Chương 8
Ủng hộ lầm.

ouvanna Phouma.
Xin nhắc lại. Sau khi đức vua Sisavang từ khước độc lập và chấp nhận sự bảo hộ của Pháp năm 1945 vì lo sợ đoàn quân Trung Hoa tràn qua Lào giải giáp quân đội Nhật, các chính khách Lào như hoàng tử Phetsarath, hoàng thân Souphanouvong và Souvanna Phouma sang Thái Lan với chính phủ lưu vong Issara (Lào tự do). Khác với Souphanouvong, một đảng viên Cộng Sản và Phetsarath, không hy vọng gì nắm lại chức phó vương, vẫn ở lại Thái Lan, Souvanna Phouma hưởng ứng chiêu dụ của Pháp, về nước chấm dứt giai đoạn lưu vong năm 1949, mau chóng trở lại chính trường Lào. Trong vòng 2 năm ông trở thành thủ tướng; 2 năm nữa ông kết thúc cuộc điều đình với Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Lào. Đã quen thuần hóa người Pháp, ông dốc nỗ lực thuần hóa Pathet Lào.
Ba anh em hoàng thân Phetsarath, Souvanna Phouma, Souphanouvong với 3 chính kiến khác nhau.
Souvanna cho rằng Pathet Lào là những người quốc gia khoác bộ áo Cộng Sản, đồng minh với Việt Nam vì tiện lợi hơn là niềm tin vào ý thức hệ. Tổng tuyển cử quốc gia ấn định vào năm 1955. Nếu ứng cử viên Pathet Lào chiếm được vài chỗ, nó có thể hợp thức hóa chính phủ bao gồm mọi thành phần và thuyết phục pathet Lào cắt đứt mọi quan hệ với Việt Nam và tránh khỏi một cuộc nội chiến.
Giữa năm 1954, Souvanna gặp Souphanouvong ở Kang Khay trên Cánh Đồng Chum. Souvanna khuyên người em cùng cha khác mẹ đề cử vài ứng viên cho cuộc tuyển cử sắp đến và ám chỉ rằng sẽ có một chức vị cao dành sẵn cho Souphanouvong trong chính phủ liên hiệp. Dù Souphanouvong không hứa hẹn gì hết, Souvanna cũng tràn trề lạc quan. Không may cho ông, Pathet Lào không những tẩy chay cuộc tuyển cử mà còn gia tăng các hoạt động quân sự chống lại quân đội hoàng gia.
Cuối năm 1957, Thái tử Phetsarath trở về nước chấm dứt cuộc đời lưu vong. Chức phó vương cũ đã được phục hồi và dành sẵn cho ông như một mồi nhử về nước. Tại vị, ông khuyên 2 em hòa giải những xung khắc. Sau nhiều cuộc hội họp, Souvanna và Souphanouvong ký một thỏa ước sát nhập Cộng Sản vào chính phủ. Souphanouvong giữ một chức bộ trưởng và Souvanna trông đợi cuộc tuyển cử vào tháng Năm năm 1958 đầy tin tưởng.
Pathet Lào dùng tệ trạng tham nhũng trong chính phủ làm nòng cốt cho vận động tranh cử. Hàng năm nhiều triệu Mỹ kimđổ vào trong nước và mọi người trong chính phủ tìm cách bớt xén. Ngay cả Souvanna Phouma, người chỉ mặc những bộ đồ lớn may cắt ở Paris, nhúng tay vào việc tham nhũng. Ông là một trong những người giàu nhất Lào, một thành đạt đáng kể vì thời còn là một công chức, ông chỉ lãnh 2500 Mỹ kim 1 năm. Souvanna làm chủ một phần lớn trong 2 ngân hàng, một hãng hàng không, làm chủ nhiều mẫu đất, nhiều biệt thự, chung cư ở Vientaine và Luang Prabang, và nhiều bất động sản bên Pháp. Những tài sản này sinh sản lợi tức chồng chất hàng năm. Năm 1964, danh sách tài sản của Souvanna ở Pháp không thôi đã trị giá 2.25 triệu Mỹ kim.
