Chương 5
Đế quốc Nhật chiếm đóng.

Hồ Chí Minh rời Việt Nam năm 1912. Hai năm đầu lưu vong, ông làm nghề bồi bếp trên tàu thủy Pháp tên Latouche-Tréville. Hai năm sau làm thợ nhồi bột ở Anh và 4 năm sau làm thợ chụp hình và gia nhập phong trào xã hội Pháp. Ông ta không thích hợp với chủ nghĩa xã hội Pháp. Càng ngày càng sốt ruột với những tranh cãi vô tận của các trí thức sa lông chiếm đa số trong phong trào xã hội chủ nghĩa Pháp. Đã quyết định thay đổi, Hồ mong mỏi bắt tay hành động. Việc bàn cãi là vì những người ấy còn đang phân vân, chưa quyết định.
Năm 1920 Hồ bắt đầu tìm hiểu về Lenin một cách mê mẩn qua sách vở bằng tiếng Pháp trong gian chung cư, gật gù tán thưởng từng dòng, từng câu. Ông kinh ngạc vì “sự sáng suốt” của Lenin và “vui mừng ứa lệ” khi nhận ra chính mình là một phần tử của phong trào cách mạng. Phấn khởi, ông cùng sáng lập đảng Cộng Sản Pháp và bắt đầu cuộc đời cách mạng với Cộng Sản chủ nghĩa.
Để học hỏi sâu xa hơn, Hồ trù tính thăm viếng Moscow. Cuối cùng ông rời Paris sang Liên Bang Sô Viết vào cuối năm 1924. Ông đến quá trễ. Lenin chết vài tuần trước khi ông đến làm ông mất dịp diện kiến vĩ nhân của mình. Lúc ấy Hồ như con thuyền không lái. “Lenin chết, chúng tôi biết làm gì bây giờ?” Ông viết trong tờ Pravda như thế. Hồ cần một mục tiêu nào đó để tập trung nghị lực. Ông quyết tâm học hỏi không ngừng để tỏ lòng kính trọng Lenin. Ông ghi danh vào trường đại học Nhân Dân Đông Phương ở Moscow, nơi ông học về các cơ phận chủ yếu của tổ chức cách mạng. Ông cũng dành thì giờ dạy vài lớp Pháp ngữ cho trường này và viết vài bài báo cho tờ Pravda.
Hài lòng với sự phát triển cách mạng của ông, Sô Viết gởi Hồ sang Trung Hoa để giúp thành lập đảng Cộng Sản Trung Hoa. Ở Quảng Đông ông gặp các nhà cách mạng chủ nghĩa quốc gia khác sống lưu vong hay trốn tránh bọn công an (Sureté), cảnh sát điều tra hình sự Pháp. Nhiều năm trước Hồ đã thấy nhiệt tình chủ nghĩa quốc gia thật mãnh liệt, nhưng giờ đây với sự huấn luyện của Sô Viết, ông nhận thấy nó thật là ngây thơ. Những nhà cách mạng quốc gia chủ nghĩa rất hăng say trong những chống đối vô hiệu quả, nhưng không hề xúc tiến một cuộc cách mạng thực sự. Lãnh tụ nhóm này là một nhà cách mạng lão thành tên Phan Bội Châu. Hồ biết Phan từ thời niên thiếu vì thân phụ Hồ và Phan là 2 người bạn thiết. Nhưng Hồ không để cho tình cảm lấn át lý trí. Loại được Phan Hồ có thể thu phục được những đồng chí quốc gia chủ nghĩa của Phan. Ngoài ra, Phan đang bị tầm nã với giải thưởng 150000 đồng. Hồ tố cáo Phan, lãnh tiền thưởng làm quỹ cho tổ chức Cộng Sản của ông.
Sau 2 năm ở Thái Lan tổ chức các tổ Cộng Sản trong cộng đồng người Việt ở Bangkok, Hồ trở lại Trung Hoa để tổ chức đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1930, ông sáng lập đảng Cộng Sản Đông Dương ở Hong Kong. Khởi đầu là một tổ chức toàn người Việt, Hồ hoài bão phát triển nó bao gồm toàn cõi Đông Dương. Tài liệu đảng minh họa tổ chức này như một liên bang gồm Việt Nam, Lào, Cambodia do Việt Nam lãnh đạo. Mục tiêu là đế quốc Việt Nam. Mục tiêu này đã được chính thức hóa trong đại hội đảng Lao Động (tên mới thay cho đảng Cộng Sản Đông Dương) năm 1951.
Bước tiên khởi trong chiều hướng này, đảng tổ chức một tổ ở Lào. Đảng viên là những kiều bào ở Vientaine. Đã có một nỗ lực phối hợp để kết nạp người Lào, nhưng chủ nghĩa Mác lê không hấp dẫn họ. Đổ thừa cho người Lào thiếu trình độ, đảng Lao Động ra lịnh các cán bộ “giáo dục” họ. Truyền đơn được phân phát, những bài bản được diễn giảng tố cáo sự bóc lột tàn ác của chủ nghĩa đế quốc và sự cần thiết của những tổ chức cách mạng để dành lại quyền làm chủ về cho giai cấp vô sản bị áp bức. Dù với cuộc vận động tuyên truyền mạnh mẽ, chỉ có 3 tổ mới đơuợc thành lập trong thị trấn mỏ thiếc tỉnh Khammouane, và tất cả đảng viên là người Việt Nam. Năm 1935 tổng số đảng viên người Lào là 3 người và chưa đầy 1 năm, 2 trong số 3 người đó bỏ cuộc.
