Chương 6 (tt)

Nấc thang danh vọng của Touby.
Hiến pháp mới của Lào cho phép thiên về hướng tự trị ít nhiều,cho phép người Hmong lần đầu tiên hưởng chút hương vị của quyền lực quốc gia. Cử tri bầu 32 đại biểucho ngành lập pháp đầu tiên. Người Pháp quản lý việc tuyển cử ở Xiêng Khoảng để đảm bảo cho ít nhất một trong các đại biểu phải là người Hmong. Ứng viên đắc cử là em Touby, Toulia. Touby có thể chiếm ghế này nếu muốn nhưng ông thích ở lại tỉnh Xiêng Khoảng, gần gũi hơn với cử tricủa ông trong chức vụ chao muong (quận trưởng)- lại một nhượng bộ nữa của Pháp cho Touby và Hmong trong tỉnh.
Người Pháp ban phát những ơn huệ khác. Tất cả các ruộng đất tốt người Việt Nam bỏ lại thuộc về Hmong, kẻ sẽ mãi là lực lượng chính trị nòng cốt của Touby trong tương lai. Người Pháp cũng thưởng cho Hmong 250 ngàn đồng tiền Phápnhư là tiền bồi thường chiến tranhcho những du kích quân Hmong thiệt mạng trong chiến dịch tái chiếm Xiêng Khoảng. Touby chia phân nửa số tiền cho các trưởng làng trung thành với ông và những người Hmong chỉ huy lực lượng du kích. Phần còn lại, gần 108 ngàn đồng, ông bỏ túi, chẳng những trở thành người Hmong giàu nhất ở Lào, mà còn là một trong số ít ỏi những thương gia, địa chủ, phân phối thuốc phiện giàu có nhất nước.
Ngoài tiền bạc, Touby còn có quyền lực.Biên cương hành chánh quận của ông trải dài giữa Nong Het và thành phố Xiêng Khoảng, ngược hướng Bắc bao gồm Cánh Đồng Chum, đặt khu tập trung dân cư Hmong đông đảo nhất dưới quyền hạn chính trị của ông. Để xứng với địa vị, Touby mở một văn phòng ở thành phố Xiêng Khoảng, gần dinh tỉnh trưởng.
Hàng ngàn người Hmong, hầu hết họ Ly theo Touby từ Cánh Đồng Chum dọn về phía Tây, trên cao nguyên Bắc thành phố Xiêng Khoảng, con số đông đảo nhất tụ họp ở thị trấn Lat Houang nằm bên rìa cánh đồng. Hầu hết thị tộc Ly không còn ở Nong Het nữa, nhường cánh đồng lại cho faydang và họ Lo, thay đổi sự phân phối địa lý ảnh hưởng quyền lực chính trị Hmong. Nong Het trở thành trung tâm tổ chức mọi hoạt động Cộng Sản trong tỉnh. Căn cứ chính trị của Touby, sau này được các chính khách Hmong khác cộng tác, chuyển sang Tây và xuống Nam.
Danh vọng của Touby rất đúng lúc, vì nguồn quyền lực, thuốc phiện, có vẻ sắp mất. Trong thời chiến, Mỹ tạo sức ép với Pháp chấm dứt khai thác Ma túy ở Đông Dương. Pháp bắt đầu thực hiện theo chiều hướng này năm 1946. May mắn cho Touby, Pháp lần lữa vấn đề này suốt 5 năm trời, cho đến khi áp lực quốc tế không thể bị làm ngơ được nữa.. Năm 1951, Ban Thu Mua Nha Phiến ngưng hoạt động. Hai năm sau, Pháp ký kết với Liên Hiệp Quốc thỏa thuận chấm dứt mọi thương mại quốc doanh về ma túy.
Dù Pháp chính thức thôi buôn bán thuốc phiện, họ vẫn lén lút tiếp tục. Hai năm trước khi Ban Thu Mua Nha Phiến đóng cửa, quân đoàn viễn chinh Pháp bắt đầu mua thuốc phiện từ những làng mạc miền núi khắp Đông Dương. Touby là nguời liên hệ chủ yếu. Thoạt tiên ông lo ngại việc thay đổi sẽ thu hẹp thị trường. Từ 1949-1951 quân đoàn viễn chinh mua chỉ một phần nhỏ của Hmong. Nhưng mãi lực bắt trớn từ năm 1951 khi tình báo Pháp thay thế quân đội đảm nhận công việc này và gia tăng việc thu mua. Nguyên nhân không phải vì tiền mà chỉ không muốn Cộng Sản thừa cơ khai thác.Khi mới thành lập quân đội, Hồ Chí Minh chỉ có vỏn vẹn vài ngàn người trang bị tạp nhạp đủ loại: carbines củ của Pháp, súng trường xin của Nhật và sau này là OSS (tiền thân CIA) mua lại vũ khí quốc dân đảng, súng Anh và những thùng vũ khí vớt được từ tàu Nhật bị đánh chìm ở vịnh Bắc Kỳ. Để canh tân quân đội, Hồ cần có tiền. Ông kiếm tiền bằng cách buôn thuốc phiện của Hmong, ở vùng cao Bắc Việt và khu vực biên giới Việt Lào. Càn quét những làng Hmong tịch thu hàng tấn thuốc phiện, Cộng sản bán cho bọn kinh doanh ma túy quốc tế ở Hà Nội. Tiền này dùng để mua vũ khí, đạn dược từ các sứ quân miền Nam Trung Hoa, vũ khí Mỹ viện trợ cho các sứ quân này để ngăn chận sự lớn mạnh của Cộng Sản Trung Hoa. Quân đội Việt Nam mau chóng lớn mạnh thành một lực lượng hơn 100 ngàn binh sĩ, đa số võ trang vũ khí hiện đại.
Đối với người Pháp điều này có nghĩa là mầm mống phiến loạn nẩy nở thành một chiến tranh với kích thước lớn và phí tổn chiến tranh tiếp tục chồng chất. Quân đoàn viễn chinh Pháp cần thêm nhân lực và ngân sách một cách khẩn thiết nh7ng Pháp không muốn cung cấp. Một phong trào phản chiến bắt trớn tại quốc nội. Khuyến khích leo thang chiến tranh không là cách kiếm phiếu của các chính khách Pháp.
Thiếu hụt ngân sách kinh niên, Cao Ủy Pháp quyết định rằng nếu Việt Minh có thể dùng ma túy để điều hành quân đội, Pháp cũng có thể làm giống vậy. Dĩ nhiên nó là việc lén lút. Đã có một tổ chức đảm đương công việc. Lực Lượng Biệt Kích Dù (GCMA, Groupement de Commandos Mixtes Aéroportés), thành lập đầu năm 1950 nhằm tổ chức các đơn vị du kích người miền núi. Trên giấy tờ, GCMA chính thức là một phần của quân đoàn viễn chinh. Trên thực tế, nó được điều hành bởi Ban công tác tình báo đối ngoại và phản gián (SDEC, Service de Documentation Extérieure et du Contre-Espionage), cơ quan tương đương với CIA của Mỹ.
