Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về (Nhạc phẩm Vĩnh Biệt Sài Gòn - Nam Lộc) Cuối cùng rồi cũng đến sân bay Tân Sơn Nhất, vừa ra khỏi cổng máy bay, rời xa những nụ cười dễ thương của các cô tiếp viên hàng không người Nhật xinh xắn, Yên đã cảm được cái nóng của miền nhiệt đới. Cái nóng ùa đến bao phủ lấy Yên nhưng không hề làm cô khó chịu vì nó đồng nghĩa với những kỷ niệm tuổi thơ của Yên, thời trốn ngủ trưa chạy ra ngoài chơi với hàng xóm, mặc kệ cái nóng cháy da khét tóc của Sài Gòn. Theo dòng người đông đúc, Yên ngập ngừng bước vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Trước khi về rất nhiều người quen đã hù dọa về sự lạnh lùng khó chịu của nhân viên nhập cảnh, nên Yên không vội xếp hàng mà đi một vòng ngắm nghía xem ai có vẻ ‘dễ chịu’ nhất. Ðây rồi, anh chàng này tuy không tươi cười nhưng cũng không có vẻ quạu cọ, mặt mũi nghiêm trang nhưng không hách dịch, còn chịu khó gật đầu chào những người khách du lịch nữa. ‘Người dễ thương’ là đây, hài lòng với sự chọn lựa của mình, Yên xốc lại ba lô, chuẩn bị lại hộ chiếu cùng visa rồi kiên nhẫn đứng vào cuối hàng. - Trần Việt Yên? - Vâng. - Về bao lâu? - Có thể lâu, nhưng visa chỉ cho một năm thôi? - Về làm gì? - Dự định dạy học và làm việc. Ánh mắt nhìn Yên chăm chú, gật gù: - Chà, ra trường rồi về làm cán bộ, oai ghê? Yên bật cười: - Vâng. ‘Người dễ thương’ lúi húi đóng mộc, đánh vài dòng gì đó vào máy tính rồi trả lại giấy tờ cho Yên, mỉm cười: - Chúc may mắn. - Cám ơn. Yên quay đi rồi nhịn không được quay lại nói thêm, ‘Thật lòng cám ơn,’ rồi bước đi trước cái nhướng mày ngạc nhiên của anh chàng. Gần một tiếng đồng hồ sau Yên mới lấy xong hành lý và qua khỏi thủ tục hải quan cuối cùng của sân bay Việt Nam. Cũng may không bị làm khó dễ gì cả, không biết nhờ tờ hai mươi đô mà me dặn đi dặn lại phải kẹp trong hộ chiếu, hay vì hành lý Yên chẳng có gì đáng nói, chỉ toàn quần áo và sách chuyên môn, hay vì Yên may mắn. Thật sự là để chuẩn bị chuyến đi này Yên đã phải chịu khó ngồi nghe rất nhiều câu chuyện khủng khiếp về hải quan sân bay Tân Sơn Nhất của bạn bè và người thân để học kinh nghiệm, nhưng về rồi thấy họ cũng không có gì ghê gớm lắm, chỉ là không thấy nụ cười thường nở trên môi như ở những sân bay khác mà thôi. Có lẽ lần sau Yên không nên để tiền vào hộ chiếu, vì như thế là hối lộ, nói như Jamie có nghĩa là Yên tạo điều kiện cho thói quen xấu tồn tại, và không sống đúng với nguyên tắc của mình. Chà, thôi để suy nghĩ vấn đề này sau vậy. Ðang ngơ ngác trước đám đông người đón thân nhân trước cổng ra vào của phòng kính, Yên chợt nghe văng vẳng: - Tí ơi, Tí à, đây nè Tí. Yên mừng rỡ quay sang phải để thấy gương mặt tươi roi rói của ông anh họ, vội la lên: - Quậy! Rồi hai đứa nhào lại ôm nhau mặc những cặp mắt tò mò