Chương 4

Những cái chum ở Cánh Đồng Chum
Người Pháp chiến thắng.
Trong khi Pa Chay củng cố quyền lực, những tiểu đoàn vệ binh bản xứ mất tinh thần tiếp tục bám vào cứ điểm phòng ngự một cách an toàn. Báo cáo về tình trạng mất tinh thần của các lữ đoàn và sự thống trị của Pa Chay trên một địa hạt trải dài từ sông Nam Ou đến biên giới Việt Nam thuyết phục nhà cầm quyền Hà Nội rằng việc điều thêm quân tinh nhuệ là cần thiết và cấp bách. Tuyển chọn từ những tiểu đoàn thiện chiến nhất ở Sài Gòn và Hà Nội, họ điều động một lực lượng gồm 4 đại đội chính quy, tăng cường những đơn vị sơn pháo kinh nghiệm tiến sang Lào.
Họ đặt tên cho cuộc hành quân này là chiến dịch thằng điên (La Guerredu Fou.) Phát động vào cuối năm 1920, nó là cuộc hành quân lớn nhất Đông Dương thời đó. Người Pháp đóng quân của họ ở Xiêng Khoảng và Sầm Nứa để tái lập kiểm soát đường 6. Khi đã khống chế được trục lộ này, họ cắt nguồn tiếp liệu của Pa Chay khiến lực lượng phiến loạn mất liên lạc và mất nguồn tiếp tế. Kế đó, người Pháp thanh toán dần từng đơn vị.
Trong thời hạn 3 tháng chiến đấu dữ dội, đặc biệt Hmong lúc này đã võ trang tốt hơn. Những con buôn Tàu vượt biên giới sang Lào với những đoàn ngựa thồ hàng hóa trong đó có súng ống của quân đội Trung Hoa và bán tất cả mọi thứ cho phiến quân. Dù với hỏa lực như thế, phiến quân cũng không thể địch lại các khẩu sơn pháo có sức mạnh phá tan các đồn lũy trên núi, buộc phiến quân phải chiến đấu trực diện, không ẩn náu, nơi các đội xạ thủ thiện nghệ đốn họ ngã gục. Tháng Ba năm 1921, người Pháp đã bẻ gẫy xương sống của phiến quân. Nhà tù thị trấn và trại tù binh khắp tỉnh Xiêng Khoảng và Sầm Nứa tràn ngập tù binh phiến loạn.
Vẫn tại ngoại, Pa Chay rút lui về Phoi Loi làm cứ điểm cuối cùng. Ông lây lất được một thời gian nhờ những đoàn thương buôn Tàu thỉnh thoảng tiếp tế qua sự móc nối của đồng bào của ông tại Việt Nam. Nhưng sau tháng cuối cùng chiến đấu trong tuyệt vọng, ông chấp nhận bại trận và chạy về hướng Bắc cùng với vợ và 3 con, đến Phong Saly.
Dù Pa Chay đã bỏ cuộc, Hmong vẫn tiếp tục chiến đấu lần lữa nhờ sự tiếp tế của những làng ủng hộ lý tưởng của họ. Để triệt tiêu nguồn yểm trợ địa phuơng, người Pháp phát động một chiến dịch có thể coi như tiền thân của “ấp chiến lược” thời chiến tranh Mỹ Việt Cộng sau này. Sau khi thiêu rụi mùa màng miền cao, người Pháp di cư toàn thể dân làng tới các trung tâm dân cư an ninh, nơi họ không bị phiến quân lợi dụng nữa. Chương trình bình định là một thành công lớn. Chỉ đến cuối mùa hè, tất cả mọi nơi đều dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Một chi tiết cuối cùng chưa nói đến. Viễn ảnh một khởi nghĩa tái diễn trong tương lai khi Pa Chay còn sống, người Pháp ra giải thưởng cho thủ cấp của Pa Chay. Thực ra, chắc ăn hơn, họ muốn thấy cái đầu Pa Chay trước khi trao giải thưởng. Tháng 11 năm 1921, một nhóm thuộc hạ cũ của ông, hạ sát ông trong rừng, nơi ông trú ẩn gần biên giới Lào-Trung Hoa.
