Do not regret what you have done; instead, regret what you have not done yet. Còn nửa tiếng hết giờ học thì trời mưa lớn, nước mưa xối lên mái tôn ầm ầm át tiếng Yên giảng bài dù cô gần như đang hét lớn. Tụi nhỏ loay hoay trong ghế, mắt rời cô giáo phiêu lưu ra đường, lên trần nhà, nhìn nhau. Thấy vậy Yê n mỉm cười tuyên bố cho nghỉ sớm làm tụi nhỏ mừng rỡ nhảy đùng đùng trên ghế. Quốc Anh năn nỉ: -Cô kể chuyện đi cô. Bích nói theo: -Đúng rồi, truyện Robinson Cruso hôm bữa cô chưa đọc xong nữa cô. Nhung bàn ra: -Thôi cô đau cổ rồi, mưa lớn dzị đọc gì nổi mày. Mình chơi trò chơi đi cô. Yên khoát tay, nhìn quanh lớp rồi ra lệnh: -Cả lớp đứng lên, xếp bàn hình vòng cung, cô đếm đến ba mươi là phải xong đó nghen. Tụi nhỏ vội vàng theo lệnh, mới đến số hai mươi đã xếp ngay ngắn tám cái bàn nhỏ thành hình vòng cung. Yên nhấc ghế ngồi vào chỗ trống, nháy mắt cười hỏi Sương: -Sau lớn em thích làm nghề gì? Cô bé ngần ngừ, gãi đầu gãi tai rồi nhỏ nhẹ: -Con hổng biết cô ơi -Thì con cứ tưởng tượng vậy, thích gì thì nói nấy thôi, không cần phải đúng hay sai đâu. Phụng ngồi kế bên cười: -Con thích hát lắm cô. Con thích sau này giống như Thanh Thảo, hát hay thiệt hay. Phúc trề môi: -Thôi đi mày, má wýnh mày chết. Má con nói không có hát hò gì hết cô, mấy cái nghề đó không tốt. Nhung tuyên bố: -Nhưng nhiều tiền lắm mày. Con hả cô, con thích làm cái gì mà kiếm nhiều tiền, càng nhiều càng tốt. Sương liếc: -Ba tao nói đừng có ham làm nhiều tiền, làm nhiều tiền dễ hư thân lắm. Yên cười: -Không ai thích làm bác sĩ hết sao? Phương nói xụi lơ: -Thôi cô, tốn tiền lắm cô. Tụi con làm gì có tiền học thành bác sĩ cô. Tim Yên thắt lại, tội nghiệp tụi nhỏ, chừng này tuổi đã thực tế đến vậy, ngay cả ước mơ cũng hạn chế. Phương tiếp: -Con thích học cái nghề gì đó đi làm có tiền vừa vừa là được rồi cô. Quốc Anh gật gù: -Ừ, hay đó. Tao thích học sửa xe lắm mày. Thấy anh Tám làm gần nhà khoẻ re hà, lúc nào làm thì làm, lúc nào nghỉ thì nghỉ. Ê, mà hông được? -Sao không được con? Yên thắc mắc. -Tại vì làm nghề này người ta gọi mình là ‘thằng sửa xe,’ hổng ai gọi mình là ‘anh sửa xe’ hết cô. Thôi để con học nghề điện, ít ra họ còn gọi mình là ‘anh thợ điện.’ Sương trề môi, hỏi vặn: -Xời ơi, sao hôm bữa mày gọi ông bác sĩ ngoài hẻm là ‘thằng bác sĩ’ mày? Yên phì cười: -Quốc Anh biết không, lúc người ta không thích rồi, thì dù con là diễn viên, ca sĩ, hoa hậu hay nhà báo, cô giáo, người ta vẫn có thể gọi ‘thằng’ hay ‘con’ như thường à. Nghề nào cũng đáng được tôn trọng cả, cô nghĩ vậy, ăn thua là do tư cách mình thôi. Thấy đám nhỏ có vẻ suy nghĩ, Yên nhỏ nhẹ: -Bây giờ tụi mình ngồi viết vô tập mình thích làm gì trong tương lai nghen. Cô cho các con mười lăm phút viết. Sau đó nộp lại cô đem về nhà đọc rồi cho ý kiến. Chỉ mình cô và mỗi em biết với nhau thôi nghen, bí mật mà. Tuần sau cô trả lại bài cho các con, chịu hông? -Cô có chấm điểm hông cô? -Không. -Nói cái gì cũng được hả cô? -Ừ, cái gì cũng được. -Con không biết thích gì hết cô. -Chắc chắn phải thích một cái gì chứ, con cứ suy nghĩ thử xem, cái gì cũng được hết đó. Căn phòng đang ồn ào bỗng dưng yên tĩnh, chỉ còn tiếng mưa trên mái, tiếng gió lùa, và tiếng bút chì sột soạt trên giấy. Trán tụi nhỏ nhăn lại vì suy nghĩ, đứa thì cắm cúi viết như sợ hết chữ, đứa lại trầm tư vì chưa có ý tưởng nào. Không sao, miễn là hôm nay cô đã ép tụi nhỏ phải động não chút xíu về những ngày sắp tới. Tối nay Yên sẽ phê vào vở của mỗi em, ‘bất cứ các em muốn làm việc gì, cô đều tin các em sẽ thành công. Vì sao ư? Đơn giản là vì các em là học trò cô, và cô tin vào khả năng các em.’ Yên khẽ hất mặt lên như thách thức một đối thủ vô hình, ‘đừng có giỡn mặt với học trò tui nghen,’ rồi nén tiếng cười phá vì thấy mình sao hình như càng ngày càng giống học trò! Nỗi buồn trĩu nặng tim từ tối h ôm rời quán cà phê Piano nhẹ nhàng hẳn đi. Có chọn lựa nào mà không đi kèm nỗi mất mát đâu. Có đôi khi Yên thấy sợ hãi mình đã làm một quyết định sai, nhưng mỗi khi nhìn vào mắt các em, thấy nụ cười của chúng, lòng cô nhẹ nhàng và an bình hẳn đi.