Tình cảnh thật là đen tối. Đảng Lao Động ở Việt Nam chỉ hơi khá hơn một chút. Giống như Lào, giai cấp công nhân ở Việt Nam rất ít, chỉ hơn 200 ngàn trong số 17 triệu dân số cả nước. Một phần ba những công nhân này là phu đồn điền cao su, nơi điều kiện sinh sống khắc nghiệt và tử suất cao không tưởng tượng nổi. Sự tàn bạo ở đồn điền cao su sinh ra loại công nhân võ trang. Đình công tự phát, có lúc bạo động xảy ra thường xuyên. Dù thế, chỉ non 2 ngàn công nhân gia nhập đảng và năm 1935, đa số bị vào tù.
Phong trào Cộng Sản ở Việt Nam rõ ràng gặp trở ngại và cần được chỉnh đốn, nhưng đảng Lao Động vẩn tiếp tục vung vãi tài nguyên hiếm hoi để lập ra một đảng Cộng Sản ở Lào. Một quan tâm đặc biệt là kết nạp người Lào vào đảng Cộng Sản Lào mà không bị lộ tẩy là một tổ chức ngoại vi của Việt Nam, do Việt Nam lãnh đạo. Người Lào đã oán hận việc người Việt áp đảo mọi mặt xã hội Lào như trong chính quyền, thượng mại, giáo dục v.v... Việt Nam chiếm mọi chức vị quan trọng trong cơ quan hành chánh, độc quyền buôn bán ở các thành phố lớn và chiếm đa số ở các trường học.
Giáo dục là một điểm nhức buốt đặc biệt. Lào có tỷ lệ mù chữ cao nhất Đông Nam Á. Số người biết đọc quá ít đến nỗi mãi năm 1941, cả nước mới có 1 tờ báo in bằng chữ Lào. Thống kê này không chỉ gây bối rố, nó tạo ganh ghét về phía người Việt chiếm chỗ trong các trường ít ỏi của quốc gia. Diển hình là Lycée Pavie. Nó là trường cấp 2 độc nhất ở Vientaine, cũng là trường duy nhất cả nước. Tất cả giáo viên là Việt Nam hay Pháp và tất cả chung thành kiến là người Việt thông minh hơn Lào. Thành kiến này phản ảnh qua sự chênh lệch sĩ số học sinh Lào và Việt và con số học sinh Việt đỗ đạt. Suốt năm 1930, số người Việt chiếm 65/100 học sinh tốt nghiệp trường Pavie. Người Việt không che giấu khinh miệt sự thiếu óc cầu tiến của người Lào. Sự khinh miệt này sánh bằng với nỗi hận thù của người Lào lười biếng, bất lực trước người Việt cần cù và quy cách.
Không chỉ người Việt sở tại bị oán giận, hình ảnh Việt Nam như một nước gây hấn và đế quốc đã hằn sâu vào ý thức quốc gia. Trước khi người Pháp đến,Việt nam đã chiếm cứ hết khu vực Đông Bắc Lào và tràn lan khắp Cambodia. Đế quốc chủ nghĩa Việt Nam tàn nhẫn và dã man khi nào còn tồn tại, không cần cải trang bằng những viện lẽ đạo đức như”sứ mệnh khai hóa” của thực dân Pháp; mục đích của nó minh bạch và đơn giản là một tiến trình chinh phục thuộc địa để thu đoạt của cải vật chất.
Chủ nghĩa đế quốc tham tàn này tạo ra một di sản thù hận và nghi kỵ người Việt.Vào thế kỷ thứ 19, Cambodia trút cơn thù hận này bằng cuộc tàn sát đẫm máu kiều bào Việt, tuyên bố rằng chém giết những người dân xấu số này mang lại nỗi thống khoái vô hạn. Các bà mẹ miêu tả Duồn ( tiếng ghê tởm ám chỉ người Việt) như ngáo ộp hay ông ba bị, cấm con cái vào rừng kẻo bị Duồn ăn thịt. Thái độ chống người Việt ở Lào không lên cao đến như vậy, tuy thế nó phổ quát và sâu xa. Đôi khi nó bùng nổ thành man rợ mà người Cambodia không bì kịp.
Vì hận thù nòi giống, Cộng Sản Việt Nam có bổn phận (sic) chiêu dụ người Lào vào phong trào Cộng Sản Lào. Hoang mang vì không thấy triển vọng, năm 1936 Hồ Chí Minh ra lịnh cho các đảng viên áp dụng chiến thuật mới. Họ phớt lờ Cộng Sản chủ nghĩa, bỏ những giáo điều Mác Lê, hợp tác với những người quốc gia và phong trào chống Pháp ở Lào – bất cứ cái gì dụ cho bằng được người Lào can dự vào đấu tranh cách mạng. Ý thức hệ và quyền lãnh đạo cách mạng sẽ giải quyết sau.
Sư khó khăn với chiến lược này là tình trạng yếu ớt của quốc gia chủ nghĩa Lào. Hầu như không ai để ý khi nghe nói về độc lập chính trị. May thay, Nhật chiếm Đông Dương gây dồn dập những biến cố khiến quốc gia chủ nghĩa Lào được dịp bộc phát.
Đế quốc Nhật xâm lăng.
