Chương 10
Trong lúc tìm một giải pháp chính trị.

Trong vài tuần lễ đầu nhậm chức tổng thống, phúc trình về những chiến thắng của Cộng Sản ở Lào đến bàn giấy  Kennedy mỗi ngày. Trót tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức:”trả bất cứ giá nào, gánh bất cứ gánh nặng nào …để bảo đảm sự tồn tại và thành công của tự do,”  ông phân vân không biết có nên gửi quân sang Lào không. Ông hội ý với bộ Tổng Tham Mưu để tìm phương cách giải quyết.
Các tướng lãnh không nói với Kennedy điều ông muốn nghe. Biện pháp quân sự  chỉ được sử dụng nếu tổng thống muốn một cuộc chiến tranh quyết liệt và toàn diện ở Á Châu. Bắc Việt sẽ tham chiến, và Trung Cộng. Nó sẽ là một chiến tranh lớn lên đến một phần tư triệu binh sĩ Mỹ - mọi thứ đều lớn như cuộc chiến tranh Đại Hàn. Kennedy hỏi chúng ta có đủ quân số nếu Trung Cộng tham chiến. Kế hoạch điều binh duy nhất các tướng lãnh có thể dùng đối phó với Trung Cộng là vũ khí nguyên tử.
Trong khi Kennedy  không chùn lại với ý tưởng một cuộc chiến lớn ở Đông Nam Á, Lào có vẻ không phải là điểm khởi chiến. Quốc gia này không ổn định về mặt chính trị và không hiệu quả về mặt quân sự. Nằm sâu trong đất liền, quốc gia này không có biển khiến việc tiếp tế quân sự rất khó khăn – Giống như nhận xét của Eisenhower bác bỏ việc gởi quân sang Lào trước đây. Với Kennedy, Việt Nam là nơi khởi đầu hợp lý hơn nếu phải khởi đầu một cuộc chiến.
Những nhận xét này củng cố sự hấp dẫn của 1 giải pháp chính trị ở Lào: thiết lập 1 chính phủ liên hiệp gồm Pathet Lào, Trung Lập cũng như hữu khuynh thân Mỹ. Vấn đề là kêu gọi Pathet lào và Trung Lập ngưng chiến, ngồi vào bàn đàm phán. Vì trên đà chiến thắng dồn dập, họ không muốn ngưng chiến. Kế hoạch Kennedy là để thuyết phục Cộng Sản, đặc biệt là người Nga, rằng Mỹ muốn đem quân sang Lào ngăn cản sự chiến thắng của Cộng Sản, dùng tháu cáy (hù dọa) buộc họ ngồi vào bàn đàm phán. Phản ứng của Sô Viết rất quan trọng vì sự thiết tưởng (sai) rằng Sô Viết hoàn toàn khống chế  các phong trào Cộng Sản Trung Cộng, Lào và Việt Nam. Cũng thế, vì Sô Viết võ trang cho Trung Lập và Pathet Lào bằng kho vũ khí ở Kiev và Minsk, cả 2 nhóm này lệ thuộc vào ý muốn Sô Viết. Nếu Sô Viết ngưng không vận vào cánh đồng, cả 2 quân đội này sẽ ngưng hoạt động.
Đầu tháng Ba năm 1961, Kennedy bắt đầu tháu cáy bằng một lá thơ gởi cho Khrushchev tuyên bố quyết tâm bảo vệ Lào, ngay cả nếu phải đổ bộ quân lên đất Lào. Theo sau lá thư là cuộc phô trương sức mạnh quân sự.  Trong khi Đệ Thất Hạm Đội vào vịnh Thái Lan, 500 binh sĩ Mỹ xuống phi trường Udorn ở Thái  Lan, cùng với một  phi đội trực thăng tạo ấn tượng binh sĩ sẽ được sử dụng như lực lượng cơ động trực thăng vận trên chiến trường Lào. Để tô đậm hình ảnh này, tiếp liệu quân sự được dự trữ trong những căn cứ ở Thái Lan, gần biên giới Lào.
Một hành động cuối cùng được thực thi nhằm thuyết phục Sô Viết về quyết tâm Mỹ. Kennedy ra lịnh một chiến dịch đặc biệt phát động cùng một lúc với  cuộc đổ bộ Cu Ba vào trung tuần tháng Tư. Một khi cuộc đổ bộ Cu Ba tiến hành, một phi đoàn oanh tạc cơ B-26 cất cánh từ căn cứ không quân Tahkli ở Thái Lan sẽ dội bom Cánh Đồng Chum và các vị trí Pathet  Lào khác trong thung lũng Ban Ban. Các đơn vị Hmong, cùng với 300 binh sĩ thủy quân lục chiến không vận từ Xung Thằng (Okinawa) sẽ tấn công các lực lượng Cộng Sản  khắp nơi trên cánh đồng.
B-26 không hề cất cánh và thủy quân lục chiến không hề đổ bộ. Khi cuộc tấn công Cu Ba thất bại, Kennedy đình chỉ chiến dịch phía Lào. Nhưng vẫn có mẫu hạm ngoài khơi Thái Lan, 500 binh sĩ trên đất Thái Lan, phi đoàn trực thăng và chiến cụ dự trữ gần biên giới Lào – đủ để thuyết phục Sô Viết rằng người Mỹ không chỉ nói suông. Kennedy lên đài truyền hình, với bản đồ, đồ thị và lập luận “tự do của Lào là tự do của Mỹ,” và một đe dọe Lào là một đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ.
Người Nga mắc lừa bởi màn kịch của Kennedy và thúc đẩy một giải  pháp điều đình. Bắc Việt chống đối ý tưởng này. Phoumi Nosavan cũng thế vì nhận ra rằng một chính phủ liên hiệp sẽ chấm dứt tham vọng độc tài quân phiệt hữu khuynh của ông. Người Nga không đếm xỉa Hà Nội, tuyết phục Trung Lập và Pathet Lào bước vào bàn hội nghị. Noi theo Nga, Hoa Thịnh Đốn gạt Phoumi ra rìa và tạo áp lực lên thủ tướng Boun Oum bắt đầu tiến trình tạo dựng một chính phủ liên hiệp.
Một cuộc hưu chiến bắt đầu ngày 3 tháng Năm năm 1961. Hai tuần lễ sau, cuộc đàm phán bắt đầu ở Geneva, gồm đại biểu 14 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Cộng, Bắc Việt và đại biểu phe Khuynh Hữu, Trung Lập và Pathet Lào. Để làm mạnh uy thế đàm phán, Kennedy ra lịnh điều 5000 binh sĩ sang Thái Lan.