Nỗ lực chống chế của chính phủ nhằm bác bẻ tố giác tham nhũng của Pathet Lào bị ngăn trở bởi sự gian lận bầu cử của CIA. Nhân viên CIA đi khắp các thôn làng ở miền quê, mua phiếu cho ứng cử viên thân Mỹ. Các nhân viên CIA cũng cung cấp tín dụng cho ứng viên khuynh hữu để họ có thể mua chuộc cử tri bằng quà tặng hay tiền mặt. Một phần trong nỗ lực mua phiếu là một chương trình gọi là Liều Thuốc Khỏe. Nhân viên CIA tuyết phục dân làng rằng Mỹ là những người tốt bụng bằng cách bỏ tiền của đào giếng, xây đập ngăn lụt và sửa chữa đường sá.
Cộng Sản phô bày việc mua phiếu như những bằng chứng hiểm độc. Khi đếm phiếu, Cộng Sản đạt được 1/3 tổng số phiếu và chiếm được hơn nửa số ghế trong Quốc Hội. Hoàng thân đỏ Souphanouvong đắc cử với tỷ số phiếu cao nhất so với bất kỳ các ứng cử viên khác. Trong phiên họp đầu, Quốc Hội bầu ông làm chủ tịch ngành lập pháp.
Một nơi Cộng Sản ít được dồn phiếu nhất là Xiêng Khoảng, nơi Touby tranh cử 1 ghế Quốc Hội với một địch thủ do Faydang vận động, tên Lo Foung. Chú ý Faydang chỉ ủng hộ họ Lo mà thôi. Touby dễ dàng đánh bại tay sai Faydang bởi uy tín và công lao của ông nhiều năm với Hmong.
Kết quả tuyển cử làm CIA và viên chức bộ Ngoại Giao Mỹ thất vọng trong công cuộc lèo lái Lào khỏi Cộng Sản chủ nghĩa. Những người chống Cộng vẫn chiếm đa số trong 59 ghế ở Quốc Hội, nhưng sức mạnh chính trị đầy bất ngờ của Pathet Lào khiến tương lai nhóm khuynh hữu có vẻ đen tối.
Chính quyền Eisenhower hoàn toàn chống lại mọi hình thức liên hiệp với Cộng Sản. Phát ngôn viên cho lập trường này là Walter Robertson, thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Viễn Đông Sự Vụ. Robertson nêu ra việc Cộng Sản chiếm Tiệp Khắc năm 1948 như một minh họa rõ rệt về hậu quả việc cho phép Cộng Sản trong chính phủ. Trong cuộc tuyển cử 1946 ở Czechoslovakia, Cộng Sản chiếm 1/3 số phiếu, tương đương với số phiếu Cộng Sản Lào trong cuộc tuyển cử 1958. Chỉ cần 2 năm sau, Cộng Sản ở Czechoslovakia phế bỏ chính phủ và đưa Klement Gottwald, lãnh đạo đảng Cộng Sản Tiệp làm chủ tịch.
Chủ trương của Hoa Thịnh Đốn là trong chiến tranh lạnh, mọi người phải theo một phe. Trung lập không thể chấp nhận được. Eisenhower tuyên bố khó tưởng tượng một con người đầu óc tỉnh táo lại có thể đứng tách rời khỏi cuộc chiến đấu toàn thế giới giữa những người bảo vệ chính phủ đặt nền tảng trên tự do và nhân vị và những người coi nhân dân như một tài sản của nhà nước. Phó tổng thống Nixon công kích lập trường trung lập như đặt ngang hàng tự do với chuyên chế. John Foster Dulles, bộ trưởng Ngoại Giao chính phủ Eisenhower vắn tắt: Trung lập là vô nhân đạo.
Đại sứ J. Graham Parsons nhờ chống Cộng mà được thăng chức thứ trưởng Ngoại Giao. Hoa Thịnh Đốn cử Horace Smith thay thế chức đại sứ. Khi Smith nhậm chức tháng Ba năm 1958, người ta tưởng ông sẽ tiếp tục đường lối chống trung lập kịch liệt của Parson. Điều này có thể xẩy ra nếu Smith không có chuyện gấu ó với Henry Hecksher, giám đốc mới CIA trụ sở tại Vientaine.