Người Nhật có lý do tốt xâm lăng Đông Dương. Họ xâm lăng Trung Hoa năm 1937, mau chóng đè bẹp quân đội vô tích sự Trung Hoa, càn quét không trở ngại suốt Quế Châu đến Mãn Châu. Mặc dầu đạo quân Nhật có xe tăng mở đường tung hoành khắp sa mạc Bắc Trung Hoa và một không lực Thiên Hoàng thống trị bầu trời, người Trung Hoa ngoan cường không chịu khuất phục. Binh sĩ Trung Hoa võ trang lạc hậu, thiếu ăn thiếu mặc, và chỉ huy kém, vẫn tiếp tục chiến đấu trong khi gánh chịu tổn thất lên đến hàng triệu nhân mạng. Nhận ra rằng Trung Hoa sẽ bại trện dễ dàng hơn nếu lương thực, đạn dược duy trì kháng chiến bị cắt đứt tại Đông Dương. Người Nhật cũng cần lương thực từ Đông Dương nếu chỉ phải trả một cái giá vừa phải.
Sau khi Nhật xâm chiếm Pháp tháng Năm năm 1940, chính quyền Pháp ở Đông Dương không còn trông vào yểm trợ của mẫu quốc được nữa. Georges Catroux, toàn quyền Đông Pháp, thỉnh cầu Anh, Mỹ trợ giúp chặn đứng quân Nhật. Ông ta được phúc đáp là phải tự lo liệu. Không khó đến nỗi phải xem bản đồ treo tường ở phủ toàn quyền tại Hà Nội để biết rằng Nhật đã gần ngay ngưỡng cửa. Họ đã chiếm Hải Nam, hòn đảo lớn án ngữ vịnh Bắc Kỳ. Để tỏ thiện chí với Nhật, ông cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Trung Hoa. Nhưng quá trễ.
Sáu ngàn binh sĩ Nhật xâm lăng Bắc Việt vào tháng 9 năm 1940. Vài tháng sau, nhiều ngàn nữa đến từ hướng Nam, vào Sài Gòn bằng xe đạp giống học sinh nghỉ hè. Trước khi họ dựng càng chống xe đạp, Catroux nhận một công điện thông báo chuẩn bị dọn dẹp văn phòng cho vị toàn quyền mới đến thay thế, đô đốc Jean Decoux.
Người Nhật muớn cai trị Đông Dương với giá rẻ, duy trì một nhóm binh sĩ tượng trưng và mặc người Pháp quản trị hành chính. Với mục đích ấy, người Nhật đề nghị một trao đổi khó có thể từ chối: Người Pháp toàn quyền cai trị miễn người Nhật độc quyền quản lý gạo, cà phê, cao su, thiếc, than đá, và kẽm. Chỉ viên thuốc đắng độc nhất là dành một phần lợi tức thuộc địa nuôi dưỡng binh sĩ Nhật ở Đông Dương - giống như mọi chi phí khác đều thâm thủng ngân sách – trung bình 200 triệu đồng một năm.
Ước vọng tiên quyết là giữ cho thuộc địa được toàn vẹn trong chiến tranh, Decoux đồng ý thỏa ước, kéo dài thời gian chờ tăng viện của lực lượng Pháp từ Âu Châu hay Bắc Phi sang. Không phải chỉ ngồi không chờ thời; có một vấn đề nhỏ là lính Thái Lan xâm chiếm một phần vương quốc Lào. Decoux vẫn còn 13 ngàn binh sĩ dưới quyền, cùng với lực lượng nhỏ hải và không quân, cho nên ông có thể phản ứng mạnh hơn là chỉ phản đối suông. Điều khó là ông không thể tốc chiến tốc thắng.
Cuộc chiến kéo dài sang năm sau, cho đến khi người Nhật xem chán mắt và buộc 2 bên đình chiến. Một giải quyết cưỡng bách cắt một dải đất phía Tây Lào cho Thái Lan, 54 ngàn cây số vuông bao gồm một phần tỉnh Sayaboury và tỉnh Bassac. Nhắm vào mục tiêu lớn hơn, Thái Lan rải truyền đơn bên Lào, nhắc đến di sản Thái của người Lào gồm liên hệ huyết thống và lịch sử. Nhiều người Lào đã định cư bên Thái Lan, nhiều hơn người Lào sinh sống trên đất Lào nữa.
Một cách thận trọng, những truyền đơn tảng lờ không giải thích sự chênh lệch dân cư này. Năm 1829, sau những năm chiến tranh giữa 2 nước, Thái Lan xâm lấn Lào, phá tan Vientaine, thiêu rụi các thành phố chính dọc theo sông Mekong. Để chắc chắn Lào mất hẳn mọi đe dọa quân sự, Thái Lan dồn dân Lào nghèo khổ sang bên phần đất Thái Lan phía bên kia bờ sông Mekong. Thái Lan dựng một thành phố gọi là Nong Khai, thẳng bên bờ bên kia đối diện với tro tàn Vientaine, với ý định thay thế cho Vientaine và giữ người Lào trên đất Thái. Nhiều thập niên trôi qua, nhiều người Lào sống bên Thái Lan hơn bên Lào, và con số chênh lệch ấy ngày một lớn. Đến năm 1930, dân số Lào ở Thái lan bằng dân số Thái Lan. Nếu Thái Lan đồng hóa Lào, dân số Lào cả 2 nơi cộng lại, nhiều hơn dân số Thái Lan chính gốc. Đó là điều đáng suy tư của nhiều người Lào.