Tại hội nghị Geneva, Sô Viết có vẻ cũng nhiệt tâm như Mỹ  trong việc lập một chính phủ liên hiệp. Nhưng Trung Cộng theo sau Bắc Việt  cố tình trì hoãn.  Rõ ràng có sự bất đồng sâu sắc giữa Trung Cộng và Sô Viết. Trong khi Khrushchev muốn cải thiện ngoại giao với Mỹ và Tây Phương, Mao Trạch Đông vẫn khăng khăng cổ võ cho cuộc chiến đấu vô tận chống chủ nghĩa tư bản khắp Thế Giới Thứ Ba. Trung Cộng ngoan cố trong vấn đề này và dùng các hội nghị Cộng Sản quốc tế làm diễn đàn đả kích Khrushchev. Để trả đũa, Sô Viết cắt đứt mọi viện trợ quân sự và kinh tế cho Trung Cộng.
Căng thẳng giữa 2 nước Cộng Sản đầu sỏ có thể thấy rõ ở hội nghị Geneva. Sau một phiên họp nhàm chán không kết quả, đại biểu Sô Viết, Andrei Gromyko nhận xét một cách châm biếm rằng:” Người ta không thể ngồi vô hạn bên bờ hồ Geneva đếm thiên nga.” Kiểm tra số thiên nga hồ Geneva  cũng chẳng sao đối với Trung Cộng. Đại biểu của họ đã ký mướn dài hạn 1 biệt thự, tỏ dấu từ lúc đầu rằng họ định kéo dài đàm phán càng lâu càng tốt, đủ thời gian cho Pathet Lào, Trung Lập và Bắc Việt vận động những cuộc hành quân tấn chiếm các vị trí chiến lược để nắm ưu thế đàm phán.
 
Padong bị vây hãm.
Trong khi đàm phán kéo dài ở Geneva, Cộng Sản chuyển quân đến Padong, đe dọa tiêu diệt quân đội Hmong đang thời kỳ sơ sinh của Vang Pao. Mục tiêu không phải là làm tăng uy thế trên bàn hội nghị tại Geneva, nhưng là để loại trừ một kình địch duy nhất có thể đe dọa lực lượng Pathet Lào và Bắc Việt. Suy luận này dựa vào một trận đánh, cuộc bao vây Muong Ngat.
Trước khi có cuộc ngừng bắn chuẩn bị hội nghị, Bắc Việt đã đánh một trận thăm dò sức mạnh của các căn cứ “Động Lượng” vối cuộc tấn công vào San Tiau. 300 Hmong đồn trú tại đây, cùng vối 1 toán Không Cảnh và 2 nhân viên CIA, Shirley và Ahern. Họ cố thủ được 3 ngày. Sắp sửa bị tràn ngập, Shirley ra lịnh bỏ trại. Hmong biến vào trong núi. Phi công Air America không vận người Thái Lan và người Mỹ  bằng trực thăng.
Mục tiêu tiếp theo của Bắc Việt là một căn cứ “Động Lượng” ở Muong Ngat, phòng thủ bởi 1 đại đội Hmong, 6 Không Cảnh Thái Lan và một số người Khmu. Tất cả chui rúc trong một trại binh đổ nát người Pháp bỏ lại trước đây. Người Pháp dựng đồn này trên một đỉnh cao để theo dõi lưu thông  từ biên giới đến đường 4. Đến nay nó vẫn là một cứ điểm chiến lược và Bắc Việt muốn chiếm nó.
Chỉ huy trưởng Muong Ngat là Ly Ndjouava, 2 năm trước tình nguyện xung phong vào đèo Gà Gáy cùng với Vang Pao truy đuổi tiểu đoàn 2 Pathet Lào của Niem Chan, bắn hạ đặc công Bắc Việt. Nhớ hành động anh dũng của Ly Ndjouava, Vang Pao giao cho anh ta chỉ huy đại đội phòng thủ Muong Ngat.
Khi Bắc Việt tấn công Muong Ngat, Ndjouava đã cảnh bị. Hai tuần trước, Vang Pao đã liên lạc vô tuyến với Ndjouava thông báo 1 tiểu đoàn Bắc Việt phối hợp với vài đại đội Pathet Lào, đang tiến quân trực chỉ Muong Ngat. Vang Pao chỉ thị Ndjouava mộ thêm quân ở các làng trên núi và đồng thời đánh quấy nhiễu làm chậm bước tiến địch. Trang bị với carbine thời Đệ Nhị Thế Chiến, tình nguyện quân Hmong gồm vài trăm Hmong phục kích Cộng Sản nhiều lần, đủ thì giờ trì hoãn 1 tuần cho Ndjouava chuẩn bị hầm hố phòng thủ trên núi. Toán Không Cảnh chỉ Hmong cách dùng súng máy bắn giăng lưới và gài mìn chống tấn công.
Cộng Sản tấn công Muong Ngat ngày 12 tháng Năm năm 1961, với 1 lực lượng gồm 900 Bắc Việt và 400 Pathet Lào, tỷ số chênh lệch là 15 chọi 1. Cộc tấn công bắt đầu bằng súng cối và đại bác không giật. Trong vòng vài giờ, Cộng quân bao vây hoàn toàn căn cứ. Sáng hôm sau, hàng đợt sóng Bắc Việt leo lên núi. Quân phòng thủ đốn ngã từng đợt bằng súng máy và mìn chống biển người tạo những lỗ hổng trong các đội hình tấn công. Xạ thủ Hmong hạ các sĩ quan Bắc Việt từng người. Họ rất dễ nhận, đứng thẳng trên mặt phẳng dưới chân núi, với một binh sĩ đeo máy truyền tin bên cạnh, quan sát chiến trường bằng ống nhòm.
Bắc Việt tấn công cho đến chiều, xác chết binh sĩ  chất chồng xung quanh. Quân phòng thủ đã chuẩn bị cho điều tệ nhất. Những ngày Cộng Sản chưa đến, họ đào sâu vào trong núi một đường hầm  dẫn đến một con suối. Khi Bắc Việt và Pathet Lào chọc thủng được tuyến phòng ngự, Hmong bắn xả đạn (không cần ngắm) và đánh cận chiến. Chỉ 23 người sống sót chui xuống hầm, để lại xác 60 đồng đội.