Hecksher thay Milton Clark, người đơn độc biến trụ sở CIA ở Vientaine thành một mạng lưới tình báo thượng thặng, thu hoạch những tin tức chính trị, quân sự đáng tin cậy trong nước. Đại sứ Parsons dựa vào nguồn tình báo này để hoạch định chính sách và bao gồm luôn cả Clark trong các phiên họp soạn thảo chính sách. Khi Hecksher thay Clark, Đại Sứ Parsons tiếp tục để cho CIA làm việc độc lập, ngang hàng với đại sứ hơn là thuộc cấp. Điều này thay đổi khi Horace Smith lãnh chức đại sứ. Smith đòi kiểm soát CIA và loại Hecksher khỏi công việc bàn thảo chính sách. Hecksher không chịu và cả hai bắt đầu cãi vã.
Smith thách đố Hecksher và CIA đảm đương việc đánh bại chủ trương trung lập dưới bất cứ hình thức nào. Nặng lòng đố kỵ hơn là suy xét công minh, Smith bắt đầu ủng hộ nỗ lực của Souvanna Phouma duy trì một chính phủ liên hiệp, tức trung lập. Vấn đề này, Smith lẻ loi một mình. Sau lưng ông, toàn thể nhân viên tòa Đại Sứ ngả về phe CIA, tức phe Hoa Thịnh Đốn. Mặc Smith phản đối, Hoa Thịnh Đốn cắt viện trợ. Để tiếp tục viện trợ, Quốc Hội Lào phế bỏ Souvanna Phouma và cử Phoui Sananikone lên thay, một hữu khuynh cực kỳ bảo thủ, thề sinh tử chống ý tưởng liên hiệp.
Souvanna Phouma
Để bảo đảm Souvanna Phouma không còn quanh quẩn xúi giục thí nghiệm với ý tưởng trung lập, Sananikone phong Souvanna Phouma làm Đại Sứ Lào tại Pháp. Smith cũng được sắp xếp để rời nhiệm sở dù 1 năm nữa Winthrop Brown mới đến Vientaine thay thế chức đại sứ. Ba Đại Sứ trong vòng 1 năm khiến người ta có thể suy đoán Hoa Thịnh Đốn không nắm vững tình hình tại Lào.
Được Hoa Thịnh Đốn nâng đỡ, thủ tướng mới, ông Phoui Sananikone tìm cớ loại trừ các đại biểu Cộng Sản trong Quốc Hội. Đầu tiên Sananikone cần thêm nhiều quyền hành. Tháng 12 năm 1958, các đơn vị Bắc Việt xâm lăng Lào và lập đồn trại ở tỉnh savanakhet. Sananikone lợi dụng cơ hội, đòi quyền độc tài trong vòng 1 năm để huy động quốc gia chuẩn bị đối phó với cuộc tổng tấn công xâm lăng có thể xảy ra. Bắc Việt không có ý định xâm chiếm Lào bằng vũ lực – ít nhất chưa phải lúc. Ý đồ của họ là chiếm đóng vùng biên giới để xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh.
Một điều khoản trong hiệp định 1957 là sát nhập Pathet Lào vào chính phủ. Về quân sự gồm 2 tiểu đoàn Pathet Lào vào quân đội hoàng gia Lào. Cả 2 tiểu đoàn này vẫn hoạt động biệt lập với quân đội chính phủ. Sananikone đã có cớ thanh lọc Cộng Sản. Ông ra hạn trong vòng 24 tiếng những đơn vị biệt lập phải chấp nhận sát nhập hay giao nạp vũ khí. Nếu bất tuân, ông sẽ viện cớ thanh toán bọn Cộng Sản trong chính phủ, kể cả các dân biểu Cộng Sản.
Quân đội hoàng gia Lào bao vây 1 trong 2 tiểu đoàn Pathet Lào đóng quân tại Xieng Ngeun phía Nam Luang Prabang. Hết đường thoát, chỉ huy trưởng tiểu đoàn Pathet Lào tuân hành lịnh sát nhập. Tiểu đoàn còn lại, đóng ở Cánh Đồng Chum trong một đồn binh cũ Pháp bỏ lại ở Thong HaiHin, có mưu đồ khác.