Công sứ Barthelemy tổ chức một hội chợ trọng đại để mừng chiến thắng, với sự tiếp tay của Lo Blia Yao. Hàng ngàn người trẩy hội với đủ mọi sắc phục truyền thống ăn cơm nếp với thịt gà nấu, lợn, bò nướng. Khoảng 5 giờ chiều, binh sĩ Pháp giải 12 tù binh phiến loạn ra, tiến hành tiết mục bế mạc ngày hội. Trói tù binh vào cọc, dàn một đội xạ thủ hành quyết, xử tử họ. Trong khi cuộc xử tử gây trấn áp, người Pháp khẳng định quyền cai trị của họ.
Sau đó nhiều cuộc hành quyết khác cũng như những vụ bồi thường diễn ra. Barthelemy đích thân tổ chức các phiên tòa quân sự cho các tù binh Hmong chủ chốt trong cuộc nổi loạn. Ông xử kết án tử hình 3 người và chủ tọa các cuộc xử bắn. Theo lịnh Hà Nội, Barthelemy bắt Hmong bồi thường thiệt hại tổn thất trong cuộc chiến, nạn nhân mất nhà cửa, mùa màng, các nạn nhân Lào, Việt Nam, Thái bị thủ tiêu v.v...Định giá một sinh mạng là 50 đồng và nắm được con số tổn thất nhân mạng, viên chức cầm quyền ở Hà Nội nắm được tổng số tiền thu được từ bồi thường, sau này bao gồm những công sở bị cháy và trâu bò mất trộm. Người Pháp thu được nửa tấn bạc thỏi, dù người Hmong chơi trò chống đối cuối cùng bằng cách giao nộp những quặng bạc kém phẩm chất đúc thành thỏi bạc.
Cải cách chính trị.
Với những đầu lĩnh phiến loạn chết và bạc nén của Hmong nằm trong kho, các nhà cầm quyền chuyển các biện pháp xây dựng sang bình định Hmong, ủy nhiệm một điều tra thăm dò đề nghị của công sứ Barthelemy nhằm tăng quyền tự trị của Hmong. Sự nghiên cứu chủ yếu là bãi bỏ các viên chức trung gian Lào và Thái. Song song với việc ấy là thay thế vào các viên chức Hmong trong khuôn khổ hoàn toàn tự trị. Trong một thời hạn ngắn ngủi, cuộc nghiên cứu trở nên chính sách hành chánh. Sau cuộc kiểm kê dân số, tất cả các giới hạn địa hạt xã ấp được ấn định lại phản ảnh nhân số Hmong. Bằng sắc lịnh, dân làng được quyền tuyển chọn trưởng làng, và trong các xã ấp, người Hmong được bầu xã trưởng.
Phòng thủ những quyền lợi cộng với sức mạnh của truyền thống của Lào, bảo đảm sự thực thi việc cải tổ khó toàn hảo, các viên chức Lào tiếp tục áp đặt quyền uy trên đời sống Hmong. Dù vậy, số người Hmong tham gia các chức vụ chính quyền ngày càng đông đảo. Trong vòng 15 năm, đã có 17 xã trưởng và nhiều cộng đồng Hmong có trưởng làng do họ bầu cử.
Âm hưởng phong trào Thiên Sứ.
Năm năm sau khi cải tổ, phúc trình của các viên chức trực tiếp địa phương cho thấy cộng đồng Hmong khắp đất nước Lào nói chung đã ổn định, và an bài theo hướng chính phủ thuộc địa. Mặc dù phúc trình chính xác một cách tổng quát, người Pháp vẫn không thấy lượn sóng ngầm của phong trào Thiên Sứ còn âm ỉ. Tám năm sau khi Pa Chay chết, một pháp sư thị tộc Lo tên Xay Vang dẫn đệ tử đến Nong Het xây một đài làm cái cầu bắc lên Trời. Ông trù tính leo lên đấy khẩn cầu Chúa Trời giúp Hmong chống Pháp. Lo Blia Yao thủ tiêu vị pháp sư trước khi Thông Thiên Đài được xây cất.