Ngoài vòng kiềm tỏa của quân đội chính quy, biệt kích dù (GCMA) không bị vướng mắc bởi những giới hạn của nghi thức hay lương tâm. Dưới sự chỉ huy của đại tá Grall, tổ chức bí mật đã chứng tỏ óc sáng tạo vượt bực trong việc dùng băng đảng Việt Nam, gọi là Bình Xuyên, theo dõi hoạt động của Việt Cộng vùng châu thổ Cửu Long. Vì thế khó mà ngoài khả năng biệt kích dù không thể điều hành việc buôn bán ma túy, và nó giúp giảm gánh nặng chiến tranh. Theo ước tính của cơ quan tình báo Pháp (SDEC,) Cộng Sản tịch thu đủ số lượng thuốc phiện hàng năm để chi phí trang bị cho một sư đoàn. Nếu Hmong bán thuốc phiện cho biệt kích dù, nó gây thâm thủng tài chánh cho Việt Minh. Thêm vào đó, nó tạo quan hệ thân mật hơn giữa Hmong và biệt kích, tạo điều kiện cho kế hoạch thành lập những đơn vị du kích Hmong ở Lào dưới quyền khiển dụng của biệt kích GCMA, một chiến dịch do thiếu tá Roger Trinquier đảm trách, chỉ huy phó dưới quyền đại tá Grall. Trinquier đã nhận được cam kết của Touby rằng Hmong nhiệt liệt hợp tác, nhưng theo kinh nghiệm, khích lệ vật chất đáng tin cậy hơm quyết tâm. Thuốc phiện là nguồn lợi duy nhất của Hmong. Nếu biệt kích GCMA mua hết sản phẩm thuốc phiện của Hmong, sự hợp tác chắc chắn được bảo đảm.
Trinquier gặp Touby để giải quyết những chi tiết kế hoạch được đặt tên là chiến dịch X. Chủ yếu chiến dịch này là khi nào Touby gom được khoảng 1 tấn thuốc phiện, biệt kích GCMA dùng phi cơ DC-3 chở tới trung tâm huấn luyện biệt kích ở Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu) Nam Việt Nam. Nhân viên GCMA chở số hàng này cho Lê Văn Viễn, giám đốc cảnh sát Sài Gòn, người chuyển nó cho Bình Xuyên.
Phát triển từ một tổ chức lỏng lẻo quy tụ thành phần bất hảo miền sông Cửu Long thành một tập đoàn tội phạm quy mô, Bình Xuyên kiểm soát hầu hết mọi chuyển vận thuốc phiện ở miền Nam Việt Nam. Tập đoàn này làm chủ 2 xưởng tinh chế thuốc phiện ở Sài Gòn và phân phối sản phẩm khắp miền Nam, phần tinh túy dành cho các tiệm bán lẻ và tiệm hút ở Sài Gòn, Chợ Lớn nơi con nghiện tập trung nhiều nhất. Sản phẩm thặng dư bán cho các tập đoàn ma túy quốc tế ở Hồng Kông hay Marseilles.
Bình Xuyên giữ một nửa lợi tức từ thuốc phiện của GCMA gởi qua mạng lưới này và chia một nửa cho GCMA. Trinquier dùng tiền huấn luyện, trang bị cho các tổ chức du kích của mình, dù ông luôn dành một phần đủ để bảo đảm sự trung thành của Touby. Số tiền ấy là 5000 đồnghoa hồng cho mỗi kí lô gram thu mua. Ngoài việc tăng thêm sự giàu có của Touby, chiến dịch X còn tăng cường quyền uy và ảnh hưởng của ông đối với Hmong ngày thêm nhiều đến nỗi các viên chức thuộc địa gọi ông là roi de Méos – vua Hmong.
Cuối năm 1952, GCMA cần Touby vào việc khác, ngoài chuyện thuốc phiện. Tình báo cho biết Pathet Lào thiết lập chính quyền hạ tầng cơ sở khắp tỉnh Sầm Nứa. Kế biên giới về phía Việt Nam, Việt Minh áp đảo những đồn binh Pháp ở Mộc Châu và chiếm cứ thung lũng Điện Biên Phủ, một cửa ngõ vào Lào. Các đơn vị Việt Minh khác tụ họp ở biên giới. Có mọi dấu tích cho một chuẩn bị tấn công lào qua ngả Sầm Nứa. Người Pháp cần tin tức tình báo để theo dõi địch tình, lý tưởng là các tình báo viên địa phương. Hmong của Touby là những ứng viên tối hảo cho công tác.
Không ai khác hơn tướng Raoul Salan, tham mưu trưởng của tư lịnh tối cao Pháp, tìm gặp Touby về vấn đề ấy. Là một kẻ tin tưởng nồng nhiệt vào sự trợ giúp của du kích miền núi, Salan là người chủ yếu trong việc thành lập biệt kích GCMA. Không cần tìm hiểu lâu, Salan nhận ra Touby là một người yêu nước Pháp một cách trung kiên, luôn làm hài lòng người Pháp bất cứ giá nào. Sau buổi gặp gỡ, Salan cho phép Trinquier dùng Hmong theo dõi hoạt động Cộng Sản ở Sầm Nứa và biên giới.
Tướng Raoul Salan
Biệt kích Malo và Servan.
Trinquier chọn đại úy Desfarges làm sĩ quan liên lạc giữa GCMA và Hmong. Một chiến sĩ kỳ cựu thuộc toán biệt kích nhảy dù xuống Cánh Đồng Chum tháng 12 năm 1944, Desfarges sống sót sau cuộc cướp chính quyền của Nhật, bằng cách nhờ Touby giúp tìm chỗ ẩn nấp. Touby giấu Desfarges trong một hang đá cho đến hết thế chiến. Kinh nghiệm tạo tình gắn bó keo sơn giữa 2 người. Khi Desfarges đến thành phố Xiêng Khoảng, Touby ôm ông như 2 anh em thân thiết. Trinquier chọn đúng người.
Desfarges dựng 2 trại huấn luyện diều hành bởi các hạ sĩ quan Pháp, 1 ở Bắc Cánh Đồng Chum, 1 ở Đông. Touby tuyển mộ 200 Hmong cho những khóa sinh thượng thặng của toán du kích mới, đặt tên là lực lượng Malo. Khi cán bộ Pháp huấn luyện Malo Hmong, Desfarges phái trợ tá của ông, trung úy Brehier đến Bắc Sầm Nứa với hướn dẫn viên Hmong và vài nhân viên truyền tin Việt Nam để thành lập toán thứ hai, đặt tên là lực lượng Servan.
Tháng Hai năm 1953, lực lượng Servan đã hoạt động và báo cáo hoạt động Việt Minh ở biên giới. Tư lịnh của 3 sư đoàn xâm lăng này là Võ Nguyên Giáp, một tướng Việt Minh sau này đánh bại Pháp ở Điện Biện Phủ.
Việt Minh xâm lăng.
Chiến thuật của Giáp là không bao giờ tiếp chiến với quy mô lớn trừ phi quân số và hỏa lực vượt trội. Giáp điều động gần 40 ngàn binh sĩ cho cuộc hành quân, mang theo súng cối lớn và đại bác không giật với hàng ngàn dân công mang vác đạn dược và tiếp liệu. Lực lượng ông lớn hơn lực lượng Nhật xâm chiến Miến Điện năm 1942, dễ dàng áp đảo về mặt quân số cũng như hỏa lực của 10 ngàn binh sĩ Pháp đồn trú tại Lào.