Đọc tuyên truyền của người Thái Lan như là sự chuẩn bị âm mưu sát nhập Lào sau chiến tranh, Decoux tranh thủ cảm tình người Lào bằng cách xây dựng đường sá, trường học, những toán y tế lưu động đến những miền quê chăm sóc cho dân nghèo. Để ngăn cách Lào với Thái lan, ông phát động phong trào canh tân quốc gia, một chương trình đề cao văn hóa, kích thích lòng tôn trọng tất cả những gì thuộc về Lào. Giai cấp thượng lưu được yêu cầu cởi bỏ bộ âu phục ở nhà, mặc vào bộ trang phục truyền thống, đi lại trên đường phố. Quốc kỳ Lào mang quốc huy con voi 3 đầu được treo khắp nơi. Kịch nghệ nói bằng tiếng Lào, các nhà soạn kịch được khuyến khích sáng tác các đề tài đề cao văn hóa cổ truyền. Vũ công Lào chưng diện mọi thứ trước khán giả ở Vientaine, Thakhek, Luang Prabang, và Savanakhet – mỗi thứ và mọi thứ nhằm tôn vinh sự khác biệt văn hóa Lào và dập tắt ý tưởng nguy hiểm Lào và Thái chung một dòng giống.
Đúng như kỳ vọng, bộ ngực người Lào ưỡn ra vì tự hào quốc gia. Một phần bội thu nằm ngoài kế hoạch là lòng yêu nước quá cuồng nhiệt sinh ra ý tưởng... đòi độc lập từ người Pháp. Một số người bị bỏ tù. Số còn lại trốn sang Thái Lan, nơi đó họ được tuyển mộ vào lực lượng Lào Seri (Lào tự do), một tổ chức của OSS( Office of Strategy Services, tiền thân CIA), nhằm khuấy phá lực lượng Nhật bằng cách biến người dân hiền hòa thành những biệt kích đáng sợ. Để nâng cao tinh thần, OSS rao giảng chủ nghĩa chống thực dân cho các khóa sinh, Lào Seri là thí dụ điển hình,, chỉ củng cố quyết tâm tạo lập một quốc gia Lào độc lập sau chiến tranh.
Thuốc phiện của Hmong.
Đôi khi lợi tức thuộc địa giảm sút. Khi người Nhật ngự trị biển Nam Hải, chấm dứt mọi lưu thông hàng hải giữa Đông Dương và Tây Phương, nguồn cung cấp thuốc phiện từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nuôi dưỡng ngành khai thác độc quyền ma túy của chính quyền thuộc địa cũng theo đó chấm dứt.
Ma túy từ lâu vốn là nguồn lợi của chính quyền thuộc địa. Năm 1902, thuế đánh vào mặt hàng này trên các cửa hàng quốc doanh và các tiệm hút chiếm 1/3 tổng lợi tức quốc gia. Gần 3 thập niên, lợi tức từ thuốc phiện giúp bù đắp những tốn kém không sinh lợi của chính phủ, khuyến khích các nhà đầu tư Âu Châu bỏ ra hàng triệu để phát triển hạ từng cơ sở của Việt Nam. Nhiều ngàn dặm đường rầy xe lửa đã được đặt, hải cảng được nạo vét và xây cất thêm và hệ thống đê điều được phát triển để kích thích thương mại thuộc địa. Những người Pháp giàu có mua ruộng, đồn điền cao su, xưởng tơ sợi và hầm mỏ. Gạo xuất cảng lên gấp đôi, sản xuất cao su tăng gấp 30 lần(3000/100), than đá tăng gấp 4 lần, tất cả cho nguồn lợi của nhà Đoan (Douanes et régies, sở thuế Đông Dương), đánh thuế trên mọi mặt hàng xuất cảng.
Trong lúc nhà cầm quyền không còn trông cậy vào nguồn lợi thuốc phiện đắp vào cán cân chi phó, thuốc phiện vẫn là lưu lượng kim ngạch chủ yếu. Trước thế chiến thứ hai, thuốc phiện chiếm 15/100 tổng lợi tức của nhà Đoan (sở thuế thuộc địa). Chiến tranh chấm dứt nguồn lợi dễ dàng này.Người Nhật cấm tàu bè qua lại khiến việc chuyên chở mua bán ít dần rồi cạn hẳn nguồn cung cấp thuốc phiện gồm 60 tấn nhập cảng hàng năm từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cho 125 ngàn con nghiện Đông Dương.
Từ lâu người Pháp mua thuốc phiện của các cộng đồng Hmong ở Bắc Việt và Lào, nhưng chập chờn trong việc khuyến khích khai khẩn, phát triển thêm vì quá nhiều thuốc phiện Hmong lọt vào thị trường chợ đen, tước đoạt một phần nào độc quyền của chính phủ. Chiến tranh chấm dứt sự do dự này. Mất nguồn cung cấp hải ngoại, chính phủ thuộc địa không còn cách nào hơn là quay sang Hmong bù vào chỗ thiếu. Chỉ có một vấn đề là Hmong không thấy có khích lệ để trồng thêm cây anh túc.
Chính phủ thuộc địa thu hoạch thuốc phiện qua ban thu mua nha phiến, tung nhân viên thu mua đi khắp khu vực gieo trồng thuốc phiện ở Đông Dương. Rất ít người Hmong bán trực tiếp cho ban thu mua này vì giá cả thay đổi tùy theo lượng morphine trong thuốc phiện và sự tùy nghi định đoạt của nhân viên ban thu mua. Nghĩa là Hmong phải chờ vài tuần cho ban thu mua gửi đi thử nghiệm và chỉ được nhận tiền khi có kết quả thử nghiệm. Hmong không biết thuốc phiện của mình gửi đi đâu và trị giá bao nhiêu. Họ không muốn như thế, nhất là ban thu mua không ứng trước một khoản tiền đặt cọc khi thử hàng của họ. Thay vào đó, họ bán cho các trung gian tư nhân, thường là người Việt hay Lào.