VANG PAO.
Sau khi đại đội của ông bị giải tán năm 1953, nhiệm vụ mới của Vang Pao là làm việc với tình nguyện quân Hmong. Ông thành lập một đại đội gồm các cựu binh sĩ biệt kích Malo chuyên đón đánh Pathet Lào và Bắc Việt tìm cách xâm nhập Xiêng Khoảng. Trong một trận đánh gần Nong Het, Vang Pao bị thương nặng lở chân. Ông hồi phục đúng lúc dẫn lực lượng của mình xâm nhập Bắc Việt giải cứu tù binh Pháp thất trận Điện Biên Phủ.
Đầu năm 1955, Vang Pao lại thất nghiệp. Pháp triệt binh ở Đông Dương và giải tán các tổ chức du kích Malo để chấp hành hiệp định Geneva. Malo chính thức giải tán vào tháng Tư. Người Pháp khuyên quân đội Làosát nhập các đơn vị du kích (có lẽ là các đơn vị thiện chiến nhất nước) vào trong quân đội chính quy, nhưng người Lào bất đắc dĩ lắm mới làm theo. Sự nhượng bộ duy nhất là họ chấp nhận đơn vị tình nguyện của Vang Pao như lực lượng bán quân sự, bổ nhiệm thành tiểu đoàn tình nguyện 21 liên hệ lỏng lẻo với quân đội chính quy.
Vang Pao chỉ huy tiểu đoàn 21 được 1 năm, rồi được triệu về bộ chỉ huy trại quân sự Chinaimo. Đó là cơ hội bỏ rơi mọi thứ liên hệ đến công việc biệt kích Hmong và thăng tiến nghiệp vụ như một sĩ quan quân đội hoàng gia. Sau Chinaimo, Vang Pao trở lại cánh Đồng Chum chỉ huy trường huấn luyện hạ sĩ quan ở Khang Khay. Một năm sau, ông được thăng chức thiếu tá, quyền chỉ huy tiểu đoàn 10 bộ binh quân đội hoàng gia, chỉ huy sở cách Thong Hai Hin vài dặm, nơi tiểu đoàn 2 Pathet Lào đang nhận lịnh sát nhập vào quân đội hoàng gia Lào.
Vang Pao viếng trại Pathet Lào để thăm dò ý đồ của họ. Ông thấy trại đang bận rộn chuẩn bị cho một cuộc hành quân. Lính gác trong quân phục tác chiến chặn ông ngoài cổng. Súng máy nạp đạn sẵn sàng. Trong trại, ông thấy những sĩ quan Bắc Việt và một đơn vị toàn người Hmong thuộc quyền chỉ huy của Tou Thao Saychou, tư lịnh tương lai của toàn thể lực lượng Hmong của Pathet Lào. Vang Pao chỉ biết tên của Tou Thao Saychou chứ không biết mặt. Saychou cùng với Faydang chống Pháp và nghe đồn là một sĩ quan cao cấp. Đại tá Niem Chan, người Việt lai Thái, chỉ huy trại này. Niem Chan có vẻ trốn tránh khi Vang Pao hỏi về kế hoạch của ông ta. Vang Pao rời trại, đinh ninh rằng một cuộc hành quân đang tiến hành và báo cáo lên thượng cấp.
Vang Pao đóng quân trên đỉnh núi ngó xuống Thong Hai Hin. Một đơn vị quân đội hoàng gia Lào do đại úy Kettsana Vongsuvan đã chẹn con đường lên Ban Mone, con đường dự kiến tiểu đoàn 2 Pathet Lào tẩu thoát. Quá nửa đêm, Vang Pao thấy lửa cháy phía dưới. Ông phái thám báo dò xét và biết Cộng Sản đốt trại bỏ trốn. Vang Pao ra lịnh truy kích, hy vọng đuổi Niem Chan vào ổ mai phục của đại úy Kettsana.
Kettsana để cho tiểu đoàn 2 qua khỏi không thèm bắn một phát. Vang Pao sửng sốt rồi giận tím mặt. Kettsana đổ thừa việc để sổng quân địch là vì đạo Phật của ông ta cấm giết người. Nó là cớ thông thường cho tính nhát nhúa tạo chiến thắng cho Cộng Sản. Kettsana sau này bị ám sát tại nhà ở Phong Savan bởi binh sĩ Pathet Lào, sắc tộc Lào và cũng theo đạo Phật.