Một năm sau, một pháp sư khác tên Xiong Yi Shi bắt đầu rao giảng chủ nghĩa Thiên Sứ cho công đồng Homng trên rặng Phu Bia. Tự xưng làm chủ linh hồn của thần Lợn Lòi Chue Chao trong truyền thuyết cuộc khởi nghĩa 1917 Nam Trung Hoa, vị pháp sư mộ được một lực lượng du kích và tấn công các đồn trại Pháp dưới chân núi. Em gái ông tham gia trận đánh, vẫy lá cờ thần đánh bạt lằn đạn quân địch. Dân làng Phu Bia đóng góp bạc nén và nữ trang cho lý tưởng dân tộc, Xiong Yi Shi nấu chảy những thỏi bạc thành những viên đạn với niềm tin rằng đạn bằng bạc tiêu diệt cả linh hồn lẫn thể xác lính Pháp. Xiong Yi Shi đem quân đến tận thủ phủ của tỉnh tấn công. Cuối cùng Pháp bắt sống được ông trong lúc đẩy lui trận tấn công làng Lat Boua gần tỉnh Xiêng Khoảng. Vệ binh bản xứ tuân lịnh Pháp tra tấn ông dã man, đánh gẫy hết răng trước khi xử tử ông cùng cô em gái.
Phong trào Thiên Sứ vẫn lần lữa chưa chịu lịm tắt. Lời đồn đại có một loài thảo dã huyền bí mọc trên núi, nở hoa mỏng manh màu xanh dương vào cuối mùa mưa. Người Hmong gọi nó là lúa Pa Chay, biểu tượng của tái sinh và hy vọng vĩnh cửu. Lại có tin đồn Pa Chay để lại một di sản cho Hmong: những mâm bằng đồng khắc chữ Hmong trao cho vợ, với di chúc truyền lại cho đời sau.
Lời tiên tri này có vẻ ứng nghiệm 40 năm sau khi Pa Chay chết khi năm 1966, một Hmong từ Việt Nam mang họ Yang đến Xiêng Khoảng tự nhận biết đọc chữ trên các mâm đồng dó. Ông dẫn đầu một phong trào phục hưng tín ngưỡng Hmong và nhen nhúm lại khát vọng Thiên Sứ. Sự phục hưng tín ngưỡng này đe dọa uy quyền của các lãnh tụ Hmong. Họ tống giam nhà tiên tri. Khi ông vượt ngục, họ tung những đội sát thủ truy sát. Sau khi ông chết, phong trào chuyển vào bí mật, xuất hiện năm 1975 chống lại Lào Cộng và Việt Cộng, biểu thị rằng cánh tay chết của Pa Chay vươn ra rất xa vào tương lai.
Xung đột thị tộc. (Mối thù truyền kiếp giữa thị tộc Lò và Lý. Sau này thị tộc Lò theo cộng sản Pathet Lào, Lý theo Mỹ. Hai thị tộc này rất quan trọng trong bài.)
Lyfoung
 
Lò Blia Yao
Một thừa kế nhân chủ yếu của chiến tranh Pa Chay và Pháp là Lo Blia Yao. Đầu năm 1917, ông thay thế Moua Tong Ger làm xã trưởng Nong Het, biến ông thành lãnh tụ tối cao ( chỉ trên danh nghĩa, không chính thức) của toàn thể bộ tộc Hmong. Đó là một sự kiện biểu hiệu một sự quay lại với hệ thống hành chính cổ truyền Hmong tại Lào. Thị tộc định cư đầu tiên ở Lào là họ Lo. Họ Moua, họ Ly đến sau, tiếp theo là các thị tộc khác. Với quyền kẻ đến trước, họ Lo thống trị các thị tộc khác về mặt chính trị. Tập tục này chấm dứt với cuộc nổi dậy (thất bại) năm 1896 kết thúc sự nghiệp chính trị của Lo Pa Sy và đưa đẩy Moua Tong Ger lên chính trường. Nhưng họ Lo vẫn giữ được ảnh hưởng nặng nề của truyền thống trong thị tộc, nên khi Moua Tong Ger cáo lão về hưu, Lo Blia Yao có thể phục hồi các đặc quyền truyền thống của dòng tộc.