Người trung gian trả giá rất gắt. Không hề biết phẩm chất món hàng, hiếm khi họ trả bằng phân nửa giá do ban thu mua ấn định. Hmong có một ngõ tiêu thụ hàng hóa khác là thị trường chợ đen, nhưng một nỗ lực bài trừ buôn lậu ma tuý bắt đầu từ năm 1930 của người Pháp, đã thu hẹp thị trường này.
Cắt khỏi thị trường chợ đen và đối đầu với bọn trung gian trả giá rẻ mạt, Hmong không còn trông vào nghề sản xuất thuốc phiện làm kế sinh nhai nữa. Tất cả Hmong là những nông dân trồng bắp và lúa sau cơn mưa đầu mùa, nuôi lợn gà và một khoảnh vườn nhỏ trồng cây thuốc, rau và gia vị. Thuốc phiện trồng lẫn với bắp chỉ là đặc sản kiếm thêm ít tiền đóng thuế. Để thay đổi bài toán kinh tế này, ban thu mua nha phiến của nhà nước phải trả giá cao hơn, loại bỏ hay rút ngắn thời gian kiểm nghiệm và nâng giá thành của thuốc phiện cao hơn.
Giải pháp này không thể chấp nhận được đối với các viên chức thuộc địa keo kiệt. Thay vào đó họ bổ nhiệm Lyfoung Touby vào ban thu mua (một chức vụ ông đảm nhiệm 8 năm), người Hmong đầu tiên chiếm địa vị này trong “cấm địa” (dịch từ chữ sanctum sanctorum) của chính sách độc quyền nha phiến người Pháp. Nó có thể so sánh với việc chỉ định Douglas Fraser, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân ô tô, vào ban giám đốc hãng xe hơi Chrysler đầu thập niên 1980. Giống như Chrysler hy sinh một số điều tối kỵ hy vọng chiếm được sự cộng tác của Fraser và sự nhượng bộ lương bổng của công nhân, ban thu mua nha phiến thúc đẩy Touby đề xuất một kế hoạch khiến Hmong trồng thêm thuốc phiện mà vẫn không được trả giá cao hơn.
Touby không làm họ thất vọng. Chiến lược của ông là tăng thuế từ 3 lên 8 đồng bạc, ngoài khả năng đóng góp của hầu hết Hmong, cho phép trả bằng thuốc phiện thay vì trả bằng bạc nén. Để bảo đảm Hmong sẽ bán sản phẩm, Touby sắp đặt cho Hmong cấp huyện, xã chịu trách nhiệm thu thuế và được trả huê hồng trên số vượt chỉ tiêu thu được.
Đó là thủ đoạn chính trị khôn khéo. Chỉ một biện pháp nó tạo ra được một hệ thống bổng lộc tưởng thưởng cho sự trung thành chính trị và giải quyết tình trạng thiếu hụt gây điêu tàn trong sổ kế toán nhà Đoan. Dưới sắc thuế mới, thuốc phiện sản xuất tăng lên rất nhiều, và các viên chức thu thuế Hmong, tất cả trung thành với Touby, càng ngày càng giàu có.
Người Pháp thưởng Touby với 2 trường học công lập cho trẻ em, một ở Xiêng Khoảng và một ở Nong Het. Một cách tượng trưng, có trường học là có Hmong. Rất ít trường học ở Lào, và không có trường nào ở miền núi. Những trường hiếm hoi đó chỉ có con cháu người Việt giàu có và giới thượng lưu Lào theo học. Hai trường mới này rõ ràng là một mỹ ý của người Pháp để hội nhập Hmong vào vai trò quan trọng trong tương lai chính trị Lào.
Việc tăng gia khai khẩn thuốc phiện phát triển cái đà tiến của nó. Hmong bắt đầu phá rừng làm rẫy, không chỉ để đóng thuế, mà còn kiếm thêm tiền chi dụng nữa. Năm 1943, tổng số thu mua nha phiến hàng năm, riêng khu vực Đông Bắc Lào, đạt được 60 tấn, bằng với số thiếu hụt trước kia phải nhập cảng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tiền đúc bằng bạc từ ngân hàng Đông Dương đổ vào Lào, một số đến tay nông dân Hmong nhưng phần lớn hơn được bọn trung gian thu mua mang theo, tạo sức sống cho kinh tế. Lạm phát, thường thường là đà sát mặt đất, đột nhiên cao vút lên thượng tầng khí quyển. Giá cả nhu yếu phẩm tăng vọt vượt khỏi túi tiền của thường dân Lào, và nhiều người không thể kiếm đủ cái ăn hàng ngày.
Cô lập từ thương mại vùng đồng bằng, Hmong không bị lây cái nghèo túng do vật giá lạm phát, dù bạc nén tuôn tràn vào làm chao đảo kinh tế. Với sự thu mua vét sạch không chừa tốt xấu, Hmong không coi thuốc phiện là vụ mùa phụ nữa. Năm 1943, lợi tức trung bình Hmong là 470 dollars một năm nhờ vào thuốc phiện. Nếu gặp năm trúng mùa, một nông dân Hmong có thể làm giàu, ít nhất giàu theo tiêu chuẩn của họ. Hàng ngàn nông dân, với trợ giúp của vợ con, bắt đầu dành vài tháng trong năm để làm cỏ trong rẫy, và một tháng nữa để rạch trái thu hoạch nhựa.