Cuộc tấn kích có ý nghĩa chính trị. Giáp muốn lung lạc tinh thần các chính khách ở Paris với một mở rộng chiến tranh sang Lào. Nhằm đạt mục tiêu này, Giáp không cần giữ đất và cố thủ chống phản công.Sau khi gây tổn thất tối đa, Giáp sẽ rút về Hà Nội càng sớm càng tốt. Cơ may những sư đoàn của ông đè bẹp quân đội Pháp, tạo cơ hội cho một tấn kích các thành phố lớn, ông sẽ không bỏ lỡ cơ hội trước khi triệt thoái.
Giáp nắm yếu tố thời tiết và tiếp vận. Cuộc xâm lấn được chọn vào đầu mùa mưa khiến quân Pháp sa lầy, không thể truy kích hiệu quả khi họ bắt đầu rút lui. Để duy trì tiếp vận, Giáp dự trữ vũ khí, đạn dược ở thị trấn biên giới Mộc Châu, chiếm được của quân Pháp trước đó. Bên trong Lào, cán bộ Cộng Sản đã trưng thu gạo của dân làng và cất giữ trong các binh trạm dọc theo 3 mũi chuyển quân của 3 sư đoàn.
Theo kế hoạch, sư đoàn 312 đi dọc theo sông Nam Ou về phía Luang Prabang. Sư đoàn 308 tiến song song với 312 dẫn đến mép tây Cánh Đồng Chum. Mục tiêu sư đoàn 316 là thanh toán quân phòng ngự Sầm Nứa rồi tiến đến mép Đông Cánh Đồng Chum. Khi 2 sư đoàn 308, 316 đến mục tiêu, họ sẽ chuyển thành gọng kềm tiếp cận lực lượng Pháp ở cánh đồng.
Mặc dù chiến dịch điều nghiên tốt, Giáp không biết toán biệt kích Servan của trung úy Brehier thám sát lực lượng của ông ngay khi xâm nhập vào đất Lào. Tin tình báo cung cấp cho Pháp biết trước mọi biến chuyển để kịp thời tổ chức phòng thủ.
Mới bắt đầu cuộc chiến, sư đoàn 312 của Giáp gặp phải chống cự dữ dội không ngờ của một tiền đồn ở Muong Khoua, nơi một sĩ quan Pháp chỉ huy 300 binh sĩ Lào. Đồn binh không chịu bỏ cuộc. Sau 3 ngày tấn công biển người, đồn trại vẫn giữ vững. Sư đoàn băng qua đồn tiếp tục tiến, để lại một lực lượng kết liễu Muong Khoua. Trận đánh mất thêm 33 ngày nữa. Đồn Muong Khoua cuối cùng bị hủy diệt bởi trận mưa trọng pháo, giã nát các công sự phòng thủ. Chỉ 3 người sống sót và bị bắt làm tù binh.
Lực lượng phòng ngự ở Sầm Nứa có vẻ chung một số phận. Những ngọn đồi dốc cao bao bọc xung quanh đồn. Đại tá Maleplatte và 3 tiểu đoàn bộ binh Lào nằm gọn trong tay địch nếu Việt Minh chiếm lĩnh các đỉnh cao. Trên máy vô tuyến, Maleplatte biết 20 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 316 đang tiếp cận. Bộ tư lịnh tối cao Pháp ra lịnh Maleplatte phá hủy các chiến cụ nặng, mở đường máu rút về Cánh Đồng Chum. Trên đường lui quân, Maleplatte giữ liên lạc với biệt kích Servan, Họ sẽ mở đường dẫn đoàn quân về cánh đồng.
Khi Maleplatte tiến xuống hướng Nam, 1 trung đoàn Việt Minh, tăng cường bởi những thành phần Pathet Lào, cấp tốc tiến về Muong Peune tổ chức phục kích. Khi Maleplatte lọt bẫy, đội hình của ông bị tấn công tứ phía. Các binh sĩ đánh cận chiến. Sau khi mất một nửa quân số, Maleplatte vượt thoát.
Maleplatte chỉnh đốn hàng ngũ trên đồi và tiếp tục tiến xuống hướng Nam. Trung úy Brehier và biệt kích Servan cuối cùng tiếp xúc với Maleplatte ngày hôm sau. Hmong quen với địa hình hơn Cộng Sản, nhưng vì quá nhiều thương binh, cuộc rút quân rất chậm. Trong 3 ngày, Việt Minh đuổi kịp. Lại đánh lớn và nhiều thương vong. Kẻ sống sót tản mác khắp nơi. Hmong Servan chỉ tìm được 200 người, đó là tất cả quân số còn lại của một lực lượng 2400 người rời Sầm Nứa chỉ vài ngày trước. Hmong đưa những người sống sót đến Cánh Đồng Chum an toàn.
Phối hợp với trục tiến xuống Nam của sư đoàn 316, Faydang dẫn một toán quân hầu hết họ Lo vượt biên giới về thành phố Xiêng Khoảng. Chỉ vài ngày trước, 5 tiểu đoàn Pháp đồn trú tại thành phố tỉnh. Bây giờ họ không còn ở đấy. Tướng Salan điều họ tới mép Tây cánh đồng làm lá chắn ngăn chận sư đoàn 308, mà Salan nghĩ sẽ thọc sâu xuống thủ đô Vientaine(ông nghĩ sai.) 5 tiểu đoàn đã bỏ trống Xiêng Khoảng, Faydang chiếm thành phố dễ dàng. Chiến thắng ấy chỉ ngắn ngủi.
Sự di chuyển 5 tiểu đoàn chỉ là một phần trong cuộc điều động cuồng loạn của Pháp. Salan và bộ chỉ huy cùng chung ý nghĩ của Giáp rằng cuộc xâm lấn thành công sẽ làm quần chúng Pháp chống chiến tranh. Nếu địch quân không bị đẩy lui một cách thảm hại, việc tiếp tục chiến tranh sẽ là điều không tưởng. Tướng Albert Sore chỉ huy không vận binh sĩ, xe tăng, trọng pháo, tiếp liệu Pháp bất kể ngày đêm từ Hà Nội và Sài Gòn đến phi trường lót vỉ sắt ở Cánh Đồng Chum. Từ một nơi bất ngờ nhất, ông nhận được sự giúp đỡ. Chính phủ Eisenhower tặng 6 vận tải cơ C-119 cho cuộc không vận, mỗi phi cơ lái bởi phi công do CIA muớn.
Trong vòng 1 tuần, 10 tiểu đoàn gồm 12 ngàn binh sĩ được không vận đến Cánh Đồng Chum; trọng pháo được bố trí và hàng rào kẽm gai giăng quanh tuyến phòng thủ. Trong khi Pháp chờ những sư đoàn Cộng Sản đến, tướng Sore điều 4 mũi nhọn bộ binh, cùng với biệt kích Malo của Touby, để trục xuất faydang ra khỏi thành phố Xiêng Khoảng. Faydang và đồng bọn chạy về biên giới.
Sore cũng phái binh sĩ leo lên những ngọn đồi quanh cánh đồng thu mua thuốc phiện trước khi Việt Minh thu đoạt. Ông tin rằng động cơ thứ nhì của cuộc tấn công là chiếm đoạt nguồn cung cấp thuốc phiện ở những làng trong khu vực. Ức đoán của Sore không phải không căn cứ. Việt Minh vẫn lệ thuộc nặng nề vào nguồn lợi thuốc phiện để theo đuổi chiến tranh và rất muốn nắm quyền thu hoạch vụ mùa hàng năm này. Số lượng dồi dào nhất ở trong các làng quanh Cánh Đồng Chum.