Lo Blia Yao theo Pháp triệt để. Trên cương vị trưởng tộc (kai tong) ông hăng say làm việc để xây dựng một cơ sở giao thiệp tốt với công sứ Pháp, và tiếp tục tài bồi thiện chí này trong chức vụ xã trưởng. Ông ta trở nên giàu có. Khi các trưởng làng khiếu nại về công tác lao dịch, Lo Blia Yao dựa vào đó thuyết phục công sứ Pháp tăng lương 30/100. Nhưng thay vì trả số lương tăng thêm ấy cho lao công, Lo Blia Yao đút túi hết số tiền đó. Khi người Pháp làm ngơ giả mù trước thủ đoạn lừa bịp này, lao công Hmong căm hận sự bóc lột của Lo. Một khi phong trào khởi nghĩa Pa Chay bùng nổ, nhiều người gia nhập phiến loạn chỉ vì muốn tiêu diệt Lo Blia Yao.
Bây giờ Pa Chay chết và người Pháp vãn hồi quyền cai trị, Lo Blia Yao sắp đặt để trả thù. Người Pháp giúp đỡ bằng cách ban phát thêm nhiều quyền hành. Sau khi ban tặng Lo Blia Yao với huân chương quân đội ( 7 huy chương ông ta hãnh diện đeo trên ngực áo mỗi dịp lễ hội) viên công sứ nâng Nong Het từ xã lên hạt và bổ nhiệm Lo Blia Yao làm hạt trưởng, một chức vụ cao nhất của Hmong trong hàng quan lại cả nước. Hạt mới được sát nhập thêm vào vài làng lớn ven biên, nâng tổng số cư dân dưới quyền Lo Blia Yao lên đến khoảng 6 – 7000 người, và vì vị thế quan lại duy nhất người Hmong, quyền hành gián tiếp bao trùm hầu hết các làng Hmong giữ Nong Het và Xiêng Khoảng.
Hành động đầu tiên với cương vị hạt trưởng là tống tiền để thả các phiến quân trong tù. Các gia đình nộp một khoản tiền nhỏ để mua lại tự do cho chồng, con, anh em… Với số tiền ấy, Lo Blia Yao xây một tư dinh hai tầng lầu bằng đá, kiểu Âu Châu, nơi 4 người vợ, 50 đứa con và bà con ruột thịt cư ngụ. Ông cũng mua thêm bò cho trang trại đã có sẵn hàng ngàn con của ông trên những đồi cỏ gần tư thất mới của ông ở Pak Lak. Một người tù không được thả lại là đứa cháu phản loạn của ông, Lo Song Zeu, kẻ tha chết cho ông chú hồi phong trào Pa Chay đang lên cao. Mặc dù dân chúng đòi thả Song Zeu vì anh ta vẫn được ngưỡng mộ như anh hùng dân gian, và cộng với tiền nạp mạng của gia đình, Lo Blia Yao không thể tha thứ mưu toan ám sát của người cháu. Song Zeu chết trong nhà tù Xiêng Khoảng. Có tin đồn là bị lính gác đầu độc.
Trong khi có vẻ không có gì che khuất được hào quang của vì sao đang mọc Lo Blia Yao, một thảm cảnh gia đình xảy ra năm 1922 thay đổi hoàn toàn cuộc đời chính trị của ông. Năm ấy, đứa con gái yêu dấu nhất của ông tên May tự tử. Bốn năm trước cô lấy chồng tên Ly Foung. Lo Blia Yao cho rằng con gái ông tự tử vì thất tình.
Từ ban đầu Lo Blia Yao đã không bằng lòng cuộc hôn nhân này. Ly Foung đã gần ngũ tuần, lại có 2 vợ và là một người nhiều tham vọng. Lo Blia Yao tin rằng Ly Foung cưới con gái mình chỉ vì tài sản và hồi môn. Nhưng May đã phá hỏng ý định của cha và đồng lõa trong việc dàn cảnh vụ bắt cóc nàng – tập tục Hmong, chỉ bắt cóc mới có thể cưỡng ý cha mẹ. Để gỡ thể diện Lo Blia Yao thách cưới bằng một giá quá cao, buộc Foung phải ở rể, làm lụng như một người làm công. Lo Blia Yao không ngờ đó cũng chính là ước muốn của Ly Foung. Từ lâu Foung đã tìm mọi cách lọt vào gia đình ấy. Foung làm thư ký riêng cho cha vợ và không bao lâu, học được cách làm việc với người Pháp của ông ta. Lo Blia Yao có lẽ sẽ giao phó những chức vụ quan trọng hơn cho con rể, nhưng tình thân trở nên nguội lạnh khi ông biết chàng con rể có tật đánh vợ. Khi May nuốt thuốc phiện tự tử, Lo Blia Yao cách chức Ly Foung và cắt đứt mọi liên hệ với họ Ly.