Vang Pao dẫn tiểu đoàn 10 dầm mưa rượt bén gót Niem Chan. Ba lần ông bắt kịp quân địch, hạ sát 3 sĩ quan Pathet Lào và bắn Niem Chan bị thương ở chân. Rồi thì Pathet Lào bứt xa hơn về phía biên giới Việt Nam. Vang Pao không ngăn được khâm phục sức chạy của tiểu đoàn Cộng Sản này. Hmong không thể chạy nhanh hơn. Đây là sự khâm phục của một người nổi tiếng về sức dẻo dai chịu đựng. Một trong những truyền thống của khóa sinh trường sĩ quan Dong Hene là chạy 2.5 dặm với đầy đủ quân trang quân dụng. Vang Pao phá kỷ lục, về tới mức trong vòng 14 phút. Chỉ lính Hmong mới có thể theo kịp ông. Chỉ có ít Hmong trong tiểu đoàn 10 do ông chỉ huy. Đa số là người Lào và họ hay đòi nghỉ mệt. Vang Pao buộc phải để họ nghỉ và tiếp nhận tiếp liệu từ phi cơ thả dù xuống.
Sự trì hoãn này Làm Niem Chan bỏ rơi tiểu đoàn 10 khá xa. Tiểu đoàn Pathet Lào phải băng qua rặng núi biên giới để vào Việt Nam. Vang Pao đi vòng lên núi Gà Gáy (Chant du Coq), nơi có một độc đạo dẫn thẳng vào Việt Nam. Ông tin Niem Chan sẽ băng ngang đây. Nếu ông đến đó trước, nó là điểm lý tưởng cho một ổ phục kích. Nhưng vì nghỉ mệt quá nhiều và quá lâu, khi ông đến thì Niem Chan đã qua và được một đơn vị đặc công (tương đương với biệt kích Mỹ, thiện chiến và cảm tử) Bắc Việt hộ tống. Khi tiểu đoàn 2 Pathet Lào thoát sang Việt Nam, đặc công đóng chốt chặn hậu ngăn cản Vang Pao đuổi theo.
Vang Pao tin rằng ông có thể đẩy lui quân Bắc Việt khỏi đỉnh núi nhưng ông không thể làm 1 mình. Ông cần có thêm trợ thủ. Không một người Lào dám tình nguyện. Họ sợ đặc công Bắc Việt hơn là sợ vị chỉ huy trưởng của họ. Họ coi Vang Pao thuộc giai cấp hạ đẳng; từ lúc ông chỉ huy tiểu đoàn, uy quyền của ông đối với họ rất mong manh. Nếu Vang Pao ra lịnh cho họ xông lên đèo, họ sẽ làm loạn. May cho ông, 1 trong số người Hmong tình nguyện, một sĩ quan phụ tá tên Ly Ndjouava.
Vang Pao và Ly Ndjouava leo lên núi, luân phiên bắn che cho nhau khi chạy từ mô đá này đến gốc cây khác. Họ tìm thấy đặc công, 2 người một hố mỗi hố cách nhau 20 mét. Hai đặc công hố đầu tiên thấy họ và giương súng bắn, ló đầu và vai. Vang Pao và Lý Ndjouava đốn gục cả hai. Vang Pao dẫn Ly đến hố kế, bắn hạ thêm 2 đặc công nữa và cứ thế, diệt địch từ hố này sang hố khác như thể tập tác xạ ở quân trường. Sau khi hạ sát 12 đặc công, bọn cảm tử …bỏ chạy.
Mất hàng giờ để dỗ ngọt tiểu đoàn của ông lên núi. Lúc này Niem Chan đã cao chạy xa bay về thị trấn Muong Sen, cam tâm làm tay sai cho Bắc Việt, chờ dịp đem giặc về giết đồng bào mình.
Cộng Sản tấn công.