Hmong trên các đỉnh đồi kế cận theo dõi trận chiến từ đầu đến cuối, tường thuật cho Vang Pao. Họ mô tả xác địch quân la liệt khắp bãi chiến trường và 23 đồng đội sống sót của họ được dân làng dẫn vào núi trốn thoát. Ly Ndjouava trong số kẻ sống sót. Vang Pao định thăng thưởng cho Ndjouava nhưng trước tiên phải đưa anh đến nơi an toàn đã. Vang Pao liên lạc vô tuyến với anh và cho vị trí nhận thả dù tiếp tế. Gần 1 tháng, Ndjouava len lỏi 80 dặm núi rừng, trốn tránh lùng sục của Cộng Sản mới đến được Pa Dong. Anh đến nơi để chứng kiến Pa Dong rơi vào tay giặc.
Theo một lời kể, tin thất thủ Muong Ngat rúng động tinh thần binh sĩ Muong Ngat. Thực tế, Vang Pao hài lòng với kết quả. Chỉ 1 đại đội Hmong loại khỏi vòng chiến 20 sĩ quan Bắc Việt, trong đó có 1 đại tá, sát thương 300 quân địch. Cuộc tử thủ Muong Ngat khẳng định sự huấn luyện và trang bị chu đáo có thể chống chỏi, đánh bại quân địch thiện chiến. Theo lời Vang Pao:” Bắc Việt đã biết năng lực của chúng ta, có thể gây tổn thất nặng nề cho họ trong chiến đấu.”
Trận chiến Muong Ngat gây kinh hoàng cho Cộng Sản. Họ thường chiến thắng quân lực hoàng gia Lào vì thiên hướng bỏ chạy tán loạn ở mọi cuộc chạm súng. Hmong chiến đấu gần như đến người cuối cùng. Theo báo cáo Bắc Việt và pathet Lào, họ thiệt hại gần 1000 thương vongtrong những tháng đầu năm 1961, hầu hết dưới tay lực lượng Hmong của Vang Pao khiến việc trừ khử Hmong ở Pa Dong là việc buộc phải thi hành trước khi quân đội Hmong ở pa Dong có dịp lớn mạnh.
Những tuấn đầu tháng Năm, 1961, Bắc Việt đào các bãi đặt trọng pháo trên triền dốc trong tầm bắn vào căn cứ Pa Dong. Trái đạn đầu tiên rơi vào căn cứ ngày 15 tháng Năm. 11 ngày sau, Pa Dong tơi bời trong mưa pháo. Sau 2 ngày tạm ngớt, thêm 400 trái đạn trọng pháo rót vào căn cứ. Cộng Sản cũng bắn hạ 1 trực thăng gây tử thương 2 phi hành đoàn và 1 cố vấn quân sự MAAG.
Người Mỹ ở Pa Dong không muốn tin địch quân là bọn Bắc Việt. Vang Pao tung quân thám báo tìm bằng chứng. Một đơn vị mang về một xâu vành tai người. Vang Pao cắt nghĩa cho toán White Star (có 2 lực lượng yểm trợ Hmong: lực lượng CIA và Không Cảnh Thái Lan của họ, lực lượng thứ 2 là nhóm White Star gồm biệt kích trực thuộc quân đội. Xin ghi nhớ điều này.) rằng trái tai người Việt nhọn hơn Pathet Lào. Bill Chance, trưởng toán White Star vẫn không tin vì sự phân biệt hình dạng tai không có cơ sở khoa học.
Cuộc tấn công Pa Dong tăng cường độ vào đầu tháng Sáu năm 1961, dẫn đầu bởi trung đoàn biệt lập 148 Bắc Việt. Lúc 10 giờ sáng, 1200 binh sĩ Cộng Sản bám vào được một điểm tựa  trong thung lũng nhìn lên căn cứ Pa Dong trên đỉnh núi. Họ di chuyển súng cối lên sườn đồi bắn vào tuyến phòng thủ  vòng ngoài của quân phòng thủ, buộc Hmong phải thối lui.
Lúc này đang trong mùa mưa nên quân tấn công tiến quân rất khó khăn. Suốt 1 tuần, sương mù bao phủ Pa Dong. Vẫn có những cơn mưa tầm tã nhưng sương mù ẩm ướt không thôi cũng đủ biến chiến trường thành những triền dốc lầy lội và trơn trợt. Trong khi quân Bắc Việt leo dốc thì Vang Pao tái bố trí súng máy và súng cối. Toán White Star giúp Hmong điều chỉnh tầm bắn. Những đạn cối và súng máy làm chậm thêm bước tiến quân địch.
Hai ngàn gia đình binh sĩ Hmong ở Pa Dong sống trong những lều do CIA và cố vấn Mỹ cung cấp. Quan tâm chính của Vang Pao là cản trở Bắc Việt đủ cho trẻ em và phụ nữ di tản về phía bên kia mũi tấn công, đi đến chỗ an toàn. Trong khi binh sĩ Hmong cố thủ, gia đình của họ bỏ lều xuống núi. Chiều xuống, Cộng quân mang được súng cối vào tầm bắn. Chúng bắn tan nát những mái lều mà ngỡ rằng đã tiêu diệt thành công “dân của địch.”
Edgar Buell, nhân viên cứu trợ tị nạn USAID, đến Pa Dong vào buổi sáng, trước khi trận đánh khởi sự. Ông đến từ Ban Na, 1 làng núi Tây Bắc Pa Dong, nơi trung tâm tị nạn đầu tiên và chính thức của dân Hmong trong chiến tranh. Buell thấy Ban Na từ trực thăng trong một chuyến bay tìm người tị nạn trong rừng. Ông phát hiện 5000 người Hmong chen chúc trên chóp một đỉnh núi. Ông xuống trực thăng tìm hiểu họ cần những gì.  Họ hết thực phẩm đã 3 tuần. Trẻ em mặt hóp lại vì đói ngồi đờ đẫn  trong bùn, những vết sướt trên mặt đã đóng những vẩy mủ khô. Buell thấy 1 em bé tí hon gần như xác khô vì đói, cố sức tàn bú vào đôi vú lép của người mẹ. Nhiều trẻ sơ sinh khác đã chết.
Hai lần Buell nghe tiếng súng báo hiệu người chết khi đang quan sát ngưòi tị nạn. Súng báo hiệu là 3 phát bắn chỉ thiên bằng súng hỏa mai. Ông gọi USAID ở Vientaine và cả ngày hôm ấy, ông điều khiển việc tiếp vận gạo, muối, chăn mền, quần áo và thuớc men. Đối với vài người xấu số, cuộc cứu trợ quá trễ. Súng báo tử vẫn thỉnh thoảng nổ suốt đêm. Tiếp vận đổ xuống thêm sáng hôm sau. Mất 3 ngày, súng hỏa mai mới ngừng báo tử.