Căng thẳng giữa họ Ly và Lo kéo dài tới 6 năm sau. Lo sợ rằng sự thù nghịch sẽ đưa đến xung đột võ trang, người Pháp tái cải tổ hạt Nong Het thành 2 xã lớn là Keng Khoai và Phac Boun, bỏ một hạt trưởng lấy 2 xã trưởng vì như thế, quyền lực được san sẻ giữa hai thị tộc.Keng Khoai thuộc họ Lo, Phac Boun thuộc họ Ly.
Lo Blia Yao tiếp tục làm xã trưởng nhiều năm và ngày càng già yếu. Con cả của ông là Lo Song Tou thay ông làm xã trưởng Keng Khoai. Ly Foung cũng già và nghĩ đến việc kế vị. Ba vợ của Ly Foung có nhiều con trai nhưng đứa con trai út là con của May thì thông minh khôn khéo nhất, tên Ly Foung Touby, đầy triển vọng. Ly Foung đã sắp đặt tương lai cho Touby nhưng hiện giờ thì con trai cả được kế vị xã trưởng Phac Boun. Mối gia thù giữa Ly Foung và Lo Blia Yao đã chính thức truyền sang đời thứ hai.
Foung không để lại mọi thứ cho các con trai. Năm 1931 ông tự hành động một mình để triệt hạ Lo Blia Yao. Lo Blia Yao vẫn ăn chận tiền lao công và Ly Foung tố giác ông ra tòa. Đối với Lo Blia Yao, đó là mối nhục lớn. Trong một phản ứng đầy thách đố, Lo Blia Yao xúi một số trưởng làng ngưng bán thuốc phiện cho các viân chức thu mua của chính quyền. Người Pháp không buồn lưu ý. Ai cũng biết Lo Blia Yao nghiện rượu và thuốc phiện. Kiên nhẫn sẽ giải quyết mọi việc.
Không đầy 2 năm sau Lo Blia Yao chết. Chức trưởng tộc Lo truyền lại cho con cả, Lo Song Tou, người thừa kế 1000 nén bạc, 2000 quan Pháp, hơn 1000 trâu bò ( trị giá khoảng vài triệu Mỹ kim ngày nay). Với gia sản to lớn ấy, khó có thể tiêu phí cạn kiệt trong thời hạn ngắn. Lo Song Tou cờ bạc, cho gái, và ham mê săn bắn voi, cọp, tê giác … xao lãng công việc. Sự tắc trách của các viên chức bản xứ rất phổ biến. Người Pháp không lo lắng thái quá cho đến khi Song Tou không chu toàn bổn phận thu thuế. Ly Foung không bỏ qua cơ hội để loại trừ họ Lo khỏi chính trường. Hứa hẹn bỏ tài sản của mình bù vào việc thiếu hụt, Ly Foung thuyết phục người Pháp truất chức Lo Song Tou và để cho mình kiêm nhiệm cả hai. Họ Lý thành công. Ly Foung quản nhiệm cả 2 xã Keng Khoai và Phac Boun.
Lo Faydang, em của Song Tou nổi giận. Ông khiếu tố với người Pháp nhằm vô hiệu phán quyết, nhưng bị từ khước. Không nản chí, Lo faydang lên kinh đô, kháng cáo với thái tử Phetsarath, tổng thanh tra nội vụ, người điều hành hệ thống hành chính thối nát Lào và được ủy quyền vổ nhiệm hay truất phế mọi chức vụ trong hành chính Lào. Lo Faydang hối lộ thái tử một sừng tê giác khổng lồ, lên nước và nổi vân nhờ dầu bóng. Quà hối lộ mang lại hiệu quả. Phetsarath ban hành một sắc lệnh cho phép Lo Faydang kế vị Ly Foung cai quản Keng Khoai một khi Ly Foung tạ thế. Nhưng khi Foung chết năm 1939, người Pháp làm ngơ sắc lịnh thái tử và phong con trai út của Ly Foung, Touby, nhận chức xã trưởng.