Tìm một con dê tế thần, bộ Tư Lịnh quân đội hoàng gia Lào đổ lỗi cho tướng Kittirath Sang, tư lịnh quân khu II làm cho Niem Chan trốn thoát. Ông ta bị truất chức và đại tá Bouddavong Khamkhong lên thay. Mặt chính trị, Sananikone đổ lỗi cho đại biểu Cộng Sản trong Quốc Hội về hành động phản trắc của tiểu đoàn 2 Pathet Lào với tội danh âm mưu ngăn cản đơn vị này sát nhập vàp quân đội. Ông hạ lịnh quản thúc tại gia các đại biểu Cộng Sản. Suốt từ đó cho đến 8 tháng sau, binh sĩ võ trang canh gác tư gia của họ ở Vientaine 24 tiếng một ngày.
Pathet Lào trả lời bằng súng đạn. Trận chiến đầu tiên bùng nổ tại Sầm Nứa, nơi Cộng Sản thao tác để đè bẹp mọi cứ điểm quân đội hoàng gia và cô lập tỉnh lỵ. Chỉ huy bởi các sĩ quan Việt Nam, Pathet Lào đóng góp có 2000 binh sĩ cho chiến dịch, dùng khéo léo, mưu mẹo bù vào chỗ thiếu người. Đồn lũy phòng thủ của chính phủ hầu hết là vách đất trộn rơm bao quanh bởi một hệ thống chiến hào và hoàn toàn lệ thuộc vào tuyển mộ từ dân quân địa phương. Cán bộ Bắc Việt gieo hoang mang bằng cách tung tin đồn trong những thị trấn lân cận về quân số đông đảo của lực lượng Cộng Sản, tạo thêm bằng chứng bằng cách mua trữ số lượng lớn lương thực cho các tiểu đoàn hù dọa này. Dân chúng các thôn làng, thị trấn bỏ nhà cửa trốn vào trong rừng. Tin các trị trấn bỏ hoang đến tai binh sĩ chính phủ. Họ rủ nhau bỏ trại, một số bắn sau lưng sĩ quan chỉ huy trước khi bỏ ngũ.
Dù với tình trạng đào ngũ hàng loạt, cuộc tấn công của Pathet Lào hầu hết chết yểu. Phát động chiến dịch vào mùa mưa, Cộng Sản di hành khó nhọc và chậm, nếu cần, khó có thể tăng viện kịp thời. Bất ngờ, các đồn trại quanh thành phố Sầm Nứa chống trả kịch liệt. Dù Pathet Lào chiến đấu anh dũng trong điều kiện thời tiết bất lợi và thiếu quân số để đánh bật quân chính phủ, không lực hoàng gia Lào với những máy bay vận tải cũ kỹ C-47, Beavers, bay qua các rặng núi dưới những cơn mưa mùa như thác lũ, tiếp viện quân dụng và tăng viện binh sĩ xuớng phi trường cỏ ngoại ô tỉnh lỵ. Khi chiến dịch thất bại, Pathet Lào phân tán lực lượng và tung các cuộc càn quét, quấy phá ở các tỉnh trong nước, dụng ý tạo ấn tượng họ làm chủ miền quê.
Trong giai đoạn cuới chiến dịch tấn công, từ tháng Tám đến tháng Chín năm 1959, Pathet Lào trở lại Sầm Nứa 1 lần nữa thử chiếm các đồn trại. Chỉ 2 đồn thất thủ là Muong Het và Xieng Kho. Cả 2 đồn này cách biên giới Việt Nam chỉ một tầm ném. Trọng pháo Bắc Việt bên kia biên giới pháo kích nhiều ngày. Mỉa mai, khi trọng pháo chấm dứt, tiểu đoàn 2 Pathet Lào, đơn vị chạy thoát khỏi tay Vang Pao ở Thong Hai Hin năm ngoái, do đại tá Hmong Tou Thao Saychou chỉ huy, mở cuộc tấn công dứt điểm.