Ngày 13 tháng Năm năm 1953, 2 sư đoàn Việt Minh, 308 và 316 đến, thọc sâu vào cánh đồng và lọt vào trong trận địa pháo của Pháp. Mặc dầu tổn thất hết sức nặng nề, Việt Minh cũng tiếp cận được tuyến phòng thủ của Pháp. Quân Pháp giữ vững trận địa, đẩy lui các đợt tấn công biển người. Sau khi kiểm điểm tổn thất, nhận ra 2 sư đoàn có nguy cơ bị diệt sạch, Cộng sản rút lui khỏi cánh đồng.
Tuy nhiên, xa hơn ở hướng Tây, sư đoàn 312 vẫn nguyên vẹn và gây tác hại. Đến cuối tháng, 312 đã tiến đến gần đế đô Luang Prabang. Mất 2 ngày quân Pháp không vận trọng pháo và 3 tiểu đoàn Lê Dương đến nghênh địch. Salan lo ngại lực lượng 3 tiểu đoàn không đủ sức phòng thủ đế đô và khuyên vua Sisavang Vong lánh nạn. Đức vua từ chối. Ông được bẩm báo rằng mọi sự sẽ ổn thỏa. Pho Satheu, một nhà sư mù nổi tiếng bói toán, tiên đoán rằng Cộng sản Việt Nam sẽ không thâm nhập thành phố. Cuối cùng, vị sư này đúng. Trời bắt đầu vào mùa mưa, mưa đầu mùa thường tầm tã. Đường dẫn đến kinh đô lầy lội, làm chậm bước tiến quân Việt Minh. Đã mất 2 sư đoàn, Giáp sinh hoảng sợ, ra lịnh sư đoàn 312 triệt binh, lui về Việt Nam.
Hổ tướng Vàng Pao.
Trong cuộc xăm lăng, một đại đội thuộc quân lực hoàng gia Lào (RLA, Royal Lao Army), đại đội 14, đồn trú tại Muong Hiem, Bắc cánh Đồng Chum, nằm ngay trục tiến quân của sư đoàn 316 Việt Minh. Vientaine chỉ thị chỉ huy trưởng đồn, đại úy Cocosteguy cố thủ, cầm chân địch. Cocosteguy ra lịnh đào chiến hào và chờ quân Việt Nam xuất hiện trên đồi. Lính Pháp từ những vị trí tiền phương đang rút lui trước sức tiến của Việt Minh, bắt đầu đến đồn từng nhóm, kiệt sức vì đường xa không nghỉ. Một oanh tạc cơ B-26 xà thấp bay về hướng tiến quân của Việt Minh. 10 phút sau, 4 trực thăng bay ngang qua quân trú phòng cũng hướng ấy.
Cocosteguy ra lịnh binh sĩ chuẩn bị chiến đấu. Trong lúc chờ đợi, tin vô tuyến cho biết Nong Het, Xiêng Khoảng, Muong Ngat đã thất thủ. Trực thăng lại xuất hiện, lần này từ hướng trận chiến, chở các binh sĩ bị thương. Trực thăng hạ cánh, ngừng chờ chuyển thương binh, bay trở lại chiến trường tiếp tục tải thương. Một giờ sau, một máy bay trinh sát hạ cánh xuống phi trường trong trại, mang theo những binh sĩ bị thương. Một trực thăng tiếp theo với 5 người bị thương nữa, tất cả đều là sĩ quan.
Trước khi sập tối, Cocosteguy nhận một tin vô tuyến từ bộ tư lịnh quân lực hoàng gia ở Vientaine. Đó là hung tin. 15 tiểu đoàn Việt Minh tiến thẳng hướng Muong Hiem. Cocosteguy được lịnh bỏ đồn khi vài người Việt Nam, có lẽ toán trinh sát, bị phát hiện di chuyển trên đồi. Cuộc triệt thoái bắt đầu lúc trời tối. Trước lúc khởi hành, Cocosteguy đốt đèn và thổi kèn giờ cơm tối, gieo ấn tượng chuẩn bị đi ngủ. Người Việt Nam không phát hiện mưu kế này cho tới sáng hôm sau.
Trong đại đội 14 chỉ có một sĩ quan duy nhất người Hmong, 1 trung úy trẻ tên Vang Pao. Vì ông là binh sĩ duy nhất am hiểu địa hình khu vực, Cocosteguy chỉ định ông dẫn đầu đại đội trên đường lút lui. Ngày thứ hai Vang Pao lìa con đường mòn thung lũng và dẫn đại đội vào núi. Ông phái thám báo tìm một làng Hmong, thu thập tin tức địch quân và mang về thực phẩm.
Trung úy Vàng Pao
Sĩ quan Pháp không quen trèo núi như dê rừng. Chỉ vài ngày họ mệt gần chết. Cocosteguy khăng khăng muốn đi xuống thung lũng cho dễ đi. Ngược với sự phán đoán tốt hơn của mình, Vang Pao tuân lịnh. Ngay sau đó họ bị phục kích. Binh sĩ Lào bỏ vũ khí vỡ chạy. Sĩ quan Pháp theo Vang Pao và Hmong trở lên núi. Sau một ngày leo núi vất vả, Cocosteguy kiệt sức không thể đi được nữa. Vang Pao để vị chỉ huy của mình tại một làng Hmong dưỡng sức và tiếp tục dẫn quân về Cánh Đồng Chum. Vài tuần sau, Cocosteguy cũng về tới. Họ gặp nhau ở Cánh Đồng Chum. Nó không phải cuộc trùng phùng vui vẻ vì đại đội 14 được lịnh giải thể.
Cuộc sống mới của biệt kích Malo, Servan.
Trước khi lui quân về Việt Nam, Giáp lưu lại vài ngàn binh sĩ ở Sầm Nứa tạo cơ sở lâu dài cho những cuộc xuất chinh tương lai. Làm việc chung với cán bộ Pathet Lào, người Việt Nam cưỡng bách hàng ngàn người Thái, Khmu gia nhập quân đội Pathet Lào. Họ định tuyển mộ người Hmong nhưng Hmong trốn quân dịch bằng cách bỏ làng. Cộng Sản túng thế, bắt thêm người Thái, Khmu bù vào chỗ thiếu. Có thêm nhiều tân binh, Pathet Lào di chuyển từ núi sang núi, tạo lập theo kiểu từng mảnh, từng mảnh cho đến khi hoàn tất bộ máy chính quyền, kiểm soát cả tỉnh.
Để chống lại Cộng Sản, Desfarges ra lịnh cho Brehier trở lại Sầm Nứa dưỡng quân, tái huấn luyện và bổ sung quân số cho biệt kích Servan. Brehier nhảy dù xuống tỉnh Sầm Nứa vào tháng Mười. Cùng với ông là 7 trung sĩ và 50 Hmong đã thụ huấn khóa biệt kích nhẩy dù cao cấp ở Hà Nội. Brehier lập một bộ chỉ huy mới trên núi Phu Pha Thi, một ngọn núi phẳng trên đỉnh, cao 5000 bộ đo từ thung lũng. Sau khi mọi việc ổn thỏa, ông chia 50 Hmong thành nhiều toán tuyển mộ tân binh. Trong vòng 2 tháng, họ có gần 1000 tình nguyện quân.