Khi Buell ngồi ở Pa Dong, ngồi lẫn lộn với người tị nạn bên sườn đồi, nép mình theo tiếng nổ trọng pháo bắn vào trại lều bỏ trống bên dưới, ông đột nhiên sợ, muốn quay lại Ban Na. Một cô gái Hmong 14 tuổi vịn vai ông ta. Cô mang một cây súng Garand M-1 Mỹ. Một dây đạn tự may lấy bắt chéo với những băng đạn trĩu nặng trên bờ vai gầy guộc thả lủng lẳng xuống hông. “Đừng sợ,” cô trấn an. “Tôi sẽ bảo vệ ông.” Cô chĩa họng súng về phía quân thù bắn một phát và quay nhìn ông cười. Buell cảm thấy hết sợ sệt. Vang Pao yêu cầu ông  tập họp phụ nữ, trẻ em chuẩn bị di tản. Cộng Sản không tha bất cứ ai còn sống.
Mưa bắt đầu nặng hạt lúc mặt trời lặn. Tiếng mưa rơi hòa lẫn tiếng trọng pháo ầm ỳ như tiếng nước lũ cuồn cuộn dưới mương trong cơn lụt. Vang Pao ra lịnh khởi hành. Đoàn người khốn khổ nối nhau một hàng dài, uốn khúc ngoằn ngoèo xuống chân núi, bám vào những dây leo cho khỏi ngã trên sình lầy. Những em bé ướt đẫm nước mưa, có em mới đẻ được vài ngày, được hân hạnh nếm mùi giải phóng, ngọ nguậy trong cái địu trên lưng mẹ, bình thản bú ngón tay. Cộng Sản đã từng nắm chân những em bé này, quật đầu vào tảng đá. Họ đi 18 giờ trong mưa,  tiếng súng ở Pa Dong mới lắng dịu khỏi tầm nghe.
Đoàn người đi thêm 1 ngày nữa trước khi đến Yat Mu, một ngọn núi đã chật ních người tị nạn. Họ là những người dân từ cuộc hành quân mở rộng địa bàn của Cộng quân từ Cánh Đồng Chum. Mục đích là mộ quân,  cững bách dân công, cướp thuốc phiện và lúa gạo Hmong. Nhiều làng trong khu vực đã đến Yat Mu trước đoàn người đến từ Pa Dong. Tổng cộng con số lên đến 9000 người, chen chúc nhau để tự an ủi, chia sẻ đồ ăn mang theo và dần dần chết vì đói. Khi Edgar Buell đến với đoàn người ở Pa Dong ( đáng phục con người này. Chắc chắn ông chia sẻ sống chết với họ không phải vì tiền lương 65 Mỹ kim 1 tháng của cơ quan thiện nguyện quốc tế IVS (International Voluntary Service) ông đi vòng quanh để tìm phương án cứu trợ. Ông vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy đã có những người thiện nguyện trên núi, dẩn đầu bởi Felix Romero, 1 bác sĩ trong chiến dịch Huynh Đệ, một cơ quan y tế tư nhân Phi Luật Tân. Nhóm của Romero chỉ là 1 phần của hàng trăm người Phi Luật Tân đến Lào bởi sự vận động của CIA, phần nhiều trong số họ là những cựu chuyên viên quân sự thời thập niên 1950 đánh tan phiến Cộng “Huk”  trên đảo Negros và Panay, Phi Luật Tân. Một cách chính thức, những cựu binh sĩ Phi Luật Tân này là nhân viên dân chính của công ty xây dựng miền Đông, trụ sở ở Manila, thầu xây cất đường sá Lào. Công việc chính của họ là huấn luyện binh sĩ Lào và cùng chiến đấu với họ. Một số sau này sẽ chiến đấu chung với người Hmong.
Romero thông báo Buell rằng dân của ông không có gì ăn đã nhiều ngày.  Thời tiết xấu khiến Vientaine không thể thả dù tiếp tế. Thêm vào đó, Romero đang chiến đấu chống bịnh kiết lỵ đang lan tràn, và đang thua trận vì thếu thuốc. Ông sợ rằng nếu tiếp tế không đến kịp, người tị nạn sẽ chết tập thể. Hàng trăm người đã chết khi Romero và Buell cầu nguyện cho thời tiết trở nên tốt hơn. Không muốn chờ chết, nhiều Hmong nuốt thuốc phiện tự tử.  Một ngàn người khác vì quá đói và tuyệt vọng, bỏ trại đi lang thang vào rừng tìm chỗ khác, hy vọng có thực phẩm. Với điều kiện sức khỏe như thế, chắc chắn họ chết trong vòng vài ngày. Ngày thứ 11, lời cầu nguyện của Buell và bác sĩ Romero đã được đáp ứng. Trời quang đãng trở lại và máy bay vận tải từ Vientaine thả dù gạo, muối, chăn mền và thuốc men.
Lúc này vang Pao đã lập bộ chỉ huy mới ở Pha Khao. Ông rời Pa Dong bằng trực thăng sau khi đoàn người tị nạn đã đi khỏi. Còn lại là vài trăm du kích Hmong, Không Cảnh Thái Lan, cố vấn White Star và nhân viên CIA Jack Shirley. Khi Cộng quân tiến đến gần, Không Cảnh Thái Lan và toán White Star  cản hậu cho đồng đội mở đường máu. Sập tối, những người sống sót bỏ căn cứ. Không hổ danh những chiến sĩ du kích trời sinh, Hmong lẫn vào trong núi. Trực thăng  chỉ việc bốc người Mỹ và Thái Lan bay đến Pha Khao, bộ chỉ huy của Vang Pao trong vòng 16 tháng tới.
 
Nóng lòng chiến đấu.
Sự thất thủ Pa Dong chỉ tăng cường quyết tâm của Vang Pao về nỗ lực tuyển mộ, võ trang, tình nguyện quân Hmong. Nhưng ngoại trừ binh sĩ ở Pha Khao,  và ở 4 căn cứ “Động Lượng” còn lại, ít binh sĩ của ông được võ trang hay huấn luyện. Thèm muốn vũ khí, Hmong đi lùng sục khắp các hang cùng núi hẻm theo những lời đồn rằng vũ khí được thả dù ở chỗ nọ chỗ kia.