Thông tin giữa Vientaine và các đồn trại bị tấn công rất kém. Không thể biết tường tận tình hình, Vientaine tưởng tượng thêm vào cho phong phú. Có tin đồn một cuộc đại xâm lấn có quy mô ngang với cuộc xâm lăng năm 1953 của Việt Minh với nhiều sư đoàn. Tức giận, Sananikone bắt tất cả đại biểu Cộng Sản đã bị quản thúc tại gia từ trước, chở đến giam giữ tại trại tù cảnh sát Phone Kheng ở ngoại thành về tội phản quốc để họ sống như những thường phạm hình sự thay vì ngồi chơi uống trà như trước.
Ban điều hành tòa Đại Sứ Mỹ hoan nghênh hành động này. Từ lâu họ vận động Hoa Thịnh Đốn viện trợ quân sự cho nhóm khuynh hữu. Tư thế cứng rắn của Sananikone chính là cử động cần thiết để Hoa Thịnh Đốn mở hầu bao.. Ngay lập tức, 25 triệu Mỹ kim viện trợ cho quân đội hoàng gia. Sau này khi sự việc diễn tiến, nó chứng tỏ Mỹ tốn tiền vô ích.
Nhóm hữu khuynh đảo chánh.
Khi Pathet Lào tấn công, Sananikone “xin” quyền độc tài 1 năm. Thời hạn ấy chấm dứt vào tháng 12 năm 1959. Ông yêu cầu Quốc Hội gia hạn thêm cho đến tháng Tư năm sau, khi bắt đầu cuộc tuyển cử mới. Ông được thỏa nguyện nhưng lần này, có những bất mãn của phe khuynh hữu.
Một nhóm chính khách trẻ và sĩ quan quân đội tổ chức Hội Đồng Bảo Vệ Quyền Lợi Quốc Gia (CDNI, Committee for the Defense of the National Interest) công khai chỉ trích thủ tướng chính phủ quá lần lữa trong việc tổ chức một quân đội hùng mạnh đối phó với sự đe dọa quân sự của Pathet Lào. Chủ tịch Hội Đồng là đại tá Nousavan Phoumi, một nhân viên CIA. Giám đốc CIA ở Vientaine là Hecksher ủng hộ Hội Đồng từ thủa ban đầu và gây áp lực buộc Hội Đồng tổ chức một mặt trận thống nhất để đòi hỏi ảnh hưởng lớn hơn trong chính phủ.
Phủi Xa Na Ni Kon
Nổi giận vì sự táo bạo của Hội Đồng, Sananikone thanh lọc các thành viên Hội Đồng trong nội các, kể cả Phoumi, người nắm giữ bộ trưởng bộ Quốc Phòng. Với sự ủng hộ ngầm của CIA, Phoumi ra lịnh cho binh sĩ chiếm các công sở vào ngày 25 tháng 12 năm 1959, sau này lịch sử gọi là cuộc đảo chánh Giáng Sinh. Sananikone ở nhà lúc ấy, nhìn binh sĩ trong quân phục ngụy trang rằn ri qua cửa sổ đang bố trí quanh tư thất của ông và nhìn các xe tăng M-8 đậu trước sân. Ông quyết định về hưu non. Phoumi thay thế Sananikone bằng một chính khách lão thành Vientaine, ông Abhay Kou.
Phoumi cũng muốn lãnh đạo chính phủ. CIA cũng đồng ý như vậy nhưng Đại Sứ Smith thì không. Nhắc lại viên Đại Sứ này vì ganh ghét CIA mà ủng hộ chính phủ trung lập, bất chấp đường lối Hoa Thịnh Đốn. Đây là một trong họa hoằn vài lần Hoa Thịnh Đốn ủng hộ Smith trong chức vụ đại sứ. Bộ ngoại Giao lo lắng về tai tiếng. Lào được thiết tưởng là một thể chế dân chủ. Cho phép dùng quân đội lật đổ chính phủ làm sao ăn nói với nhân dân trong nước và dư luận thế giới. Phoumi phải bằng lòng điều khiển chính phủ từ trong hậu trường.