Phát triển mau chóng này cần đến việc tiếp tế thường xuyên vũ khí và hàng tấn gạo thả dù trên đỉnh Pha Thi. Vũ khí dành cho du kích. Gạo dành cho gia đình của họ và những làng như là thù lao cho sự cộng tác quân dịch. Brehier chọn 90 du kích, hầu hết là trưởng toán và truyền tin, đưa sang Việt Nam thụ huấn thêm về quân sự chuyên môn và nhẩy dù ở trại biệt kích GCMA, Cap St. Jacques.
Khi các khóa sinh trở về, Brehier bắt đầu hành quân ráo riết. Ông chia biệt kích thành 3 nhóm ở những vị trí riêng rẽ. Từ 3 căn cứ này, biệt kích Servan tỏa ra, tuần tiễu không ngừng. Họ tiêu diệt một số Pathet Lào và trục xuất số còn lại ra khỏi khu vực. Áp lực quá mạnh khiến Cộng Sản dời bộ chỉ huy từ Sầm Nứa đến những hang động dễ phòng thủ hơn, ở Vieng Sai gần đó.
Không chịu kém, Desfarges thúc đẩy nỗ lực của ông phát triển Malo ở Xiêng Khoảng. Trợ tá của ông, trung úy Max Mesnier, cất 6 trại huấn luyện mới quanh mép Đông Cánh Đồng Chum. Tổng cộng, 2000 Hmong mãn khóa thụ huấn. Giống Brehier, Desfarges dùng họ nhở bật gốc Pathet Lào mưu đồ đặt căn cứ trong tỉnh.
Quân số đông đảo của Malo khiến Desfarges có thể san sẻ bớt lực lượng của ông sang lực lượng chính quy và thiết lập một trại huấn luyện cấp chuyên môn ở Kang Khay trên cánh đồng. Đại úy jean Sassi, chỉ huy trại chia những lớp học thành các nhóm 100 người. Mỗi nhóm có trưởng toán, do Sassi chỉ định từ các khóa sinh xuất sắc. Một trong số các trưởng toán này là Vang Pao, gia nhập biệt kích Malo chỉ vì đơn vị của ông, đại đội 14 trong quân lực hoàng gia Lào, đã bị giải thể.
Trở lại trại huấn luyện Vũng Tàu (Cap St. Jacques), Trinquier nghiên cứu sự tiến triển của Malo-Servan và nhận định kế hoạch phát triển biệt kích này là một thành công rực rỡ. Hai lực lượng biệt kích quy tụ hơn 3000 binh sĩ. Ở hướng Bắc, Servan kiểm soát một địa bàn 600 dặm vuông. Hướng Nam quanh cánh Đồng Chum, Malo bức Pathet Lào rút lui toàn bộ.
Touby ở Vientaine.
Đối với hàng ngàn Hmong ở Sầm Nứa, sự phát triển biệt kích Servan đến quá trễ. Đời sống dưới tay Pathet Lào (đa số người Khmu và Thái là chính ủy) không thể kham nổi. Bỏ phiếu bằng chân, Hmong tràn ngập Xiêng Khoảng, kể chuyện tịch thu gia súc, thuốc phiện, cưỡng bách lao động. Trên mọi cửa miện là những lên án Cộng Sản làm nhục phụ nữ. Các chính ủy đội ngũ hóa các thiếu nữ trẻ đẹp thành những ban tuyên huấn, đi từ làng này qua làng khác rao giảng về sửa sai chính trị. Trên đường, ủy viên và lính Pathet Lào hãm hiếp các cô gái thỏa thích.
Touby hân hoan tiếp nhận người tị nạn. Mỗi Hmong chuyển sang chống Cộng vì áp bức của Pathet Lào nới rộng cơ sở chính trị của ông. Nhưng để duy trì lòng trung thành, của họ, ông phải cung cấp các chứng cớ cụ thể về sự chính đáng dưới sự lãnh đạo của mình trong quận: thêm trường học cho trẻ em Hmong, nhà thương cho người bịnh và ruộng tốt cho nông dân.
Sự việc có lẽ dễ dàng hơn nếu ông thể hiện ảnh hưởng ở tầm nức quốc gia. Năm 1947, cải cách hiến pháp cho đất nước thể chế dân chủ nhưng người thiểu số vẫn bị loại ra khỏi đời sống chính trị. Nhờ sự bảo trợ của Pháp, chỉ có một người Hmong làm đại biểu Quốc Hội (em của Touby).Để yên với tính trì trệ, hệ thống chính trị sẽ tiếp tục thiên vị về phía người Lào, đặc biệt cho hoàng tộc, giới quý phái mang dòng máu hoàng gia của 3 vương quyền: Luang Prabang, Champassak và Vientaine.
Touby hoạch định dùng ảnh hưởng của mình với Pháp để buộc giới quý tộc Lào chấp nhận cải tổ: đối xử bình đẳng với mọi sắc tộc có hiến pháp bảo đảm, quyền tham chính của người thiểu số và cải cách tuyển cử thêm cơ hội cho người thiểu số góp mặt trong Quốc Hội. Nó là một chiến lược không khác với cách của các chính khách da đen ở Mỹ thời 1950-1960. Bị cấm bởi chính sách bầu cử ở những tiểu bang miền Nam, nơi đa số người da đen sinh sống, và không thể dùng lá phiếu để chấm dứt nạn kỳ thị hay để thăng tiến đời sống, các lãnh tụ da đen dựa vào sự bảo trợ và ủng hộ của các chính khách cấp tiến miền Bắc nước Mỹ trong công cuộc xóa bỏ kỳ thị và mở rộng hệ thống chính trị mọi khu vực khắp nuớc. Người Pháp là lực lượng cấp tiến miền Bắc của Touby.
Vận động cho quyền dân sự của người thiểu số chỉ là bước đầu. Một khi Thái, Hmong, Khmu, yao và các sắc dân khác được bao gồm trong tiến trình chính trị, những lãnh đạo của họ có thể dùng sức mạnh lá phiếu để mặc cả với Vientaine. Vấn đề có thể là chức vụ trong chính quyền, hay những vấn đề ít riêng tư hơn như mở đường giao thông, trường học, nhà thương ở cao nguyên. Cuối cùng, các lãnh đạo thiểu số với viễn kiến có thể vượt lên trên những tranh đấu quyền lợi sắc tộcthành liên minh các sắc dân thiểu số, thành lập một đảng phái quốc gia.
Như một bước theo hướng này, Em Touby, ông Toulia vận động Quốc Hội để thay đổi danh xưng các công dân. Bất kể sắc tộc, người sống ở đồng bằng gọi là Lào Lum (Lào Lùm), người sơn cước miền núi gọi là Lào Suong(Lào Sủng) và người sống trên vùng cao hơn gọi là Lào Theung(Lào Thơng). Đó là cách khôn khéo sáng tạo một bản sắc chung cho các nhóm chủng tộc đa dạng mà theo truyền thống, họ coi nhau như kẻ thù. Một cách dễ hiểu, sắc tộc Lào chống đối vì họ không muốn ai bằng mình. Nhưng người Pháp ủng hộ và vận động thông qua dự luật này.