của người xung quanh. Quậy nhanh nhẹn đẩy xe cho Yên, vừa đi vừa tía lia trả lời những câu hỏi của Yên: - Chờ lâu muốn chết, còn hơn chờ chở bạn gái đi chơi nữa. Ba má Quậy ở nhà không đi vì trưa nắng lắm. Dạ không, ở nhà có xe đón rồi anh à. Dà, không cần taxi đâu, có xe rồi chú. Tí nhìn khá hẳn ra, trông giống con gái rồi. Cái gì? Thì giống con gái ta nói giống con gái chứ sao. Phòng trọ đã tìm ra cho Tí rồi, nhưng một tuần sau mới dọn vào được, ba má nói Tí muốn ở nhà cũng được, muốn ở khách sạn đỡ cũng được. À, ở nhà cho vui hả, nhưng nhà chật lắm. Không sao hả? Giỏi, vẫn đơn giản như ngày xưa, tốt. Tới xe rồi nè, xe của ba đó, ổng lâu lâu chở khách nước ngoài đi du lịch, chủ yếu là mấy ông Tây bà Ðầm đi nghiên cứu, trả phí ít nhưng ba vẫn thích đi với họ. Còn thường thì để ở nhà, ai thuê thì cho họ chạy. Hai đứa ngồi yên ổn trong xe xong thì mồ hôi Yên của thấm ướt chiếc ao thun đen. Cô ngồi thu hai tay trước bụng, cố ghìm những tiếng la muốn bật ra khỏi miệng và thu chân lại để khỏi làm phản xạ ‘thắng’ khi Quậy lách xe ‘một cách vô trật tự’ giữa những làn xe đông đúc. Chao ôi, Sài Gòn đông dân như vậy ư, bây giờ là hai giờ trưa mà còn vậy, không biết vào giờ cao điểm sẽ ra sao. Ðường phố khác thời Yên còn ở đây lắm, rộng hơn, nhưng cũng ít cây xanh hơn. Trên đường không còn xe đạp và xích lô nữa, mà chỉ toàn xe máy, và khá nhiều xe hơi. Hẻm vào nhà dì dượng đây rồi, cũng cây đa đầu đường, và tượng Ðức Mẹ cuối đường, rẽ phải là vào nhà. Kìa, cây bàng từ nghĩa trang mọc chỉa sang vẫn còn đó, những kỷ niệm ngày xưa ồ ạt hiện về. … Yên ngồi bó gối trên giường, nghiêng đầu làm quen với bé Nhi con chị Thảo: - Nhi mấy tuổi rồi, đi học chưa, chà, Nhi ngoan quá chừng, hỏi gì cũng vâng dạ hết. Quậy la làng: - Nó mà ngoan, hãy đợi đấy! Thấy con bé mắc cỡ Yên nạt Quậy: - Ðược cái ăn hiếp cháu không hà, ông đó, ngày xưa cũng tại mấy người Tí mới dữ như bây giờ, chứ không người ta thục nữ thấy mồ. Mấy ông anh họ cười phá lên. Dượng Năm gật gù: - Ðây mới là con Tí của dượng, hồi nãy bước vào dượng nhận không ra. Anh Thế chọc: - Hắn đẹp gái ra ba há, kiểu này không dám chở hắn ngoài đường, mắc công bạn gái thấy ghen chết cha luôn. Anh Thanh thì nháy mắt: - Ổng nhát gan thì kệ ổng đi, anh xung phong chở Tí. Anh đang cần một vài người hiểu lầm anh đây. Yên cười: - Cho Tí bốn tháng thôi, sau bốn tháng sẽ tự chạy xe một mình, khỏi cần làm kỳ đà cản mũi mấy ông anh họ đáng yêu, đẹp trai. Với lại, Tí cũng muốn được ‘tự do thong thả’ chớ bộ. Cả nhà ‘à’ lên một tiếng, dì Năm cười: - Cho tụi bây chết, tưởng ăn hiếp được con nhỏ à, nó là cháu ruột má đó. Nè Tí, cái áo con cho dì mặc ra Huế thăm ông ngoại là hết xẩy, ấm phải biết. Ở Sài Gòn nóng nên chẳng có áo ấm nào ra hồn cả, lần nào ra đi lễ sớm cũng lạnh tận