Sự kiện hàng ngàn Hmong muốn chiến đấu mà không có vũ khí và không được huấn luyện khiến Vang Pao phàn nàn với Tony Poe và Vinton Lawrence, 2 nhân viên CIA làm việc với ông, về người Mỹ chỉ tiếp tế thực phẩm mà không có vũ khí, đạn dược để họ có thể tự vệ. Buell, phụ trách tị nạn muốn gì cũng có mà ông chỉ muốn vũ khí mà không có. Lair bay đến Pha Khao khuyên Vang Pao nên hạn chế sự mong mỏi, bằng lòng với những gì mình đang có và tự túc tự cường. Lair biết đàm phán ở geneva có thể đi đến quyết định bỏ rơi Lào hay ít nhất, ngưng yểm trợ Hmong. Lair muốn Vang Pao  chuẩn bị cho khả năng phải chiến đấu một mình, không ai trợ giúp.
Lượng định của Lair chỉ nung nấu sự thèm khát vũ khí của Vang Pao. Nếu người Mỹ bỏ cuộc, ông cần dự trữ vũ khí. Yêu cầu võ trang của ông bị làm ngơ cho đến khi Cộng Sản nhiều lần vi phạm ngừng bắn và sự vận động không ngừng của giám đốc Phân Bộ Viễn Đông CIA, ông William Colby, hối thúc tổng thống Kennedy chuyển hướng chính sách. Tháng Tám năm 1961, Kennedy phê chuẩn kế hoạch phát triển quân đội Hmong lên 11000 người.
Lair gởi 5 toán Không Cảnh Thái Lan điều hành thêm 5 trại huấn luyện quanh Cánh Đồng Chum. Để thúc đẩy việc huấn luyện, Lair bắt đầu dùng huấn luyện viên Hmong. Sau một khóa huấn luyện đặc biệt ở bộ chỉ huy Không Cảnh ở Hua Hin, một nhóm gồm 120 tân huấn luyện viên Hmong chia thành 10 toán công tác đặc biệt (SOT, Special Operations Teams) thay thế Không Cảnh ở các căn cứ “Động Lượng”, để các huấn luyện viên Thái Lan rảnh tay điều hành các trại mới. Trong vòng vài tháng, Lair thành lập thêm 12 toán công tác đặc biệt và các Không Cảnh khác đến từ Thái Lan, di chuyển đến Sầm Nứa để mở rộng hệ thống “Động Lượng” về phía Bắc.
Ngay cả PEO, Cơ Quan Thẩm Định Viện Trợ cũng đóng góp vào công cuộc huấn luyện. Vài toán cố vấn White Star ở Sam Thong ở mép Nam Cánh Đồng Chum bắt đầu xây dựng căn cứ tiếp vận  lớn, đầy đủ với trung tâm truyền tin và kho dự trữ đe73 phân phối tiếp liệu và vũ khí  cho Hmong đang thụ huấn. Toán White Star cũng thiết lập căn cứ huấn luyện riêng để tăng cường nỗ lực Không Cảnh.
Nhiều Hmong hưởng ứng tòng quân trong chiến dịch “Động Lượng” nhưng Lair biết vẫn chưa đủ. Luôn bi quan về kết quả hội nghị Geneva, ông ta cảm thấy Vang Pao phải tạo thế thuận lợi nếu ông có sẵn một đơn vị tinh nhuệ trong tình trạng hiểm nghèo. Theo đề nghị của Lair, Vang Pao gởi 500 binh sĩ thiện chiến nhất  đến Hua Hin thụ huấn bổ túc 1 tháng để thành lập đơn vị biệt kích đầu tiên SGU (Special Guerrilla Unit), một đơn vị cấp tiểu đoàn, nòng cốt của binh lực Hmong.
Vang Pao bây giờ nắm một lực lượng 7000 du kích vũ trang, huấn luyện đầy đủ. Tuy nhiên chỉ 1 phần của lực lượng này liệt vào hạng đáng nể: tiểu đoàn biệt kích SGU duy nhất và vài chục toán huấn luyện viên SOT chuyên về xung kích cảm tử. Tất cả binh sĩ còn lại đóng rải rác trên Cánh Đồng Chum, tổ chức thành những đại đội dân sự chiến đấu (ADC, Auto Défense de Choc) một danh xưng rôm rả gọi các lực lượng bán quân sự địa phương. Dân sự chiến đấu ADC có khả năng bảo vệ căn cứ nhưng thiếu tổ chức, huấn luyện cho những cuộc hành quân tấn công.
Quan điểm của Hoa Thịnh Đốn  đây là tình trạng tốt vì sự tinh tế của cuộc hội nghị Geneva. Kennedy không muốn những lực lượng bán quân sự Hmong phát động tấn công tạo lý do cho Cộng Sản trì hoãn việc ký kết hiệp định.  Vang Pao được khuyến cáo hạn chế các hoạt động quân sự, chỉ còn các công tác tình báo, phòng thủ đơn vị và các trại tị nạn.. Để đảm bảo, Air America của CIA chỉ viện trợ nhỏ giọt cho quân đội Vang Pao. Vài cấp chỉ huy của Vang Pao trên chiến trường, nóng lòng chiến đấu, tìm cách trái lịnh, tự tìm địch mà đánh.
Yang Youa Pao chỉ huy 1 đại đội dân sự chiến đấu ở Tha Lin Noi, 1 trong 7 căn cứ nguyên thủy của “Động Lượng”. Dù vóc dáng thấp lùn,(4 feet 9 inches) Youa Pao là một dáng dấp đầy dọa nạt. To như một gốc cổ thụ và gương mặt luôn cau có, lúc nào ông cũng đeo xề xệ ngang hông khẩu súng lục bá bằng ngọc thạch. Ông thường rút súng mỗi khi ra lịnh, đôi khi bắn chó của dân làng mỗi khi cần thị uy. Ông dữ tợn và gan dạ. Khỏi nói thuộc hạ ông đều răm rắp tuân lịnh.
Tháng Tư, Youa Pao  được tin tình báo Cộng quân xuất hiện quanh vùng và xin phép xuất quân. Vang Pao ra lịnh Youa Pao án binh bất động.. Vài tuần sau nhận thêm những phúc trình hoạt động địch, Youa Pao lại xin phép Vang Pao mở cuộc hành quân. Lần nữa, ông lại được lịnh ém quân. Đến tháng Sáu, Youa Pao không chịu nổi nữa khi thấy địch quân nghênh ngang trong địa bàn của mình, ông dẫn đại đội xuất quân hướng Tây Bắc đến Phong Savan.