Luật đặt tên, phân loại đã thành hình, Touby bước thêm một bước thử nghiệm về phía xây dựng sự liên hệ giữa các chính khách thiểu số. Vài trưởng làng Khmu bị giam ở Luang Prababngcan tội chống tham nhũng trong tỉnh. Các viên chức đại biểu Khmu không góp mặt trong các chức vụ hành chánh, các thương gia nổi tiếng ở Luang Prabang chưa bao giờ đặt chân vào cộng đồng Khmu. Các trưởng làng Khmu đã đến Luang Prabang khiếu nại, đòi hỏi các thương gia phải được thay thế bằng người Khmu. Nhà chức trách nổi giận, tống giam các đại diện Khmu.
Touby thuyết phục các viên chức Pháp can thiệp để phóng thích những người ấy. Ông cũng ép cải tổ theo ý Khmu. Như vậy là đòi hỏi nhiều quá và sớm quá. Các viên chức vắng mặt vẫn còn tại chức. Nhưng Khmu được thả khỏi tù và mang ơn Touby. Sự kiện này tạo niềm giao hảo giữa Touby và các quý tộc Khmu trong tỉnh.
Touby không phải một mình trong cuộc vận động cho người thiểu số góp phần trong cán cân quyền lực quốc gia. Cộng Sản cũng có ý tưởng ấy. Họ ra sức chiêu mộ các bộ tộc Thái núi, Khmu, Yao, Hmong... Bị loại khỏi đời sống chính trị quốc gia và là đối tượng của thành kiến, người thiểu số đã chín mùi trong việc sẵn sàng tham chính.
Touby mưu định đánh bại Cộng Sản bằng cách trải rộng quyền lực Hmong để đạt được tiếng nói trong chính phủ, không chỉ đại biểu cho Hmong mà còn cho tất cả người thiểu số. Dĩ nhiên điều này có thể xảy ra chỉ với sự bảo bọc của Pháp và quyết tâm dùng sức mạnh quân sự ngăn chận Cộng sản cướp chính quyền.
Mưu tính của Touby bị đảo lộn khi Bắc Việt đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ, buộc ông quay sang nhờ cậy Mỹ. Sự đổi từ Pháp sang Mỹ khó hơn ông tưởng. Thành công thực sự của ông là sự giao hảo với các nhà truyền giáo Mỹ hơn là các cá nhân có thẩm quyền – các nhà ngoại giao, CIA, tùy viên quân sự... những kẻ đảm trách tương lai Lào.
Các nhà truyền giáo Công Giáo đã ở Lào từ năm 1642, loay hoay hết thập niên này đến thập niên khác tìm bổn đạo mà không thành công. Một nhóm đặc biệt 14 người đến Bắc Lào năm 1878 để tìm hiểu nguyên nhân. Cuộc hành trình là một tai họa. Tất cả mọi tu sĩ chết vì bịnh hay bị thổ phỉ tấn công. Cuối thế kỷ công cuộc truyền giáo đạt được một vài tiến triển nhỏ bằng cách mua lại nô lệ Lào bên Thái Lan (thiểu số Lào bị Thái Lan bắt sang làm nô lệ) và mang về Thái Lan. Tất cả được trả tự do.
Những nô lệ được trả tự do là những bổn đạo tân tòng đầu tiên. Sau đó lại không có gì khả quan hơn. Người Lào theo đạo Phật từ lâu đời. Họ không đổi sang Công Giáo. Các tu sĩ quay sang người thiểu số nhưng cũng thất bại chua cay. Cuối cùng chỉ có di dân Việt Nam do người Pháp mang lại định cư ở các thành phố chính, hầu như tất cả đều là Công Giáo lâu đời nên đó không phải công lao của các nhà truyền giáo bên Lào.
Để thay đổi tình thế, năm 1934 Đức Giáo Hoàng Pi Ô XI giao phó tất cả Bắc Lào cho dòng Tận Hiến của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Nếu Giê Su là thủy quân lục chiến của giáo hội Công Giáo thì Tận Hiến là người nhái của giáo hội. Khi mọi sự đều thất bại thì Tận Hiến nhập cuộc.
Jean-Henri Mazoyer (vị giám mục can can thiệp cho Touby khỏi bị hành quyết bởi quân Nhật ở Nong Het), là người đầu tiên dòng Tận Hiến. Sau đó ông hăng say công tác truyền giáo cho người miền núi suốt một thập kỷ. Ông lập một văn phòng truyền giáo ở Nong Het và sau này cất một trường học cho trẻ em Hmong.
Từ lúc đầu, Mazoyer nhờ Touby giúp truyền giáo. Touby muốn hợp tác, mong dùng vị giám mục làm mạnh địa vị của mình với các viên chức thuộc địa và đòi hỏi thêm trường học cho Hmong. Ngoài việc là một tu sĩ nhiệt thành, Mazoyer còn là một người Pháp cực đoan, một đức tính rất hợp ý thống sứ Vientaine, viên chức Pháp cai trị Lào. Biết rằng Mazoyer được lòng quan thống sứ, Touby tiếp nhận việc truyền giáo ở Nong Het., vận động một trường học Công Giáo và khuyến khích Hmong theo đạo.
Mặc dầu được khuyến khích của Touby, chỉ có vài Hmong chịu phép rửa tội. Các giáo sĩ của Mazoyer một cách tế nhị tôn trọng thờ cúng truyền thống và các ngẫu tượng, phải mất 10 năm tu học, một người Hmong mới tựu chức trợ tế và thêm 8 năm nữa mới thành một chủ tế. Không Hmong nào thụ phong linh mục. Điều Thiên Chúa giáo cần hiểu, Hmong cần giáo sĩ Hmong, có lẽ những cựu pháp sư trong làng. Những pháp sư là tôn giáo cốt lõi và biểu tượng văn hóa của xã hội Hmong, kẻ chữa bịnh theo truyền thống và thần thoại, sử gia ghi chép biến chuyển của chủng tộc. Chỉ có họ mới có thể du nhập vào thế giới huyền bí, chữa bịnh và dẫn dắt linh hồn người chết vào nẻo tái sinh. Quyền lực của pháp sư gắn bó với văn hóa Hmong hàng ngàn năm. Không dễ mà có thể bỏ hay thay thế bằng những người Pháp mặc áo linh mục.
Với quá ít tân tòng, Touby chỉ có thể nài nỉ được một trường học từ Mazoyer. Vì mối liên hệ giữa Mazoyer với viên thống sứ ( Résident Supérieur, thống sứ cai quản cả nước, công sứ cai quản 1 tỉnh), Touby tiếp tục giúp đỡ dòng Tận Hiến, ít nhất cho đến năm 1950 khi giám mục Etienne Loosdregt thay thế Mazoyer. Tuy là người Pháp giống Mazoyer, Loosdregt trung thành với giáo hội La Mã hơn, nên không thân thiết với viên thống sứ. Loosdregt cũng không quan tâm đến việc mở trường mới ở Xiêng Khoảng. Vì Loosdregt không có gì Touby muốn, Touby bỏ rơi Công Giáo và quay sang Tin Lành.