Một số ít người có óc kinh doanh, qua khung cảnh lao dịch cực khổ của nông dân, nhìn thấy một viễn ảnh lớn hơn. Yang Youa Tong nhìn thấy mối lợi lớn của thuốc phiện lọt vào tay trung gian người Việt hay Lào chứ không phải nông dân Hmong. Ông ta mượn tiền bà con và chuyển sang làm thu mua trung gian, cạnh tranh với bọn người Việt, Lào vượt núi leo đồi lang thang hết bản làng thu mua nha phiến bán lại cho ban thu mua nhà nước. Không giống bọn đồng nghiệp người Việt, Lào, Youa Tong biết từng xó xỉnh rừng núi. Có rất nhiều thuốc phiện ở những nơi chốn chỉ một mình ông biết. Ngay cả khi phải cạnh tranh đối đầu với người khác, Youa Tong vẫn có lợi. Hmong tin Hmong hơn người lạ.
Việc làm ăn của Youa Tong ngày càng phát đạt. Ông phải nhờ thêm người em tên Chou Teng phụ tá. Con đườnh thu mua của ông gồm hàng trăm cộng đồng từ sông Nam Ngum thẳng đến mép đông cánh đồng chum. Quá nhiều thuốc phiện đến nỗi phải dùng hơn 20 con ngựa thồ để tải hàng. Cuối mùa thu hoạch, nhà của Youa Tong chất từ sàn nhà lên đến nóc những bánh thuốc phiện.
Chỉ vài năm, anh em Yang giàu nhất Hmong ở Lào. Họ cất những nhà sang trọng, nuôi trâu bò và ngựa. Họ là người Hmong đầu tiên có xe hơi. Một xe tải quân đội kềng càng thô kệch. Nó là một biểu tượng giàu có hơn là phương tiện chuyên chở, vì có rất ít đường lộ ở miền núi, và những con đường có thể sử dụng lại không thể đi lại trong mùa mưa. Nhưng đám đông trầm trồ thán phục mỗi khi chiếc xe tải lắc lư, chồm lên chồm xuống trong đám bụi mờ vào mùa khô là cả một hãnh diện vô giá.
Touby cũng giàu nhờ thuốc phiện, chủ yếu qua sự hoàn trả của nhà Đoan (sở thuế). Ông cho vay giúp xây cất vài biệt thự trong tỉnh và mua 2 cái nhà ở Vientaine. Thêm vào sự giàu có, Touby có uy tín, quyền thế với Hmong, vì ông không ngừng nhắc với Hmong rằng sự sung túc của họ ngày nay là nhờ vào chức vị của ông trong ban thu mua nha phiến. Và vì ảnh hưởng của ông với người Pháp, dân Hmong mới có trường học.
Cây thuốc phiện
Biệt kích Pháp xuất hiện.
Tháng Tám năm 1944, lực lượng đồng minh giải phóng Paris, lập chính phủ mới với Charles de Gaulle làm tổng thống. Quá nhiều việc phải làm. Đức quốc xã đã hút kinh tế Pháp đến tận xương tủy. Kỹ nghệ tàn lụi vì thiếu nguyên liệu thô và sự phát hành bừa bãi khiến đồng tiền mất giá. Thay vào giải quyết những vấn đề kinh tế có thể di hại đến cả một thập niên về sau, de Gaulle tập trung vào việc phục hồi niềm tự hào quốc gia đã tan vỡ dưới gót giầy quốc xã. Phương thuốc của ông là dựa vào chiến thắng quân sự ở Âu Châu và tái chiếm các thuộc địa. Sau khi góp quân tham dự cuộc xâm chiếm Đức quốc xã, ông tập trung vào vấn đề Đông Dương.
Trước đó de Gaulle đã phái đại tá Boucher de Crèvecoeur, một cựu chỉ huy của lực lượng Đông Dương, làm việc ở Ấn Độ với SOE (Special Operations Executive, cơ quan công tác đặc biệt về chiến tranh bất quy ước Anh Quốc) Với sự trợ giúp của SOE, nhiệm vụ của Crèvecoeur là nghiên cứu một kế hoạch tổng quát nhằm đưa quân trở lại Đông Dương để tái chếm thuộc địa từ tay Nhật. Kế hoạch nhu sau: SOE cung cấp huấn luyện và tiếp liệu và Crèvecoeur cung cấp binh sĩ từ quân đội Pháp, biệt kích Pháp do Anh huấn luyện sẽ thâm nhập vào Đông Bắc Lào trên Cánh Đồng Chum và hướng Nam vùng cán chảo ( hình thể nước Lào giống hình cái chảo, chuôi trỏ về hướng Nam). Một khi đặt chân xuống địa bàn, họ bắt đầu chiến tranh du kích chống Nhật.
Biệt kích có thêm 2 trách nhiệm: phân phối hàng tấn vũ khí và tiếp liệu trên Cánh Đồng Chum và các điểm khác ở Việt Nam, Lào, Cambidia; và huy động lực lượng dân công bản xứ để làm gấp những phi trường. Trên sơ đồ kế hoạch, một lực lượng khoảng 12 ngàn binh sĩ nhảy dù Pháp, điều động, huấn luyện tại Bắc Phi, chuẩn bị tổng tấn công quân Nhật khắp Đông Dương.
Tháng 11 năm 1944, de Gaulle chuẩn y cho Crèvecoeur bắt đầu “cấy” biệt kích vào Lào. Crèvecoeur đã sẵn sàng nhưng còn lo ngại về sự hợp tác của dân bản xứ. Thắng bại của biệt kích hoàn toàn tùy vào sự giúp đỡ của dân miền núi, đặc biệt là bộ tộc Khmu vùng cán chảo và Hmong vùng Cánh Đồng Chum, Đông Bắc Lào. Chỉ mới đây, lính Pháp đã đè bẹp cuộc nổi dậy của Khmu. Sự kiện này chưa phai nhòa trong ký ức nên việc trông cậy sự hợp tác của Khmu là khó có hy vọng. Nhưng theo thiết tưởng, ít nhất Hmong vẫn có thiện cảm với Pháp và sẵn sàng đứng lên chống Nhật.