Thời Pháp thuộc, Phong Savan là trung tâm thương mại. Những con buôn nha phiến tụ họp nơi đây từ Bắc Lào để chuyển hàng về Vientaine hay Sài Gòn. Phi công chở hàng người Pháp la cà ở các quán rượu. Các con buôn mua sắm ở các cửa tiệm, quán ăn và các chợ lộ thiên ở thị trấn Phong Savan. Hmong ở Cánh Đồng Chum  cũng tề tựu  họp chợ, nhiều kẻ lội bộ hàng mấy ngày đường, bán nông phẩm và mua sắm  những hàng nhập cảnh Pháp như lược, nữ trang, nước hoa, vải vóc, kìm búa, radio và máy chụp hình. Thị trấn là một biểu tượng trù phú và thịnh vượng, một triển lãm hào nhoáng văn minh kỹ thuật Tây Phương.Giải phóng thị trấn này khỏi tay Cộng Sản  là một khích lệ tinh thần to lớn đối với Hmong tỉnh Xiêng Khoảng.
Youa Pao đến Phong Savan từ hướng Đông, lách qua các toán tuần phòng Pathet Lào cho đến khi tới đỉnh núi ngó xuống phi trường thị trấn. bên dưới, binh sĩ Pathet Lào đang rỡ hàng từ 1 vận tải cơ Ilyushin của Sô Viết. Youa Pao dẫn quânmen xuống núi, băng qua 1 rừng tre đến một cánh đồng cỏ voi mọc lấn đến tận hàng rào phi trường.  Ba du kích ở lại trên đỉnh cao chuẩn bị súng cối, chờ lịnh khai hỏa. Khi được lịnh, họ nã đạn xuống phi trường. Khi đạn cối nổ trên phi đạo, Youa Pao và binh sĩ xung phong từ đồng cỏ. Bọn kỹ thuật Nga, Bắc Việt và pathet Lào nhảy lên xe tải chạy khỏi Phong Savan. Trong vòng vài phút, cả phi trường không còn bóng một tên Cộng Sản.
Youa Pao chiếm phi trường và chờ địch hoàn hồn, tổ chức phản công. Chờ đến tối không thấy địch trở lại. Lúc này Vang Pao đã biết quân của ông chiếm phi trường. Ông hạ lịnh Youa Pao rút quân ngay tức khắc. Viên chỉ huy mập lùn chờ thêm vài tiếng, hy vọng Cộng quân tấn công để có cớ nán lại. Chờ mãi không được, bất đắc dĩ ông cho quân rút lui.
Sau vài tuần ăm không ngồi rồi ở Tha Lin Noi và nổi nóng, Youa pao lại dẫn quân đi tìm địch, lần này hướng về nam tới thành phố Xiêng Khoảng, chỉ cách 1 ngày hành quân từ căn cứ của ông. Giống như lần trước, Cộng quân bỏ chạy sau khi nghe tiếng súng khai hỏa. Youa Pao và binh sĩ của ông ta chờ địch quân trở lại phản công.
Vang Pao giận tím mặt. Nếu Cộng quân phản công và một trận chiến lớn bùng nổ, làm sao ăn nói với cố vấn Mỹ về việc ngăn trở cuộc đàm phán đang diễn ra ở Geneva. Vang  Pao ra lịnh cho Youa Pao rút quân khỏi thành phốvà chửi mắng Youa Pao thậm tệ trước đại đội. Youa Pao bỏ quân ngũ, đi biệt tích, rồi xuất hiện trở lại sau 2 năm, có lẽ đã nguôi giận. Lần này ông lại chỉ huy 1 đại đội khác. Ông tham dự nhiều trận đánh và bị thương nhiều lần. Gần cuối cuộc chiến, Vang Pao thưởng ông một chức vụ hành chính tỉnh Xiêng Khoảng.
 
Long Cheng.
Khi hội nghị Geneva bưiớc vào vòng kết thúc, Vang Pao dời bộ chỉ huy từ Pha Khao đến Long Cheng, một thảo nguyên miền cao dài 5 dặm phía Nam Cánh Đồng Chum. Nhân viên CIA Bill Young phát hiện ra chỗ này. Công tác mới của Young  sau khi thất thủ Pa Dong  là tìm những vị trí mới có thể xây dựng các căn cứ “Động Lượng”. Ông thám hiểm các vùng đất Nam cánh đồng, nới dần về hướng Tây theo hình cánh cung  đến tận tỉnh Sayaboury, nơi gọi là an toàn khu, theo yêu cầu của Lair, làm địa điểm rút quân tiên liệu cho Hmong. Trong cuộc thám hiểm Young tiếp xúc với các trưởng làng Hmong và tìm thấy vài địa điểm huấn luyện lý tưởng.  Cứ điểm quan trọng nhất là Long Cheng.
Cảnh tượng ở đây là một kỳ quan hùng vĩ. Những ngọn núi đá vôi sừng sững trên cao nguyên  là pho tượng điêu khắc thiên nhiên, những đỉnh cao của nó tạo thành một hệ thống nối kết những dãy đồi ngoằn ngoèo với những đỉnh núi sắc cạnh, gọt đẽo hàng nghìn năm bởi mưa mùa. Sương mù như vấn khăn trên cácđỉnh cao hơn. Một tấm rêu xanh đậm như vạt áo choàng đắp lên các sườn đồi. Những cây rừng đầy mắt mấu với những nhánh xoắn  thành những hình thù cổ quái bám chênh vênh trên sườn dốc. Nhiều năm sau khi phi công Mỹ nhập bọn với đám nhân viên CIA, Không Cảnh, cố vấn quân sự Mỹ ở Long Cheng, ai cũng há hốc miệng chiêm ngưỡng quang cảnh hùng vĩ diệu kỳ  trong buổi tham quan đầu tiên tại đây. Nó là bức tranh sơn thủy sống động của bức họa cổ Trung Hoa, 1 Shangri-La, một nơi chốn vượt thời gian và vẻ đẹp khó tưởng.
Young chọn Long Cheng không phải vì cảnh tượng hùng vĩ của nó. Điều hấp dẫn ông ta là những dãy núi che chở một thảo nguyên dài, rộng 5 dặm khiến Cộng Sản khó tấn công. Sự phẳng phiu và rộng lớn của nó lý tưởng cho một phi trường lớn. Edgar Buell đến nơi này vì cũng muốn lập 1 phi trường dành cho việc cứu trợ. Ông cấp tốc dời 6000 người tị nạn từ  Phao Khao đến Long Cheng, “xí chỗ” nơi có thể trở nên phi trường tiếp vận của người tị nạn kẻo bọn CIA chiếm mất. Rồi ông thuyết phục USAID và CIA xây một phi trường hiện đại để dung nạp những phi cơ vận tải lớn.