Người Pháp không thể ngăn được việc ưa chuộng Ly Foung Touby hơn Lo Faydang, một ông già bất tài, thất học. Những ngờ vực về năng lực của họ Lo cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc tín nhiệm Ly Foung Touby. Nhưng điểm chính là học vị của Touby. Ông theo học Lycée Pháp ở đồng bằng. Học luật và hành chính ở Vientiane, nói tiếng Pháp như người Pháp và yêu nước Pháp. Với người Pháp, đó là những ưu điểm không gì sánh được.
Lo Faydang thề trả thù, không chỉ trả thù người Pháp mà còn với Ly Foung Touby nữa. Dưới con mắt Faydang, Touby là kẻ thù không đội Trời chung. Sau này ông lập ra một quy luật suốt đời rằnghễ Touby làm gì thì ông làm ngược lại, bất kể lý lẽ. Về phần Touby, ông cảm thấy có bổn phận hòa giải với Lo Faydang. Dù sao chăng nữa, Faydang cũng là chú họ. Liên hệ gia quyến của người Hmong không dễ dàng chối bỏ. Touby đề xướng sự hòa giải bằng một lá thư trao cho một người trung gian. Không có hồi âm vì Faydang không thể tha thứ được điều mà ông gọi là phản trắc đối với gia đình ông. Touby bất đắc dĩ nhìn nhận thực trạng rằng Faydang là một kẻ thù không thể lay chuyển, là kẻ đáng gờm và nếu có dịp, đáng trừ khử.
Dần dà mối gia thù giữa 2 trưởng tộc biến thành tranh chấp giữa 2 thị tộc với mỗi bất đồng nhỏ có thể khuếch đại thành nguyên nhân cho sự thù hận giửa Lo và Ly. Một sự cố riêng biệt trở thành một nguyên nhân vang dội. Như họ Lo đã kể, họ Ly và Lo ganh đua nhau giành một thiếu nữ. Cô hất hủi họ Ly và cưới họ Lo. Kẻ bị tình phụ tổ chức đánh cướp và bắt cóc cô gái. Họ Lo đòi bồi thường phí tổn đã trả cho đàng gái và một khoản phạt vạ tội bắt cóc, nhưng họ Ly không trả đồng nào hết. Sự cố này chỉ khơi sâu thù hận của họ Lo với họ Ly khiến nhiều họ Lo ngả về phe Faydang chống lại Touby.
Họ Ly cũng có câu chuyện của họ. Đàu năm 1950 khi lực lượng Pháp chạm súng với Việt Minh gần Nong Het, hàng trăm gia đình Hmongchạy loạn. Thị tộc Lo chạy sang Việt Nam trong khi họ Ly chạy về Cánh Đồng Chum. Trong lúc lộn xộn, một người vợ họ Ly lạc mất chồng. Em cùng cha khác mẹ với Lo Faydang là Lo Sao tìm thấy bà họ Ly trong rừng và mang bà sang Việt Nam. Trong vòng vài tháng họ sống như vợ chồng. Sau khi Việt Minh đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ giữa năm 1954, họ Lo hồi cư về Nong Het. Lo Sao trả người vợ về làng với ý định nếu người chồng không chấp nhận, người vợ có thể trở lại với Lo Sao như vợ chồng chính thức. Cuộc tái ngộ không được hoan hỉ lắm. Khi người chồng họ Ly biết chuyện, ông tụ họp một nhóm người trong họ, võ trang dao búa. Họ lôi Lo Sao về làng và đánh đập gần chết.
Tuân theo luật là hễ Ly Foung Touby làm gì thì họ Lo phải làm ngược lại, Faydang sáng lập Liên minh kháng chiến Hmong, một lực lượng du kích họ Lo dưới quyền chỉ huy của ông, giúp người Nhật tìm bắt biệt kích Pháp. Sau khi Nhật thua trận, Faydang tiếp tục mối thù dòng tộc chống Pháp bằng cách liên kết với Việt Minh. Khi người Mỹ thay thế người Pháp ở Lào, Ly Foung Touby theo phe Mỹ, Faydang đương nhiên chống Mỹ và gia nhập Pathet Lào.