng:
– Cô chủ nhỏ, thời gian gần đây cô có gặp mẹ cô không?
– Mẹ ư?
– Phải.
Tomoko khẽ lắc đầụ. – Lạ thật, gần đây chẳng ai trông thấy bà nhà đâu cả.
– Có lẽ mẹ cháu mới ở cữ nên còn phải kiêng đi lại.
– Hừ... ừ Hachirô tỏ ra lo ngại cho sức khỏe của bà Ikuyo. Anh tự hỏi đã đẻ được hai tháng rồi mà sao bà chủ vẫn không rời khỏi phòng, và không phải chỉ có Hachirô nêu lên những câu hỏi về việc này, mà cả làng ai cũng thắc mắc như vậy. Có lẽ anh muốn tâm sự với Tomoko về mối lo đè nặng lòng mình.
– Cô chủ nhỏ...
– Sao?
– Xin cô đừng nói với cụ chủ, nhưng...
Và anh tiết lộ rằng vừa mới đây anh đã đến nhà ông trưởng thôn, với một cành hoa làm bằng bột tẻ, như cây mà anh vừa tặng nó.
– Tôi nghe đứa bé khóc...
– Cháu cũng có nghe. Nó khóc nhiều lắm, hử?
Tomoko lắng nghe câu chuyện của Hachirô với một sự quan tâm tăng dần.
– Rồi sao nữa, Hachirô?
Anh rón rén đi đến gần chiếc cửa tò vò trổ ở trên mái nhà và nghe rõ tiếng trẻ con khóc đồng thời với tiếng to dần của Ikuyo đương hét tướng lên:
– Anh im đi! Anh làm tôi điên mất! Nếu tôi mà còn ở trong nhà này thì chắc chắn là tôi cũng kết thúc như mẹ tôi!
– Em đừng nói bậy nói bạ như thế nữa. Nào, một đứa bé mà khóc như vậy thì có là bình thường không?
– Nhưng tại sao những người phụ nữ lại phải có con cơ chứ? Thật là rắc rối!
Tất cả những gì anh đã hứa với tôi trước khi cưới đều không thực hiện, và hơn thế nữa, kia kìa, con nhóc cứ quấy rối tôi suốt ngày! Nếu tôi mà cứ ở lại trong cái nhà này, sớm hay muộn rồi cũng sẽ xảy ra thảm kịch, đó là điều chắc, tôi sẽ tự vẫn và giết luôn đứa bé!
– Ikuyo! Em đừng nói nhảm nữa, anh van em.
– Nhưng chính anh đã nhốt tôi ở đây! Bây giờ anh còn van xin tôi cái gì nữa?
– Nhưng anh đã nói với em rằng đây chỉ là vấn đề kiên nhẫn mà thôi. Kiên nhẫn thêm tí chút nữa thôi mà, Ikuyo?
Đứa bé càng khóc dữ. Lúc đó, Ikuyo hét to, có lẽ như nàng vừa đánh ai đó, đứa bé hay là Keisuke.
– Anh im đi, tôi nói với anh là hãy im đi!....
Có một tiếng rầm, tựa như nàng vừa ném vật gì. Hoảng sợ, Keisuke cố gắng làm nàng nguôi lòng. Đứa bé vẫn khóc dữ. Chắc chắn là lúc này không phải là cơ hội tốt để gọi Ikuyo và tặng nàng cánh hoa đang trổ bông. Hachirô sợ nổi da gà. Hoảng hốt trước ý nghĩ Ikuyo có thể chìm đắm trong cơn điên loạn như cụ Tsuna, anh vắt chân lên cổ chạy một mạch về nhà, bỏ lại cành hoa móc vào một nhánh thông ở cạnh cửa sổ.
– Tôi tự hỏi liệu có phải bà chủ cũng suy sụp như cụ bà nhà ta không. Cô chủ nhỏ, chắc là cô phải lo lắng lắm.