Những chuyến bay đầu tiên đến Long Cheng ngoài thực phẩm, thuốc men, quần áo còn chuyên chở hàng tấn vật liệu xây cất. Buell muốn nơi đây thành 1 trung tâm tị nạn kiểu mẫu. Vì CIA sẵn sàng chi phí, ông trù liệu khu dành riêng cho người tị nạn và nhân viên cứu trợ, 1 bệnh xá đầy đủ thuốc men, y cụ, trường học, kho chứa thực phẩm và tiếp liệu. Vang Pao đến trong lúc căn cứ đang xây cất, nhận ra tiềm năng của Long Cheng và dành nó cho riêng ông ta, ra lịnh cho Buell dời trại tị nạn sang Sam Thong 1 làng cách Long Cheng 6 dặm về hướng Bắc.
Trong vòng 2 năm, CIA nới rộng phi trường Long Cheng thành một phi đạo trải nhựa dài 1 dặm, dùng được cho cả phi cơ vận tải hạng nặng và thỉnh thoảng nếu cần, có thể cất cánh những chiến đấu cơ phản lực. CIA cất những kho chứa lớn, nhà cửa, trung tâm truyền tin và 1 tư dinh cho Vang Pao: 1 ngôi nhà 2 tầng bắt chước kiểu khách sạn Motel 6 ngày xưa, với một bao lơn nhỏ  trên tầng hai cho tăng vẻ thanh nhã. Văn phòng chính của CIA trong căn cứ là một  tòa nhà kiên cố bằng bê tông cốt sắt, có thể chịu được bom. Những cửa cái làm bằng sắt giống như cánh cửa sắt hầm chứa bạc. CIA còn xây một nhà nghỉ mát cho nhà vua Savang Vatthana, nếu ông giá lâm kinh lý nơi đây. (Ông đến đây 2 lần.)
Năm tháng tiếp nối, Long Cheng tiếp tục phát triển, tới giữa thập niên 1960 trở thành 1 trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, và là trung tâm hoạt động CIA lớn hàng thứ nhì trên thế giới, với Ari America và sau này thêm Continental Air Services- bận rộnsuốt ngày đêm chuyển quân, chuyển hàng đi khắp nơi. Nơi chất hàng lớn và bận rộn hơn một ô phố thị sầm uất. Gần cuối cuộc chiến, lưu thông trên không phận Long Cheng còn đông đảo hơn phi trường quốc tế O’Hare ở Chicago.
Để ngụy trang cho hoạt động quân sự khổng lồ này, những tổ chức nhân đạo như USAID và IVS(International Volunteer Service) được dùng như mặt tiền của căn cứ.  Thêm vào việc cung cấp thực phẩm và thuốc men cứu trợ, USAID và IVS trở nên đường ống tuôn chảy vũ khí, đạn dược của CIA, giao kèo với Air America phân phối 2 loại mễ cốc: Gạo mềm cho người tị nạn và “gạo cứng” tức vũ khí, đạn dược cho du kích.
Hoạt động ở Long Cheng rốt cuộc trở nên quá lớn đến nỗi CIA phải mã danh nó bằng tên gọi Địa điểm đổ hàng phụ Số 20 hay 20 A để giảm vẻ quan trọng của nó. Buell đã dời đến Sam Thong sau khi Vang Pao chiếm đoạt Long Cheng của ông. Với Sam Thong là địa điểm đổ hàng chính số 20, Long Cheng là địa điểm phụ, các dân biểu, chính khách, ngoại giao, ký giả nếu viếng thăm chỉ thấy toàn những công việc cứu trợ nhân đạo. CIA hy vọng những chính khách quan trọng sẽ ức đoán rằng địa điểm chính hay phụ chắc cũng chẳng có gì quan trọng đáng phản đối.
Tân chính phủ liên hiệp.
Cuộc điều đình ở Geneva kéo dài gần 1 năm. Đến đầu năm 1962 ngay cả Trung Cộng cũng muốn chấp nhận 1 chính phủ liên hiệp.  Trở ngại chính lại là Phoumi Nosavan, người lầm tưởng rằng Hoa Thịnh Đốn không ưa giải pháp Trung Lập. Để thức tỉnh Phoumi, Hoa Thịnh Đốn cắt viện trợ Lào.  Vì chính phủ lệ thuộc hoàn toàn vào viện trợ, nó lâm ngay vào cảnh khánh kiệt. Phoumi ra lịnh cho ngân hàng quốc gia in thêm tiền bù vào chỗ mất viện trợ, gây ra nạn lạm phát phi mã. Một biện pháp cũng ngu dại như thế nhưng kém phần tai hại hơn là tổ chức sòng bạc gây quỹ cho chính phủ. Phoumi mở sòng bạc trong một trường học nằm trên đường đi de761n phi trường Wat Tay và phổ biến những bích chương quảng cáo cho địa điểm đó. Sòng bạc thu hút được một số con bạc nhưng không đem lại lợi nhuận mong muốn. Chưa chịu thua cuộc, Phoumi dùng cảnh sát đòi thù lao bảo vệ các thương gia và buộc mọi người đóng tiền hối lộ mọi dịch vụ giấy tờ. Vẫn không đủ chi dụng. Trong tuyệt vọng, Phoumi lập một xưởng điều chế bạch phiến ở ngoại ô Luang Prabang, tuyển dụng cựu binh sĩ trung đoàn 84 Tưởng Giới Thạch chạy sang đây sau khi bị mao Trạch Đông đánh đuổi, chuyên sống bằng nghề mua bán, tinh chế thuốc phiện trong vùng 3 biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện. Vùng này còn lừng danh trên thế giới dưới tên Tam Giác Vàng. Trong một dịp khác, tôi xin kể chuyện tướng Khun Sa và sư đoàn người Shan của ông ở vùng Tam Giác Vàng.
Mặc dù xưởng điều chế tinh phiến mang lại lợi nhuận đáng kể, nó chỉ bù đắp một phần nhỏ ngân sách quốc gia cần để khỏi sụp đổ.
Với tình trạng tài chánh như thế, Phoumi liều lĩnh mở cuộc hành quân bất ngờ tấn công Pathet Lào và Bắc Việt  ở Tây Bắc Nam Tha. Phoumi nghĩ nếu ông đánh bại Cộng Sản, người Mỹ sẽ phải coi ông như bậc anh hùng cứu quốc. Nếu ông thua, ông sẽ chạy qua Thái Lan và người Mỹ buộc phải can thiệp để ngăn cản Lào khỏi lọt vào tay Cộng Sản. Với Bắc Việt sát biên giới, Thái Lan phải động binh để tự vệ.