Thực ra, Hmong có cảm tính lẫn lộn về phía Nhật. Shiowa (Chiêu Hòa Công Ty) một công ty buôn bán Nhật đặt trụ sở ở Luang Prabang và Thakhek, đều đặn phái người đến Xiêng Khoảng mua thuốc phiện. Nhờ đó giá thuốc phiện tăng cao, Hmong rất hài lòng việc này. Ngay cả Touby (thân Pháp) cũng có lời nhiều, dùng người em tên Tougeu làm trung gian giữa Hmong và người của công ty Chiêu Hòa.
Một công ty thứ nhì có mặt thường xuyên hơn dù ít mang lợi lộc hơn cho cư dân. Nó khai thác mỏ bạc ở Pa Heo. Mỏ Pa Heo thiếu điều kiện an toàn nên khó tìm nhân công. Lính Nhật cưỡng bức dân Hmong từ những làng lân cận đến lao tác. Công việc kéo dài 13 giờ một ngày, ăn uống ngủ nghỉ ngay trong hầm để bảo đảm khỏi trốn. Người Nhật không chú trọng đến điều kiện an toàn nên hầm mỏ bị sụp, chôn sống 200 người. Họ tìm bắt thêm Hmong bù vào số người chết. Lại sụp hầm, lại thêm người chết và tìm người thay thế. Cuối cùng Nhật không tìm thấy một người Hmong nào cả. Dân làng cách đó vài dặm bỏ nhà cửa, di cư lên núi Phu Bia, ngọn núi cao nhất nước Lào, trốn tránh.
Touby nổi giận về cách đối xử tàn nhẫn với Hmong ở hầm mỏ nhưng còn e dè không dám nổi loạn chống lại kẻ thù quá mạnh, ít nhất là không có sự trợ giúp của Pháp. Mọi sự thay đổi đột ngột vào ngày 22 tháng 12 năm 1944 khi 2 oanh tạc cơ B-24 của Mỹ, do phi công Anh điều khiển, cất cánh lúc chập choạng tối ở Ấn Độ thả dù biệt kích Pháp xuống Lào. Biệt kích nhảy dù ban đêm, một nhóm xuống vùng cán chảo, một nhóm xuống Cánh Đồng Chum. Trong vòng 2 tháng sau đó, 8 toán biệt kích Pháp do Anh huấn luyện, cũng nhảy dù xuống 2 nơi trước.
Thời điểm này người Nhật chỉ có một quân số tượng trưng ở Lào. Những đơn vị nhỏ chỉ di chuyển khi phải tiếp tế lương thực đạn dược cho các đồn bót xa xôi heo hút. Biết được biệt kích Pháp thâm nhập, người Nhật củng cố các vị trí ở Lào dùng tiền từ những vụ tịch thu hàng tấn thuốc phiện của con buôn Trung Hoa, bán ra thị trường, mua vật liệu xây cất đồn lũy. Cứ điểm phòng thủ mới mọc lên vùng cán chảo vào tháng Giêng năm 1945. Một tháng sau, phòng tuyến thứ hai mọc lên ở ngoại ô Xiêng Khoảng. Giao thông trên đường 72 giữa Nong Het và Xiêng Khoảng trở nên tấp nập, khi những quân xa Nhật chở binh sĩ tuần hành ở vùng quê truy lùng biệt kích Pháp và canh chừng các hoạt động khả nghi của Hmong.
Biệt kích ở Cánh Đồng Chum không khó tìm. Họ tạm trú trong căn biệt thự bỏ hoang gần đường 7 dẫn vào khu vực. Nhà nghỉ mát này là tài sản của tướng Philippe Leclerc, tư lịnh sư đoàn thiết giáp của quân đội viễn chinh. Vì chỉ một căn biệt thự độc nhất trong khu vực, nó dễ bị chú ý. Trong vòng vài ngày, sĩ quan Pháp chỉ huy vệ binh bản xứ (Garde Indigène) đến gặp toán biệt kích. Không muốn vị khách kế là bọn Nhật, đại úy Serres, toán trưởng biệt kích quyết định bỏ ngôi nhà tiện nghi đó, lẩn vào rừng.
Một trong những vị khách ở ngôi nhà Leclerc là Doussineau, chỉ huy (phó thanh tra) đồn binh Pháp ở Nong Het. Phục vụ nơi này 10 năm, Doussineau biết hầu hết mọi người đáng biết trong khu vực. Ông cũng được lòng Hmong, điều mà sĩ quan tình báo biệt kích, Maurice Gauthier, quan tâm nhất. Gauthier hỏi Doussineau là có thể tin cậy vào sự hợp tác của người Hmong không? Doussineau tin rằng Hmong sẽ giúp và khuyên Gauthier tìm gặp Lyfoung Touby.