– Chú Hachirô, chuyện này làm chú lo sợ đến thế ư?
– Nhưng đây là bà chủ, tôi đã lớn bên cạnh bà ấy từ khi tôi hãy còn bé tí.
Tomoko cảm thấy khó chịu. Nó cay chua với Hachirô:
– Thật là tởm lợm, người ta sẽ nói là chú phải lòng mẹ cháu.
Chàng trai trẻ chân chất giật nảy mình trước những lời nói đó của cô bé. Anh ngượng đỏ cả mặt, và một lát sau bỏ chạy ra khỏi nhà không một lời chống chế để giấu nổi hổ thẹn của mình.
Cành hoa làm bằng bột tẻ tiếp tục rung rinh khi anh đóng cửa lại và Tomoko vẫn ngồi yên lặng nhìn nó, thẫn thờ. Những tình cảm phức tạp mà nó còn quá non trẻ để tự mình hiểu hết được đã khuấy động tâm hồn nó như những con sâu lạ.
Tiếng guốc ai đi qua vườn:
đó là chú Shinya. Bà Tsuna ngồi sưởi nắng ở hiên, nhìn thấy Shinya và chào chú em chồng trước khi ông ta kịp mở miệng.
Từ một tháng nay, bà ăn đã thấy hơi ngon miệng và nặng thêm được một chút.
– Bà chị dâu à, khủng khiếp quá!
– Chú nói gì thế?
– Ikuyo đã biến đâu mất rồi.
– Hử?
– Bác chớ có hốt hoảng, chưa phải lúc đâu, nhưng mà Ikuyo và chồng nó đã đi, mang theo đứa con của chúng. Thế nó không đến đây để thưa chuyện với bác trước khi đi à?
– Không! Tôi chẳng biết gì về việc ra đi của nó cả.
Thực là đột ngột, không ai ngờ cả. Bọn chúng đã đi Tôkyô, người ta nói như vậy. Với cái thằng Keisuke bất lực đó thì người ta không thể hiểu được chúng sẽ làm gì để sống. Chúng thật ngốc nghếch. Quên cả bổn phận đối với cha mẹ già của Keisuke! Thời nay, nhân cách của bọn trẻ thật là phi đạo lý!
– Chị dâu à, cả bác nữa, bác có trách nhiệm trong chuyện này.
– Tại sao lại tôi được?
Trong cái nhìn giận dữ mà bà chĩa vào chú em chồng lóe lên ánh sáng mờ đã tắt từ nhiều tháng nay. Nhưng ông Shinya vẫn tiếp tục với cái giọng vừa rồi:
– Họ đã làm khổ Ikuyo vì bệnh tình của bác! Bác phải bình phục nhanh để đến thăm họ. Dù sao thì chính con bác đã đẩy con trai thân thương của họ bỏ trốn lên Tôkyô.
Tsuna lặng thinh cho đến khi chú em chồng ra về, mặt đầy vẻ khó chịu.
Thế rồi chỉ trong vài ngày mà tóc bà trắng xóa, tuy chỉ mới năm mươi mà trông bà như một phụ nữ quá lục tuần.
Bà từ chối không tiếp chú em chồng Shinya, nhưng ông chú vẫn cứ đến và ngồi ở đầu giường bà. Lòng hận thù chồng chất từ nhiều năm này kể từ khi bà đến làm dâu ở nhà Sunaga dồn hết vào đôi mắt nảy lửa, bà quát lên không chút nể nang:
– Cút xéo ngay! Tao không muốn nhìn thấy cái mặt dơ dáy của mày!
Sự cố này đánh dấu một sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ chị dâu, em chồng. Người bà con duy nhất còn lại của nhà Sunaga không bao giờ trở lại nữa.
Và người bà con duy nhất còn ở cạnh bà Tsuna là Tomoko, lúc này đã lên chín.