Có một cơ quan truyền giáo Tin Lành ở Xiêng Khoảng từ năm 1939, khi gia đình Whipples, một tón truyền giáo cũng là một cặp vợ chồng, mở một trụ sở truyền giáo nhỏ ở thành phố Xiêng Khoảng. Nhắm vào sắc tộc Lào, whipples giảng đạo không mấy hiệu quả. Vì Nhật chiếm đóng, Whipples bỏ công tác truyền giáo năm 1943, về Mỹ. Nhưng sau chiến tranh, năm 1949, một cặp vợ chồng khác, Ted và Ruth Andrianoff, đến thành phố Xiêng Khoảng nối lại công tác truyền giáo, nhưng lần này nhắm vào Hmong.
Trong vòng 1 năm, gia đình Andrianoff có một tân tòng đầu tiên, một pháp sư từ thị tộc Moua tên là Yao Thao. Vị pháp sư này dâng cả làng cho gia đình Andrianoff và tiếp tục rao giảng đức tin. Một pháp sư thứ nhì, một phụ nữ cũng gia nhập phong trào và thành một nhà truyền giáo nhiệt thành. Đến cuối năm, gia đình Andrianoff có hơn 1000 bổn đạo. Gia đình Andrianoff đánh điện xin phụ tá. Những nhà truyền giáo khác đến cất trường dạy giáo lý ở thành phố Xiêng Khoảng, đào tạo các thuyết giảng viên đi các nơi phục vụ và cứu rỗi các linh hồn.
Gia đình Andrianoff nắm được bí quyết truyền giáo cho Hmong: chấp nhận ngẫu tượng tôn giáo Hmong, pháp sư và dùng họ như đặc sứ của Chúa. Túng quẫn cũng đẩy họ vào đúng hướng. Vì thiếu ngân sách, họ bất đắc dĩ dùng Hmong làm giảng viên giáo lý chăm lo cho khối tín đồ ngày mỗi đông đảo. Bằng cách vay mượn tôn giáo truyền thống Hmong qua các pháp sư, biến họ thành các mục sư Tin Lành, gia đình Andrianoff có điều kiện thành công hơn Mazoyer.
Chỉ có một khuyết điểm là vấn đề phẩm chất. Các nhà truyền giáo không biết các mục sư Hmong rao giảng những gì ở những nơi thâm sơn cùng cốc, cách biệt hẳn trung tâm truyền giáo ở thành phố Xiêng Khoảng. Mê tín dị đoan là điều không thể tránh khỏi. Ý tưởng một Chúa có đến 3 ngôi được hiểu một cách kỳ cục khi 3 pháp sư Hmong, tự nhận mình là 3 ngôi, Cha, Con, Thánh Thần) và khoe mình thủ đắc quyền lực siêu nhiên, kể cả khả năng bay như chim. Một trong 3 ngôi leo lên núi biểu diễn và tử nạn, lên thiên đàng ngay lập tức.
Touby dồn mọi nỗ lực ủng hộ công việc Andrianoff, Ông chọn Moua Yao Thao, bổn đạo đầu tiên làm cố vấn tâm linh cho riêng ông, học phúc âm với một nhà truyền giáo tên Gustafson, cùng với 300 tín hữu sùng đạo thường xuyên dự lễ ở nhà thờ mỗi Chủ Nhật và khuyến khích Hmong theo đạo Tin Lành. Nhiều người hưởng ứng. Đến năm 1957, báo cáo mục vụ đếm được gần 5000 bổn đạo Hmong thực sự theo đạo. Các nhà truyền giáo coi sự ủng hộ của Touby là một thành công vĩ đại nhất.
Sự ủng hộ của Touby không phải là vấn đề niềm tin tôn giáo cá nhân. Một khi ông nhận thấy nhiều Hmong tham gia phong trào, ông dùng mọi cách để ép buộc họ, dù ông khép léo không nhận mình theo đạo để tránh mất lòng những Hmong bảo thủ, luôn ghen tỵ vì phong trào phúc âm xoi mòn niềm tin vào pháp sư truyền thống. Sự nhiệt tâm của Touby với công việc truyền bá phúc âm của Andrianoff hoàn toàn vị lợi. Tổ chức truyền giáo chủ trương mở trường lớp cho mỗi làng Hmong Tin Lành trong tỉnh. Trong 1 năm, họ cất được 38 truờng. Học sinh học giáo lý ở Xiêng Khoảng cũng học đọc và viết chử Lào để có thể giảng dạy các làng. Đó là bước đầu tiên về hướng giáo dục toàn thể Hmong, điều Touby hằng mong mỏi. Nếu Paris đáng giá một thánh lễ thì dự lễ và nghe giảng những bài Phúc Âm là một giá quá hời phải trả cho những trường học Hmong. Dĩ nhiên công trạng đó một mình Touby vơ về cho mình, cho rằng đó là nhờ vào khôn khéo chính trị và uy tín của ông với người ngoại quốc. Hmong nhẹ dạ và cả tin, họ không phản đối vì nó có vẻ không chối cãi được.
Không may cho Touby, sự giao hảo với các nhà truyền giáo Mỹ không ảnh hưởng gì đến các nhà ngoại giao và tùy viên quân sự Mỹ ở Vientaine. Dần dà nó xoi mòn quyền lực và tước giảm địa vị của ông thành vai trò yểm trợ một cách phụ thuộc trong chính trị Hmong.
Sau khi tậu một căn nhà ở Vientaine năm 1947, Touby thường đến thủ đô, hội thảo với Toulia, vừa là em vừa là đại biểu Quốc Hội Lào. Ở đó Touby có dịp giao du với các nhà chính trị và viên chức cao cấp Pháp. Touby nhận thấy thích sống trong không khí nhộn nhịp ở thủ đô hơn là cái đời sống buồn tẻ, uể oải ở Xiêng Khoảng. Càng thăm viếng thủ đô thường xuyên hơn, việc chăm lo đời sống chính trị ở địa phương càng giảm đi. Giửa thập niên 1950, vài viên chức cấp quận trưởng, tất cả do Touby đề cử, bắt đầu nhũng lạm quyền lực. Họ thu thuế theo ý muốn, bất kể luật, đánh người và ép buộc tình dục phụ nữ trong làng. Hong khiếu nại nhưng Touby lờ đi. Bây giờ ông tập trung vào chính trị ở tầm mức quốc gia hơn địa phương. Năm 1958, ông là bộ trưởng bộ xã hội. Sau đó, ông ít về Xiêng Khoảng. Thủ đô Vientaine là quê hương mới của ông; và nó nhiều người Mỹ.
Trước năm 1954, chỉ có một viên chức đại diện cho Mỹ ở Lào là một viên chức ngoại vụ. Ông Charles Yost, viên Đại Sứ đầu tiên ở Lào đáo nhậm trụ sở cuối năm 1954. Sau đó là các tùy viên quân sự, binh sĩ và nhân viên dân sự. CIA lập một phân bộ ở Vientaine, đứng đầu là Milton Clark và vài nhân viên. Clark nagy lập tức đan một màng lưới tình báo để theo dõi các phe nhóm chính trị, các lãnh tụ. Trong vòng 2 năm, hơn 100 viên chức Mỹ làm việc ở Lào, hầu hết ở Viemtaine. Co số này mau chóng gấp đôi, gấp ba.