Người Mỹ khuyên Phoumi ngưng cuộc tấn công nhưng ông bướng bỉnh không nghe. Một phần, viên chức CIA đối tác của ông, Jack Hasey khuyến khích. Theo yêu cầu bộ Ngoại Giao, CIA tuyên chuyển Hasey sang một nhiệm sở khác ngoài nước Lào. Ngay cả khi Hasey bị thuyên chuyển, Phoumi vẫn khăng khăng tiến hành cuộc tấn công Cộng Sản. Dĩ nhiên, cuộc tấn công thất bại hoàn toàn. Quân đội Phoumi chiến đấu tồi tệ và bị đánh tả tơi chạy trối chết. Nhân viên quân sự Mỹ thuộc MAAG/Lào (Military Assistance Advisory Group/Laos) khó đứng yên khi quân đội do mình khổ công huấn luyện bị tiêu diệt. 6 toán White Star  biệt phái tới chiến trường để cố vấn và chỉ huy binh sĩ Lào trong các trận đánh.
Hà Nội tung 3 tiểu đoàn bộ binh vào trận đánh. Bắc Việt phục kích 1 tiểu đoàn nhẩy dù quân đội hoàng gia sát thương 50/100. Hai tuần sau, trọng pháo Cộng quân nã vào doanh trại quân chính phủ. Sau vài ngày pháo kích, toán White Star không  ngăn cản được sự hoảng sợ của binh sĩ. Đột nhiên 5000 binh sĩ bỏ vũ khí, trọng pháo và ùn ùn bỏ chạy. Cộng Sản chiếm ngự những đỉnh núi cao quanh doanh trại xả súng máy bắn xuống đoàn quân bại trận. Binh sĩ sống sót chạy qua biên giới Thái Lan.
Trái với dự liệu của Phoumi, Mỹ và Thái Lan không động binh cứu Phoumi, người mất tất cả uy tín trên cương vị lãnh đạo quân đội. Báo New York Times bình luận:”Hoa Kỳ dánh giá quân đội hữu khuynh Lào  như 1 lực lượng chống Cộng vô dụng và do đó mất quan tâm trong việc ủng hộ chính trị các lãnh đạo quân đội của họ.”
Một tháng sau, ngày 11 tháng Sáu năm 1962, Phoumi bị xuống chức từ một nhà độc tài quân sự thành đại biểu thủ tướng  trong chính phủ liên hiệp đứng đầu là thủ tướng Souvana Phouma. Viện trợ Mỹ lại bắt đầu tuôn chảy vào bộ Tài Chánh Lào. Tại hội nghị Geneva, đại biểu 14 quốc gia ký kết Tuyên Ngôn Trung Lập Lào trong đó có ấn định tất cả nhân viên quân sự ngoại quốc phải rời vương quốc Lào trong vòng 75 ngày kể từ ngày  ký.
Như lực đối trọng với Phoumi, Souphanouvong  được mời ra khỏi hang động tỉnh Sầm Nứa để nhận chức đệ nhị đại biểu thủ tướng. Vị hoàng thân đỏ đến thủ đô Vientaine trong một nghi lễ tiếp rước long trọng, với bộ quân phục lãnh tụ cách mạng may cắt theo kiểu Mao Trạch Đông, cận vệ của ông mang theo hộp đựng hình chụp Souphanouvong sống gian khổ trong hang ở Vieng Sai, gò lưng trên cái bàn giấy gỗ tạp dưới những tảng thạch nhũ, viết những mệnh lệnh chỉ đạo con đường dẫn đến vinh quang cách mạng. Thủ đoạn tuyên truyền thành công đến mức báo chí Vientaine bắt đầu gọi các lãnh tụ pathet Lào là người trong hang động. (the cavemen)
Để chào mừng chính phủ liên hiệp, một diễn binh được tổ chức vào tháng Tám năm 1962. Những đơn vị quân sự Pathet Lào, Trung Lập, quân đội hoàng gia diễn hành chung hàng ngũ. Phoumi  quan tâm đặc biệt trong buổi diễn hành này. Lộ trình diễn hành phải ngang qua một đài tưởng niệm lòe loẹt trông giống Khải Hoàn Môn của Pháp trước tòa nhà quốc hội. Phoumi dựng đài tưởng niệm này để đánh dấu chính thể độc tài quân sự của ông. Đài tưởng niệm này cũng là chứng tích cho tham nhũng trong chính trị Lào. Xi măng dùng xây cất  đài ăn cắp từ dự án kiến thiết phi đạo do USAID tài trợ.
Để sửa sang lại con đường dẫn đến đài tưởng niệm toàn những ổ gà làm xấu đi buổi lễ, Phoumi ra lịnh trải nhựa mới cho con đường để buổi lễ diễn binh thêm phần long trọng.
Hôm ấy trời nóng. Nhựa đường chưa kịp khô. Giày trận của binh sĩ diễn hành lún sâu trong nhựa. Nhiều đôi lún đến tận mắt cá chân. Để tiếp tục diễn binh, binh sĩ phải cởi giày chỉ đi vớ. Sau buổi lễ, con đường dẫn đến Khải Hoàn Môn của Phoumi rải rác những đôi giày vẫn trong đội hình diễn hành – một hình ảnh đáng ghi nhớ cho sự cai trị ngắn ngủi của Phoumi  hơn là đài tưởng niệm nguy nga, hợm hĩnh, và có lẽ một ẩn dụ dích đáng cho chính trị Lào một cách tổng quát.
Tài Liệu Tham Khảo 
 1) Au pays du millions d'éléphants: Le kh'lăm, Katay D. Sasorith, France Asie 107-1956
  2) Le lotus et le dragon célestre, Serc Voravongsa, bản thảo 1985
  3) Dictionnaire Lao-Français, T1 & T2, Marc Reinhorn, CNRS 1970
  4) VatChaNaNouKom Lao, BQGGD-VQAL, 2505
  5) Vatchananoukom Phasa Lao, Thongkham Onmanysone, VT 1992
  6) Paphéni Lao, Anada Thera
  7) Superstition laotienne, Bourlet A., Missions catholiques N° 38-1906 - Superstitions laotiennes, Excoffon, P. BSME 1923-2
  8) Les génies dans la péninsule indochinoise, P.B. Laffont, BEFEO, tV-2, 1942
  9) Le Phi Kong Koy, Levy B. PRL
  10) Paphéni bouran, Maha Sila Viravong, VT 1958
  11) Les sorciers au Laos, Vô Danh
  12) Le code des bons usages, Pierre S. Nginn
  13) Miami Herald 7/1993
  14) Le langage Secret des tarots (nxb Tchou) và Le tarot (nxb Albin Michel)
  15) La Voyance (loại sách Que Sais-je?), J.A. dessuard
  16) Challenger số 77, 01/1994
 

Xem Tiếp: ----