Còn u già thì đã hoàn toàn thái độ khi thấy bà chủ trở thành một người bệnh khó tính, trái nết, và tuy bà vẫn tiếp tục làm việc như trước nhưng u không còn để ý đến bà Tsuna nữa. Hachirô thì có thay đổi tính tình từ hôm Ikuyo bỏ nhà đi Tôkyô, và lúc nào anh cũng như đương ở tận trên cung trăng. Anh không còn thích trò chuyện với Tomoko và không mấy quan tâm chăm sóc bà chủ. Anh tự giam mình trong mơ mộng như một thanh niên đa sầu, đa cảm.
Sợ tình trạng sức khỏe của bà trở nên trầm trọng, thầy thuốc đã khuyên bà nên vào bệnh viện để điều trị.
– À, các vị muốn tôi rời bỏ nhà này ư? Tên khốn kiếp Shinya sẽ bay đến ngay để chiếm đoạt nhà. Làm sao tôi lại có thể bỏ cái nhà này được? Đây là nhà của tôi, tôi sẽ giữ nó cho đến khi Tomoko trưởng thành. Từ ngày mà cái con bất hiếu Ikuyo bỏ đi, mọi người chỉ nghĩ đến chuyện làm tôi phải rời bỏ cái nhà này. Nhưng chẳng bao giờ tôi rời bỏ nó, chẳng bao giờ! Không phải vì con Ikuyo đã bỏ đi Tôkyô mà tôi sẽ rời bỏ cái nhà của tôi! Và cho dù là nó có trở lại và xin lỗi tôi thì tôi cũng chẳng bao giờ tha thứ cho nó cả. Không có ai lại đem nhà mình đi cho một đứa con bất hiếu!
– Tình trạng sức khỏe của bà ngày một xấu thêm.
– Tomoko! Tomoko!
– Dạ.
– Cháu ở đấy à? Cháu không bỏ bà đấy chứ? Cháu nói đi!
– Không đâu ạ, cháu ở đây này, ngoại.
– Tốt, tốt... Cái con Ikuyo bất hiếu. Người ta đã nhiều lần nói với nó là tao ốm, thế mà nó cũng chẳng thèm đến thăm tao. Bé Tomoko tội nghiệp của bà, bây giờ cháu phải thay mẹ cháu. Ikuyo, đồ con gái xấu xa, đồ bất hiếu, bẩn thỉu!
Chính con Ikuyo, đồ bất hiếu, đã làm tôi đến nông nỗi này. Mẹ ốm, nó cũng chẳng quan tâm, đã thế còn mong tôi chết nữa cơ đấy! Nhưng mày hãy thử đến vào lúc người ta chôn cất tao, mày sẽ thấy tao trừng phạt mày như thế nào!....
Thấy tình hình khó qua được, Hachirô đã đến gặp Tomoko và họ đã đánh điện ngay:
“Mẹ ốm, về ngay”, nhưng không có hồi âm. Sau mỗi ngày Tomoko và Hachirô lại hy vọng ngày hôm sau Ikuyo sẽ về, và họ cứ ngấp ngó chờ đợi ở đầu ngõ để đón cô nhưng nàng vẫn không trở lại nơi chôn nhau, cắt rốn.
“Mẹ hấp hối, về ngay - Sunaga”.
“Về ngay, con van mẹ - Tomoko”.
Vẫn bặt vô âm tín. Liệu Ikuyo có nghe được tiếng mẹ nàng đương ra rả nguyền rủa mình trên giường mà bà vừa trút hơi thở cuối cùng không?
Những người láng giềng tỏ lòng thương xót cho Tomoko từ nay phải sống cô độc trên thế gian này. Họ đến phúng điếu, kính cẩn nghiêng mình chào cô bé chủ tọa buổi lễ. Tomoko cũng nghiêng đầu đáp lễ một cách vô thức. Khói trắng của hương bay lên không trung và ôm lấy thân hình bé nhỏ, yếu đuối trong chiếc áo tang trắng rộng thùng thình của Tomoko khiến những người đến chia buồn không cầm được nước mắt.