xương. - Tí mới ra trường làm gì có tiền mà sắm quà mọi người nhiều vậy – Quậy bảo – à, nhưng riêng cho Quậy thì không sao, càng nhiều càng tốt vì Quậy đang tuổi dậy thì cần được chăm sóc vẻ bên ngoài. Chị Thảo cười đến chảy nước mắt: - Cái thằng ăn với nói, mặt dày hết chỗ, thôi cho Tí nó tắm rửa rồi đi ngủ, con nhỏ ngáp đến sái quai hàm rồi kìa. … Dì Năm đi chợ về mua cho Tí một bịch bánh cuốn để ăn sáng, thêm bịch chè đậu nước dừa, một đôi dép nhựa mang trong nhà, và một cái quần short dài tận đầu gối. - Ủa, dì Năm mua quần cho con làm chi cho tốn tiền. Con có mang quần áo về mà. Yên ngạc nhiên hỏi. Quậy đi ngang nghe vậy tủm tỉm cười rồi cóc đầu Yên: - Thiệt tình tui sợ bà luôn, con gái gì mà ngủ dang chân dang tay đến khiếp. Bà già tui là ‘o Huế’ chính tông mà, đời nào chịu nổi cảnh đó, sáng sớm phải chạy ra chợ kiếm cái quần cho bà liền đó. Nói rồi nó tỉnh bơ cười ha hả biến vào phòng tắm, bỏ mặc Yên đỏ mặt đứng bối rối. Dì Năm cười: - Cái thằng vô duyên tệ, kệ hắn nói chi thì nói con, mình sống cứ tự nhiên là được. Ai biểu nhà dì Năm nhỏ xíu, Yên ngủ ké với bé Nhi trên gác xép, cái mùng hai dì cháu cách những cái mùng của mấy ông anh họ chỉ vài bước chân. Dì Năm tế nhị không nói sợ Yên mắc cỡ, ngờ đâu thằng quỷ Quậy lại nói toạc ra vậy. Yên nhìn dì cười xòa, nhón tay lấy bịch chè rồi ra trước sân nhà, chỗ cây bàng ngồi chơi. Yên cắn đít bịch chè rồi mút từ từ như những ngày còn nhỏ, cảm giác thoải mái lại tràn về trong cô. Ngày xưa những tháng hè me hay cho cô sang nhà dì Năm chơi, cũng được bịch chè đậu dì cho mỗi ngày, cũng dưới gốc bàng xanh lá này mà Yên cùng các anh họ bày trò quậy, hết tạt lon đến nhảy lò cò, hết năm mười đến bắn bi. Chao ôi là vui. Nghe kể hồi nhỏ Yên giống con trai lắm, cũng tóc cắt ngắn chải bảy ba, cũng mặc quần đùi, ở trần, suốt ngày chạy theo mấy anh và Quậy, dang nắng đen thui. Các anh chơi gì thì Tí chơi nấy, được cưng nhất những cũng hay bị trêu nhất nên mồm miệng Tí lanh khủng khiếp, có thể trả đũa một lúc đến mấy cái miệng mà. Ngày xưa ở chỗ hàng rào kia là bụi xương rồng, Tí và Quậy tập xe đạp té vào đó bị xương rồng đâm đầy hai tay và đầu gối, lấy cả tuần không hết dằm. Cuối đường hẻm ngay cua quẹo kia hồi đó có một cái ổ gà to tướng, Tí đạp xe theo anh Thanh đòi đi mua cà rem, trúng ổ gà bị té trầy hai đầu gối máu chảy lênh láng làm anh Thanh sợ đến tái mặt. Vết sẹo ấy bây giờ vẫn còn, Tí vừa rờ vết sẹo ở gối vừa cười một mình. Chợt giật mình nghe tiếng Quậy cất lên: - Mơ mộng gì đó Tí, trưa ăn xong thay đồ sẵn, Quậy đi làm về ghé ngang đón Tí sang xem phòng trọ luôn nghen. Bà chủ nhà này kỹ tính lắm, phải gặp Tí rồi mới đồng ý cho thuê. Ðược cái bà rất dễ thương và nghiêm trang, nên Tí nếu ở được chỗ đó sẽ thoải mái lắm. Bye nghen, Quậy đi làm đây, trưa gặp.