Cuối tháng Hai, Gauthier lìa rừng, tìm Touby ở Nong Het. Vì không thuộc đường, ông dừng lại ở Ban Ban để mộ một cựu quân nhân viễn chinh tên Tisserand làm hướng đạo viên. Tisserand không muốn hợp tác. Gauthier móc súng ra nhắc nhở lòng yêu nước. Tisserand dẫn Gauthier đến Nong Het gặp Touby. Với chiều cao 1 mét rưỡi, Touby quen với việc nói chuyện với người Âu Châu có chiều cao khác thường, nhưng lần này thì khác. Gauthier cũng cao khoảng 1 mét rưỡi. Touby có vẽ khoan khoái khi nói chuyện với người da trắng có chiều cao như thế. Touby lắng nghe Gauthier cho biết sẽ có một đạo binh Pháp tới đánh đuổi người Nhật. Touby coi đó là tin mừng, Nếu quân đội Pháp trở lại, ông sẽ trợ giúp với tất cả những gì có thể. Touby noí với Gauthier:” Tôi cùng phe với bạn.”
Touby không hề nhắc đến tiền bạc vì ngại bị đánh giá là quân đánh mướn nhưng tiền bạc quả là vấn đề thực tế. Không tiền nuôi vợ con, Hmong nào lo cho Pháp? Một điều mà Touby cũng không muốn nói trong lúc này là khát vọng độc lập. Chỉ có tiền, vũ khí và viễn ảnh một quốc gia Hmong mới có thể động viên được người Hmong thôi. Gauthier hiểu như thế. Thêm vào đó, cũng một điều Touby không nói ra, đây là một cơ hội giúp cho con đường danh vọng của Touby vút cao, vút cao.
Cải cánh chính trị hậu quả từ cuộc khởi nghĩa Pa Chay làm cho Hmong tăng uy thế chính trị trong tỉnh, vượt xa những sắc tộc thiểu số khác. Nhưng vẫn còn có nơi chưa có trưởng làng, trưởng ấp là người Hmong. Ở những đẳng cấp hành chính cao hơn, chưa một Hmong nào nắm quyền từ khi Lo Blia Yao được cất nhắc làm hạt trưởng một thời gian ngắn ngủi. Không có quận trưởng, và tỉnh trưởng là điều chỉ có trong mơ tưởng.
Với tài năng chính trị, Touby tin rằng tất cả những chức vụ trên đều có thể dành được cho sắc tộc Hmong, dĩ nhiên do Touby chỉ định. Vì nhiều chức vụ phải trả lương, chính quyền Vientaine nhẹ gánh nặng khi chính Hmong trả lương cho người của mình. Thêm vào đó, xã trưởng được chia hoa hồng tiền thu thuế 10/100. Số còn lại được ăn chặn từ cấp cao hơn trước khi giao nộp cho chính quyền. Tình trạng này quá phổ biến, trở thành một tất nhiên hơn là một lên án. Sự nhũng lạm này có thể nuôi sống một tổ chức chính trị, dưới quyền kiểm soát của Touby. Và chính trị giúp cài thêm Hmong vào chính quyền. Và lại có thêm tiền để nuôi dưỡng chính trị v.v... Với Touby, chỉ khi nắm được quyền và tiền làm chất keo gắn bó những chia rẽ, Hmong mới có thể đoàn kết thành một, và viễn ảnh một vương quốc Hmong huy hoàng mới có thể từ từ ló dạng.
Tham vọng Touby muốn có đại biểu Hmong trong chính trị quốc gia để vận động việc dùng ngân sách nhà nước xây trường, mướn thầy cho trẻ em Hmong, để trong tương lai, Hmong có thể tranh đua ngang ngửa với người Lào trong việc tìm công việc tốt và chức vụ tốt trong chính phủ. Ngân quỹ cũng có thể dùng trong việc mở mang y tế, nhà thương cho hàng trăm trẻ em Hmong chết oan vì sốt rét, chứng bịnh nhiệt đới dễ điều trị với y khoa hiện đại. Quan trọng không kém là mở mang hệ thống giao thông, và một cơ sở hạ tầng thông tin nhờ đó có thể hội nhập Hmong vào trong nền kinh tế quốc gia.
Đại biểu Quốc Hội có thể thay đổi cán cân quyền lực. Người thiểu số đông hơn người Lào nhưng lại thiếu cơ cấu chính trị để có tiếng nói. Nếu người thiểu số đoàn kết trong một quyền lợi chung, một đảng phái thiểu số, không chỉ Hmong mà còn Khmu, Yao, Thái núi và các sắc tộc khác, họ sẽ có tư thế tốt hơn để đòi hỏi được đối xử công bằng hơn và một vai trò trong đời sống quốc gia. Touby biết người Lào sẽ không bao giờ chấp nhận các điều này trừ phi bị chính quyền bảo hộ ép buộc. Đó là tại sao việc lấy lòng người Pháp là tối cần thiết.
Trong buổi gặp gỡ, Touby hỏi Gauthier, sĩ quan tình báo biệt kích rằng người Hmong có thể giúp gì. Gauthier có một liệt kê dài. Toán biệt kích có 2 máy truyền tin B-2 chạy bằng pin, rất nặng nề. Vì thế thường phải tháo ra, giao cho 2 người, một đeo máy, một đeo pin dù chỉ di chuyển một quãng ngắn. Mục đích của máy này là dùng để chuyển và nhận tín hiệu Morse nơi xa. Nó giúp biệt kích nhận lịnh và gửi tin cho Crèvecoeur và SOE (tình báo Anh) ở Ấn Độ, nhưng máy này vô dụng trong việc liên lạc gần. Thiếu máy liên lạc vô tuyến dã chiến tầm gần để trao đổi thông tin, toán biệt kích cần có giao liên Hmong thay thế. Toán biệt kích cũng cần hướng đạo thông thuộc đường lối, thông dịch viên, phu khuân vác để di chuyển, cất giấu hàng tấn vật liệu thả dù xuống cách đồng, và một số lớn tay súng du kích chiến đấu với họ chống Nhật.