Tuyển cử ấn định vào tháng Tư năm 1960. Để bảo đảm Cộng Sản không chiếm được ghế nào, Phoumi nâng trình độ học vấn của cử tri lên như một điều kiện hợp lệ. Nói khác đi, không có học không được đi bầu. Thêm vào đó, ông vẽ lại địa hạt cử tri ở các tỉnh Đông Bắc sao cho giảm thiểu sức mạnh lá phiếu của Cộng Sản và tăng lệ phí ứng cử sao cho vượt khỏi túi tiền các ứng viên có thể lo liệu. Những biện pháp này khiến cho tổng số cử tri hợp lệ còn có 25000 người và loại trừ hầu hết đối thủ. Trong số 59 ghế Quốc Hội, Cộng Sản chỉ có thể đưa ra 9 ứng viên tranh cử. Quyết tâm không để yên bất cứ sự gì không vừa ý, Phoumi dùng thủ đoạn tuyển cử năm 1958 và với sự tài trợ của CIA, phái những toán sĩ quan quân đội đi khắp thôn làng mua phiếu. CIA cũng hăng say không kém. Một nhân viên tòa Đại Sứ thấy vài viên chức CIA phân phối những bị tiền cho các trưởng làng.
Với các chính khách Cộng Sản trong tù, hay trốn tránh ở các tỉnh miền Bắc, họ khó vận động tranh cử. – dù có vận động tranh cử cũng không hề gì, vì nhóm khuynh hữu gian lận thả cửa trong vấn đề bỏ phiếu. Một ứng cử viên Pathet Lào ở miền Nam nhận được 4 phiếu dù rằng trong gia đình ông, có 5 người đi bầu.
Cố vấn Mỹ của Phoumi thoả mãn với kết quả cuộc đầu phiếu. Không hài lòng Pathet Lào trả lời bằng một loạt khủng bố mà tổng kết chỉ là vài tổ chức ám sát các viên chức chính phủ, viên chức ngoại giao Mỹ. Cộng Sản âm mưu giết một viên chức. Mục tiêu là một viên chức Mỹ nhưng tên sát thủ làm hỏng việc, vô tình giết lầm phải một viên chức Liên Hiệp Quốc. Kẻ khủng bố tử tế đến nỗi để một lá thư xin lỗi người vợ nạn nhân vì nhầm lẫn.
Phoumi nhận thấy đã đúng thời điểm xét xử Souphanouvong và các chính khách Cộng Sản đang bị giam giữ trong nhà lao Phone Kheng. Khi quan tòa không tìm thấy cơ sở hợp pháp để truy tố những người này trong phiên xử sơ bộ, Phoumi âm mưu ám sát tù nhân bằng giả tạo ra một âm mưu vượt ngục. Souphanouvong biết tin nhờ một người coi tù thân Cộng. Pathet Lào mau chóng hối lộ lính gác tù. Cửa mở khóa và bọn lính gác nhìn đi chỗ khác khi Souphanouvong và các đại biểu Cộng Sản khác vượt ngục. Vài tháng sau, cả bọn có mặt ở căn cứ Pathet Lào tại Sầm Nứa.
Cộng Sản dùng cuộc vượt ngục để tuyên truyền, khoe rằng Souphanouvong kêu gọi lương tâm cách mạng của lính gác, “giáo dục một cách dễ hiểu về ý nghĩa chính trị, thực trạng Lào và nhu cầu đất nước,” một bài học đầy đủ về suy luận chính trị công dân, đặt nền tảng trên truyền thống và ý thức xã hội. Nhiều năm sau, câu chuyện bịa đặt này vẫn lưu truyền, trở nên phóng đại hơn theo thời gian:”Toàn câu chuyện về cuộc vượt ngục và công cuộc chuẩn bị ý thức hệ của Souphanouvong trong tình trạng ngặt nghèo nhà tù, đáng là một thiên tiểu thuyết vĩ đại về lòng can đảm, chí mạo hiểm ngoài sức tưởng tượng. Một lần nữa, nó làm chứng cho cá tính phi thường của một ông hoàng biến thành nhà cách mạng.
Dù cuộc vượt ngục là một thất bại của chính phủ, Phoumi vẫn thỏa mãn với mọi sự điễn ra. Cộng Sản bị cấm trong chính trường và lãnh tụ của họ đang tại đào. Nhóm hữu khuynh nắm quyền hoàn toàn. Các viên chức lãnh đạo Mỹ chúc mừng họ vì rốt cuộc, đã có những tiến triển cụ thể.
Kong Lê.
Coong Le