Người Mỹ bây giờ được thiết tưởng đảm trách mọi sự thay người Pháp sau Điện Biên Phủ. Tuy vậygiới quý tộc già nua Lào vẫn duy trì sự liên hệ chặt chẽ với các nhà ngoại giao Pháp ở Vientaine và các cộng đồng lớn người Pháp khắp nước, tổng cộng vài ngàn. Ngay cả có nhiều người Pháp giữ chức vụ cao trong chính phủ hoàng gia Lào (gần 200 người làm việc trong nội các.)
Như một lực lượng văn hóa, người Pháp dễ dàng làm lu mờ người Mỹ, kẻ không nói được tiếng Lào và có vẻ luộm thuộm một cách nhà quê so với vẻ lịch lãm, sang trọng ở tỉnh thành của người Pháp. Tất cả những điều này tự nhiên trở thành những điểm nhức buốt trong giới nhân viên Mỹ. Họ không che giấu được vẻ khó chịu với những gì mang hơi hướng Pháp. Đặc biệt là CIA. CIA không giữ được kiên nhẫn về sự kiện các viên chức cao cấp Lào tìm người Pháp tham vấn. CIA trở thành đối thủ đáng gờm nhất của Lào, những kẻ được coi như chịu ảnh hưởng và cai trị sâu đậm của người Pháp hàng thế kỷ.
Trong bầu không khí chống Pháp ngày càng căng thẳng, một cách khinh suất, Touby thường đeo nơ cổ áo mang huy hiệu danh dự của binh đoàn viễn chinh Pháp trong mọi dịp và tiếp tục giao du thân mật với quan chức ngoại giao Pháp. Hãnh diện vì khả năng tiếng Pháp lưu loát và quá già để học tiếng Mỹ trôi chảy như tiếng Pháp, Touby không cần học tiếng Mỹ, dù là tiếng bồi. Người Mỹ đánh giá Touby quá “Pháp” với khẩu vị của họ. Touby mất chức phó chủ tịch Quốc Hội và cam chịu làm thành viện trong hội đồng tư vấn nhà vua, một chức tương đương với các quý tộc Anh, phù phiếm nhưng không chức vụ thực sự.
Hàng nhiều năm Touby vận động các chính khách Lào cho việc mở trường và nhà thương cho Hmong. Khi đắc cử, ông có thể chuyển những thỉnh cầu này thành luật. Nhưng khi ông bị hạ tầng công tác thành hội đồng tư vấn nhà vua thì ông không còn phương tiện chính trị để kiểm soát việc thi hành luật. Bộ xã hội chịu trách nhiệm thi hành cải cách bướng bỉnh trì hoãn. Các trường học mới không được cất và chỉ 2 bịnh xá chỉ đáng được gọi là trạm y tế được dựng lên một cách thô sơ trong tỉnh. Các viên chức Lào ở Xiêng Khoảng trở lại thói quen khinh miệt người Hmong như giống nòi hạ đẳng, khinh miệt họ và trả thù lao bằng một nửa công nhân Lào làm chung một công việc.
Ngay đến nếu Touby vẫn còn thực lực trong chính trị quốc gia, chính quyền không phải là nơi người Mỹ có cảm tình. Chính trị Lào giống như trong cảnh Alice in Wonderland. Quốc gia thiết tưởng là dân chủ nhưng tất cả các chính khách chủ yếu đều bảo hoàng. Ngay cả lãnh tụ Cộng Sản cũng cung kính:”Muôn tâu Hoàng Thượng” Không gì có thể hoàn tất mà không có những liên minh và họ phá vỡ trong khoảnh khắc cái liên minh đã tốn rất nhiều thời gian xây dựng. Nó là một nền chính trị không lập trường, đổi phe liên tục khiến Bắc Việt thừa cơ chiếm lãnh thổ, từng miếng từng miếng, và sau cùng nuốt trọn vương quốc Lào như hiện nay.
Không cần suy xét lâu, các lãnh tụ ở Washington có thể kết luận sự cứu vớt lào là ở chiến trường chứ không phải ở trong tòa nhà Quốc Hội ở Vientaine. Công việc cứu quốc đòi hỏi một dũng cảm quân sự, một đức tính mà quân đội hoàng gia Lào không có. Diều không thể tránh, người Mỹ chuyển sự lưu tâm đến Vang Pao, lúc ấy chỉ là một đại tá nhỏ bé thuộc quân lực hoàng gia nhưng chỉ huy một đoàn quân du kích toàn người Hmong được CIA và biệt kích Mỹ yểm trợ. Không những quân đội Vang Pao liên tục thắng trên chiến trường, họ là một quân đội được thế giới kính phục về can đảm, thiện chiến và Cộng Sản Bắc Việt khiếp sợ. Họ cầm chân 3 sư đoàn Bắc Việt ở cánh Đồng Chum cho đến 1975 và hiện nay vẫn còn âm thầm chiến đấu không ai trợ giúp. Tháng Giêng năm 2003, 2 nhà báo Philip Blenkinsop và Andrew Perrin tạp chí Time lội vào đặc khu Xaysomboune, khám phá một con đường dẫn đến doanh trại của một đoàn quân Hmong, cựu binh sĩ Vang Pao. Xin xem thêm: http://www.fotofreo.com/2004/Blenkinsop2004.shtml. Họ can trường không thể tưởng tượng được.
Một khi người Mỹ đổ tiền và chuyển mọi nỗ lực yểm trợ cho Vang Pao, Touby bất đắc dĩ chấp nhận vai trò thuộc hạ trong công việc Hmong. Nhưng dù người Mỹ nghĩ gì về ông, Vang Pao không hề đánh giá thấp tài năng chính trị của Touby. Ông ta tạo thông gia với Touby bằng cách gả con trai của mình với 1 trong số các con gái Touby. Touby trở nên mối liên lạc giữa Vang Pao và Vientaine, chia sẻ những chuyển biến chính trị và bảo đảm viện trợ quân sự đến tay du kích trên chiến trường thay vì lọt vào túi bọn chính khách tham nhũng ở Vientaine.
Touby cũng phục vụ người tị nạn Hmong bằng cách đó. Hàng trăm làng mạc Hmong tàn phá vì chiến tranh, Cộng Sản thì cướp phá, Mỹ thì dội bom. Một nửa dân số Hmong ở Lào sống trong các trại tị nạn phía nam Cánh Đồng Chum. Touby theo dõi tiếp phẩm viện trợ và bảo đảm hàng viện trợ cho người tị nạn không lọt ra ngoài chợ đen, nơi chúng được biến hóa thành xe hơi cadillacs và biệt thự nghỉ hè cho bọn viên chức tham nhũng Lào. Ngày nay, Lào mất nước hay nói đúng hơn, là một thuộc địa của Việt Nam. Người Lào cũng không nên hối tiếc vì họ đã không chiến đấu, để cho sắc dân họ khinh miệt chiến đấu thay, và họ ra sức vơ vét làm giàu nhờ chiến tranh.
Làm việc âm thầm sau hậu trường chính trị, nỗ lực của Touby chẳng mấy Hmong biết. Chỉ vài người Mỹ trong trại tị nạn biết sự đóng góp của ông trong chiến tranh. Bị sự vĩ đại của Vang Pao che khuất, Touby không còn được các chính khách, các nhà ngoại giao trong và ngoài nước cung kính gọi: roi de Mèos (vua Hmong).